Tòa án xử nhẹ không đúng, xử nặng không được do VKS trước sau bảo lưu quan điểm truy tố bị cáo theo khoản 2 nhưng theo tòa phải xử bị cáo ở khoản 1

Oái oăm là để xử ở khoản 1 thì toàn bộ hồ sơ phải làm lại với sự tham gia chứng kiến của luật sư. VKS không làm lại hồ sơ thì làm sao tòa xử?
Cãi nhau, hung hăng đâm xe tải vào nạn nhân
Tối 8-8-2012, sau khi ăn nhậu xong, Nguyễn Bình Tuy lái ô tô tải loại nhỏ đi về. Trên đường đi, thấy một người (chưa rõ lai lịch) chạy xe máy đi cùng chiều muốn vượt lên xe mình, Tuy đã ép không cho vượt.
Lúc này, ông Huỳnh Văn Bạc cũng đang chạy xe máy cùng chiều, chứng kiến cảnh Tuy ép xe người kia nên gai mắt. Sau đó khi Tuy dừng xe chờ đèn xanh tại chốt giao thông ngã ba Lê Hồng Phong - Vân Đồn (TP Nha Trang) thì người điều khiển chiếc xe máy bị ép và ông Bạc đã chửi, đòi đánh Tuy.
Đến ngã tư tiếp theo, ông Bạc và Tuy tiếp tục cãi vã. Mọi người xung quanh can ngăn. Ông Bạc chạy xe máy về hướng Mả Vọng, Tuy lái ô tô tải theo sau. Còn tức tối nên Tuy nảy sinh ý định tông thẳng vào xe ông Bạc. Nghĩ là làm, Tuy lái xe tải lấn vào làn xe máy rồi tăng ga đâm vào xe của ông Bạc làm nạn nhân té xuống và tử vong sau đó.
Gây tai nạn xong, Tuy lái xe bỏ chạy nhưng bị người đi đường đuổi theo bắt giữ giao công an. Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của Tuy là 1.072 mg/l. Tại cơ quan điều tra, Tuy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
VKS giữ nguyên quan điểm, tòa lúng túng
Sau khi có kết luận điều tra, VKS tỉnh Khánh Hòa đã truy tố Tuy về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù) và chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh để xét xử.
Rắc rối bắt đầu nảy sinh. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng hành vi giết người của Tuy có tính chất côn đồ. Đây là dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

Theo BLTTHS, trường hợp này bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra. Do vậy, ngày 1-3-2013, TAND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKS truy tố Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS, đồng thời tiến hành lại việc hỏi cung bị can với sự tham gia của người bào chữa.
VKS tỉnh Khánh Hòa không đồng ý, cho rằng việc tòa yêu cầu truy tố Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS là không có căn cứ. Do vậy, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển lại hồ sơ để tòa đưa vụ án ra xét xử.
Đến đây thì tòa lúng túng! Bởi lẽ theo quy định, khi VKS giữ nguyên quan điểm truy tố thì tòa phải đưa vụ án ra xử. Tuy nhiên, nếu tòa đưa vụ án ra xử và tuyên án Tuy theo khoản 2 Điều 93 BLHS như truy tố của VKS thì trái với nhận thức của tòa. Còn nếu xử Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS thì chắc chắn sẽ vi phạm tố tụng nghiêm trọng bởi trường hợp này bắt buộc phải có người bào chữa cho Tuy ngay từ giai đoạn điều tra. Hậu quả là bản án sơ thẩm sẽ bị tòa cấp trên hủy.
“Lỗ hổng” của luật?
Cuối cùng, không biết làm sao, TAND tỉnh Khánh Hòa đành “chữa cháy” bằng cách ra văn bản đề nghị ban chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh này phân công văn phòng luật sư cử luật sư tham gia bào chữa chỉ định cho Tuy tại phiên tòa sơ thẩm sắp tới.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho biết theo yêu cầu của tòa, ban chủ nhiệm sẽ phân công văn phòng luật sư cử luật sư tham gia bào chữa chỉ định. Tuy nhiên, theo luật sư Hà, nếu tòa xử Tuy theo khoản 1 Điều 93 BLHS thì việc có luật sư chỉ định tại phiên tòa sơ thẩm cũng sẽ không khắc phục được vi phạm tố tụng. Bởi lẽ trong quá trình điều tra trước đó, việc lấy cung Tuy đã không hề có luật sư tham gia.
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: TAND tỉnh Khánh Hòa chỉ có thể xét xử Tuy theo khoản 2 Điều 93 BLHS như truy tố của VKS, đồng thời kiến nghị ngay trong bản án về quan điểm của mình để tòa cấp trên có hướng khắc phục. Tuy rằng xét xử theo hướng này tòa sẽ “ấm ức” vì mâu thuẫn với nhận định của chính mình về điều khoản áp dụng nhưng còn hơn là để xảy ra vi phạm tố tụng nghiêm trọng, dẫn đến việc bị hủy án sau đó.
Theo luật sư Chánh, đây là một tình huống chưa được BLTTHS dự liệu để điều chỉnh, rất cần các cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn để tránh những trường hợp gây tranh cãi tương tự.

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm
Thế nào là có thể xét xử bị cáo theo điều khoản khác với điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật ?
Về vấn đề này, thực tiễn xét xử không vướng mắc, Toà án có thể xét xử bị cáo theo điều khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo A theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự nhưng Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp Toà án xét xử bị cáo theo điều khoản nặng hơn điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật thì cần chú ý:
- Nếu điều khoản mà Toà án định xét xử đối với bị cáo có khung hình phạt không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp mình thì phải hoãn phiên toà, trả hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp chuyển vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp truy tố bị cáo ra Toà án có thẩm quyền xét xử; không được trả hồ sơ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, vì chưa xét xử thì chưa thể biết bị cáo có phạm tội theo điều khoản nặng hơn hay không. Cũng có ý kiến cho rằng, khi thụ lý vụ án và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án mình thì trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nhưng Viện kiểm sát cùng cấp không đồng ý chuyển vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp mà cho rằng vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cùng cấp thì Toà án phải ra quyết định chuyển vụ án lên Toà án cấp trên trực tiếp để Toà án cấp trên cùng cấp yêu cầu Viện kiểm sát cấp trên cùng cấp thay đổi bản cáo trạng truy tố người phạm tội theo điều khoản khác thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp trên. Tuy nhiên, ý kiến này lại bị giới hạn ở chỗ: nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp cũng không đồng ý với ý kiến của Toà án cấp trên cùng cấp thì Toà án cấp trên cũng không thể xét xử vụ án theo thẩm quyền được. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành một Thông tư liên tịch xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát và Toà án các cấp khi có tranh chấp với nhau về thẩm quyền xét xử nói chung và trường hợp này nói riêng.
- Nếu điều khoản mà Toà án định xét xử đối với bị cáo có khung hình phạt thuộc trường hợp phải cử người bào chữa cho bị cáo thì trước khi mở phiên toà, Toà án phải làm các thủ tục để bị cáo thực hiện quyền bào chưa của mình đúng theo quy định của pháp luật tố tụng.

Cần có sự trao đổi

Đây là tình huống ít khi gặp trong thực tiễn xét xử từ trước tới nay. Bởi lẽ thông thường, nếu giữa tòa và VKS có quan điểm trái ngược nhau về điều khoản áp dụng thì hai bên sẽ trao đổi và thống nhất đường lối xét xử.
Theo tôi, lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa và VKSND tỉnh Khánh Hòa cần phải trao đổi với nhau để có đường lối xét xử chung. Nếu mỗi bên đều giữ quan điểm của mình thì sẽ rất khó giải quyết và vụ án có thể sẽ bị kéo dài một cách không đáng có.
Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự