Trao đổi nghiệp vụ năm 2011 Tòa Án Nhân Dân Tối Cao

PHẦN I
CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ
Câu hỏi 1.
Nguyễn Văn A không có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Cơ quan điều tra chỉ dựa lời khai của Nguyễn Văn A để xác định đó là Nguyễn Văn A nhưng trong quá trình điều tra, bị cáo khai trước đó bị cáo có một tiền án và đã khai tên là Nguyễn Tấn A. Cơ quan điều tra không thu thập được giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, chỉ căn cứ vào lời khai, giấy xác nhận đã chấp hành xong phần bồi thường và án phí, cho rằng Nguyễn Tấn A (Nguyễn Văn A) đã được xóa án tích.
Tòa án trả hồ sơ yêu cầu xác định nhân thân của A (Nguyễn Tấn A và Nguyễn Văn A có phải là một người hay không?) và thu thập giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng Viện Kiểm sát không thực hiện.
Tòa án có thể đưa ra xét xử Nguyễn Văn A và cũng là Nguyễn Tấn A được không? Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra không thu thập được giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù thì xác định việc xóa án tích như thế nào?
Trả lời:
Trước hết cần quán triệt nguyên tắc lời khai nhận tội của bị cáo không phải là căn cứ buộc tội. Nó chỉ trở thành chứng cứ buộc tội khi phù hợp với các chứng cứ khác. Vì thế, khi xét xử không quá phụ thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không nhận tội mà phải xem xét cùng với các chứng cứ khách quan khác có đủ cơ sở chứng minh hành vi của bị cáo đã phạm tội hay không để kết luận cho đúng pháp luật.

Điều 10 BLTTHS quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Về nguyên tắc khi khởi tố bị can, trách nhiệm của Cơ quan điều tra phải lập lý lịch bị can chính xác và có xác nhận của chính quyền địa phương. Nếu hồ sơ vụ án không có các tài liệu chứng minh lai lịch bị can thì bắt buộc phải tiến hành điều tra. Do đó, khi chưa có lý lịch bị can (lý lịch tư pháp) thì Tòa án phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung mà không thể đưa vụ án ra xét xử (trừ trường hợp lý lịch bị can ghi rõ Nguyễn Văn A có tên gọi khác là Nguyễn Tấn A). Việc xác định tiền án của bị can cũng phải dựa vào kết quả điều tra, xác minh.
Đối với trường hợp xem xét về xóa án tích thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xóa án tích (Điều 63, 64, 65, 66, 67 BLHS).
Nếu chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo mà Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được bị cáo có tiền án thì đương nhiên Nguyễn Văn A là người không có tiền án.
Câu hỏi 2.
Năm 2008, A trộm cắp tài sản giá trị dưới 500 nghìn bị Tòa án xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng;
Năm 2009, A tiếp tục trộm cắp trong thời gian thử thách (tài sản trị giá 600 nghìn) bị Tòa án xử phạt 9 tháng tù về tội mới; Tổng hợp hình phạt, A bị phạt là 15 tháng tù và A được hoãn thi hành án; Theo Nghị quyết 33/2009/NQ-QH12 ngày 19-6-2009 thì A được xóa án tích nhưng Viện Kiểm sát chưa có văn bản đề nghị xóa án tích. Năm 2010, A phạm tội trộm cắp tài sản trị giá 2,5 triệu.
A chưa được xóa án tích, vậy A có phạm tội trộm cắp với tình tiết định khung tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo điểm c Khoản 2 Điều 138 không?
Trả lời:
Điểm đ và Điểm e Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009 về Luật thi hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định như sau: “Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
 Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xoá án tích”.
Theo quy định này, A được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (15 tháng tù đang được hoãn) và đương nhiên được xóa án tích về tội đã phạm năm 2008 và 2009. Do vậy A không tái phạm và không tái phạm nguy hiểm.
Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát hay quyết định của Tòa án về việc xóa án tích chỉ là thể hiện về mặt hình thức, còn theo nội hàm của quy định tại Nghị quyết 33/2009/NQ-QH 12 ngày 19/6/2009, A đương nhiên đã được xóa án tích.
Chỉ có thể xử phạt A về tội trộm cắp đã phạm năm 2010.
Câu hỏi 3. Việc tính tổng giá trị tài sản (các tội xâm phạm quyền sở hữu) của các lần phạm tội để làm căn cứ xử lý theo khung tăng nặng được tính như thế nào (ví dụ theo điểm e Khoản 2 Điều 138 “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng” và có thể áp dụng thêm điểm g Khoản 1 Điều 48 “phạm tội nhiều lần” được hay không?
Trả lời:
Khoản 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” quy định:
Trong những lần phạm tội mà mỗi lần phạm tội dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS (dưới 2 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích...) đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a. Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
b. Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính
c. Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng.
Trong các trường hợp này nếu chỉ căn cứ vào các hành vi xâm phạm cùng loại này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” (Điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS) và cũng không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng quy định về tội phạm tương ứng đó.
Như vậy, nếu nhiều lần vi phạm mà mỗi lần chưa đủ cấu thành tội phạm, chỉ khi cộng nhiều lần vi phạm mới đủ cấu thành tội phạm; đồng thời phải thỏa mãn một trong các điều kiện tại mục a, b, c nêu trên thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
Ngược lại, nếu nhiều lần phạm tội mà mỗi lần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì lấy tổng giá trị tài sản để xem xét thuộc khoản nào và áp dụng thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần”.
Câu hỏi 4.Trường hợp một người rủ rê nhiều người cùng tham gia đánh bạc thì có coi là phạm tội Tổ chức đánh bạc hay không?.
Trả lời:
Điều 249 BLHS 1999 về tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định: “Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì...”.
Tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia đánh bạc.
Gá bạc là hành vi dùng nhà ở của mình hoặc các địa điểm thuận lợi khác để chứa đám bạc (để việc đánh bạc được thực hiện). Bản chất của gá bạc là sự trục lợi qua con bạc (lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của các con bạc với giá rẻ, làm các dịch vụ ăn uống, giải trí khác...). Không ít trường hợp người tổ chức đánh bạc, người gá bạc, người đánh bạc là một người.
Theo khái niệm này, chỉ cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép khi người vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn;
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của BLHS;
- Đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích.
Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn: “với quy mô lớn” được hiểu là khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại..., để trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, “Quy mô lớn” khi được xác định theo tiêu chí hướng dẫn tạiđiểm a nêu trên có hai trường hợp:
Một là: Tổ chức cho từ mười người đánh bạc trở lên (trường hợp này không cần phải xác định giá trị tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc).
Hai là: Tổ chức từ hai chiếu bạc trở lên và tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc của các chiếu bạc phải có giá trị từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ
 Tuy nhiên cần lưu ý: người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức hướng dẫn tại các điểm a, b, c nêu trên nhưng nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với vai trò đồng phạm, không phân biệt họ có tham gia đánh bạc hay không.
Câu hỏi 5.Trong vụ án hình sự bị cáo là người chưa thành niên, Cơ quan điều tra đã yêu cầu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử người bào chữa cho bị cáo mặc dù bị cáo không phải là thành viên của các tổ chức trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Khi hồ sơ chuyển qua Tòa án thì Tòa án có chấp nhận việc đã yêu cầu người bào chữa của Cơ quan điều tra hay không?
Trả lời:
Khoản 2 và 3 Điều 57 BLTTHS quy định: “Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
a) ...;
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình”.
Về nguyên tắc, Tòa án không chấp nhận người bào chữa là thành viên của Ủy ban mặt trận tổ quốc bào chữa cho bị can, bị cáo không phải là thành viên của tổ chức mình.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ có quyền cử người bào chữa để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.
Ví dụ: Hội Phụ nữ có quyền cử người bào chữa là thành viên của Hội Phụ nữ để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng là thành viên của Hội Phụ nữ nhưng không có thẩm quyền cử người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là nam đoàn viên Đoàn Thanh Niên;
Nếu bị cáo không phải là thành viên của tổ chức Mặt trận tổ quốc thì việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử người bào chữa cho bị cáo là không đúng quy định.
Câu hỏi 6.Trong khoảng thời gian 7 ngày, bị cáo giết 2 người ở cùng một tổ dân cư. Tòa án xử chung một vụ án và áp dụng tình tiết định khung “giết nhiều người” hay xử riêng từng vụ án sau đó tổng hợp hình phạt?
Trả lời:
Trong tội “Giết người”, tình tiết “phạm tội nhiều lần” không được quy định là tình tiết định khung hình phạt mà chỉ có tình tiết “Giết nhiều người” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 93 BLHS.
Giết nhiều người được hiểu là giết từ hai người trở lên, có thể cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau và trong mỗi lần đó chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
 Khác với các vụ án dân sự, hành chính, lao động... trong vụ án hình sự, hoạt động xét xử chỉ là một giai đoạn của quá trình tố tụng. Tòa án xét xử phải dựa trên kết quả điều tra của cơ quan điều tra và cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. BLTTHS chỉ quy định việc nhập hoặc tách vụ án ở giai đoạn điều tra. Nói cách khác, việc tách hoặc nhập vụ án trong vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án (Tòa án chỉ có thẩm quyền tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo Điều 28 BLTTHS).
Điều 117 BLTTHS quy định về việc nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra như sau:
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 313 và Điều 314 của BLHS.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.
Mặt khác, nếu giải quyết riêng thành hai vụ án riêng biệt, rồi tổng hợp hình phạt sẽ không đảm bảo việc xử phạt đúng với tính chất nguy hiểm chung của vụ án. Ví dụ: với vụ án trên nếu mỗi lần bị cáo A bị phạt 15 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm. Nhưng xử chung 1 vụ với tình tiết định khung “giết nhiều người” thì mức cao nhất của khung hình phạt sẽ là tử hình.
Vì vậy hai lần giết người mà bị cáo chưa lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tố tụng chỉ khởi tố trong một vụ án và truy tố, xét xử với tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người”.
Câu hỏi 7.Hành vi cắt trộm đường dây liên lạc đốt lấy đồng bán thì xử về tội trộm cắp theo Điều 138 BLHS hay tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS?
Trả lời:
Nếu so sánh Tội trộm cắp tài sản (Điều 138) và Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143) có sự giống nhau là cùng có mức thấp nhất của khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cùng có mức cao nhất của khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân.
Tuy nhiên, để xác định tội phạm phải căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của tội đó. Cùng là hành vi cắt trộm đường dây liên lạc nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội nào thì xử theo điều luật quy định về tội phạm đó.
Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều xâm hại đến một hoặc nhiều quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Có tội phạm chỉ có một khách thể trực tiếp, cũng có tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp.
Mặt khác, có tội phạm xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội nhưng không phải tất cả những quan hệ xã hội bị xâm hại đều được coi là khách thể trực tiếp. Trong trường hợp nhiều quan hệ xã hội cùng bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì quan hệ xã hội được coi là khách thể trực tiếp là quan hệ xã hội mà sự gây thiệt hại cho quan hệ xã hội đó khi căn cứ vào tất cả các mặt như tính chất quan trọng của quan hệ xã hội, mức độ bị gây thiệt hại, mục đích chủ quan của người phạm tội... thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
 Hành vi cắt trộm dây liên lạc đang sử dụng vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc, vì đối tượng tác động ở đây là tài sản và đồng thời là phương tiện thông tin liên lạc.
Vì vậy, cùng là hành vi cắt trộm đường dây liên lạc nhưng hành vi này chỉ xâm phạm đến đường dây liên lạc của một hộ gia đình (mục đích lấy đồng bán) thì chỉ cấu thành tội trộm cắp. Còn hành vi cắt trộm khác xâm phạm đến đường dây liên lạc của một cơ quan, tổ chức..., gây tê liệt cả hệ thống liên lạc của một thôn, xóm, phường, xã thì cấu thành tội hủy hoại tài sản vì xác định khách thể bị xâm hại trực tiếp là sựan toàn thông tin liên lạc mới thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Câu hỏi 8.
Hành vi vận chuyển mua bán trái phép chất cháy, chất độc theo Điều 238 BLHS theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 định lượng được hướng dẫn như sau:
Khoản 1 Điều 238 từ 1 - 15 kg
Khoản 2 Điều 238 từ >15 - 75kg
Khoản 3 Điều 238 từ trên 75kg
Vậy trọng lượng bao nhiêu thì xét xử ở khoản 4?
Trả lời:
Điều 238 BLHS năm 1999 về “Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc” được quy định trên cơ sở kế thừa một phần từ Điều 96 BLHS 1985 (Điều 96 BLHS 1985 chỉ có khoản 1, khoản 2, khoản 3 và được hướng dẫn tại Thông tư 01/TTLN ngày 07/01/1995).
Một trong những điểm khác (so với Điều 96 BLHS 1985) của Điều 238 BLHS 1999 là được quy định thành 4 khoản.
Hiện nay, Thông tư 01/TTLN ngày 07/01/1995 vẫn được vận dụng để áp dụng đối với khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 238 BLHS 1999. Do vậy khoản 4 chưa có hướng dẫn. Tuy nhiên, Điều 96 BLHS 1985 có quy định mức “đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 (mà không có mức “rất nghiêm trọng”)
Điều 238 BLHS 1999 quy định thành 4 khoản, trong đó “rất nghiêm trọng” thuộc khoản 3 và “đặc biệt nghiêm trọng” thuộc khoản 4.
Như vậy, khoản 3 Điều 96 BLHS 1985 chính là khởi điểm của khoản 3 Điều 238 BLHS 1999.
Do chưa có văn bản hướng dẫn nhưng qua thực tiễn xét xử thì cách xác định trọng lượng để định khung hình phạt trong trường hợp này được xác định như sau:
Giới hạn mức tối đa thuộc khoản 3 là gấp 3 lần mức khởi điểm của khoản 3 (75 kg x 3 = 225 kg). Như vậy, từ trên 75kg đến 225kg thuộc khoản 3. Do đó, trên 225 kg thì xét xử theo Khoản 4 Điều 238 BLHS.
Câu hỏi 9. Gây rối trật tự công cộng do Cơ quan điều tra Công an cấp huyện khởi tố vụ án. Trong vụ án này có hành vi đập phá xe mô tô của cảnh sát, thiệt hại giá trị tài sản là 3 triệu đồng. Tòa án xác định Công an huyện là nguyên đơn dân sự có đúng không? Công an huyện là nguyên đơn dân sự thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án cấp nào?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 52 BLTTHS quy định: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Công an huyện là cơ quan bị thiệt hại và trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự nếu có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh hay cấp huyện phải căn cứ vào quy định của Điều 170 BLTTHS.
Tội gây rối trật tự công cộng có mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù nên về nguyên tắc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Không có quy định nào bắt buộc là trường hợp nguyên đơn dân sự là Công an huyện thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải do TAND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết (Khoản 2 Điều 170 BLTTHS).
Câu hỏi 10. Người lái xe ô tô điều khiển xe trên đường bị hỏng xe, để xe bên lề đường và kêu thợ về sửa, không có biển báo hiệu, vì ban đêm nên một xe mô tô đâm vào gây chết người đi xe mô tô. Vậy người lái xe ô tô có bị truy tố theo Điều 202 BLHS?
Trả lời:
Việc xác định một hành vi phạm tội phải dựa vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm đó, trong đó dấu hiệu Lỗi (dấu hiệu về mặt chủ quan) và hành vi phạm tội là một trong những yếu tố bắt buộc phải xác định.
Điều 202 BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ quy định: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì...”
Hành vivi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm này.
Điểm d Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định về dừng đỗ xe trên đường bộ như sau: “Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”
Như vậy, chỉ cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS khi người điều khiển phương tiện giao thông có lỗi và không thực hiện đúng các quy định dừng xe. Trường hợp người lái xe ô tô phải dừng xe do xe bị hỏng, đã thực hiện các biện pháp an toàn trước khi rời khỏi xe thì không có hành vi phạm tội. Do vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp nêu ở câu hỏi này người lái xe không thực hiện đủ các biện pháp an toàn trước khi rời khỏi xe thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp tuy có hành vi vi phạm pháp luật nhưng người vi phạm không có lỗi, không có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với hậu quả thì họ vẫn không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm. Ví dụ: tuy dừng xe không có cảnh báo đầy đủ nhưng hậu quả nghiêm trọng cả về tài sản và người xảy ra là do người khác đến nghịch, làm cháy xe gây ra.
Câu hỏi 11. Trong vụ án tai nạn giao thông khi chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, người đi trên xe (phụ xe có bằng lái hợp lệ) nhận thay cho lái xe, sau đó bị phát hiện. Vậy trường hợp này có xác định và khởi tố họ về tội “Khai báo gian dối” (Điều 307) được không? Người lái xe gây tai nạn nhờ người phụ lái đó nhận thay trả bằng tiền có bị truy tố về tội “Mua chuộc người khác khai báo gian dối” (Điều 309) được không?
Trả lời:
Việc xác định tội phạm phải dựa vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm đó. Với dữ kiện vụ án trên thì hoàn toàn đủ điều kiện cấu thành tội phạm theo Điều 307 và 309 BLHS, bởi vì:
Hành vi khách quan quy định tại Điều 307 chỉ cần có dấu hiệu “khai gian dối” mà mình biết rõ là sai sự thật không đòi hỏi phải có dấu hiệu nào khác nữa.
Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng có truy tố hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp, ví dụ nếu hai người (người lái xe và người nhận lái thay) có quan hệ đặc biệt với nhau: là anh em ruột thịt, có quan hệ phụ thuộc về kinh tế..., thì có thể ít khi bị truy tố hơn.
Câu hỏi 12.Thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài.
Trả lời:
Các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các vụ án hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà trong vụ án đó có người nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc người mang nhiều quốc tịch (gọi chung là người nước ngoài) tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và lợi ích liên quan tới vụ án và các vụ án hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng của nước ngoài giải quyết mà trong vụ án đó có người mang quốc tịch Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, lợi ích liên quan đến vụ án.
BLTTHS đã có quy định đối với một số trường hợp cụ thể. Khoản 2 Điều 171 BLTTHS quy định: "Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương".
BLTTHS cũng đã quy định về thẩm quyền của Tòa án khi tội phạm thực hiện hành vi phạm tội trên tàu bay, tàu biển. Tuy nhiên, chưa có quy định chung về thẩm quyền giải quyết vụ án do người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam hay vụ án có các yếu tố nước ngoài khác.
Hiện nay, các bị cáo là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thường do Tòa án cấp tỉnh thụ lý, giải quyết, do có nhiều vấn đề phức tạp như: liên quan đến yếu tố ngoại giao, liên quan đến xác định chính xác nhân thân của người phạm tội, về bồi thường trách nhiệm dân sự (nếu có) và các vấn đề khác trong vụ án hình sự... cần phải thu thập, thi hành ở nước ngoài.
Câu hỏi 13.Bị cáo là người chưa thành niên phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 138 BLHS. Quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp của bị cáo luôn có mặt trong các buổi hỏi cung mà không có luật sư. Vậy trong trường hợp này có cần phải có luật sư không? Nếu không có luật sư có vi phạm tố tụng không?Trả lời:
Điều 306 BLTTHS năm 2003 quy định về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường, tổ chức quy định:
“1. Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.
2. Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra”.
            Trong quá trình điều tra người đại diện hợp pháp của bị cáo có mặt trong các buổi hỏi cung là không trái với quy định của pháp luật tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội.
            Khoản 2 Điều 57 BLTTHS quy định:
“Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
a) ...
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa”.
Vấn đề này cũng được hướng dẫn cụ thể tại tiểu Mục 3, phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTHS năm 2003, Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên phạm tội.
            Như vậy, trường hợp trên thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Tuy nhiên, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ có quyền từ chối người bào chữa, nên nếu họ từ chối hoặc người đại diện hợp pháp đồng thời là người bào chữa của bị cáo thì trường hợp trên không vi phạm quy định của pháp luật tố tụng.
Câu hỏi 14.Tang vật của vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự có điểm gì khác so với công cụ, phương tiện dùng vào mục đích phạm tội quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự.
Trả lời:
Điều 76 BLTTHS là quy định về vấn đề xử lý vật chứng. Điều 74 BLTTHS có quy định: “Vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Như vậy, vật chứng là nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự mà thông qua nó cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể tìm ra chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, giải quyết đúng đắn vụ án.
Điều 41 BLHS quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Đối tượng được quy định tại Điều 41 BLHS bao gồm cả vật chứng và những tài sản khác liên quan trực tiếp đến tội phạm. Do đó, phạm vi quy định tại Điều 76 BLTTHS hẹp hơn so với Điều 41 BLHS.
Ví dụ: Tiền bán tài sản do phạm tội mà có là đối tượng của Điều 41 BLHS nhưng không phải là vật chứng trong vụ án.
Câu hỏi 15.Trong vụ án hình sự, nếu người bị hại chết, người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thì có áp dụng Khoản 2 Điều 46 BLHS được không?Trả lời:
BLHS có quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án” (Khoản 2, Điều 46).
Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điều của phần chung BLHS, có liệt kê một số trường hợp cụ thể về các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại Khoản 2, Điều 46 như sau:
“Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;”. Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP cũng quy định:
“Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án” (điểm c, Mục 5).
Như vậy, trường hợp người bị hại chết, người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không phải là một trường hợp được liệt kê tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP nhưng cũng không phải là trường hợp không thể coi là tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp này vẫn có thể được chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Khoản 2 Điều 46 BLHS và Điểm c Mục 5 của Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP nêu trên.
Lưu ý: Trong quá trình điều tra, xét xử cần phải làm rõ những vấn đề như phải hỏi người đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có phải là tự nguyện không? Có bị ai ép buộc, đe dọa không? Có bị ai mua chuộc không?…, và cần tiến hành trước phiên tòa. Nếu người đại diện có thiện ý thật sự, thì có căn cứ ghi nhận và xem xét tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Câu hỏi 16.Đề nghị cho biết điểm g - Điều 46 BLHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” có được áp dụng đối với mọi tội phạm không?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 46 BLHS quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”, và được hướng dẫn tại Điểm d, Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000. Do đó, không phải mọi tội phạm đều xem xét áp dụng điểm g, khoản 1, Điều 46 mà việc có áp dụng hay không phải xem xét cấu thành tội phạm của loại tội đó như thế nào? Có rất nhiều hành vi chưa cần gây thiệt hại đã đủ cấu thành tội phạm, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Trong thực tiễn trường hợp chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn gần như rất hãn hữu được áp dụng. Ở đây, cần phải phân biệt rõ giữa gây thiệt hại (gây hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) với giá trị vật chất của khách thể bị xâm hại.
Câu hỏi 17. Khoản 5 Điều 51 BLTTHS có quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại điều này”. Vậy những ai là người đại diện hợp pháp?
Trả lời:
            Theo hướng dẫn tại nghị quyết số 05/2005 ngày 8/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” BLTTHS, thì trong trường hợp người bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, con đã thành niên của người chết đều là đại diện hợp pháp. Do đó, tất cả những người này đều có quyền tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, trừ trường hợp có văn bản ủy quyền cho một người đại diện tham gia tố tụng.
            Theo hướng dẫn tại Mục 1, Phần I, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP:
“Trong trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ví dụ cha, mẹ, vợ và con thành niên của người bị hại) thì phân biệt như sau:
a) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.
b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:
b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;
b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng)”.
Pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể về phạm vi những người có thể là đại diện cho người bị hại đã chết. Quyền của người đại diện bị hại rộng hơn quyền của nguyên đơn trong vụ án dân sự (có cả quyền yêu cầu về hình phạt và kháng cáo về hình phạt). Tuy nhiên, trong quyền của người bị hại cũng như người đại diện cho bị hại đã chết có phần quyền quan trọng về trách nhiệm dân sự. Do đó, việc xác định phạm vi người được đại diện cho người bị hại đã chết cần được thực hiện theo quy định về kế thừa quyền tố tụng và thừa kế tài sản của BLDS.
Như vậy, phạm vi những người có thể trở thành đại diện cho người bị hại đã chết xác định theo quy định về người thừa kế theo pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 676 BLDS là:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Cùng áp dụng tương tự quy định về quyền hưởng di sản quy định tại Khoản 2, 3 Điều 676 thì chỉ trong trường hợp không còn ai ở trong hàng thừa kế trước thì mới xác định người đại diện cho bị hại đã chết ở hàng thừa kế sau. (Đối với những người cùng một hàng thừa kế thì việc xác định thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP nêu trên).
Câu hỏi 18. Trong quá trình điều tra với người chưa thành niên phạm tội, cơ quan điều tra đã cử đại diện Đoàn thanh niên tham gia do cha mẹ bị cáo không tìm được hoặc trốn tránh thì có vi phạm tố tụng không?
Trả lời:
Khoản 1, 2, Điều 306 BLTTHS quy định:
“Đại diện của gia đình người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.”
“Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc là người chưa thành niên có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc trong những trường hợp cần thiết khác, thì việc lấy lời khai, hỏi cung những người này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Đại diện gia đình có thể hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.”
Như vậy, đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 16 đến 18 tuổi thì thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống tham gia tố tụng là phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can bị cáo là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì bắt buộc phải có đại diện gia đình tham gia tố tụng trừ trường hợp họ cố tình vắng mặt không có lý do chính đáng và cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh. Vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 10, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên. Cụ thể là:
“Trường hợp đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can không thể có mặt, để bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng được tiến hành kịp thời theo quy định, thì việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can vẫn được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc Luật sư tham gia lấy lời khai, hỏi cung”.
Câu hỏi 19.Khoản 2 Điều 176 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn ba mươi ngày… Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây: a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.”. Vậy nếu có nhiều bị cáo, có bị cáo khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trong quá trình chuẩn bị xét xử, người bị hại rút yêu cầu thì Tòa án ra quyết định như thế nào.
Trả lời:
Điều 180 BLTTHS quy định:
“Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 của Bộ luật này; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật này hoặc khi Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.
Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.”
“Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút toàn bộ yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.” (Khoản 2, Điều 105).
Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, có bị cáo khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trong quá trình chuẩn bị xét xử người bị hại rút yêu cầu thì căn cứ Điều 180, Khoản 2 Điều 105 BLTTHS Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử đối với bị cáo được yêu cầu và tiếp tục đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo khác về tội mà người bị hại không rút yêu cầu và Viện kiểm sát vẫn truy tố.
Câu hỏi 20.Trong vụ án về tội cố ý gây thương tích, tại giai đoạn điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần và có kết luận của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo không bị hạn chế năng lực hành vi. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo có biểu hiện tâm thần, Tòa án cấp sơ thẩm có xét xử được không? Tòa án có được trưng cầu giám định tâm thần không?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 155, Điều 159 BLTTHS quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định “tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự” và giám định bổ sung trong trường hợp “nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó”. Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu có nghi ngờ về năng lực hành vi của bị cáo thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa và tiến hành trưng cầu giám định tâm thần. Kết quả trưng cầu giám định:
- Trường hợp bị cáo không có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì Tòa án tiếp tục tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đang bị bệnh tâm thần thì căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 13 BLHS, Điều 107 và Điều 180 BLTTHS, Hội đồng xét xử đình chỉ vụ án;
- Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án, ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo, sau khi chữa bệnh xong Tòa án tiếp tục đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Đối với những vụ án mà trong quá trình điều tra và truy tố đã có dấu hiệu của tâm thần, ví dụ: bị cáo đã xuất trình bệnh án hoặc khai trước kia bị ngã... Cơ quan điều tra không giám định mà lại chuyển sang Tòa án, thì Tòa án không được ra quyết định trưng cầu giám định mà phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành giám định. Nguyên nhân là do điều tra không đầy đủ. Tòa án chỉ trưng cầu giám định nếu có căn cứ đầy đủ cho rằng trong quá trình điều tra, truy tố người đó không có biểu hiện tâm thần, nhưng bây giờ lại có biểu hiện tâm thần hoặc khi xét xử sơ thẩm thấy bình thường, nhưng khi xét xử phúc thẩm lại có biểu hiện tâm thần thì Tòa phúc thẩm mới trưng cầu giám định.

 
PHẦN II
CÁC VẤN ĐỀ VỀ DÂN SỰ,
HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
 Câu hỏi 1. Nguyên đơn khởi kiện đòi nợ, bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương. Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn. Nguyên đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự về việc yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Sau khi Tòa án giải quyết và ra thông báo tìm kiếm thì nguyên đơn phát hiện bị đơn đã về và đang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Nguyên đơn khởi kiện và cung cấp cho Tòa án hợp đồng chuyển nhượng mà bị đơn thực hiện tại phòng công chứng. Trường hợp này Tòa án thụ lý giải quyết vụ án đòi nợ có được không? Có được xem là bị đơn cố tình giấu địa chỉ không?
Trả lời:
Đây là trường hợp bị đơn có địa chỉ nhưng tại thời điểm giải quyết vụ án bị đơn đã không cư trú tại địa chỉ đó chứ không phải là trường hợp nguyên đơn không nêu được địa chỉ của bị đơn. Vì vậy, việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng.
Có trường hợp nguyên đơn không biết nơi cư trú của bị đơn, pháp luật vẫn cho phép nguyên đơn khởi kiện và còn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp. Đó là trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 36 BLTTDS: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện đòi nợ, đã giải quyết việc yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Việc giải quyết yêu cầu tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú không ảnh hưởng đến việc khởi kiện lại vụ án đòi nợ. Thực tế bị đơn đã về địa chỉ cũ và đang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Vì vậy Tòa án cần chấp nhận việc khởi kiện lại, thụ lý vụ án đòi nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 193 BLTTDS.
Cần lưu ý là trong trường hợp bị đơn “cố tình dấu địa chỉ” thì dù nguyên đơn “không biết địa chỉ của người bị kiện” Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục chung (Theo hướng dẫn tại Công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006 của TAND tối cao).
 Câu hỏi 2. Đất 5% được chia cho hộ gia đình gồm 10 nhân khẩu (trong đó có cha mẹ và các con). Sau khi cha mẹ chết, các con trong hộ gia đình khởi kiện yêu cầu chia thừa kế phần diện tích được cấp cho hộ gia đình. Trường hợp này Tòa án thụ lý với quan hệ pháp luật “chia tài sản thừa kế” đúng hay sai? Nếu chia thừa kế thì chia số lượng diện tích là bao nhiêu (hộ gia đình gồm 10 nhân khẩu được cấp đất 5% là 1000 m2)?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất này là tài sản chung của hộ gia đình. Vấn đề đặt ra là khi một trong các thành viên của hộ gia đình chết, tài sản chung này có được xác định là di sản thừa kế không? Trước đây, Điều 744 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu trong hộ có thành viên chết, thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ đó, nếu trong hộ gia đình không còn thành viên nào thì Nhà nước thu hồi đất đó”. Theo quy định này thì đất Nhà nước giao cho hộ gia đình không được xác định là di sản thừa kế, khi một thành viên trong hộ gia đình chết thì các thành viên khác tiếp tục quản lý sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Luật dân sự năm 2005 lại có quy định khác tại Điều 735, cụ thể: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 cũng có quy định: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Như vậy, theo các quy định hiện hành thì quyền sử dụng đất của thành viên hộ gia đình đã chết được xác định là di sản thừa kế.
Trong tình huống trên, sau khi cha mẹ chết, các con trong hộ gia đình khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là phần diện tích được cấp cho cha mẹ trong hộ gia đình, Tòa án thụ lý với quan hệ pháp luật “chia tài sản thừa kế” là đúng.
Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là để áp dụng đúng pháp luật (xác định là quan hệ về thừa kế thì thời hiệu khởi kiện, việc xác định các quyền và nghĩa vụ dân sự, việc phân chia di sản…, phải tuân theo các quy định của pháp luật thừa kế). Tuy nhiên, việc chia thừa kế thường gắn liền với quan hệ pháp luật về tài sản chung (di sản được xác định, được tách ra từ tài sản chung) nên cũng phải áp dụng pháp luật về tài sản chung. Trong trường hợp cụ thể nêu trên thì quan hệ tranh chấp chính, cụ thể vẫn là tranh chấp về thừa kế.
Xác định quan hệ tranh chấp cụ thể là để áp dụng đúng luật chuyên ngành vì luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng khi có sự khác nhau giữa luật chuyên ngành và luật chung. Ví dụ tranh chấp về sở hữu không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện, nhưng tranh chấp về thừa kế có quy định thời hiệu khởi kiện.
Câu hỏi 3. Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản (kiện đòi nợ) có thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 159 BLTTDS không? Có thể cho rằng kiện đòi nợ thuộc trường hợp đòi lại tài sản do người khác “quản lý, chiếm hữu” hay không?
Trả lời:
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 159 BLTTDS: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:
a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;.
b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm”.
Như vậy, nếu như pháp luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng quy định đó, nếu không có quy định riêng về thời hiệu thì mới áp dụng Khoản 3 Điều 159 BLTTDS để xác định thời hiệu khởi kiện.
Hợp đồng vay tài sản là một loại hợp đồng dân sự thông dụng. Điều 427 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng là: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm”. Theo đó, phải áp dụng quy định này để xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng vay tài sản (kiện đòi nợ) là hai năm, kể từ ngày người vay nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Quá thời hạn hai năm, các bên mất quyền khởi kiện yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, bên cho vay chỉ mất quyền khởi kiện về những quyền phát sinh từ hợp đồng như tiền lãi, tiền phạt vi phạm… chứ không mất quyền sở hữu đối với tiền gốc cho vay. Do đó bên cho vay có quyền kiện đòi lại số tiền gốc do bên vay đang chiếm giữ theo quan hệ đòi lại tài sản (không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện).
Câu hỏi 4. 
Trong vụ án Hôn nhân và gia đình, ngoài quan hệ hôn nhân, con chung, các đương sự còn tranh chấp về tài sản chung. Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản. Trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự thỏa thuận được về quan hệ hôn nhân, về con chung, nguyên đơn rút yêu cầu chia tài sản với lý do để họ tự thỏa thuận với nhau.
Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận các đương sự bao gồm cả ba mối quan hệ hay ra hai quyết định (quyết định đình chỉ giải quyết vụ án về tài sản và quyết định công nhận thuận tình ly hôn về quan hệ hôn nhân và con chung)?
Trả lời:
Về nguyên tắc chung quy định tại Điều 5 BLTTDS, các đương sự có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu và Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự, do đó, nếu nguyên đơn rút yêu cầu chia tài sản thì về nguyên tắc, Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu này nữa.
Tuy ở giai đoạn trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử không có quy định cụ thể về việc đình chỉ giải quyết vụ án đối với một phần yêu cầu khởi kiện, nhưng ở giai đoạn phiên tòa sơ thẩm đã quy định việc đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu đã rút. Tại Mục 10 Phần II Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng quy định về trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện là: “Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã rút”, tức là Tòa án có thể đình chỉ giải quyết một phần vụ án. Do vậy, trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được về quan hệ hôn nhân, về con chung, nguyên đơn rút yêu cầu chia tài sản với lý do để họ tự thỏa thuận với nhau, thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết một phần vụ án về tài sản và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn về quan hệ hôn nhân và con chung.
Câu hỏi 5. Trước phiên tòa vợ chồng chỉ yêu cầu giải quyết về hôn nhân, không yêu cầu giải quyết về con, tài sản. Tại phiên tòa, đương sự yêu cầu giải quyết cả về tài sản và con. Tòa án có chấp nhận xem xét không? Nếu không chấp nhận thì có được tách thành vụ án khác để giải quyết không? Nếu chấp nhận thì thủ tục giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Pháp luật tố tụng dân sự tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự (Điều 5 BLTTDS). Các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình trong suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự, từ khi thụ lý vụ án, tại giai đoạn hòa giải, tại phiên tòa… Nếu tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình thì Hội đồng xét xử xem xét quyết định theo quy định tại Điều 218 BLTTDS.
Trong tình huống này, trước khi mở phiên tòa vợ chồng chỉ yêu cầu giải quyết về hôn nhân, không yêu cầu giải quyết về con, tài sản. Tại phiên tòa yêu cầu giải quyết về cả tài sản và con. Đây thuộc trường hợp đương sự bổ sung yêu cầu và việc bổ sung yêu cầu này là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Khoản 1 Điều 218 BLTTDS quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Theo quy định này thì Tòa án không chấp nhận việc bổ sung yêu cầu giải quyết cả về con, tài sản của đương sự.
Về việc có tách thành vụ án khác để giải quyết được không? Điều 38 BLTTDS quy định: “Tòa án có thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách đảm bảo đúng pháp luật”. Trong vụ án, đương sự chỉ có một yêu cầu là giải quyết ly hôn, còn yêu cầu về chia tài sản và nuôi con đương sự chưa yêu cầu nên Tòa án chưa giải quyết. Do đó Tòa án không thể tách thành một vụ án khác để giải quyết yêu cầu đương sự mới bổ sung. Tòa án chỉ nhận xét trong bản án cho các đương sự biết họ phải thực hiện thủ tục khởi kiện theo quy định chung của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết bằng một vụ án khác.
Câu hỏi 6. Trong vụ án hôn nhân và gia đình, nguyên đơn làm đơn yêu cầu xin được tạm đình chỉ vụ án với lý do đi chữa bệnh. Tòa án T đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau đó nguyên đơn không làm đơn yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án. Vì mâu thuẫn vợ chồng đến mức trầm trọng, bị đơn tha thiết yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án xử lý thế nào?
Trả lời:
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, nguyên đơn làm đơn yêu cầu xin được tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đi chữa bệnh. Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là sai vì theo quy định tại Điều 189 BLTTDS về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và các quy định khác của pháp luật thì các căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không có trường hợp lý do “đi chữa bệnh”. Tòa án T phải căn cứ vào Điều 191 BLTTDS tiếp tục giải quyết vụ án.
Trong trường hợp nếu Tòa án T không tiếp tục giải quyết vụ án, thì Quyết định tạm đình chỉ có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết (hết thời hạn 7 ngày), Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án T có thể bị khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Tòa án cấp giám đốc thẩm có quyền hủy quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để tiếp tục giải quyết vụ án.
Câu hỏi 7. Vụ án chia tài sản sau ly hôn đã xử phúc thẩm, bản án được thi hành án toàn bộ kể cả án phí. Sau đó, cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại. Sau khi Tòa án thụ lý lại vụ án, nguyên đơn rút đơn kiện, nhưng bị đơn vẫn còn yêu cầu chia tài sản. Vậy số tiền án phí đã thi hành xong thì nguyên đơn có được trả lại không? Mặc dù bị đơn vẫn yêu cầu chia tài sản thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án (nếu bị đơn có yêu cầu thì bị đơn làm đơn khởi kiện lại) hay là vẫn tiếp tục giải quyết vụ án.
Trả lời:
Trước tiên phải xác định đây là vụ án chia tài sản độc lập sau khi các đương sự đã làm xong thủ tục ly hôn rồi (bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật).
Theo quy định về thay đổi địa vị tố tụng tại Điều 219 BLTTDS thì: “Trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn”.
Tuy nhiên, việc bị đơn “vẫn yêu cầu chia tài sản” không phải là yêu cầu phản tố. Yêu cầu phản tố được hướng dẫn tại Tiểu mục 11.1 Mục 11 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP là: “Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng về yêu cầu mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết”. Do đó, đây không phải là trường hợp thay đổi địa vị tố tụng để bị đơn thành nguyên đơn (và ngược lại) mà Tòa án cần ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (theo quy định tại Điều 192 BLTTDS) và hướng dẫn cho bị đơn khởi kiện vụ án mới về chia tài sản chung.
Về mặt lý luận, khi cả hai người đều có yêu cầu chia tài sản chung, họ chỉ không thống nhất về cách chia, xếp một người là nguyên đơn, người kia là bị đơn cũng không hợp lý. Tuy nhiên, khi chưa có sửa đổi pháp luật hoặc quy định mới thì vẫn phải xử lý theo hướng nêu ở trên.
Khi đã đình chỉ giải quyết vụ án thì tiền tạm ứng án phí được xử lý như các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác.
Câu hỏi 8. Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết 3 vấn đề: hôn nhân, con chung, tài sản chung. Trong đó vấn đề tài sản chung có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa án đã ra thông báo cung cấp địa chỉ nhưng nguyên đơn không cung cấp được. Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn hay chỉ đình chỉ đối với phần giải quyết tài sản?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 164 BLTTDS, nếu người khởi kiện đã khởi kiện vụ án dân sự có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì nội dung đơn khởi kiện phải có tên, địa chỉ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Sau khi nhận đơn, Tòa án thấy thiếu nội dung này, Tòa án phải thông báo cho người khởi kiện bổ sung trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn mà người khởi kiện không bổ sung được nội dung về địa chỉ thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 BLTTDS: “nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện”, Tiểu mục 8.5 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP cũng quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Tòa án căn cứ vào Khoản 2 Điều 169 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án”. Tòa án chưa thụ lý thì không thể đình chỉ việc giải quyết vụ án mà chỉ thông báo trả lại đơn khởi kiện.
Tuy vậy, trong vụ án ly hôn, quan hệ tranh chấp tài sản có tính độc lập (họ có thể không yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc giải quyết sau khi đã ly hôn và có thể yêu cầu giải quyết bằng nhiều vụ án về chia tài sản chung). Do đó nếu đương sự thay đổi đơn khởi kiện, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ hôn nhân và nuôi con chung thì Tòa án có thể thụ lý, giải quyết.
Câu hỏi 9. Tháng 5/1993 hai bên thực hiện việc chuyển đổi đất ruộng lấy đất vườn. “Hợp đồng chuyển đổi” này được UBND xã xác nhận. Đến năm 1995 hai bên xảy ra tranh chấp, khiếu nại đến UBND huyện giải quyết nhưng chưa giải quyết xong. Năm 2012, một trong hai bên tranh chấp khởi kiện ra Tòa án. Diện tích đất trên chưa được cấp giấy CNQSD đất, cũng không có giấy tờ nguồn gốc gì (không có tên trong sổ địa chính). Như vậy, “hợp đồng chuyển đổi” được UBND xã xác nhận năm 1993 có được xem là một trong các loại giấy tờ tại Khoản 2 Điều 50 Luật đất đai không? Có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?Trả lời:
Khoản 2 Điều 50 Luật đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ có ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan”. Như vậy, giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 50 phải bao gồm giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất kèm theo giấy tờ quy định ở Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Giấy tờ quy định ở Khoản 1 Điều 50 bao gồm:
“a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;”
Như vậy, “Hợp đồng chuyển đổi” đất ruộng lấy đất vườn được UBND xã xác nhận năm 1993 không được xem là một trong các loại giấy tờ tại Khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”. Do vậy, trường hợp nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án.
Cần lưu ý là quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Điều 136 Luật Đất đai không phân biệt tranh chấp về hợp đồng hay tranh chấp về việc ai có quyền sử dụng đất như quy định trước đó tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của TAND tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục Địa chính.
Câu hỏi 10. Trong vụ án hôn nhân và gia đình, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn (là người vợ) thừa nhận có một người con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không phải là con chung của vợ chồng mà là con chung của nguyên đơn với một người khác và không yêu cầu giải quyết việc nuôi dưỡng người con này. Bị đơn cũng nhất trí người con đó không phải là con chung của vợ chồng và nhất trí không yêu cầu Tòa án giải quyết việc nuôi dưỡng.Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã không công nhận người con nói trên là con chung của nguyên đơn và bị đơn và không giải quyết việc nuôi dưỡng.Bản án bị cấp giám đốc thẩm hủy về phần nuôi con chung với lý do chưa chứng minh được người con đó không phải con chung nhưng cấp sơ thẩm không công nhận con chung là không đúng.Việc giám đốc thẩm hủy án nói trên là có căn cứ hay không?Trong trường hợp nói trên (nguyên đơn thừa nhận không phải là chung), thì bị đơn có cần phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh đứa con đó không phải là chung hay không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”, và Khoản 2 Điều 63 quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”. Theo các quy định trên đây thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đương nhiên là con chung của vợ chồng, dù nguyên đơn (người vợ) khai rằng người con này không phải là con chung và bị đơn cũng nhất trí không phải con chung nhưng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh thì việc thỏa thuận này cũng không đủ căn cứ để xác định không phải là con chung của vợ chồng. Các đương sự muốn chứng minh đứa con không phải là con chung của vợ chồng thì phải cung cấp cho tòa án chứng cứ cụ thể, chẳng hạn như có căn cứ xác định vào thời điểm thụ thai người chồng đi công tác xa nhà, hay có kết luận của bác sỹ người chồng bị mắc bệnh vô sinh vào thời điểm thụ thai, hoặc có kết luận giám định AND đứa con không phải con của người chồng…
Tòa án chưa thu thập được chứng cứ chứng minh, mà chỉ dựa vào lời khai của các đương sự đã đưa ra một quyết định quan trọng về nhân thân người con, không công nhận con chung của vợ chồng là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Cấp giám đốc thẩm hủy một phần bản án về nuôi con chung là đúng pháp luật (Điều 299 BLTTDS).
Trong thực tế đã có một số vụ đương sự khiếu nại xin được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm do trước đây đã thỏa thuận không phải là con chung chỉ vì bức xúc với thái độ của người chồng (hoặc vợ) trong khi thực tế là con chung.
Câu hỏi 11.
Bà N. bị tai biến mạch máu não từ năm 2005, có bệnh án của bệnh viện. Năm 2011 có kết luận giám định như sau: “Từ tháng 6/2008 bà N. hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi rất nhiều (gần như mất hẳn); từ tháng 6/2011 bà N không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Nay người đại diện hợp pháp của bà N  yêu cầu tuyên bố thời điểm tháng 6/2008 bà N  hạn chế năng lực hành vi dân sự. Yêu cầu này có căn cứ chấp nhận hay không?Trả lời:
Quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 319 BLTTDS là: “Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự”. Tuy vậy Khoản 4 Điều 319 BLTTDS còn quy định: “Kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình”.
Như vậy, trường hợp mà “khả năng nhận thức và điều khiển hành vi bị hạn chế” không phải là trường hợp “hạn chế năng lực hành vi dân sự” theo quy định tại Khoản 4 Điều 319 BLTTDS. Do đó yêu cầu tuyên bố bà N. hạn chế năng lực hành vi dân sự vào thời điểm tháng 6/2008 là không có căn cứ pháp lý.
Tuy không thuộc trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng ở thời điểm tháng 6/2008, bà N có hạn chế về thể chất do bị bệnh. Vì vậy, cần lưu ý về các chứng cứ xác định tình trạng tinh thần của bà N Nếu bà N bị lừa dối hoặc không tự nguyện thì các giao dịch có bà N tham gia vẫn là vô hiệu.
Câu hỏi 12. Khi đã hết lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án có phải ra quyết định khôi phục việc giải quyết vụ án hay không?Trả lời:
Điều 191 BLTTDS quy định: “Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn”.
Tuy pháp luật không có quy định Tòa án phải ra quyết định khôi phục việc giải quyết vụ án nhưng trong thực tiễn xét xử, để cho các đương sự biết và tiếp tục tham gia tố tụng, Viện kiểm sát biết và thực hiện quyền giám sát của mình, Tòa án cần có thông báo về việc tiếp tục giải quyết vụ án.
Câu hỏi 13. Trường hợp đã thụ lý vụ án nhưng hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ theo Điều 192 BLTTDS. Vậy trường hợp chưa thụ lý vụ án, khi nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán nhận thấy đã hết thời hiệu khởi kiện thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 168 BLTTDS chưa sửa đổi thì “thời hiệu khởi kiện đã hết” là một trong những căn cứ để trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên theo BLTTDS đã sửa đổi, bổ sung thì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết’ không phải là một trường hợp quy định tại Điều 168 nữa, mà là một trong những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án được quy định tại Điều 192. Điều đó có nghĩa nếu chưa thụ lý vụ án, thì dù có hết thời hiệu khởi kiện cũng không được phép trả lại đơn khởi kiện và từ chối thụ lý vụ án.
Thực tế việc xác định thời hiệu khởi kiện là khá phức tạp và thời hiệu khởi kiện còn có thể bắt đầu lại theo quy định tại Điều 162 BLDS năm 2005. Điều 162 quy định: “Thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.”
Do đó, việc thực sự hết thời hiệu khởi kiện hay chưa phải được thụ lý và xem xét thận trọng mới có đủ căn cứ để xác định. Khi có đủ căn cứ xác định đã hết thời hiệu khởi kiện, bao gồm cả việc xác định không có tình tiết nào thuộc trường hợp “bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện” thì Tòa án mới ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do “thời hiệu khởi kiện đã hết”.
           
Câu hỏi 14.
            A khởi kiện yêu cầu B chia tài sản chung là 1.200m2 đất mà A, B được giao chung mang tên của B. Quá trình sử dụng B đã chuyển nhượng cho C.
            Tòa án đã hướng dẫn A khởi kiện cả C yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa B và C là vô hiệu, nhưng A vẫn không khởi kiện với C.
            Trường hợp này cần bác yêu cầu của A hay đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện do chưa đủ điều kiện khởi kiện bởi hiện nay đất đang do C quản lý.Trả lời:
Trong trường hợp này Tòa án không thể bác yêu cầu của A vì quyền sử dụng diện tích 1.200m2 đất là của cả A và B. Bác yêu cầu là đã giải quyết, xác định A không có quyền lợi gì về đất này, và A cũng không thể khởi kiện lại.
Nguyên đơn A không khởi kiện C nhưng với yêu cầu đòi chia 1.200m2 đất đã bao hàm yêu cầu xác định việc chuyển nhượng giữa B và C là không hợp pháp, cần lấy lại đất để chia cho A một phần. Và do vậy, yêu cầu khởi kiện của A đối với B đã bao hàm cả yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa B với C là vô hiệu. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì: “…Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không ai có đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Do đó, Tòa án cần phải đưa C vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Riêng việc giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu là có thể tách giải quyết riêng nên nếu B và C không yêu cầu giải quyết hậu quả tuyên bố vô hiệu (trả lại tiền, bồi thường thiệt hại…) thì không giải quyết trong vụ án này.
Câu hỏi 15.
            Năm 1995, vợ chồng ông A chuyển nhượng cho vợ chồng ông B 100m2 đất, viết giấy chuyển nhượng có xác nhận của hàng xóm, chủ tịch xã nhưng chưa có dấu của UBND xã. Hai bên đã giao nhận tiền, số tiền 2 triệu đồng còn thiếu hai bên viết giấy nợ 6 tháng. Hai bên đo đất, giao đất thực địa có lập biên bản. Gia đình ông B đến sử dụng, kinh doanh hàng ăn trên đất đó 2 năm. Từ năm 1997, gia đình ông A lại sử dụng đất này. Năm 2000, ông A và ông B lập hợp đồng theo mẫu có xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng chưa có chữ ký của vợ ông A, ông B. Năm 2004, ông A chết.
            Năm 2005, xảy ra tranh chấp, xã hòa giải không thành. Năm 2010, vợ chồng ông B khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bà A và các con của ông A trả lại 100 m2 đất đã chuyển nhượng. Bà A và các con không nhất trí vì gia đình ông B không trả đủ tiền theo quy định 6 tháng, nên không nhất trí trả đất và cũng không có yêu cầu phản tố.
            Vậy có cơ sở chấp nhận yêu cầu đòi đất của vợ chồng ông B hay không?
            Trả lời:
            Tuy là việc kiện đòi lại đất nhưng có chấp nhận cho đòi lại đất hay không lại trên cơ sở xác định người đi đòi đã có quyền sử dụng đất hợp pháp hay chưa nên lại phải xác định quan hệ hợp đồng có hợp pháp không; việc thực hiện hợp đồng đã mang lại quyền sử dụng hợp pháp cho người đi đòi hay chưa.
            Hợp đồng chuyển nhượng mới chỉ có chữ ký của ông A và ông B (chưa có sự tham gia của bà A, bà B) nên chưa đủ điều kiện để coi là một loại giấy tờ được quy định tại Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.
            Tuy nhiên, diễn biến giao dịch và tranh chấp thể hiện bà A và bà B đều biết rõ và đồng tình với việc chuyển nhượng đất. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng đất không vi phạm về chủ thể, về ý chí mà chỉ vi phạm về hình thức (coi như chỉ là hợp đồng miệng).
            Với trường hợp này, việc công nhận hợp đồng hay xác định hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điểm b.3 Tiểu mục 2.3 Phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại Điểm a.4 và Điểm a.6 Tiểu mục 2.3 Mục 2 Nghị quyết này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố…và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Tòa án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất, thì Tòa án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nhà ở và hủy phần hợp đồng đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch”.
            Đối chiếu với quy định trên thì việc chuyển nhượng đất của gia đình ông A và gia đình ông B chưa đủ điều kiện để công nhận vì ông B chỉ sử dụng đất 2 năm, không thể hiện có “trồng cây lâu năm, làm nhà kiên cố…” kể cả là trên một phần đất.
            Câu hỏi 16. Quyết định giao đất của UBND cấp có thẩm quyền có phải là một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai hay không. Nếu thuộc Khoản 1 Điều 50 thì theo Khoản 1 Điều 136 của Luật đất đai tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Điều này có mâu thuẫn với quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng cục địa chính là “tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà một bên có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND”?
            Trả lời:
Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, quyết định giao đất của UBND có thẩm quyền là một loại giấy tờ quy định ở Điều 50 nêu trên vì là giấy tờ có nội dung thể hiện “về quyền được sử dụng đất đai”.
Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
            Như vậy, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Luật Đất đai năm 2003 có khác với hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Tổng cục địa chính quy định: “Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà một bên có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND”. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993 nên những quy định trái với Luật Đất đai năm 2003 không còn giá trị thi hành.
Cũng cần lưu ý là: Quy định tại Điều 50 Luật Đất đai là quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có kèm theo những điều kiện như “trước 15/10/1993” hoặc “không có tranh chấp”. Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Điều 136 Luật Đất đai chỉ “mượn” danh mục giấy tờ của Điều 50 chứ không đòi hỏi phải kèm theo các điều kiện của Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Câu hỏi 17.
Năm 1995, Tòa án xét xử cho vợ chồng ly hôn. Về tài sản giao cho vợ được quyền sở hữu, sử dụng nhà gắn liền với quyền sử dụng đất thổ cư là 450 m2 nhưng không nêu tứ cận và ranh giới thửa đất (vì Tòa án không tiến hành thẩm định tại chỗ).
Thực hiện chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người vợ kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận năm 2002 với tổng diện tích là 750 m2 (nhiều hơn so với quyết định của bản án là 300 m2). Việc kê khai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng quy định của Luật đất đai. Nay có sự tranh chấp đối với diện tích đất vượt quá diện tích đất mà bản án của Tòa án giao cho người vợ (hộ liền kề cho rằng diện tich 300 m2 đó là của họ).
Khi giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ liền kề với người vợ thì Tòa án căn cứ vào bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 1995 hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2002 để xác định quyền sử dụng đất hợp pháp?
Trả lời:
Đây là vấn đề đánh giá chứng cứ để xác định có việc lấn đất hay khai chiếm đất của nguyên đơn (hộ liền kề) hay không? Hộ liền kề đi đòi đất thì phải xuất trình chứng cứ chứng minh đất đó là của họ, họ bị chiếm từ bao giờ? chiếm như thế nào? Không phải bản án ly hôn chỉ ghi 450m2 thì phần dôi thêm đương nhiên của hộ liền kề.
Bản án cũ chỉ là căn cứ xác định người vợ đã được giao toàn bộ khuôn viên (người chồng không còn quyền lợi), chưa có định vị cụ thể thì không bị ràng buộc ở số liệu 450m2. Thực tiễn xét xử vẫn công nhận diện tích đo đạc thực tế vì kết quả đo về diện tích thường vẫn xảy ra việc đo không chính xác.

 
Câu hỏi 18.
Hai cụ A và B có diện tích đất 400 m2. Năm 1984, cụ A chết, đến năm 1991 cụ B bán 200m2, khi cụ B bán các con của cụ B đều biết. Năm 1999, cụ B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất còn lại 200m2. Năm 2010, cụ B chết, trước khi chết cụ viết di chúc cho 1 con 100m2.
Có thể coi các đồng thừa kế cùng bán đi để sử dụng hay không vì khi cụ B bán các đồng thừa kế đều biết và không có ý kiến gì. Nay thời hiệu khởi kiện về thừa kế của cụ A đã hết, xác định phần di sản thừa kế của cụ B là 200m2 hay chỉ là 100m2 trong số 200m2 đất còn lại?
Trả lời:
Từ khi mở thừa kế đến khi chia thừa kế thì di sản thừa kế có thể có những thay đổi. Những thay đổi hao mòn, giảm giá trị do khách quan thì tất cả các thừa kế cùng phải chịu.
Ở thời điểm năm 1991, pháp luật chưa có quy định về thừa kế đất đai nên việc cụ B chuyển nhượng 200m2 đất mà không hỏi ý kiến các con cũng không vi phạm pháp luật. Thực tế, các con của cụ B đều biết và không phản đối việc cụ B chuyển nhượng đất. Do vậy, không có căn cứ để buộc cụ B phải chịu trách nhiệm riêng về việc chuyển nhượng 200m2 đất vào năm 1991.
Năm 1999, cụ B được cấp GCNQSD đất đối với 200m2 còn lại. Ở thời điểm này đã có quy định về thừa kế quyền sử dụng đất, thời hạn khởi kiện về thừa kế của cụ A vẫn còn (10 năm tính từ thời điểm Pháp lệnh Thừa kế có hiệu lực là ngày 10/9/1990) nên phải coi 200m2 đất mà cụ B được cấp giấy chứng nhận là tài sản chung của cụ A và cụ B.
Ở thời điểm 2010, phần di sản của cụ A (100m2) đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Vì vậy, di sản thừa kế của cụ B là 100m2. Di chúc của cụ B chỉ định đoạt 100m2là không vượt quá phần di sản của cụ B.
Câu hỏi 19. Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để kinh doanh, sau đó không có khả năng trả nợ, trình bày lý do kinh doanh thua lỗ nhưng không xuất trình báo cáo tài chính hàng năm để chứng minh các khoản lỗ. Tòa án có phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không hay chỉ xét xử vụ án dân sự?
Trả lời:
Tố tụng hình sự cho phép giải quyết cả về trách nhiệm dân sự đồng thời với trách nhiệm hình sự, còn Tố tụng dân sự thì không được giải quyết về trách nhiệm hình sự nên trong trường hợp tranh chấp dân sự có dấu hiệu phạm tội thì tố tụng hình sự phải được ưu tiên thực hiện trước. Trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội, Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 BLTTDS (sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước…) và chuyển các tài liệu cho cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền xem xét. Nếu cơ quan điều tra hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự; nếu cơ quan điều tra hình sự khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Khoản 1 Điều 192 và Điểm đ Khoản 1 Điều 168 BLTTDS vì “không thuộc thẩm quyền”.
Tuy nhiên, phải thấy có đủ dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự chứ không phải nghi ngờ đã yêu cầu cơ quan điều tra hình sự xem xét việc khởi tố.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy đinh tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
            a. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b. Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…”
Theo các quy định trên thì hành vi phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hành vi nhận tài sản của người khác hợp pháp nhưng sau đó dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Vì vậy, mới chỉ trình bày lí do kinh doanh thua lỗ nhưng không xuất trình báo cáo tài chính hàng năm để chứng minh các khoản lỗ thì chưa phải có dấu hiệu phạm tội như quy định ở trên.
Do vậy, trường hợp này Tòa án vẫn giải quyết vụ án dân sự bình thường vì chưa đến mức xác định có dấu hiệu tội phạm.
Câu hỏi 20. Trường hợp trong vụ án dân sự có đương sự (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) ở nước ngoài có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt và ủy quyền cho bị đơn tham gia tố tụng nhưng đơn này không có dấu xác nhận của Đại sứ quán. Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng đầy đủ cho người đó thông qua bị đơn đồng thời xét xử vắng mặt và tống đạt bản án sơ thẩm thông qua bị đơn. Trường hợp này có bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng không?
Trả lời:
Có vi phạm hay không là phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Pháp luật đã cấm mà vẫn làm hoặc quy định buộc phải làm mà không làm hoặc làm không đúng thì mới là vi phạm.
Không phải tất cả văn bản từ nước ngoài gửi về đều đòi hỏi phải có hợp pháp hóa lãnh sự hay xác nhận của Đại sứ quán. Chỉ những tài liệu do cơ quan, tổ chức ở nước ngoài làm ra hoặc xác nhận thì mới đòi hỏi phải hợp pháp hóa lãnh sự (xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam về tính hợp pháp của những giấy tờ này) nếu không thuộc địa bàn được miễn hợp pháp hóa lãnh sự (những nước đã có hiệp định hay thỏa thuận miễn hợp pháp hóa lãnh sự).
Khi đã có đơn xin xử vắng mặt thì không cần phải ủy quyền cho người khác đại diện. Nếu có ủy quyền đại diện thì pháp luật cũng không đòi hỏi phải có xác nhận của Đại sứ quán (việc có xác nhận sẽ có cơ sở đáng tin cậy hơn chứ không bắt buộc). Vì vậy, nếu không phải là trường hợp người khác giả mạo làm đơn xin xử vắng mặt hay giả mạo giấy ủy quyền dẫn đến việc xử vắng mặt không đúng, gây thiệt hại cho người vắng mặt thì không phải là vi phạm tố tụng.
Câu hỏi 21.
Trong trường hợp vợ chồng đều xác nhận có vay ngân hàng một khoản tiền, thời hạn vay từ ngày 31/12/2008 đến ngày 31/12/2015. Năm 2011, vợ chồng xin ly hôn. Tòa án thông báo thụ lý vụ án cho Ngân hàng nhưng họ không yêu cầu gì vì khoản tiền họ cho vay chưa đến thời hạn trả nợ.
Trong trường hợp này Tòa án có buộc phải đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định nghĩa vụ trả nợ của chồng hoặc vợ sau này hay không? Nếu người vợ hoặc người chồng được Tòa án xác định nghĩa vụ trả nợ mà sau này đến hạn trả nợ, không trả nợ thì Ngân hàng có quyền khởi kiện để buộc người đó phải trả nợ không?
Trả lời:
Trong vụ án ly hôn Tòa án chỉ giải quyết về quan hệ tài sản trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Do vậy, nếu cả vợ và chồng đều không yêu cầu giải quyết về khoản tiền mà thời hạn vay từ ngày 31/12/2008 đến 31/12/2015 do chưa đến thời hạn trả nợ thì Tòa án không phải đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi nào có người yêu cầu giải quyết về việc vay nợ trên (người vợ đã ly hôn, người chồng đã ly hôn, Ngân hàng) thì Tòa án giải quyết bằng vụ án khác.
Tuy nhiên, chỉ cần có người yêu cầu xác định người vợ hoặc người chồng ai là người có nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng thì đã phải đưa Ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều 56 BLTTDS đã quy định: “Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không ai có đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Vì vậy, dù Ngân hàng không yêu cầu, người vợ hay chồng không trực tiếp yêu cầu thì Tòa án vẫn phải đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Câu hỏi 22. Khi giải quyết các tranh chấp đất đai mà đất đó đã được UBND có thẩm quyền cấp GCN QSD đất cho hộ gia đình thì có phải đưa những người trong hộ vào tham gia tố tụng không?
            Trả lời:
            Theo quy định tại Điều 106 BLDS thì: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Khoản 1 Điều 107 Bộ luật dân sự quy định: “Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ…” Cũng theo Điều 141 BLDS thì Người đại diện theo pháp luật của Hộ gia đình là Chủ hộ gia đình. Do vậy, khi tham gia tố tụng thì chủ hộ là đại diện đương nhiên, họ vắng mặt thì phải có ủy quyền.
            Do chủ hộ đã là đại diện theo pháp luật của hộ nên các thành viên khác của hộ không phải cùng tham gia tố tụng. Điều này không mâu thuẫn với quy định “việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý…” (Khoản 2 Điều 109 BLDS) vì quy định tại Khoản 2 Điều 109 là quy định về quan hệ pháp luật dân sự (tham gia giao dịch dân sự) chứ không phải quy định về pháp luật tố tụng dân sự.
Câu hỏi 23.
Đất do vợ chồng (A và B) nhận chuyển nhượng đứng tên của hai vợ chồng nhưng khi UBND cấp GCNQSD đất lại cấp cho hộ A (hoặc B). Thực tế khi nhận chuyển nhượng thì trong hộ có vợ chồng A, B, và các con.
Xác định người có quyền sử dụng đất là những ai trong trường hợp này?
Trả lời:
Quyền sử dụng đất của cá nhân ông A với quyền sử dụng đất của hộ ông A là khác nhau. Quyền sử dụng đất hộ ông A là của chung các thành viên trong hộ.
Tuy nhiên, GCNQSD đất có ý nghĩa khác với quyết định giao đất. Quyết định giao đất là sự kiện pháp lý mang lại cho người được giao quyền sử dụng đất, còn GCNQSD đất là chứng nhận một quyền đã có. Do vậy, việc chứng nhận có thể nhầm lẫn, không chính xác, Tòa án có quyền xác định lại (việc có GCNQSD đất là căn cứ mang lại thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án nhưng không có giá trị buộc Tòa án phải xác định theo nội dung giấy chứng nhận).
Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là cá nhân ông A và bà B nhưng sau đó giấy chứng nhận lại ghi là “hộ” thì phải làm rõ có việc tự nguyện chuyển từ quyền sử dụng cá nhân sang hộ hay là nhầm lẫn. Nếu là nhầm lẫn thì Tòa án có quyền xác định đất vẫn thuộc quyền sử dụng của cá nhân.
Câu hỏi 24. Tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản mà đất, tài sản đó đang thế chấp, cầm cố, khi giải quyết có phải đưa người cầm cố, thế chấp vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không? Trả lời:
Điều 56 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Việc “giải quyết vụ án dân sự” là giải quyết các yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu của người liên quan có yêu cầu độc lập. “Liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ” là làm cho họ có quyền dân sự hoặc nghĩa vụ dân sự (phải thi hành án hoặc được thi hành án).
Người đang nhận cầm cố, thế chấp một tài sản thì khi có phán quyết về quyền, nghĩa vụ đối với tài sản đó sẽ có thể có ảnh hưởng đến quyền lợi của người cấm cố, thế chấp. Do đó, quyền lợi, nghĩa vụ của người cầm cố, thế chấp là có liên quan nên phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Câu hỏi 25. Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu tài sản nhưng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 247 BLDS (bị đơn chiếm giữ) thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn vì hết thời hiệu khởi kiện hay xử bác yêu cầu của nguyên đơn?
            Trả lời:
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản được quy định tại Khoản 3 Điều 159 BLTTDS là:
“Thời hiệu khởi kiện cụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì được thực hiện như sau:
 a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện”.
Ở đây là trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, do đó không thể cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ và trả lại đơn cho nguyên đơn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 247 BLDS thì: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó…”. Cần phân biệt rõ thời hiệu khởi kiện và thời hiệu hưởng quyền dân sự. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 BLDS thì: “Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó chủ thể được hưởng quyền dân sự”. Thời hạn quy định ở Khoản 1 Điều 247 BLDS thuộc thời hiệu hưởng quyền dân sự chứ không phải là thời hiệu khởi kiện. Chính vì vậy, bị đơn chiếm hữu tài sản không phải trả lại tài sản nếu họ chứng minh được việc chiếm hữu đó là ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn quy định của pháp luật và Tòa án sẽ xét xử bác yêu cầu của nguyên đơn vì tuy không thuộc trường hợp hết thời hiệu khởi kiện nhưng quyền sở hữu tài sản của nguyên đơn không còn nữa.
Câu hỏi 26. Nếu sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi mở phiên tòa mà nguyên đơn rút đơn thì có phải mở phiên tòa hay Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?
Trả lời:
Ở giai đoạn sơ thẩm tuy không có các quy định cụ thể về trường hợp nêu trên nhưng các quy định về Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa thực hiện đều thuộc trường hợp trước khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Do đó, sau khi đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì mọi quyết định về vụ án phải được thực hiện tại phiên tòa và do Hội đồng xét xử quyết định.
Có thể tham khảo quy định về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tại Khoản 2 Điều 260 BLTTDS là: “Trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo,Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”.
Câu hỏi 27. Vụ án bị cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy, khi thụ lý xét xử lại có phải ra thông báo thụ lý lại vụ án gửi cho các bên liên quan hay không?
Trả lời:
Khi Tòa án thực hiện lại toàn bộ giai đoạn tố tụng sơ thẩm thì Tòa án phải thụ lý lại vụ án. Việc thụ lý lại là bao gồm cả việc xác định lại về phạm vi khởi kiện, thời điểm bắt đầu của thời hạn xét xử, thời điểm bắt đầu các quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tiến hành tố tụng cũng như những người tham gia tố tụng
Đã thụ lý lại thì phải thông báo về việc thụ lý cho bị đơn, cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án (Điều 174 BLTTDS). Thông báo thụ lý vụ án là yêu cầu bắt buộc. Thông báo thụ lý vụ án gửi tới các đương sự để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình như yêu cầu sửa đổi, bổ sung của nguyên đơn; quyền yêu cầu phản tố của bị đơn; quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; xuất trình chứng cứ…
            Câu hỏi 28.
            Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ V được giao quản lý đất nông nghiệp. Hợp tác xã giao lại cho đội sản xuất quản lý một số diện tích đất nông nghiệp đó và đội sản xuất lại giao đất cho xã viên trong đội theo hình thức rút thăm, ai rút thăm trúng diện tích nào thì sử dụng để sản xuất làm lúa và thả cá ở đó.
            Hộ gia đình bà N khai đã rút thăm được diện tích đất 3.600 m2 để sản xuất.
            Năm 2005, Nhà nước thu hồi đất để xây dựng chung cư (thu hồi đất của nhiều hộ xã viên khác trong đó có 3.600 m2 đất trên). Gia đình ông T yêu cầu cùng được bồi thường vì ông cùng rút thăm được sử dụng đất chung với bà N nhưng để bà N mượn sử dụng cả.
            Bà N khởi kiện Hợp tác xã V (Hợp tác xã nhận toàn bộ tiền bồi thường thay mặt cho những người sử dụng đất).
            Tranh chấp này có phải là tranh chấp đất đai hay không?
            Trả lời:
            Không phải chỉ là tranh chấp một khoản tiền đơn thuần mà là tiền bồi thường cho người có quyền sử dụng đất. Người đòi tiền phải chứng minh được họ là người có quyền sử dụng đất.
            Theo quy định tại Khoản 26 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 thì: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Do đó, tranh chấp nêu trên cũng là tranh chấp đất đai và thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải được xác định theo Điều 136 Luật Đất đai 2003. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 thì: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Tranh chấp nêu trên không có các điều kiện quy định ở Khoản 1 Điều 136 nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.
Câu hỏi 29.
Khi nguyên đơn khởi kiện “Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản” thì bị đơn là một doanh nghiệp vẫn còn địa chỉ, trụ sở hoạt động. Sau khi Tòa án thụ lý, tống đạt thông báo triệu tập bị đơn thì bị đơn ký nhận nhưng không đến Tòa án, không có văn bản về việc kiện của nguyên đơn. Khi Tòa án báo các bên đương sự lên để hòa giải thì được biết phía bị đơn đã không còn tại địa chỉ cũ và không rõ đã đi đâu.
Tòa án có thể tiếp tục giải quyết theo thủ tục bị đơn cố tình giấu địa chỉ được không, hay phải đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án?
           

 
Trả lời:
            Trong trường hợp bị đơn cố tình dấu địa chỉ thì dù chưa thụ lý vụ án, nguyên đơn vẫn có quyền yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung (Hướng dẫn tại Tiểu mục 8.6 Phần I Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Công văn số 109/KHXX ngày 30-6-2006 của TAND tối cao).
            Còn trong trường hợp này, Tòa án đã thụ lý vụ án, bị đơn mới bỏ đi khỏi địa chỉ cũ. Trường hợp bị đơn là cá nhân thì việc giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung; việc thông báo, tống đạt cho bị đơn theo thủ tục trực tiếp, thủ tục niêm yết công khai, hay thủ tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo các quy định cụ thể tại các điều 152, 154, 155 BLTTDS. Đây là trường hợp bị đơn là pháp nhân. Do đó, cần làm rõ pháp nhân còn tồn tại hay đã chấm dứt để xác định người (tổ chức) kế thừa quyền và nghĩa vụ (kể cả về tố tụng) của pháp nhân. Trong trường hợp không có căn cứ là pháp nhân đã chấm dứt, thì vụ án vẫn được giải quyết bình thường theo thủ tục chung. Thủ tục tống đạt, thông báo cho pháp nhân vắng mặt được thực hiện theo các quy định cụ thể tại các điều 153, 154, 155 BLTTDS.
Câu hỏi 30. Tòa án triệu tập hợp lệ lần một thì nguyên đơn có mặt, bị đơn vắng mặt. Triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì nguyên đơn vắng mặt không có đơn xin xét xử vắng mặt. Tòa án có ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 2 Điều 199 BLTTDS hay không?
Trả lời:
Điều 199 BLTTDS quy định:
            “1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
            Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
            2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
            a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn…”.
            Đây là quy định “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai” chứ không phải “đương sự vắng mặt lần thứ hai”.
Theo quy định của BLTTDS chưa sửa đổi thì mới có quy định về việc vắng mặt lần thứ hai, do đó nếu Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì dù nguyên đơn mới vắng mặt lần đầu nhưng không có đơn xin xét xử vắng mặt, không có người đại diện thì Tòa án vẫn thực hiện đúng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 199 để quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Câu hỏi 31. Đương sự có đơn xin tách thành hai vụ án, Tòa án đã có quyết định tách thành hai vụ án để giải quyết. Thẩm phán đã giải quyết vụ án thứ nhất có được tiếp tục giải quyết vụ án thứ hai không? Có vi phạm về tố tụng không?
Trả lời:
            Khoản 2 Điều 38 BLTTDS quy định: “Tòa án có thể tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật”.
            Tòa án xác định có đủ điều kiện để tách thành hai vụ án có nghĩa là hai vụ án đó độc lập với nhau. Vì là hai vụ án độc lập thì Thẩm phán hoàn toàn có quyền giải quyết từng vụ mà không có vi phạm nào theo quy định của BLTTDS.
            Việc Thẩm phán đã giải quyết ở giai đoạn chưa tách vụ án có coi là “đã tham gia xét xử” vụ án đó hay không thì phải căn cứ vào hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (Quy định tại Tiểu mục 3.2 Phần 2 Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005) như sau: “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm... trong vụ án đó là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ vụ án”.
Do vậy, trường hợp này không phải là đã tham gia xét xử vụ án nên việc tiếp tục giải quyết từng vụ án đã tách ra là không vi phạm quy định của pháp luật tố tụng.
Câu hỏi 32. Trường hợp người kháng cáo rút đơn kháng cáo sau khi có quyết định xét xử phúc thẩm và trước khi mở phiên tòa phúc thẩm thì thủ tục tiến hành như thế nào? Hội đồng xét xử phúc thẩm có mở phiên họp hay không? có Viện kiểm sát tham gia hay không?
            Trả lời:
            Khoản 2, Khoản 3 Điều 260 BLTTDS quy định như sau:
“2. Trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
            Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
3. Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm”.
            Như vậy, chỉ trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo thì Tòa án mới đình chỉ xét xử phúc thẩm; còn rút một phần kháng cáo thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử.
            Người kháng cáo rút kháng cáo trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì việc đình chỉ phúc thẩm là do Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa thực hiện; còn rút kháng cáo sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì do Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định.
            Đây là việc xét xử phúc thẩm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử nên thủ tục được tiến hành theo quy định của phiên tòa phúc thẩm, chứ không phải là một phiên họp riêng để xét việc rút kháng cáo. Và do vậy, phải có sự tham gia của đại diện VKSND.

 
PHẦN III
CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÀNH CHÍNH
Câu hỏi 1.
Họ tộc Nguyễn Văn có thửa đất diện tích 1.000m2 trên đó có nhà thờ họ (chỉ để thờ mà không có người ở). Thửa đất này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do nhu cầu của địa phương cần mở rộng chợ nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi một phần thửa đất (500m2) để xây dựng mở rộng chợ.
Ông Nguyễn Văn A lấy tư cách là trưởng họ (Dòng họ thừa nhận theo tập quán cha truyền con nối của địa phương) đứng ra khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định thu hồi đất nói trên.
            Ông Nguyễn Văn A có đủ tư cách người khởi kiện không? Trường hợp nào Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn A? Trường hợp nào thì ông A có toàn quyền định đoạt đất của họ tộc khi tham gia tố tụng tại Tòa án, nếu Tòa án thụ lý vụ án hành chính?
Trả lời:
Nếu trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho họ tộc Nguyễn Văn ghi rõ diện tích đất của nhà thờ dòng họ thì ông A có quyền khởi kiện, kể cả với tư cách thay mặt dòng họ (được sự ủy quyền hợp pháp của dòng họ) hay với tư cách cá nhân.
 Nếu trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ghi diện tích đất là của dòng họ và không thu hồi đất đó thì ông A (mặc dù ông A được dòng họ ủy quyền hợp pháp) không có quyền khởi kiện, vì không có việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Nguyễn Văn mà ông A làm đại diện và là thành viên của Họ.
Cần lưu ý: Trưởng họ không phải là đại diện theo pháp luật của Họ (khác với trường hợp pháp nhân có người đứng đầu là đại diện theo pháp luật, hộ gia đình có chủ hộ là đại diện theo pháp luật). Vì vậy, Họ chỉ có đại diện được ủy quyền (kể cả trưởng họ cũng phải được cộng đồng các thành viên của Họ ủy quyền) trong các quan hệ dân sự, hành chính.
Ông Nguyễn Văn A là thành viên trong họ tộc Nguyễn Văn, nên cá nhân ông A cũng có đủ tư cách làm đơn khởi kiện và Tòa án có thẩm quyền phải thụ lý để giải quyết; trong trường hợp này những thành viên khác trong họ tộc Nguyễn Văn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Khi ông A khởi kiện với tư cách được Họ ủy quyền thì tất cả họ là đồng nguyên đơn. Việc ông A có toàn quyền định đoạt đất của họ tộc khi tham gia tố tụng tại Tòa án hay không thì phải phụ thuộc vào văn bản ủy quyền của họ tộc Nguyễn Văn.
Câu hỏi 2.
Ông Nguyễn Văn A bị UBND huyện K ra quyết định thu hồi đất. Ông A khiếu nại UBND huyện K, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, ông A tiếp tục khiếu nại tới UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại, sửa quyết định thu hồi đất (sửa một phần). Ông A không đồng ý và khởi kiện ra Tòa án đối với quyết định thu hồi đất, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện và quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong trường hợp này xác định ai là người bị kiện? Xác định thẩm quyền của Tòa án như thế nào?
Trả lời:
Do quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh có nội dung mới (đã sửa một phần quyết định hành chính của UBND huyện), nên theo hướng dẫn tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29 - 7 - 2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh cũng là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Theo quy định về người bị khởi kiện thì: “Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, lập danh sách cử tri bị khởi kiện” (Khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính).
Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh, quyết định thu hồi đất của UBND huyện đều là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính và đều đã bị ông A khởi kiện. Vì vậy, cả UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh đều là người bị kiện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện không có nội dung mới so với Quyết định thu hồi đất nên không phải là đối tượng khởi kiện.
Xác định một đương sự là người bị kiện hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là để xác định quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ, còn về nghĩa vụ hành chính thì họ đều giống nhau là quyết định của họ có thể bị hủy và họ có thể phải bồi thường thiệt hại (cũng lưu ý là việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có khác với vụ án dân sự). Vì vậy, xác định thẩm quyền của Tòa án không chỉ căn cứ vào người bị kiện mà còn căn cứ cả vào người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi không thể tách vụ án và trong số các đương sự có cả Chủ tịch UBND tỉnh thì theo Điểm c, Khoản 1, Điều 30 Luật TTHC: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó” thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Câu hỏi 3. Chứng cứ được đương sự gửi đến theo đường bưu điện có phải lập biên bản như Điều 77 Luật TTHC không, thủ tục thu thập loại chứng cứ này được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 77 Luật TTHC thì: “Việc đương sự giao nộp chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ, số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận, chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ án hành chính và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ”…
Vì vậy, chứng cứ được đương sự gửi đến theo đường bưu điện cũng phải được lập biên bản theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật TTHC. Tòa án sau khi nhận được chứng cứ sẽ mời đương sự đến để lập biên bản về giao nhận chứng cứ. Nội dung của biên bản theo quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật TTHC.
Câu hỏi 4. Năm 2010, ông A là chủ tịch UBND huyện X đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt đối với ông H là 5 triệu đồng vì hành vi nuôi tôm thẻ chân trắng đồng thời hình phạt bổ sung là hủy toàn bộ số lượng tôm chân trắng trên diện tích nuôi trồng là 2 ha. Ông H không chấp hành nên ông A – Chủ tịch UBND huyện X ban hành quyết định cưỡng chế hủy toàn bộ tôm chân trắng trên diện tích 2 ha. Ông H khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế và yêu cầu Tòa án buộc ông A bồi thường 3,65 tỷ đồng. Khi ông H khởi kiện vụ án hành chính thì ông A đã nghỉ hưu. Như vậy, có phải đưa ông A vào tham gia tố tụng không và với tư cách nào?
Trả lời:
Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì:
“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
2. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.”
Tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn:
“Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó.”
 Quyết định XPVPHC và quyết định cưỡng chế thi hành QĐXPVPHC là các quyết định của Chủ tịch UBND huyện X. Từ những căn cứ trên, trong trường hợp này, đối tượng khởi kiện là Quyết định XPVPHC và quyết định cưỡng chế thi hành QĐXPVPHC; người bị kiện là người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bị khiếu kiện đó là của Chủ tịch UBND huyện X chứ không phải cá nhân ông A.
Do vậy, không đưa cá nhân ông A tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện.
Câu hỏi 5. Ông X là chủ tịch UBND huyện H. Do có quyết định hành chính (xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế) bị khởi kiện. Ông X có giấy ủy quyền cho ông P là Phó Chánh Thanh tra huyện đại diện cho chủ tịch UBND huyện tham gia tố tụng. Có ý kiến cho rằng tố tụng hành chính không cho phép ủy quyền đối với cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Tòa án xử lý trường hợp này như thế nào?
Trả lời:
Tại Khoản 7 Điều 54 Luật tố tụng hành chính có quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính là: “Cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.
Tại Điều 128 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân quy định: “Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số quyền hạn theo sự ủy quyền của ủy ban nhân dân cùng cấp và theo quy định của pháp luật…”.
Theo Điều 5 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04-02-2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân thì Thanh tra là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban cùng cấp.
Căn cứ vào các quy định nêu trên của pháp luật thì Thanh tra là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trong quá trình giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, nếu được Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy quyền tham gia tố tụng hành chính thì người của cơ quan Thanh tra là “người đại diện cho cơ quan của họ” (là Ủy ban nhân dân cùng cấp) nên được tham gia tố tụng.
Câu hỏi 6.
 Sau ngày Luật TTHC có hiệu lực thi hành, Bà D khởi kiện đối với Quyết định số 02/QĐ-THA ngày 02-11-2011 của Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh K về việc cưỡng chế thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 14/DSPT ngày 16-01-2009 của Tòa án
Vậy, Quyết định số 02/QĐ-THA ngày 02-11-2011 của Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh K có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền khiếu nại thi hành án như sau:
“Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án như sau:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Căn cứ vào các quy định nêu trên của Luật Thi hành án dân sự, thì nếu không đồng ý với Quyết định số 02/QĐ-THA ngày 02-11-2011 của Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, bà D chỉ có quyền khiếu nại đến những người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để được xem xét, giải quyết; quyết định cưỡng chế thi hành án của Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh K không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

 
Câu hỏi 7.
Tại Điều 264 Luật TTHC quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật đất đai được giải quyết như sau:
“Trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc khởi kiện theo quy định của Luật TTHC”.
Nếu quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh được ban hành sau khi giải quyết khiếu nại có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch UBND huyện thì có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không? 
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính đã quy định:
“1. Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác nhau như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó), bao gồm:
a. Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;
b. Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thể, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này”.
 Như vậy, đối với trường hợp trên, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại có nội dung mới (sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch UBND huyện) thì quyết định này là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Cần lưu ý, đây là quy định mới. Trước khi Luật TTHC có hiệu lực thi hành thì trường hợp Chủ tịch UBND giải quyết tranh chấp đất đai nếu có khiếu nại sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết chứ không được khởi kiện vụ án hành chính (Khoản 2 Diều 136 Luật Đất đai 2003). Nội dung quy định mới (được khởi kiện vụ án hành chính) là Điều 264 Luật TTHC.
Câu hỏi 8.
Trường hợp UBND ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, công dân kiện yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế và yêu cầu bồi thường thiệt hại (thực tế quyết định cưỡng chế đã được thi hành). Tại phiên tòa, UBND rút quyết định cưỡng chế.
Trường hợp người khởi kiện không rút yêu cầu khởi kiện thì Tòa án xử lý như thế nào? Nếu Tòa án bác yêu cầu khởi kiện (vì đối đượng khởi kiện không còn) thì yêu cầu bồi thường thiệt hại giải quyết như thế nào (vì trên thực tế thiệt hại đã xảy ra)?
Trả lời:
Tại Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn:
“Nếu người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đều không rút đơn khởi kiện, yêu cầu thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định bị khởi kiện và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định bị khởi kiện để tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có quyết định đúng pháp luật.”…
Căn cứ vào hướng dẫn trên thì đối với trường hợp này, người khởi kiện không rút yêu cầu khởi kiện thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung và xem xét cả phần bồi thường thiệt hại (nếu có).
Giải quyết theo thủ tục chung là theo đúng quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tại Điều 163 Luật TTHC. Không phải có quyết định rút QĐCC thì đối tượng khởi kiện không còn. Việc rút QĐCC có thể vì nhiều lý do và nếu quyết định rút QĐCC bị thay đổi thì QĐCC lại trở lại có hiệu lực. Vì vậy, Tòa án vẫn phải xem xét và quyết định về quyết định hành chính bị khởi kiện (QĐCC) là hợp pháp hay không hợp pháp và vẫn phải tuyên bố hủy QĐCC (nếu không hợp pháp) hoặc bác yêu cầu khởi kiện (nếu QĐCC là hợp pháp).
Câu hỏi 9. Về sự tham gia của đại diện VKS tại phiên tòa hành chính có quy định: Tại phiên tòa đại diện VKS không phát biểu quan điểm về hướng giải quyết vụ án mà chỉ phát biểu ý kiến về thủ tục tố tụng. Như vậy, việc hỏi tại phiên tòa theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Tố tụng hành chính thì VKS có quyền hỏi về việc gì và hỏi ai?
Trả lời:
Vấn đề đại diện Viện Kiểm sát không phát biểu ý kiến về quan điểm giải quyết vụ án là quy định chỉ ở giai đoạn sơ thẩm.
Theo Điều 160 Luật tố tụng hành chính quy định việc phát biểu của Kiểm sát viên thì: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.”
Tại khoản 2 Điều 148 Luật Tố tụng hành chính quy định việc hỏi tại phiên tòa như sau: “Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và Kiểm sát viên”.
Như vậy, Kiểm sát viên có quyền tham gia việc hỏi đối với các đương sự, và cũng không bị hạn chế chỉ hỏi về những vấn đề tố tụng.
Câu hỏi 10. Thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật TTHC.
Trả lời:
Khoản 1 Điều 28 Luật TTHC quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là:
“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.
Quy định tại Điều 3 Luật Tố tụng hành chính về giải thích từ ngữ thì quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức được hiểu là: “những quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó”.
Ví dụ: Quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc điều động cán bộ, nâng bậc lương, kỷ luật cán bộ, công chức...
Câu hỏi 11.
UBND thành phố (cấp tỉnh) giao cho UBND quận (huyện) tiến hành tổ chức lập phương án đền bù, tái định cư. Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập Hội đồng đền bù giải tỏa tái định cư giao cho Phó Chủ tịch UBND quận làm chủ tịch hội đồng. Phó Chủ tịch UBND quận tiến hành kiểm kê bắt buộc. Các hộ dân không đồng ý cho kiểm kê, nay khởi kiện hành vi tổ chức kiểm kê của Phó Chủ tịch UBND quận mà họ cho là trái pháp luật.
Trong trường hợp nêu trên người bị kiện là UBND quận hay Chủ tịch UBND quận hay Phó Chủ tịch UBND quận? Có thể nhập thành một vụ án không, không nhập có được không?
   Trả lời: 
               Tại Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định như sau: ...“Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng do người trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đó thực hiện theo sự phân công hoặc uỷ quyền, uỷ nhiệm thì hành vi đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác mà không phải là hành vi hành chính của người đã thực hiện hành vi hành chính đó;”…
               Vì vậy, trong trường hợp trên thì UBND quận (huyện) là cơ quan được UBND thành phố (tỉnh) trực tiếp giao cho việc tiến hành tổ chức lập phương án đền bù, tái định cư, nên người bị kiện trong trường hợp này là UBND quận.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Tố tụng hành chính về nhập hoặc tách vụ án hành chính thì “Tòa án có thể nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết”….
Hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:
…“Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính…”.
Đây là trường hợp có nhiều người khởi kiện nhưng đều khởi kiện đối với hành vi tổ chức kiểm kê bắt buộc do Phó Chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện cho cùng một dự án, trên cùng một địa bàn nên có thể nhập thành một vụ án để giải quyết. Nhập vụ án không phải là bắt buộc và phải đảm bảo điều quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là: “Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử”.
Câu hỏi 12. Tòa án yêu cầu người khởi kiện bổ sung đơn khởi kiện và nộp tài liệu chứng minh. Người khởi kiện có làm đơn lại trong thời hạn 10 ngày nhưng không cung cấp thêm tài liệu. Trong trường hợp này có trả lại đơn hay xử lý như thế nào?
Trả lời: 
Theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thì trong trường hợp Tòa án yêu cầu sửa đơn khởi kiện mà người khởi kiện không sửa thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Đây là trường hợp người khởi kiện đã sửa lại đơn khởi kiện nhưng chỉ không nộp theo đơn khởi kiện các tài liệu chứng minh khác.
Theo quy định tại Điều 72 Luật TTHC thì những tài liệu, chứng cứ mà đương sự có nghĩa vụ xuất trình là:
            “1. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.
2. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Tại Khoản 2 Điều 105 Luật TTHC có quy định: “...Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ hợp pháp”
Như vậy, việc nộp theo các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là bắt buộc tuy không đòi hỏi đương sự phải nộp ngay toàn bộ các tài liệu, chứng cứ. Đương sự có thể xuất trình chứng cứ trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên, nếu người khởi kiện không nộp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào theo quy định tại Điều 72 Luật TTHC kèm theo Đơn khởi kiện thì việc khởi kiện là chưa hợp pháp, có thể áp dụng Điểm d, Khoản 1, Điều 109 Luật TTHC để trả lại đơn khởi kiện do “Chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Câu hỏi 13. Khi ban hành Quyết định hành chính không đúng một hoặc một số (hai) tiêu chí của Quyết định hành chính (các tiêu chí gồm trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định và nội dung quyết định) thì Tòa án có hủy Quyết định hành chính không?
Trả lời:
Trong thực tiễn khi giải quyết các vụ án hành chính, việc đánh giá tính hợp pháp đối với Quyết định hành chính thông qua việc xem xét về trình tự, thủ tục, thẩm quyền (gồm cả việc xem xét về thời hạn, thời hiệu) ban hành quyết định, căn cứ pháp luật để ra quyết định về mặt nội dung. Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể để Hội đồng xét xử xem xét có hủy Quyết định hành chính đó hay không.
- Nếu Quyết định hành chính không đúng một tiêu chí về thẩm quyền cụ thể nhưng không vượt quyền mà đúng về trình tự, thủ tục, nội dung thì chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm.
Ví dụ: Giải quyết khiếu nại về đất đai thì thẩm quyền là của chủ tịch Ủy ban nhân dân nhưng trong Quyết định hành chính lại là của UBND.
- Nếu Quyết định hành chính sai tiêu chí về nội dung thì tuy đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vẫn phải hủy Quyết định hành chính đó.
Ví dụ: Khi không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật Đất đai mà UBND vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Câu hỏi 14. Vào năm 2009, quyết định của UBND tỉnh thu hồi đất của ông B (vợ ông chết năm 1998). Ông B không đồng ý nên không nhận tiền bồi thường. Tháng 10/2010, ông B chết, có 6 con đã trưởng thành, ở riêng. Nay con ông B không nhận tiền, không giao đất. Vậy quyết định năm 2009 có giá trị với 6 người con của ông B không?
Trả lời:                                        
- Trường hợp ông B chưa khởi kiện vụ án hành chính:
+ Đối với Quyết định hành chính về thu hồi đất của ông B thì UBND có quyền cưỡng chế thi hành không phụ thuộc có nhận tiền bồi thường hay không.
+ Đối với quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư: 6 người con cũng có quyền khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính
- Trường hợp ông B đã khởi kiện vụ án hành chính:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Tố tụng hành chính thì: “Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế thì người thừa kế được tham gia tố tụng.”. Do đó quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông B được 6 người con kế thừa.
Câu hỏi 15. Trong vụ án hành chính về thuế thì Kho bạc Nhà nước là người thu tiền. Vậy Kho bạc Nhà nước có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không? Khi Tòa án tuyên trả lại tiền cho người khởi kiện thì Kho bạc Nhà nước thực hiện nghĩa vụ thanh toán thế nào và họ có quyền kháng cáo thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Kho bạc Nhà nước không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính. Họ chỉ là người giữ tiền, chi, thu tiền theo quyết định của người có thẩm quyền. Do vậy, khi Tòa tuyên trả lại tiền cho người khởi kiện thì Kho bạc Nhà nước thực hiện việc trả lại số tiền tạm giữ theo thủ tục chung.
Câu hỏi 16.
 Chị A giả chữ ký của cha là ông B làm thủ tục chuyển 200m2 đất từ ông B sang cho chị A. Sau khi được UBND quận A cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị A lại chuyển nhượng cho bà C. Toàn bộ đất vẫn do ông B đang quản lý, sử dụng. Khi ông B phát hiện cũng là lúc UBND quận đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C theo hợp đồng chuyển nhượng của chị A với bà C. Ông B khiếu nại, UBND quận xác minh, chị A thừa nhận việc giả mạo chữ ký ông B để được UBND quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên UBND quận ra quyết định thu hồi cả 2 giấy chứng nhận của chị A và bà C. Bà C khiếu kiện quyết định thu hồi giấy chứng nhận của chị A và bà C.
Vậy đây là hai vụ án độc lập hay là một vụ án?Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị A và bà C có hợp pháp không?
Trả lời:
Điều 5 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”.
Theo quy định này, trong một vụ án hành chính, người khởi kiện (cá nhân, cơ quan, tổ chức) có thể khởi kiện một hoặc nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. Nhiều người khởi kiện có thể cùng khởi kiện một người bị kiện về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
Điều 7 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện”. Trường hợp nêu trên thì chị A không có đơn khởi kiện, ông B chỉ khiếu nại Quyết định cấp GCNQSDĐ và không có đơn khởi kiện, chỉ bà C là người khiếu kiện quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với chị A và bà C nên không xảy ra trường hợp Tòa án thụ lý thành hai vụ án độc lập. Đối tượng khởi kiện hành chính là Quyết định thu hồi GCNQSDĐ có chứa đựng hai quan hệ pháp luật có liên quan với nhau(quan hệ giữa UBND quận với bà C và giữa UBND quận với chị A).
Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính hướng dẫn Điều 33 về việc tách vụ án quy định: “Toà án có thể tách một vụ án hành chính đã thụ lý thành nhiều vụ án hành chính khác nhau trong trường hợp quyết định hành chính bị khởi kiện liên quan đến nhiều người khởi kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau”.
Như vậy, Tòa án chỉ có thể tách một vụ án hành chính thành nhiều vụ án nếu thỏa mãn đồng thời hai điều kiện sau:
Một là: Quyết định hành chính bị khởi kiện có liên quan đến nhiều người khởi kiện.
Hai là: Quyền lợi và nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau.
Ở trường hợp trên, quyết định hành chính thu hồi đất bị khởi kiện tuy có liên quan đến nhiều người nhưng quyền lợi và nghĩa vụ của họ là có liên quan đến nhau (GCNQSDĐ của chị A là cơ sở để chuyển nhượng và cấp GCNQDĐ cho bà C). Do vậy, việc UBND quận ra một quyết định thu hồi hai GCNQSDĐ cấp cho chị A và bà C là đối tượng khởi kiện trong một vụ án hành chính, mà không được tách thành hai vụ án độc lập.
Do có hành vi giả mạo giấy tờ mà cả người khởi kiện và người bị kiện đều thừa nhận nên UBND quận ra quyết định thu hồi GCNQSDĐ cấp cho chị A và bà C là đúng pháp luật.
Câu hỏi 17. Chủ tịch UBND huyện A cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B nhưng diện tích đất được cấp là của ông C nên ông C khiếu nại và khởi kiện đến Tòa án. Trong trường hợp này đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính hay hành vi hành chính?
Trả lời:
            Khoản 1, 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định khái niệm về Quyết định hành chính và hành vi hành chính như sau:
“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
“Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
            Hướng dẫn tại Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định:
            “Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó), bao gồm:
            a) Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;
            b) Quyết định hành chính được ban hành sau khi có quyết định khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này.”
            Theo các quy định, hướng dẫn nêu trên, Quyết định hành chính phải có các điều kiện sau:
            - Phải là văn bản (quyết định, công văn, thông báo, kết luận...);
            - Do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành;
            - Quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;
            - Được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
            Trường hợp ở câu hỏi này là việc cấp GCNQSDĐ lần đầu có hình thức là một quyết định, thỏa mãn các điều kiện của Quyết định hành chính nên việc cấp GCNQSDĐ cũng là quyết định hành chính.
           
Câu hỏi 18. Tại Khoản 6, Điều 98 Luật Tố tụng hành chính có quy định về từ chối nhận văn bản tố tụng. Trường hợp này sau khi lập biên bản có cần tống đạt giấy triệu tập khác và có tiến hành xử vắng mặt được không?
Trả lời:
Điều 98 Luật Tố tụng hành chính quy định về “Thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân”, trong đó Khoản 6 Điều 8 có quy định: “Trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an cấp xã về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng”.
Thực hiện đúng quy định của Khoản 6 nêu trên thì việc cấp, tống đạt hoặc thông báo được coi là hợp lệ dù người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản. Tuy nhiên, không phải cứ có việc từ chối nhận văn bản là Tòa án có thể xét xử vắng mặt họ. Việc xử vắng mặt hay hoãn phiên tòa được thực hiện theo quy định tại Điều 131 Luật Tố tụng hành chính.
Điều 131 Luật Tố tụng hành chính quy định:
1. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Toà án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên toà.
2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
a) Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết địnhđình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
b) Đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
d) Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Như vậy, dù là từ chối nhận văn bản nhưng nếu là “triệu tập hợp lệ lần thứ nhất” thì vẫn không thể xử vắng mặt họ nếu họ không có yêu cầu xử vắng mặt. Tòa án vẫn phải tiến hành triệu tập hợp lệ lần thứ hai và tùy từng trường hợp cụ thể xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 131 và Điều 132 Luật Tố tụng hành chính.
Lưu ý là: “triệu tập hợp lệ lần thứ hai” chứ không phải là “vắng mặt lần thứ hai” nên đã là triệu tập hợp lệ lần thứ hai thì dù cho họ mới từ chối, không nhận giấy triệu tập lần đầu và vắng mặt tại phiên tòa lần đầu thì họ vẫn bị xét xử vắng mặt (nếu họ là người bị kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập) hoặc bị coi là “từ bỏ việc khởi kiện” (nếu họ là người khởi kiện hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).
Câu hỏi 19. Cơ quan hành chính ủy quyền cho nhiều người cùng đại diện có được không? Nếu ủy quyền cho nhiều người cùng đại diện, họ có ý kiến khác nhau thì xử lý như thế nào?Trả lời:
Luật Tố tụng hành chính không quy định về việc giới hạn số lượng người được ủy quyền. Theo quy định tại Khoản 8 Điều 49 và Khoản 3 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính thì đương sự có quyền “Ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng”. “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản”.
Do đó, tùy thuộc vào nội dung, phạm vi ủy quyền, cơ quan hành chính có thể ủy quyền cho nhiều người cùng đại diện để tham gia tố tụng.
Ví dụ: UBND huyện X có thể ủy quyền cho ông A và bà B là cán bộ UBND huyện cùng làm đại diện để tham gia tố tụng.
Khoản 5 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính quy định “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền”. Những người được ủy quyền chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà người ủy quyền được thực hiện, thuộc phạm vi ủy quyền. Nếu họ có ý kiến khác nhau, mâu thuẫn, đối lập nhau thì họ có trách nhiệm phải thống nhất với nhau. Nếu không thống nhất là họ đã không thực hiện đúng ủy quyền và những ý kiến không thống nhất ấy không được công nhận là của đương sự.
Ví dụ: Huyện X ủy quyền cho ông A và bà B là cán bộ UBND huyện cùng làm đại diện thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa của UBND huyện X tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện. Trong quá trình đối thoại, ông A đồng ý bồi thường mười triệu nhưng bà B chỉ đồng ý bồi thường tám triệu. Tòa án yêu cầu những người được ủy quyền phải thống nhất ý kiến để giải quyết. Nếu họ vẫn không thống nhất thì coi như không có thỏa thuận tám triệu hay mười triệu.
Lưu ý: Chỉ không được phép có ý kiến mâu thuẫn trong cùng một lần giải quyết (một lần nhận lời khai, một lần đối thoại, một phiên tòa...), còn với các lần giải quyết khác nhau thì người đại diện có quyền có ý kiến khác nhau (cũng như chỉ một đương sự nhưng họ đã thay đổi yêu cầu).
Câu hỏi 20. Trường hợp chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... thì Tòa án có quyền buộc cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền phải thực hiện nhiệm vụ không?
Trả lời:
Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 163 Luật TTHC quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử thì Hội đồng xét xử có quyền: “Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
Do vậy, trong trường hợp trên, Tòa án có thẩm quyền buộc cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Điểm đ Khoản 1, Điều 243 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án”.
Như vậy, cả trong trường hợp Tòa án không buộc phải thực hiện những hành vi cụ thể thì việc thực hiện “nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật” cũng được coi là việc thi hành án.


PHÁP LỆNH
ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008;
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định về các loại án phí, lệ phí Tòa án đối với người bị kết án, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; mức án phí, lệ phí Tòa án; nguyên tắc thu, nộp; điều kiện, thủ tục miễn; những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí Tòa án; cơ quan có thẩm quyền thu; xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến án phí, lệ phí Tòa án.
Điều 3. Án phí
1. Án phí bao gồm các loại sau đây:
a) Án phí hình sự;
b) Án phí dân sự, gồm có các loại án phí giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
c) Án phí hành chính.
2. Các loại án phí quy định tại khoản 1 Điều này gồm có án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Điều 4. Lệ phí Tòa án
1. Lệ phí giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự.
2. Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, bao gồm:
a) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài;
b) Lệ phí không công nhận bản án, quyết định dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
c) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài.
3. Lệ phí giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam.
4. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
5. Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
6. Lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay.
7. Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
8. Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án, bao gồm:
a) Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện;
b) Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án.
c) Lệ phí cấp bản sao giấy chứng nhận xóa án tích;
d) Lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án.
Điều 5. Mức án phí, lệ phí Tòa án
Mức án phí, lệ phí Tòa án đối với từng loại vụ việc được quy định cụ thể tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Điều 6. Nguyên tắc thu, nộp án phí, lệ phí Tòa án
1. Án phí, lệ phí Tòa án được thu bằng đồng Việt Nam.
2. Cơ quan có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành.
Điều 7. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án
1. Tiền tạm ứng án phí gồm có tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
2. Tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự gồm có tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm và tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm đối với trường hợp được kháng cáo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 8. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 9. Cơ quan thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án
1. Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều 4; điểm d khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh này.
2. Tòa án thu lệ phí Tòa án quy định tại các khoản 3, 6 và 8 Điều 4; khoản 4 Điều 42 của Pháp lệnh này.
3. Bộ Tư pháp thu lệ phí Tòa án quy định tại khoản 2 và khoản 7 Điều 4 của Pháp lệnh này.
4. Cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.
Điều 10. Không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí
Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
1. Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước;
3. Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hành chính;
4. Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;
5. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
Điều 11. Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí
Những trường hợp sau đây được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:
1. Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng.
2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
3. Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
4. Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;
5. Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;
6. Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Điều 12. Không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án
Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án:
1. Người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
2. Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
3. Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
4. Cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật;
5. Viện kiểm sát kháng nghị các quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.
Điều 13. Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án
Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này.
Điều 14. Miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án
1. Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.
2. Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này.
3. Mức tiền được miễn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp.
Điều 15. Nộp đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án
1. Người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại các điều 11, 13 và 14 của Pháp lệnh này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng từ chứng minh thuộc trường hợp được miễn.
2. Đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án;
d) Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này.
Điều 16. Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí
1. Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí.
2. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
3. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
4. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu.
5. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.
Điều 17. Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án
1. Trước khi thụ lý việc dân sự, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.
2. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm.
3. Trước khi mở phiên họp sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết việc dân sự có thẩm quyền xét miễn lệ phí Tòa án cho đương sự có yêu cầu.
4. Tại phiên họp, Thẩm phán hoặc Hội đồng giải quyết việc dân sự có thẩm quyền xét miễn lệ phí giải quyết việc dân sự cho đương sự có yêu cầu khi ra quyết định giải quyết nội dung việc dân sự.
Điều 18. Xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án
1. Toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước.
2. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án được nộp cho cơ quan có thẩm quyền thu quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc nhà nước và được rút ra để thi hành theo quyết định của Tòa án.
3. Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án phải chịu án phí, lệ phí Tòa án thì ngay sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành số tiền tạm ứng đã thu được phải chuyển vào ngân sách nhà nước.
4. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan đã thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.
5. Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị tạm đình chỉ, thì tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được xử lý khi vụ việc được tiếp tục giải quyết.
6. Trường hợp vụ việc dân sự, vụ án hình chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
7. Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.
8. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 320, khoản 2 Điều 325, khoản 3 Điều 331 và khoản 2 Điều 336 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
9. Trường hợp Tòa án xét xử giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định phúc thẩm, giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án thì phải xem xét, quyết định về án phí, lệ phí Tòa án.
Điều 19. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn án phí, lệ phí Tòa án
Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn nộp một phần, miễn nộp toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
 
Chương 2.
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 20. Các loại án phí trong vụ án hình sự
1. Án phí hình sự sơ thẩm
2. Án phí hình sự phúc thẩm.
3. Án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.
4. Án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
Điều 21. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự
1. Bị cáo và các đương sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí hình sự sơ thẩm, tiền tạm ứng án phí hình sự phúc thẩm và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
2. Các đương sự trong vụ án hình sự kháng cáo về phần dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm và thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Pháp lệnh này.
Điều 22. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hình sự
1. Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm
2. Người bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, Nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này.
Điều 23. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự
1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm.
2. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và phần dân sự của bản án sơ thẩm phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên toàn bộ quyết định của bán án sơ thẩm.
3. Người bị hại kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và của Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội.
4. Người kháng cáo phần quyết định về dân sự của bản án sơ thẩm phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này.
5. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra, xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án thì người kháng cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
6. Người kháng cáo rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
7. Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận.
 
Chương 3.
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Điều 24. Các loại án phí trong vụ án dân sự
1. Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.
2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
3. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Điều 25. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định Pháp lệnh này.
2. Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn mà mỗi số nguyên đơn có yêu cầu độc lập thì mỗi nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các nguyên đơn cùng chung một yêu cầu thì các nguyên đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
3. Trường hợp vụ án có nhiều bị đơn mà mỗi bị đơn có yêu cầu phản tố độc lập thì mỗi bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu riêng của mỗi người; nếu các bị đơn cùng chung một yêu cầu phản tố thì các bị đơn phải nộp chung tiền tạm ứng án phí.
4. Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án dân sự không có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng mức án phí dân sự sơ thẩm; trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết.
Điều 26. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 27. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm
1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.
8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.
12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
13. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.
Điều 28. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm
1. Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.
Điều 29. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Điều 30. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm
1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 27 của Pháp lệnh này.
3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
4. Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm. Về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.
6. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.
7. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm thì những người khác vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều này.
 
Chương 4.
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Điều 31. Các loại án phí trong vụ án hành chính
1. Án phí hành chính sơ thẩm.
2. Án phí hành chính phúc thẩm.
3. Án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp có giải quyết về bồi thường thiệt hại, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.
4. Án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
Điều 32. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính
1. Người khởi kiện vụ án hành chính phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
3. Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hành chính sơ thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm.
Điều 33. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm
Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 34. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính
1. Người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật.
2. Người khởi kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là đúng pháp luật.
3. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này.
Điều 35. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính
1. Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Mức tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm bằng mức án phí hành chính phúc thẩm.
3. Các đương sự trong vụ án hành chính kháng cáo về bồi thường thiệt hại phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh này.
Điều 36. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án cấp sơ thẩm về việc nộp tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm, tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hành chính, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Điều 37. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính
1. Người kháng cáo phải chịu án phí hành chính phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại thì người kháng cáo không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
3. Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí hành chính phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí hành chính phúc thẩm.
4. Người kháng cáo phần quyết định về bồi thường thiệt hại của bản án sơ thẩm phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này.
5. Người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận.
 
Chương 5.
LỆ PHÍ TÒA ÁN
MỤC 1. LỆ PHÍ TÒA ÁN GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
Điều 38. Lệ phí giải quyết việc dân sự
Lệ phí giải quyết việc dân sự bao gồm lệ phí sơ thẩm và lệ phí phúc thẩm.
Điều 39. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự
1. Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26 và các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải chịu lệ phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu của họ, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 40. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự.
1. Người kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26 và các khoản 1, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Người kháng cáo không phải chịu lệ phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận; phải chịu lệ phí phúc thẩm trong trường hợp yêu cầu kháng cáo của họ không được Tòa án chấp nhận.
Điều 41. Thời hạn nộp và mức tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm
1. Người phải nộp tiền tạm ứng lệ phí có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
2. Người có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí giải quyết việc dân sự.
MỤC 2. CÁC LOẠI LỆ PHÍ TÒA ÁN KHÁC
Điều 42. Lệ phí Tòa án giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam
Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam phải nộp lệ phí Tòa án trong các trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu chỉ định, thay đổi trọng tài viên
2. Yêu cầu áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;
3. Yêu cầu hủy quyết định trọng tài;
4. Kháng cáo quyết định của Tòa án, nếu yêu cầu kháng cáo không được Tòa án chấp nhận;
5. Yêu cầu Tòa án giải quyết các việc dân sự khác mà pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam có quy định.
Điều 43. Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài
1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nộp lệ phí Tòa án trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài;
b) Yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
c) Yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài;
d) Kháng cáo quyết định của Tòa án đối với yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này, nếu yêu cầu kháng cáo của họ không được chấp nhận.
2. Khi chuyển hồ sơ cho Tòa án, cơ quan nhận đơn yêu cầu của đương sự phải gửi kèm chứng từ thu lệ phí.
Điều 44. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chủ doanh nghiệp, đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, các cổ đông công ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh, các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp lệ phí.
Điều 45. Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công
Người sử dụng lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải nộp lệ phí.
Điều 46. Lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay
Người nộp đơn yêu cầu Tòa án bắt giữ tàu biển, tàu bay phải nộp lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay.
Điều 47. Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam
Bên nước ngoài ủy thác tư pháp cho tòa án Việt Nam tiến hành một số hoạt động tố tụng dân sự phải nộp lệ phí, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 48. Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án
Người yêu cầu Tòa án cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu phải nộp lệ phí Tòa án.
Điều 49. Thời hạn nộp các loại lệ phí Tòa án khác
1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại các điều từ Điều 42 đến Điều 48 của Pháp lệnh này phải nộp lệ phí cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này trong thời hạn do pháp luật quy định.
2. Người kháng cáo quyết định của Tòa án quy định tại khoản 4 Điều 42, điểm d khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh này phải nộp tiền tạm ứng lệ phí kháng cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp lệ phí kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
 
Chương 6.
KHIẾU NẠI VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 50. Giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án
1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền về tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên về án phí, lệ phí Tòa án được giải quyết theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án, Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phải xem xét giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm là quyết định cuối cùng.
Khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án trong bản án, quyết định của Tòa án được giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự hoặc tố tụng hành chính.
4. Khiếu nại về việc thu lệ phí Tòa án của Bộ Tư pháp được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Điều 51. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Điều 52. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
 
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Đã ký

Nguyễn Phú Trọng
 DANH MỤC
MỨC ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
(Ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009)
I. ÁN PHÍ
1. Mức án phí hình sự sơ thẩm và án phí hình sự phúc thẩm; mức án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch, mức án phí dân sự phúc thẩm; mức án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm:
Loại án phí
Mức án phí
Án phí hình sự sơ thẩm
200.000 đồng
Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch
200.000 đồng
Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại không có giá ngạch
2.000.000 đồng
Án phí hành chính sơ thẩm
200.000 đồng
Án phí hình sự phúc thẩm
200.000 đồng
Án phí dân sự phúc thẩm
200.000 đồng
Án phí hành chính phúc thẩm
200.000 đồng
2. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch:
Giá trị tài sản có tranh chấp
Mức án phí
a) từ 4.000.000 đồng trở xuống200.000 đồng
b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng5% giá trị tài sản có tranh chấp
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
 

 
3. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch:
Giá trị tranh chấp
Mức án phí
a) từ 40.000.000 đồng trở xuống2.000.000 đồng
b) Từ trên 40.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng5% của giá trị tranh chấp
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
e) Từ trên 4.000.000.000 đồng112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
 

 
4. Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp lao động có giá ngạch:
Giá trị tranh chấp
Mức án phí
a) Từ 4.000.000 đồng trở xuống200.000 đồng
b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng3% của giá trị tranh chấp, nhưng không dưới 200.000 đồng
c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d) Từ trên 2.000.000.000 đồng44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
II. LỆ PHÍ TÒA ÁN
1. Mức lệ phí Tòa án giải quyết việc dân sự:
Loại lệ phí
Mức lệ phí
Lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự
200.000 đồng
Lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự
200.000 đồng
 

 
2. Mức lệ phí Tòa án giải quyết các việc dân sự liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam:
Loại lệ phí
Mức lệ phí
Lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định trọng tài viên, thay đổi trọng tài viên
200.000 đồng
Lệ phí yêu cầu Tòa án xem xét tại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài, về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài
300.000 đồng
Lệ phí yêu cầu Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến trọng tài
500.000 đồng
Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án liên quan đến trọng tài
300.000 đồng
3. Mức lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài:
Người yêu cầu
Mức lệ phí
Cá nhân thường trú tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại Việt Nam
2.000.000 đồng
Cá nhân không thường trú tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam
4.000.000 đồng
Người kháng cáo quyết định của Tòa án
200.000 đồng
4. Mức lệ phí Tòa án khác:
Loại lệ phí
Mức lệ phí
Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1.000.000 đồng
Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1.000.000 đồng
Lệ phí bắt giữ tàu biển
5.000.000 đồng
Lệ phí bắt giữ tàu bay
5.000.000 đồng
Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam
5.000.000 đồng
Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án
1.000 đồng/trang
 
  
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAMĐộc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 01/2012/NQ-HĐTP
Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2012
 
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân;
Để áp dụng đúng, thống nhất Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (sau đây viết tắt là Pháp lệnh) và các quy định khác của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc chung
1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính thì Tòa án căn cứ vào quy định của Pháp lệnh, Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án để xác định tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà đương sự, người bị kết án phải chịu.
2. Trường hợp đương sự, người bị kết án có đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì Tòa án căn cứ vào quy định của Pháp lệnh, Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án để xem xét yêu cầu của họ.
Điều 2. Nghĩa vụ nộp lệ phí Tòa án quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh
1. Kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2009) đến trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2012) thì lệ phí Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh.
2. Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2012) thì theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004 (sau đây viết tắt là BLTTDS năm 2004) và khoản 6, khoản 7 Điều 26 BLTTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-3-2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS sửa đổi năm 2011) thì ngoài các lệ phí Tòa án quy định tại Điều 4 Pháp lệnh, người yêu cầu Tòa án giải quyết các loại việc sau đây phải nộp lệ phí Tòa án:
a) Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;
b) Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Điều 3. Không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh
Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí bao gồm các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 162 BLTTDS năm 2004 và hướng dẫn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTPngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự”.
Điều 4. Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí, tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí quy định tại khoản 5 Điều 11 và Điều 13 của Pháp lệnh
Được coi là cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo quy định tại khoản 5 Điều 11 và Điều 13 của Pháp lệnh, nếu vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính thì họ thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Ví dụ: Vào thời điểm người có đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự thì họ thuộc diện nghèo theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTG ngày 30-01-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.
Điều 5. Miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh
1. Người có khó khăn về kinh tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh phải là người có quốc tịch Việt Nam hoặc người không có quốc tịch nhưng sinh sống và làm việc ở Việt Nam vào thời điểm Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính và phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận là họ có khó khăn về kinh tế.
2. Trường hợp Tòa án đã cho người có khó khăn về kinh tế được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, nhưng họ vẫn phải chịu toàn bộ án phí, lệ phí khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án đã cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, nhưng sau đó chứng minh được người được miễn nộp đó không phải là người có khó khăn về kinh tế;
b) Theo bản án, quyết định của Tòa án thì họ có tài sản để nộp toàn bộ án phí, lệ phí mà họ phải chịu (họ được chia tài sản chung, được hưởng di sản thừa kế,…).
3. Khi xem xét và quyết định mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án được miễn, thì Tòa án căn cứ khả năng tài chính của người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án và giá trị tài sản có tranh chấp mà quyết định mức được miễn nhưng không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà theo quy định của Pháp lệnh người đó phải nộp.
4. Trường hợp vụ án có nhiều người phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì cần phân biệt:
a) Người thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì được miễn; người không thuộc trường hợp được miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án thì không được miễn;
b) Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc nộp án phí, lệ phí để nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nếu có người thỏa thuận nộp thay án phí, lệ phí và có đơn đề nghị miễn nộp một phần án phí, lệ phí thì Tòa án chỉ cho miễn nộp một phần án phí, lệ phí mà theo quy định người này phải chịu nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh; còn phần án phí, lệ phí mà họ nhận nộp thay cho người khác thì Tòa án không cho miễn nộp.
Điều 6. Xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh
1. Kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2009) đến trước ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2011) thì áp dụng quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh để xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án.
2. Kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2011) thì xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án trong một số trường hợp như sau:
a) Trường hợp vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 120 của Luật Tố tụng hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước;
b) Trường hợp việc giải quyết vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 120 của Luật Tố tụng hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.
3. Kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2009) đến trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 có hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2012) thì áp dụng quy định tại Điều 18 của Pháp lệnh để xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án.
4. Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 có hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2012) thì xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án như sau:
a) Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự bị đình chỉ theo quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và k khoản 1 Điều 192 của BLTTDS sửa đổi năm 2011 thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước;
b) Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự bị đình chỉ theo quy định tại các điểm c, g, h và i khoản 1 Điều 192 của BLTTDS sửa đổi năm 2011 thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 7. Cách thức tính tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm
Để có cơ sở tính tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm thì tùy từng trường hợp Tòa án cần căn cứ vào một trong các yếu tố sau:
1. Giá tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Bảng giá của các Tổ chức thẩm định giá.
3. Giá tài sản tại thị trường địa phương.
4. Trường hợp không thể căn cứ hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này để xác định giá trị tài sản tranh chấp, thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn khác có ý kiến về việc xác định giá tài sản.
 
Chương II
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 8. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí trong vụ án hình sự quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh
1. Các đương sự trong vụ án hình sự quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí của các đương sự trong vụ án hình sự được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Pháp lệnh.
3. Trong mọi trường hợp, bị cáo kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.
Điều 9. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh
1. Trong vụ án hình sự, người không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ hoặc một phần tiền án phí thì về nguyên tắc chung họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh.
2. Khi áp dụng quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh trong vụ án hình sự cần phân biệt:
a) Trường hợp người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng thực tế chứng minh tài sản bị cáo xâm phạm có giá trị thấp hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được;
Ví dụ 1: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng nhưng cơ quan chức năng chứng minh bị cáo chiếm đoạt của người bị hại 02 chỉ vàng, Tòa án buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị hại là 02 chỉ vàng thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản là 02 chỉ vàng, người bị hại không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản là 01 chỉ vàng không được chấp nhận.
Ví dụ 2: người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng nhưng cơ quan chức năng chứng minh bị cáo chiếm đoạt của người bị hại 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng ở thời điểm xét xử sơ thẩm, thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng; người bị hại không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần 4.000.000 đồng không được chấp nhận.
b) Trường hợp người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản nhưng cơ quan chức năng chứng minh tài sản bị cáo xâm hại có giá trị cao hơn giá trị tài sản khai báo thì án phí dân sự sơ thẩm được tính đối với phần tài sản chứng minh được;
Ví dụ: Người bị hại khai báo tài sản bị xâm hại và có yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại về tài sản là 03 chỉ vàng trị giá 8.000.000 đồng nhưng cơ quan chức năng chứng minh bị cáo chiếm đoạt của người bị hại 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng ở thời điểm xét xử sơ thẩm, thì bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 03 chỉ vàng trị giá 12.000.000 đồng.
c) Người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật, không yêu cầu một số tiền hoặc tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
d) Người bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp với pháp luật thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
Ví dụ: Trường hợp người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với khoản chi phí thuê luật sư không hợp lý thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu thì họ phải chịu án phí đối với khoản chi phí luật sư nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
3. Trước phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại kể cả trường hợp họ tự thỏa thuận và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.
Điều 10. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong vụ án hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 7 Điều 23 của Pháp lệnh
1. Trường hợp cả bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo đều có kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì chỉ bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
2. Trường hợp chỉ bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì người kháng cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Trường hợp bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự hoặc ngược lại mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm thì người nào kháng cáo về phần nào phải chịu án phí đối với yêu cầu của họ.
4. Trường hợp bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự và người đại diện hợp pháp của bị cáo kháng cáo quyết định về dân sự hoặc ngược lại mà Tòa án quyết định sửa quyết định về hình sự hoặc sửa quyết định về dân sự hoặc sửa cả quyết định về hình sự và quyết định về dân sự thì không có người kháng cáo nào phải chịu án phí phúc thẩm.
5. Trường hợp chỉ có một người kháng cáo và yêu cầu kháng cáo của họ được Tòa án chấp nhận thì người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
 
Chương III
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Điều 11. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh
1. Trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch nhưng giá trị tài sản có tranh chấp mà Tòa án dự tính từ 4.000.000 đồng trở xuống thì mức án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 đồng (điểm a mục 2 Phần I Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh). Trường hợp này thì tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng.
2. Xác định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình như sau:
a) Trường hợp vợ hoặc chồng có yêu cầu thì người yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 200.000 đồng;
b) Trường hợp cả vợ và chồng cùng có yêu cầu thì mỗi người phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng.
3. Trường hợp ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu chia 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng thì người có yêu cầu phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng.
4. Trường hợp ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần họ yêu cầu chia trong giá trị tài sản mà Tòa án tạm tính theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.
Điều 12. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp giải quyết chia tài sản chung, chia di sản thừa kế quy định tại khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh
Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có tranh chấp thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Ví dụ: A, B, C, D tranh chấp khối tài sản chung có giá trị 600.000.000 đồng và không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung là khác nhau và có tranh chấp. Tòa án quyết định A được chia là 100.000.000 đồng, B được chia là 150.000.000 đồng, C được chia là 200.000.000 đồng và D được chia là 150.000.000 đồng. Án phí dân sự sơ thẩm mỗi người phải nộp được tính như sau:
A phải nộp án phí là 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng;
B phải nộp án phí là 150.000.000 đồng x 5% = 7.500.000 đồng;
C phải nộp án phí là 200.000.000 đồng x 5% = 10.000.000 đồng;
D phải nộp án phí là 150.000.000 đồng x 5% = 7.500.000 đồng.
Điều 13. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng
1. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
2. Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ phải chịu; nếu họ không thỏa thuận chia được với nhau mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
3. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản đối với người khác và người này có yêu cầu độc lập, yêu cầu vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập đó thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm như sau:
a) Người có yêu cầu độc lập không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng;
b) Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập;
c) Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.
Điều 14. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong vụ án ly hôn, vụ án đòi bồi thường thiệt hại, vụ án hình sự có giải quyết vấn đề cấp dưỡng, vụ án riêng về cấp dưỡng như sau:
1. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trước khi mở phiên tòa nhưng có yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; trường hợp tại phiên tòa mới thỏa thuận được với nhau thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu mức án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
2. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về phương thức cấp dưỡng (kể cả một lần), nhưng không thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
3. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về phương thức cấp dưỡng nhưng thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
4. Trường hợp các đương sự có tranh chấp về cấp dưỡng (tranh chấp về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng) và Tòa án quyết định mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.
Điều 15. Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình
1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Pháp lệnh thì trong vụ án hôn nhân, gia đình, nếu có yêu cầu cấp dưỡng thì trong mọi trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí đối với yêu cầu cấp dưỡng.
2. Trường hợp đối với yêu cầu ly hôn và tranh chấp chia tài sản mà các bên đương sự không thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh; được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết này thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết này; họ phải chịu tiền án phí theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 27 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết này.
Điều 16. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh
1. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
2. Trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì được xem là các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hoà giải trước khi mở phiên tòa theo quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).
3. Trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải đương sự không thỏa thuận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hoà giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
4. Trường hợp tại phiên tòa các bên đương sự mới thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ vẫn phải chịu 100% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
5. Trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.
Điều 17. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể
1. Đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch. Trường hợp ngoài tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ, đương sự còn có tranh chấp về bồi thường thiệt hại và yêu cầu Tòa án giải quyết, thì đương sự phải chịu án phí không có giá ngạch đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ và án phí có giá ngạch đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thì cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;
b) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng.
3. Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện.
4. Trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc, mà Tòa án chấp nhận phạt cọc thì bên không chấp nhận phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc. Trường hợp Tòa án không chấp nhận phạt cọc thì bên yêu cầu phạt cọc phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với phần phạt cọc.
 
Chương IV
ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Điều 18. Thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm
1. Kể từ ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2009) đến trước ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2011), theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2011), theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Điều 19. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính
1. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng pháp luật; một hoặc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật thì người bị kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
Ví dụ: Ông A khởi kiện đề nghị hủy 02 quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh C. Tòa án giải quyết và nhận định cho rằng 01 quyết định hành chính đúng pháp luật, 01 quyết định hành chính trái pháp luật nên đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông A. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân tỉnh C phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.
2. Trong vụ án hành chính, người không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ hoặc một phần tiền tạm ứng án phí, án phí Tòa án thì về nguyên tắc chung họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh.
3. Khi áp dụng quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh trong vụ án hành chính cần phân biệt:
a) Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí;
b) Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật thì không phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
c) Người khởi kiện có yêu cầu bồi thường thiệt hại về những khoản không phù hợp thì Tòa án phải giải thích cho họ việc họ phải chịu án phí nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại đó không được Tòa án chấp nhận. Nếu họ vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ phải chịu án phí nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;
d) Trường hợp các bên đương sự đối thoại mà thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định.
 
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Về hiệu lực thi hành quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh
1. Kể từ ngày 01-7-2009, khi thụ lý các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm, các vấn đề về tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí; án phí, lệ phí Tòa án phải được xem xét và quyết định theo đúng các quy định của Pháp lệnh.
2. Đối với các vụ việc đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hoặc theo thủ tục phúc thẩm trước ngày Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2009), nhưng sau ngày 01-7-2009 Tòa án mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, thì các quyết định về án phí, lệ phí Tòa án được thực hiện theo quy định của Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ “Về án phí, lệ phí Tòa án” và các văn bản trước đây về án phí, lệ phí Tòa án; trường hợp theo quy định của Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ “Về án phí, lệ phí Tòa án” mà đương sự, người bị kết án phải chịu án phí, lệ phí Tòa án, nhưng theo quy định của Pháp lệnh thì đương sự, người bị kết án không phải chịu hoặc được miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án, thì áp dụng quy định của Pháp lệnh đối với họ.
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 29-3-2012 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, những vụ việc mà Tòa án đã thụ lý nhưng chưa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.
3. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời
 
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN
Đã ký

Trương Hoà Bình
 DANH MUC VIẾT TẮT
 
STT
VIẾT ĐẦY ĐỦ
VIẾT TẮT
1
Bộ luật Hình sựBLHS
2
Bộ luật Tố tụng hình sựBLTTHS
3
Bộ luật Dân sựBLDS
4
Bộ luật Tố tụng dân sựBLTTDS
5
Bộ luật Lao độngBLLĐ
6
Luật Tố tụng hành chínhLuật TTHC
7
Tòa án nhân dânTAND
8
Viện kiểm sát nhân dânVKSND
9
Ủy ban nhân dânUBND
10
Biện pháp khẩn cấp tạm thờiBPKCTT
11
Hội đồng xét xửHĐXX
12
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtGCNQSDĐ
13
Quyết định hành chínhQĐHC
14
Quyết định cưỡng chếQĐCC
15
Quyết định xử phạt vi phạm hành chínhQĐXPVPHC

 
 
   MỤC LỤC
 
TRANG
PHẦN I
CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ
 
04
PHẦN II
CÁC VẤN ĐỀ VỀ DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
 
34
PHẦN III
CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÀNH CHÍNH
 
78
 
 
PHÁP LỆNH ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
 
NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2012/NQ-HĐTP
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
 
110
 
144
 
 
167
 
 
 
 
 
  
Tham gia biên soạn
 
CHU XUÂN MINH
NGUYỄN THANH MẬN
NGUYỄN CHÂU HOAN
HOÀNG NGỌC CHIỆU
PHẠM THỊ BAN
NGUYỄN THỊ THỦY
LÊ THỊ DUNG
CHU HẢI ĐĂNG
ĐINH THỊ THU HƯƠNG

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự