Ly hôn với người mất tích - Khởi kiện vụ án ly hôn với người mất tích có phải qua thủ tục tuyên bố mất tích hay không?
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng do Toà án công nhận hoặc quyết định. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức bản án hoặc quyết định. Trong trường hợp hai bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ tình cảm, con, tài sản chung khi ly hôn thì Toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Điều 89 khoản 2 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 quy định “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.
Như vậy, một người được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn đối với người đã được Tòa án tuyên bố mất tích và những thủ tục tiến hành giải quyết cho ly hôn đều theo thủ tục chung quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 như gửi thông báo thụ lý, thông báo hòa giải, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho vợ, chồng. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là vợ hoặc chồng đã được Tòa án tuyên bố là mất tích thì việc gửi, tống đạt các quyết định trên cho đương sự là không thể nào nhận được, biết được. Do vậy, các biện pháp tống đạt cho đương sự đã được tuyên bố là mất tích có cần thiết hay không? Phải tống đạt theo thủ tục chung của Bộ luật tố tụng dân sự hay cho rằng đây là trường hợp ngoại lệ không cần tiến hành tống đạt. Dưới đây là ví dụ điển hình:
Vụ án tranh chấp ly hôn, nguyên đơn là anh Vũ Triệu Phong (sinh năm 1960), bị đơn là chị Bùi Thị Nga (sinh năm 1966; đều trú quán ở thôn Lương Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng).
Anh Phong và chị Nga sống với nhau từ năm 1985 không có đăng ký kết hôn. Thời gian đầu vợ chồng sống vui vẻ, hạnh phúc nhưng sau này phát sinh mâu thuẫn. Đến năm 2005, chị Nga bỏ nhà ra đi, anh Phong đã đi tìm kiếm nhưng không có tin tức gì của chị Nga. Ngày 18/10/2010, anh Phong có đơn xin yêu cầu tuyên bố mất tích với chị Nga. Ngày 10/11/2011, Tòa án nhân dân huyện An Dương đã mở phiên họp và ra quyết định tuyên chị Nga mất tích. Ngày 07/12/2011, anh Phong có đơn khởi kiện xin ly hôn đối với chị Nga. Quá trình thụ lý giải quyết Tòa án gửi thông báo thụ lý vụ án cho anh ruột của chị Nga, không tiến hành hòa giải, niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử tại Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn. Sau đó đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án đã vi phạm Điều 146, 149, 155 và Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011.
Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án có nghĩa vụ cấp tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự như: Thông báo thụ lý (quy định tại Điều 176), thông báo về phiên hòa giải (quy định tại Điều 183), Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Khoản 2 Điều 195). Đồng thời Điều 149 BLTTDS quy định, việc tống đạt hoặc thông báo được thực hiện bằng các phương thức: 1 - Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện, người thứ ba được ủy quyền; 2 – Niêm yết công khai; 3 – Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo quy định tại Điều 155 BLTTDS: Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không đảm bảo người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Tại Điều 199 BLTTDS quy định: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, bị đơn vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai bị đơn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.
Như vậy, trong vụ án tranh chấp ly hôn trên thì Tòa án biết rõ bị đơn là chị Nga đang mất tích, việc chị Nga mất tích là căn cứ xác định rằng Tòa án có tống đạt các quyết định cho người nhà bị đơn hay niêm yết công khai cũng không đảm bảo là chị Nga nhận được, biết được. Do vậy theo quy định tại Điều 155 nêu trên thì bắt buộc Tòa án phải làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên toà trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tòa án chỉ tiến hành gửi thông báo cho người nhà và niêm yết quyết định đưa vụ án ra xét xử là triệu tập không hợp lệ. Đồng thời căn cứ Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự, chị Nga vắng mặt lần đầu tại phiên tòa phải hoãn để xét xử vào lần tiếp theo chứ không thể tiến hành xét xử như Tòa án An Dương đã tiến hành.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trước khi tuyên bố chị Nga mất tích, Tòa án đã thông báo trên đài truyền hình và ba số báo liên tiếp nhưng chị Nga không trở về. Khi giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn, chị Nga là bị đơn nên không cần thiết phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng lần nữa. Hội đồng xét xử không phải hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử như Tòa án An Dương là đúng.
Là tác giả bài viết tôi cho rằng quan điểm thứ nhất hoàn toàn có cơ sở, bởi Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành không quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục tố tụng trong trường hợp ly hôn với một người mất tích nên việc cấp, tống đạt và xét xử phải tuân theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên đây cũng là khó khăn, vướng mắc cho người thực thi pháp luật tố tụng dân sự nên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục tống đạt văn bản trong trường hợp ly hôn đối với một người đã được Tòa án tuyên bố mất tích.
Khởi kiện vụ án ly hôn với người mất tích có phải qua thủ tục tuyên bố mất tích hay không?
Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và giải quyết yêu cầu ly hôn đều được gọi là vụ án dân sự và được giải quyết theo một trình tự chung. Nghị quyết số 03/HĐTP ngày 19.10.1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn “Nếu có người xin ly hôn vì lý do người kia mất tích thì Tòa án giải quyết cả việc mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Trong trường hợp Tòa án xác định người kia mất tích thì Tòa án cho nguyên đơn được ly hôn với người mất tích”. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì tranh chấp về ly hôn là vụ án dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ hai của BLTTDS; còn yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự và được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Phần thứ năm của BLTTDS. Do đó, không thể giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án như trước nữa. Một thực tế hiện nay, khi đương sự có đơn yêu cầu ly hôn với người biệt tích thì các Tòa án đều bắt buộc đương sự phải chờ đủ điều kiện về thời gian là vợ hoặc chồng của họ biệt tích hai năm liền trở lên và làm đơn yêu cầu tuyên bố mất tích trước, sau đó mới thụ lý giải quyết vụ án ly hôn và coi đó như là một trình tự bắt buộc
Việc các Tòa án buộc người có yêu cầu ly hôn với người biệt tích phải trải qua thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích trước mới được phép khởi kiện vụ án ly hôn liệu có đúng quy định của pháp luật hiện hành không? Cách làm nêu trên của các Tòa án là xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất là theo thói quen giải quyết trước đây; thứ hai, những người theo quan điểm này cho rằng, khoản 2 Điều 78 của BLDS (Bộ luật Dân sự) năm 2005 và khoản 2 Điều 89 của Luật Hôn nhân và Gia đình (LHNGĐ) quy định: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” nên nhất thiết phải qua thủ tục tuyên bố mất tích. Thực tế cho thấy, cách hiểu như vậy không đúng, vì đã đồng nhất quy định về “quyền khởi kiện” với “căn cứ cho ly hôn”. Các điều khoản đã viện dẫn ở trên là quy định về căn cứ cho ly hôn, chứ không phải quy định về quyền khởi kiện. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì không có lý do gì để buộc một người phải duy trì quan hệ hôn nhân với một người đã bị tuyên bố mất tích. Do đó, khi vợ hoặc chồng của người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án phải cho họ ly hôn, vì điều này đã thể hiện “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” mà không cần phải chứng minh. Quy định về căn cứ cho ly hôn tại Điều 89 của LHNGĐ chỉ được xem xét sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án để quyết định chấp nhận hay bác yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn chứ không phải căn cứ để xem xét việc thụ lý vụ án khi nhận đơn khởi kiện. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn được quy định tại Điều 42 của BLDS và Điều 85 của LHNGĐ là: vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn mà không kèm theo một điều kiện gì về thủ tục, trừ trường hợp “vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Mặt khác, theo điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS, nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng giải quyết. Do đó, trong mọi thời điểm, người vợ hoặc người chồng đều có quyền khởi kiện vụ án, yêu cầu giải quyết việc ly hôn với người biệt tích mà không bắt buộc phải qua thủ tục tuyên bố mất tích.
Thủ tục tố tụng khi giải quyết vụ án ly hôn sau khi đã tuyên bố mất tích hiện nay cũng là vấn đề cần bàn luận. Có nơi, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án vẫn làm các thủ tục chung như thông báo thụ lý vụ án, thông báo phiên hòa giải, khi xét xử vẫn gửi giấy triệu tập cho bị đơn thông qua UBND cấp xã, mặc dù đã biết rõ là bị đơn đã mất tích, phiên tòa lần đầu sẽ được hoãn và triệu tập tiếp lần thứ hai rồi xét xử vắng mặt. Ngược lại, có nơi lấy quyết định tuyên bố bị đơn mất tích cho vào hồ sơ vụ án, rồi tiến hành thu thập chứng cứ và mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn mà không hoãn phiên tòa để triệu tập lần thứ hai. Cả hai cách làm trên đều không ổn, vì đã vi phạm khoản 2 Điều 200 của BLTTDS (chỉ được xét xử vắng mặt bị đơn khi Tòa án đã tiến hành triệu tập hợp lệ đến phiên tòa lần thứ hai). Để được coi là triệu tập hợp lệ thì việc triệu tập phải thực hiện đúng các quy định tại chương X, Phần thứ nhất của BLTTDS. Theo các quy định đã viện dẫn, trong trường hợp này bắt buộc Tòa án phải làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên toà trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì không thể tống đạt trực tiếp giấy triệu tập phiên tòa cho người đã mất tích, và việc niêm yết giấy triệu tập cũng không bảo đảm cho người được triệu tập nhận được thông tin.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi một bên vợ hoặc chồng biệt tích thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết việc ly hôn mà không phải qua thủ tục tuyên bố mất tích trước. Sau khi thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, Tòa án có quyền xét xử vắng mặt bên biệt tích khi đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, theo trình tự, thủ tục quy định tại chương X, Phần thứ nhất của BLTTDS mà người biệt tích vẫn không trở về để tham gia phiên tòa. Đây là vấn đề đang có sự nhận thức khác nhau, Tòa án nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn để thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!