Án treo và những vướng mắc khi áp dụng


Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. “Áp dụng đúng đắn các quy định về án treo sẽ có tác dụng tốt là không bắt người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội mà cũng đạt được mục đích giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội; nhưng nếu áp dụng không đúng thì sẽ gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt như: không phát huy được tác dụng tích cực của án treo là khuyến khích người bị kết án tự cải tạo để trở thành người tốt, không thể hiện được tính công minh của pháp luật, không được nhân dân đồng tình ủng hộ, không đề cao được tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung"[1].
Đã có rất nhiều tác giả đề cập rất nhiều khía cạnh cả về lý luận và thực tiễn trong việc áp dụng án treo[2]. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau đối với một số vấn đề trong trường hợp cho hưởng án treo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trao đổi vấn đề: có hay không việc tổng hợp hình phạt tù của các bản án cho hưởng án treo, thời gian thử thách mà người bị kết án đã chấp hành được tính như thế nào trong trường hợp này?
Ví dụ: Tháng 01/01/2010, tại bản án số 02/2010/HSST Tòa án nhân dân huyện H xét xử Nguyễn Văn B 02 năm tù cho hưởng án treo về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, thời gian thử thách là 2 năm tính từ ngày 01/01/2010 (đã có hiệu lực pháp luật); tiếp đó vào tháng 01/01/2011, tại bản án số 05/2011/HSST Tòa án nhân dân huyện H lại tiếp tục xử Nguyễn Văn B 01 năm tù cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản” (tội Trộm cắp tài sản được thực hiện trước tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có) và tổng hợp hình phạt tù của hai bản án thành hình phạt chung là 03 năm tù. Bị cáo được trừ thời gian thử thách đã chấp hành là một năm của bản án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 02 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày 01/01/2011.
1. Việc tổng hợp hình phạt
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án vẫn có quyền tổng hợp các bản án cho hưởng án treo, nếu có đủ điều kiện như mức hình phạt tù của hai bản án không quá ba năm tù. Về cơ sở pháp lý, quan điểm này viện dẫn Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 01-HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nghị quyết 01-HĐTP Tòa án nhân dân tối cao ngày 18/10/1990 có quy định “Nếu cho người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa, thì Tòa án tổng hợp hình phạt tù của hai bản án và ấn định thời gian thử thách chung cho cả 2 bản án. Trong trường hợp này cần chú ý là chỉ khi hình phạt chung của hai bản án không vượt quá 5 năm tù thì mới được cho hưởng án treo và thời gian thử thách chung cũng không dưới 1 năm, không được quá 5 năm và không được ít hơn mức hình phạt tù chung”. Do vậy, việc Tòa án nhân dân huyện H tổng hợp hình phạt của haibản án đối với bị cáo B sau đó cho hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án nhân dân huyện H không thể tổng hợp án hình phạt của hai bản án treo rồi sau đó ấn định thời gian thử thách chung của hai bản án. Tác giả thống nhất với quan điểm này với lý do như sau:
Thứ nhất, án treo không phải là hình phạt mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên không đặt vấn đề tổng hợp hình phạt[3]. Mặt khác, Bộ luật hình sự năm 1999 không có quy định về tổng hợp hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự quy định khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, đối với hình phạt chính thì tổng hợp như sau: “a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt được cộng lại thành hình phạt chung…”; b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung…”.
Về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo quy định tại Điều 51[4] BLHS cũng phải dựa trên quy định tổng hợp hình phạt quy định tại Điều 50 BLHS, theo đó tổng hợp hình phạt tù có thời hạn và cải tạo không giam giữ, trong trường hợp vừa tuyên hình phạt tù vừa tuyên cải tạo không giam giữ thì quy đổi cứ ba ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù rồi tổng hợp; trường hợp người bị kết án bị tuyên chung thân hoặc tử hình thì tổng hợp hình phạt nặng nhất là chung thân hoặc tử hình. Theo nhận thức của tác giả thì pháp luật không quy định việc tổng hợp hình phạt tù của các bản án cho hưởng án treo. Việc Tòa án huyện H tổng hợp hình phạt của hai bản án cho hưởng án treo, sau đó ấn định thời gian thử thách chung là không đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nói trên là hướng dẫn Điều 44 bộ luật hình Bộ luật hình sự năm 1985. Nay bộ luật hình sự năm 1985 đã bị thay thế bởi bộ luật hình sự năm 1999 và hướng dẫn về án treo quy định tại điều 60 của BLHS 1999 cũng đã có sự thay đổi. Ngày 02/10/2007 Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn án dụng một số điều của BLHS 1999, trong đó có hướng dẫn về việc áp dụng án treo, nhưng không hướng dẫn việc tổng hợp hình phạt của các bản án cho hưởng án treo sau đó ấn định thời gian thử thách chung của hai bản án như Nghị quyết 01- NQ/HĐTP năm 1990, mà chỉ hướng dẫn “Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo”, mà không hướng dẫn việc tổng hợp hình phạt các bản án cho hưởng án treo.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có quy định “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. 3). Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
Từ những vấn đề nêu trên, tác giả cho rằng không thể tổng hợp hình phạt tù của các bản án cho hưởng án treo, sau đó ấn định thời gian thử thách chung cho hai hai bản án như Tòa án nhân dân huyện H đã áp dụng. Trong trường hợp này, khi xét xử cho người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa thì buộc bị cáo phải chấp hành hai bản án song song với nhau.
2. Xem xét đối với thời gian thử thách mà người bị kết án đã chấp hành
Trong ví dụ trên đây, Toà án nhân dân huyện H quyết định thời gian thử thách mà bị cáo Nguyễn Văn B đã chấp hành được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung. Thời gian thử thách và thời gian chấp hành hình phạt là hai khái niệm khác nhau. Các loại hình phạt theo quy định tại Điều 28 BLHS 1999 thì không có án treo, hình phạt có thể là hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, chung thân, tử hình vv.. và như phần trên tác giả đề cập. Do vậy,việc xem thời gian thử thách mà người bị kết án đã chấp hành là thời gian chấp hành hình phạt tù để trừ vào hình phạt chung của hai bản án như ví dụ nêu trên là nhận thức không đúng quy định của bộ luật hình sự về các loại hình phạt.
Cũng có quan điểm cho rằng, trường hợp tổng hợp các bản án cho hưởng án treo thì thời gian thử thách mà người bị kết án đã chấp hành được trừ vào thời gian thử thách chung của hai bản án. Nếu theo quan điểm này sẽ bất lợi cho bị cáo khi bị cáo lại phạm tội mới trong thời gian thử thách vì lúc này Tòa án phải buộc bị cáo chấp hành hình phạt của các bản án đã cho hưởng án treo và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại khoản 5 Điều 60 của bộ luật hình sự. Trong ví dụ nêu trên, đến ngày 02/01/2012 Nguyễn Văn B lại phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và bị xử phạt 1 năm 6 tháng tù tại bản án số 08/2012/HSST, thì lúc này Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án số 02/2010/HSST và số 05/2011/HSST và tổng hợp với hình phạt tại bản án số 08/2012/HSST. Nếu không tổng hợp hình phạt của các bản án treo và ấn định thời gian thử thách chung của các bản án cho hưởng án treo mà để các bản án này thi hành song song, thì Nguyễn Văn B khi phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (tháng 01/2012) sẽ không buộc phải chấp hành hình phạt của bản án số 02/2010/HSST vì lúc này thời gian thử thách của bản án này đã hết (từ 01/01/2010-02/01/2012). Do đó, Tòa án chỉ buộc Nguyễn Văn B phải chấp hành hình phạt của bản án số 05/2012 và tổng hợp với  hình phạt của bản án số 08/2012/HSST (vì khi phạm tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, thì thời gian thử thách của bản án số 05/2011/HSST chưa hết). Do vậy, có thể thấy rằng, việc tổng hợp các bản án cho hưởng án treo như ví dụ trên sẽ gây ra hậu quả bất lợi cho bị cáo vì thời gian thử thách của bản án (đặc biệt là bản án xử đầu tiên) bị kéo dài ra và bị cáo khi phạm tội trong thời gian thử thách bất kể là phạm tội do cố ý hay vô ý thì đều bị buộc phải chấp hành hình phạt của các bản án trước.
Trên đây là ý kiến của tác giả về một số vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về án treo, rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn để việc áp dụng án treo trong thời gian tới được thống nhất.



[1] NQ 01-HĐTP ngày 18 tháng 10 năm 1990 hướng dẫn việc áp dụng Điều 44 BLHS 1985 về án treo.
[2] Xem: Nguyễn Minh Tuyên-  Những vướng mắc về vấn đề tổng hợp hình phạt tù với án treo trong thực tiễn xét xử hiện nay.http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=12979526; Đinh Văn Quế -Một số vấn đề về “tổng hợp hình phạt tù với án treo” http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=18085979; Đinh Văn Quế-Về việc tổng hợp nhiều bản án treo- Tạp chí Tòa án nhân dân, số 9-2003; tr. 24-26.
[3] Xem thêm bài viết Một số vấn đề về “Tổng hợp hình phạt tù với án treo” của tác giả Đinh Văn Quế, đăng trên cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.
[4] Khoản 1 Điều 51 BLHS quy định: “Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự