Có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự hay không?
Nội dung vụ án “Tranh chấp về hợp đồng vay tiền” giữa nguyên đơn vợ chồng ông A, bà B và bị đơn vợ chồng ông C, bà D, cụ thể như sau:
Ngày 01/01/2012, vợ chồng C, D có vay của vợ chồng A, B số tiền 3.000.000.000 đồng; thời hạn vay đến ngày 01/02/2012 với lãi suất 3%/tháng (vượt quá 150% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố). Đến hạn trả nợ, vợ chồng C, D không trả được cho vợ chồng A, B khoản tiền gốc và tiền lãi như đã cam kết. Do vậy, A, B khởi kiện yêu cầu Toà án buộc C, D phải trả cho A, B tiền gốc và tiền lãi như đã cam kết.
Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết và tiến hành hoà giải giữa các đương sự. Sau khi Toà án hoà giải, các đương sự đã thoả thuận được với nhau và Toà án lập biên bản hoà giải thành ngày 01/6/2012.
Nội dung hoà giải thành cụ thể như sau: vợ chồng C, D thừa nhận còn nợ vợ chồng A, B số tiền 3.000.000.000 đồng. Về lãi suất, nguyên đơn và bị đơn thoả thuận thống nhất: vợ chồng bị đơn C, D đồng ý trả mức lãi suất (150% x 0,75%/tháng - lãi suất cơ bản) và thời hạn tính lãi (từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/9/2012) như vợ chồng nguyên đơn A, B yêu cầu và sẽ trả dứt điểm cả gốc và lãi vào ngày 01/9/2012. Cụ thể:
Bị đơn đồng ý trả tiền lãi cho nguyên đơn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/9/2012 với mức lãi suất bằng 150% nhân với mức lãi suất cơ bản tại thời điểm Toà án hoà giải thành (0,75%/tháng), tính từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/9/2012. Thời hạn trả nợ là ngày 01/9/2012, trả dứt điểm cả gốc và lãi. Cụ thể tiền lãi là: 0,75%/tháng x 150% x 3.000.000.000 x 8 tháng = 270.000.000 đồng.
Hết thời hạn 7 ngày, không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Toà án cấp sơ thẩm ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự với nội dung:
Trích nguyên văn Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự: “Vợ chồng ông C, bà D tự nguyện trả nợ cho vợ chồng ông A, bà B số tiền còn nợ gốc là 3.000.000.000 đồng. Lãi suất từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/9/2012 là 270.000.000 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 3.270.000.000 đồng. Thời hạn trả nợ vào ngày 01/9/2012 là trả dứt điểm gốc và lãi”.
Sau khi Toà án ban hành quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự thì phía bị đơn C, D khiếu nại đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, cho rằng tại thời điểm thoả thuận về tiền lãi, do không am hiểu về pháp luật nên đã đồng ý với mức lãi suất tính bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nay, bị đơn C, D yêu cầu xem xét lại theo đúng quy định của pháp luật.
HIỆN ĐANG CÓ HAI QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU NHƯ SAU:
- Quan điểm thứ nhất và cũng là quan điểm của tác giả, cho rằng:
Không có căn cứ để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự nêu trên.
Lý do: Tại khoản 2 Điều 305 có quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Do vậy, số tiền lãi mà bị đơn và nguyên đơn đã thoả thuận với nhau như đã nêu trên tại Biên bản hoà giải thành được xem như là trường hợp có thoả thuận khác giữa nguyên đơn A, B và bị đơn C, D theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự.
Khi Toà án tiến hành hoà giải, vì thoả thuận về tiền lãi trước đó trong hợp đồng giữa các đương sự là trái pháp luật, bị vô hiệu theo quy định tại Điều 410 của Bộ luật dân sự và các đương sự không có yêu cầu Toà án tuyên giao dịch về lãi vô hiệu hay giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu nên giữa nguyên đơn và bị đơn đã có thoả thuận khác về việc trả tiền lãi. Thoả thuận khác này đã loại trừ việc áp dụng tính lãi suất nợ quá hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự và lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự.
Thoả thuận mới về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền giữa nguyên đơn A, B và bị đơn C, D khi Toà án hoà giải thành ngày 01/6/2012, bao gồm: Thời hạn trả nợ dứt điểm, thời hạn tính lãi, mức lãi suất áp dụng. Theo đó, giữa nguyên đơn và bị đơn đã thoả thuận thay đổi lại thời hạn tính lãi suất (bao gồm cả lãi trong hạn và lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ) là từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/9/2012 với cùng một mức lãi suất bằng 150% x lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm hoà giải thành, là phù hợp với quy định“Trừ trường hợp có thoả thuận khác” tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự.
Mặt khác, với quy định mở tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự thì có thể hiểu lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền không bị pháp luật ràng buộc là phải bắt buộc tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Điều đó có ý nghĩa là pháp luật không cấm các bên thoả thuận về lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền với mức lãi suất tính bằng 150% x lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tại thời điểm thoả thuận ngày 01/6/2012, các bên A, B và C, D đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện thoả thuận, không ai bị ép buộc. Do đó, không có căn cứ để cho rằng thoả thuận về tiền lãi như đã nêu trên giữa A, B và C, D là trái pháp luật.
Việc Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận thoả thuận này giữa các đương sự và Quyết định công nhận thoả thuận giữa các đương sự như đã nêu ở trên, là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.
Do vậy, không có cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để huỷ quyết định công nhận sự thoả thuận này của các đương sự.
- Quan điểm thứ hai cho rằng:
Các đương sự ký kết hợp đồng vay tiền có kỳ hạn và có lãi. Tuy nhiên, về lãi suất các đương sự thoả thuận là 3%/tháng là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Do vậy, áp dụng khoản 1 Điều 476 của Bộ luật dân sự thì chỉ chấp nhận thoả thuận của các đương sự với lãi suất trong hạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 01/02/2012 với mức lãi suất bằng 150% nhân với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Về lãi suất nợ quá hạn: Áp dụng khoản 5 Điều 476 của Bộ luật dân sự, thì chỉ chấp nhận thoả thuận của các đương sự với lãi suất nợ quá hạn tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Theo đó, khoản tiền lãi chỉ có thể chấp nhận cho các đương sự được phép thoả thuận với nhau là:
Lãi suất trong hạn (1 tháng) = 0,75%/tháng x 150% x 1 tháng x 3.000.000.000 đồng = 33.750.000 đồng.
Lãi suất nợ quá hạn (7 tháng) = 0,75%/tháng x 7 tháng x 3.000.000.000 đồng = 157.500.000 đồng.
Tổng số tiền lãi mà các đương sự có thể thoả thuận để được chấp nhận đúng theo quy định của pháp luật là: 191.250.000 đồng.
Việc các đương sự thoả thuận về khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (lãi nợ quá hạn) với mức lãi suất bằng 150% nhân với lãi suất cơ bản là trái pháp luật, vi phạm khoản 2 Điều 305, khoản 5 Điều 474 của Bộ luật dân sự. Do vậy, Toà án cấp sơ thẩm Quyết định công nhận thoả thuận trái pháp luật của đương sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 180 BLTTDS.
Do vậy, cần phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để huỷ quyết định công nhận sự thoả thuận này.
Do còn có quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau trong trường hợp cụ thể nêu trên, chúng tôi mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí đồng nghiệp và bạn đọc, để thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật.
Nguồn: Nguyễn Thành Duy - TAND tỉnh Gia Lai
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!