Những vướng mắc trong quá trình thụ lý, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu theo Bộ luật tố tụng dân sự 2011


Thực tiễn xét xử phúc thẩm trong nhiều năm qua, Toà án cấp phúc thẩm thụ lý  hồ sơ các loại vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu (nếu trường hợp có Viện kiểm sát tham gia) theo Điều 262 của Bộ luật tố tụng dân sự cũ nói chung không có vướng mắc. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 thì có nhiều vấn đề cần phải trao đổi. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến vấn đề sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm như thế nào.
Trước đây, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, nếu trường hợp có Viện kiểm sát tham gia thì Tòa án cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu; hết thời hạn mười lăm ngày, Viện kiểm sát chuyển trả hồ sơ cho Tòa án. Sau đó trong thời hạn xét xử phúc thẩm, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thành lập Hội đồng xét xử và phân công thẩm phán là chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán được phân công nghiên cứu hồ sơ và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, theo lịch xét xử đã phân công. Như vậy thời gian để Thẩm phán được phân công làm chủ tọa nghiên cứu hồ sơ vụ án dài nên đảm bảo được chất lượng xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 thì:
Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xửTòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu.
+ Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
Nhưng tại điểm c khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 thì quy định sau khi thụ lý, trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trong khi đó, tại điểm e khoản 1 Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có các nội dung chính, trong đó phải có: Họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên dự khuyết, nếu có.
Như vậy các điều luật trên mâu thuẫn với nhau và trong thực tế không thể thực hiện đúng được; bỡi lẽ:
- Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thành lập Hội đồng xét xử và phân công thẩm phán là chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán được phân công phải ban hành ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo lịch xét xử đã phân công. Lúc này mới chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Trong khi đó, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Hết thời hạn trên, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa mới nhận được hồ sơ vụ án. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm (trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng). Như vậy, thời gian còn lại đề thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án là rất ít, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử phúc thẩm.
- Khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, trong khi đó Viện kiểm sát cùng cấp chưa biết được thời gian xét xử phúc thẩm vụ án và chưa phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm không thể có họ, tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm được.
Để thống nhất áp dụng đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011, và có thể thực hiện trong thực tiễn, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sớm phối hợp, thống nhất và ban hành văn bản hướng dẫn toàn nghành thực hiện.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự