Sổ tay soạn thảo văn bản tố tụng
SỔ TAY SOẠN THẢO VĂN BẢN TỐ TỤNG*
Trung tâm Tư pháp Quốc gia
1991
Ấn phẩm này của Trung tâm Tư pháp Liên bang được thực hiện trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Các ý kiến phân tích và khuyến nghị nêu trong ấn phẩm này là của Ban Biên tập. Đối với các vấn đề chính sách, Trung Tâm chỉ phát ngôn thông qua Hội đồng của mình được thành lập theo quy định của pháp luật.
*Chú thích của Dự án USAID STAR-Plus: Tên gọi của tài liệu trong bản gốc tiếng Anh là Judicial Writing Manual (tạm dịch là Sổ tay soạn thảo ý kiến tư pháp). Nội dung của sổ tay này nhằm hướng dẫn thẩm phán và thư ký Tòa án tại Hoa Kỳ soạn thảo ý kiến tư pháp. “Ý kiến Tư pháp” là văn bản giải trình của tòa án về các phán quyết mà tòa đưa ra. Đây là một dạng văn bản tố tụng rất phổ biến trong hệ thống Luật Chung (Common Law). Nội dung Sổ tay được các thẩm phán và thư ký tòa án ở Hoa Kỳ đánh giá rất cao. Mặc dù Việt Nam không phải là một nước theo hệ thống Luật Chung, song chúng tôi thiết nghĩ nội dung của cuốn Sổ tay này có thể sẽ hữu ích cho các thẩm phán và thư ký của tòa án Việt Nam trong quá trình soạn thảo các văn bản liên quan tới công việc chuyên môn của mình.
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin dùng khái niệm “văn bản tố tụng” thay cho thuật ngữ “ý kiến tư pháp” trong tài liệu này.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Mối liên hệ giữa Tòa án và người dân được thể hiện bằng những gì được viết ra dưới dạng văn bản, đó là những văn bản tố tụng mà tòa án muốn trao đổi với các bên tranh tụng, luật sư, các tòa án khác và với người dân nói chung. Cho dù hiến định và luật định về thẩm quyền của tòa án là gì đi chăng nữa thì cuối cùng văn bản do tòa án viết ra vẫn là khởi nguồn và là thước đo thẩm quyền của tòa án.
Chính vì vậy, một quyết định chính xác của tòa án vẫn là chưa đủ - quyết định đó phải công bằng, hợp lý và dễ hiểu. Một phán quyết mà tòa đưa ra phải được giải thích, thuyết phục và làm cho cả thế giới hài lòng vì quyết định đó là quyết định đúng đắn và có cơ sở. Tòa án viết gì và viết như thế nào là những vấn đề quan trọng không kém so với những gì tòa án quyết định. Điều này không chỉ quan trọng đối với người đọc mà cả đối với người soạn thảo văn bản. Bởi vì đây là văn bản do chính tòa án viết ra thể hiện tư duy sâu xa của tòa án. Đúng như Ambrose Bierce đã nói trong tác phẩm Viết cho Đúng cách (Write It Right) của mình: “Soạn thảo văn bản đúng cách, về cơ bản, là sự hiện hữu hóa tư duy mạch lạc”
Nhằm phục vụ cho việc soạn thảo văn bản tư pháp, Trung tâm Tư pháp Liên bang đã soạn thảo cuốn sổ tay này. Đây không phải là một công bố chính thống về phương thức soạn thảo đúng cách – vốn là một nội dung đã được đề cập trong nhiều văn bản. Thực chất, đây là sự chắt lọc những kinh nghiệm và thể hiện quan điểm của một nhóm các thẩm phán có kinh nghiệm với sự hỗ trợ của một ban biên tập có chuyên môn. Cuốn sổ tay này không tiếp cận vấn đề soạn thảo một văn bản tố tụng đúng đắn cũng như sẽ không mô tả một cách chính xác về quy trình soạn thảo này giống như cách mà những người khác đã làm, bởi quy trình này là một quy trình mang đậm dấu ấn cá nhân của từng thẩm phán. Tuy nhiên, những quy tắc và nguyên tắc đã được mọi người cùng chấp nhận trong việc soạn thảo một văn bản tố tụng đúng đắn sẽ được thể hiện và được nêu trong tài liệu này.
Chúng tôi hy vọng rằng Cuốn sổ tay này sẽ có tác dụng đối với các thẩm phán và thư ký tòa án.
William W Schawarzer
Lời cám ơn
Trung tâm Tư pháp Liên bang và ban biên tập xin trân trọng cám ơn các thẩm phán sau – những người đã tham gia trả lời phỏng vấn qua điện thoại để trao đổi với chúng tôi về những kinh nghiệm cũng như chia sẻ quan điểm của mình về quy trình soạn thảo các văn bản tố tụng. Những ý kiến đóng góp của họ đã góp phần cơ bản tạo nên Cuốn sổ tay này.
Stephen Breyer, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Gerald, B. Tioflat, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Patricia M. Wald, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Ruggero J. Aldisert, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Richard S. Arnold, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Frank S. Arnold, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Wilfred Feinberg, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
John J. Gibbons, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ, đã nghỉ hưu
Ruth Bader Ginsburg, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Frank M. Johnson, Jr., Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
James K. Logan, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Monroe G McKay, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
James Dickson Phillips, Jr., Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Richard A.Posner, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Joseph T. Sneed, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
J. Clifford Wallace, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
John Minor Wisdom, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Robert E. Keeton, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Prentice H. Marshall, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Louis H. Pollak, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
William W Schawarzer, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Jack B. Weistein, Chánh Tòa Khu vực Hoa Kỳ
Lloyd King, Chánh Tòa Phá sản Hoa Kỳ
Robert E. Ginsberg, Thẩm phán Phá sản Hoa Kỳ
Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn Chị Carol Krafka, cán bộ của Bộ phận Nghiên cứu – người đã tiến hành phỏng vấn và biên tập các bản viết do Bộ phận Nghiên cứu của Trung tâm soạn thảo và xin cảm ơn Ông David Marshal và Scot Filderman vì đã giúp hiệu đính tài liệu này.
Phần 1.
Dẫn nhập
Văn bản tố tụng có 3 chức năng. Chức năng thứ nhất là truyền đạt các kết luận của tòa và lý do dẫn tới các kết luận đó tới cho các bên đương sự và luật sư của họ. Chức năng thứ hai là khi được đăng tải, các văn bản tố tụng góp phần công bố luật pháp áp dụng tới các luật sư, thẩm phán, học giả và những đối tượng quan tâm khác. Chức năng thứ ba là làm rõ các lập luận của Tòa án và thể hiện mức độ hỗ trợ đầy đủ của các án lệ.
Ý kiến của tòa án phải rõ ràng, chính xác và khách quan. Ý kiến này phải phản ánh được toàn bộ các tình tiết quan trọng và các quy tắc có liên quan của pháp luật, đồng thời những tình tiết và các quy tắc này phải được thể hiện thông qua việc phân tích một cách hợp lý đối với những kết luận được đưa ra. Việc trình bày sai các tình tiết hoặc kết luận thể hiện sự cẩu thả, hơn nữa sự cẩu thả này hủy hoại uy tín của Tòa án. Một văn bản tố tụng được soạn thảo không rõ ràng hoặc mơ hồ thể hiện sự thiếu tư duy rành mạch của người viết và ảnh hướng xấu tới chức năng và mục đích của một văn bản tố tụng.
Mục đích của Cuốn sổ tay này là khuyến khích các thẩm phán và thư ký suy nghĩ nghiêm túc về quy trình soạn thảo các văn bản tố tụng của mình. Vấn đề đặt ra là không chỉ đưa nội dung gì vào văn bản hoặc loại trừ nội dung gì ra khỏi văn bản tố tụng mà còn làm thế nào để soạn thảo một văn bản tố tụng cho đúng cách văn bản đó. Chúng tôi hy vọng các thẩm phán và các thư ký của tòa án mới được bổ nhiệm sẽ là người sử dụng chủ yếu Cuốn sổ tay này. Vì vậy, cách tiếp cận của chúng tôi đối với vấn đề này chủ yếu đứng từ góc độ mô tả các nội dung cần cân nhắc ở mỗi giai đoạn soạn thảo và biên tập văn bản; khuyến nghị các kỹ năng về tổ chức, cấu trúc và văn phong; đồng thời giải thích các lý do đưa ra khuyến nghị.
Cuốn sổ tay này cũng sẽ có tác dụng giúp các thẩm phán có kinh nghiệm nhìn nhận lại từ góc độ mới cách thức soạn thảo một văn bản tố tụng của mình. Giáo sư Robert Leflat đã viết như sau:
“Thái độ tự mãn của người viết không phải lúc nào cũng xấu. Chính thái độ này có thể giúp con người làm việc chăm chỉ và cẩn thận hơn. Những văn bản tố tụng được soạn thảo nghèo nàn thường là “tác phẩm” của những thẩm phán không biết tự hào về sản phẩm của mình, họ coi đây chỉ là những công việc chán phèo tẻ nhạt. Niềm tự hào đối với công việc được hoàn thành một cách chỉn chu là điều dễ gặp trong mọi lĩnh vực kể cả luật pháp. Nếu một tài liệu được soạn thảo mà người viết không tự hào về nó thì đó là một điều không tốt”.
Mục đích của Cuốn sổ tay này không phải là để tuyên bố về một cách thức đúng đắn duy nhất để soạn thảo một văn bản tố tụng. Có thẩm phán đã từng nói “Tôi có một quy tắc rất hay. Đó là không nên đặt ra bất cứ quy tắc nào hết”. Quả thật, trong một tài liệu hàng đầu bàn về cách thức soạn thảo văn bản đúng đắn, E.B.White đã công nhận rằng “các quy tắc về văn phong là vấn đề mang tính cá nhân, ngay cả những quy tắc ngữ pháp thành văn cũng đều có thể bị nghi vấn”.
Thay vào đó, mục đích của Cuốn sổ tay này là để khuyến khích các thẩm phán (dù có đồng ý hay không đồng ý với những gì được viết ra ở đây – và chắc chắn là có những điều không phải ai cũng đồng ý) tư duy về việc soạn thảo các văn bản tố tụng của mình một cách có hệ thống như thể họ làm với công tác xét xử. Các thẩm phán nên tự hỏi: mình đang viết theo cách này có phải vì đây là cách mình thường làm không, hay có thể có cách viết khách hay hơn? Việc soạn thảo văn bản tố tụng theo cấu trúc này vì có lý do gì? Có lý do gì để đưa vào văn bản tố tụng này các tình tiết cụ thể? Nên bàn đến chi tiết vụ việc này ra sao? Viện dẫn vụ việc này như thế nào? Bản án này đã rõ ràng hay chưa? Tất cả những từ ngữ sử dụng trong văn bản đã chính xác chưa?
Trong những phần tiếp theo, Sổ tay sẽ hướng dẫn người đọc tìm hiểu toàn bộ quá trình soạn thảo một văn bản tố tụng. Phần 2 sẽ đưa ra một số ý kiến đề xuất mà các thẩm phán cần xem xét khi soạn thảo văn bản tố tụng, để họ quyết định xem có nên trình bày toàn bộ ý kiến của mình đối với một biên bản ghi nhớ hoặc một ý kiến chưa được công bố hay không và khi nào thì cần trình bày ngắn gọn và khi nào thì không nên. Phần 3 bàn về các bước mà thẩm phán cần làm trước khi chắp bút cho văn bản tố tụng của mình trong đó bao gồm cả việc lập dàn ý và phương thức sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các thư ký tòa án. Phần 4 bàn về bố cục, kết cấu và nội dung của văn bản tố tụng. Phần 5 đề xuất về văn phong, từ ngữ và hiệu đính đối với văn bản tố tụng. Phần 6 bàn về những nội dung cần cân nhắc khi nhiều thẩm phán cùng nhau soạn thảo một văn bản tố tụng hoặc nhận xét của một người về ý kiến của các đồng nghiệp khác tại tòa, hoặc bày tỏ sự phản đối hoặc đồng thuận đối với các nhận xét đó. Phần 7 bao gồm một thư mục về những cuốn sách và bài báo nên đọc dành cho những ai muốn tham khảo chi tiết hơn về vấn đề xây dựng một văn bản tố tụng. Các phụ lục đi kèm trình bày một số ví dụ về những nội dung được bàn tới trong tài liệu này.
Phần 2
Xác định phạm vi nội dung của một văn bản tố tụng
Văn bản tố tụng là tài liệu có chức năng thông báo cho các bên liên quan về kết quả giải quyết vụ việc. Trong đó người viết nêu ra các quy tắc pháp lý cơ bản làm tiền đề để đưa ra ý kiến và kết luận đối với vụ việc nhằm cung cấp thông tin cho những người có liên quan như tòa án, luật sư, giới học thuật và công chúng. Vì những quyết định thành văn mang cả hai chức năng (chức năng giải quyết vụ án và chức năng làm luật) nên các quyết định này có thể được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau. Quyết định này có thể là một bản án hoặc các lệnh ban hành theo thủ tục tố tụng ngắn gọn không được công bố hoặc là văn bản tố tụng theo mẫu đã được quy định. Trước khi viết, các thẩm phán cần xác định mục đích của một văn bản tư pháp để từ đó có cách viết cho phù hợp.
Cuốn sổ tay này sẽ đề cập tới 3 loại ý kiến thành văn: Ý kiến đầy đủ, biên bản ý kiến và các lệnh tóm tắt.
Ý kiến đầy đủ được thể hiện trong văn bản tố tụng là các ý kiến được trình bày và được phân tích theo một cấu trúc nhất định về các tình tiết, các nguyên tắc pháp lý và thẩm quyền quyết định. Tầm quan trọng hoặc số lượng vấn đề trình bày, tính mới của vấn đề và sự phức tạp của các tình tiết là một trong những yếu tố quyết định liệu những ý kiến này có được xem là loại ý kiến đầy đủ để đưa vào văn bản tố tụng hay không.
Biên bản ý kiến là hình thức áp dụng phù hợp trong trường hợp không cần phải có sự giải thích toàn diện đối với quyết định đưa ra song vẫn cần phải giải thích về lý do. Các văn bản tố tụng thể hiện các ý kiến này nhìn chung thường ngắn gọn và không chính thức. Ý kiến này có thể được công bố hoặc không được công bố. Các ý kiến theo tòa (per curiam) cũng được liệt vào dạng này. Phụ lục A có đưa ra ví dụ về một biên bản ý kiến.
Lệnh tóm tắt là hình thức chỉ đơn giản trình bày về kết quả giải quyết vụ việc, đôi khi có thể sẽ trình bày tóm lược về các quyết định và kết luận của tòa. Ở hình thức này thường có rất ít hoặc không có nội dung mang tính giải thích. Nhìn chung các lệnh tóm tắt sẽ không được công bố. Một ví dụ mẫu về lệnh tóm tắt được nêu trong Phụ lục B.
Tiếp theo là một số yếu tố các thẩm phán cần cân nhắc trước khi quyết định hình thức đối với văn bản tố tụng mà mình sẽ soạn thảo.
Các yếu tố cần cân nhắc
Có 3 yếu tố tác động tới phạm vi và văn phong của một văn bản tố tụng đó là tính phức tạp của các tình tiết và bản chất vấn đề; đối tượng độc giả; và liệu ý kiến đó có được công bố hay không. Mặc dù tài liệu này coi 3 yếu tố này khá độc lập song giữa chúng có sự tác động qua lại với nhau.
Tình tiết và các vấn đề
Sự phức tạp của các tình tiết và bản chất của các vấn đề pháp lý là các yếu tố cơ bản quyết định hình thức của một văn bản tố tụng sẽ được soạn thảo. Nếu các án lệ đã rõ ràng và các tình tiết cơ bản không phức tạp thì có thể giới hạn lại phạm vi của văn bản tố tụng này. Nếu luật điều chỉnh vẫn chưa chắc chắn hoặc các tình tiết cơ bản phức tạp hơn, thì cần phải có những giải trình và phân tích để giải thích lý do mà tòa án ra quyết định. Một số vụ án có tình tiết phức tạp hơn, thì phần giải thích về các tình tiết cần dài hơn mặc dù luật áp dụng chỉ là vấn đề đơn giản. Đối với những vụ án phát sinh các vấn đề pháp lý mới thì văn bản tố tụng cho những vụ án này cần phân tích rộng hơn về quy định pháp luật và chính sách.
Phạm vi của một văn bản tố tụng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của luật áp dụng trong lĩnh vực này. Các thẩm phán cần cân nhắc xem liệu trước đây vấn đề này đã bao giờ được quyết định một cách chính thống hay chưa? và liệu đã có một văn bản tố tụng khác đã có nhằm hỗ trợ cho việc phát triển hoặc diễn giải luật hay không? Người soạn thảo văn bản tố tụng cũng cần tự hỏi liệu văn bản tố tụng của mình có nên đề cập tới những gì chưa từng được đề cập trước đây hay không? Nếu một vấn đề nào đó trước đây đã từng được thể hiện rõ ràng trong những văn bản tố tụng thì văn bản tố tụng mới này không cần nhắc lại nguồn gốc của quy tắc mà chỉ tập trung vào nội dung cần được giải thích. Trong một số trường hợp, văn bản tố tụng chỉ cần xác nhận là đủ khi rơi vào trong các trường hợp như: Nếu quyết định của tòa chỉ đơn giản là để xóa bỏ kẽ hở trong pháp luật hiện hành, thì ngoài việc giải thích các quy tắc áp dụng cũng cần phải nêu lý do tại sao tòa án lựa chọn quy tắc này. Nếu quyết định đó góp phần vào việc phát triển pháp luật, thì nên đưa ra một ý kiến dưới hình thức ý kiến ngắn gọn, theo tòa (per curiam) được công bố hoặc chỉ là biên bản ý kiến. Lệnh tạm thời sẽ là hình thức phù hợp trong trường hợp chỉ cần áp dụng một cách đơn giản pháp luật hiện hành đã rất rõ ràng với các tình tiết không bị tranh chấp hoặc chỉ bị tranh chấp khi khiếu nại.
Tuy nhiên, nếu một văn bản tố tụng liên quan tới một lĩnh vực pháp luật chưa phát triển lắm, có tác dụng đặt nền móng cho một quy tắc mới hoặc sửa đổi một quy tắc cũ, thì người soạn thảo cần tư duy không chỉ về việc tại sao mình lại đưa ra quyết định đó mà còn cả về tác động của quyết định này với tư cách là một án lệ. Người soạn thảo văn bản tố tụng cần trình bày và phân tích các án lệ đã có trong lĩnh vực đã nêu, xu hướng mới của luật và hệ quả của quyết định này đối với hệ thống pháp luật hiện hành. Ngay cả khi các đương sự có vẻ như không cần tới một phần giải trình chi tiết về các tình tiết của vụ việc, thì văn bản tố tụng cũng vẫn cần phải nêu đầy đủ các tình tiết để người đọc hiểu được án lệ mà ý kiến tạo ra và phác họa các ranh giới của án lệ đó. Nội dung có liên quan và các chính sách có liên quan cần được phân tích đầy đủ và chi tiết để người đọc hiểu được cơ sở của phán quyết. Một quyết định “... chỉ có thể được chấp nhận là công bằng và khách quan nếu cơ sở lập luận để đưa ra quyết định đó là thỏa đáng và tất cả những nội dung cần xem xét đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng”.
Độc giả
Vì nội dung của các văn bản tố tụng là để xử lý các vụ án nên thường chúng được viết ra để dành cho đối tượng độc giả chính là các đương sự và luật sư của các bên và cho cả các tòa cấp dưới cũng như các cơ quan hữu quan. Nếu một văn bản tố tụng dành cho các bên, thì nội dung của nó phải bao gồm một phần trình bày chính xác và công bằng toàn bộ những gì mà tòa đã có làm cơ sở đưa ra quyết định. Cụ thể là tòa án đã quyết định những gì và lý do gì để đưa ra quyết định đó. Thường thì có thể thực hiện được các mục tiêu trên mà không cần tới một văn bản tố tụng đầy đủ. Trong những trường hợp này, do các bên đã quá quen thuộc với các tình tiết của vụ việc nên sẽ không quan tâm tới những nội dung phân tích pháp luật, mà họ chỉ quan tâm tới những gì được áp dụng đối với bên thua kiện.
Người soạn thảo văn bản tố tụng cần phải tự hỏi xem liệu ngoài các bên đương sự trong vụ án thì văn bản này có nhằm vào các đối tượng khác nữa hay không? Nếu có thì nội dung của văn bản này cần bổ sung thêm phần phân tích pháp lý và diễn biến thực tế gì? Mức độ phân tích ra sao và chi tiết tới đâu là phụ thuộc vào tính chất của vấn đề và đối tượng độc giả. Đối với đối tượng luật sư, thẩm phán có thể giả định mức độ hiểu biết và trình độ chuyên môn của họ ở một mức độ nhất định. Do đó, nếu vụ án liên quan tới một lĩnh vực luật pháp chuyên sâu nào đó như thuế, lao động…v…v…thì sẽ cần được phân tích thêm về cơ sở pháp luật và thực tế đồng thời cần cân nhắc để tránh sử dụng các ngôn ngữ và thuật ngữ chuyên ngành.
Nếu văn bản tố tụng yêu cầu trả lại vụ án cho tòa cấp dưới để điều tra thêm thì nội dung của văn bản đó phải nêu rõ nội dung cần điều tra. Nếu một văn bản tố tụng đưa ra hướng dẫn cho các tòa án xét xử, thì ý kiến đó phải nêu rõ và đầy đủ các cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý và cơ sở chính sách cho những nội dung hướng dẫn đó để các thẩm phán xét xử có thể áp dụng đúng.
Các thẩm phán cũng cần cân nhắc xem liệu phần trình bày về các tình tiết và nội dung phân tích pháp lý vốn rất thỏa đáng để giải thích cho các bên về quyết định của tòa đã đầy đủ chưa để giúp tòa cấp trên hiểu rõ cơ sở ban hành quyết định đó. Khi quyết định về các tình tiết phức tạp, cần phải giải thích chi tiết. Hoặc khi một quyết định liên quan tới các vấn đề mới hoặc một lĩnh vực luật pháp đang phát triển, thì cần tra cứu lại tiến triển trước đây của pháp luật để đưa ra các lý lẽ pháp lý và chính sách chi tiết hơn. Tuy nhiên, không nên biến các ý kiến tư pháp này thành hồ sơ rút gọn của vụ kiện hoặc thành các công cụ tuyên truyền.
Người dân bình thường sẽ rất hiếm khi đọc các văn bản tố tụng nhưng nhiều phóng viên của các hãng truyền thông sẽ chuyển tải những gì mà họ cho là nội dung cốt lõi của một văn bản tố tụng và điều này sẽ thu hút sự quan tâm của công luận. Khi một văn bản tố tụng đề cập tới một vấn đề mà công luận quan tâm hoặc có thể sẽ thu hút sự chú ý của báo giới, thì cần phải đảm bảo rằng văn bản tố tụng phải được soạn thảo sao cho dễ hiểu và không được gây nhầm lẫn.
Công bố
Tất cả các tòa phúc thẩm đều có các quy tắc, các quy trình thủ tục nội bộ hoặc các chính sách khác liên quan tới việc công bố hoặc không công bố các văn bản tố tụng. Một số quy định về quy trình thủ tục nêu rất cụ thể các tiêu chí để xác định xem có cần phải công bố một văn bản tố tụng hay không. Chẳng hạn, Quy tắc 14(b) của Tòa án Khu vực D.C quy định như sau:
Một ý kiến, một biên bản hay bất cứ báo cáo nào khác giải trình về cơ sở tiến hành một hành động nào đó của tòa trong quá trình ban hành một lệnh hay ra một phán quyết sẽ phải được công bố nếu đáp ứng các tiêu chí sau:
1) đối với nội dung chủ đạo của nó, đây là vụ việc có ấn tượng đầu tiên hoặc là vụ đầu tiên mà tòa xử lý liên quan tới vấn đề này;
2) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó sửa đổi, thay đổi hoặc giải thích về cơ bản một quy tắc của luật mà trước đây tòa án đã công bố;
3) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó thu hút sự chú ý tới một quy tắc hiện hành của luật có vẻ như đã bị bỏ qua;
4) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó phê phán hoặc hoài nghi về luật pháp hiện hành;
5) nội dung của ý kiến, biên bản hay báo cáo đó là nhằm giải quyết xung đột trong các quyết định trong vùng tài phán hoặc tạo ra xung đột với vùng tài phán khác;
6) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó đảo ngược lại một quyết định của tòa án hạt hoặc của một cơ quan nào đó đã được công bố trước đó, hoặc khẳng định lại một quyết định của tòa án hạt trên dựa vào các lý do khác với những ký do nêu trong ý kiến đã được công bố của tòa án hạt đó; và
7) ý kiến, biên bản hay báo cáo đó chứa đựng những yếu tố khác có thể làm cho công luận quan tâm vì thế cần phải công bố.
Rất nhiều các quy tắc của các Tòa án Khu vực khác cũng quy định các tiêu chí tương tự nói trên liên quan tới việc công bố các văn bản tố tụng.
Một số khu vực tài phán khác lại có những hướng dẫn mang tính chung chung để các thẩm phán có thể tự quyết định có hay không công bố các văn bản tố tụng của mình. Chẳng hạn, quy định của Tòa án Khu vực Thứ 3 đề ra chuẩn mực như sau “một văn bản tố tụng sẽ được công bố nếu văn bản đó chứa đựng giá trị tiền án lệ hoặc thể chế” (Những ý kiến mà hội đồng cho rằng không có giá trị tiền án lệ sẽ không được công bố) (“Những ý kiến tư pháp không được công bố là những ý kiến được toàn bộ hội đồng xét xử đồng thuận thống nhất là không bổ sung thêm bất cứ điều gì đáng kể hoặc có giá trị cho luật pháp và không có giá trị sử dụng làm án lệ”).
Ở các tòa án hạt, việc có hay không công bố các văn bản tố tụng trên Hệ thống Đưa tin West hoàn toàn là do thẩm phán quyết định. Vì các quyết định của thẩm phán hạt chỉ đơn thuần là công việc thuộc thẩm quyền – có nghĩa là các quyết định đó không có giá trị án lệ ngay cả trong phạm vi hạt của mình – nên việc công bố sẽ là ngoại lệ. Ngoài ra, sự hạn chế về thời gian cũng cản trở việc soạn thảo các ý kiến có tính chính thống trừ phi quyết định của tòa liên quan tới một vấn đề mới, phức tạp hoặc có ý nghĩa quan trọng đối với công chúng. Các hãng đưa tin khác ngoài West cũng thỉnh thoảng in các cuốn “ý kiến không được công bố”. Tòa án không kiểm soát hoạt động này.
Vì, thông thường, các quyết định không được xuất bản chủ yếu là dành cho các bên đương sự, nên thường các tình tiết trong vụ việc hoặc các nội dung pháp luật không cần phải được soạn thảo công phu. Các ý kiến trong những trường hợp này thường ở dạng biên bản hoặc lệnh tạm thời. Việc có hay không công bố kết quả giải quyết vụ án là vấn đề cần quyết định nhanh, để thẩm phán không phải quá mất nhiều thời gian không cần thiết để soạn thảo văn bản tố tụng trong trường hợp ý kiến đó không cần phải công bố.
Phần 3
Chuẩn bị viết một văn bản tố tụng
Trước khi bắt đầu viết, các thẩm phán cần suy nghĩa trước xem họ muốn viết gì trong văn bản tố tụng của mình và viết như thế nào. Họ cần cân nhắc phạm vi đề cập của văn bản đến đâu?, độc giả là ai? và có nên công bố ý kiến này hay không? Họ cần sắp xếp các tình tiết quan trọng, hình thành vấn đề và xác định các quy tắc áp dụng của pháp luật đồng thời họ phải quyết định hình thức hỗ trợ phù hợp về mặt pháp lý. Tóm lại họ phải chia vụ án thành nhiều phần khác nhau.
Theo sự khắc họa của Giáo sư Richard Wasserstrom, thủ tục đưa ra kết luận giống như “quy trình khám phá vụ việc”, còn thủ tục diễn giải về lý do đưa ra kết luận trên đây giống như “quy trình điều chỉnh”. Theo Giáo sư, khi soạn thảo một văn bản tố tụng, tác giả cần phải phân biệt các giai đoạn ra văn bản này. Thẩm phán cần phải hoàn thành quy trình phát hiện và ra kết luận trước khi viết văn bản, đồng thời diễn giải các lý do để ra kết luận trong văn bản .
Điều này không có nghĩa là các thẩm phán sẽ đổi ý sau khi đã bắt đầu viết. Đôi khi thẩm phán có thể quyết định trước cái đích mà mình hướng tới, song trong quá trình phát hiện họ có thể thấy rằng mình không thể đạt được các đích đó, Chánh án Roger Traynor đã viết rằng, ông
“...nhận thấy không có phép thử nào đối với giải pháp của một vụ án tốt hơn là việc trình bày một cách rõ ràng giải pháp đó bằng văn bản, có nghĩa là phải suy nghĩ thấu đáo nhất.
Tuy nhiên, văn bản đó phải thể hiện quyết định cuối cùng của tòa và các lý do đưa ra quyết định đó. Nếu quyết định là một quyết định đóng, điều này phải được thể hiện trong văn bản tố tụng. Song văn bản tố tụng không nhất thiết phải ghi lại chi tiết từng bước mà người viết đã thực hiện.
Dưới đây bàn về một số kỹ năng mà các thẩm phán thường sử dụng để chuẩn bị trước khi chắp bút một văn bản tố tụng.
Phác thảo đề cương
Đề cương giúp người viết sắp xếp nội dung một cách khoa học và logic. Đề cương có thể thể hiện dưới nhiều dạng: đề cương chính thức bằng văn bản do thẩm phán hoặc thư ký tòa án chuẩn bị; một lược đồ các tình tiết quan trọng, các vấn đề và các điểm cần thảo luận mà thẩm phán mở rộng trong quá trình viết; một biên bản ghi nhớ của tòa do thư ký tòa án chuẩn bị trước khi biện luận bằng lời trong đó có những phần đánh dấu hoặc ghi chú của thẩm phán sau phiên biện luận và sau phiên làm việc; một bảng tóm tắc ngắn gọn; hoặc có thể chỉ là một sơ đồ tư duy logic. Cho dù hình thức của bản đề cương này là gì đi chăng nữa thì điểm cần nhấn mạnh ở đây là các thẩm phán, cũng giống như các nhà văn nổi tiếng khác, phải biết cấu trúc, sắp xếp nội dung suy nghĩ của mình trước khi bắt đầu viết.
Thời điểm tốt nhất để xây dựng đề cương là ngay sau khi tiến hành phiên họp thảo luận vụ án và phân công nhiệm vụ soạn thảo văn bản tố tụng, khi mà ý tưởng của bản thân người viết và của các thẩm phán khác vẫn còn mới mẻ. Ngoài tác dụng sắp xếp tư duy cho tác giả, đề cương này còn có vai trò như một biên bản không chính thức về những nội dung được bàn tại phiên họp thảo luận này.
Sử dụng thư ký tòa án
Thư ký tòa án có thể hỗ trợ đắc lực cho thẩm phán trong quá trình soạn thảo một văn bản tố tụng. Đặc biệt là ở thời điểm xây dựng các hồ sơ tài liệu thì sự hỗ trợ của thư ký có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc thảo luận với các thư ký tòa án giúp thẩm phán lên kế hoạch cho nội dung ý kiến và xây dựng đề cương. Đây cũng là cơ hội rất quý giá để trao đổi và chia sẻ tư duy của tác giả với các thư ký. Quy trình sẽ mang tính liên tục và rất có tác dụng trong quá trình soạn thảo văn bản tố tụng. Trong quá trình này, thẩm phán và các thư ký tòa án có cơ hội để thảo luận và đánh giá nội dung ý kiến trong quá trình soạn thảo, nhận dạng những sai sót hoặc những điểm còn chưa rõ ràng, đồng thời chau chuốt ngôn từ và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Ngay trong quá trình soạn thảo văn bản tố tụng, thẩm phán có thể sử dụng thư ký tòa án theo nhiều cách khác nhau. Một số thẩm phán chỉ nhờ thư ký tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị các biên bản cho tòa, biên tập, kiểm tra phần trích dẫn và cho ý kiến vào dự thảo của thẩm phán. Một số thẩm phán lại giao cho thư ký nhiệm vụ viết bản dự thảo đầu tiên trong những vụ án thông thường; còn có thẩm phán lại giao cho thư ký chuẩn bị bản dự thảo đầu tiên đối với những vụ phức tạp nhất vì họ cho rằng nếu dựa trên một dự thảo ý kiến dù là rất sơ sài cũng có tác dụng rất nhiều đối với công việc của họ. Một thư ký tòa án, khi được giao nhiệm vụ chuẩn bị bản dự thảo đầu tiên phải dựa trên đề cương do mình tự xây dựng hoặc cùng với thẩm phán xây dựng. Người này phải nắm được phạm vi, cấu trúc và tác dụng dự kiến của văn bản tố tụng. Có nhiều thẩm phán vì cho rằng sử dụng bản thảo do thư ký tòa chuẩn bị sẽ mất nhiều thời gian hơn, nên họ tự chuẩn bị dự thảo cho mình và sau đó chỉnh sửa. Còn một số thẩm phán khác lại nhờ thư ký xem lại bản thảo đầu tiên do mình chuẩn bị, sau đó người này sẽ trả lại bản thảo cho thẩm phán để thẩm phán hoàn chỉnh bản cuối cùng.
Cách làm của từng thẩm phán phụ thuộc chủ yếu vào thói quen và phong cách của mỗi người và phụ thuộc vào cả năng lực của thư ký tòa. Tuy nhiên, thẩm phán luôn cần phải nhớ rằng thư ký tòa chủ yếu là các sinh viên mới tốt nghiệp vì thế họ chỉ có kiến thức sách vở chứ kiến thức thực tế thì rất ít. Rất hiếm thấy có thư ký tòa án nào lại có trình độ soạn thảo văn bản hoàn hảo để viết được một văn bản tố tụng thỏa đáng. Các bản trình bày sự kiện, phân tích và các kết luận mà các thư ký tòa soạn thảo thường bị sửa chữa rất nhiều. Cho dù các thư ký tòa có năng lực đến đâu, thì việc soạn thảo các văn bản tố tụng luôn luôn là công việc của thẩm phán, bởi vì thẩm phán không chỉ đơn thuần là những người biên tập một văn bản tố tụng.
Các tài liệu cần xem xét lại
Thẩm phán luôn là người có trong tay các bản tóm tắt của các bên và biên bản hội đồng xét xử do thư ký tòa án chuẩn bị. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sẵn các hồ sơ ghi chép đầy đủ. Khi văn bản tố tụng đề cập tới đặc điểm chi tiết của lời khai hoặc các diễn tiến tại phòng xét xử, thì tài liệu tham khảo duy nhất có thể sẽ là biên bản ghi chép. Nếu một vật chứng có ý nghĩa quan trọng thì cần phải kiểm định ngay vật chứng đó. Việc tham khảo hồ sơ ghi chép có thể cũng cần thiết để quyết định quy trình thủ tục tố tụng chính xác mà hồ sơ kháng cáo/kháng nghị được đưa ra tòa. Vì thế, khi soạn thảo văn bản tố tụng, thẩm phán cần phải tiếp cận và tìm hiểu mọi hồ sơ liên quan.
Một số tòa phúc thẩm ghi âm lại các phần tranh tụng bằng lời. Việc nghe lại các đoạn băng này trước khi soạn thảo một văn bản tố tụng có thể sẽ giúp thẩm phán nhớ lại các vấn đề quan trọng và các ý kiến biện luận đã được trình bày.
Phần 4
Tổ chức và viết một văn bản tố tụng
Một văn bản tố tụng phải nêu rõ các vấn đề nảy sinh, phải trình bày các sự kiện có liên quan và phải chỉ ra pháp luật áp dụng để điều chỉnh. Văn bản tố tụng phải là một quyết định rõ ràng và có căn cứ về những vấn đề cần được xử lý để giải quyết vụ việc. Dưới đây là các nội dung hướng dẫn nhằm giúp các thẩm phán viết được những văn bản tố tụng đáp ứng được các tiêu chí nêu trên.
Bố cục
Một văn bản tố tụng được coi là có cấu trúc đầy đủ cần thể hiện 5 yếu tố sau: (1) phần giới thiệu về tính chất và đặc điểm tố tụng của vụ việc; (2) phần trình bày về các vấn đề sẽ được quyết định; (3) phần mô tả về các sự kiện quan trọng; (4) phần trình bày và phân tích về các quy tắc pháp lý điều chỉnh và việc giải quyết các vấn đề đã nêu; và (5) việc xét định và các chỉ dẫn cần thiết. Cấu trúc như thế nào và lựa chọn văn phong gì cho một văn bản tố tụng, tất nhiên, phụ thuộc vào đặc điểm của từng vụ án. Song tất cả đều dựa trên một khung chung.
Một văn bản tố tụng nếu được cấu trúc một cách rõ ràng và hợp lý sẽ giúp cho người đọc hiểu nội dung một cách dễ dàng. Có thể sử dụng các tiêu đề, đề mục, cách đánh số La Mã hoặc các biện pháp khác để giúp người đọc nhận biết được cách cấu trúc của một văn bản tố tụng, đặc biệt nếu đó là bản ý kiến có nội dung dài và phức tạp. Cách làm này không chỉ đóng vai trò là các biển báo cho người đọc mà nó còn giúp cho người viết tổ chức được mạch tư duy của mình và là cách kiểm định tính logic của nội dung văn bản. Điều này cũng góp phần giúp người đọc có thể tìm hiểu phần mình muốn biết mà không cần phải đọc từ đầu đến cuối.
Dưới đây là phần trình bày về các nội dung chính của một văn bản tố tụng.
Phần giới thiệu
Định hướng cho người đọc về một vụ việc là mục đích của phần này. Vì thế phần này cần nêu tóm tắt về nội dung vụ việc, vấn đề pháp lý chủ yếu và kết quả. Do đó, phần này có thể đề cập tới và nêu một số nội dung sau:
(1) Các bên: các bên đương sự trong vụ việc phải được xác định danh tính nếu không phải ở phần giới thiệu này thì phải giới thiệu trong phần đầu của văn bản, tốt nhất là theo tên gọi. Danh tính này phải được sử dụng thống nhất liên tục trong toàn văn bản. Việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý chẳng hạn như “bên khiếu nại” hay “bên bị khiếu nại” có thể sẽ gây nhầm lẫn nhất là trong những vụ việc có nhiều bên liên quan.
(2) Tình trạng tố tụng và quyền tài phán của vụ việc: cơ sở của quyền tài phán, các hoạt động tố tụng có liên quan trước đó và lý do vụ việc được đưa ra tòa này.
(3) Vấn đề: (các) vấn đề cần được quyết định, trừ phi các vấn đề đó quá phức tạp đến nỗi phải được trình bày thành từng phần riêng.
Việc tóm tắt tình trạng này ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho người đọc nhất là các nhà nghiên cứu vì họ có thể quyết định ngay xem nên hay không đọc nốt nội dung còn lại của văn bản. Việc tóm tắt một cách ngắn gọn phần luận tội ngay từ đầu cũng giúp cho người viết văn bản trình bày vụ việc một cách súc tích và cô đọng. Phần mở đầu của một bản ý kiến nên được hoàn chỉnh lần cuối sau khi đã hoàn thành toàn bộ nội dung của văn bản, vì khi đó thẩm phán đã xác định được các vấn đề, kết luận đưa ra cũng như các nội dung phân tích bổ trợ.
Một số thẩm phán thích đưa phần luận tội và kết luận xuống cuối văn bản bởi họ cho rằng bản ý kiến sẽ có tính thuyết phục hơn với người đọc nếu người đọc phải tự nghiên cứu và tìm hiểu sự kiện trước khi biết về kết quả giải quyết.
Trình bày về các vấn đề
Phần trình bày về các vấn đề là phần chính của một văn bản tố tụng: cách thức xác định vấn đề sẽ quyết định đâu là các sự kiện quan trọng và nguyên tắc pháp lý nào sẽ điều chỉnh vụ việc. Thẩm phán không nên phụ thuộc vào các lý lẽ phân tích của luật sư. Thẩm phán phải đưa ra vấn đề theo đúng như những gì mà họ nhìn nhận thấy, ngay cả khi vấn đề đó có thể khác với ý kiến của luật sư. Việc một vấn đề được các bên đặt ra không có nghĩa thì không nhất thiết được đưa vào văn bản tố tụng.
Phần trình bày về các vấn đề cần ngắn gọn. Mặc dù đôi khi có thể trình bày về 1 hay 2 vấn đề ngay trong phần Giới thiệu là đủ song có những vụ việc do số lượng hay tính phức tạp của các vấn đề đòi hỏi phải trình bày các vấn đề đó thành các phần riêng.
Phần trình bày vấn đề có thể đặt trước hoặc sau phần trình bày về sự kiện. Nếu phần trình bày vấn đề được đặt trước phần trình bày chi tiết sẽ có ý nghĩa hơn với người đọc vì nó sẽ giúp cho người đọc tập trung vào các sự kiện quan trọng. Thẩm phán Frederick G. Hamley của Tòa án Khu vực Số Chín đã viết: “Việc trình bày sơ bộ vấn đề, ngay cả cho dù là bằng các thuật ngữ rất chung, cũng giúp ta đọc và hiểu rõ hơn phần trình bày về các sự kiện. Nó giúp người viết chú trọng tới những vấn đề mang tính cơ bản.” Trong một số trường hợp rất khó để trình bày rõ ràng các vấn đề nếu như người đọc chưa nắm rõ về các sự kiện quan trọng. Ví dụ, trong trường hợp vấn đề mang tính thủ tục và đòi hỏi phải có sự giải thích về bối cảnh.
Không nên nhầm lẫn giữa phần trình bày về các vấn đề đang nói tới ở đây với phần tường thuật của các bên trong bản luận cứ của mình. Việc trình bày một cách dài dòng các vấn đề tranh luận giữa các bên, mặc dù đôi khi có thể thấy trong các văn bản tố tụng, song không thể thay thế cho phần phân tích và lập luận.
Các sự kiện
Trong một vụ việc chỉ có một vấn đề duy nhất thì tất cả các sự kiện nên được trình bày cùng nhau ngay từ phần đầu của bản ý kiến. Song nếu vụ việc có hàng loạt vấn đề, có thể có những sự kiện chỉ liên quan tới một số vấn đề chứ không phải tất cả. Vì thế, điều này đặt ra khó khăn cho thẩm phán là làm sao phải trình bày các sự kiện một cách đầy đủ ngay từ đầu để người đọc vẫn có thể hiểu được nội dung văn bản mà sau đó không phải lặp lại khi bàn về các vấn đề cụ thể đòi hỏi phải phân tích một cách tỉ mỉ các sự kiện. Trong những trường hợp này, phần trình bày các sự kiện từ ban đầu chỉ nên dừng ở bối cảnh lịch sử, còn các sự kiện cụ thể có tính quyết định có thể đưa vào phần phân tích vấn đề có liên quan.
Chỉ nên đưa vào bản ý kiến những sự kiện cần thiết cho việc giải thích quyết định được đưa ra, song thế nào là những sự kiện cần thiết thì không phải lúc nào cũng dễ quyết định và việc quyết định phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng độc giả. Đối với một văn bản tố tụng không được công bố mà chỉ dành cho các bên thì không cần phải nêu các sự kiện mang tính lịch sử hoặc về bối cảnh. Do đó, văn bản tố tụng này chỉ cần tập trung vào các sự kiện hỗ trợ cho kết luận được đưa ra mà thôi. Tuy nhiên, các sự kiện mang tính bối cảnh đôi khi có thể có tác dụng bởi nó tạo ra bối cảnh của quyết định và giải thích lý do đưa ra quyết định đó. Đối với những văn bản tố tụng sẽ được cả công chúng đọc chứ không chỉ các bên thì phần trình bày các sự kiện có thể dài hơn để người đọc nắm rõ bối cảnh cũng như phạm vi của quyết định đưa ra.
Việc đưa vào quá nhiều các tình tiết sự kiện có thể làm sao lãng người đọc. Chẳng hạn ngày tháng năm là các sự kiện có khả năng gây nhầm lẫn vì thế không nên đưa vào trừ phi nó có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định được đưa ra và giúp người đọc hiểu rõ quyết định đó. Mặc dù sự ngắn gọn và đơn giản luôn luôn là điều được khuyến khích, song điều quan trọng hơn cả là phải trình bày đầy đủ và khách quan. Không thể bỏ qua các sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với bên thua kiện.
Một số thẩm phán có xu hướng muốn đưa vào các sự kiện mặc dù không quan trọng nhưng lại bổ sung màu sắc cho văn bản. Có thẩm phán đã nói “chúng ta phải đảm bảo có sự thích thú”. Họ cho rằng làm như vậy là thể hiện sự tinh tường của người soạn thảo và làm cho văn bản dễ đọc hơn. Tuy nhiên, mối nguy hiểm hiển nhiên của việc làm đó là sẽ khiến cho độc giả cho rằng quyết định đưa ra chủ yếu dựa trên các sự kiện được trích dẫn ngay cả khi các sự kiện đó không có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, văn phong – mặc dù với tác giả có thể là rất hấp dẫn – có thể bị các bên đánh giá là làm tầm thường hóa vụ việc của họ. Vì thế cần cân nhắc cẩn thận cách làm này.
Điều quan trọng trên hết là một bản tường trình sự kiện phải chính xác. Tác giả không được giả định về tính chính xác của các sự kiện nêu trong bản tóm tắt của các bên. Cách duy nhất là phải kiểm tra lại tính đúng đắn của những sự kiện được trích dẫn so với hồ sơ, ngoài ra không còn cách nào khác. Cho dù luật sư có giỏi như thế nào, thẩm phán có lúc có thể thấy rằng các sự kiện nêu trong hồ sơ khác với những gì chúng được nêu trong bản tóm tắt. Nếu thẩm phán không có thời gian để tự mình đọc lại hết toàn bộ hồ sơ thì thẩm phán đó có thể cử một thư ký tòa án đọc và chỉ dẫn cho người này đánh dấu lại toàn bộ các phần có liên quan để mình kiểm tra.
Thảo luận về các nguyên tắc pháp lý
Đây là phần trọng tâm của một văn bản tố tụng. Nội dung của phần này phải chứng tỏ được rằng các kết luận mà tòa án đưa ra là có cơ sở và hợp lý. Phần này cần thuyết phục được người đọc về tính chính xác của kết quả giải quyết vụ việc bằng sức nặng của sự lập luận chứ không phải bằng cách cổ xúy hoặc lý lẽ. Thẩm phán phải xử lý vấn đề quyền hạn mà người ta có thể cho là đối lập và các ý kiến phản đối và phải đối diện với các vấn đề một cách dứt khoát và xử lý dứt điểm. Mặc dù bản ý kiến không phải đề cập tới từng vụ án và từng luận điểm, song phần tranh luận phải thật đầy đủ để bên thua kiện thấy rằng mọi yếu tố cơ bản liên quan đến vị thế của bên này đã được cân nhắc thấu đáo.
Dưới đây là hướng dẫn đối với phần thảo luận về các nguyên tắc pháp lý.
Tiêu chuẩn xem xét
Văn bản tố tụng cần nêu rõ ngay từ đầu tiêu những chuẩn mực khi áp dụng các nguyên tắc pháp lý. Điều này tạo ra sự chính xác việc phân tích của người viết văn bản. Có thể tham khảo các ví dụ về các tiêu chuẩn xem xét trong Phụ Lục C.
Trình tự thảo luận
Tòa án không nên đi theo cách tổ chức vấn đề của luật sư và cũng không bắt buộc phải trình bày các vấn đề theo thứ tự mà luật sư đã sử dụng. Việc các vấn đề được trình bày theo trình tự nào được quyết định bởi cách cấu trúc của văn bản tố tụng. Nhìn chung, cần thảo luận về các vấn đề có tính xét định trước. Trình tự đặt vấn đề sẽ phụ thuộc vào cách lập luận của văn bản đã được chuẩn bị. Nếu cần phải đề cập tới các vấn không có tính xét định – để nhằm mục đích giáo dục hoặc hướng dẫn – thì nên để dành tới phần cuối của văn bản.
Đề cập tới vấn đề nào
Theo khuyến nghị chung, một văn bản tố tụng không nên đề cập tới những vấn đề khác ngoài những vấn đề cần được giải quyết để xét xử vụ việc. Nếu tòa án cho rằng cần đề cập tới một vấn đề có tính xét định song không phải do các bên đưa ra thì tòa án cần thông báo điều này cho luật sư và phải tạo điều kiện để tóm lược vấn đề.
Có những vấn đề không cần thiết đối với việc đưa ra quyết định của tòa án song theo yêu cầu của bên thua kiện vẫn phải được mang ra thảo luận nhưng chỉ trong chừng mực hợp lý để chứng tỏ rằng các vấn đề đó đã được xem xét thỏa đáng. Tuy nhiên, ranh giới giữa thế nào là cần thiết và thế nào là không cần thiết không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đôi khi, lý do ra quyết định của tòa án có thể được giải thích đầy đủ bằng việc thảo luận về những vấn đề không thuộc phạm vi phần nhận định. Hơn thế nữa, đứng từ góc độ tính kinh tế và hiệu quả, tòa án cũng có thể đề cập tới những vấn đề không cần thiết đối với quyết định của tòa song lại có tác dụng hướng dẫn đối với các tòa cấp dưới khi trả lại vụ án để điều tra thêm. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, thẩm phán nên tránh xét đoán trước các vấn đề mà họ không xem xét và để tránh đưa ra các quan điểm, ý kiến có tính tham mưu và bày tỏ các quan điểm không cần thiết có thể trói tay tòa án trong những vụ việc trong tương lai.
Các cách nhận định thay thế
Việc trình bày các lý do độc lập và tách biệt khi đưa ra một quyết định có tác dụng bổ sung thêm sức mạnh cho quyết định đó song lại ảnh hưởng xấu tới giá trị của quyết định này với tư cách là một án lệ. Giáo sư Bernard Witkin cho rằng các thẩm phán nên tránh đưa ra các quyết định có tính “cho dù” hoặc “giả định rằng”. Các tuyên bố kiểu “cho dù các sự kiện khác đi” hoặc “giả sử chúng ta không đưa ra các kết luận như vậy” sẽ làm ảnh hưởng tới tính thuyết phục của nội dung nhận định. Giáo sư này cũng đã đề xuất hoặc là chỉ nên dùng cách lập luận như vậy trong những vụ án có khả năng đạt được các kết luận của số đông hoặc là nên tránh hoàn toàn cách dùng những từ này. Đối với những văn bản tố tụng không thể có tác động như một án lệ thì tòa án đưa ra quyết định của mình cần dựa trên nhiều lý do có thể thay thế nhau..
Trích dẫn vụ án
Hầu hết các quy định của luật đều được hỗ trợ thỏa đáng bởi việc viện dẫn các quyết định mới nhất của tòa án khu vực liên quan tới quy định đó hoặc một quyết định có tính bước ngoặt nếu có. Việc xâu chuỗi các nội dung trích dẫn và các văn bản về lịch sử của một quy tắc pháp luật nào đó sẽ chẳng có tác dụng gì nếu một vấn đề đã được giải quyết tại khu vực tư pháp. Các thẩm phán nên biết cách tránh việc thể hiện sự uyên bác của mình (hoặc của các thư ký tòa án) cho mọi người. Nếu khu vực tư pháp này không có thẩm quyền, thì nên trích dẫn thẩm quyền về quy định đó của một khu vực khác. Tuy nhiên, nếu một văn bản tố tụng là nền móng cho một quy tắc mới của pháp luật, thì tòa án cần dẫn dắt vấn đề thẩm quyền hiện hành và phân tích sự phát triển của luật pháp một cách đầy đủ để hỗ trợ cho quy tắc mới đó.
Các nguồn quy định khác
Các quy định pháp luật hoặc các nguồn pháp luật khác đang được rà soát thì các nguồn này cần được trích dẫn một cách cẩn trọng và chỉ nhằm một mục đích duy nhất. Mục đích đó có thể là đảm bảo độ tin cậy của nội dung phân tích để củng cố cho phần biện luận của văn bản tố tụng. Có một số tác giả với trình độ chuyên môn có uy tín trong ngành tới mức, ngay cả trong trường hợp không có một án lệ nào, thì nhận xét chuyên ngành của họ rất có sức thuyết phục. Đôi khi, những tài liệu công khai hoặc các tác phẩm khác đã được công bố cũng có giá trị đối với những vấn đề cần xem xét có liên quan về lịch sử hoặc chính sách.
Trích dẫn nguyên văn
Nếu có một nội dung quan trọng nào đó trong văn bản tố tụng trước đó đã được bàn tới rất cụ thể, thì việc trích nguyên văn những nội dung đó từ một vụ án có thể sẽ có tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, tác động của việc trích dẫn nguyên văn tỷ lệ nghịch với chiều dài của nội dung trích dẫn. Do đó, chỉ nên trích dẫn ngắn gọn và chỉ nên trích dẫn khi nội dung trích dẫn thể hiện một ý quan trọng.
Tránh tuyên truyền
Việc biện hộ cho một quyết định của tòa đôi khi phải đi kèm với việc giải thích tại sao những luận điểm đối lập lại không được chấp nhận. Tuy nhiên, khi đề cập tới các lý lẽ tranh cãi của bên thua kiện, nên tránh không để văn bản tố tụng biến thành một bản tranh cãi giữa thẩm phán và các luật sư hoặc các thẩm phán khác của tòa hoặc của tòa cấp dưới. Nếu bên thua kiện đưa ra các lý lẽ phản đối quan trọng, thì bản ý kiến cần giải thích tại sao các lý lẽ đó lại bị từ chối, chứ không nên bác bẻ lại từng điểm một trong phần biện luận của bên thua kiện hoặc dùng một giọng văn gây bất đồng hoặc gây tranh cãi.
Một văn bản tố tụng cần phải thể hiện nội dung buộc tội một cách khách quan. Những yếu tố cảm xúc và tình cảm cá nhân cần phải được gạt bỏ và tránh sử dụng tính từ hoặc trạng từ trừ phi chúng đóng góp những thông tin quan trọng cho nội dung quyết định mà tòa đưa ra.
Đối xử với tòa cấp dưới
Các văn bản tố tụng của tòa phúc thẩm nên sửa những sai sót của tòa cấp dưới và hướng dẫn về việc điều tra lại mà không nên thêu dệt tình tiết cũng như không được chỉ trích tòa cấp dưới. Một văn bản tố tụng của tòa cấp trên khi hủy bỏ quyết định của tòa cấp dưới cũng không cần phải công kích, phê phán phán quyết và thái độ của tòa cấp dưới. Không nên chỉ trích vì những lý do không cần thiết, chẳng hạn vì không xem xét vấn đề thẩm quyền hoặc vì dựa vào các động cơ không thỏa đáng.
Đoạn/Câu kết
Trong phần kết luận quan trọng nhất của văn bản, Tòa phúc thẩm không nên chỉ thị cho tòa hoặc cơ quan cấp dưới theo kiểu đánh đố trong việc giải quyết một vụ án. Trong trường hợp cần trả lại vụ án để điều tra, nếu chỉ nói một cách đơn giản là “để tiếp tục giải quyết theo nội dung của bản ý kiến này” thì sẽ khiến cho tòa cấp dưới rất hoang mang. Nội dung của văn bản tố tụng này phải nêu rõ những gì mà tòa án hoặc các cơ quan cấp dưới cần làm, tất nhiên, không được vượt quá phạm vi quyền tự quyết của tòa án hoặc cơ quan cấp dưới. Ngay cả trong trường hợp đó, thì quyết định của tòa phúc thẩm chỉ là quyết định về luật còn tòa và các cơ quan cấp dưới khi điều tra lại vẫn có quyền thực hiện các quyền tự quyết của mình.
Tham khảo Phụ Lục D để tìm hiểu về mẫu các đoạn kết bao gồm các chỉ thị rõ ràng đối với các tòa hoặc cơ quan cấp dưới.
Xét xử theo thủ tục rút gọn
Hình thức xét xử này được áp dụng trong những vụ án chỉ có các bên đương sự và luật sư của họ quan tâm tới kết quả, các tình tiết không phức tạp và các án lệ đã rõ ràng. Việc xét xử theo hình thức này có thể được thực hiện dưới dạng Lệnh một phán quyết hoặc một biên bản tóm lược. Xin tham khảo Phụ lục B.
Tòa án phải nêu lý do tiến hành xét xử theo thủ tục rút gọn. Nếu việc xét xử này tuân theo một quy tắc của khu vực hoặc địa phương, thì quy tắc đó phải được viện dẫn.
Hội đồng xét xử ban hành một phán quyết bằng lời
Các hội đồng xét xử phúc thẩm rất hiếm khi đọc phán quyết bằng lời. Nếu làm như vậy, các quyết định của hội đồng thường có thể được đưa vào một lệnh đơn giản chỉ có một dòng và các lý do được thể hiện bằng lời.
Các thẩm phán xét xử thường đọc ngay quyết định của mình. Ngay cả sau phiên xét xử Quy tắc Tố tụng Dân sự Liên bang 52(a) vẫn cho phép các thẩm phán tuyên bố bằng lời các phát hiện về sự kiện và các kết luận của mình. Cách làm này góp phần tiết kiệm thời gian và giảm bớt khối lượng đơn đề nghị. Mặc dù thẩm phán vẫn phải đưa ra các nhận xét độc lập của riêng mình về vấn đề sự kiện và luật áp dụng, song việc yêu cầu các luật sư nộp trước các bản nhận xét và kết luận đề xuất trước khi xét xử góp phần tạo điều kiện cho việc ra quyết định bằng lời. Đôi khi, có thẩm phán công bố bằng lời về quyết định của mình, hoặc một quyết định đề xuất và sau đó nói rằng một văn bản tố tụng sẽ được công bố sau. Cách làm này có những rủi ro nhất định vì khi một vụ án được quyết định thì áp lực sẽ không còn nữa nên thẩm phán có thể sẽ thấy khó khăn trong việc soạn thảo văn bản tố tụng. Hơn nữa, thẩm phán có thể thấy khó khăn vì sau đó phải soạn thảo một văn bản tố tụng có nội dung thống nhất với quyết định mà mình đã công bố miệng trước đó. Bởi vì nội dung soạn thảo sau này có thể khác với nội dung đã công bố miệng ban đầu.
Phần 5
Ngôn ngữ, văn phong, và biên tập
Đặc điểm của một văn bản soạn thảo không tốt
Tất cả các thẩm phán được phỏng vấn trong quá trình xây dựng Cuốn Cẩm Nang này đều có chung quan điểm khi đánh giá một văn bản tố tụng bị coi là soạn thảo chưa đạt yêu cầu. Các đặc điểm sau đây được coi là cơ sở để đánh giá một văn bản tố tụng soạn thảo không tốt.
Dài dòng
Sự dài dòng không chỉ thể hiện ở sự rườm rà khi phải dùng hai từ thay vì chỉ dùng một từ là đủ mà còn thể hiện ở việc cố chuyển tải quá nhiều thông tin, đề cập tới nhiều vấn đề bằng cách viết quá nhiều. Khi cố gắng viết nhiều như vậy, một số tác giả của các văn bản tố tụng mắc phải tình trạng sa đà dài dòng và lê thê. Thường thì sự dài dòng thể hiện sự thất bại (hoặc bất lực) của tác giả trong việc phân biệt những nội dung quan trọng và không quan trọng đồng thời thể hiện việc biên tập cẩu thả.
Thiếu chính xác và rõ ràng
Sự chính xác là điểm mấu chốt của một văn bản soạn thảo đúng cách. Một số tác giả không có khả năng viết thường đi thẳng vào vấn đề, trong khi đó một số tác giả khác khi không biết chắc về một nguyên tắc pháp lý nào đó hoặc không biết làm thế nào để trình bày một cách chính xác vấn đề thì diễn đạt một cách trừu tượng để che giấu sự yếu kém của mình. Để viết rõ ràng và chính xác, tác giả phải biết chính xác những gì mình muốn nói và phải nói điều đó chứ không phải bất cứ điều gì khác. Từ ngữ phải bắt nguồn từ chính tư duy, và từ ngữ phải phù hợp với chính tư duy khởi tạo ra nó.
Sự chính xác trong quá trình soạn thảo văn bản tố tụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi vì nó không đơn giản chỉ là vấn đề văn phong mà còn bởi thẩm phán viết những tài liệu đó là viết cho thế hệ sau này. Khi một văn bản tố tụng được lưu lại, luật sư và những người khác sẽ đọc tài liệu đó nhằm mục đích sử dụng văn bản đó cho một mục đích cụ thể của mình. Vì thế, các thẩm phán, với tư cách là tác giả của những văn bản tố tụng phải suy nghĩ và sử dụng những từ ngữ phù hợp để tránh việc các văn bản mà mình viết ra bị lạm dụng.
Việc biên tập lại một cách cẩn thận và có suy nghĩ là một điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo tính chính xác của một văn bản tố tụng. Theo đó cần phải xem lại toàn bộ văn bản tố tụng từng câu một và nên tự đặt câu hỏi: mình định nói gì ở đây và mình đã nói đúng điều mình định nói hay chưa?
Bố cục nghèo nàn
Một văn bản tố tụng được xem là có cơ sở khi văn bản này thể hiện một cách logic toàn bộ quá trình lập luận từ cơ sở pháp lý đến các nguyên tắc pháp lý cho tới phần kết luận. Bố cục trình bày của văn bản phải cụ thể tới mức người đọc có thể dựa vào bố cục đó để hình dung ra khuôn khổ thực hiện quy trình lập luận. Cấu trúc của văn bản sẽ là lộ trình để người đọc đi theo từ đầu tới cuối mà không bị lạc.
Phân tích khó hiểu
Văn phong phải ngắn gọn súc tích, thẩm phán cần trau chuốt phần lập luận của mình thật đầy đủ để người đọc có thể hiểu được. Một văn bản tố tụng sẽ không đạt được mục đích này nếu bỏ qua những bước lập luận cần thiết để giúp người đọc hiểu được văn bản.
Phô trương và hài hước
Văn bản tố tụng có thể mang tính phô trương. Tuy nhiên, thẩm phán cần cẩn trọng để tránh mắc phải sự phô trương quá mức như diễn đạt một cách bí hiểm hoặc bóng bẩy, sử dụng đại từ “chúng tôi” trong khi người viết chỉ là một thẩm phán. hoặc lan man vào những vấn đề uyên thâm không liên quan. Mặc dù sự hài hước đôi khi được lý giải là “thuốc giải độc” cho sự nhàm chán, song có lẽ điều này chỉ phù hợp cho một bài diễn văn sau bữa tối chứ không phải cho một văn bản tố tụng. Nếu một văn bản tố tụng sử dụng văn phong hài hước, nó sẽ tạo cảm giác cho các bên đương sự - là những người không bao giờ thấy quá trình tố tụng có gì buồn cười – về dấu hiệu của sự thiếu nhạy cảm. Mặc dù có một số thẩm phán tỏ ra thành công với việc sử dụng khiếu hài hước, song đó là một rủi ro không nên xem thường. Hơn nữa, không nhất thiết phải tỏ ra hài hước khi một văn bản hoàn toàn có sức thuyết phục, sống động và thú vị thông qua sự rõ ràng và tính hùng biện trong cách hành văn của văn bản đó.
Hướng dẫn để soạn thảo đúng cách
Dưới đây là một số đề xuất giúp người soạn thảo văn bản tố tụng tránh được các vấn đề nêu trên.
Loại bỏ các từ ngữ không cần thiết
Khó có thể tìm thấy một lời huấn thị tốt hơn những lời sau của Giáo sư Strunk:
“Một văn bản hùng hồn là một văn bản chính xác. Một câu văn không được bao gồm bất cứ từ ngữ không cần thiết nào, một đoạn văn không được có những câu văn không cần thiết, tương tự như một bức tranh đẹp phải là bức tranh không có những đường nét không cần thiết hay một cỗ máy không được có những chi tiết thừa. Điều này không đòi hỏi người viết phải rút ngắn các câu văn của mình hoặc phải tránh sử dụng mọi chi tiết và chỉ tuân theo đề cương/bố cục mà điều này đòi hỏi người viết phải sử dụng từ ngữ sao cho mỗi một từ được sử dụng đều có ý nghĩa riêng của mình”.
W. Strunk & E.B.White, Các yếu tố của văn phong (tái bản lần 3, 1979)
Cô đọng và trực tiếp
Sự ngắn gọn làm cho văn bản rõ ràng hơn. Viết làm sao để câu văn ngắn gọn về điểm cần nói. Điều này sẽ giúp người đọc hiểu văn bản hơn so với phải đọc một văn bản dài dòng. Sự cô đọng súc tích khiến người viết phải tư duy chính xác vì chỉ tập trung vào những gì mình được thể hiện trong văn bản.
Một văn bản tố tụng cần đi thẳng vào vấn đề bằng cách sử dụng chủ yếu là các câu văn tường thuật đơn giản và các đoạn văn ngắn. Tuy nhiên, có thể sử dụng những câu dài và bố cục dài hơn trong trường hợp muốn nhấn mạnh, hoặc cần sự đối lập tương phản và làm người đọc quan tâm. Nên dùng những câu chủ động và tránh viết các câu vô nhân xưng theo kiểu “người ta nói rằng” hoặc “có ý kiến cho rằng” và “có cơ sở cho thấy”. Tránh sử dụng các tính từ và bỏ các trạng từ như “một cách rõ ràng”, “một cách đơn giản”, và “chỉ đơn thuần”.
Sử dụng tiếng Anh đơn giản
Ngay cả những ý tưởng phức tạp cũng có thể được trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu. Để trình bày ý tưởng của mình một cách đơn giản người viết phải hiểu ý tưởng của mình một cách thấu đáo. Chẳng hạn, mặc dù điện năng là một hiện tượng khoa học phức tạp song vẫn có thể giải thích về hiện tượng này một cách đơn giản để những người ngoài ngành vẫn có thể hiểu được. Cũng tương tự như vậy đối với các lĩnh vực như thuế, chống độc quyền, luật về bằng sáng chế v.v... cần tránh sử dụng những thuật ngữ pháp lý hoặc những câu văn nhàm chán (chẳng hạn “như được quy định ở trên”) hoặc những từ Latin và biệt ngữ. Khi phải dùng những từ ngữ có tính chuyên ngành, người viết cần cân nhắc xem liệu những từ đó có quen thuộc đối với các độc giả chung hay không? Hoặc liệu cần phải có một định nghĩa đơn giản bằng tiếng Anh? Đôi khi vẫn có thể dùng những từ ngữ lịch lãm, nhưng không nên bắt người đọc phải luôn có một quyển từ điển bên cạnh để đọc hiểu một văn bản tố tụng.
Một bản văn xuôi theo văn phong trung tính có thể dẫn tới sự khó khăn trong viết câu bởi tác giả luôn cố tránh dùng những đại từ chỉ định. Vì vậy, không nên sử dụng kỹ năng này một cách thái quá.
Chú thích và trích dẫn
Chú thích
Mục đích của việc dùng chú thích là để chuyển tải những thông tin có thể làm ảnh hưởng tới mạch hiểu của một văn bản nếu thông tin đó được đưa vào văn bản. Câu hỏi đầu tiên người viết cần đặt ra trước khi bổ sung một chú thích vào văn bản tố tụng là có nên đưa chú thích đó vào hay không? Nếu nội dung của chú thích không quan trọng tới mức phải đưa nó vào nội dung văn bản thì người viết nên đưa nó vào phần chú thích. Các chú thích có thể chuyển tải những thông tin thích hợp chẳng hạn nội dung của một quy định hay một tài liệu trong hồ sơ nhằm bổ sung cho nội dung của văn bản tố tụng. Tòa án có thể sử dụng chú thích để thừa nhận hoặc giải quyết những vấn đề không liên quan mật thiết tới chủ đề của văn bản. Một số thẩm phán có thói quen sử dụng chú thích để trích dẫn quy định còn dành toàn bộ phần văn bản để trao đổi và phân tích. Song không nên coi chú thích là phần dành riêng cho người viết hoặc để người viết đưa vào đó những thông tin mình không biết xử lý thế nào. Có những thẩm phán nhận thức rất rõ về xu hướng lạm dụng chú thích nên cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng chú thích trong các văn bản tố tụng của mình.
Hình thức trích dẫn
Có hai cuốn sổ tay hướng dẫn về cách trích dẫn hiện đang được dùng nhiều nhất là cuốn Hệ thống Trích dẫn Thống nhất (Quyển Màu Xanh) và Sổ tay Trích dẫn Quy định pháp lý của Đại học Tổng hợp Chicago (Quyển Màu Hạt Dẻ). Tùy từng người có thể thấy một trong hai quyển tiện dụng với mình để trích dẫn các nguồn tài liệu chính và thứ yếu. Tuy nhiên, việc làm chủ các kỹ năng sử dụng chú thích lại không phải là cách sử dụng thời gian có hiệu quả của các luật sư và thư ký tòa. Mục đích của việc trích dẫn là để hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu tìm và tra cứu về nguồn tài liệu, vì thế hình thức chú thích đáp ứng được mục đích đó sẽ được coi là đủ. Một điểm nữa cần cân nhắc đó là phải đảm bảo sự thống nhất khi chú thích để tránh cảm giác tác giả không cẩn thận hoặc cẩu thả.
Một số thẩm phán duy trì phong cách trích dẫn riêng của mình như là một thói quen. Điều này đảm bảo được tính thống nhất và có tác dụng khuyến khích các thư ký mới có thái độ cẩn trọng trong công việc viết lách.
Biên tập cẩn thận
Thẩn phán phải đảm bảo tính khách quan trong văn bản của mình, phải đọc từng đoạn văn và không được bỏ sót đoạn nào chỉ vì lý do là mình đã quá quen với đoạn văn đó. Khi biên tập lại văn bản của mình, thẩm phán phải luôn tự hỏi: mình đã nói chính xác những gì mình định nói chưa? Có cách nào diễn đạt tốt hơn không? Mạch tư duy trong đoạn này đã rõ ràng và hợp lý chưa? Người đọc liệu có hiểu được không?
Dưới đây là các kỹ năng giúp người soạn thảo các văn bản tư pháp cải thiện phương pháp tự phê bình của chính mình.
Đọc lại và sửa đổi
Việc biên tập đòi hỏi phải loại ra những từ ngữ và các sự kiện không cần thiết, viết lại những câu chưa rõ nghĩa và viết ẩu, bỏ những ý lặp, sắp xếp lại trật tự và làm cho văn bản của mình sạch hơn, chặt chẽ hơn và sắc nét hơn. Một thẩm phán đã từng nói “Tôi mất rất nhiều thời gian để biên tập và chau chuốt lại văn bản của mình cũng như các nội dung thư ký tòa thêm vào”. “Có thể những nội dung có tác dụng tại một chỗ nào đó hoặc thời điểm nào đó”. Quy trình này có thể khiến thẩm phán phải làm việc trên nhiều dự thảo khác nhau trước khi có một văn bản tố tụng chau chuốt cuối cùng.
Các chương trình xử lý văn bản đã trở thành trợ thủ đắc lực cho người viết và người biên tập. Nhờ có các chương trình này, quá trình xử lý văn bản, biên tập và sửa đổi được thực hiện nhanh hơn. Song việc sửa bản in thử trên một chương trình xử lý văn bản là công việc đòi hỏi khắt khe, nếu không kiểm tra cẩn thận và đọc đi đọc lại bản in, các lỗi ngữ pháp và các lỗi khác rất dễ bị bỏ sót.
Việc biên tập không nên chỉ chú trọng tới từ ngữ, ngữ pháp và văn phong. Các thẩm phán cần kiểm tra tính thống nhất của toàn bộ văn bản. Quay trở lại phần giới thiệu để xem văn bản tố tụng đã trình bày toàn bộ các vấn đề cần thiết chưa và đã trả lời tất cả các câu hỏi đặt ra ban đầu hay chưa. Đọc lại phần trình bày các sự kiện, tình tiết để xem toàn bộ các sự kiện quan trọng đã được nêu trong đó hay chưa. Xem lại phần trao đổi về các quy định pháp luật để xem các nội dung quan trọn có được nêu theo trật tự logic không. Xem lại phần kết luận có phù hợp với nội dung trao đổi không.
Tạm quên bản dự thảo và quay lại đọc mới như đọc lần đầu
Chất lượng biên tập sẽ được cải thiện rất nhiều nếu thẩm phán “tạm quên bản thảo trong một thời gian ngắn”. Đây là ý kiến của một vị thẩm phán. Mặc dù, áp lực về thời gian cũng như khối lượng công việc đồ sộ chắc chắn sẽ khiến cho thẩm phán khó làm được điều này, song chỉ cần tạm không nghĩ đến bản dự thảo đó trong vòng vài ngày là đủ. Điều này sẽ giúp cho việc đọc lại và biên tập sau này khách quan hơn nhiều. Điều này có thể giúp thẩm phán thấy mọi việc rõ ràng hơn, thậm chí có thể có những cách nhìn mới và có những ý tưởng mới.
Hãy yêu cầu một người đọc mới bản thảo và cho ý kiến
Có thể nhờ một thư ký tòa án – người chưa từng tham gia soạn thảo văn bản tố tụng – đọc lại bản dự thảo đó với cái nhìn khách quan để đưa ra các ý kiến phê bình nhận xét về nội dung và biên tập. Tất nhiên, ngay cả một thư ký của tòa án đã từng giúp việc thẩm phán cũng có thể giúp làm việc này và đưa ra những góp ý để biên tập lại văn bản nhằm giúp hoàn tất bản thảo cuối cùng.
Phần 6
Phản đối, nhất trí và viết cùng các thẩm phán khác
Bản ý kiến phúc thẩm thể hiện quyết định tập thể của một số thẩm phán. Thẩm phán là người viết bản ý kiến đó phải tính đến suy nghĩ của các thẩm phán khác trong hội đồng xét xử hoặc tại toà toàn thể (en banc) và phải đưa suy nghĩ của cả nhóm vào trong phần cơ sở của bản ý kiến đó. Đôi khi, một số thẩm phán tham gia vào việc chuẩn bị một bản ý kiến. Ví dụ, khi bản ý kiến được viết cùng nhau, hoặc khi các thẩm phán bình luận và có ý kiến về một văn bản mà một thẩm phán là người được giao viết bản ý kiến đó. phần này sẽ trình bày một số những cân nhắc giữa các đồng nghiệp khi viết bản ý kiến chung.
Biên bản ý kiến chung
Tại một số toà khu vực, mức độ phức tạp và số lượng vấn đề liên quan trong một vụ việc dẫn đến phải có bản ý kiến chung. Ý kiến chung được coi là ý kiến trước toà (per curiam). Tuy nhiên, đôi khi vụ việc liên quan tới từng phần khác nhau trong ý kiến chung đó lại được nêu tên rõ ràng. Ví dụ, khi xem xét các hồ sơ hành chính dài và mang tính kỹ thuật của, Toà Khu vực D.C, thường đưa ra các bản ý kiến đó như: Xin xem một số ví dụ tại National Wildlife Federation v. Hodel, 839 F.2d 694 (Toà khu vực D.C. 1988) và Ohio v. U.S. Department of Interior, 880 F.2d 432 (Toà khu vực D.C. 1989). Và Chemical Manuracturers Association v. Environmental Protection Agency, 870 F. 2d 177 (Toà khu vực số 5. 1989).
Khi hội đồng xét xử quyết định đưa ra bản ý kiến chung, cần có kế hoạch và phối hợp thỏa đáng giữa các thẩm phán và thư ký tòa (law clerk) để bảo đảm rằng bản ý kiến là có thể đọc được, mạch lạc và chặt chẽ. Có thể cần tổ chức một hội thảo phù hợp sau giai đoạn thảo luận để bàn về việc hoàn thiện bản ý kiến, trong đó cần đề cập tới mối quan hệ giữa các phần ý kiến với nhau, các giải định chung hoặc những khẳng định dựa vào tình tiết của vụ việc. Trình tự các phần có thể cần phải thiết kế nhằm bảo đảm dễ hiểu và tránh lặp lại các tình tiết cơ bản cũng như lặp lại các phân tích pháp lý.
Nhìn chung, một thẩm phán của hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm điều phối và gửi các bản tóm tắt và sơ lược của các phần theo dự định trước khi tất cả bắt đầu viết. Một thẩm phán, thường là thẩm phán điều phối, cũng sẽ có trách nhiệm viết phần lời nói đầu và phần kết luận, trong đó có bao quát mọi phần trong bản ý kiến đó. Phần lời nói đầu thường là tóm tắt và thường là tuyên bố về việc khiếu kiện đó được đưa ra toà xét xử. Các chi tiết và các tình tiết của vụ việc cần được trình bày trong các phần cụ thể sau đó của văn bản.
Sau khi những người được giao nhiệm vụ hoàn thành phần dự thảo của mình thì thẩm phán điều phối sẽ có trách nhiệm lắp ghép, xem xét điều chỉnh có tính kỹ thuật (không thay đổi nội dung) nhằm tránh sự chồng chéo hoặc tránh các khác biệt về văn phong trong toàn bộ văn bản.
Với các vụ việc phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn, toà án có thể gia tăng việc sử dụng bản ý kiến chung để tránh chậm trễ và lệ thuộc vào một thẩm phán. Do đó,nếu có kế hoạch một cách khoa học, thì cách làm này cần áp dụng vì nó vừa tiết kiệm thời gian và vẫn duy trì được chất lượng đối với loại văn bản này.
Bình luận về một dự thảo do một thẩm phán khác viết
Các thẩm phán sẽ gửi bản thảo ý kiến cho các thẩm phán khác trong hội đồng xét xử hay toàn bộ các thẩm phán của toà để xin ý kiến nhận xét nhằm bảo đảm rằng bản ý kiến đã có nhận xét của đại đa số thẩm phán. Khi nhận xét về bản ý kiến viết bởi một thẩm phán khác, thì nên nhận xét vào nội dung của bản ý kiến, chứ không nên nhận xét về văn phong. Khi đó, để xác định rạch ròi giữa văn hong và nội dung, thì một bình luận là phù hợp nếu vấn đề đang nói đến là tiếng nói của tòa án. Do đó nội dung của nhận xét là thông điệp của tòa án mà không đại diện cho quan điểm của các cá nhân.
Bản ý kiến phản đối
Bản ý kiến phản đối có một số mục đích khác nhau. Chúng có thể giúp toàn bộ thẩm phán (en banc) có cơ hội để rà soát một lần hoặc xem xét lại vụ việc theo lệnh toà cấp trên hoặc chuẩn bị kỹ hơn nữa để xem xét lại ý kiến của mình. Việc làm này có thể có tác động tới công tác lập pháp để chỉnh sửa những bất cập trong quy định của pháp luật. Các ý kiến phản đối cũng có tác dụng tốt tới các thẩm phán khác cũng như đến luật sư nhằm hạn chế của việc ra quyết định thiếu cân nhắc xảy ra trong tương lai. Theo cách này, ý kiến phản đối có thể sẽ rất hữu ích trong việc đưa ra những thông tin quan trọng đến những người đọc đồng thời giúp cho việc hoàn thiện pháp luật.
Ý kiến phản đối luôn được viết một cách chuẩn mực. Bởi vì một văn bản ý kiến phản đối được viết một cách khoa trương hay giáo điều có thể dẫn đến bất hoà và gây cảm giác không tốt đối với toà án. Điều này có thể làm giảm hiệu lực của bản ý kiến và làm ảnh hưởng uy tín của cả toà án với tư cách là một thể chế. Có nên thể hiện phản đối hay không? câu trả lời có thể phụ thuộc vào bản chất của vụ việc và nguyên tắc đang xét đến. Việc phản đối thường không nên được đưa ra khi nguyên tắc đó đã được giải quyết và quyết định đó có ít tầm quan trọng đối với các vụ việc khác, mà chỉ áp dụng với vụ việc cụ thể đó. Các vụ việc có đề cập tới những nguyên tắc pháp lý mới xuất hiện hoặc những giải thích pháp luật trong những lĩnh vực sẽ tác động đến các hoạt động tương lai của luật sư, công chúng và của chính phủ thường sẽ xứng đáng để phản đối hơn là các vụ việc có phạm vi áp dụng hạn hẹp. Như một thẩm phán đã từng nói: vấn đề phải quan trọng đủ để “khuấy động sự quan tâm” của thẩm phán nhằm hoàn thiện pháp luật hơn nữa, chứ không phải là để trút ra những cảm xúc cá nhân. Các thẩm phán khi cân nhắc có nên đưa ra ý kiến phản đối hay không, thì cần tự hỏi mình liệu những lợi ích mà mình đạt được có cao hơn cái giá có thể phải trả hay không?
Nếu một thẩm phán cho rằng viết bản phản đối sẽ hữu ích, thì nên viết một cách cẩn trọng và có trách nhiệm như là một bản ý kiến của tòa án. Lý lẽ lập luận nên tập trung vào những nguyên tắc quan trọng và phải phân biệt rõ giữa cơ sở của người phản đối và cơ sở của đại đa số. Tuy nhiên, đây là một công cụ để nêu ra những điểm khác biệt, bất đồng một cách hữu hiệu và mạnh mẽ, đồng thời đây cũng là một công cụ để tham gia tranh luận hoặc biện hộ. Một bản ý kiến phản đối không nên chỉ đơn thuần là chỉ chỉ trích ý kiến của đại đa số hoặc của một tác giả. Không nên dùng ngôn ngữ xúc phạm và giọng điệu bề trên để chỉ trích, mặc dù một số thẩm phán cho rằng đôi khi sự xúc phạm hoặc căm phẫn có chừng mực cũng là cần thiết.
Phụ lục E có đưa ra nhiều ví dụ về những bản ý kiến phản đối với văn phong chừng mực và hợp lý khi thể hiện những ý kiến trái với ý kiến của đại đa số.
Ý kiến nhất trí (Ý kiến ngắn gọn)
Hầu hết những điều phải cân nhắc trong các ý kiến phản đối cũng áp dụng đối với những ý kiến nhất trí. Nhất trí là phù hợp khi nhằm định nghĩa chính xác hơn về phạm vi của một bản ý kiến hoặc để thông báo cho các bên và người đọc về những điều mà người viết cho là quan trọng. Một bản ý kiến nhất trí không nên được viết chỉ để bổ sung một quan điểm hoặc một tuyên bố cá nhân mà ý kiến đó còn phải có giá trị giáo dục. Câu hỏi nên đặt ra cho người viết là: Tôi có đang viết cho tôi hay cho tòa?
Các thẩm phán nên đưa vào trong bản ý kiến nhất trí của mình một phần trình bày về lý do tại sao họ lại nhất trí cụ thể như vậy. Mục đích không phải là trình bày một ý kiến thay thế của tòa án, mà là để chỉ ra điểm xuất phát của ý kiến cũng như phạm vi ý kiến. Bản nhất trí không nên xào xáo lại những tình tiết và các nguyên tắc pháp lý mà đại đa số đã dùng để đưa ra quyết định đó, trừ trường hợp có khác biệt đáng kể trong những phát hiện tình huống và kết luận pháp lý. Các lý lẽ nên đúng nguyên tắc và phải theo một kiểu cách mang tính xây dựng.
Trong Phụ lục F có đưa ra một số ví dụ về những bản ý kiến nhất trí ngắn gọn.
Phần 7
Đọc để viết
Từ điển, từ đồng nghĩa, cẩm nang trích dẫn, và cẩm nang tham chiếu là những công cụ hỗ trợ viết cơ bản mà các thẩm phán nên luôn có sẵn. Các thẩm phán cũng cần quen với những cẩm nang về văn phong và ngữ pháp và tra cứu chúng khi có vấn đề phát sinh. Quyển The Elements of Style của Struck & White rất rõ ràng và chính xác. Quyển Modern English Usage của Fowler và cuốn Modern American usage rất đầy đủ và phong phú. Một thẩm phán đã phát biểu rằng: “Tôi nghĩ rằng các thẩm phán nên thường xuyên đọc sách dạy viết”.
Một số thẩm phán thấy rằng việc đọc những bản ý kiến trước đây cũng giúp họ viết rõ ràng hơn. Một thẩm phán phát biểu rằng: “Đôi khi tôi sẽ nhớ một bản ý kiến mà tôi nghĩ là đặc biệt tốt về dạy những nguyên tắc pháp lý. Các bản ý kiến trước đây sẽ trở thành một dạng sách giáo khoa hướng dẫn hữu ích”.
Ngoài ra, một thẩm phán khác lại cho biết: “Tôi luôn bảo nhân viên phải quay lại và đọc của một số người viết tốt để xem cách thức họ viết như thế nào, và cố gắng suy nghĩ về những điều đó khi viết”. Một người khác lại phát biểu rằng:
Tôi thấy rằng công cụ hữu hiệu nhất để bảo đảm chắc chắn rằng bài viết của bạn sẽ không chỉ có buồn chán và khó đọc là phải đọc về những thứ không phải về pháp luật. Tôi cho rằng bạn càng đọc nhiều sách không phải về pháp luật, thì bạn sẽ thu được nhiều thuật ngữ thông dụng thú vị hơn mà có thể dụng trong luật và bạn càng có thể tránh xa việc hay dùng biệt ngữ pháp lý hay dùng mãi những từ cũ kỹ và nhàm chán. Tôi thấy rằng khi đọc sách không về pháp luật, đôi khi một cụm từ nào đó sẽ ghi dấu ấn trong đầu bạn, đôi khi là một từ, đôi khi là một hình ảnh. Việc quen với các tình huống không phải pháp lý sẽ giúp bạn viết tốt hơn, vì nó giúp có những từ ngữ và hình ảnh ngoài sức tưởng tượng.
Cẩm nang này sẽ không hướng dẫn về việc cần có những gì trong danh mục sách đọc không về pháp lý của một thẩm phán (mặc dù một số thẩm phán cho rằng nên học theo cách viết của Earnest Hemingway và đây là một hình mẫu tuyệt vời khi viết văn bản pháp lý). Tuy nhiên, sau đây là những sách, bài viết và những tài liệu giúp những người viết các văn bản tố tụng có thể soạn thảo ra những bản ý kiến rõ ràng và chính xác... Ngoài ra, chúng ta còn có tác phẩm mới nhất của Thẩm phán Ruggero Aldisert là Opinion Writing (1990), một cuốn sách nên nằm trong danh mục sách nên đọc của mỗi thẩm phán.
Các đầu sách
Advocacy and the King’s English (Rossman ed. 1960)
R. Flesch, How to Write Plain English: A b=Book for Lawyers and Consumers (1979)
J.J. George, Judicial opinion Writing handbook (tái bản lần thứ 2 năm 1986)
R. A. Leflar, Appellate Judicial opinions (1974)
D. Mellinkoff, The Language of the Law (1963)
R.A. Wasserstrom, The Judicial Decision: Toward a Theory of Legal Justification (1961)
H. Weihofen, legal Writing Style (1961)
R. H. Weisberg, When lawyers Write (1987)
B. E. Witkin, Manual on Appellate court Opinions (1977)
Các bài viết
Let’s Not Oversimplify Legal Language của Aiken, 1960
Style in Judicial Writting của Bell, 1966
The End of Legalese của Benson, 1984-85
How to Write a Concise Opinion của Douglas, 1983
A Faster, Better Way to Write Opinions của Francis, 1983
Let’s simplify Legal Language của Hager, 1959
Judicial Style: An Exemplar của Hugg, 1987
Quanlity in Judicial Opinions của Leflar, 1983
Some Observations Converning Judicial Opinions của Leflar, 1961
For Whom Judges Write của Mikva, 1988
Goodbye to Footnotes của Mikva, 1985
Appellate opinion Writting của Federal Judicial Center, 1977
Communicating with Juries của Schwarzer, 1981
The Writing of Judicial Opinions của Stern, 1946
Planing English for Lawyers của Wydick, 1978
Bad Writing = Bad Thinking của Younger, 1987
Các tài liệu khác
Phần về A.B.A của Judicial Administration, Internal Operating Procedures of Appellate Courts 1961
Institute of Judicial Administration, Appellate Courts: Internal Operating Procedures – Preliminary Reports 1957
Phụ lục A: Mẫu Biên bản ý kiến
Dưới đây là trích lục một bản ý kiến mà tòa tự đưa ra (per curiam) về biên bản ý kiến.
Đây là một khiếu kiện hợp nhất từ hai vụ việc... Các bị đơn khiếu kiện xin xem xét lại đối với các phán quyết cuối cùng về việc tịch thu và bán tài sản do [tòa hạt] tuyên ngày 6/7/1989 và ngày 17/5/1989. Chúng tôi không cần nêu lại các tình tiết của vụ việc này, vì chúng đã được nêu chi tiết trong hai bản ý kiến chi tiết của tòa, ... Các tình tiết này được cho là có nhiều điểm tương đồng. Xin xem thêm [khiếu kiện liên quan].
Lý do quan trọng nhất [của bị đơn] để khiếu kiện xem xét lại là tòa hạt đã sai trong việc loại bỏ bào chữa của “đại lý không đáng tin cậy” đối với việc tịch thu tài sản theo luật [của bang]. Bào chữa này là một nỗ lực để tránh quy tắc về luật đại diện đã được thiết lập rằng người giao đại lý có trách nhiệm đối với bên thứ ba đối với các hành vi của đại lý trong phạm vi thẩm quyền thực sự và rõ ràng của đại lý đó. Xen xem vụ British American & Eastern Co. kiện Wirth Ltd., 592 F. 2d 75, 80 (tòa khu vực số 2, năm 1979. Những người khiếu nại ... không tranh cãi về việc những người bị xem xét lại ..., người nhận thế chấp các tài sản liên quan, là bên thứ ba. Và họ cũng không phủ nhận rằng [người bị khiếu kiện xem xét lại] giao dịch với đại lý của mình [công ty bất động sản] và rằng công ty bất động sản đã làm với tư cách là đại lý của mình. Tuy nhiên, họ nêu ra việc bào chữa đại lý không đáng tin cậy, vì cho rằng [bên bị khiếu kiện xem xét lại] nên bị cấm tịch thu tài sản vì bên đó đã biết được về việc quản lý kém của B______, là người giữ chức vụ chủ tịch của công ty bất động sản. Để chứng minh cho quan điểm này, họ đưa ra bằng chứng rằng [bên bị khiếu kiện xem xét lại] cho rằng B___ quản lý kém chính là nguồn gốc dẫn đến gian lận này.
Chúng tôi không thấy tin rằng tòa án hạt lại sai khi phản đối biện hộ về đại lý không đáng tin cậy. Cứ cho rằng có thể có lý lẽ cho việc phản biện này trong các trường hợp phù hợp, thì cũng tôi đã xem xét và xóa bỏ nó tại [trích dẫn]. Trên thực tế, bên đưa ra biện hộ về việc đại lý không đang tin cậy tại [trích dẫn] dường như là gióng nhau, về mọi mặt ngoại trừ tên, với tư cách là [bị đơn]. [trích dẫn]. Hơn nữa, ngay cả khi những bị đơn phản đối, thì những nguyên tắc về không dựa vào quyền (estoppel) tài sản bảo đảm cũng không cấm việc khiếu kiện, thì chúng tôi vẫn thấy lý do của ban hội thẩm [trích dẫn] là không mang tính chung thẩm trong hồ sơ. “Không thể cho rằng việc người nhận thế chấp biết được về gian lận trong một vụ thế chấp nghĩa là đại lý liên quan tham gia vào việc tự doanh”. [trích dẫn]. Chúng tôi thấy hồ sơ ghi rằng: “trên cơ sở chỉ thấy được những đồn đại thuyết phục nhưng không chắc chắn và những kết luận mang tính tình tiết nhưng không được chứng minh”, chúng tôi phản đối, và ban hội thẩm [trích dẫn] cũng phản đối, “biện hộ về đại lý không tin cậy”. [trích dẫn]
Các phán quyết của tòa cấp hạt đã được phê chuẩn.
Phụ lục B: Mẫu lệnh Tóm tắt
Dưới đây là ví dụ về lệnh tóm tắt.
Liên quan đến những ghi chép trong hồ sơ của Tòa Hạt ____ của Hoa Kỳ:
1. Nguyên đơn .... khiếu kiện cho chính mình (pro se) đối với một lệnh đề ngày 21/12/1989 của Tòa Hạt ___ từ chối đơn đề nghị của bên khiếu kiện xin xem xét lại lệnh của tòa hạt đề ngày 12/10/1989 theo đó đưa ra đơn đề nghị chéo cho phán quyết tóm tắt đối với các bên bị đơn-bên bị khiếu kiện ... vụ việc về quyền dân sự này phát sinh từ việc bên bị khiếu kiện không tuyển dụng bên khiếu kiện vào một vị trí trong Trung tâm Y tế Hành chính Cựu chiến binh tại ......
2. Khiếu kiện chính của bên khiếu kiện đối với việc khiếu kiện dường như là việc tòa hạt đã lạm dụng quyền tự quyết, diễn giải sai các tình tiết của vụ việc, áp dụng sai rất nhiều luật và giải thích sai ý định của quốc hội trong việc ban hành Đề mục VII của Luật Quyền Dân sự năm 1964.
3. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ mọi nội dung khiếu kiện của bên khiếu kiện, và thấy rằng các nội dung khiếu kiện đó đều không xác đáng, không có cơ sở. Chúng tôi xác nhận lại là đồng ý với những lý lẽ trình bày trong các bản ý kiến của ...... đề ngày 12/10/1989 và 21/12/1989.
4. Lệnh trên của tòa hạt là đúng.
Phụ lục C: Các tiêu chuẩn xem xét lại
Dưới đây là những ví dụ về tiêu chuẩn xem xét lại.
Chúng tôi rà soát việc tòa hạt phủ nhận một đơn đề nghị mở một phiên xử mới cho việc lạm dụng quyền tự quyết. Vụ Robins kiện Harum, 773, F.2d 1004, 1006 (Tòa khu vực số 9 1985). Tòa phúc thẩm phải xem xét liệu quyết định của tòa cấp dưới “dựa trên việc cân nhắc các tình tiết liên quan và liệu có hay không có sai sót rõ ràng trong phán quyết.” Citizens to Preserve Overton park, Inc, kiện Volpe, 401 U.S. 402, 416, 91 S.Ct. 814, 823, 28 L.Ed.2d 136 (1971).
Mục 10(j) của Luật Quan hệ lao động Quốc gia , 29 U.S.C Điều 160(j) năm 1982, cho phép tòa hạt đưa ra lệnh khẩn cấp tạm thời để phục hồi và giữ nguyên tình trạng (status quo) trong khi đợi quyết định của Ủy ban về việc một khiếu kiện về hành vi lao động không lành mạnh gây tác động tiêu cực là có cơ sở hay không. Ví dụ: Esseo kiện Pan American Grain Co., Inc., 805 F. 2d 23, 25 (Tòa khu vực số 1 1986); Fuchs kiện Hood Industries, Inc., 590 F.2d 395, 397 (Tòa khu vực số 1 1979);. Theo luật định, tòa hạt chỉ được phép đưa ra quyết định liệu có (1) lý do hợp lý để cho rằng có thể xảy ra một vi phạm đối với Luật, và (2) liệu một lệnh khẩn cấp tạm thời là hợp lý trong hoàn cảnh đó. Asseo, 805 F.2d at 25; Maram kiện Universidad Interamericana de Puerto Rico, 722 F. 2d 953, 959 (Tòa khu vực số 1, 1983).
Như đã nêu ở trên, khi khiếu nại để xem xét lại, việc xem xét của tòa mang tính:
giới hạn trong việc [quyết định] liệu tòa hạt có mắc lỗi rõ ràng trong việc phát hiện nguyên nhân hợp lý để cho rằng đã có những hành vi lao động không công bằng và liệu tòa hạt có lạm dụng quyền tự quyết của mình trong việc đưa ra biện pháp khẩn cấp tạp thời. Union de Tronquistas de Puerto Rico kiện Arlook, 586 F. 2d 872, 876 (Tòa khu vực số 1, 1978)
Asseo, 805 F.2d at 25. Trên cơ sở những tiêu chuẩn này, chúng ta quay lại vấn đề xem xét tính xác đáng, cơ sở của khiếu kiện.
* * *
Trong khi xem xét những phát hiện của các tòa về phá sản, chúng tôi và các tòa hạt chỉ có thể hủy bỏ những phát hiện mang tính tình tiết khi chúng tôi cho rằng rõ ràng là các phát hiện đó là sai lầm. Trong In re Killebrew, 888 F. 2d 1516, 1519 (Tòa khu vực số 5 1989). Tất nhiên là chúng tôi xem xét các quyết định pháp lý thêm một lần nữa. Trong In re Copton, 891 F.2d 1180, 1183 (Tòa khu vực số 5 1990). Do khiếu kiện này xoay quanh việc liệu [bên vay] có cố tình lừa dối [bên chủ nợ] – một quyết định mang tính tình tiết – nên chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn về lỗi rõ ràng. Cf. In re Rubin, 875 F.2d 755, 758 (Tòa khu vực số 9 1989).
Phụ lục D: Mẫu đoạn kết
Sau đây là ví dụ về đoạn kết.
Vì những lý do trên, vụ việc được trả lại cho thẩm phán của tòa hạt để làm rõ hơn một cách nhanh và khả thi liệu thẩm phán có thể áp dụng cùng án đó nếu được áp dụng khung án thấp hơn là 10-16 tháng theo Cẩm nang. Trong trường hợp Thẩm phán ___ cho rằng không thể áp dụng mức án 16 tháng nếu áp dụng theo mức quá trình vi phạm hình sự mục IV, nếu thẩm phán đó muốn như vậy, [bị đơn] có thể khiếu kiện lại bằng cách gửi một thông báo khiếu kiện mới trong vòng 10 ngày kể từ ngày thẩm phán đó quyết định về việc trả lại hồ sơ và không cần phải gửi thêm các bản tóm tắt bổ sung. Ban bồi thẩm vẫn có thẩm quyền xét xử trong trường hợp khiếu kiện lại như vậy.
* * *
Do vậy, chúng tôi chấp nhận đơn khiếu kiện để xem xét lại và yêu cầu [cơ quan] không tiến hành thêm bất kỳ hoạt động tố tụng nào theo Các Quy tắc Hình phạt cho đến khi cơ quan này đã tham gia thêm các hoạt động đưa ra quy tắc theo mục 553. Tuy nhiên, theo quyền chế tài, chúng tôi cho rằng [cơ quan] được tự do giữ lại các vụ việc chưa xét xử đang tồn đọng và sau này sẽ tiếp tục tiến hành tố tụng khi ban hành lại một kế hoạch hành động xử phạt dân sự hành chính mang tính phân xử theo mục 1475.
* * *
Vì những lý do đã nêu ở phần trên, chúng tôi yêu cầu tòa hạt tiến hành các công việc sau: 1) Tòa sẽ xem xét lại lệnh về việc làm sạch VOC; và sẽ sửa đổi lệnh đó để yêu cầu [bị đơn] làm sạch VOC trong đất tại địa điểm .... đến một mức độ mà tòa cho là cần thiết để bảo vệ “sức khỏe công chúng” và vì “lợi ích công chúng”. 2) tòa sẽ xem xét lại vấn đề “chi phí gián tiếp”, và như chúng tôi đã nêu ở phần trên, giải thích bất kỳ sự phủ nhận nào về những chi phí đó như là một khoản phạt. Các nội dung khác của phán quyết của tòa hạt được chấp nhận.
Phụ lục E: Mẫu Ý kiến Phản đối
Sau đây là ví dụ về các bản ý kiến phản đối.
Tôi xin trình bày lý do đưa ra ý kiến phản đối như sau:
Câu hỏi liệu một quy định về chống mua lại có đưa ra một quy định về “bảo vệ đặc biệt” cho những người nắm giữ trái khoán không thể có một câu trả lời là “không” chỉ vì “các thành viên HĐQT độc lập” quyết định khước từ các quy định đó và phê chuẩn một giao dịch cụ thể. Các thành viên HĐQT này rõ ràng có quyền hành động theo hướng này theo các điều khoản của quy định đó như được công bố hoàn toàn. Một chức năng quan trọng của quy định về chống mua lại là để ngăn cản việc mua lại mang tính thù địch, bao gồm cả việc mua lại trái với lợi ích của cả người nắm giữ cổ phiếu và người nắm giữ trái khoán. Tôi cho rằng người ta không thể đúng đắn khi cho rằng quy định như vậy là “không có giá trị gì” đối với người nắm giữ trái khoán, ngay cả khi các thành viên HĐQT luật Delaware còn mắc nợ ủy thác chỉ riêng đối với các cổ đông. Do vậy, quy định về việc chống mua lại là một “bảo vệ đặc biệt” đối với người nắm giữ trái khoán, mặc dù chỉ là một số người có giới hạn.
Pháp luật chứng khoán liên bang không quy định nghĩa vụ phải tư vấn cho nhà đầu tư về những thông tin cơ bản về quản trị doanh nghiệp. Việc tiết lộ theo yêu cầu luật chứng khoán liên bang không phải là “một thủ tục thú tội hay hoạt động trong các hoạt động bào chữa thông thường. Cái cần thiết là tiết lộ các tình tiết khách quan quan trọng”. Data Probe Acquisition corp. kiện Data Lab, Inc. 722 F.2d 1, 5-6 (Tòa khu vực số 2 1983), cert, denied, 465 U.S. 1052, 104 S.Ct. 1326, 79 L. Ed. 2d 722 (1984). Đặc biệt đúng như vậy khi, giống như trong trường hợp này, những người khiếu kiện là nhà đầu tư là những tổ chức tài chính cao cấp thường có những khoản đầu tư lớn. Vai trò của pháp luật chứng khoán liên bang không phải là khắc phục những bất công có thể thấy được trong các giao dịch chứng khoán. Mà, như được đề cập trong vụ việc này, pháp luật chứng khoán liên bang sẽ chỉ có vai trò bài trừ những việc đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây nhầm lẫn hoặc việc bỏ sót thông tin quan trọng.
Liệu các thành viên HĐQT độc lập có vi phạm nghĩa vụ thiện chí mà họ được cho là phải gánh vác hoặc bằng cách khác hành động trái với nghĩa vụ ủy thác của họ, là vấn đề của pháp luật bang. Trong trường hợp này, khiếu kiện liên bang chỉ được xác nhận một cách có điều kiện, điều kiện rõ ràng là việc khiếu kiện theo luật pháp bang không thành công. Các khiếu kiện ở cấp bang được tòa hủy bỏ một cách chính đáng do thiếu thẩm quyền xử lý.
Trên cơ sở cho rằng hiện tại không có bất kỳ khiếu kiện cấp liên bang nào đang tồn đọng, tôi xin xác nhận lại một lần nữa, vì những lý do đã nêu trong các bản Ý kiến của Thẩm phán và Tòa Hạt.
* * *
Về nhiều khía cạnh, vụ việc này cho thấy cảnh sát đã hành động rất tốt. Tuy nhiên, cũng rõ ràng rằng các bị đơn đã quá thiếu hiểu biết và rằng các cảnh báo Miranda đã không được gửi đi. Mặc dù những người khiếu kiện không bị giam giữ, nhưng sự thật là họ đã không được sự bảo vệ của luật sư và cũng đã không khước từ việc có luật sư. Khi tòa hạt xét xử, các cán bộ chính phủ lẽ ra phản cần trọng hơn để bảo đảm rằng [các bị đơn] đã hiểu rõ về tình hình lúc đó và về quyền của họ. Xin xem Henry kiện Dees, 658 F.2d 406, 411 (Tòa khu vực số 5 1981.)
Phụ lục F: Mẫu Ý kiến Ngắn gọn
Sau đây là những ví dụ về văn bản ý kiến nhất trí ngắn gọn.
Tôi nhất trí với đa phần trong thảo luận kỹ lưỡng của Thẩm phán X về các vấn đề của vụ việc này. Tôi hoàn toàn nhất trí với Phần IIA và C và cơ sở của khiếu kiện đối với [tên bị đơn] và các khiếu kiện theo luật của bang. Tôi cũng đồng ý với những tuyên bố trong phần II B rằng “.....”. Tôi cũng đồng ý rằng “..............”.
Tuy nhiên, tôi thấy không cần thiết phải đưa ra câu trích dẫn từ vụ Rice kiện Ohio Department of Transportation 887 F2d 716, 719 (tòa khu vực 6, năm 1989), mà câu này có thể được diễn giải rằng lý thuyết của vụ Will kiện Sở cảnh sát bang Michigan – Hoa Kỳ - 109 Ct. 2304, 105 L. Ed. 2d 45 (1989),về một khía cạnh nào đó, cấm việc khiếu kiện theo bản 1983 đối với các cán bộ nhà nước nếu vụ việc đó là về các hành động được họ thực hiện với tư cách là cán bộ nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng Will chỉ cấm kiện các cán bộ nhà nước khi những cán bộ đó bị kiện với tư cách là cán bộ nhà nước.
Theo đó, tôi xác nhận rằng quyết định của tòa rằng theo các tình tiết của vụ việc, các bên bị đơn .... thỏa mãn điều kiện để được miễn trừ.
* * *
Tôi nhất trí với kết quả mà Thẩm phán ___ đưa ra và quan điểm của Thẩm phán ___, trừ phần phân tích của Thẩm phán đối với vấn đề Sửa đổi Thứ nhất. Vì những lý do đã nêu trong phần ý kiến nhất trí của tôi (trích dẫn), tôi cho rằng .... các quy định nêu về thời gian, địa điểm cho phép, và các giới hạn về cách thức trong phần phát biểu về nghề nghiệp của [nguyên đơn].
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!