NHỮNG VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ TỔNG HỢP HÌNH PHẠT TÙ VỚI ÁN TREO TRONG THỰC TIỄN XÉT XỬ HIỆN NAY
NHỮNG VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ TỔNG HỢP HÌNH PHẠT TÙ VỚI ÁN TREO
TRONG THỰC TIỄN XÉT XỬ HIỆN NAY
TRONG THỰC TIỄN XÉT XỬ HIỆN NAY
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự quy định tại khoản 1 và 5 thì:
“1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm…
5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự thì người nào được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách (không phân biệt tội cố ý hay vô ý) thì đều bị Tòa án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước rồi tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Việc quy định như vậy cũng tương đối là rõ ràng, song vấn đề đặt ra ở đây là có phải bất cứ trường hợp nào mà một người đã được hưởng án treo lại phạm tội trong thời gian thử thách thì tòa án không thể cho họ được hưởng án treo một lần nữa không? Thực tiễn xét xử hiện nay, chúng ta vẫn thường cho rằng nếu bất kỳ ai mà phạm tội trong thời gian thử thách thì đều không được hưởng án treo một lần nữa, theo chúng tôi nhận thức như vậy cũng chưa phải là đúng, vì có nhiều trường hợp người phạm tội trong thời gian thử thách nhưng là loại tội do vô ý, chứ không phải do cố ý, nếu chúng ta cứ cho rằng họ phạm tội trong thời gian thử thách để làm căn cứ quyết định áp dụng hình phạt tù giam mà không dám cho họ hưởng án treo một lần nữa là việc vận dụng quá “cứng” và máy móc. Chúng tôi cho rằng kể cả họ có phạm tội trong thời gian thử thách nhưng đó là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng do vô ý và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì chúng ta vẫn có thể cho họ được hưởng án treo một lần nữa và tổng hợp như trường hợp tổng hợp hình phạt của cải tạo không giam giữ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 là:
“a/ nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn”.
Tại Điều 51 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án của Bộ luật hình sự có quy định:
“1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này…”
Thực tế có nhiều trường hợp một người đang được hưởng án treo, sau đó lại phát hiện trước đó họ có hành vi phạm một tội khác mà hành vi này xảy ra trước khi có bản án treo. Trong trường hợp này nếu người đó lại bị xét xử thì có thể xảy ra hai trường hợp có thể người đó bị áp dụng hình phạt tù hoặc có thể được cho hưởng án treo một lần nữa, thì vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp này được thực hiện như thế nào đặc biệt là tổng hợp các bản án treo với nhau. Đây là vấn đề đang có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng “trong trường hợp một người đã được Tòa án cho hưởng án treo sau đó lại bị xét xử về hành vi phạm tội xảy ra trước khi có bản án treo và lại được Tòa án cho hưởng án treo một lần nữa thì Tòa án không được tổng hợp các bản án treo. Trong trường hợp này, cả hai bản án treo đều song song tồn tại và người bị kết án đồng thời phải chấp hành cả hai bản án treo”.
Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi chúng ta cần lưu ý tới hướng dẫn của Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 08/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại điểm 2 mục IV đó là:
“… Nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo lại bị phạt tù về tội đã thực hiện trước khi bị phạt tù và được hưởng án treo thì tùy trường hợp, Tòa án có thể cho hoặc không cho hưởng án treo một lần nữa. Nếu Tòa án không cho hưởng án treo một lần nữa và người bị kết án chấp hành hình phạt tù trong thời gian thử thách của án treo thì thời gian chấp hành hình phạt tù được tính vào thời gian thử thách của án treo. Nếu cho người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa, thì Tòa án tổng hợp hình phạt tù của hai bản án. Trong trường hợp này cần chú ý là chỉ khi hình phạt chung của cả hai bản án không vượt quá năm năm tù (đối với Bộ luật hình sự năm 1985, còn đối với khoản 1 Điều 60 BLHS năm 1999 là ba năm tù) thì mới cho hưởng án treo và thời gian thử thách chung không được dưới một năm, không được quá năm năm và không được ít hơn mức hình phạt chung…”.
Cho tới nay, Bộ luật hình sự năm 1999 đã được thi hành hơn mười năm, song vẫn chưa có văn bản hay Nghị quyết nào thay cho hướng dẫn nêu trên, do vậy chúng tôi cho rằng Nghị quyết 01 của HĐTPTANDTC ngày 08/10/1990 vẫn được vận dụng trong hoạt động xét xử và như vậy một người được hưởng án treo nhưng phạm tội trong thời gian thử thách cũng như một người đang chấp hành một bản án treo nhưng lại bị xét xử về một hành vi phạm tội trước đó, vẫn có thể cho họ được hưởng án treo một lần nữa và vẫn tổng hợp theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự, với điều kiện mức hình phạt của cả hai bản án không quá ba năm tù.
Một vấn đề nữa chưa rõ ràng và bất lợi cho người phạm tội đó là: Theo quy định tại Điều 50, 51 thì khi người phạm tội được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì nếu họ phạm tội mới, thì nếu hình phạt mới cũng là hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc là hình phạt tù thì khi tổng hợp hình phạt họ đều được trừ đi thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, sau đó mới quy đổi thời gian cải tạo không giam giữ mà họ chưa chấp hành theo quy định cứ ba ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù để tổng hợp.
Trong khi đó những người được hưởng án treo nhưng phạm tội trong thời gian thử thách thì lại không được trừ đi thời gian mà họ đã chấp hành bản án treo, thậm chí có nhiều trường hợp đã chấp hành xong toàn bộ thời gian được hưởng án treo, chỉ còn vài ngày là hết thời gian thử thách, song họ vẫn bị chuyển toàn bộ mức hình phạt án treo của bản án trước thành hình phạt tù giam để tổng hợp. Theo chúng tôi đây là những quy định rất bất lợi cho bị cáo có phần trái với quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự là “thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung…”. Do vậy, để bảo đảm công bằng cũng cần có hướng dẫn thời gian chấp hành hình phạt án treo mà họ đã chấp hành ở bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Đây là vấn đề phức tạp rất mong có nhiều ý kiển đóng góp để hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự.
Để áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự một cách thống nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007. Hướng dẫn một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, trong đó tại điểm 6.3 của Điều 6 có hướng dẫn
“6.3. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự”.
Và tại điểm 6.5 hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo, cụ thể như sau:
“a. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo (có thể mức hình phạt tù thay đổi) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.
b. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
c. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp Giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
d. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm bị hủy để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc phúc thẩm lần sau theo hướng dẫn tại các điểm a, b, c tiểu mục 6,5 này”
Sau khi đã có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là hướng dẫn tại điểm 6.3 thì có thể hiểu, trong mọi trường hợp bất cứ người nào được hưởng án treo mà phạm tội trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp, mức án treo đã được tuyên ở bản án trước sẽ được chuyển thành án giam, tổng hợp với mức hình phạt của bản án mới, buộc người này phải chịu hình phạt chung cho cả hai bản án theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Cho dù bản án trước chưa có hiệu lực pháp luật, nếu Thẩm phán nào không tổng hợp theo quy định tại Điều 60 và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 01 thì bản án sẽ bị hủy. Theo chúng tôi, đã là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn thì bắt buộc các Tòa án cấp dưới phải chấp hành. Song thực tế hiện nay, qua nghiên cứu chúng tối thấy vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi phân tích và nêu một số quan điểm để các bạn đồng nghiệp tham khảo và góp ý.
Thứ nhất: các điều 50, 51 BLHS chỉ quy định việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án trong trường hợp các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, hoặc cả hai loại hình phạt này, chứ không quy định việc tổng hợp hình phạt giữa tù có thời hạn với án treo.
Thứ hai: Tại khoản 5 Điều 60 và điểm 6,3 Điều 6 của Nghị quyết số 01 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ quy định và hướng dẫn, nếu người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước, chứ cũng không có quy định chuyển mức hình phạt án treo thành hình phạt tù giam để tổng hợp.
Thứ ba: Việc hướng dẫn của Nghị quyết số 01 như “…người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Tòa án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước…”, theo chúng tôi là chưa hợp lý vì hướng dẫn như vậy, thì kể cả trường hợp một người nào đó được hưởng án treo và kể cả trường hợp bản án chưa có hiệu lực pháp luật mà phạm tội mới thì hình phạt án treo của người đó đã được tuyên sẽ được chuyển thành án giam để tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Ví dụ: Nguyễn Văn D bị Tòa án thành phố BN xử 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Án sơ thẩm xử xong được chín ngày thì D lại phạm tội trộm cắp và bị xử 12 tháng tù về tội trộm cắp, xong Thẩm phán chủ tọa cho rằng bản án cho D hưởng án treo chưa có hiệu lực nên đã không tổng hợp hình phạt mà chỉ buộc D phải chấp hành cả hai bản án vừa án treo, vừa án giam. Việc xét xử như vậy nếu đối chiếu theo hướng dẫn tại điểm 6.3 Điều 6 là không đúng. Do vậy bản án đã bị kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm và bị hủy để xét xử lại.
Chúng tôi không nhất trí với việc hướng dẫn như vậy vì: Tại Điều 72 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, được sửa đổi, bổ sung theo NQ số 51/2001/QH 10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội và Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Tại Điều 255 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định “Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật…”.
Trong trường hợp ví dụ trên, rõ ràng bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án thành phố BN xét xử Nguyễn Văn D 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội trộm cắp là chưa có hiệu lực pháp luật, vì khi D phạm tội mới thì bản án xét xử đối với D mới là chín ngày, vẫn trong thời hạn chống án, mà bản án chưa có hiệu lực thì cũng chưa thể coi D là người có tội và phải chịu hình phạt vì bản án đối với D thực chất cũng chưa có quyết định được thi hành. Do vậy, việc tổng hợp hình phạt đối với D theo Điều 51 Bộ luật hình sự là bất lợi cho D, giả xử bản án của Tòa án thành phố BN mà có kháng cáo, kháng nghị và Tòa án cấp phúc thẩm thấy chưa đủ cơ sở để kết tội bị cáo thì sao. Vì trên thực tế có những vụ án hai lần bị tuyên án tử hình sau đó vẫn phải đình chỉ vì không đủ chứng cứ kết tội người bị coi là phạm tội và việc bắt D phải chấp hành hình phạt của bản án chưa có hiệu lực cũng là trái với quy định của Hiến pháp và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Như chúng ta biết, Hiến pháp là đạo luật cao nhất, tất cả các Bộ luật khác cũng như các văn bản pháp quy khi được ban hành cũng đều không được trái với quy định của Hiến pháp, nếu trái với Hiến pháp thì có thể bị coi là vi hiến. Để khắc phục những bất cập và vướng mắc như trên chúng tôi kiến nghị cần sớm sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng:
- Cần quy định bổ sung rõ việc tổng hợp giữa hình phạt cho hưởng án treo với hình phạt tù giam trong điều 51 Bộ luật hình sự, như quy định về việc tổng hợp và quy đổi hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù giam tại Điều 50 Bộ luật hình sự cụ thể: Điểm b Điều 50 quy định “nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp hình phạt chung…” Như vậy, Theo chúng tôi tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cần bổ sung “Trong trường hợp nếu hình phạt của bản án trước là án treo thì hình phạt án treo của bản án trước được chuyển thành án tù giam để tổng hợp với hình phạt của bản án mới rồi quyết định hình phạt chung của cả hai bản án”.
- Cần bổ sung cách tính thời gian thử thách tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự như hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d tiểu mục 6.5 điểm 6 của Nghị quyết số 01 của Hội Đồng Thẩm phán ngày 02/10/2007
- Cần bỏ hướng dẫn tại tiều mục 6.3 điểm 6 Nghị quyêt số 01 nêu trên vì hướng dẫn như vậy là bất lợi cho bị cáo, và trái với quy định của Hiến pháp và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tránh trường hợp như hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người đánh bạc theo hình thức chơi số đề, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình nhưng vẫn được áp dụng một thời gian dài mới được sửa đổi, gây bất lợi cho rất nhiều người.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!