Các nguyên tắc thu thập chứng cứ trong Luật Tố tụng hành chính
Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 quy định chi tiết về chứng cứ, chứng minh và các nguyên tắc thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Luật Tố tụng hành chính thì có ba nguyên tắc về thu thập chứng cứ, cụ thể như sau:
a. Nguyên tắc quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự
Khoản 1 Điều 8 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.
Với quy định này, việc thu thập chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của đương sự. Việc các đương sự phải cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là một trong những nguyên tắc xuất phát từ quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự đối với việc khởi kiện của mình (quy định tại Điều 7 Luật Tố tụng hành chính). Khi khởi kiện vụ án hành chính để Tòa án giải quyết và khẳng định rằng việc khởi kiện là có căn cứ và đúng pháp luật, thì các đương sự trong vụ án hành chính phải tự mình thu thập, cung cấp chứng cứ, tài liệu này cho Tòa án. Đó chính là việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự.
Khi đương sự khởi kiện đến Tòa án thì họ là người hiểu rõ các tình tiết vụ việc nhất, họ biết rõ các tài liệu và chứng cứ liên quan đến việc khởi kiện của họ nằm ở đâu. Bên bị kiện cũng nắm rõ thủ tục, căn cứ của việc ra quyết định hành chính và hành vi hành chính như thế nào. Đó là lý do tại sao Luật tố tụng hành chính quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Đối với người khởi kiện, họ phải chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm; chứng minh tính hợp pháp và tính có căn cứ của yêu cầu khởi kiện. Người bị kiện là các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải đưa ra được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình ban hành là có căn cứ và hợp pháp,…
Như vậy, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì quyền, nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra với bên khởi kiện mà đặt ra với cả bên bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện. Đó không những là quyền của các đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án mà đó còn là nghĩa vụ của họ phải thực hiện để Tòa án ra phán quyết giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Nguyên tắc này thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 77).
Các bên có quyền, nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc cũng có quyền không đưa ra các tài liệu, chứng cứ nhưng phải chịu hậu quả của việc không đưa ra được các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cho yêu cầu của mình. Trong trường hợp người khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình (không chứng minh được quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật) thì người khởi kiện sẽ bị bác yêu cầu khởi kiện. Còn nếu người bị kiện không đưa ra được chứng cứ, tài liệu chứng minh quyết định hành chính, hành vi hành chính do mình ban hành hoăc thực hiện là có căn cứ, đúng pháp luật thì có thể bị Tòa án huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính hoặc tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật (Điều 163 Luật Tố tụng hành chính).
Theo quy định tại khoản 1 của Điều 72 Luật Tố tụng hành chính thì: “Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do”.
Quy định trên bắt buộc khi khởi kiện người khởi kiện phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ. Đây là các chứng cứ ban đầu trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án hành chính, bảo đảm cho việc thụ lý vụ án hành chính và giải quyết vụ việc hành chính được chính xác, kịp thời của Tòa án.
Luật Tố Tụng hành chính quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không tự thu thập được và có yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập. Với quy định này, Luật Tố tụng hành chính quy trách nhiệm cho đương sự và giảm được những công việc cho Thẩm phán. Đồng thời bảo đảm được tính minh bạch, khách quan, tránh việc Thẩm phán lạm dụng biện pháp thu thập chứng cứ có lợi cho một trong các bên đương sự, để ra phán quyết không đúng với bản chất của vụ án đang giải quyết, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Nguyên tắc quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của đương sự là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hành chính. Các bên đương sự bình đẳng trong tố tụng hành chính, mặc dù bên khởi kiện là bên “yếu thế” hơn trong tố tụng hành chính. Tòa án sẽ không nghiêng về bên nào trong việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Quyền và lợi ích của các bên đương sự do chính họ quyết định thông qua hoạt động thu thập, cung cấp tài liệu chứng cứ của mình. Tòa án chỉ nhân danh Nhà nước công nhận các quyền lợi ích hợp pháp của đương sự khi xét thấy có căn cứ và hợp pháp thông qua hoạt động chứng minh của đương sự.
b. Nguyên tắc xác minh thu thập chứng cứ của Tòa án
Đồng thời với việc quy định quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự, Luật Tố tụng hành chính còn quy định trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án và chỉ được tiến hành trong những trường hợp do Luật Tố tụng hành chính quy định (khoản 2 Điều 8).
Quy định về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án có thể phân tích ở một số điểm như sau:
Trong vụ án hành chính, một bên đương sự (người bị kiện) là người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cơ quan hành chính mang quyền lực của Nhà nước, nắm chắc các quy định của pháp luật trong và một bên đương sự (người khởi kiện) không mang quyền lực và sự hiểu biết pháp luật đôi khi còn có sự hạn chế đồng thời họ ở phía“yếu thế” hơn trong việc tự thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khi họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì họ không biết cần phải có các chứng cứ, tài liệu nào để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc tìm kiếm các chứng cứ đó ở đâu để cung cấp cho Tòa án. Nếu quy định quyền và nghĩa vụ chứng minh chỉ thuộc về đương sự thì có thể đương sự không thể chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thẩm phán xây dựng hồ sơ vụ án và trên cơ sở hồ sơ đó để giải quyết vụ án. Việc xác minh, thu thập chứng cứ cũng là việc xây dựng hồ sơ vụ án hành chính. Thẩm phán có trách nhiệm xem xét toàn diện đầy đủ vụ án và giải quyết vụ án đảm bảo khách quan, công bằng, đúng pháp luật và không để vụ án kéo dài quá hạn luật định. Thẩm phán có nhiệm vụ đánh giá toàn bộ chứng cứ để giải quyết đúng đắn vụ án. Việc đánh giá chứng cứ có đúng đắn, khách quan và toàn diện phụ thuộc vào việc cung cấp, thu thập chứng cứ có đầy đủ, chính xác và đúng pháp luật. Trách nhiệm của Thẩm phán là phải đảm bảo trong hồ sơ vụ án có đầy đủ chứng cứ làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Do đó, mặc dù Luật Tố tụng hành chính quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án, nhưng nếu để toàn bộ việc chứng minh cho các đương sự thì kết quả giải quyết vụ án có thể bị sai lệch, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhưng họ không cung cấp được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cần thiết để Tòa án thụ lý vụ án. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này. Có thể là họ chưa nhận được các tài liệu, chứng cứ từ các cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cung cấp cho họ vì lý do nào đó, mặc dù họ đã yêu cầu được cung cấp tài liệu chứng cứ đó. Điều đó dẫn đến việc khởi kiện của họ gặp trở ngại ngay từ khi nộp đơn khởi kiện. Điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp của Tòa án là cơ quan thay mặt Nhà nước giải quyết tranh chấp, giúp đương sự trong việc thu thập chứng cứ đang lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức mà đương sự không thể thu thập được.
Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này quy định. Thủ tục thu thập chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 78 và các điều luật tương ứng khác của Luật Tố tụng hành chính. Thẩm phán được tự mình tiến hành một hoặc một số biện pháp sau để thu thập chứng cứ: lấy lời khai của đương sự (Điều 79); lấy lời khai người làm chứng khi xét thấy cần thiết (Điều 80); đối chất khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng (Điều 81); xem xét thẩm định tại chỗ (Điều 82); uỷ thác thu thập chứng cứ, xác minh tài liệu, chứng cứ (Điều 86). Luật còn quy định điều kiện để Thẩm phán được tiến hành một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập được và có yêu cầu như: lấy lời khai người làm chứng; đối chất; trưng cầu giám định; định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.
c. Nguyên tắc trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát
Điều 9 Luật Tố tụng hành chính quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát. Trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện Kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Thời hạn cung cấp chứng cứ cho Tòa án, Viện Kiểm sát là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện Kiểm sát.
Có những tài liệu, chứng cứ nằm ở nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác nhau nên nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đó không cung cấp cho Tòa án thì ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án đó, Thẩm phán không thể ra được phán quyết đúng được và nếu ra phán quyết sai sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ không chỉ là quyền, nghĩa vụ của đương sự, trách nhiệm của Tòa án mà còn là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đang giữ tài liệu, chứng cứ. Quy định này đảm bảo cho việc hồ sơ được xây dựng đầy đủ, toàn diện hơn trước khi Tòa án đưa ra phán quyết giải quyết vụ án hành chính. Quy định này rất cần thiết để ràng buộc cá nhân, cơ quan phải có trách nhiệm cùng với các đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát trong việc thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án hành chính.
Các nguyên tắc về thu thập chứng cứ nêu trên có mối liên hệ mật thiết, không tách rời nhau trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Việc áp dụng các nguyên tắc này đòi hỏi sự linh hoạt của Thẩm phán; đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính được khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!