Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
--------------------------------------
Thạc sỹ: Đinh Văn Quế
Quyết định hình phạt là việc Toà án lựa chọn hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành. Toà án lựa chọn loại hình phạt nào, mức phạt bao nhiêu, phải tuân theo những quy định của Bộ luật hình sự.
Quyết định hình phạt là hoạt động tư duy của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ngay sau khi đã xác định tội danh đối với hành vi phạm tội, nếu định tội là tiền đề, là cơ sở cho việc quyết định hình phạt, thì quyết định hình phạt là kết quả cuối cùng của hoạt động xét xử. Quyết định hình phạt chính xác có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động xét xử của Toà án. Để quyết định hình phạt chính xác, đúng pháp luật, ngoài việc định tội chính xác, Toà án còn phải tuân theo những nguyên tắc, những căn cứ về quyết định hình phạt đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Ngoài ra, Toà án còn phải xem xét cân nhắc đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương, yêu cầu của việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các yếu tố khác có liên quan đến việc quyết định hình phạt.
Cũng như đối với người phạm tội đã thành niên, khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án cũng phải căn cứ vào vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. (Điều 45 Bộ luật hình sự)
1. Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, tức là phải căn cứ vào các quy định của cả phần chung và phần các tội phạm của Bộ luật hình sự có liên quan đến tội phạm mà người bị kết án đã phạm. Vì vậy, chỉ quyết định hình phạt khi đã có đủ căn cứ xác định một người đã phạm vào một tội mà Bộ luật hình sự quy định, tức là phải định tội trước rồi mới quyết định hình phạt sau. Khi đã xác định được tội danh cho mọt hành vi phạm tội, thì phải xác định tội phạm đó được quy định ở điều khoản nào của Bộ luật hình sự, từ đó đối chiếu với các quy định của phần chung và phần tội phạm xem có những quy định nào có liên quan đến tội phạm do người bị kết án thực hiện hay không ? Ví dụ: Khi đã xác định Nguyễn Công H 17 tuổi, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự, khi quyết định hình phạt Toà án phải căn cứ vào Điều 20 Bộ luật hình sự quy định về phạm tội có tổ chức để xác định vai trò của Nguyễn Công H trong vụ án là người tổ chức, người thực hành, người xúi dục hay người giúp sức, đồng thời phải căn cứ vào Điều 53 Bộ luật hình sự quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.
Đối với người chưa thành niên phạm tội ngoài các quy định của Bộ luật hình sự như đối với người đã thành niên, thì còn phải căn cứ vào các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội tại Chương X (từ Điều 68 đến Điều 77 Bộ luật hình sự ).
Theo quy định tại Chương X của Bộ luật hình sự thì khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội Toà án cần chú ý môt số vấn đề sau:
Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó nếu có phải áp dụng hình phạt đối với họ cũng chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Nguyên tắc này đòi hỏi Toà án phải lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt sao cho thể hiện được yêu cầu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội
Căn cứ để áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là tính chất của hành vi phạm tội, những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa. Cần chú ý là yêu cầu của việc "phòng ngừa" chứ không phải yêu cầu của việc "chống" tội phạm.
Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp (không phải là hình phạt) như: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng hoặc đưa vào trường giáo dưỡng từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn do Toà án quyết định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng.
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đén dưới 16 tuổi.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.
a. Đối với hình phạt cảnh cáo,
Khi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án phải căn cứ vào quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự, chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Bởi lẽ, không có quy định riêng về việc áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội, nên theo quy định tại Điều 68 Bộ luật hình sự Toà án vẫn phải căn cứ vào Điều 29 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội nên mở rộng việc áp dụng hình phạt cảnh cáo nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự.
b. Đối với hình phạt tiền
Toà án chỉ được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và cũng chỉ đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Bộ luật hình sự năm 1999 đã có hiệu lực pháp luật gần 7 năm, nhưng vẫn còn một số trường hợp người chưa thành niên phạm tội trước ngày Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật nhưng sau ngày Bộ luật hình sự năm 1999 mới bị phát hiện mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn, thì khi áp dụng hình phạt đối với họ, Toà án nên cần phải chú ý một số vấn đề có liên quan đến hiệu lực về thời gian, cũng như Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội để tránh những sai lầm không đáng có.
Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tiền, nên phải coi đây là trường hợp điều luật quy định một hình phạt mới, nên không được áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2000 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử 11.
Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội, cần xác định tuổi của người bị kết án, chỉ sau khi có đủ căn cứ xác định người bị kết án đủ 16 tuổi mới được áp dụng hình phạt tiền, nếu còn nghi ngờ về tuổi của người bị kết án và không có tài liệu gì khác để xác định tuổi thật của người bị kết án thì không được áp dụng hình phạt tiền đối với họ.
Sau khi đã xác định chính xác người chưa thành niên đã đủ 16 tuổi, thì bước tiếp theo là phải xác định xem người bị kết án có thu nhập hoặc có tài sản riêng hay hay không ? Việc xác định này phải được thể hiện bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải được lưu trong hồ sơ vụ án. Thu nhập và tài sản riêng của người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải đủ để thi hành khoản tiền phạt mà Toà án quyết định. Nếu thu nhập hoặc tài sản riêng của người bị kết án không đủ để thi hành khoản tiền phạt hoặc không đáng kể, thì Toà án không được áp dụng hình phạt tiền đối với họ. Vì là hình phạt, nên tuyệt đối không được buộc cha mẹ người bị kết án phải nộp thay khoản tiền phạt như đối với trường hợp Toà án buộc người chưa thành niên bồi thường thiệt hại.
Mức tiền phạt mà Toà án áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội không được quá một phần hai (1/2) mức tiền phạt mà điều luật quy định. Ví dụ: Đặng Thanh H (17 tuổi) bị kết án về tội buôn lậu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, nếu Toà án chọn hình phạt tiền là hình phạt chính thì chỉ được phạt Đặng Thanh H từ năm triệu động đến năm mươi triệu đồng.
Khi xác định mức tiền phạt cụ thể, Toà án căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, để quyết định một mức tiền phạt như đối với người đã thành niên phạm tội, sau đó chia đôi số tiền phạt đó để quyết định mức tiền phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Ví dụ: Bùi Quốc D (khi phạm tội 17 tuổi 5 tháng) bị kết án về tội buôn bán hàng cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu động. Giả thiết Bùi Quốc D là người đã thành niên thì sẽ bị phạt tiền 8 triệu đồng nhưng vì D là người chưa thành niên nên mức tiền phạt mà Toà án áp dụng đối với D là 4 triệu động.
c. Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ
Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án cũng phải căn cứ vào quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự về cải tạo không giam giữ, đó là: Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật hình sự quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ cần điều kiện có nơi thường trú rõ ràng, vì theo quy định tại Điều 73 Bộ luật hình sự thì, khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó nên việc xác định người phạm tội có nơi làm việc ổn định là không cần thiết, mà chỉ cần xác định người phạm tội có nơi thường trú rõ ràng là được.
Cũng theo quy định tại Điều 73 Bộ luật hình sự thì, thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai (1/2) thời hạn mà điều luật quy định. Ví dụ: Trần Công V (16 tuổi 8 tháng) phạm tội "trộm cắp tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự có hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, nếu Toà án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với Trần Công V thì thời gian cải tạo không giam giữ không được quá một năm, sáu tháng (18 tháng).
Tương tự như đối với hình phạt tiền, khi xác định thời hạn cụ thể, Toà án căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm được thực hiện, để quyết định một thời hạn như đối với người đã thành niên phạm tội, sau đó chia đôi để quyết định thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội. Ví dụ: Vũ Văn M (khi phạm tội 17 tuổi 9 tháng) bị kết án về tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm. Giả thiết Vũ Văn M là người đã thành niên thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ là 18 tháng, nhưng vì M là người chưa thành niên nên mức hình phạt cải tạo không giam giữ mà Toà án áp dụng đối với M là 9 tháng.
Điều luật quy định ở đây phải hiểu là điều luật quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ đối với từng tội phạm cụ thể chứ không phải là điều luật quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 31 Bộ luật hình sự). Đa số các tội phạm có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ, nhà làm luật thường quy định đến ba năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhà làm luật chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm như: Điều 94-Tội giết con mới đẻ; Điều 96-Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Điều 102-Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; Điều 103-Tội đe doạ giết người; Điều 106-Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Điều 108-Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 121-Tội làm nhục người khác; Điều 122-Tội vu khống; Điều 123-Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.v.v… Lại có trường hợp nhà làm luật chỉ quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm như: Điều 105-Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 110-Tội hành hạ người khác; Điều 125-Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác; Điều 126-Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân.v.v…
d. Đối với hình phạt tù có thời hạn
Khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án cần phải cân nhắc kỹ xem có nên áp dụng hình phạt tù đối với họ hay không ? Chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên khi thấy không thể áp dụng được các loại hình phạt khác đối với họ. Đây cũng là một nguyên tắc quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các Thẩm phán ít chú ý đến nguyên tắc này, nên thường áp dụng hình phạt tù hoặc cho hưởng án treo, mặc dù người phạm tội có đủ điều kiện được áp dụng các loại hình phạt khác không phải là hình phạt tù.
Khi buộc phải áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án phải tuân theo các quy định sau:
- Đối với người chưa thành niên khi phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám (18) năm tù. Ví dụ: Võ Hữu B (17 tuổi 5 tháng) phạm tội "giết người" thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, Toà án chỉ được phạt Võ Hữu B mức hình phạt tối đa là 18 năm tù. Nếu điều luật được áp dụng quy định là hình phạt tù có thời hạn, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (3/4) mức phạt tù mà điều luật quy định. Ví dụ: Võ Minh Q (16 tuổi 10 tháng) phạm tội "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm tù, Toà án chỉ được phạt Võ Minh Q mức hình phạt tối đa là chín năm tù.
- Đối với người chưa thành niên khi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai (12) năm tù. Ví dụ: Nguyễn Anh T (15 tuổi 9 tháng) phạm tội "cướp tài sản" thuộc trường hợp tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, Toà án chỉ được phạt Nguyễn Anh T mức hình phạt tối đa là 12 năm tù. Nếu điều luật được áp dụng quy định là hình phạt tù có thời hạn, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai (1/2) mức phạt tù mà điều luật quy định. Ví dụ: Đặng Quốc H (14 tuổi 10 tháng ) phạm tội "lửa đảo chiếm đoạt tài sản" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù, Toà án chỉ được phạt Đặng Quốc H mức hình phạt tối đa là bảy năm sáu tháng tù.
- Trường hợp người chưa thành niên phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và được Toà án áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự thì việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt sẽ phức tạp hơn. Đây cũng là vẫn đề thực tiễn xét xử nhiều Toà án lúng túng “sợ” vi phạm Điều 47 Bộ luật hình sự nên lại áp dụng một cách máy móc. Ví dụ: A mới 15 tuổi 8 tháng bị rủ rê lôi kéo cùng với một số người khác phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Do A có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 đáng được khoan hồng lẽ ra hình phạt đối với với A chỉ đáng 1 năm tù, nhưng vì Điều 47 Bộ luật hình sự quy định: “Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”, mà khung hình phạt liền kề của khoản 3 Điều 139 là khoản 2 Điều 139 có mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù, nên Toà án “không dám” phạt A dưới 2 năm tù. Một số trường hợp Toà án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề thì bị Viện kiểm sát kháng nghị với lý do vi phạm Điều 47 Bộ luật hình sự và không ít trường hợp Toà án cấp phúc thẩm lại chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo chỉ vì lý do vi phạm Điều 47 Bộ luật hình sự.
Việc áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, về nguyên tắc vẫn phải bảo đảm đúng quy định của Điều 47. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội, Toà án phải căn cứ vào các quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự. Để bảo đảm việc quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội vừa đúng với Điều 47 Bộ luật hình sự vừa bảo đảm quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự, Toà án cần tiến hành các bước sau:
Trước hết, Toà án coi như họ là người đã thành niên để quyết định một mức hình phạt cụ thể sau đó căn cứ vào quy định tại Điều 74 Bộ luật hình sự để xác định mức hình phạt cụ thể đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Hoàng Văn C 16 tuổi 10 tháng phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 138 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù; do C có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy đinh tại Điều 46 Bộ luật hình sự nên được Toà án áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để áp dụng hình phạt quy định tại khoản 2 của Điều 138 Bộ luật hình sự. Giả thiết C là người đã thành niên thì sẽ bị phạt 2 năm tù, nhưng vì C là người chưa thành niên nên C chỉ bị phạt 1 năm 6 tháng tù (2 x 3 : 4 = 1 năm 6 tháng). Mặc dù mức hình phạt 1 năm 6 tháng tù dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự nhưng vẫn không vi phạm Điều 47 Bộ luật hình sự.
Tóm lại, căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là cơ sở, là tiền đề cho việc có áp dụng hay không áp dụng hình phạt, nếu áp dụng thì áp dụng loại hình phạt nào, mức hình phạt là bao nhiêu. Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự là căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể, của người phạm tội cụ thể đôi chiếu với quy định của Bộ luật hình sự để áp dụng điều khoản nào cho phù hợp với hành vi phạm tội. Bộ luật hình sự chỉ quy định có tính chất nguyên tắc, dự kiến nếu có một hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra và hành vi đó có thể giống (tương tự) với dự kiến của Bộ luật hình sự thì được áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để xử lý. Đây là đặc điểm cơ bản của pháp luật hình sự đối với các nước theo luật thành văn.
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt còn được thể hiện ở chỗ, Toà án chỉ được áp dụng một trong các hình phạt chính đã được quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật hình sự, riêng hình phạt trục xuất chỉ áp dụng đối với người nước ngoài, không áp dụng đối với công dân Việt Nam. Đối với người chưa thành niên Toà án không được áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 28 Bộ luật hình sự đối với họ. Khi áp dụng hình phạt, Toà án phải áp dụng đúng khung hình phạt, đúng loại hình phạt và không được phạt cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt đã quy định. Việc áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải tuân theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự là một căn cứ quan trọng nhất, thể hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa khi quyết định hình phạt, quyết định hình phạt mà không căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự sẽ làm cho bản chất của hình phạt thay đổi, mục đích của hình phạt không đạt được, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; bản án mà Toà án tuyên chẳng những không đúng pháp luật mà còn không được dư luận đồng tình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
2. Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Nói chung, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã được nhà làm luật xác định để làm căn cứ phân loại tội phạm; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội còn là căn cứ xác định khung hình phạt cho từng tội phạm. Tuy nhiên, cùng một loại tội phạm, cùng một khung hình phạt nhưng do những yếu tố khác nhau nên tổ chức, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng khác nhau. Ví dụ: A và B đều phạm tội "trộm cắp tài sản" thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng) nhưng A chiếm đoạt 100 triệu đồng, còn B chiếm đoạt 150 triệu đồng. Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do B thực hiện nguy hiểm hơn cho xã hội hơn hành vi của A.
Do kỹ thuật lập pháp, nên trong từng điều khoản của Bộ luật hình sự nhà làm luật quy định nhiều tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt khác nhau trong cùng một khung hình phạt. Ví dụ: khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự nhà làm luật quy định 6 tình tiết (từ a đến g) là tình tiết định khung hình phạt, nên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng phụ thuộc vào việc người phạm tội có ít hoặc nhiều tình tiết dịnh khung hình phạt quy định tại các điểm từ a đến g khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Đều là phạm tội theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự nhưng A thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và hành hung tẩu thoát còn B chỉ thuộc trường hợp hành hung để tẩu thoát thì tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do A thực hiện nguy hiểm hơn hành vi do B thực hiện.
Thực tiễn xét xử, khi luận tội cũng như khi nhận xét để áp dụng hình phạt đối với một bị cáo, Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử thường chỉ chú ý đến nhân thân người phạm tội, đến các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ chứ ít thấy có bản luận tội hoặc bản án phân tích được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhiều bản luận tội hoặc bản án chỉ nêu một câu có tính chất chung chung "hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội" còn nguy hiểm như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao thì không nêu được. Do không đánh giá được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nên có nhiều trường hợp bản luận tội của Kiểm sát viên hoặc bản án của Toà án đã nêu được hết các tình tiết về nhân thân người phạm tội, về các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng quyết định hình phạt vẫn không chính xác (quá nặng hoặc quá nhẹ).
Như vậy, tĩnh chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng có thể khái quát lại ta thấy các yếu tố ảnh hưởng đến tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội bao gồm:
Trước hết, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm, bởi vì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu hành vi đó tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm (khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự). Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhà làm luật chia tội phạm ra làm bốn loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngay trong một loại tội phạm, do tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng khác nhau, nên mức hình phạt trong một khung hình phạt cũng khác nhau. Ví dụ: Đều là tội nghiêm trọng, nhưng tội "vô ý làm chết người" quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, còn tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" quy định tại khoản 1 Điều 99 Bộ luật hình sự lại có khung hình phạt tù từ một năm đến sáu năm. Nếu cùng một khung hình phạt, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khác nhau thì mức hình phạt cũng phải khác nhau. Ví dụ: Một người mẹ vì hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ đứa con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác với người mẹ giết con mới đẻ bằng cách bóp cổ đứa trẻ chết. Căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt chính là căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong cùng một khung hình phạt, vì nếu xác định khung đúng khung hình phạt tức là đã xác định sai pháp luật, là đã không căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, khi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cần phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố có liên quan đến tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất quan trọng của khách thể bị xâm phạm, vào hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, vào lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội, vào các tình tiết có liên quan đến nhân thân của người phạm tội. Tuy nhiên trong phạm vi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt chủ yếu cân nhắc các yêu tố thuộc về hành vi, hậu quả, lỗi, động cơ, mục đích, còn yếu tổ thuộc về khách thể đã được xác định để phân loại tội phạm thành các chương khác nhau. Riêng các tình tiết có liên quan đến nhân thân người phạm tội đã được quy định là một căn cứ khi quyết định hình phạt (sẽ phân tích ở phần sau).
Khi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt là cân nhắc đến cách thức thực hiện tội phạm của người phạm tội. Ví dụ: Cùng là hành vi dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng nếu hành vi dùng vũ lức có tính chất quyết liệt thì tính chất nguy hiểm cao hơn trường hợp hành vi dùng vũ lực không có tính chất quyết liệt; tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt còn phụ thuộc vào thời gian, không gian nơi xảy ra tội phạm; phụ thuộc vào động cơ múc đính phạm tội của người phạm tội, nếu động cơ mục đích không phải là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt; phụ thuộc vào thiệt hại gây ra cho xã hội nều mức thiệt hại khác nhau đều được quy định trong một khung hình phạt. Ví dụ: A gây thương tích cho B có tỷ lệ thương tật là 31%, còn C gây thương tích cho D có tỷ lệ thương tật là 50%. Tuy cùng phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự, nhưng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của C nguy hiểm hơn A.
Tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt còn phụ thuộc vào tính chất và mức độ lỗi của hành vi phạm tội do người phạm tội thực hiện. Cùng là lỗi cố ý, nhưng nếu là lỗi cố ý trực tiếp thì nguy hiểm hơn lỗi cố ý gián tiếp; cùng là lỗi cố ý trực tiếp, nhưng sự quyết tâm phạm tội của người phạm tội cao nguy hiểm hơn người không có ý thức quyết tâm phạm tội đến cùng; cùng là vô ý thì vô ý vì quá tự tin nguy hiểm hơn lỗi vô ý vì cẩu thả. Ngoài ra còn có thể xem xét đến các hình thức lỗi khác để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như: cố ý có chủ mưu nguy hiểm hơn cố ý đột xuất; cố ý xác định nguy hiểm hơn cố ý không xác định.
3. Căn cứ vào nhân thân người phạm tội
Nhân thân người phạm tội là toàn bộ các yếu tố về tự nhiên và xã hội có liên quan đến người phạm tội bao gồm: Tuổi đời, tình trạng sức khoẻ, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn, quá trình công tác, thành tích, kỷ luật, lịch sử bản thân, hoàn cảnh gia đình... Các yếu tố về thân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can và các tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người phạm tội. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì các yếu tố về nhân thân của người phạm tội phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ trong hồ sơ vụ án và phải được thể hiện trong hồ sơ vụ án như là một tài liệu chính thức. Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án của Toà án phải ghi đầy đủ các yếu tố về nhân thân của người phạm tội, vì đây là một trong những căn cứ quyết định hình phạt, thiếu nó việc quyết định hình phạt sẽ không chính xác, không bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Trong một số trường hợp, các yếu tố về nhân thân người phạm tội đã được nhà làm luật quy định là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự, yếu tố miễn hình phạt, yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Người phạm tội từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đắc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12); người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (khoản 1 Điều 13); người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quóc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật hình sự (khoản 2 Điều 22); Không phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với người phạm tội chưa đủ 18 tuổi; không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa đủ 16 tuổi (khoản 5 Điều 69); không phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 35); chỉ có người mẹ giết con mới đẻ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ (Điều 94); chỉ có người đã thành niên mới là chủ thể của tội giao cấu với trẻ em và tội dâm ô với trẻ em (Điều 115, 116); người phạm tội tái phạm, hoặc tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt của nhiều tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, hoạc tập hoặc công tác là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.v.v...
Tuy nhiên, trong trường hợp các yếu tố về nhân thân người phạm tội chưa được quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Toà án phải xem xét để áp dụng một hình phạt cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Xem xét, cân nhắc nhân thân người phạm tội để làm căn cứ quyết định hình phạt chủ yếu xem xét các yếu tố về nhân thân không phải là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ, không phải là yếu tố định tội hay định khung hình phạt. Vì vậy, khi xem xét nhân thân người phạm tội với ý nghĩa là một căn cứ để quyết định hình phạt, Toà án phải xem xét cả mặt tốt, mặt xấu, đồng thời phải đánh giá được khả năng phát triển nhân cách của họ, khả năng cải tạo cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội. Trong bản án phải phản ảnh được nội dung các yếu tố về nhân thân của người phạm tội ngoài những trường hợp mà Bộ luật hình sự đã quy định mà Toà án làm căn cứ quyết định hình phạt.
Đối với người chưa thành niên phạm tội các yếu tố thuộc về nhân thân là căn cứ vô cùng quan trọng để Toà án cân nhắc khi quyết định hình phạt. Cũng như đối với người đã thanh niên, các đặc điểm về nhân thân cũng phụ thuộc vào các đặc điểm gắn liền với cuộc đời của họ. Tuy nhiên, đối với người chưa thành niên phạm tội thì các yếu tố như độ tuổi, trình độ văn hoá, lịch sử bản thân và hoàn cảnh gia đình là những yêu tố có ý nghĩa trực tiếp đến hành vi phạm tội của họ. Vì vậy, khi căn cứ vào nhân thân để quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội ngoài các cần chú ý:
Thứ nhất, người tiến hành tố tụng mà trong trường hợp này là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên. Hội thẩm nhân dân tham gia phiên toà sơ thẩm xét xử người chưa thành niên phạm tội nhất thiết phải là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thứ hai, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần cân nhắc các yếu tố có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên như:
Về độ tuổi, ngoài quy định của Điều 12 Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì thì tuổi càng nhỏ hình phạt phải càng nhẹ.
Về trình độ văn hoá cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Người có học, nhận thức về tính nguy hiểm cho xã hội khác với người không được đi học. Đối vối người phạm tội là người chưa thành niên ở độ tuổi thiếu niên mà không được đi dễ bị mua chuộc, lôi kéo.
Lịch sử bản thân của người chưa thành niên có liên quan đáng kể đến hành vi phạm tội cuả họ. Một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi, sông lang thang, bụi đời, đã vi phạm pháp luật nhiều lần dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội hơn một đứa trẻ có bố mẹ, được nuôi dạy tử tế.
Hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phạm tội của họ. Một đứa trẻ sống trong một gia đình có truyền thống, có giáo dục, bố mẹ, ông bà là công dân tốt khác với một đứa trẻ sống thiếu tình thương của cha mẹ và người thân như: bố mẹ ly hôn, bố hoặc mẹ phạm tội phải đi tù hoặc phải sống trong một gia đình bố mẹ lục đục, mâu thuẫn, sống ích kỷ không quan tâm đến con cái.v.v…
Nếu vụ án có đồng phạm thì cần xác định xem người chưa thành niên phạm tội có bị người khác xúi dục hay không, nếu người xúi dục lại là người đã thành niên thì cần pahỉ căn cứ vào các yếu tố trên để cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với họ.
Các yêu tố trên ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý của người chưa thành niên và nó cũng là những yếu tố mà Toà án phải cân nhắc thật kỹ khi quyết định hình phạt đối với họ.
4. Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Toà án không chỉ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng là một trong những căn cứ quyết định hình phạt.
Nếu các yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn những yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một vụ án cụ thể và đối với người phạm tội cụ thể chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong phạm vi một cấu thành chứ không làm thay đổi tích chất của tội phạm ấy.
Trước hết, nó chỉ là những tình tiết cụ thể có liên quan đến vụ án đang giải quyết, nói lên mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhiều hay ít. Nếu các tình tiết đó không liên quan gì đến vụ án đang xem xét thì không phải là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: bị cáo bị truy tố về tội giết người, nhưng trước đó bị cáo đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội giết người.
Các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có tính chất ổn định về số lượng và nội dung. Tất nhiên, sự ổn định này chỉ là tương đối. Trong quá trình phát triển của xã hội nếu xuất hiện những tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm sẽ được bổ sung sao cho phù hợp với tình hình xã hội trong tưng thời kỳ. Ví dụ: Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội có tính chất côn đồ; xâm phạm tài sản của Nhà nước”. Khi chưa được bổ sung vào Bộ luật hình sự, thì Toà án không được tuỳ tiện thêm vào những tình tiết mà Bộ luật hình sự không quy đinh để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, đối với tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án có thể coi những tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong Bộ luật hình sự là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng phải nói rõ lý do và tình tiết đó chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp phạm tội cụ thể mà Toà án đang xem xét, và nói chung nó cũng chỉ là cá biệt. Trong quá trình thực hiện nếu thấy tình tiết nào không còn phù hợp nữa thì cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung khi sửa đổi Bộ luật hình sự.
Các tình tiết có nội dung khác nhau, nên mức độ tăng, giảm trách nhiệm hình sự cũng khác nhau. Ví dụ: tái phạm nguy hiểm khác tái phạm về mức độ tăng nặng. Trong một tình tiết, mức độ tăng, giảm trách nhiệm hình sự cũng khác nhau nếu như nó được xem xét với hành vi phạm tội khác nhau hoặc với người phạm tội khác nhau. Ví dụ: trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù mà phạm tội do cố ý, mức độ tăng nặng hơn phạm tội do vô ý.
Mỗi tình tiết chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội; hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội. Ví dụ: tình tiết "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra" chủ yếu áp dụng đối với các tội giết người, cố ý gây thương tích.
Đối với tình tiết tăng nặng, người phạm tội phải thấy trước hoặc có thể thấy trước, thì mới được áp dụng đối với họ. Nếu có lý do họ không thấy được trước hoặc không thể thấy được trước thì dù tình tiết đó có xảy ra họ cũng không thể chịu trách nhiệm. Ví dụ: một người đã gây thương tích cho một phụ nữ có thai, nhưng họ hoàn toàn không biết nạn nhân đang có thai, thì họ không bị coi là phạm tội đối với phụ nữ có thai.
Cũng như đối với người đã thành niên phạm tội, khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội Toà án cũng phải căn cứ vào các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có một số tình tiết nếu là người đã thành niên phạm tội thì không được áp dụng nhưng đối với người chưa thành niên thì lại được áp dụng. Ví dụ: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì chỉ người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ, nhưng đối với người chưa thành niên phạm tội thì bố, mẹ, người thân của người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng được coi là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngược lại, có những tình tiết đối với người đã thành niên phạm tội thì được áp dụng còn đối với người chưa thành niên phạm tội thì không được áp dụng, nhất là đối với các tình tiết tăng nặng. Ví dụ: tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì không được áp dụng đối với người chưa thành niên chưa đủ 16 tuổi, vì theo quy định tại khoản 6 Điều 69 Bộ luật hình sự thì “án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. Tuy chưa có hướng dẫn, nhưng theo chúng tôi, các tình tiết tăng nặng như: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; phạm tội đối với trẻ em; phạm tội đối với người lệ thuộc mình về mặt công tác; xúi giục người chưa thành niên phạm tội”. Ngoài ra, việc xác định các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội còn phải căn cứ vào tâm sinh lý của người chưa thành niên ở các lứa tuổi khác nhau để xác định mức độ tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với họ. Ví dụ: Nếu các tình tiết của vụ án như nhau thì, người mới hơn 14 tuổi phạm tội do bị cưỡng bức, đe doạ mức độ giảm nhẹ phải nhiều hơn người gần 16 tuổi.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!