Kỹ năng viết bản án hình sự phúc phẩm

Bản án phúc thẩm hình sự được quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự và được hướng dẫn viết theo mẫu bản án hình sự phúc thẩm (mẫu số 2đ) ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm là cơ sở của trình tự phúc thẩm và đó cũng là căn cứ để bắt buộc phải thực hiện thủ tục tố tụng từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm. Khi bản án hình sự sơ thẩm có kháng cáo, bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị thì theo quy định của pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện việc lập và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm và ra thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị cho những người tham gia tố tụng hoặc Viện kiểm sát cùng cấp biết (trong trường hợp có kháng cáo). Đối với trường hợp kháng cáo quá hạn, tuy chưa phải chuyển hồ sơ vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải thực hiện một số thủ tục để Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết về kháng cáo quá hạn. Tòa án thực hiện chế độ xét xử theo hai cấp nhằm đảm bảo việc giải quyết, xét xử vụ án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, những người tham gia tố tụng.
Tòa án cấp phúc thẩm có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm hoặc quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Do vậy, phạm vi xét xử phúc thẩm không chỉ bó hẹp trong việc xem xét, giải quyết nội dung của kháng cáo, kháng nghị mà còn có thể xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, tức là được thi hành án ngay. Chính vì vậy, việc ra bản án phúc thẩm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với việc giải quyết nội dung vụ án mà còn là căn cứ để đánh giá chất lượng giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm nói chung và trực tiếp đối với Thẩm phán nói riêng. Do vậy, bản án hình sự phúc thẩm phải đảm bảo tính thuyết phục không chỉ đối với các đương sự mà cả với Tòa án cấp sơ thẩm. Trong thực tiễn xét xử, không ít các bản án phúc thẩm hình sự không được Tòa án cấp sơ thẩm đồng tình, thậm chí còn có bản án phúc thẩm bị phản ứng gay gắt bởi việc sửa, hủy án sơ thẩm thiếu căn cứ pháp luật hoặc lập luận thiếu tính thuyết phục.

I/ Viết phần mở đầu của bản án hình sự phúc thẩm
Điều 248 BLTTHS quy định:
1. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.”
- Ghi tên Tòa án: ghi tên Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xét xử vụ án.
Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Tòa án Quân sự quân khu 3; Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội.
- Ghi bản án:
Ví dụ: Bản án số 58/2013/HSPT.
- Ghi ngày của bản án: vụ án có thể được xét xử trong một ngày hoặc trong nhiều ngày, có thể xét xử liên tục nhưng cũng có thể gián đoạn do có ngày nghỉ, ngày lễ. Dù trong trường hợp nào thì ngày của bản án cũng là ngày tuyên án.
Ví dụ:
+ Phiên tòa tổ chức và cùng kết thúc ngày 12/06/2013 thì bản án có ngày là 12/06/2013.
                       (Bản án số 58/2013/HSPT
ngày 12 tháng 06 năm 2013).
+ Phiên tòa được mở ngày 12/06/2013 nhưng tuyên án vào ngày 26/06/2013 thì bản án có ngày là 26/06/2013
Bản án số 52/2013/HSPT
Ngày 26 tháng 06 năm 2013).
- Ghi tên Tòa án xét xử vụ án tức là tên Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Ví dụ:
Nhân danh
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng
Hoặc:
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao
tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hoặc:
Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân
- Ghi tên của các thành viên trong Hội đồng xét xử:
Thông thường, Hội đồng xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết thì mới có sự tham gia của hai Hội thẩm nhân dân hoặc Hội thẩm quân nhân. Do vậy, nếu không có sự tham gia xét xử của Hội thẩm thì không có dòng Hội thẩm mà chỉ ghi họ tên các Thẩm phán trong Hội đồng xét xử.
Ví dụ: Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Vũ Đức Việt
Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Văn Đức
                           Bà Trần Thị Vân.
- Ghi Thư ký Tòa án: Thư ký phiên tòa là một chức danh pháp lý, là người tiến hành tố tụng tại phiên tòa và nhiệm vụ chính tại phiên tòa là ghi biên bản phiên tòa.
Ví dụ: Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Đỗ Thị Cẩm Tú, cán bộ Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
- Ghi đại diện Viện kiểm sát: ghi họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Ví dụ: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa: Ông Nguyễn Hoàng Hải, Kiểm sát viên.
Theo mẫu của bản án phúc thẩm thì sau chữ “tham gia phiên tòa” còn có các dấu cách… để điền và sau chữ Kiểm sát viên cũng có các dấu cách… để điền thêm. Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải có các dấu cách này và mẫu để khoảng trống là thừa vì rõ ràng đây là phiên tòa phúc thẩm, nếu viết thêm thì phải viết là “tham gia phiên tòa phúc thẩm” hoặc chính xác thì “tham gia phiên tòa hình sự phúc thẩm”. Hoặc khi viết đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng…ông… Kiểm sát viên thì cũng không cần viết là “Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng” hoặc là “Kiểm sát viên trung cấp”.
- Ghi ngày xét xử:
+ Nếu vụ án được xét xử trong một ngày thì ghi là: ngày 18 tháng 9 năm 2013 tại …
+ Nếu vụ án xét xử trong hai ngày trở lên thì:
·        Nếu số ngày không nhiều thì ghi là: “Trong các ngày 2,3 và 4 tháng 9 năm 2013, tại…”.
·        Nếu số ngày nhiều hơn và liên tục thì ghi là: “Trong các ngày từ ngày 02 tháng 09 đến ngày 07 tháng 09 năm 2013, tại…”.
·        Nếu số ngày nhiều nhưng khác tháng thì ghi là “Trong các ngày từ ngày 04 tháng 09 đến ngày 04 tháng 10 năm 2013, tại…”.
·        Nếu việc xét xử trong nhiều ngày nhưng không liên tục thì ghi là: “Trong các ngày từ ngày 14 tháng 09 đến ngày 19 tháng 09 và các ngày 25,26,27 tháng 09 năm 2013, tại…”.
- Ghi địa điểm xét xử vụ án và thụ lý vụ án:
Ví dụ: …,tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 125/2013/HSPT ngày 18 tháng 08 năm 2013.
- Ghi bị cáo:
+ Nếu vụ án chỉ có một bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị thì ghi đầy đủ họ tên của bị cáo.
Ví dụ: đối với bị cáo: Nguyễn Văn A
+ Nếu vụ án có nhiều bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị thì ghi họ tên của bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt mức hình phạt cao nhất trong số các bị cáo kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ: đối với các bị cáo Vũ Văn K và các bị cáo khác
- Ghi về kháng cáo, kháng nghị:
+ Kháng cáo: chỉ ghi địa vị pháp lý trong tố tụng (tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo).
Ví dụ: do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn A
Hoặc: do có kháng cáo của người bị hại là bà Trần Thị H.
+ Kháng nghị: ghi tên của Viện Kiểm sát đã kháng nghị bản án.
Ví dụ: do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Giờ
Hoặc: do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.
Chú ý: Mẫu bản án về phần này chỉ đúng trong trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị. Do đó, nếu không có kháng nghị thì không có dòng “và kháng nghị của…” hoặc nếu không có kháng cáo thì không có dòng “do có kháng cáo của…”. Tùy từng trường hợp cụ thể của vụ án, Thẩm phán sử dụng mẫu của bản án cho phù hợp và đúng, tránh tình trạng để sẵn mẫu trong máy tính và không sửa cho phù hợp với vụ án.
- Ghi bản án hình sự sơ thẩm có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị:
Ví dụ: đối với bản án hình sự sơ thẩm số 170/2013/HSST ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
- Ghi tên bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị:
Cách ghi họ tên các bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị giống như cách ghi về bị cáo trong phần đầu án của bản án hình sự sơ thẩm. Bản án hình sự phúc thẩm ghi thứ tự họ tên, căn cước của từng bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị theo thứ tự từ bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt mức hình phạt cao nhất đến các bị cáo bị phạt mức thấp nhất trong số các bị cáo có hoặc bị kháng cáo, kháng nghị.
Chú ý:
+ Các bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị nhưng đã rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc các bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo quá hạn luật định nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận thì không ghi trong phần đầu án.
+ Đối với các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét để giải quyết đối với những bị cáo này thì ghi như phần các bị cáo có kháng cáo, kháng nghị. Đối với các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị mà Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét với họ thì chỉ cần ghi số lượng các bị cáo không kháng cáo, kháng nghị hoặc ghi tên bị cáo đó nếu vụ án chỉ còn bị cáo không kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ: “Ngoài ra còn có ba bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng nghị” hoặc: “Ngoài ra còn có bị cáo Nguyễn Văn A không có kháng cáo và không bị kháng nghị”.
+ Đối với trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét đối với các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị thì mẫu bản án và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa rõ cách ghi như thế nào, có đánh liền số thứ tự các bị cáo có kháng cáo, kháng nghị hay đánh số thứ tự riêng sau dòng “Các bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị”? Theo chúng tôi, trong bản án không nên có hai số thứ tự của bị cáo mà nên đánh số thự tự liền với số thứ tự của các bị cáo có kháng cáo, kháng nghị thì hợp lý hơn.
Ví dụ: Các bị cáo có kháng cáo, kháng nghị:
1.     Họ và tên: Nguyễn Văn A…
2.     Họ và tên: Nguyễn Văn B…
Ngoài ra, còn có các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng nghị:
3.     Họ và tên: Trần Văn C…
4.     Họ và tên: Nguyễn Thị D…
Khi ghi như nêu trên thì không cần ghi “Các bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng nghị” bởi câu “ngoài ra còn có …” đã thay cho câu này.
- Ghi những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo hoặc có bên liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Chú ý: Chỉ ghi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú... của những người tham gia tố tụng có kháng cáo hoặc liên quan đến kháng cáo. Đây là mẫu bản án nên chỉ sử dụng hết các phần của mẫu nếu có đầy đủ những người tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm. Nếu vụ án không có người tham gia tố tụng nào đó thì không ghi (tức là lược bỏ khỏi bản án), không được sử dụng đúng như mẫu một cách máy móc hoặc do cẩu thả của Thẩm phán. Cách ghi đối với những người tham gia tố tụng giống như cách ghi của bản án hình sự sơ thẩm, đã được chúng tôi trình bày cụ thể, tỉ mỉ trong phần “Ghi những người tham gia tố tụng”.
II/ Viết phần “nhận thấy” của bản án hình sự phúc thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án sơ thẩm.
+ Kiểm tra, xem xét tính hợp pháp tức là xem bản án sơ thẩm có áp dụng đúng pháp luật hình sự trong việc giải quyết vụ án hay không. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo (hoặc các bị cáo) thì căn cứ nào để định tội, quyết định hình phạt, áp dụng các biện pháp tư pháp quy định trong BLHS; áp dụng những quy định nào của BLTTHS hoặc các văn bản pháp luật khác. Nếu Tòa án tuyên bố bị cáo (các bị cáo) không phạm tội thì bản án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ nào, lập luận thế nào để không chấp nhận truy tố của Viện Kiểm sát, căn cứ nào của BLHS, BLTTHS để không kết tội bị cáo; bản án có thực hiện đúng quy định của BLTTHS hay không…
+ Kiểm tra, xem xét tính có có căn cứ là xem xét những kết luận kết tội hoặc không kết tội có được dựa trên những tài liệu, chứng cứ của vụ án đã được thẩm tra lại tại phiên tòa hay không; bản án đã xem xét đầy đủ, toàn diện tất cả các chứng cứ tài liệu không; việc xem xét có khách quan không?
Như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào nội dung và các quyết định của bản án sơ thẩm để xem xét và quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét bản cáo trạng, cũng không căn cứ vào bản cáo trạng của Viện kiểm sát để xét xử. Mặt khác, có thể bản án sơ thẩm căn cứ vào hồ sơ vụ án để viết phần “nhận thấy” và “xét thấy” chứ không căn cứ vào bản cáo trạng. Do đó, mẫu của bản án hình sự phúc thẩm ghi là “Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát… và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án”, theo chúng tôi chưa thật chính xác. Chúng tôi cho rằng phần “nhận thấy” của bản án hình sự phúc thẩm chỉ cần tóm tắt nội dung của vụ án theo bản án hình sự sơ thẩm (nếu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ vụ án) và chỉ cần tóm tắt nội dung vụ án về phần có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, những phần khác thì không cần thiết phải ghi trong phần này (nếu Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xét về nội dung của kháng cáo, kháng nghị).
Ví dụ: Nếu vụ án chỉ có kháng cáo, kháng nghị về trách nhiệm dân sự thì phần nội dung vụ án về trách nhiệm hình sự chỉ đề cập lướt qua như là việc dẫn dắt hoặc là tiền đề của trách nhiệm dân sự mà không cần thiết nêu lại hoặc tóm tắt lại vụ án. Ngược lại, nếu vụ án chỉ có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị về trách nhiệm hình sự thì những vấn đề khác của bản án sơ thẩm không cần thiết phải tóm tắt trong phần “nhận thấy” của bản án hình sự phúc thẩm nếu như Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét toàn bộ vụ án.
Do vậy, trong phần “nhận thấy” chỉ viết tóm tắt những nội dung của vụ án có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc tuy không có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét.
- Ghi quyết định của bản án hình sự sơ thẩm:
Chỉ ghi đầy đủ, cụ thể những quyết định của bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, những quyết định không kháng cáo, kháng nghị thì không cần ghi, trừ trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét đến các quyết định khác không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Nếu Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét đến các quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị thì viết là “Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt các bị cáo khác…” hoặc “Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về việc bồi thường thiệt hại; xử lý vật chứng, án phí…” mà không cần phải viết lại các quyết định cụ thể này.
- Ghi nội dung kháng cáo, kháng nghị:
+ Nếu vụ án có kháng cáo thì ghi ngày, tháng, năm và nội dung kháng cáo.
Ví dụ: Ngày 02 tháng 06 năm 2013, bị cáo Nguyễn Văn A có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và giảm nhẹ mức bồi thường thiệt hại. Đây là nội dung chính của kháng cáo nên không cần thiết phải viết câu “với nội dung”.
+ Nếu vụ án bị kháng nghị thì ghi ngày, tháng, năm và nội dung của kháng nghị.
Ví dụ: Ngày 10 tháng 08 năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định có kháng nghị số 05/2013, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn A, giảm hình phạt đối với bị cáo Trần Thị C.
Trong trường hợp vừa có kháng cáo, vừa có kháng nghị thì phải ghi đầy đủ cả kháng cáo và kháng nghị. Nếu chỉ có kháng cáo hoặc kháng nghị thì chỉ ghi kháng cáo hoặc kháng nghị, tức là bỏ đi phần mẫu không sử dụng đến.
Chú ý: + Nếu tại phiên tòa có việc rút kháng cáo, kháng nghị thì viết tiếp việc rút kháng cáo, kháng nghị đó.
Ví dụ: Ngày 02 tháng 06 năm 2013, bị cáo Nguyễn Văn A có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm mức bồi thường. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn A xin rút yêu cầu giảm nhẹ bồi thường thiệt hại.
Hoặc: Tại phiên tòa, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị đối với bị cáo Nguyễn Văn A và Trần Thị C.
+ Tùy từng trường hợp cụ thể, việc rút kháng cáo, kháng nghị có thể viết tiếp hoặc không cần viết tiếp như nêu trên. Chẳng hạn, nếu vụ án chỉ có kháng cáo của bị cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, thì nếu tại phiên tòa bị cáo rút toàn bộ kháng cáo thì vụ án được đình chỉ xét xử phúc thẩm và bằng quyết định đình chỉ việc rút kháng cáo đó chỉ cần ghi trong biên bản phiên tòa (Tòa án cấp phúc thẩm không ra bản án). Do đó chỉ viết tiếp phần rút kháng cáo, kháng nghị trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xét xử vụ án (rút một phần kháng cáo, kháng nghị, rút kháng cáo nhưng không rút kháng nghị hoặc ngược lại…).
+ Về câu “Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác”.
Đây là câu mẫu trong trường hợp có đầy đủ những người tham gia tố tụng tại phiên tòa nên tùy từng trường hợp mà áp dụng cho phù hợp. Câu mẫu này giống như câu mẫu trong bản án hình sự sơ thẩm và cũng gây tranh luận về sự phù hợp hay không khi đặt câu này trong phần cuối của phần “nhận thấy”. Vấn đề này, chúng tôi đã nêu quan điểm trong phần viết bản án hình sự sơ thẩm nên không nêu lại.
III/ Viết phần xét thấy của bản án hình sự phúc thẩm.
Cũng như bản án hình sự sơ thẩm, phần “xét thấy” trong bản án hình sự phúc thẩm cũng là “cốt lõi” của bản án bởi đây là phần phân tích, đánh giá những vấn đề đã được xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa; đánh giá những tài liệu, chứng cứ mới tại Tòa án cấp phúc thẩm để xác định tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án hình sự sơ thẩm, đồng thời cũng là những đánh giá để chấp nhận một phần, chấp nhận toàn bộ hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Từ những nhận định đó, Hội đồng xét xử đưa ra hướng quyết định giải quyết kháng cáo, kháng nghị hoặc giải quyết cả những phần không có kháng cáo, kháng nghị. Chính vì vậy, các hướng giải quyết của Hội đồng xét xử khác nhau và cách viết phần “xét thấy” cũng không giống nhau. Chúng tôi xin nêu một số trường hợp sau đây.
1/ Viết phần “xét thấy” trong trường hợp chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.
Phần “xét thấy” phải phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Các tài liệu, chứng cứ này có thể do Tòa án cấp sơ thẩm chưa sử dụng hoặc đó là những tình tiết mới trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.
Ví dụ 1: Khi phạm tội bị cáo là người chưa thành niên nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng Điều 69 BLHS hoặc sau khi phạm tội bị cáo đã tự thú nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS. Hoặc sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Hoặc bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt…
Trong trường hợp này có thể viết như sau:
“…Khi phạm tội, bị cáo là người chưa thành niên, sau khi phạm tội đã tự thú, khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với bị cáo nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo và gia đình đã tích cực bồi thường thiệt hại cho người bị hại và người bị hại có đơn xin giảm nhẹ quy định tại các điểm b,o,p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 5 Điều 69 BLHS. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm cần phải áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đó và chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Ví dụ 2: Khi phạm tội, bị cáo tái phạm, phạm tội với trẻ em, phạm tội ở khung hình phạt nặng hơn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng các tình tiết quy định tại điểm g, h khoản 1 Điều 48 và khung hình phạt nặng hơn để xử phạt đối với bị cáo. Viện Kiểm sát kháng nghị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng khung hình phạt nặng hơn và tăng khung hình phạt đối với bị cáo.
Trong trường hợp này, nếu chấp nhận kháng nghị thì có thể viết như sau:
“…Bị cáo đã có một tiền án, chưa được xóa án tích, phạm tội lần này là tái phạm, bị cáo cướp tài sản của cháu Nguyễn Văn C. Khi cháu mới 15 tuổi 6 tháng là phạm tội đối với trẻ em, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác định đó là những tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm g,h khoản 1 Điều 48 BLHS nên không áp dụng. Mặt khác, khi phạm tội đối với cháu C, bị cáo đã sử dụng một con dao nhọn để đe dọa, uy hiếp cháu C. Đây là tình tiết quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 133 BLHS là không đúng pháp luật. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm cần chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát, áp dụng các tình tiết tăng nặng nêu trên, áp dụng khung hình phạt nặng hơn và tăng hình phạt đối với bị cáo”.
2/ Viết phần “xét thấy” trong trường hợp không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị
Khi viết phần “xét thấy” đối với trường hợp không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị cũng phải phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ hay nói cách khác là chứng minh lý do vì sao Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Để đưa ra được quyết định không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm phải đưa ra việc phân tích, đánh giá tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án sơ thẩm. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải xác định rõ “không có căn cứ” để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị.
“Không có căn cứ” là không có tình tiết mới trong quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm hoặc không có căn cứ nào để xác định bản án sơ thẩm không hợp pháp hoặc thiếu căn cứ. Cũng có thể có tình tiết mới nhưng tình tiết đó không đủ để chấp nhận kháng cáo. Chẳng hạn như bản án sơ thẩm buộc bồi thường thiệt hại 800 triệu đồng, nhưng sau khi xét xử, bị cáo mới bồi thường 1 triệu đồng.
Khi không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, phần xét thấy có thể viết như sau:
+ Không chấp nhận về hình phạt:
“Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo trình bày tại phiên tòa đều là những tình tiết mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng. Trong quá trình giải quyết vụ án phúc thẩm cũng như tại phiên tòa, bị cáo không đưa ra được những chứng cứ, tình tiết mới để giảm nhẹ TNHS cho mình. Bản án hình sự sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Cần giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.”
+ Không chấp nhận về bồi thường thiệt hại:
“Người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường 10 triệu đồng tiền tổn thất về tinh thần là quá thấp, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại về một số các chi phí cho kíp mổ cấp cứu, các chi phí bồi dưỡng cán bộ bệnh viện. Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào điểm 2.4 mục 2 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định mức bồi thường do tổn thất về tinh thần, tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Số tiền 10 triệu đồng tương ứng với 59 tháng lương tối thiểu ở thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm và đó là mức bồi thường sát với mức tối đa. Do đó, không có căn cứ để tăng mức bồi thường này. Đối với yêu cầu về các chi phí bồi dưỡng kíp mổ, bồi dưỡng cho cán bộ bệnh viện dù có là các chi phí thực tế nhưng đó là các tiêu cực, không đúng pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ. Do đó, yêu cầu kháng cáo của người bị hại không có căn cứ chấp nhận, cần giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm”.
3/ Viết phần “xét thấy” trong trường hợp hủy bản án hình sự sơ thẩm
3.1/ Trường hợp hủy toàn bộ bản án sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 250 BLTTHS thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại. Để ra được quyết định  hủy nào cho đúng thì bản án phúc thẩm phải đánh giá, nhận định đầy đủ, chính xác, do đó cách viết phần “xét thấy” của hai trường hợp hủy bản án sơ thẩm cũng không giống nhau.
a/ Viết phần “xét thấy” trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại: Đây là trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
Ví dụ: Cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự mà trách nhiệm đó lại liên quan trực tiếp đến việc định tội, định khung hình phạt. Hoặc việc điều tra chưa đầy đủ về các tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án, dẫn đến việc kết tội hoặc không kết tội không đầy đủ chứng cứ.
b/ Viết phần “xét thấy” trong trường hợp hủy bản án để xét xử lại:
- Đây là những trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như thành phần Hội đồng xét xử không đúng luật định (xét xử đối với người chưa thành niên, xét xử đối với bị cáo bị truy tố, xét xử theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình); không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự như không chỉ định luật sư, không đảm bảo quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, không từ chối tiến hành tố tụng trong trường hợp phải từ chối…
Các vi phạm nghiêm trọng về tố tụng không chỉ của Tòa án mà còn có thể là của cơ quan điều tra, truy tố nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không phát hiện được hoặc “bỏ qua”. Vi phạm nghiêm trọng tố tụng được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/08/2010 của VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
- Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại trong trường hợp người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.
Các trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại thì khi xét xử lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đều phải thành lập Hội đồng xét xử mới. Tùy từng trường hợp cụ thể, phần “xét thấy” phân tích, đánh giá, nhận định để quyết định việc hủy bản án sơ thẩm.
Ví dụ: Các bị cáo phạm tội khi chưa đến tuổi thành niên và khi xét xử vụ án họ cũng vẫn là người chưa thành niên, nhưng thành phần Hội đồng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm không đúng với quy định tại Điều 307 BLTTHS, Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập gia đình bị cáo. Đây là những vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm. Bản án hình sự phúc thẩm có thể viết phần “xét thấy” như sau:
“Khi phạm tội và khi bị xét xử sơ thẩm, các bị cáo đều là người chưa thành niên nên theo quy định tại khoản 3 Điều 306 và Điều 307 BLTTHS thì Tòa án cấp sơ thẩm phải triệu tập đại diện gia đình bị cáo và phải có mặt đại diện gia đình bị cáo tại phiên tòa, đồng thời thành phần Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tòa án cấp sơ thẩm đã không thực hiện các quy định tố tụng này là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo. Vì vậy, cần hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại với thành phần Hội đồng xét xử khác”.
3.2/ Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
* Hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án:
Đây là trường hợp mà Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ quy định tại điểm 1 hoặc 2 Điều 107 BLTTHS. Cụ thể là:
+ Không có sự việc phạm tội.
+ Hành vi không cấu thành tội phạm.
Khi viết phần “xét thấy” đối với hai trường hợp này thì phải phân tích, chứng minh bằng những tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra, đánh giá tại phiên tòa phúc thẩm và đó là những căn cứ để bác bỏ lập luận kết tội của bản án sơ thẩm (tương tự như trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm bác bỏ việc truy tố của Viện Kiểm sát và tuyên bố bị cáo không có tội).
* Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án:
Đây là những trường hợp mà Tòa án cấp phúc thẩm có các căn cứ quy định tại các điểm 3,4,5,6 và 7 Điều 107 BLTTHS. Cụ thể là:
“3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.”
Khi viết phần “xét thấy” đối với những trường hợp nêu trên cần, viện dẫn cụ thể căn cứ để hủy bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ vụ án.
Ví dụ: Bị cáo Nguyễn Văn B bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản theo điểm a khoản 2 Điều 135 BLHS. Nhưng hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo B và các bị cáo khác không có sự phân công, cấu kết chặt chẽ khi thực hiện tội phạm nên chưa có các căn cứ để xác định các bị cáo phạm tội có tổ chức theo điểm a, khoản 2 Điều 135 BLHS. Do đó, hành vi của bị cáo chỉ phạm vào khoản 1 Điều 135 BLHS và đó là tội ít nghiêm trọng . Khi phạm tội, bị cáo Nguyễn Văn B chưa đủ 16 tuổi. Theo quy định tại Điều 12 BLHS thì bị cáo B không phải chịu TNHS về tội phạm ít nghiêm trọng, tức là tuy bị cáo đã thực hiên hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu TNHS. Vì vậy cần áp dụng khoản 3 Điều 107 BLTTHS để hủy quyết định của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn B và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Văn B và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Văn B.
IV/ Viết phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm
Khoản 2 Điều 248 BLTTHS quy định thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm là:
“a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
 b) Sửa bản án sơ thẩm;
 c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.”
- Tùy theo các trường hợp cụ thể để viết phần quyết định cho phù hợp.
Ví dụ 1: Nếu thuộc trường hợp của điểm a khoản 2 Điều 248 BLTTHS thì viết như sau:
Vì các lý lẽ trên,
Quyết định
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị H và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Áp dụng điểm … khoản … Điều …, điểm d, khoản 1 Điều 46, điểm k khoản 1 Điều 48 …
xử phạt: bị cáo Trần Thị H 04 (bốn) năm tù…
2. Bị cáo Trần Thị H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại, về xử lý vật chứng không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Ví dụ 2: Nếu thuộc trường hợp của điểm b khoản 2 Điều 248 BLTTHS thì viết như sau:
Vì các lẽ trên,
Quyết định
Căn cứ vào điểm b, khoản 2 Điều 248, khoản 3 Điều 249 BLTTHS
1. Sửa đổi một phần bản án sơ thẩm:
Áp dụng điểm…khoản…Điều…, điểm…khoản…Điều… của Bộ luật hình sự
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn K 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 04 (bốn) năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã K huyện M tỉnh H giám sát, giáo dục.
2. Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng và án phí hình sự, dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Ví dụ 3: Nếu thuộc trường hợp của điểm c khoản 2 Điều 248 BLTTHS thì viết như sau:
Vì các lẽ trên,
Quyết định
Căn cứ vào điểm c, khoản 2 Điều 248, khoản… Điều 250 BLTTHS
Hủy bản án sơ thẩm số 97/2013 ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Tòa án nhân dân tỉnh A. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh A để xét xử sơ thẩm lại với thành phần Hội đồng xét xử khác.
Hoặc: Hủy bản án sơ thẩm số 100/2013 ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Tòa án nhân dân thành phố H. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố H để điều tra lại theo thủ tục chung.
Ví dụ 4: Nếu thuộc trường hợp của điểm d khoản 2 Điều 248 BLTTHS thì viết như sau:
Vì các lý lẽ trên,
Quyết định
Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 248, Điều 251 BLTTHS
Hủy bản án sơ thẩm số 18/2013 ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Tòa án nhân dân huyện A. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn T không có tội. Đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Văn T.
(Cách tuyên về các vấn đề khác đối với người không có tội tương tự như bản bán hình sự sơ thẩm khi tuyên bố đối với người không có tội).
Hoặc: Hủy bản án sơ thẩm số 12/2013 ngày 15 tháng 02 năm 2013 của Tòa án nhân dân huyện B và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Thị K.
( Đây là những trường hợp hủy và đình chỉ vụ án theo quy định tại các điểm 3,4,5,6 và 7 Điều 107 BLTTHS).
Chú ý:
+ Trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo và các bị cáo bị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng các điều luật khác nhau, giải quyết khác nhau thì việc quyết định phải áp dụng (viện dẫn) các điều luật đối với từng bị cáo. Chẳng hạn, trong vụ án có 03 bị cáo kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của 01 bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của 01 bị cáo và hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án đối với 01 bị cáo, thì phải căn cứ vào các điểm tương ứng của khoản 2 Điều 248 BLTTHS, áp dụng các điểm, khoản, điều của BLHS đối với từng bị cáo.
+ Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại thì trong phần “xét thấy” hoặc trong phần quyết định của bản án phúc thẩm không được quyết định trước về chứng cứ, về điều, khoản của BLHS và về hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm phải áp dụng.
+ Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
+ Chú ý: Mặc dù theo mẫu 2đ và hướng dẫn thi hành sử dụng mẫu này ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không hướng dẫn về việc tuyên án trong trường hợp bị cáo bị giữ nguyên hình phạt tử hình hoặc bị Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đến mức tử hình thì có tuyên quyền của bị cáo được làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình không nhưng theo chúng tôi, căn cứ vào khoản 1 Điều 258 BLTTHS thì:
“Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”.
Như vậy đây là quyền của bị cáo bị kết án tử hình và quyền đó được thực hiện không chỉ ở Tòa án cấp sơ thẩm khi bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị mà còn được thực hiện đối với bản án phúc thẩm (có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án). Do đó, để bị cáo biết và thực hiện quyền hết sức quan trọng này, bản án phúc thẩm vẫn phải và buộc phải tuyên câu: “Trong thời hạn bày ngày, kể từ ngày tuyên án, bị cáo có quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước”. 
V/ Ký và giao bản án hình sự phúc thẩm
Bản án hình sự phúc thẩm cũng có bản án gốc và bản án chính như bản án hình sự sơ thẩm.
- Bản án gốc là bản án được Hội đồng xét xử thông qua tại phòng nghị án và đã có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử.
- Bản án chính là bản án được sao từ bản án gốc và Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và đóng dấu của Tòa án. Bản án chính được giao theo quy định tại Điều 254 BLTTHS.
- Bản án gốc được lưu trong hồ sơ vụ án.

Nguyễn Quang Lộc - Nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Nhận xét

  1. An ninh ở Mỹ khá tốt nhưng cũng có những khu vực du khách book vé máy bay qua Mỹ không nên lai vãng. Tốt nhất là bạn nên tham khảo nhân viên khách sạn hoặc cảnh sát địa phương để biết khu vực nào cần tránh.

    Ngoài ra,đi tour Mỹ Tết bạn cũng nên chú ý đến các loại giấy tờ cần được photocopy ra một bản riêng để phòng khi mất thì có cơ sở xin lại. Xem thêm: vé máy bay đi Chicago giá rẻ .

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự