Một số vấn đề chú ý khi xét xử tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”
Thông qua công tác xét xử,chúng tôi nhận thấy trong những năm qua tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, xuất hiện tội phạm mới, có nhiều vụ có tính chất phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong các tội xâm phạm về an toàn công cộng, trật tự công cộng (được quy định tại chương XIX-từ điều 202 đến điều 256 BLHS), thì số vụ vi phạm về an toàn giao thông đường bộ-được quy định tại điều 202 BLHS chiếm tỷ lệ đáng kể,có vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng,đặc biệt nghiêm trọng.
Các cấp toà án cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng đã vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật, kịp thời điều tra,truy tố, xét xử loại tội này, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và góp phần làm giảm thiểu các vi phạm về giao thông nói riêng. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử, do nhiều nguyên nhân khác nhau: có nguyên nhân do một số quy định của pháp luật chưa được hướng dẫn kỹ lưỡng,rõ ràng nên thực tiễn áp dụng pháp luật còn có quan điểm khác nhau; có nguyên nhân do hiện trường bị xáo trộn, do thời tiết nên dấu vết bị xoá khó khăn cho công tác điều tra, lập hồ sơ; có nguyên nhân do cán bộ sơ suất,áp lực công việc nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…mặt khác khoa học pháp lý là một trong những lĩnh vực khó, việc nhận thức và áp dụng đúng đắn pháp luật là một quá trình. Do đó trong thực tiễn xét xử cũng còn một số thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Dưới góc độ một người làm công tác thực tiễn,chúng tôi xin nêu một vài trường hợp để đồng nghiệp quan tâm cùng thảo luận, rút kinh nghiệm chung, nhằm hướng tới việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất.
Trường hợp thứ nhất: Khoảng 12h ngày 26 tháng 7 năm 2010, Trần V điều khiển xe AAk-BBBB chạy trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc –Nam. Khi đến km785+50 thuộc địa phận xã Hải trường ,huyện H, tỉnh Q. Đoạn đường có biển báo đường cong về bên trái,mặt đường ướt do trời đang mưa. V thấy phía trước cùng chiều có một ô tô khách đang chạy chậm nên tăng tốc độ và cho xe đi sang phần đường xe cơ giới bên trái để vượt lên. Khi cho xe vượt lên được khoảng 2/3 xe ô tô khách chạy cùng chiều thì V phát hiện phía trước khoảng 30 đến 50m có ô tô khách ngược chiều đang chạy đến. V đạp phanh giảm tốc độ thì xe AAk-BBBB trượt trên mặt đường về phía bên trái và đâm vào thành phía trước bên trái của xe CCk-DDDD do anh Trần N điều khiển, gây tai nạn. Hậu quả: Bà Trần Thị K (hành khách đi trên xe CCk-DDDD) bị thương nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện; bà Trần Thị M, bị thương, tỷ lệ thương tật tạm thời 7%; Ông Trần A bị thương, tỷ lệ thương tật tạm thời 25%; Ông Nguyễn A bị thương, tỷ lệ thương tật tạm thời 12%; Ông Nguyễn V bị thương, tỷ lệ thương tật tạm thời 31%. Tổng tỷ lệ thương tật tạm thời của 4 người là 75%. Xe ô tô CCk -DDDD bị hư hỏng, thiệt hại theo kết luận của Hội đồng định giá là 31.537.600 đồng. Xe ô tô AAk-BBBB hư hỏng nặng,nhưng quá trình điều tra không định giá thiệt hại. Với nội dung này, Toà án nhân dân Huyện H đã áp dụng điểm đ khoản 2 điều 202 BLHS; điểm b,p khoản 1, khoản 2 điều 46; điều 47 BLHS, xử phạt Trần V 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Qua nghiên cứu nội dung vụ án này, chúng tôi nhận thấy: Vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa hai xe ô tô AAk-BBBB và CCk-DDDD nói trên đã gây hậu quả (riêng về người): 01 người chết và 4 người bị thương với tổng tỷ lệ thương tật 75%, trong đó có 01 người là ông Nguyễn V bị thương với tỷ lệ thương tật tạm thời đến 31%. Đối chiếu với hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự (có hướng dẫn áp dụng điều 202 BLHS) thì trường hợp này là thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được quy định tại điểm c mục 4.3 của Nghị quyết nhưng cấp sơ thẩm truy tố và xét xử bị cáo theo điểm đ khoản 2 điều 202 BLHS (với tình tiết định khung: gây hậu quả rất nghiêm trọng - quy định tại mục 4.2 của Nghị quyết) là không đúng với quy định của pháp luật.
Mặt khác,trong vụ án này, ngoài hậu quả 01 người chết, 04 người bị thương có tổng tỷ lệ thương tật 75% trong đó có 01 người 31% còn có hậu quả 2 xe ô tô hư hỏng nặng. Theo kết luận định giá, xe ô tô CCk-DDDD thiệt hại 31.537.600 đồng; còn xe ô tô AAk-BBBB không tiến hành định giá. Vấn đề này, trong quá trình giải quyết vụ án có ý kiến cho rằng không cần thiết định giá để xác định thiệt hại của xe ô tô 47k-5126,vì xe này bị cáo lái gây tai nạn,chủ phương tiện và bị cáo (lái xe thuê) đã thoả thuận bồi thường. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này việc định giá để xác định thiệt hại của xe ô tô AAk-BBBB không phải phục vụ cho việc bồi thường, bồi hoàn về dân sự mà để xác định hậu quả của vụ án. Theo quy định tại điều 202 BLHS và Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên thì hậu quả vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được xác định bởi thiệt hại về người (số lượng người chết, người bị thương, tỷ lệ thương tật) và thiệt hại về tài sản.
Trường hợp thứ hai: Vào khoảng 16 giờ ngày 6 tháng 3 năm 2010, Trần T có giấy phép lái xe hạng E, điều khiển xe ô tô chạy trên quốc lộ 1A theo hướng từ Đông Hà vào Quảng Trị với tốc độ khoảng 35 - 40 km/h. Khi đến km 762 quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Triệu ái,`huyện Triệu phong, T phát hiện phía trước cách khoảng 10 - 15m có hai xe mô tô chạy cùng chiều, trong đó có xe mô tô biển số xxF3-yyyy do ông Dương Q điều khiển. Trần T điều khiển xe ôtô vượt qua xe ô tô vượt qua xe mô tô khi xe mô tô vẫn chạy thẳng, chưa tránh về bên phải, dẫn đến lốp ngoài phía sau bên phải của xe ô tô xxk-yyyy va vào lốp trước bên trái xe mô tô @@k-CCCC do ông Dương Q điều khiển, làm cho ông Q bị văng ra khỏi xe và bị lốp sau bên phải của xe ô tô đè lên người kéo đi một đoạn làm ông Q chết ngay tại chỗ. Với nội dung này, Toà án nhân dân huyện Tr. áp dụng khoản 1 điều 202; điểm b,p khoản 1, khoản 2 điều 46 BLHS tuyên bố bị cáo Trần T phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy công tác điều tra lập hồ sơ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ. Ngay trong cáo trạng của Viện kiểm sát cũng chưa xác định rõ xe ô tô va vào xe mô tô hay ngược lại; bộ phận nào của hai xe va chạm vào nhau mặc dù dấu vết để lại trong bản ảnh hiện trường đó là “có vết xước bánh sau của xe ô tô, còn xe mô tô có vết xước là bánh trước bên trái”. Nếu đây là điểm va chạm vào nhau của hai phương tiện, thì có thể rút ra được kết luận “ô tô đã va chạm vào mô tô”, cụ thể hơn là “lốp sau xe ô tô va vào lốp trước xe mô tô” vì khi ô tô chạy thẳng, nếu có va chạm vào vật gì thì chỉ có phần trước thực hiện việc va chạm đó, còn bánh sau xe ô tô không thể tự tách ra khỏi phương chuyển động thẳng để va vào vật gì không nằm trên quỹ đạo của nó. Theo hồ sơ, khi tai nạn xảy ra có nhiều người dân hai bên đường nhìn thấy nhưng không có tài liệu nào thể hiện lời khai của người làm chứng; bị cáo khai rằng lái xe chạy theo hướng thẳng, vận tốc chậm, nhìn qua kính chiếu hậu thấy người đi mô tô loạng choạng, bị cáo không tông vào xe mô tô. Theo chúng tôi, hồ sơ vụ án chưa khẳng định được “ô tô va chạm vào mô tô” hay “mô tô va chạm vào ô tô” mà quy kết bị cáo phạm tội theo điều 202 BLHS là chưa đủ căn cứ.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!