Vấn đề tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ

Vấn đề tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ
--------------------------------------

 Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

Theo Điều 33 Bộ luật hình sự thì hình phạt tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định. Tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm. Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù và theo quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự thì hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng từ sáu tháng đến ba năm. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

Như vậy, hình phạt tù và hình phạt cải tạo không giam giữ là hai loại hình phạt khác nhau. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội vừa bị Toà án áp dụng hình phạt tù, vừa bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc người bị kết án có nhiều bản án, có bản án bị Toà án áp dụng hình phạt tù, có bản án bị Toà án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ. Gặp những trường hợp như vậy, Toà án phải tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ. Việc tổng hình phạt khác loại tuy đã được quy định tại Điều 50 và Điều 51 Bộ luật hình sự nhưng thực tiễn xét xử vẫn còn một số Toà án tổng hợp không đúng. Ví dụ: Nguyễn Văn Q bị Toà án cấp sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản, nhưng trước đó Nguyễn Văn Q còn bị Toà án phạt 3 năm cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc nhưng Q đã chấp hành được 18 tháng thì bị Toà án xét xử về tội trộm cắp. Vậy Toà án sẽ tổng hợp hình phạt tù với thời hình phạt cải tạo không giam giữ còn lại như thế nào, có tổng hợp hay không nếu tổng hợp thì thời hạn tù được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hay tính từ ngày bản án có hiệu lực ?

Việc tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp phạm nhiều tội những đều được kết án trong một bản án và trường hợp hình phạt tù và hình phạt cải tạo không giam giữ ở nhiều bản án khác nhau.

Trường hợp một người phạm nhiều tội và bị xét xử cùng một lần, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt. Nếu các hình phạt đã tuyên vừa là hình phạt cải tạo không giam giữ, vừa là hình phạt tù có thời hạn, thì Toà án chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung. Ví dụ: Phạm Quốc B bị truy tố về hai tội: Tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự và tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự. Cả hai tội này đều do Toà án xét xử một lần và phạt 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 2 năm cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc. Trong trường hợp này, Toà án chuyển đổi 2 năm cải tạo không giam giữ thành 8 tháng tù, rồi tổng hợp với 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, buộc Phạm Quốc B phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 2 năm 8 tháng tù.

Trong trường hợp một người đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này và bị phạt tù, thì Tòa án chuyển đổi phần hình phạt cải tạo không giam giữ chưa chấp hành thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù rồi tổng hợp với hình phạt tù thành hình phạt chung. Ví dụ: Trần Quyết T bị phạt 3 năm cải tạo không giam giữ về tội gây rối trật tự công cộng. Trần Quyết T đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì Cơ quan điều tra phát hiện trước khi thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, Trần Quyết T còn thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. Khi Toà án xét xử sơ thẩm về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý Trần Quyết T đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 1 năm. Toà án phạt Trần Quyết T 4 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và chuyển đổi 3 năm hình phạt cải tạo không giam giữ chưa chấp hành thành 12 tháng hình phạt tù, rồi tổng hợp với 4 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và buộc Trần Quyết T phải chấp hành hình phạt chung là 5 năm tù. Nhưng vì Trần Quốc T đã chấp hành được 1 năm hình phạt cải tạo không giam giữ bằng 4 tháng tù, nên đươc trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Do đó hình phạt chung mà Trần Quốc T phải chấp hành là 4 năm 8 tháng tù. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các Toà án trừ thời gian đã chấp hành hình phạt trước rồi mới tổng hợp sau. Tuy không liên quan đến vấn đề chúng tôi nêu trong bài viết này nhưng nếu hình phạt của các bản án tổng hợp lại là trên 30 năm tù thì sẽ gây thiệt hại cho người phạm tội. Ví dụ: A bị phạt 20 năm tù về tội giết người, A đã chấp hành được 10 năm và được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù 3 năm, như vậy thời hạn chấp hành hình phạt của A còn 7 năm. Trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù về tội giết người, Cơ quan điều tra lại phát hiện trước khi giết người, A còn thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma tuý, nên Viện kiểm sát đã truy tố A về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Khi xét xử Toà án phạt A 17 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý và tổng hợp với 7 năm tù về tội giết người mà A chưa chấp hành, buộc A phải chấp hành hình phạt chung là 24 năm tù. Nhưng nếu Toà án tổng hợp trước rồi mới trừ thời gian đã chấp hành hình phạt của A thì hình phạt chung mà A phải chấp hành tiếp chỉ là 17 năm (20+17=37 nhưng chỉ được tính là 30-13=17), vì theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự thì hình phạt chung khi tổng hợp không được quá 30 năm tù.

Trong trường hợp một người đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà lại phạm tội mới và bị phạt tù, thì Tòa án chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ chưa chấp hành thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù rồi tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này. Trường hợp này khác với trường hợp đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội phạm đã phạm trước khi có bản án này. Nếu hình phạt chung phải tiếp tục chấp hành là trên 30 năm tù thì người phạm tội vẫn phải chấp hành. (trừ trước tổng hợp sau), nhưng nó chỉ xảy ra khi hình phạt còn lại chưa chấp hành với hình phạt tù mà người phạm tội mới thực hiện tổng hợp lại là trên 30 năm tù.

Thực tiễn xét xử khi tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ của một bản án khác đang chấp với hình phạt tù của bản án mà Toà án đang xét xử, còn những quan điểm khác nhau về cách tính, cách chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù và thời hạn tù được tính từ khi nào ?

Ví dụ: Bùi Thanh H đang chấp hành hình phạt 3 năm cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc, H đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì Cơ quan điều tra phát hiện trước khi có bản án này, H còn phạm  tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; H không bị tạm giam về hành vi tổ chcứ sử dụng trái phép chất ma tuý; tính đến khi xét xử sơ thẩm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, H đã chấp hành 18 tháng hình phạt cải tạo không giam giữ. Toà án cấp sơ thẩm phạt Bùi Thanh H 5 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và chuyển đổi 18 tháng cải tạo không giam giữ mà H chưa chấp hành thành 6 tháng tù và tổng hợp với 4 năm tù, buộc Bùi Thanh H phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 4 năm 6 tháng tù, thời hạn tù được tính từ ngày bắt thi hành án. Sau khi xét xử sơ thẩm, Bùi Thanh H kháng cáo xin giảm hình phạt. Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Bùi Thanh H và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vấn đề dặt ra là, khi xét xử sơ thẩm Toà án cấp sơ thẩm chuyển ngay hình phạt cải tạo không giam giữ mà bị cáo chưa chấp hành thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt tù mà Toà án đang xét xử để buộc bị cáo phải chấp hình phạt chung cho cả hai bản án có đúng không ?

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà phạm tội mới hoặc bị phát hiện trước khi bị kết án họ còn phạm một tội khác mà người phạm tội không bị tạm giam về hành vi phạm tội mới hoặc tội phạm trước đó thì khi xét xử Toà án cấp sơ thẩm cũng như Toà án cấp phúc thẩm không tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù, mà việc tổng hợp sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Bộ luật hình sự, bởi lẽ: Nếu Toà án cấp sơ thẩm chuyển thời gian chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù ngay khi xét xử sơ thẩm thì chưa bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo, vì sau khi xét xử sơ thẩm, bản án của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nếu có kháng cáo, kháng nghị; thời gian từ khi xét xử sơ thẩm đến khi xét xử phúc thẩm vẫn là thời gian bị cáo chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì bị cáo chưa bị bắt giam và bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; khi xét xử phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm bắt bị cáo ngay sau khi tuyên án thì Toà án cấp phúc thẩm chuyển thời gian chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, thời gian chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ khi xét xử phúc thẩm, nhưng nếu Toà án cấp phúc thẩm không bắt bị cáo ngay sau khi tuyên án thì Toà án cấp phúc thẩm không được chuyển thời gian chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt theo Điều 51 Bộ luật hình sự. Việc tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ được thực hiện khi Chánh án Toà án ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án. Nếu trong thời gian người bị kết án tại ngoại và đến khi người bị kết án phải đi chấp hành hình phạt mà hình phạt cải tạo không giam giữ đã hết thì Chánh án Toà án ra quyết định thi hành án không phải tổng hợp nữa mà chỉ ra quyết định thi hành bản án mà người bị kết án bị phạt tù.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Điều 50 và Điều 51 Bộ luật hình sự đều quy định: “Khi xét xử…” là Toà án phải tổng hợp hình phạt. Việc tổng hợp hình phạt khác loại cũng đã được quy định cụ thể ở hai điều luật này. Vì vậy, không có lý do gì mà khi xét xử Toà án lại không tổng hợp hình phạt tù với hình phạt cải tạo không giam giữ. Vấn đề là ở chỗ cần lý giải như thế nào và vì sao Bộ luật hình sự lại quy định khi xét xử Toà án lại phải tổng hợp ngay hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù. Chúng tôi đồng ý với quan điểm này và phân tích một số căn cứ cả về lý luận và thực tiễn để chứng minh cho quan điểm này là đúng.

Nhà làm luật quy định, khi xét xử nếu người bị kết án đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì Toà án phải chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt tù của bản án mà Toà án đang xét xử, dù hành vi phạm tội trước hay sau khi có bản án kết án người phạm tội về hình phạt cải tạo không giam giữ.

Nếu người phạm tội đang cháp hành hình phạt cải tạo không giam giữ mà lại phạm tội mới và tội mới này lại là tội bị phạt tù thì chứng tỏ việc người phạm tội được Toà án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trước đây đối với họ là không có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm ( mục đích của hình phạt không đạt được).

Nếu người phạm tội đã bị kết án về một tội và bị phạt cải tạo không giam giữ, nhưng phát hiện trước đó họ còn phạm một tội khác mà tội phạm này đáng bị phạt tù thì cũng chứng tỏ bản án mà Toà án đã áp hình phạt cải tạo không giam giữ là chưa thoả đáng.

Như vậy, việc Toà án chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt tù của bản án mà Toà án đang xét xử không chỉ bảo đảm đúng pháp luật mà còn thể hiện thái độ của Nhà nước đối với người phạm tội, phản ảnh đúng bản chất của hành vi phạm tội.

Khi xét xử, tức là vào thời điểm ra bản án sơ thẩm cũng như thời điểm ra bản án phúc thẩm, Toà án phải chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt tù của bản án mà Toà án đang xét xử là bắt buộc đối với Toà án, nếu Toà án không chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù và tổng hợp với hình phạt tù của bản án mà Toà án đang xét xử là trái với quy định tại Điều 50 và Điều 51 Bộ luật hình sự.

Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ với hình phạt tù, tức là sau khi tuyên án sơ thẩm không còn hình phạt cải tạo không giam giữ nữa, mặc dù bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nhưng không có nghĩa là bị cáo vẫn đang tiếp tục chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm quyết định đối với bị cáo là hình phạt tù ( gồm hình phạt tù của tội phạm bị xét xử với hình phạt tù được chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ ). Như vậy, tính đến thời điểm tuyên án sơ thẩm về mặt pháp lý người phạm tội không còn hình phạt cải tạo không giam giữ và đương nhiên không còn việc tiếp tục chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu bị cáo kháng cáo thì kháng cáo mức hình phạt tù của tội phạm mới bị xét xử và việc chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù cũng như việc tổng hợp hình phạt chứ không có quyền kháng cáo về hình phạt cải tạo không giam giữ của bản án trước. Tuy nhiên, nếu Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc miễn hình phạt hoặc áp dụng hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền về hành vi mà Toà án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo thì đương nhiên hình phạt cải tạo không giam giữ trước của bị cáo vấn còn và thời gian từ khi xét xử sơ thẩm đến khi Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội được tính vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Về lý thuyết, Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cho bị cáo được hưởng án treo về tội mới, nhưng theo chúng tôi trong trường hợp này Toà án cấp phúc thẩm không nên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cho bị cáo hưởng án treo về tội mới nữa, vì như vậy không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mục đích của hình phạt không đạt được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự