Kỹ năng viết bản án dân sự phúc thẩm

Bản án dân sự phúc thẩm được quy định tại Điều 279 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) và được hướng dẫn thực hiện theo mẫu số 22, ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây xin viết tắt là Nghị quyết số 06/2012).
I. Viết phần mở đầu của bản án.
Khoản 3 Điều 279 BLTTDS quy định:
“3. Trong phần mở đầu phải ghi rõ tên của Tòa án xét xử phúc thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử.”
1. Cách ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án
Bản án dân sự phúc thẩm được hiểu theo nghĩa rộng của BLTTDS và bao gồm các vụ án xét xử phúc thẩm về các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Ký hiệu của bản án được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 03/2012).
Ví dụ: Nếu là bản án dân sự phúc thẩm thì ký hiệu là DS-PT, nếu là bản án lao động phúc thẩm thì ghi là LĐ-PT. Tùy theo quan hệ pháp luật có tranh chấp và được Tòa án sơ thẩm giải quyết là loại quan hệ pháp luật nào và bản án phúc thẩm xét xử về mối quan hệ pháp luật nào để ghi ký hiệu tương ứng.
- Ghi trích yếu của bản án: Cần xác định tranh chấp mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là tranh chấp nào để ghi trích yếu của bản án phúc thẩm.
Ví dụ: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự thuê nhà ở” hoặc nếu là tranh chấp về nợ thì ghi là “V/v tranh chấp đòi nợ”…
- Ghi tên Tòa án xét xử phúc thẩm: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm chỉ có ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nào xét xử phúc thẩm thì ghi chính xác tên của Tòa án đó.
Ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
Hoặc: Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.
Hoặc: Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
- Ghi số bản án: Ví dụ: Bản án số 17/2013/LĐ-PT
- Ghi ngày của bản án: Ngày của bản án phúc thẩm là ngày tuyên án, không phân biệt là vụ án được xét xử trong một ngày hoặc trong nhiều ngày.     
Ví dụ: Ngày tuyên án là ngày 20/08/2013 thì ngày tháng năm của bản án phúc thẩm cũng chính là ngày 20 tháng 08 năm 2013.

2. Ghi thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm
Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành không có điều luật nào quy định về thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm. Điều 257 BLTTDS quy định tại khoản 2: “Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa”. Mặc dù Luật không quy định cụ thể số lượng, thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm, nhưng trong những năm qua, thành phần Hội đồng xét xử dân sự phúc thẩm bao gồm ba Thẩm phán. Trong đó, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi ghi họ tên các thành viên của Hội đồng xét xử không ghi chức vụ của Thẩm phán.
Chú ý: Trong mẫu 22 ghi ông (bà) nên khi viết đầu án chỉ sử dụng một trong hai danh từ nhân xưng đó và bỏ danh từ không sử dụng đến.
Ví dụ:
Nhân danh
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
Với thành phần xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Trần Trung Dũng
Các Thẩm phán: Ông: Đỗ Mạnh Dũng
                            Bà: Nguyễn Thị Tâm.
- Ghi Thư ký Tòa án: ghi họ, tên của Thư ký ghi biên bản phiên tòa và tên Tòa án nơi Thư ký Tòa án đang công tác.
Ví dụ: Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Trần Thị Tuyết, cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
- Ghi Viện kiểm sát: Không phải mọi phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm hoặc phúc thẩm cũng đều phải có sự tham gia của Viện kiểm sát. Do vậy, nếu trong vụ án có sư tham gia của Viện kiểm sát tại phiên tòa thì mới ghi, còn nếu không có sự tham gia của Viện kiểm sát thì không ghi.
Ví dụ: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: Ông Vũ Văn Hà, kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
3. Ghi ngày xét xử vụ án
+ Nếu xét xử vụ án trong một ngày thì ghi là: Ngày 07 tháng 12 năm 2013.
+ Nếu xét xử trong nhiều ngày nhưng số ngày không nhiều thì ghi là: “Trong các ngày 3,4 tháng 12 năm 2013, tại…”
+ Nếu số ngày xét xử nhiều và liên tục thì ghi là:
“Trong các ngày từ ngày 05 đến ngày 09 tháng 11 năm 2013 tại …”
+ Nếu số ngày xử nhiều nhưng không liên tục thì ghi là:
“Trong các ngày từ ngày 05 đến ngày 09 tháng 11 và từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 11 năm 2013 tại …”
+ Nếu xét xử khác tháng thì ghi là: “Trong các ngày từ ngày 27 tháng 10 đến ngày 02 tháng 11 năm 2013, tại …”
+ Nếu xét xử không liên tục thì ghi các ngày xét xử của các tháng khác nhau.
Ví dụ: “Trong các ngày 28,29 tháng 10 và các ngày 02, 03 tháng 11 năm 2013, tại…”
- Ghi địa điểm tổ chức phiên tòa phúc thẩm: có thể tại trụ sở Tòa án nhưng cũng có thể là xét xử lưu động. Ví dụ như Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm tại Tòa án tỉnh khác.
+ Nếu phiên tòa xét xử công khai thì ghi công khai, nếu xử kín thì ghi là xử kín.
- Ghi số thụ lý của vụ án. Ví dụ: Vụ án thụ lý số 98/2013/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 8 năm 2013 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
- Ghi bản án dân sự sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Ví dụ: Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2013/KDTM-ST ngày 20 tháng 7 năm 2013 của Tòa án nhân dân huyện K tỉnh Q bị kháng cáo.
- Ghi quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm:
Ví dụ: Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2013/QĐPT-DS ngày 10 tháng 12 năm 2013 giữa các đương sự.
5. Ghi người tham gia tố tụng.
- Ghi nguyên đơn: Nếu nguyên đơn là cá nhân thì ghi họ, tên, địa chỉ, nơi cư trú. Nếu họ là người chưa thành niên thì cần ghi thêm ngày, tháng, năm sinh. Nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức thì ghi tên của cơ quan, tổ chức và địa chỉ của cơ quan, tổ chức đó.
- Ghi người đại diện hợp pháp của nguyên đơn khi vụ án có người đại diện hợp pháp của họ. Nếu họ đại diện hợp pháp theo pháp luật thì ghi là người đại diện theo ủy quyền thì ghi là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Trong trường hợp là đại diện theo pháp luật thì cần ghi mối quan hệ của họ với nguyên đơn. Nếu là đại diện theo ủy quyền thì ghi văn bản ủy quyền. Nếu là người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức thì ghi họ, tên, chức vụ của người đại diện.
Ví dụ:
+ Người đại diện hợp pháp theo pháp luật của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn A (bố của nguyên đơn).
+ Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Trần Thị B (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 22 tháng 10 năm 2013).
+ Người đại diện theo pháp luật của công ty C là ông Vũ Văn H, giám đốc công ty C.
- Ghi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Chỉ ghi khi có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và ghi họ, tên, địa chỉ, nơi cư trú của họ; nếu là Luật sư thì ghi rõ là Luật sư của Văn phòng Luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào. Nếu vụ án có nhiều nguyên đơn thì phải ghi cụ thể Luật sư hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn nào.
Ví dụ: + Nếu vụ án chỉ có một nguyên đơn thì ghi là:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Trần Văn Q, Luật sư văn phòng Luật sư Á Châu, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội.
+ Nếu vụ án có nhiều nguyên đơn thì ghi là:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Trần Văn K là ông Vũ Đức Hải, Luật sư Văn phòng Luật sư B, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
- Ghi bị đơn và ghi những người tham gia tố tụng khác tương tự như cách ghi của nguyên đơn.
- Ghi người kháng cáo: ghi họ tên, tư cách pháp lý của người kháng cáo.
Ví dụ: Người kháng cáo: Bà Trần Thị B là bị đơn.
- Ghi Viện kiểm sát kháng nghị: tên của Viện kiểm sát đã kháng nghị.
Ví dụ: Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Chú ý: Phần đầu án phải thể hiện rõ sự có mặt hay vắng mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, nếu họ có mặt thì sau khi ghi các thông tin của họ cần ghi thêm có mặt. Nếu vắng mặt tại phiên tòa thì cũng cần phải ghi vắng mặt.
II. Viết phần “nhận thấy” của bản án phúc thẩm
Theo quy định tại khoản 4 Điều 279 BLTTDS thì:
“Trong phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị, nhận định phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị; nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm; điểm, khoản và điều của văn bản quy phạm pháp luật mà Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ để giải quyết vụ án.
Trong nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.”
Theo quy định nêu trên thì phần “nhận thấy” của bản án phúc thẩm nằm trong nội dung của bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, phần này có ý nghĩa “dẫn dắt” cho việc giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm. Do đó, trong phần này, Thẩm phán chỉ viết tóm tắt nội dung của vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; nội dung của kháng cáo, kháng nghị.
Việc tóm tắt vụ án cũng cần chú ý là chỉ tóm tắt những vấn đề cơ bản liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Những vấn đề khác của vụ án không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị thì chỉ lướt qua.
Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, nếu các đương sự chỉ kháng cáo về việc chia tài sản thì các vấn đề thân phận, về con cái hoặc các vấn đề khác không bị kháng cáo, kháng nghị thì không viết sâu.
Chẳng hạn: “Anh Trần Văn H và chị Vũ Thị K kết hôn hợp pháp vào ngày 17 tháng 11 năm 2010. Quá trình chung sống, vợ chồng có một con chung là cháu Trần Thị V. Do có mâu thuẫn trầm trọng về kinh tế, anh Trần Văn H có đơn xin ly hôn. Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh K đã quyết định xử cho anh H được ly hôn chị K. Giao cháu V cho chị K nuôi dưỡng.
Về tài sản chung:
- Chia cho anh H được sở hữu một ngôi nhà tại số nhà 10 phố Trần Cao Vân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có trị giá là 5 tỷ đồng.
- Chia cho chị K được sở hữu một ngôi nhà tại xóm 2 Giáp Nhất, Hoàng Mai, Hà Nội, có trị giá là 3 tỷ đồng. Chị K được sở hữu 01 chiếc xe máy SH biển kiểm soát 29 – K1 3727, 01 xe ôtô Toyota, biển kiểm soát 30H.177-20.
- Anh H phải bù cho chị K: 800 triệu đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn có các quyết định về cấp dưỡng nuôi con, về án phí dân sự.
Ngày 08 tháng 07 năm 2013, chị Vũ Thị K kháng cáo với nội dung không đồng ý với việc chia tài sản. Chị K đề nghị được sở hữu ngôi nhà ở số 10 phố Trần Cao Vân để tiện cho việc làm ăn của chị vì anh H là cán bộ nhà nước, không cần địa điểm kinh doanh”.
Theo quy định tại Điều 263 BLTTDS thì “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”. Do vậy, nếu trong vụ án có nhiều nguyên đơn, bị đơn, người tham gia tố tụng không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị thì những phần của bản án đó đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì vậy, phần “nhận thấy” chỉ tóm tắt nội dung cơ bản của vụ án, quyết định có kháng cáo, kháng nghị hoặc liên quan đến kháng cáo, kháng nghị mà Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét, giải quyết.
Nếu vụ án có nhiều người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị (Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) toàn bộ bản án thì phần “nhận thấy” phải tóm tắt đầy đủ nội dung và tất cả các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét và giải quyết lại toàn bộ vụ án.
III. Viết phần xét thấy của bản án phúc thẩm.
Đây là nội dung trọng tâm của bản án dân sự phúc thẩm. Trong phần này, Tòa án cấp phúc thẩm đưa ra những đánh giá, nhận định, phân tích những chứng cứ, tài liệu, những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.
Những nhận định, đánh giá, những căn cứ pháp lý được phân tích, viện dẫn trong phần này là tiền đề hay đó là cơ sở để Hội đồng xét xử quyết định việc giải quyết vụ án.
Nếu vụ án có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị nhiều quyết định sơ thẩm thì phần “xét thấy” cũng phải được trình bày các nhận định, đánh giá về từng vấn đề có kháng cáo, kháng nghị hoặc liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Từng vấn đề được phân tích, đánh giá, viện dẫn căn cứ pháp luật và hướng giải quyết. Kỹ năng viết phần này, trước hết phải đảm bảo tính logic, chặt chẽ, lập luận phải rõ ràng, rành mạch từng vấn đề; viện dẫn căn cứ pháp luật phải đảm bảo tính đúng, chính xác.
Từ những tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm xem xét tính hợp pháp, tính có căn cứ hay không của bản án sơ thẩm dân sự, đồng thời cũng là xem xét có hay không chấp nhận nội dung kháng cáo, kháng nghị hoặc chỉ chấp nhận một phần kháng cáo, kháng nghị.
- Về án phí: Tùy theo quyết định của bản án dân sự phúc thẩm để xác định việc có phải nộp hoặc không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm. Nếu thấy bản án sơ thẩm tuy xét xử đúng, nhưng lại quyết định sai hoặc tính toán sai về án phí, thì Tòa án cấp phúc thẩm phải có nhận định, đánh giá, có viện dẫn quy định về án phí (điểm, khoản, điều của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án) và phải sửa án phí cho đúng quy định của pháp luật.
IV. Viết phần Quyết định của bản án dân sự phúc thẩm
Khoản 5 Điều 279 BLTTDS quy định:
“5. Trong phần quyết định phải ghi rõ các quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án do có kháng cáo, kháng nghị, về việc phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm”.
Quyết định của bản án phải là kết quả của phiên tòa phúc thẩm, là kết quả từ những nhận định, đánh giá, viện dẫn căn cứ pháp lý của Hội đồng xét xử thông qua biên bản nghị án, được thể hiện trong phần “xét thấy”. Như vậy, tuy là các phần độc lập trong quá trình giải quyết vụ án nhưng đó là mối quan hệ biện chứng khách quan giữa các phần này với nhau. Không thể nhận định là A, viện dẫn là A nhưng quyết định lại là B. Cũng không thể ghi biên bản nghị án là không chấp nhận kháng cáo mà quyết định của bản án lại là chấp nhận kháng cáo.
Những mâu thuẫn giữa những phần này có thể làm cho bản án phúc thẩm không thuyết phục, thậm chí là những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.
- Cách trình bày trong phần quyết định:
Theo quy định tại Điều 275 BLTTDS thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền:
“1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
2. Sửa bản án sơ thẩm;
3. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án”.
Do đó, bất luận trong trường hợp nào, Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào Điều 275 BLTTDS. Nếu chấp nhận kháng cáo, kháng nghị để sửa án hoặc hủy án thì phải áp dụng các điều luật tương ứng (Điều 276, 277, 278 BLTTDS)  .
Ví dụ 1: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm thì viết như sau:
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Ví dụ 2: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo hoặc kháng nghị và sửa bản án sơ thẩm thì viết như sau:
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 2 Điều 275, Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Ví dụ 3: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và hủy một phần hoặc hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại ở Tòa án sơ thẩm thì viết như sau:
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 3 Điều 275, Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
- Viết phần quyết định của bản án phúc thẩm
Trong phần này ghi rõ các điểm, khoản, điều luật, văn bản quy phạm pháp luật mà Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng để quyết định việc giải quyết vụ án. Các quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề kháng cáo, kháng nghị; quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm.
Ví dụ 1: Vì các lẽ trên,
Căn cứ khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Áp dụng điểm … khoản … Điều … Luật Hôn nhân và gia đình; điểm … khoản… Điều … Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm
(và tuyên về những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận,
Ví dụ 2: Vì các lẽ trên,
Căn cứ khoản 2 Điều 275, Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Áp dụng điểm … khoản … Điều … của Bộ luật dân sự; điểm … khoản … Điều …của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Xử: sửa bản án dân sự sơ thẩm
(tuyên cụ thể những vấn đề mà Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm)
Ví dụ 3: Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 3 Điều 275 , Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Áp dụng điểm … khoản … Điều … Luật Thương mại, điểm … khoản … Điều … Pháp lệnh … (hoặc văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng)
Xử: Hủy phần …của bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại với thành phần Hội đồng xét xử khác.
(Nếu chỉ hủy một phần, còn các phần khác có kháng cáo, kháng nghị không bị hủy thì tuyên quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm về những phần đó).
Ví dụ 4: Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 4 Điều 275, Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự
Quyết định
Áp dụng điểm … Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự
Xử: hủy bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2013/DSST ngày 10 tháng 8 năm 2013 của Tòa án nhân dân huyện B tỉnh C. Đình chỉ giải quyết vụ án.
- Viết phần cuối cùng của bản án phúc thẩm.
Phần cuối cùng của bản án gốc là chữ ký, họ và tên của các thành viên Hội đồng xét xử. Bản án gốc được thông qua, ký và tuyên án. Từ bản án này, Tòa sao thành các bản án để gửi (giao) cho các nơi theo quy định tại Điều 281 BLTTDS. Bản án này được gọi là bản án chính và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký và đóng dấu Tòa án.
Cách viết phần quyết định nêu trên theo mẫu số 22, ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, theo chúng tôi cũng có những vấn đề chưa thật hợp lý và logic.
- Một là, quyết định của bản án phải dựa trên hay là kết quả của quá trình xét xử và được thể hiện ở phần “xét thấy”, “xét thấy” thế nào thì quyết định như vậy. Nếu “xét thấy” không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì quyết định phải căn cứ vào khoản 1 Điều 275 BLTTDS; nếu “xét thấy” chấp nhận kháng cáo, kháng nghị để sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm thì phải áp dụng các khoản tương ứng của Điều 275 và các điều luật tương ứng khác của BLTTDS.
- Hai là, khi bố cục như mẫu số 22 là:
Vì các lẽ trên,
Căn cứ khoản…Điều 275 và Điều (các Điều)…của BLTTDS
Quyết định
Áp dụng khoản…Điều…Luật…
Cách bố cục như mẫu 22 không hợp lý vì nó rõ ràng sẽ có hai lần căn cứ là căn cứ để ra quyết định về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm và quyết định áp dụng những căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án.
Vì vậy, chúng tôi đề xuất cách viết phần quyết định như sau:
Vì các lẽ trên,
Quyết định
Căn cứ vào khoản… Điều 275, Điều… (hoặc các Điều) của Bộ luật tố tụng dân sự
Áp dụng điểm…khoản…Điều…Luật…
Xử:…
Cách viết phần quyết định này là cách viết phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm, được hướng dẫn kèm theo Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán số 05/2005 ngày 08/12/2005. Vấn đề này chúng tôi đã trình bày tại Phần thứ hai “Kỹ năng viết bản án hình sự phúc thẩm”.

Nguyễn Quang Lộc - Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự