Những vẫn để lý luận và thực tiễn về việc xét hỏi của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự

Những vẫn để lý luận và thực tiễn về việc xét hỏi của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự
-----------------------------------------------------------
Đinh Văn Quế
Xét hỏi tại phiên toà mà nhiều người quen gọi là “thẩm vấn”. Xét hỏi tại phiên toà là một phần (một giai đoạn) của quá trình xét xử một vụ án hình sự, trong đó Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải kiểm tra các chứng cứ, kết luận điều tra, bản cáo trạng một cách công khai về những tình tiết của vụ án. Trong giai đoạn xét hỏi tại phiên toà, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải trực tiếp xét hỏi bị cáo, người bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, nghe kết luận của người giám định, xem xét xác vật chứng, đọc biên bản, công bố lời khai, công bố các tài liệu, xem xét tại chỗ... áp dụng các biện pháp được Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, nhằm xác định sự thật của vụ án, đồng thời loại bỏ những tình tiết không liên quan đến vụ án.
Xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật vụ án, có thể những câu hỏi và những câu trả lời tại phiên toà không khác với những câu hỏi và câu trả lời ở giai đoạn điều tra, nhưng nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng ở chỗ: Việc hỏi và trả lời được diễn ra công khai, nó là hình thức kiểm nghiệm kết quả điều tra của Cơ quan điều tra. Ngoài việc xét hỏi, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự còn xem xét vật chứng, xem xét hiện trường xảy ra vụ án và những nơi khác, công bố các tại liệu v.v...Cũng chính vì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự còn có những hoạt động khác ngoài việc xét hỏi nên nhiều ý kiến cho rằng chương XX Bộ luật tố tụng hình sự nên có tiêu đề là: “Thủ tục điều tra xét hỏi tại phiên toà”. ý kiến này theo chúng tôi là hợp lý và nó phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự về căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đó là: “Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ”.
Như vậy, xét hỏi tại phiên toà là một hoạt động tố tụng rất quan trọng, nếu bỏ qua giai đoạn này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ khi có Nghị quyết Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp thì vấn đề xét hỏi tại phiên toà hình sự lại càng được quan tâm hơn, đặc biệt đối với vai trò của Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp là: “Bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”.
Như vậy, vấn đề tranh tụng tại phiên toà hình sự vừa là một trong những nội dung rất quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, vừa là một vấn đề có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Tranh tụng tại phiên toà hình sự không chỉ là yêu cầu của việc bảo đảm tính dân chủ, công bằng giữa những người tham gia tố tụng với Viện kiểm sát, mà kết quả của việc tranh tụng tại phiên toà còn là căn cứ để Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự xác định sự thật của vụ án.
Tranh tụng tại phiên toà hình sự ở nước ta chỉ là một trong những hoạt động tố tụng chứ không bao trùm lên toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự. Điều này hoàn toàn khác với “tố tụng tranh tụng” của một số nước trên thế giới. Tranh tụng tại phiên toà nhưng vẫn giữ được bản chất của “tố tụng xét hỏi” trên cơ sở kết quả điều tra và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Mặc dù không phải là “tố tụng tranh tụng” nhưng tính chất tranh tụng tại phiên toà vẫn là sự tranh luận giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau như: giữa Kiểm sát viên với bị cáo và người bào chữa; giữa người bị hại với bị cáo và người bào chữa; trong một số trường hợp giữa Kiểm sát viên với người bị hại; giữa những người tham gia tố tụng với nhau.
Hội đồng xét xử không phải là người tham gia tranh tụng, mà chỉ là người tổ chức, điều khiển việc tranh tụng tại phiên toà giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau.
Với tinh thần “tranh tụng tại phiên toà” như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị đã để ra, thì vai trò của Kiểm sát viên tham gia phiên toà trong gia đoạn xét hỏi là đặc biệt quan trọng. Một phiên toà có thể hiện tính chất tranh tụng hay không phụ thuộc phàn lớn vào vai trò của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát tại phiên toà.

 Theo gợi ý của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại công văn số 13 ngày 4-11-2002, thì đại diện Viện kiểm sát  giữ quyền công tố tại phiên toà phải bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo tại phiên toà; chứng minh mọi luận điểm trong cáo trạng bằng việc chủ động xét hỏi, thẩm vấn, đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết từng sự việc của vụ án. Với tinh thần này, trong quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1989 về trình tự xét hỏi theo hướng: “Khi xét hỏi từng người, Kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bào chữa... Hội đồng xét xử chỉ hỏi thêm những vẫn đề chưa rõ”. Tuy nhiên, trong qua trình thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, để tránh việc hiểu không đúng bản chất tố tụng của nước ta vẫn là tố tụng thẩm vấn nên Quốc hội đã giữ nguyên nội dung Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và quy định lại tại Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là: “khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà là người hỏi trước rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa...”. Mặc dù về trình tự xét xử Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn quy định như Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 nhưng không vì thế mà cho rằng vai trò của Kiểm sát viên tham gia phiên toà không cần phải thay đổi. Thực ra, ngay quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 cũng đã xác định nhiệm vụ của Kiểm sát viên tham gia phiên toà là phải đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết từng sự việc của vụ án, nhưng thực tiễn xét xử Kiểm sát viên không chủ động xét hỏi mà chờ chủ toạ phiên toà nhắc mới hỏi và cũng chỉ hỏi có tính chất bổ sung còn việc hỏi để chứng minh tội phạm và làm sáng tỏ đầy đủ các tình tiết của vụ án vẫn do chủ toạ phiên toà thực hiện. Cho dù Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vẫn quy định thứ tự xét hỏi như cũ nhưng điều đó mới chỉ nói nên thứ tự trước sau của quá trình xét hỏi, còn điều quan trọng hơn đó là nội dung của việc xét hỏi như thế nào. Với tinh thần “tranh tụng tại phiên toà” như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị đã để ra, chúng tôi thấy các nội dung gợi ý của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại công văn số 13 ngày 4-11-2002 vẫn còn nguyên giá trị, và cũng chỉ thực hiện nghiêm túc các gợi ý đó thì phiên toà hình sự mới bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, và việc phán quyết của Toà án mới căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị đã để ra.
Để việc xét hỏi tại phiên toà đúng với tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 Bộ chính trị đã để ra, Kiểm sát viên tham gia phiên toà phải là người kiểm sát thật chặt chẽ hoạt động điều tra của Điều tra viên trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.; dự kiến xác tình huống có thể xảy ra tại phiên toà, vì hơn ai hết, trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên đã nắm chắc được các tình tiết của vụ án, những hạn chế của công tác điều tra, những khiếm khuyết không thể khắc phục trong quá trình điều tra, thái độ khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Nói chung, Kiểm sát viên cần có một bản đề cương xét hỏi, nhất là đối với các vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, bị truy tố về nhiều tội khác nhau; nội dung xét hỏi đối với từng người tham gia tố tụng khác nhau cũng phải được chuẩn bị, hỏi ai trước, hỏi tình tiết nào trước, và đặc biệt là phải chú ý theo dõi Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự xét hỏi, trên cơ sở đó mà Kiểm sát viên có thể đặt câu hỏi thêm, tránh tình trạng cũng một vấn đề Hội đồng hoặc người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đã hỏi, người được hỏi đã trả lời đầy đủ, rõ ràng nhưng Kiểm sát viên vẫn hỏi lại. Khi xét hỏi từng người cần chú ý một sô vấn đề sau:
Đối với bị cáo
Khi hỏi bị cáo, phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì Kiểm sát viên phải đề nghị chủ toạ phiên toà phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi với bị cáo đó để Kiểm sát viên hỏi chứ bị cáo không trực tiếp hỏi bị cáo đã khai trước.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự, thì trước khi hỏi bị cáo, phải để bị cáo trình bày ý kiến của họ về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án, sau đó mới hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc còn mâu thuẫn. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử rất ít khi để bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án, vì sợ rằng làm như vậy sẽ mất thời gian, có bị cáo cầm bản cáo trạng trong tay đọc từng đoạn rồi có ý kiến về những tình tiết mà bản cáo trạng nêu có khi hàng giờ đồng hồ, nếu cứ để bị cáo trình bày theo ý của họ thì có khi cả buổi cũng không xong. Do đó, chủ toạ phiên toà thường đặt câu hỏi ngay đối với bị cáo khi bắt đầu việc xét hỏi, nếu có bị cáo nào muốn trình bày quan điểm của mình về bản cáo trạng thì thường được giải thích rằng: “bị cáo trả lời thẳng vào câu hỏi của toà, còn những vấn đề cần trình bày sẽ được trình bày trong phần tranh luận”. Vì vậy, có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định bị cáo trình bày ý kiến đồng ý hay không đồng ý điểm nào của bản cáo trạng như về tội danh, điều luật mà Viện kiểm sát truy tố và áp dụng, còn các tình tiết của vụ án thì bị cáo sẽ trình bày trong quá trình xét hỏi.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo. Đây là quy định mới và là quy định rất quan trọng đối với Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Việc nhà làm luật quy định Kiểm sát viên không chỉ hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội mà còn pải hỏi cả những tình tiết liên quan đến việc gỡ tội là thể hiện bản chất tố tụng hình sự của nước ta là tố tụng “thẩm vấn” và nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” là mục đích tối thượng của tố tụng Nhà nước. Bởi vì, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Kiểm sát viên được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong lời luận tội của Kiểm sát viên cũng không chỉ nêu các chứa chấp buộc tội bị cáo mà còn phải nêu cac chứng cứ gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Nếu sau khi xét hỏi mà chứng minh bị cáo không phạm tội thì Kiểm sát viên còn phải rút quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ vụ án.
Kiểm sát viên cần chú ý theo dõi những câu hỏi và những câu trả lời đã được Hội đồng xét xử, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hỏi rồi hoặc câu hỏi đó có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật điều tra hoặc ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục, thì đề nghị chủ toạ phiên toà yêu cầu người đặt câu hỏi, hỏi câu khác hoặc yêu cầu người trả lời không phải trả lời.
Trong trường hợp bị cáo không trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc lời khai của bị cáo tại phiên toà mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan điều tra thì đề nghị Hội đồng xét xử hoặc tự mình công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra.
Trong quá trình xét hỏi bị cáo, có thể kết hợp hỏi những người tham gia tố tụng khác hoặc bị cáo khác để làm rõ hành vi của bị cáo đang được hỏi, thứ tự xét hỏi bị cáo cũng theo thứ tự như quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng không nhất thiết người này hỏi xong mới tới người khác mà có thể phối hợp khi xét hỏi.
Hiện nay việc xưng hô với bị cáo tại phiên toà không theo một quy định thống nhất, có người gọi bị cáo là anh, chị, ông, bà, cô, chú hoặc cháu (nếu bị cáo là trẻ em). Vậy xưng hô như thế nào cho đúng? Đây là vấn đề có liên quan đến văn hoá phiên toà trong cách xưng hô, nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên qua thực tiễn xét xử, theo chúng tôi gọi bị cáo là đúng hơn cả vì xưng hô như vậy vừa đúng với tư cách bị cáo vừa bảo đảm tính thống nhất trong phiên toà, lại vừa có văn hoá. Ví dụ: Chủ toạ phiên toà hỏi: “bị cáo Nguyễn Văn H khai cho Hội đồng xét xử biết ngày 1-2-2004 bị cáo làm gì ở đâu ?” hoặc bị cáo có đưa tiền cho ông Trần Quang Kh không ? v.v... Vậy bị cáo xưng hô với người hỏi như thế nào ? Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau mà trung tâm của sự tranh cãi là tại phiên toà xét xử vụ án Trương Văn Cam ( Năm Cam) của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; khi bị cáo xưng “tôi” với Hội đồng xét xử và những người tham gia xét xử thì bị nhắc là không được xưng tôi mà phải xưng là bị cáo.  Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định, các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn, nhưng theo chúng tôi, bị cáo có thể xưng “tôi” với người hỏi, bởi vì “tôi” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, còn “bị cáo” chỉ là danh từ chung không thể đổi chỗ cho nhau được.Việc xưng hô tại phiên toà không chỉ là biểu hiện văn hoá pháp luật, mà còn phải bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt.
Việc xét hỏi bị cáo tại phiên toà sao cho bảo đảm dân chủ, khách quan, công minh, không thể hiện ý thức chủ quan của người hỏi là một yêu cầu của tố tụng thẩm vấn. Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp khi xét hỏi bị cáo đã định kiến sẵn hoặc theo hướng buộc tội hoặc theo hướng gỡ tội, thông qua việc xét hỏi những người dự phiên toà biết trước Hội đồng xét xử sẽ ra bản án như thế nào đối với bị cáo. Khoa học pháp lý coi việc xét hỏi tại phiên toà là một nghệ thuật, đòi hỏi người hỏi phải khách quan, không thành kiến hoặc định kiến trước, không truy trụp hoặc đặt câu hỏi theo kiểu bức cung hoặc mớm cung, không giải thích hoặc giáo dục bị cáo theo kiểu mớm cung như: nếu nhận tội thì được giảm nhẹ hình phạt.
 Đối với người bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó.
Việc xét hỏi người bị thiệt hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó theo quy đinh tại Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự, thì để những người này trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó Kiểm sát viên hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đủ hoặc có mâu thuẫn. Như vậy, tại phiên toà những người này trình bày là chính còn chỉ hỏi khi thấy cần thiết.
Khi hỏi thêm những người trên, sau khi họ đã trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ, cần chú ý hỏi nguyên đơn dân sự xem họ có yêu cầu bồi thường thiệt hại không, nếu việc yêu cầu đó không được thực hiện bằng văn bản thì Hội đồng xét xử phải yêu cầu họ cung cấp văn bản, vì theo quy định tại Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan họ vừa là người làm chứng quan trọng của vụ án thì cần phải hỏi kỹ các tình tiết có liên quan đến trách nhiệm hình sự của bị cáo
Đối với người làm chứng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự thì phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó. Theo quy định này thì việc cách ly người làm chứng là một việc làm bắt buộc, nhưng theo quy định taị khoản 2 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ quy định Hội đồng xét xử có thể quyết định những biện pháp để cho người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với người có liên quan. Thực tiễn xét xử cho thấy hầu như các Toà án thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự về việc cách ly người làm chứng mà thường để những người làm chứng ngồi luôn trong phòng xử án, người làm chứng này nghe được lời khai của người làm chứng khác, thậm chí khi lời khai của người làm chứng này mâu thuẫn với lời khai của người làm chứng khác còn tiến hành đối chất giữa những người làm chứng. Mặt khác, phòng xử án và trang thiết bị của các Toà án hiện nay cũng không có đủ điều kiện để cách ly người làm chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, theo chúng tôi chỉ cần cách ly người làm chứng trong những trường hợp cần thiết như quy định tại khoản 2 Điều 204 và đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự cho phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 204.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi hỏi người l�m chứng, phải hỏi rõ quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Kiểm sát viên yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết vụ án mà họ biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Cũng như đối với việc hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, nếu người làm chứng không trả lời hoặc không khai tại phiên toà thì Kiểm sát viên tự mình hoặc yêu cầu chủ toạ phiên toà có thể công bố lời khai của họ tại Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự, người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 308 Bộ luật hình sự về tội từ chối khai báo, nếu khai gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 307 Bộ luật hình sự về tội khai báo gian dối. Vì vậy, cần giải thích cho họ về quyền và nghĩa vụ trước khi hỏi để người làm chứng thấy được trách nhiệm của mình khi tham gia phiên toà.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên thì có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thấy cô giáo giúp đỡ để hỏi. Thực tiễn xét xử cho thấy, người làm chứng không phải bao giờ cũng là người đã thành niên mà không ít trường hợp họ là người chưa thành niên, nhưng người chưa thành niên ở vào độ tuổi từ 16 trở lên có thể không cần phải có người giúp đỡ để hỏi mà chủ yếu là những người ở độ tuổi từ dưới 16 tuổi, nhất là đối với những em nhỏ dưới 13 tuổi thì việc cần phải có sự giúp đỡ của cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy cô giáo là rất cần thiết. Tuy nhiên, những người này chỉ giúp người làm chứng khai báo tại phiên toà chứ không thể khai thay người làm chứng được. Đối với người làm chứng là người có nhược điểm về thể chất nhưng vẫn có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án, nhưng vì không có khả năng tự mình khai báo về những tình tiết của vụ án. Ví dụ: Một người vừa câm vừa điếc và cũng là người làm chứng duy nhất nhìn thấy hành vi phạm tội của bị cáo, người này có thể thông qua người thân để trình bày bằng ký hiệu và người biết ký hiệu của người này sẽ “phiên dịch” lại. Vì vậy, theo chúng tôi khoản 3 Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đổi bổ sung theo hướng: “nếu người làm chứng là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi”.
Khi hỏi người làm chứng, Kiểm sát viên phải hỏi vì sao họ lại biết được tình tiết đó, nếu họ không trả lời được vì sao lại biết thì lời khai của người làm chứng đó không được dùng làm chứng cứ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi người làm chứng đã trình bày xong những tình tiết của vụ án thì ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm. Như vậy, trước khi hỏi người làm chứng thì người làm chứng không được có mặt trong phòng xử án. Vì vậy, trong phần mở đầu (phần thủ tục) phiên toà, sau khi chủ toạ phiên toà giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng thì Kiểm sát viên phải đề nghị chủ toạ phiên toà phải yêu cầu người làm chứng rời khỏi phòng xử án, khi nào có yêu cầu mới trở lại để khai về những tình tiết của vụ án, trong thời gian người làm chứng không có mặt tại phòng xét xử, Toà án phải bố trí phòng đợi (có thể gọi là phòng cách ly, nếu thấy cần cách ly) và không được để người làm chứng nghe thấy lời khai của bị cáo và người tham gia tố tụng khác, trước khi họ khai về những tình tiết của vụ án mà họ biết được.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự thì, trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng và những người thân thích của họ, Hội đồng xét xử phải quyết định thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mới so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, nhằm bảo đảm an toàn cho người làm chứng trong những trường hợp cần thiết. Với quy định này, Kiểm sát viên cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người làm chứng trong những trường hợp cần thiết.
Đối với người giám định
Người giám định có mặt tại phiên toà không phải là bắt buộc mà tuỳ từng trường hợp nếu xét thấy sự có mặt của người giám định tại phiên toà là cần thiết  nếu Toà án không triệu tập họ đến phiên toà, thì Kiểm sát viên đề nghị chủ tọa phiên toà cho triệu tập người giám định đến để xét hỏi. Việc hỏi người giám định tại phiên toà chỉ được tiến hành sau khi người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định, giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định và cũng chỉ được hỏi những gì còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định. Nếu người giám định vắng mặt và sự vắng mặt này không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án thì Kiểm sát viên tự mình hoặc đề nghị chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định. Việc công bố kết luận giám định trong trường hợp người giám định không có mặt tại phiên toà là bắt buộc.
Kiểm sát viên có quyền nhận xét về kết luận giám định và hỏi người giám định về những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định.
Tại phiên toà, sau khi nghe người giám định trình bày kết luận giám định, nghe người giám định giải thích bổ sung, nghe những người khác có ý kiến về kết luận giám định, nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trong trường hợp này thì phải hoãn phiên toà để giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Nếu có nhiều người giám định thì để từng người giám định trình bày kết luận giám định, Kiểm sát viên có thể hỏi thêm và có ý kiến về kết luận giám định của từng người, nếu kết luận giám định của các người giám định khác nhau hoặc mâu thuẫn với nhau thì không được để các người giám định tranh luận với nhau tại phiên toà về tính chính xác của kết luận giám định. Kiểm sát viên có quyền nhận xét về kết luận giám định của mỗi người.
Ngoài việc xét hỏi những người tham gia tố tụng, tuỳ từng trường hợp cụ thể Kiểm sát viên đề nghị hoặc cùng Hội đồng xét xử kết hợp xem xét những vật chứng có liên quan đến vụ án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự, thì vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên toà. Ví dụ: Khi bị cáo khai đã dùng chiếc dao nhọn Thái Lan có cán màu vàng để đe doạ chủ nhà nhằm chiếm đoạt tài sản, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ chiếc dao đó làm vật chứng của vụ án thì, chủ toạ phiên toà có thể lấy chiếc dao là vật chứng đó ra giơ cho bị cáo xem và hỏi bị cáo: “có phải bị cáo đã dùng chiếc dao này đe doạ chủ nhà không”, để bị cáo xác nhận. Nếu là vật chứng cồng kềnh không thể đưa đến phiên toà được, thì tuy trường hợp nếu xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử cùng với mình và những người tham gia phiên toà đến xem tại chỗ. Ví dụ: Để xác định vết xước sơn của thùng xe ô tô có phù hợp với vết sơn dính ở tay lái xe đạp không mà chiếc ôtô thì không thể đưa đến phiên toà được nên phải đến tận nơi cất giữ chiếc ôtô đó để xem xét. Trong quá trình xem xét vật chứng, Kiểm sát viên có quyền trình bày những nhận xét của mình về vật chứng. Việc xem xét phải được lập biên bản. Cùng với việc xem xét vật chứng, theo quy định tại Điều 213 Bộ luật tố tụng hình sự, thì trong quá trình xét hỏi nếu thấy cần thiết, Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử cùng với mình và những người tham gia tố tụng đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm (hiện trường) hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong biên bản phải ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành việc xem xét tại chỗ, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung những vấn đề được xem xét, những người tham gia việc xem xét, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của những người tham gia xem xét, những người này phải ký váo biên bản xem xét tại chỗ.
Vấn đề công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc xét hỏi tại phiên toà phải được thực hiện bằng việc hỏi và đáp. Tuy nhiên trong một số trường hợp người được hỏi vắng mặt tại phiên toà hoặc tuy họ có mặt nhưng việc khai báo có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra, thậm chí có trường hợp tại Cơ quan điều tra họ khai rất đầy đủ và cụ thể nhưng tại phiên toà họ không khai mà lặc thinh như người bị câm, mặc dù hỏi thế nào họ cũng không trả lời. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên tự mình hoặc đề nghị Hội đồng xét xử có công bố lời khai tại Cơ quan điều tra trong những trường hợp sau:
- Lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra;
- Người được xét hỏi không khai tại phiên toà;
- Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
Việc công bố lời khai của những người tham gia tố tụng tại Cơ quan điều tra đối với những người có mặt tại phiên toà chỉ được thực hiện sau khi đã hỏi nhưng họ không trả lời hoặc nội dung trả lời mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra. Kiểm sát viên không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại Cơ quan điều tra, trước khi họ khai tại phiên toà.
Sau khi công bố lời khai của những người tham gia tố tụng của những người có mặt tại phiên toà, Kiểm sát viên có thể hỏi vì sao lại có sự mâu thuẫn giữa lời khai tại Cơ quan điều tra với lời khai tại phiên toà, nhưng không bắt buộc người được hỏi phải trả lời lý do của sự mâu thuẫn đó. Thực tiễn xét xử nhiều trường hợp, sau khi công bố lời khai của những người tham gia tố tụng Kiểm sát viên thường truy xét bị cáo hoặc người tham gia tố tụng về sự mâu thuẫn của lời khai. Ví dụ: Tại Cơ quan điều tra, bị cáo nhận đã thực hiện hành vi giết người, nhưng tại phiên toà bị cáo lại chối tội và nại ra rằng bị cáo không giết người, Kiểm sát viên công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra rồi đưa biên bản ghi lời khai cho bị cáo xem và hỏi: “có phải chữ kỹ của bị cáo đây không ?” Sau khi bị cáo xác nhận đó là chữ ký của mình, Kiểm sát viên lại giải thích theo hướng buộc tội như: “lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra rất rõ ràng cụ thể, phù hợp với các tài liệu khác...tại phiên toà hôm nay bị cáo không nhận tội chứng tỏ bị cáo rất ngoan cố. v.v...” thậm chí có trường hợp, Kiểm sát viên còn quát nạt, đập bàn...Những hiện tượng này, sẽ làm cho tính khách quan, công minh, vô tư tại phiên toà không còn nữa, không chỉ gây không khí căng thẳng tại phiên toà mà còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong quá trình điều tra cũng như trong khi xét hỏi tại phiên toà, không chỉ có lời khai của người tham gia tố tụng mà còn có cả những tài liệu khác của vụ án, các nhận xét hoặc báo cáo của các cơ quan, tổ chức về vụ án hoặc về bị cáo và những người tham gia tố tụng. Các tài liệu này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự quy định các nhận xét, báo cáo của cơ quan hoặc tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó trình bày; trong trường hợp không có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó tham dự thì Hội đồng xét xử công bố nhận xét hoặc báo cáo tại phiên toà. Nếu Hội đồng xét xử không công bố thì Kiểm sát viên phải đề nghị công bố. Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên toà. Kiểm sát viên, có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.
Đây là quy định mà thực tiễn xét xử ít khi được các Toà án chú ý xem xét và thực hiện đúng. Các nhận xét, báo cáo của cơ quan hoặc tổ chức về những tình tiết của vụ án nếu như đại diện của họ không tham dự phiên toà rất ít khi được công bố. Tại phiên toà, nhiều trường hợp người bào chữa và những người tham gia tố tụng xuất trình những tài liệu mới có liên quan đến các tình tiết của vụ án nhưng không được công bố, trong số đó không ít tài liệu có giá trị chứng minh. Ví dụ: Bị cáo A bị truy tố về tội tham ô tài sản với số tiền tham ô là 120.000.000 đồng. Tại phiên toà bị cáo nộp một hoá đơn thu tiền có liên quan đến hành vi tham ô số tiền trên và nếu căn cứ vào hoá đơn thu tiền mà bị cáo nộp tại phiên toà thì số tiền mà bị cáo bị quy kết là tham ô đã được nhập vào quỹ của cơ quan. Nếu tài liệu này không được công bố tại phiên toà thì theo nguyên tắc, Hội đồng xét xử không được căn cứ vào tài liệu này để tuyên bố bị cáo không phạm tội vì tài liệu này không được thẩm tra tại phiên toà.
Sau khi đã xem xét đầy đủ các tình tiết của vụ án, nếu chủ tọa phiên tòa không hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên toà xem có ai yêu cầu xét hỏi thêm vấn đề gì nữa không, thì Kiểm sát viên phải đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi. Nếu có người yêu cầu và chủ toạ phiên toà xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì quyết định tiếp tục việc xét hỏi. Nếu không ai yêu cầu hoặc có yêu cầu nhưng chủ toạ phiên toà thấy yêu cầu đó là không cần thiết thì tuyên bố kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, chuyển sang phần tranh luận.
Tóm lại, trong quá trình cải cách tư pháp hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-6-2005  Bộ chính trị thì việc xét hỏi của Kiểm sát viên tham gia phiên toà hình sự giữ một vị trí rất quan trọng; Kiểm sát viên không chỉ trực tiếp xét hỏi mà còn kiểm sát việc xét hỏi của người khác nhằm bảo đảm việc truy tố đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự