Nhân quyền - và hiện tượng, phụ nữ việt nam kết hôn với người nước ngoài

Vào ngày 10/12/1948, tuyên ngôn thế giới về nhân quyền được Liên hiệp quốc công bố. Từ đó, mở ra kỷ nguyên mới trong việc thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người.

Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền có giá trị lớn lao, như một văn kiện vĩ đại trong lịch sử nhân loại; sức mạnh về khía cạnh pháp lý, chính trị và đạo đức của nó đã ảnh hưởng đến nhiều văn kiện quốc tế, cũng như nhiều bản Hiến pháp của các Quốc gia. 

Trong lời nói đầu, tuyên ngôn khẳng định phẩm giá của tất cả mọi người đang sống, ở tất cả mọi nơi và đề cập đến tính phổ biến, không thể chia tách của nhân quyền – nhất là quyền trẻ em, quyền của phụ nữ, là trách nhiệm của tất cả, là tạo lập một nền văn hoá nhân quyền.
Có lẽ, phải có một cơ hội để xem lại những thành tựu đạt được trong những năm qua, cũng như ý thức rõ ràng hơn những thử thách mới trong lĩnh vực này. Hay nói cách khác, việc thực hiện các quyền con người mà tuyên ngôn đã công bố, có thiếu sót, tồn tại từ nguyên nhân nào và nhìn nhận về mối liên quan mới, những ưu tiên đối với các quyền con người trong bối cảnh phát triển phức tạp của thế giới ngày nay- Những nạn nhân của các vi phạm nhân quyền ngày hôm nay phải là đối tượng được suy nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí của tất cả mọi người; để làm cho nhân quyền trở thành hiện thực ở từng địa phương, từng quốc gia và trên toàn thế giới; làm cho nhân quyền cùng với hoà bình, dân chủ và phát triển, trở thành những nguyên tắc chỉ đạo của thế kỷ 21 – Những tiêu chí dẫn tới tương lai.
Với ý nghĩa phong phú, đa dạng của nhân quyền, trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập, trao đổi về khía cạnh, của một vấn đề: Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; thực trạng của tình hình và những giải pháp khắc phục, bảo vệ nhân quyền trong lĩnh vực nhạy cảm, đầy phức tạp này.
Trước hết, về mặt chính sách pháp luật, những văn bản hiện hành đang có hiệu lực, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là luật hôn nhân và gia đình(Ngày 09 / 06 năm 2000) ; và các nghị định của Chính phủ (số 68 – ngày 10/07/ 2002 rồi số 69 – ngày 21/07/2006), về quan hệ hôn nhân và gia đình, có yếu tố nước ngoài. Các văn bản pháp luật này đã quy định nguyên tắc chung và cả chi tiết nhiều quan hệ có liên quan đến hôn nhân, gia đình (Như điều kiện kết hôn, ly hôn, hoặc các thủ tục khác…). Đối với 2 Nghị định của Chính phủ thì quy định một số điểm đặc thù, khi có yếu tố nước ngoài tham gia; chúng tôi không đi sâu phân tích, bình luận các văn bản pháp luật, vì nó đang có hiệu lực thi hành; mà như nêu trên, sẽ tập trung phản ánh một phần về thực trạng của tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài - giải pháp khắc phục, bảo vệ nhân quyền trong lĩnh vực này.
Bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay thì việc kết hôn với nước ngoài là bình thường, chứ chưa nói càng ngày càng phát triển. Có điều, cũng bộc lộ yếu tố không bình thường, nhiều cô gái Việt Nam đã bị cuốn vào các cuộc hôn nhân đầy rủi ro với người đàn ông ngoại quốc; bởi phần lớn các cô dâu Việt Nam này đều có học vấn thấp, chỉ mới học xong cấp I, hoặc cấp II, nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu là người vùng nông thôn như đồng bằng sông Cửu Long, do công nghiệp hoá nên dư thừa lao động khá nhiều, thu nhập của lao động nữ hầu như không có, hoặc rất thấp. Trong hoàn cảnh như vậy, họ sẽ giải toả bằng nhiều cách và việc “đổ xô” kết hôn với người nước ngoài, cũng là một phương pháp, để thoát khỏi nghèo khó, mong muốn có cuộc sống vật chất khá giả, tốt đẹp hơn - phải chăng, đây cũng là nguyện vọng chính đáng. Và do nguyện vọng, nhu cầu đó, thì hàng loạt các tổ chức, cá nhân hình thành tự phát, hoạt động môi giới hôn nhân, có thể nói là bất hợp pháp – Nhưng chính đó là yếu tố ngoại lực kích thích tâm lý: Lấy chồng ngoại quốc.
Luật pháp Việt Nam không cho, hoặc nếu nói là chưa cho các tổ chức, cá nhân tự phát hoạt động môi giới hôn nhân; Nhưng do nhu cầu từ hai phía – Việc đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc, từ nhiều lý do muốn lấy vợ các nước đang phát triển như Việt Nam, hoặc một số nước ở Đông Nam Á; cũng như chuyện các phụ nữ nông thôn Việt Nam, mà phổ biến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu, nguyện vọng kết hôn với người đàn ông nước ngoài. Thực tế đó làm cho việc môi giới hôn nhân vẫn cứ phát triển, vẫn lén lút hoạt động, có thời điểm rất nóng, khó kiểm soát - vì lực lượng này đa dạng phong phú, kể cả môi giới chính là người thân, người nhà, đã từng một thời là nạn nhân của sự lừa đảo. Mặt khác,cơ quan quản lý Nhà Nước và trợ giúp về vấn đề này được hình thành chậm, không theo kịp tình hình, lại bất cập, khó khăn nhiều mặt trong đầu tư, nhân lực, kinh phí… Hoặc không đầy đủ kinh nghiệm, hoạt động cầm chừng, hình thức (Hiện tại mới giao cho Hội liên hiệp Phụ nữ, chỉ ở cấp tỉnh làm việc trợ giúp pháp lý loại hình này, với mục đích phi lợi nhuận). Tất cả những điều đó làm cho tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài vẫn phức tạp, ấp ủ tiềm năng của nhiều hậu quả xấu cho họ và cho xã hội – các cô gái Việt Nam để thực hiện nguyện vọng, mơ ước của mình đang đánh bạc với số phận, trở thành món hàng, chờ đón sự thay đổi cuộc đời trong sự may rủi, khi khả năng thích nghi và hội nhập vào xã hội nước sở tại của các cô dâu Việt rất hạn chế. Bởi vì, mái ấm gia đình lúc người phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài sẽ dẫn đến gia đình đa văn hoá, tức là pha trộn yếu tố văn hoá của hai dân tộc – vừa Hàn, vừa Việt; vừa Đài Loan, vừa Việt Nam… mà hành trang trước khi lấy chồng nước ngoài với những phụ nữ Việt Nam nghèo khó, văn hoá thấp như mô tả trên hầu như không có gì… thì không thể tránh khỏi xung đột văn hoá trong một gia đình, từ ngôn ngữ bất đồng, đến phong tục, tập quán, thói quen. Thực tế đã chứng minh điều đó, qua môi giới, nhiều phụ nữ Việt Nam vội vã kết hôn với người nước ngoài, rồi thử thách khi gắn bó, đành bẽ bàng chấp nhận chia tay; các cô dâu Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long vỡ mộng lấy chồng ngoại quốc đang tìm cách thoát khỏi cái bẫy hôn nhân hữu danh, vô thực đó; không ít người đã bất lực khi tự cởi trói cho mình, nhiều trường hợp các cô gái ẵm con trốn về Việt Nam mà không có giấy tờ, không có cách để khai sinh cho đứa con hai dòng máu, mà muốn ly hôn cũng gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập từ nhiều phía, kể cả pháp luật…
Lại chưa nói đến việc lợi dụng môi giới hôn nhân, số lượng phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị lừa gạt đưa ra nước ngoài để buôn bán, buộc làm gái mại dâm, hoặc làm vợ bất hợp pháp, nô lệ tình dục cũng khá lớn – có phụ nữ Việt Nam đã kết hôn giả (bị mất tiền) để sang Đài Loan; nhưng bị bán cho các nhà thổ; việc điều tra, xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn vì xu hướng cấu kết, móc nối giữa các đối tượng xấu, các chủ chứa trong và ngoài nước – với thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Rồi các nạn nhân thì mặc cảm, bị kỳ thị của cộng đồng nên dù có biết rõ họ vẫn ngại tố giác tội phạm; việc phối hợp giữa các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế còn hạn chế, thiếu đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương, chưa ngành nào chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp, buông xuôi, một chiều; tỷ lệ điều tra xử lý các tội phạm hình sự liên quan đến phụ nữ và trẻ em còn rất thấp so với thực tế xảy ra.
Trước bức tranh toàn cảnh như vậy, về phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, cần phải có giải pháp đồng bộ và chi tiết thế nào, chúng tôi khái quát nêu một số kiến nghị. Trước hết, Nhà nước phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, phải phối hợp nhiều biện pháp và sự trợ giúp thật hiệu quả nhằm bảo vệ nhân quyền cho người phụ nữ trên lĩnh vực này. Cụ thể:
* Sớm mở rộng các tổ chức quản lý Nhà nước để kiểm soát vấn đề. Nếu những tổ chức tự phát đã hoạt động có hiệu quả nên được hợp pháp hoá và được theo dõi chặt chẽ.
* Hãy đầu tư thời gian, nhân lực, vật chất, kể cả đào tạo đội hình cán bộ chuyên làm công tác này về lý luận và thực tiễn.
* Về chính sách, pháp luật cũng cần được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Như là, dù tự do hôn nhân, nhưng trong trường hợp lấy chồng người nước ngoài cần quy định một số điều kiện đặc thù (Đó là trình độ tối thiểu về ngoại ngữ, về văn hoá, pháp luật, về phong tục, tập quán của đất nước mà người phụ nữ có ý định sang làm dâu…) – cần thiết phải qua một lớp đào tạo ngắn hạn thì sẽ giảm trào lưu lấy chồng ngoại, cũng như hậu quả xấu, đáng buồn, như đã nêu trên.
* Hình thành và mở rộng các trung tâm trợ giúp pháp lý và cho hoạt động sát dân, nhất là những vùng nhiều phụ nữ có nhu cầu, nguyện vọng lấy chồng người nước ngoài.
* Quan tâm đến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với những cơ quan pháp luật, để tạo phong trào quần chúng rộng rãi, xử lý nghiêm khắc những hành vi phạm tội liên quan đến phụ nữ, trong việc lợi dụng môi giới hôn nhân, giải quyết ổn thoả những hậu quả đã xảy ra.
* Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức cho chị em phụ nữ, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần; lồng ghép các loại hình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.
* Tiếp tục nâng cao chất lượng xoá đói, giảm nghèo ở những địa bàn biên giới, các xã đặc biệt khó khăn; có chính sách ưu tiên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ…
Tóm lại, phải có chương trình cải cách, phát triển đồng bộ, có tính xã hội hoá, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mà kinh tế, văn hoá lạc hậu, khó khăn – chú trọng đến y tế, văn hoá, giáo dục, thay đổi điều kiện sống, nâng cao chất lượng mọi mặt thì tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài sẽ ổn định, theo chiều hướng tích cực – nhân quyền mới được thực hiện và được bảo vệ.

 
Nguồn: Trần Linh – TAND tỉnh Nam Định

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự