Thành lập TAND sơ thẩm khu vực: Điều kiện đã chín muồi
Theo Nghị quyết số 49/NQ-TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị thì “TAND sơ thẩm khu vực được thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”.
Đây là một chủ trương đúng, là một bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp…
Mô hình cũ: Nhiều bất cập
Hiện nay, TAND cấp huyện do được tổ chức ở đơn vị hành chính cấp huyện nên dàn trải, nhiều đầu mối và tùy thuộc vào đặc điểm dân số, địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ tội phạm, tranh chấp dân sự xảy ra trên từng địa bàn mà có nơi quá nhiều việc, có nơi lại quá ít việc. Các TAND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, các TAND quận thuộc Tp. Hà Nội, Hồ Chí Minh là những đơn vị luôn phải giải quyết một khối lượng công việc về chuyên môn quá lớn và ngày càng tăng theo đà phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, TAND cấp huyện ở khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc lại có khối lượng công việc không đáng kể, nhưng vẫn phải bố trí đủ cán bộ theo cơ cấu tổ chức bộ máy của Tòa án theo quy định và yêu cầu phải có trụ sở, phương tiện làm việc như các đơn vị khác nên đã gây ra lãng phí không đáng có về nhân lực, vật lực. Thực tế này đang tạo ra những trở ngại, khó khăn trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng công tác của các TAND cấp huyện.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Đặng Quang Phương khảo sát thành lập TAND sơ thẩm khu vực tại tỉnh Vĩnh Phúc
Mặt khác, do được tổ chức theo đơn vị hành chính nên trong nhận thức và quan niệm của các ngành, các cấp thì TAND cấp huyện được coi như một cơ quan cấp phòng của huyện. Do đó việc xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tổ chức của các Tòa án, nhất là ở cấp huyện chưa thực sự thỏa đáng. Chẳng hạn việc xác định biên chế, kinh phí, trụ sở, phương tiện và chế độ chính sách đối với các Tòa án cấp huyện cũng theo định mức, tiêu chuẩn giống như đối với các cơ quan hành chính ở huyện. Vì vậy không đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử và không tương xứng với vị trí, vai trò, tính chất hoạt động quan trọng của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước. Hiện tại, việc xây dựng, kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ và cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Tòa án gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân một phần xuất phát từ những yếu tố bất cập mang tính khách quan nói trên.
Điều kiện đã chín muồi
Tổ chức lại hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Tòa án. Là cơ quan chủ trì trong việc xây dựng Đề án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, TANDTC đã xây dựng các tiêu chí đồng thời thành lập nhiều đoàn công tác do Chánh án và các Phó Chánh án TANDTC về các địa phương kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn thực hiện thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Các địa phương đã xác định về số lượng TAND sơ thẩm khu vực một cách linh hoạt phù hợp với thực tiễn và bám sát nguyên tắc, nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tính đến thời điểm này, 63 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xong đề án thành lập TAND sơ thẩm khu vực của địa phương mình và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét, phê duyệt thông qua. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương, thì dự kiến cả nước thành lập khoảng gần 400 TAND sơ thẩm khu vực trên tổng số 695 TAND cấp huyện hiện tại, giảm trên 300 TAND cấp huyện. Mặt khác, trong thời gian qua khi thực hiện cải cách tư pháp, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các ngành chức năng đã rất quan tâm đến ngành Tòa án nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc, chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành đã có những cải thiện đáng kể.
Trần Quang Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!