Chuyên đề 4d: Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong xét xử các vụ án tranh chấp lao động


Trong số các vụ án lao động mà Toà án nhân dân tối cao đã xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, có những vụ khá phức tạp xét cả về chứng cứ và luật áp dụng, cũng có vụ án tình tiết đơn giản, chứng cứ đầy đủ nhưng Toàán cấp sơ thẩm, phúc thẩm vẫn áp dụng pháp luật không đúng là do nghiên cứu hồ sơ và các quy định của pháp luật không đầy đủ, không toàn diện, nhận thức pháp luật không đúng dẫn đến sai sót. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể cần rút kinh nghiệm.
1. Vụ tranh chấp về sa thải giữa:
Nguyên đơn là bà Trần Thị Ánh Tuyết với bị đơn là Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ Sói. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bà Tuyết làm việc tại Công ty Kỹ nghệ Sói từ ngày 27/8/2008; công việc Trưởng phòng nhân sự, hưởng lương 10.000.000đ/tháng; thời gian thử việc 2 tháng, tính từ ngày 27/8/2008 đến 27/10/2008. Sau khi hết thời gian thử việc, bà Tuyết vẫn tiếp tục làm việc; đến ngày 18/11/2008, Công ty Kỹ nghệ Sói ra quyết định cho bà Tuyết thôi việc, không có lý do. Bà Tuyết khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Tại Bản án sơ thẩm số 08/2009/QĐST-LĐ ngày 20/5/2009 TAND huyện TA, tỉnh BD đã xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết; buộc Công ty Kỹ nghệ Sói nhận bà Tuyết trở lại làm việc và bồi thường cho bà Tuyết theo quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động.
Sau khi xử sơ thẩm, Công ty Kỹ nghệ Sói kháng cáo.
Tại Bản án phúc thẩm số 12/2009/LĐ-PT ngày 18/8/2009, TAND tỉnh BD đã quyết định sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Tuyết có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Nhận thấy: Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì sau khi hết thời gian thử việc, công ty đề nghị bà ký HĐLĐ, nhưng bà không chấp nhận vì bản HĐLĐ ghi mức lương thấp hơn so với mức lương thực tế bà đang được hưởng.
Đại diện của Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ Sói trình bày: ngày 30/10/2008 công ty và bà Tuyết đã tiến hành thương lượng để ký kết HĐLĐ; bà Tuyết yêu cầu công ty phải ghi mức tiền lương đóng BHXH là 100% tiền lương. Công ty chỉ chấp nhận đóng BHXH theo mức tiền lương 4.500.000 đồng. Còn lại 5.500.000 đồng là tiền trợ cấp hiệu quả.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định: “Hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả làm thử cho người lao động. Nếu đạt yêu cầu hai bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động hoặc người lao động không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức”.
Như vậy, căn cứ Điều 7 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nói trên thì hết thời gian thử việc, bà Tuyết vẫn tiếp tục làm việc nên bà Tuyết đương nhiên được làm việc chính thức.
Khoản 2 Điều 94 của Luật BHXH quy định: “Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”.
Khi tiếp nhận bà Tuyết vào làm việc, hai bên thoả thuận mức tiền lương và được ghi trong HĐLĐ là 10.000.000/tháng. Sau khi hết thời gian thử việc, công ty yêu cầu bà Tuyết ký HĐLĐ với mức tiền công đóng BHXH thấp hơn mức tiền lương ghi trong HĐLĐ là không đúng.
Như vậy, việc bà Tuyết từ chối ký HĐLĐ là có lý do chính đáng; việc Công ty cho bà Tuyết thôi việc là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết là không đúng.
Ngày 09/5/2011 Chánh án TANDTC ra Quyết định số 02/2011/QĐKN-LĐ về việc kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên theo hướng huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện TA xét xử sơ thẩm lại.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2011/LĐ-GĐT ngày 30/8/2011, Hội đồng giám đốc thẩm của Toà Lao độngToà án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; huỷ bản án lao động phúc thẩm và bản án lao động sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
2. Vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ giữa:
Nguyên đơn là ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn, với bị đơn là Công ty cổ phần BiBiCa. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn làm việc tại Công ty cổ phần BiBiCa từ ngày 02/01/2009 theo Quyết định tiếp nhận và điều động số 1297/QĐTN-GĐ ngày 24/12/2008. Công việc ông Tuấn đảm nhiệm là Giám đốc bán hàng miền Nam; hưởng lương hệ số 15,00/tháng, phụ cấp trách nhiệm 19.000.000 đ/tháng; ngạch lương đóng BHXH: DN003 - 2/8 (hệ số lương 2,65), thời gian thử việc từ ngày 02/01 đến 02/3/2009 hưởng 90% hệ số lương công việc.
Hết thời gian thử việc, ông Tuấn vẫn tiếp tục làm việc.
Ngày 14/5/2009 Công ty cổ phần BiBiCa lập Bảng đánh giá kết quả công việc của ông Tuấn với nội dung đánh giá là ông Tuấn “chưa đáp ứng yêu cầu GĐBHMN (Giám đốc Bán hàng Miền Nam), đề nghị cho thử thách thêm một thời gian ở thị trường TP HCM”, có đánh dấu ô “không tuyển dụng”.
Ngày 02/7/2009 Công ty cổ phần BiBiCa ra Thông báo số 0625/TB-TGĐ có nội dung: “Kể từ tháng 7/2009, Công ty sẽ có một số thay đổi về cơ cấu tổ chức tại khối BH (bán hàng), Ban lãnh đạo Công ty đề nghị ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn không làm việc ngoài thị trường khu vực TP HCM và về Văn phòng Công ty để làm việc kể từ ngày 02/7/2009. Các công việc phụ trách bán hàng ngoài thị trường khu vực TP HCM sẽ do ông Phan Văn Thiện – PTGĐKD tạm thời đảm nhận”. Thông báo này được gửi cho ông Tuấn và khối bán hàng, các giám sát bán hàng (BL 181). Ngày 06/7/2009 ông Tuấn đã bàn giao các công cụ, phương tiện làm việc (sim điện thoại) cho bộ phận nhân sự.
Ngày 6/7/2009 đại diện Công ty cổ phần BiBiCa làm việc với ông Tuấn để xem xét việc ký kết HĐLĐ. Biên bản làm với ông Tuấn thể hiện: Công ty cổ phần BiBiCa yêu cầu ông Tuấn kết kết bản HĐLĐ theo đúng thoả thuận trước đây. Ông Tuấn từ chối ký hợp đồng vì cho rằng nội dung của bản HĐLĐ không giống như công việc mà ông đã và đang thực hiện.
Ngày 09/7/2009 đại diện Công ty cổ phần BiBiCa tiếp tục làm việc với ông Tuấn về việc ký kết HĐLĐ. Tại buổi làm việc này, đại diện Công ty tiếp tục “đề nghị ông Tuấn xem xét dự thảo HĐLĐ, có ý kiến để ký kết HĐLĐ trước ngày 13/7/2009. Sau thời gian này nếu ông Tuấn không ký kết HĐLĐ hoặc không có ý kiến gì khác để hai bên thống nhất ký kết thì được coi như ông Tuấn từ chối làm việc cho Công ty BiBiCa, quan hệ lao động giữa Công ty BiBiCa với ông Tuấn chấm dứt kể từ ngày 13/7/2009”.
Đến ngày 13/7, ông Tuấn không có ý kiến trả lời Công ty cổ phần BiBiCa.
Ngày 16/7/2009 ông Tuấn đến công ty làm việc, nhưng nhân viên bảo vệ không cho ông Tuấn vào trụ sở.
Ông Tuấn có đơn gửi lãnh đạo và công đoàn công ty. Ngày 22/7/2009 Hội đồng hoà giải lao động cơ sở tiến hànhhoà giải nhưng không thành.
Ngày 07/8/2009 ông Tuấn khởi kiện về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với các yêu cầu:
- Công ty cổ phần BiBiCa phải trả trợ cấp thất nghiệp 01 tháng lương: 34.000.000 đồng;
- Trả tiền BHXH, BH y tế: 28.900.000 đồng;
- Tiền lương tháng 6/2009 còn thiếu: 7.727.273 đồng;
- Tiền lương từ ngày 01/7/2009 đến 16/7/2009: 18.545.455 đồng.
Tổng cộng: 89.172.727 đồng.
Công ty cổ phần BiBiCa không chấp nhận yêu cầu của ông Tuấn, vì cho rằng công ty không chấm dứt HĐLĐ mà do ông Tuấn từ chối ký kết HĐLĐ.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 07/2009/LĐST ngày 23/7/2009 TAND quận TB đã quyết định:
1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn đối với Công ty cổ phần BiBiCa:
a/ Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn yêu cầu Công ty cổ phần BiBiCa phải thanh toán lương làm việc thứ bảy và chủ nhật (20, 21/6/2009) là 7.727.273 đồng.
b/ Công ty cổ phần BiBiCa có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn các khoản sau:
+ Bồi thường 01 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vi phạm thời hạn báo trước: 34.000.000 đồng.
+ Tiền lương từ ngày 01/7/2009 đến ngày 16/7/2009: 18.545.455 đồng.
+ Trả tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội: 4.780.320 đồng.
Tổng cộng các khoản là 57.325.775 đồng.
Thời hạn thanh toán ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 02/8/2010 Công ty cổ phần BiBiCa có đơn kháng cáo
Tại Bản án lao động phúc thẩm số 1187/2010/LĐPT ngày 29/9/2010  TAND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần BiBiCa.
- Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 07/2009/LĐ-ST ngày 23/7/2010 của Toà án nhân dân quận TB.
Trong vụ án này, các tình tiết, chứng cứ làm căn cứ để giải quyết vụ án đã được Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm làm rõ; cụ thể là:
Ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn bắt đầu làm việc tại Công ty cổ phần BiBiCa từ ngày 02/01/2009, thử việc từ ngày 02/01/2009 đến ngày 02/3/2009. Trong suốt thời gian ông Tuấn thử việc, cho đến hết ngày 02/3/2009, Công ty cổ phần BiBiCa không có nhận xét, đánh giá kết quả thử việc của ông Tuấn và cũng không có thông báo chấm dứt thử việc.
Điều 32 Bộ luật lao động quy định: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận người lao động vào làm việc chính thức như đã thoả thuận”.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định: “Hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả làm thử cho người lao động. Nếu đạt yêu cầu hai bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động hoặc người lao động không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức”.
Ngày 14/5/2009 Công ty cổ phần BiBiCa mới thông báo kết quả thử việc của ông Tuấn không đạt yêu cầu và không tuyển dụng ông Tuấn, là không phù hợp với quy định của Điều 32 Bộ luật lao động và Điều 7 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP như nêu trên.
Tuy nhiên, tại Bảng đánh giá quá trình thử việc do Công ty BiBiCa lập ngày 14/5/2009 thể hiện: Công ty cổ phần BiBiCa gia hạn cho ông Tuấn, để “thử thách thêm một thời gian ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh”. Ông Tuấn có ký tên trong Bảng đánh giá và không khiếu nại gì. Điều đó cho thấy: ông Tuấn thừa nhận kết quả làm việc của ông không đáp ứng được yêu cầu, đồng thời ông Tuấn chấp nhận việc công ty gia hạn để ông tiếp tục thử việc thêm một thời gian tại bộ phận bán hàng miền Nam.
Sau thời gian thử thách tại bộ phận bán hàng miền Nam, Công ty cổ phần BiBiCa không thông báo kết quả làm việc của ông Tuấn. Do đó, ông Tuấn chính thức trở thành người lao động của Công ty cổ phần BiBiCa; Công ty cổ phần BiBiCa và ông Tuấn có trách nhiệm ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
Ngày 02/7/2009 Công ty cổ phần BiBiCa ra Thông báo số 0625/TB-TGĐ với nội dung: “Kể từ tháng 7/2009, Công ty sẽ có một số thay đổi về cơ cấu tổ chức tại khối BH (bán hàng), Ban lãnh đạo Công ty đề nghị ông Nguyễn Hồ Quốc Tuấn không làm việc ngoài thị trường khu vực TP HCM và về Văn phòng Công ty để làm việc kể từ ngày 02/7/2009. Các công việc phụ trách bán hàng ngoài thị trường khu vực TP HCM sẽ do ông Phan Văn Thiện – PTGĐKD tạm thời đảm nhận”. Ngày 06/7/2009 ông Tuấn đã bàn giao các công cụ, phương tiện làm việc cho bộ phận nhân sự.
Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ có nào thể hiện việc Công ty cổ phần BiBiCa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tuấn; do đó, ông Tuấn cho rằng Công ty cổ phần BiBiCa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông từ ngày 02/7/2009 là không có căn cứ.
Trong các ngày 06/7/2009, 8/7/2009 và 9/7/2009 Công ty cổ phần BiBiCa yêu cầu ông Tuấn ký kết hợp đồng lao động, nhưng ông Tuấn từ chối ký.
Tại phiên toà sơ thẩm ông Tuấn trình bày lý do ông từ chối ký hợp đồng lao động như sau: “Ngày 06/7/2009 Công ty yêu cầu tôi ký HĐLĐ khi công ty đã cho tôi nghỉ việc và thời hạn làm việc chỉ là 01 năm, BHXH, bảo hiểm y tế tôi phải đóng, trong khi thoả thuận trước đó là do Công ty đóng. Ngày 09/7/2009 Công ty yêu cầu tôi ký HĐLĐ thì thời gian của hợp đồng là 3 năm nhưng không có xe đưa rước, BHXH, bảo hiểm y tế tôi phải đóng”.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Tuấn cũng trình bày: “… nội dung hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm cùng các điều khoản thoả thuận ghi trong hợp đồng không giống với thoả thuận ban đầu”.
Đối chiếu nội dung của Quyết định tuyển dụng số 1297/QĐTN-GĐ ngày 24/12/2008 của Công ty cổ phần BiBiCa và bản dự thảo hợp đồng lao động do Công ty cổ phần BiBiCa lập để ký với ông Tuấn, thì các điều khoản về công việc, mức lương, hệ số lương và phụ cấp trong bản dự thảo hợp đồng lao động không thay đổi; cụ thể: công việc vẫn là Giám đốc bán hàng miền Nam, mức lương cơ bản: DN 003 – 2/8 – 2.120.000 (hệ số lương 2,65), hệ số lương công việc: hưởng theo vị trí công việc đảm nhận; phụ cấp trách nhiệm: 19.000.000 đ/tháng.
Về thời hạn của hợp đồng: quyết định tuyển dụng không ghi thời hạn làm việc, nhưng theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 4 Thoả ước lao động tập thể của Công ty cổ phần BiBiCa, đối với lao động có trình độ từ cử nhân trở lên, thì áp dụng hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm. Do đó, bản dự thảo hợp đồng lao động ghi thời hạn hợp đồng 03 năm là phù hợp.
Về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: quyết định tuyển dụng có ghi “Ngạch lương đóng BHXH: DN003-2/8 (hệ số lương 2,65)”.
Điều 22 Thoả ước lao động tập thể của Công ty cổ phần BiBiCa quy định: “Định kỳ hàng tháng, quý, Công ty có trách nhiệm trừ 6% tiền lương trích nộp quỹ BHXH, BHYT cho nhân viên theo quy định của luật lao động”.
Ông Tuấn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, do đó, dự thảo hợp đồng lao động ghi: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo chính sách công ty và theo quy định pháp luật, là không trái với nội dung của quyết định tuyển dụng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Về phương tiện đi lại làm việc: quyết định tuyển dụng không có nội dung về phương tiện đi lại làm việc của người lao động; bản dự thảo hợp đồng lao động ghi: “phương tiện đi lại làm việc: người lao động tự trang bị”. Ông Tuấn cho rằng Công ty cổ phần BiBiCa đã thoả thuận với ông là có xe đưa rước và ông được cấp xe riêng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần BiBiCa không thừa nhận và ông Tuấn cũng không có chứng cứ để chứng minh.
Tại Biên bản làm việc ngày 09/7/2009 về việc ký hợp đồng lao động với ông Tuấn, đại diện Công ty cổ phần BiBiCa tiếp tục “đề nghị ông Tuấn cho biết các ý kiến về việc bổ sung, sửa đổi dự thảo HĐLĐ (nếu ông Tuấn có ý kiến khác)”, “đề nghị ông Tuấn xem xét dự thảo HĐLĐ, có ý kiến để ký kết HĐLĐ trước ngày 13/7/2009 và đâu là quyền lợi của ông Tuấn và đúng pháp luật”. Ông Tuấn vẫn từ chối ký hợp đồng lao động và không ký biên bản làm việc.
Từ những tình tiết nêu trên, có cơ sở để xác định:
Việc ký ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động là quyền và nghĩa vụ của cả đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Sau khi hết thời gian thử việc, Công ty cổ phần BiBiCa không tiến hành ngay việc ký kết hợp đồng lao động với ông Tuấn là vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên vi phạm này có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/5/2010 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Khi Công ty cổ phần BiBiCa yêu cầu ông Tuấn ký kết hợp đồng lao động, nhưng ông Tuấn không ký; lý do từ chối ký kết hợp đồng lao động của ông Tuấn là không chính đáng.
Ông Tuấn cho rằng các điều khoản của dự thảo hợp đồng lao động không bảo đảm quyền lợi của ông và không đúng với thoả thuận khi ông bắt đầu vào làm tại công ty. Tuy nhiên, Công ty cổ phần BiBiCa đã đề nghị ông Tuấn xem xét nội dung của dự thảo hợp đồng lao động và có ý kiến để các bên thương lượng, nhưng ông Tuấn không đề xuất ý kiến và cũng không có chứng cứ để chứng minh nội dung của dự thảo hợp đồng lao động không bảo đảm quyền lợi của ông và không đúng với thoả thuận khi ông bắt đầu vào làm tại công ty.
Như vậy, Công ty cổ phần BiBiCa chấm dứt quan hệ lao động với ông Tuấn là do lỗi của ông Tuấn; vì ông Tuấn từ chối ký kết hợp đồng lao động, chứ không phải do Công ty cổ phần BiBiCa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cho rằng Công ty cổ phần BiBiCa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Tuấn trái pháp luật, vì không báo trước cho ông Tuấn 30 ngày, là không đúng.
Tại Quyết định số 01/2011/QĐKN-LĐ ngày 31/3/2011 Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị đối với Bản án lao động phúc thẩm số 1187/2010/LĐ-PT ngày 29/9/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh để xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án lao động phúc thẩm 1187/2010/LĐPT ngày 29/9/2010 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.
3. Vụ tranh chấp về sa thải giữa ông Phạm Thế Hùng với Công ty BP Exploration Operating Co.ltd (sau đây gọi tắt là Công ty BP). Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Phạm Thế Hùng làm việc tại Công ty BP theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; công việc là kỹ sư vô tuyến điện, làm việc tại giàn khai thác Lan Tây hưởng mức lương cơ bản là 9.812.000 đồng.
Từ khi bắt đầu làm việc tại Công ty, ông Hùng luôn được đánh giá là nhân viên có trình độ chuyên môn vững, có trách nhiệm trong công việc và đã 11 lần được tặng thưởng vì sáng kiến vượt trội trong công việc. Cuối năm 2007, ông Hùng có khiếu nại với Công ty về điều kiện vật chất, tinh thần và sự an toàn của nhân viên trên việc giàn Lan Tây. Công ty BP đã không xem xét và giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của ông Hùng, mà cho ông Hùng nghỉ việc từ ngày 21/12/2007 đến 20/01/2008, khiển trách ông Hùng, đánh giá ông Hùng không đạt yêu cầu trong năm 2007; sau đó ra thông báo cho ông Hùng được hưởng mức tăng lương mới năm 2008 là 4,9% (thấp hơn nhiều so với các nhân viên khác cùng làm việc). Sau khi nhận được thông báo về việc tăng lương, ông Hùng cho rằng công ty đã đối xử không công bằng đối với ông, do đó ông tuyệt thực để phản đối và có thông báo với công ty về việc ông tuyệt thực 07 ngày (từ 18/3/2008 đến 24/3/2008).
Ngày 23/3/2008 Công ty BP thuê máy bay ra giàn khoan Lan Tây chở ông Hùng về đất liền.
Ngày 23/7/2008 Công ty BP tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật và kết luận ông Hùng phạm lỗi “vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn của Công ty BP dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng”. Cùng ngày 23/7/2008 Công ty BP ra quyết định kỷ luật sa thải đối với ông Hùng kể từ ngày 23/7/2008.
Ngày 18/12/2008, ông Hùng khởi kiện Công ty BP tại TAND quận H thành phố HCM.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 02/2010/DSST-LĐ, TAND Quận H, thành phố HCM đã xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: Huỷ quyết định kỷ luật sa thải và Công ty BP phải nhận ông Phạm Thế Hùng trở lại làm việc. Bồi thường cho ông Phạm Thế Hùng 20,5 tháng lương là những ngày không được làm việc và bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tổng cộng 288.542.992 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty BP và ông Hùng có đơn kháng cáo.
Tại Bản án lao động phúc thẩm số 1209/2010/LĐ-PT ngày 30/9/2010, TAND thành phố HCM đã xử:
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty BP sửa một phần Bản án sơ thẩm 02/2010/DSST-LĐ ngày 13/4/2010 của TAND quận H;
- Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Phạm Thế Hùng;
- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Thế Hùng về yêu cầu huỷ quyết định ngày 23/7/2008 do đánh máy sai sót là năm 2007 của Công ty BP về thi hành kỷ luật sa thải đối với ông Phạm Thế Hùng;
- Không chấp nhận các yêu cầu của ông Phạm Thế Hùng yêu cầu nhận ông trở lại làm việc, xin lỗi công khai, yêu cầu bồi thường một khoản tiền lương tương ứng với khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc cộng với bồi thường 26 tháng tiền lương;
- Đình chỉ yêu cầu của ông Phạm Thế Hùng về việc yêu cầu thiệt hại do trù dập, vu khống, xúc phạm danh dự, yêu cầu xử lý về hành vi khiếu tố, khiếu nại của ông Hùng.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí.
Trong vụ án này, các tình tiết, chứng cứ đã được làm rõ và cho thấy:
- Về căn cứ áp dụng hình thức sa thải đối với ông Hùng: Nội quy lao động của Công ty BP và Điều 85 của Bộ luật lao động không quy định hành vi tuyệt thực của người lao động là hành vi vi phạm kỷ luật lao động và là căn cứ để áp dụng hình thức xử lý sa thải. Nội quy lao động của Công ty BP chỉ quy định người lao động có hành vi “Không tuân thủ các quy định an toàn của BP gây nguy hiểm mức độ nặng đến sức khoẻ hoặc sự an toàn cho người khác (“mức độ nặng” được định nghĩa là là những thương tổn phải nghỉ việc và cần sự chăm sóc của y tế) thì mới bị coi là vi phạm quy định về an toàn của công ty. Trong khi đó, mặc dù tuyệt thực, nhưng ông Hùng vẫn làm việc bình thường, chưa gây ra ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự an toàn của người khác.
Việc Công ty BP trả khoản chi phí 10.000USD tiền thuê máy bay đưa ông Hùng về đất liền là việc công ty tự nguyện làm và thể hiện tính nhân đạo của công ty (điều này đã được chính bà Vân, lãnh đạo giàn Lan Tây thừa nhận). Như vậy, có đủ căn cứ cho thấy Công ty BP áp dụng hình thức sa thải đối với ông Hùng là không có căn cứ.
- Về trình tự thủ tục sa thải: Hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho thấy công ty có trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở về việc sa thải ông Hùng. Tại cuộc họp xử lý kỷ luật ông Hùng, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở không đồng ý với việc công ty áp dụng hình thức sa thải. Tuy nhiên, sau đó, Ban chấp hành công đoàn cơ sở không báo cáo với Công đoàn cấp trên và Công ty BP cũng không báo cáo với Sở Lao động – Thương binh Xã hội. Ngày 23/7/2008 Công ty ra ngay quyết định sa thải đối với ông Hùng; như vậy là trái với quy định tại khoản 5 Điều 11 của Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ.
Ngày 05/8/2011, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ra Quyết định kháng nghị số 05/2011/QĐKN-LĐ về việc kháng nghị Bản án phúc thẩm số 1209/2010/LĐPT ngày 30/9/2010 của Toà án nhân dân thành phố HCM, đề nghịToà Lao động Toà án nhân dân tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân quận H, thành phố HCM để xét xử sơ thẩm lại.
4. Thực tiễn công tác giám đốc thẩm các vụ án lao động trong năm qua cho thấy: có vụ án mà quan hệ pháp luật có tranh chấp đã rất rõ ràng, nhưng do không xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ, nên đã xác định sai quan hệ pháp luật có tranh chấp, áp dụng pháp luật không đúng.
- Vụ tranh chấp về trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ giữa:
Nguyên đơn là 61 người lao động thuộc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà với bị đơn là Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà, trước đây là Công ty Đường Hiệp Hoà, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Công ty Mía đường II, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngày 04/7/2005 Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn có Quyết định số 1601/QĐ-BNN-TCCB tiến hành cổ phầnhoá Công ty đường Hiệp Hoà theo quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Ngày 27/6/2006 Công ty CP Mía đường Hiệp Hoà được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngày 16/02/2009 Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra Quyết định số 02/QĐ-MĐHH-HĐQT về việc “Giải thể Nhà máy Ván ép thuộc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà”. HĐQT giao cho Tổng Giám đốc công ty thực hiện việc quản lý, nhượng bán tài sản, điều chuyển lao động hoặc giải quyết chế độ cho NLĐ theo quy định của BLLĐ.
Trước đó, vào ngày 13/2/2009 Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà có Công văn số 48/MĐHH-TCHC đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc giải quyết chế độ cho NLĐ đối với thời gian làm việc trong khu vực nhà nước.
Sau khi có hướng dẫn của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Long An, ngày 31/8/2009 Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra Thông báo về việc lập kế hoạch giải quyết cho lao động dôi dư nghỉ việc theo chế độ Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004. Công ty tiến hành xây dựng phương án giải quyết chế độ cho NLĐ; phương án này được thông qua BCH công đoàn, Đảng uỷ và được Tổng Giám đốc duyệt.
Từ ngày 01/9 đến 3/9/2009, 61 NLĐ có đơn đăng ký nguyện vọng nghỉ việc theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP.
Ngày 18/11/2009 Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra Thông báo và niêm yết danh sách 61 NLĐ nghỉ việc, Thông báo thời gian cho NLĐ nghỉ việc bắt đầu từ ngày 19/12/2009.
Ngày 18/12/2009 Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra các quyết định cho 61 NLĐ “nghỉ việc hưởng chế độ đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động của công ty cổ phần được chuyển đổi theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP”. Theo các quyết định này, công  ty giải quyết quyền lợi cho NLĐ như sau:
Thời gian làm việc trong khu vực nhà nước, từ 30/6/2006 trở về trước: hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc bằng một nửa (1/2) tháng lương.
Thời gian làm việc tại công ty cổ phần từ 01/7/2006 đến 31/12/2008: hưởng trợ cấp mất việc làm, mỗi năm làm việc bằng 01 tháng lương.
Sau khi nhận quyết định nghỉ việc, 61 NLĐ có đơn khiếu nại và ngày 29/4/2010 Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Đức Hoà đã tiến hành hoà giải nhưng không thành.
Ngày 06/5/2010, 61 NLĐ do ông Nguyễn Thoại Ba làm đại diện có đơn khởi kiện vì cho rằng Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà giải quyết chế độ cho NLĐ không đúng. NLĐ yêu cầu công ty trả thêm khoản trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc tại khu vực nhà nước là: 1.928.139.200 đồng; mỗi công nhân được hỗ trợ thêm 01 tháng lương và phụ cấp lương cho mỗi năm làm việc là: 4.301.611.148 đồng, 06 tháng lương và phụ cấp lương để tìm việc làm là: 909.000.996 đồng, tổng cộng là: 7.138.751.344 đồng và trả lãi suất cho các khoản tiền nêu trên.
Phía Công ty CP Mía đường Hiệp Hoà cho rằng việc giải quyết chế độ cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ là đúng nên không chấp nhận yêu cầu của NLĐ.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 06/2010/LĐST ngày 18/9/2010 TAND huyện ĐH đã quyết định:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 17, khoản 3 Điều 36, khoản 1 Điều 42, khoản 3 Điều 166 Bộ luật lao động.
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về việc làm.
Căn cứ điểm C.2 khoản 2 Phần 2 Thông tư số 13/2005/TTLĐ-BLĐTBXH ngày 25/02/2005 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 61 người lao động.
Sau khi xét xử sơ thẩm, 61 NLĐ có đơn kháng cáo.
Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu đòi công ty trả 6 tháng tiền lương tìm việc, chỉ yêu cầu thanh toán trợ cấp mất việc cho toàn bộ thời gian làm việc và trả lãi đối với khoản tiền trợ cấp mất việc.
Tại Bản án lao động phúc thẩm số 21/2010/LĐ-PT ngày 15/11/2010 TAND tỉnh LA đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của 61 người lao động, sửa Bản án lao động sơ thẩm số 06/2010/LĐST ngày 18/9/2010 của Toà án nhân dân huyện ĐH.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của 61 người lao động đối với Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà.
Buộc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà có nghĩa vụ trả thêm phụ cấp mất việc cho 61 người lao động của công ty bị mất việc làm, với tổng số tiền là: 1.852.292.616 đồng...
Sau khi xử phúc thẩm, Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà có đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Xét thấy:
Tháng 7/2005, Công ty Mía đường Hiệp Hoà tiến hành cổ phần hoá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; ngày 27/6/2006, Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngày 16/02/2009, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra Quyết định số 02/QĐ-MĐHH-HĐQT về việc “Giải thể Nhà máy Ván ép thuộc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà”. Căn cứ vào quyết định của Hội đồng quản trị, ngày 18/12/2009, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà ra các quyết định cho 61 người lao động “nghỉ việc hưởng chế độ đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động của công ty cổ phần được chuyển đổi theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP”.
Như vậy, việc Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà cho người lao động thôi việc sau khi giải thể Nhà máy Ván ép, là thuộc trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động và khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ.
Toà án cấp phúc thẩm cho rằng phải áp dụng Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 “Về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần”, là không đúng.
Theo các quyết định của Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà về việc “Giải quyết nghỉ việc hưởng chế độ đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động”, quyền lợi của người lao động được giải quyết như sau:
Thời gian làm việc trong khu vực nhà nước, từ 30/6/2006 trở về trước: hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc bằng một nửa (1/2) tháng lương.
Thời gian làm việc tại công ty cổ phần từ 01/7/2006 đến 31/12/2008: hưởng trợ cấp mất việc làm, mỗi năm làm việc bằng 01 tháng lương.
Khoản 1 Điều 17 Bộ luật lao động quy định: “Trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương”.
Điều 12 của Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm quy định “Mức trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật lao động được quy định như sau:
1. Trợ cấp mất việc làm được tính trên cơ sở mức lương quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương.
2. Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi mất việc làm. Trường hợp người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó chỉ được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động”.
Điều 42 Bộ luật lao động quy định: “1. Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian làm việc tại Công ty Đường Hiệp Hoà, theo mức mỗi năm làm việc bằng ½ (một nửa) tháng lương, là đúng.
Toà án cấp phúc thẩm nhận định không thể áp dụng Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ, vì Nghị định này không quy định về việc cổ phần hoá và có nội dung trái với Bộ luật lao động, là không đúng; bởi lẽ: Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hoà đã tiến hành cổ phần hoá xong và hoạt động với tư cách là công ty cổ phần từ ngày 01/7/2006.
Tại Quyết định kháng nghị số 03/2011/QĐKN-LĐ ngày 30/5/2011 Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng huỷ Bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án tỉnh Long An xét xử phúc thẩm lại.
5. Vụ tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa:
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Nâu với bị đơn là Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bà Nguyễn Thị Nâu là vợ của ông Ngô Văn Thuận; ông Thuận là NLĐ làm việc tại Trường Công nhân kỹ thuật Yên Bái, đã nghỉ hưu và hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng tại BHXH TP Yên Bái từ tháng 12/1993. Ngày 28/5/2001 ông Thuận bỏ nhà đi không rõ lý do; gia đình bà Nâu đã tìm kiếm, nhưng không có kết quả.
Ngày 23/9/2001 BHXH thị xã Yên Bái có Công văn số 42/BHXH Về việc tạm dừng chi trả tiền lương hưu đối với người bị mất tích, gửi BHXH tỉnh Yên Bái và chính quyền địa phương nơi ông Thuận cư trú. Cùng ngày, BHXH tỉnh Yên Bái có Công văn số 97/CĐCS-BHXH thông báo cho BHXH thị xã Yên Bái tạm dừng trợ cấp hưu trí đối với ông Ngô Văn Thuận từ 01/9/2001; yêu cầu BHXH thị xã thông báo cho ông Thuận và gia đình ông biết: nếu quá 06 tháng, ông Thuận không có mặt tại địa bàn cư trú và không đến trình báo, thì BHXH tỉnh sẽ thông báo giảm về BHXH Việt Nam.
Ngày 28/3/2002 BHXH tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 27/QĐ-CĐCS Về việc tạm dừng hưởng lương hưu trợ cấp BHXH đối với ông Ngô Văn Thuận từ ngày 01/9/2001, lý do: ông Thuận không có mặt tại địa bàn cư trú không đến trình báo tại cơ quan BHXH và bản thân ông không có giấy uỷ quyền lĩnh thay trợ cấp theo quy định.
Theo đơn yêu cầu của bà Nâu, ngày 11/11/2005 TAND TP Yên Bái đã ra Quyết định số 01/QĐ tuyên bố ông Thuận mất tích.
Sau đó bà Nâu tiếp tục có đơn yêu cầu Toà án tuyên bố ông Thuận đã chết. Ngày 09/12/2008 TAND TP Yên Bái ra Quyết định số 81/2008/QĐDS tuyên bố ông Thuận đã chết; ngày chết được xác định là ngày 09/12/2008.
Ngày 12/12/2008 bà Nâu có đơn đề nghị BHXH Yên Bái giải quyết chế độ tử tuất một lần cho ông Thuận.
Ngày 23/2/2009 BHXH Yên Bái ra quyết định số 59/QĐ/BHXH-CĐCS thanh toán chế độ tử tuất một lần cho gia đình bà Nâu, trong đó ghi số tháng đã hưởng trợ cấp là 181 tháng, số tháng được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần là 03 tháng, cộng với 5.400.000 đồng tiền mai táng, thành 11.453.100 đồng.
Ngày 09/3/2009 bà Nâu có đơn khiếu nại việc thanh toán tiền tuất và đề nghị xem xét trợ cấp thêm trong những năm ông Thuận mất tích.
Ngày 16/12/2009 bà Nâu có đơn khởi kiện yêu BHXH Yên Bái chi trả tiền lương hưu của ông Thuận từ tháng 8/2001 (khi ông Thuận bỏ đi) đến khi Toà án tuyên bố ông Thuận chết (09/12/2008).
Ngày 04/2/2010 bà Nâu thay đổi yêu cầu, đòi BHXH Yên Bái chi trả tiền lương từ 8/2001 đến khi Toà án tuyên bố ông Thuận mất tích (11/11/2005), tổng số 53 tháng, số tiền 106.916.000 đồng.
Ngày 05/2/2010 BHXH Yên Bái có Công văn số 51/BHXH – CĐBHXH  báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Ngày 03/3/2010 BHXH Việt Nam có Công văn số 783/BHXH – CSXH trả lời BHXH Yên Bái như sau:
“Căn cứ điểm 20 khoản 9 Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT- BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 30/01/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ về BHXH bắt buộc, đối chiếu với trường hợp của ông Ngô Văn Thuận, thời gian từ khi tạm dừng hưởng lương hưu do Toà án tuyên bố là mất tích đến khi Toàán tuyên bố là đã chết không được hưởng lương hưu. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái không thực hiện việc trả truy lĩnh lương hưu đối với thời gian tạm dừng nêu trên của ông Ngô Văn Thuận”.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2010/LĐ-ST ngày 14/5/2010  TAND TP Yên Bái đã quyết định:
1. Căn cứ Điều 62 Luật BHXH, Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nâu về việc yêu cầu BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán chế độ lương hưu của ông Ngô Văn Thuận từ khi ông Thuận bỏ đi đến khi Toà án tuyên bố mất tích.
2. Về án phí: Căn cứ Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Toà án ngày 27/2/2009:
Bà Nguyễn Thị Nâu phải nộp 1.603.740 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được trừ 1.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí tại biên lai số 36 ngày 22/2/2010 của Chi cục Thi hành án dân sự TP Yên Bái. Bà Nâu còn phải nộp 603.740 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Nâu có đơn kháng cáo.
Tại Bản án lao động phúc thẩm số 01/2010/LĐ-PT ngày 06/8/2010 TAND tỉnh Yên Bái đã quyết định:
1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 166 BLLĐ, khoản 3 Điều 62 Luật BHXH; Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ; Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008; Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Quyết định số 2903/1999/QĐ-BHXH ngày 24/11/1999 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 về Án phí, lệ phí Toà án:
Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nâu về việc buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái thanh toán chế độ lương hưu của ông Ngô Văn Thuận từ khi ông Thuận bỏ đi đến khi Toà án tuyên bố mất tích.
Về án phí: Bà Nguyễn Thị Nâu phải chịu 1.603.740 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm qua vụ án này là:
- Về giải quyết nội dung tranh chấp: Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái ra quyết định dừng chi trả trợ cấp hưu trí cho ông Ngô Văn Thuận không có căn cứ pháp luật, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận quyết định dừng chi trả trợ cấp và bác yêu cầu khởi kiện của bà Nâu là không đúng.
Quyết định số 27/QĐ-CĐCS ngày 28/3/2002 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái “Về việc tạm dừng hưởng lương hưu trợ cấp BHXH đối với ông Ngô Văn Thuận” từ ngày 01/9/2001, lý do: “ông Thuận không có mặt tại địa bàn cư trú không đến trình báo tại cơ quan BHXH và bản thân ông không có giấy uỷ quyền lĩnh thay trợ cấp theo quy định”.
Quyết định số 27/QĐ-CĐCS nêu trên căn cứ vào Quy định về quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 2903/1999/QĐ-BHXH ngày 24/11/1999 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, Quy định về quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ quy định về thủ tục chi trả và nhận chế độ Bảo hiểm xã hội, chứkhông quy định việc dừng chi trả chế độ Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội và điểm c khoản 1 Điều 33 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi bị Toà án tuyên bố là mất tích.
Ngày 11/11/2005 Toà án nhân dân thành phố YB mới ra quyết định tuyên bố ông Ngô Văn Thuận mất tích, nhưng Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã ra quyết định dừng tạm chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội của ông Thuận kể từ ngày 01/9/2001. Bà Nâu khởi kiện yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả khoản tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội của ông Ngô Văn Thuận từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2005; Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cũng áp dụng Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng lại không chấp nhận yêu cầu của bà Nâu là không đúng. Trường hợp này, lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cần buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái phải chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội của ông Thuận cho đến khi bị Toà án ra quyết định tuyên bố là mất tích có hiệu lực pháp luật.
- Về án phí: Theo quy định của khoản 3 Điều 166 Bộ luật lao động, người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng để đòi trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh về Án phí, lệ phí Toà án quy định:
“Những trường hợp sau đây được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:
2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”.
Tại Điều 28 của Pháp lệnh về Án phí, lệ phí Toà án cũng quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm như sau:
“1. Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc bà Nâu phải nộp tiền tạm ứng án phí và phải chịu án phí sơ thẩm, án phí phúc thẩm là không đúng.
Tại Quyết định kháng nghị số 04/2011/QĐKN-LĐ ngày 08/6/2011, Chánh án TANDTC đã kháng nghị đối với Bản án lao động phúc thẩm số 01/2010/LĐ-PT ngày 06/8/2010 của TAND tỉnh YB, theo hướng huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND thành phố YB xét xử sơ thẩm lại.
6. Vụ tranh chấp về tiền lương và bồi thường phí đào tạo giữa:
Nguyên đơn: ông Lê Đức Bảo, với bị đơn là Công ty Bảo Việt Điện Biên. Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 16/5/2002 ông Bảo và Công ty bảo hiểm Lai Châu (Nay là Công ty Bảo Việt Điện Biên) ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 20/2/2009 hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ. Khi chấm dứt hợp đồng, Công ty thanh toán cho ông Bảo tiền trợ cấp thôi việc là 9.294.750 đồng, đồng thời yêu cầu ông Bảo bồi thường chi phí đào tạo với số tiền là 10.774.021 đồng.
Ngày 31/3/2009 ông Bảo có đơn đề nghị Công ty Bảo Việt xem xét việc yêu cầu ông bồi thường chi phí đào tạo và phần tiền lương còn lại của ông trong năm 2008; vì theo ông Bảo, hàng tháng ông mới chỉ được tạm ứng chứ chưa được quyết toán tiền lương năm 2008.
Ngày 2/4/2009, Công ty Bảo Việt Điện Biên có văn bản trả lời không chấp nhận yêu cầu của ông Bảo.
Ngày 5/7/2009, ông Bảo có đơn yêu cầu giải quyết TCLĐ gửi Công ty.
Ngày 23/7/2009, Ban chấp hành Công đoàn công ty Bảo Việt Điện Biên đã có buổi làm việc với ông Bảo. Tại buổi làm việc này, ông Bảo không ký biên bản vì ông không chấp nhận yêu cầu của đại diện BCH CĐ, đề nghị ông cung cấp các tài liệu chứng minh việc công ty giải quyết quyền lợi của ông không đúng.
Ngày 24/8, ông Bảo có đơn khởi kiện tại TAND thành phố ĐBP Phủ yêu cầu Công ty Bảo Việt Điện Biên hoàn trả lại chi phí đào tạo và thanh toán khoản tiền lương còn thiếu của năm 2008.
Sau khi thụ lý vụ án và đã tiến hành hoà giải nhưng không thành, ngày 16/3/2009 TAND thành phố ĐBP ra Quyết định số 01/2010/QĐ-ĐC đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện (việc tranh chấp chưa quahoà giải theo quy định).
Sau khi có quyết định đình chỉ, đại diện uỷ quyền của ông Bảo có đơn kháng cáo.
Ngày 01/4/2010 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐB ra quyết định kháng nghị quyết định đình chỉ nói trên.
Tại Quyết định số 01/2010/QĐ-PT ngày 28/4/2010 TAND tỉnh ĐB quyết định không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ĐB, giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND thành phố ĐBP.
Tại quyết định kháng nghị số 01/2010/QĐKN-LĐ ngày 03/11/2011, Chánh án TANDTC đã kháng nghị quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh ĐB và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND thành phố ĐBP theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2011/LĐ-GĐT ngày 24/3/2011 Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của Toà Lao động TANDTC đã quyết định: huỷ quyết định phúc thẩm số 01/2010/QĐ-PT ngày 28/4/2010 và Quyết định số 01/2010/QĐ-ĐC ngày 16/3/2010 của TAND thành phố ĐBP. Giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố ĐBP giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đánh giá chưa đầy đủ chứng cứ và xác định không chính xác nội dung của quan hệ tranh chấp. Cụ thể là: Sau khi có đơn yêu cầu Công ty Bảo Việt Điện Biên xem xét khoản tiền lương năm 2008 và khoản bồi thường chi phí đào tạo, nhưng không được công ty chấp nhận, thì ngày 5/7/2009, ông Bảo có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gửi Công ty. Sau khi nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động của ông Bảo, Công ty Bảo Việt Điện Biên không thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở để tiến hành hoà giải việc tranh chấp. Như vậy, việc không tiến hành hoà giải vụ tranh chấp là lỗi của Công ty Bảo Việt Điện Biên.
Cùng với yêu cầu giải quyết tranh chấp về tiền lương, ông Bảo còn yêu cầu giải quyết việc công ty buộc ông bồi thường tiền chi phí đào tạo. Căn cứ vào quy định tại Điều 166 Bộ luật lao động thì tranh chấp về bồi thường chi phí đào tạo không bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở.
Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện là không đúng.

 Trần Thị Thu Hiền 
Nguồn: Phó Chánh tòa, Tòa Lao động TANDTC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự