QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ DI SẢN THỪA KẾ?
Một trong những di sản là đối tượng tranh chấp nhiều về thừa kế đó là “quyền sử dụng đất”. Vì quyền sử dụng đất được xem là loại di sản mới và đặc biệt hơn so với các loại di sản khác, nên kéo theo đó là cách giải quyết cũng theo một cơ chế riêng. Gần đây, một số văn bản pháp luật, cụ thể là Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình (sau đây xin gọi tắt là Nghị quyết số 02) đã khẳng định rõ và ghi nhận “quyền sử dụng đất” là di sản thừa kế. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ kiện đòi chia thừa kế về quyền sử dụng đất đã nảy sinh các ý kiến khác nhau về nhận thức quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Trong phạm vi bài viết này, xin bàn thêm cùng bạn đọc về vấn đề nêu trên thông qua một số ví dụ cụ thể sau:
Ví dụ 1: Ông bà A – B sinh được 2 người con là C và D. Sinh thời ông bà A – B có tạo lập được 1 mảnh đất có diện tích là 500m2. Năm 1989, anh C đứng tên kê khai mang tên anh. Năm 2000, ông bà A – B đều qua đời. Tháng 6/2005, anh D có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất trên do bố mẹ để lại.
Về việc giải quyết vụ việc nêu trên còn có các ý kiến khác nhau:
* ý kiến thứ nhất cho rằng, việc ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất do bố mẹ để lại là không được chấp nhận vì 500m2 đất không phải di sản thừa kế, bởi lẽ:
- Tại tiểu mục 1.1 và 1.2 Mục 1 Phần II Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về thừa kế, tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, hướng dẫn về việc xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:
+ Tiểu mục 1.1: “Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản”.
+ Tiểu mục 1.2: “Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”.
Từ hướng dẫn nêu trên cho thấy, quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế khi thoả mãn 2 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất có một trong các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.
Điều kiện 2: Một trong các giấy tờ nêu tại điều kiện 1 phải mang tên người chết để lại.
Đối chiếu với hai điều kiện trên đề cập tại ví dụ 1 thì: Mặc dù về bản chất, đất là do bố mẹ ông D tạo lập để lại, nhưng giấy tờ lại không mang tên ông bà A, B (đất không mang tên người chết để lại); vì vậy, 500m2 đất không thoả mãn điều kiện 2, nên không phải là di sản thừa kế của ông bà A – B để lại. Việc ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng 500m2 đất là không có cơ sở chấp nhận, nên cần bác yêu cầu khởi kiện của ông D.
* ý kiến thứ hai cho rằng, quyền sử dụng 500m2 đất vẫn phải coi là di sản thừa kế của bố mẹ ông D, nên ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là có cơ sở để chấp nhận, vì những lẽ sau:
Một là, một trong những nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về thừa kế nói riêng là cần tìm ra bản chất của sự việc.
Với tranh chấp thừa kế thì vấn đề quan trọng là phải xác định tài sản tranh chấp có nguồn gốc của ai, từ đó xác định diện và hàng thừa kế, trên cơ sở đó xác định quyền, nghĩa vụ của họ. Trở lại ví dụ 1: ở đây rõ ràng xét về nguồn gốc 500m2 đất là của ông bà A – B tạo lập. Việc ông C đứng tên trong sổ mục kê hay đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là mang tên) có dựa trên các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông bà A – B với ông C thông qua các hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế hay không? Nếu việc mang tên không dựa trên các căn cứ nêu trên thì việc mang tên không có giá trị pháp lý và việc mang tên đó sẽ không là cơ sở để phát sinh quyền sử dụng hợp pháp đối với ông C và cần coi 500m2 đất vẫn thuộc quyền sử dụng của ông bà A – B để làm di sản phân chia thừa kế.
Nhân đây cũng cần phân tích thêm về giá trị pháp lý của việc mang tên là khác với quyết định cấp, giao đất của Nhà nước, đó là:
+ Quyết định cấp, giao đất của Nhà nước là thể hiện ý chí của Nhà nước trao quyền sử dụng đất đó cho một cá nhân, tổ chức. Nên quyết định đó giữ tính ổn định, đảm bảo cho người được cấp, được giao và nó sẽ không bị thay đổi trong khi giải quyết tranh chấp (khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003).
+ Đối với việc mang tên (trong sổ mục kê hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có ý nghĩa để phân biệt thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Toà án nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đồng thời nó phản ánh đối tượng đang tranh chấp là thuộc đất sử dụng hợp pháp mà không thuộc diện đất lấn chiếm. Khi giải quyết, Toà án không phải hỏi Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về việc sử dụng đất là hợp pháp hay không. Việc mang tên không hoàn toàn là cơ sở duy nhất cho việc phát sinh quyền về tài sản riêng (quyền sử dụng đất hợp pháp của người được mang tên). Vì việc mang tên là dựa trên nhiều cơ sở khác nhau được quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 và được quy định theo 2 nhóm sau:
Nhóm 1: Đất có giấy tờ (liệt kê từ điểm a đến điểm e khoản 1 và khoản 7 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003).
Nhóm 2: Đất tuy không có giấy tờ, nhưng chủ hộ đã ở ổn định, phù hợp với quy hoạch và tại thời điểm mang tên không xảy ra tranh chấp (khoản 4 và khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003).
Từ quy định nêu trên thì việc mang tên có thể là căn cứ phát sinh quyền sử dụng đất hợp pháp (quyền về tài sản riêng), có thể chưa phải là căn cứ phát sinh quyền về tài sản riêng nếu xảy ra tranh chấp. Nên trong quá trình giải quyết tranh chấp việc mang tên có thể bị thay đổi nếu như người khởi kiện có căn cứ chứng minh. Và trong quá trình giải quyết, Toà án cần xem xét việc mang tên đó đã là căn cứ hợp pháp để phát sinh quyền sử dụng đất đối với người được mang tên hay chưa? Nếu việc mang tên không dựa trên căn cứ hợp pháp thì cần xác định rõ nguồn gốc tài sản là của ai để vụ việc được giải quyết một cách khách quan. Tuy nhiên, cũng phải đặt ra nghĩa vụ chứng minh ở trường hợp nêu tại ví dụ 1, đó là: Vì ông C đã mang tên, nên trách nhiệm cung cấp chứng cứ chứng minh đất của bố mẹ là thuộc về ông D. Nếu ông D không đưa ra được căn cứ chứng minh là đất của bố mẹ để lại thì lúc này cần tôn trọng và giữ tính ổn định của việc mang tên đối với diện tích đất của ông C và bác yêu cầu khởi kiện của ông D.
Hai là, sẽ là bất hợp lý nếu chúng ta mở rộng ví dụ 1, đó là:
Ví dụ 2: Giả sử trên khuôn viên 500m2 đất đang tranh chấp có 01 ngôi nhà cấp 4 do bố mẹ ông D xây dựng để lại. Đối với 500m2 đất mang tên ông C (có thể đứng tên ông C trong sổ mục kê hoặc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C). Nếu theo lập luận của ý kiến 1 nêu trên dựa trên cơ sở hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 hoặc 1.2 của Nghị quyết số 02 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thì 500m2 đất không mang tên ông bà A – B nên không phải là di sản thừa kế. Vậy di sản thừa kế ở đây phải chăng là ngôi nhà cấp 4? Việc hiểu và vận dụng theo ý kiến 1 sẽ mâu thuẫn với tiểu mục 1.3 của Nghị quyết số 02 vì tiểu mục 1.3 có hướng dẫn như sau:
Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các giấy tờ được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 và tiểu mục 1.2 Mục 1 này, nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác… gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phải phân biệt các trường hợp như sau:
a. Trong trường hợp đương sự có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền yêu cầu xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó.
Từ hướng dẫn nêu trên cho thấy, nếu đất dù không có giấy tờ (được coi đất của ông bà A – B để lại không có giấy tờ) nhưng việc sử dụng đất là hợp pháp, phù hợp quy hoạch thì quyền sử dụng đất cũng được coi là di sản, khi chia thừa kế sẽ coi nhà và quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Từ những ý kiến nhận thức khác nhau về di sản là quyền sử dụng đất như đã nêu trên, xin nêu ý kiến để trao đổi cùng bạn đọc, trên cơ sở đó đề nghị với liên ngành tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.
SOURCE: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 23/2008
Trích dẫn từ: http://tapchikiemsat.org.vn/viewtopic/van-de-109/Quyen-su-dung-dat-trong-truong-hop-nao-la-di-san-thua-ke-999.html
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!