Một số vướng mắc trong việc áp dụng Luật tố tụng dân sự - luật thi hành án dân sự

Trong tố tụng dân sự, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được thực hiện theo quy định tại điều 102 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, cụ thể như sau:
1-Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
2-Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
3-Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.
4-Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
5-Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
6-Kê biên tài sản đang tranh chấp.
7-Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
8-Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
9-Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
10-Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.
11-Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
12-Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
13-Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.
Trong một vụ án tranh chấp dân sự về việc “vay tài sản” không có thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán số nợ trên 3 tỷ đồng, quá trình giải quyết vụ án phía nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân TXCĐ áp dụng BPKCTT với hình thức phong tỏa tài sản là căn nhà số 21 đường Quang Trung (tài sản của bị đơn), đồng thời nguyên đơn cũng đã nộp tiền thực hiện biện pháp bảo đảm theo điều 120 BLTTDS và đã được Tòa án nhân dân TXCĐ chấp nhận bằng quyết định số 13/QĐ- BPKCTT ngày 08/8/2011. Sau đó, tại phiên hòa giải các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, nên ngày 15/11/2011 Tòa án nhân dân TXCĐ đã ban hành quyết định số72/2011/QĐST-DS về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định này không bị Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, nên đã phát sinh hiệu lực thi hành.
Quá trình thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự TXCĐ lại căn cứ khoản 3 điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 (LTHADS), để cho rằng quyết định 13/QĐ- BPKCTT nêu trên là quyết định “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” nên cần xem lại có được ưu tiên thanh toán hay không?
Khoản 3 điều 47 LTHADS năm 2008 quy định như sau: “số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một phần nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án”.  
 Không đồng ý với Chi cục Thi hành án dân sự TXCĐ, nguyên đơn làm đơn kiến nghị Tòa án nhân dân TXCĐ yêu cầu giải thích cụm từ ghi trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 72/2011/QĐST-DS, cụ thể đã ghi: “Duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 13/QĐ- BPKCTT ngày 08/8/2011 cho đến khi có quyết định mới”. Đồng thời đề nghị xác định nguyên đơn có được ưu tiên thanh toán nợ hay không?
Tại công văn số 332/CV-TA ngày 20/12/2011 Thẩm phán giải quyết vụ án đã giải thích: “Trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các đương sự, Tòa án nhân dân TXCĐ đã ban hành quyết định số 72/2011/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận của đương sự, trong đó có nội dung duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số13/QĐ- BPKCTT ngày 08/8/2011 cho đến khi có quyết định mới”.
Do không đồng ý với văn bản giải thích nêu trên, nên nguyên đơn tiếp tục khiếu nại và được Chánh án Tòa án nhân dân TXCĐ trả lời bằng công văn số 344/TA-VP ngày 30/12/2011 với nội dung: “Nguyên đơn có đơn yêu cầu và được Thẩm phán chấp nhận áp dụng BPKCTT với hình thức phong tỏa tài sản là căn nhà số 21 đường Quang Trung để đảm bảo cho việc thi hành án; Tuy nhiên với hình thức phong tỏa tài sản không có căn cứ để được ưu tiên thi hành án theo quy định của khoản 3 điều 47 LTHADS”.
Khi nhận được văn bản trả lời số 344/TA-VP ngày 30/12/2011 của Chánh án Tòa án nhân dân TXCĐ, đương sự tiếp tục khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Để giải quyết khiếu nại của đương sự, hiện nay có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất:
Thống nhất với cách giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân TXCĐ tại công văn số 344/TA-VP ngày 30/12/2011 với lập luận rằng: BLTTDS và LTHADS là những đạo luật có giá trị pháp lý tương đương nhau, hơn nữa đây là giai đoạn thi hành án, nên cần áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 47 của LTHADS để điều chỉnh. Theo đó, với hình thức phong tỏa tài sản thì không có căn cứ để được ưu tiên thi hành.
Mặt khác, cũng theo quy định này thì đây là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 102 và trình tự, thủ tục thi hành được quy định chi tiết tại điều 114 BLTTDS; Do đó không thể áp dụng chung cho các hình thức của BPKCTT.
Quan điểm thứ hai:
Không đồng ý với văn bản trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân TXCĐ tại công văn số 344/TA-VP ngày 30/12/2011 dựa trên cơ sở quy định của BLTTDS (văn bản pháp lý ban hành trước Luật thi hành án Dân sự), cụ thể:
Điều 114 BLTTDS quy định: “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc bảo đảm cho việc thi hành án”.
Tại tiểu mục 1.2 mục 1 của Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đã giải thích từ ngữ “để đảm bảo việc thi hành án” cụ thể như sau: “để đảm bảo việc thi hành ántức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đủ điều kiện để thi hành án”.
Theo quy định của Điều 114 nêu trên đã xác định rất rõ việc áp dụng BPKCTT là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án, Do đó, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với quan điểm này.
Tuy nhiên qua nghiên cứu LTHADS hiện hành thì thấy cơ quan Thi hành án dân sự chỉ áp dụng hình thức kê biênkhi cưỡng chế đối với tài sản là vật (quy định từ Điều 88 đến Điều 97), như vậy có thể là do sử dụng quen cụm từ “kê biên” nên dẫn đến quy định tại khoản 3 điều 47 LTHADS chưa đầy đủ như “…bản án, quyết định tuyên kê biên…” làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thiết nghĩ các cơ quan tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Trên đây là một số vướng mắc trong việc áp dụng BLTTDS (sửa đổi, bổ sung) và Luật thi hành án Dân sự , cùng với quan điểm của chúng tôi về cách giải quyết vụ việc phát sinh từ thực tiễn nêu trên. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự