Xung quanh vấn đề nhận và trả lại đơn khởi kiện

I. AI LÀ NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM NHẬN VÀ TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN?

1. Nhận đơn khởi kiện

Theo Điều 167 BLTTDS

“Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu diện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

1/ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

2/ Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;

3/ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu quy định “Toà án phải nhận đơn khởi kiện… phải ghi vào sổ nhận đơn…phải xem xét và có một trong các quyết định…” thì chưa ổn, bởi vì, việc thụ lý này phải được tiến hành bởi một trong các chức danh của những người tiến hành tố tụng cụ thể (Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký toà án…) chứ không phải Toà án.

Ngoài ra, việc quy định rạch ròi đối với các chức danh của từng cá nhân tiến hành tố tụng cụ thể còn liên quan đến các giai đoạn tiếp theo sau của quá trình tố tụng.

2. Trả lại đơn khởi kiện

Các trường hợp trả lại đơn khởi kiện được qui định tại các điều khoản sau:

Khoản 3 Điều 167

“Trả lại đơn kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”

Điều 168

“1. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a/ Thời hiệu khởi kiện đã hết:

b/ Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

c/ Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyển, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhà mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện:

d/ Hết hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

d/ Chưa có đủ điều kiện khởi kiện

2. Khi trả lại đơn khởi kiện, Toà án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện”

Khoản 2 Điểu 192:

“Toà án ra quyết định đỉnh chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án đó thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 168 BLTTDS”

Điều 413

“1. Toà án Việt Nam trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đã có bản án, quyết định của Toà án nước ngoài giải quyết vụ việc dân sự đó và Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế quy định việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự.

2. Toà án Việt Nam trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu có Toà án nước ngoài đã thụ lý vụ việc dân sự đó và bản án, quyết định của Toà án nước ngoài về vụ việc dân sự đó được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”

II. TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 thì thủ tục trả lại đơn khởi kiện bắt buộc phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Vấn đề đặt ra là, văn bản này phải theo hình thức nào? Quyết định theo quy trình tố tụng hay Công văn mang tính chất thông báo và ai sẽ là người ký văn bản này ?

Đối chiếu với quy định tại Điều 170 BLTTDS về khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện:

“1. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Toà án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh sán Toà án đã trả lại đơn khởi kiện.

2. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiểu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phải ra một trong các quyết định sau đây:

a/. Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;

b/. Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án”.

Như vậy, người ký văn bản trả lại đơn khởi kiện chỉ có thể là Thẩm phán (khoản 2 Điều 168) chứ không thể là Chánh án vì Chánh sán còn phải thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện theo khoản 2 Điều 170 BLTTDS.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 171 về thụ lý vụ án cũng quy định:

“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án thì Toà án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí…”

Tóm lại, qua các điều luật trên (167,168, 171 và 413 BLTTDS) không thấy xuất hiện chủ thể tham gia quan hệ luật pháp trong giai đoạn “tiền thụ lý” này: (Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký, Toà án, Văn thư…)

- Nhận đơn khởi kiện;

- Xem xét có thụ lý hay không thụ lý đơn khởi kiện;

- Thông báo cho nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc trả lại đơn khởi kiện nếu không đủ điều kiện thụ lý vụ án.

Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 172 quy định về phân công Thẩm phán giải quyết vụ án:

“1. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án”.

Và Điều 173, 174 BLTTDS về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán khi tiến hành lập hồ sơ vụ án có quy định Thẩm phán có nhiệm vụ “thông báo về việc thụ lý vụ án”.

Như vậy các Điều 171, 172, 173 BLTTDS chỉ thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thẩm phán Sau khi đã thụ lý vụ án và được Chánh án phân công giải quyết vụ án, còn ai nhân đơn khởi kiện, ai xem xét nội dung đơn khởi kiện, ai trả lại đơn khởi kiện thì luật chưa nói rõ.

III. QUYẾT ĐỊNH TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN CÓ BỊ KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ HAY KHÔNG?

Xin được nêu một ví dụ để minh hoạ: Một công dân nộp đơn và các tài liệu liên quan đến Toà án cấp huyện để khởi kiện một vụ án dân sự. Có hai giả thiết đặt ra:

Một là: Hồ sơ vụ kiện đó không có căn cứ pháp luật và Toà án đã trả lại đơn khởi kiện. Người khởi kiện khiếu nại và Chánh án Toà án cấp huyện căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 170 BLTTDS “Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện”.

Hai là: Hồ sơ vụ kiện đó có căn cú pháp luật và việc khởi kiện đó là thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, nhưng do một lý do nào đó (áp dụng sai pháp luật, định kiến, do có mối quan hệ với phía bị đơn…) mà Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện vẫn căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 170 BLTTDS để “Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện”.

Vậy thì, sau khi cấp sơ thẩm đã giải quyết việc khiếu nại nhưng một trong hai giả thiết trên thì người khởi kiện có quyền khiếu nại tiếp theo hay không? Và ai sẽ là người giải quyết khiếu nại đó? Trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào?

Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như các văn bản hướng dân chưa quy định cụ thể vấn đề này, nhưng trong thực tiễn đã xảy ra. Quá trình giải quyết đã phát sinh một số quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề

Thông thường, không đồng tình với quyết định của Chánh án Toà án cấp huyện trong việc “Giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện”, nguyên đơn sẽ tiếp tục khiếu nại đến Toà án nhân dân cấp tỉnh. Có hai trường hợp xảy ra:

Một là: Trong trường hợp “giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện” do việc khởi kiện không có căn cứ pháp luật thì khi giải quyết khiếu nại, Toà án tỉnh vẫn phải trả lời đơn cho đương sự biết là việc khởi kiện đó không đủ căn cứ để thụ lý giải quyết.

Theo tôi khi có khiếu nại liên quan đến cấp dưới thì lãnh đạo cấp trên (người nhận được khiếu nại) phải trả lời đơn cho đương sự. Đây là vần đề mang tính nguyên tắc, không cần phải bàn thêm.

Hai là: Đối với trường hợp “giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện” mà không có căn cứ, do áp dụng sai điều luật, do định kiến, do tình cảm riêng tư…

Có ba quan điểm khác nhau trong tình huống này:

1/ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành mà không bị kháng cáo, kháng nghị vì thực tế, luật không quy định việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tả lại đơn khởi kiện.

Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì quyết định của cấp sơ thẩm không thể là quyết định cuối cùng. Trong khi quyết định đó thật sự có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

2/ Quan điểm thứ hai lại cho rằng: nếu cấp sơ thẩm có sai sót trong việc áp dụng pháp luật thì cấp trên chỉ cần có văn bản chỉ đạo cấp sơ thẩm rút lại các quyết định đã ban hành và thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Với quan điểm này có phần nhẹ nhàng hơn do không xảy ra hậu quả pháp lý là các quyết định của cấp sơ thẩm bị huỷ, không làm ảnh hưởng đến điểm thi đua của Thẩm phán.Tuy nhiên, bản thân tôi cũng chưa đồng tình, vì với một quyết định được ban hành theo một trình tự tố tụng thì để sửa sai các quyết định đó cũng phải bằng một quyết định theo một trình tự tố tụng chứ không thể sửa sai một quyết định tố tụng bằng một mệnh lệnh mang tính hành chính được.

3/. Quan điểm thứ ba cho rằng, quyết định của cấp sơ thẩm có sai sót trong việc áp dụng pháp luật thì phải được kháng cáo, kháng nghị và Toà án cấp trên trực tiếp được quyền xem xét lại các quyết định trên theo trình tự giám đốc thẩm theo Điều 283 BLTTDS, bởi vì, cấp sơ thẩm đã có sai sót trong việc áp dụng pháp luật. Hơn nữa, các quyết định trả lại đơn đã được phát hành và đã phát sinh hiệu lực thì việc sửa sai các quyết định đó phải bằng một quyết định khác của cấp có thẩm quyền, trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền đó chính là Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Tôi nhất trí với quan điểm thứ ba này, đồng thời, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sớm có Nghị quyết hướng dẫn thi hành về vấn đề này.



IV. VẤN ĐỀ THAY ĐỔI THẨM PHÁN THEO ĐIỀU 47 BLTTDS?

Liên quan đến việc trả lại đơn bằng một quyết định trả lại đơn khởi kiện như phân tích trên thì việc Thẩm phán tham gia giải quyết việc trả lại đơn khởi kiện đó được giải quyết như thế nào?

Việc Thẩm phán ra quyết định trả lại đơn có bị thay đổi theo khoản 3 Điều 47 BLTTDS hay không?

Tại khoản 3 Điều 47 BLTTDS cũng như tại điểm 3.2 Mục II Nghị quyết 01/2005/NQ-HDDTP ngày 31/3/2005 của Hội động Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2004 đã quy định: ”3.2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của BLTTDS, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm…trong vụ án đó”. Đã tham gia giải quyết và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thoả thuânh của các đương sự, quyết định đình chỉ vụ án”.

Như vậy, quyết định trả lại đơn khởi kiện sẽ không rơi vào trường hợp bị thay đổi Thẩm phán theo khoản 3 Điều 47 BLTTDS. Tuy nhiên, đối với trường hợp “đình chỉ vụ án” như đã được giải thích ở Nghị quyết 01 nêu trên, cần được loại trừ một số điểm c,e,g khoản 1 Điều 192 BLTTDS vì đây là những trường hợp mà sau này nguyên dơn được quyền khởi kiện lại vụ án đó (khoản 1 Điều 193 BLTTDS). Vì trên thực tế, Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ vụ án theo một trong các lý do được nêu trên có thể được xem như là chưa từng giải quyết vụ án đó về mặt nội dung. Vì vậy, việc thay đổi Thẩm phán trong những trường hợp này là không phù hợp với thực tiễn xét xử và trong điều kiện vẫn còn thiều nhiều Thẩm phán cấp huyênh như hiện nay.

Qua các vấn đề vừa trình bày trên, thiết nghĩ, rất cần được sự hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong cả nước.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự