Quyết định thi hành án hình phạt tiền: Ai có thẩm quyền ban hành?
T
hi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng hình sự, nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án ra thi hành
Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng hình sự, nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án ra thi hành trên thực tế theo trình tự thủ tục đã được quy định nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà tố tụng hình sự đặt ra. Trong đó, việc thi hành án hình phạt tiền cũng là một mặt, một bộ phận trong công tác thi hành án hình sự.
Tuy nhiên trong thực tiễn thì sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì một vấn đề nảy sinh đó là quyết định thi hành án hình phạt tiền (QĐTHAPT) thuộc thẩm quyền ra quyết định của Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm hay của Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS). Xung quanh vấn đề này hiện nay có 2 quan điểm với 2.
Một phiên tòa hình sự (Ảnh minh họa)
Quan điểm thứ nhất cho rằng thẩm quyền này thuộc về Thủ trưởng Cơ quan THADS bởi căn cứ vào các điều của Luật THADS. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 23 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS là: “ Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;”. Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 35 quy định về thẩm quyền THA của các cơ quan THADS. Tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây… Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí. Như vậy, pháp lụât về THADS quy định Thủ trưởng Cơ quan THADS có thẩm quyền ra QĐTHAPT, không phân biệt đó là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung.
Quan điểm thứ hai cho rằng việc ra QĐTHAPT thuộc về thẩm quyền của Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm vì cho rằng đã được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38; Điều 255, Điều 256, Điều 257 và Điều 267 BLTTHS; Điều 2, khoản 1 Điều 20 Luật THADS. Mặt khác theo BLTTHS; Luật THADS thì việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về hình sự thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Chẳng hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương hoặc đơn vị quân đội nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ trong việc theo dõi giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo, trong thời gian án phạt cải tạo không giam giữ và việc thi hành hình phạt quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định do chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội nơi thi hành án đảm nhiệm. Hay như Cơ sở chuyên khoa y tế thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh. Cơ quan THADS thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án…. Các cơ quan thi hành án phải báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được thì phải nêu rõ lý do. (Điều 257 BLTTHS); Điều 267 BLTTHS quy định: Thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản “Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, chấp hành viên, người bị kết án và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú…”
Chúng tôi đồng tình về mặt thẩm quyền việc ra QĐTHAPT theo quan điểm thứ hai bởi lẽ nó phù hợp hơn. Một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được đánh dấu bởi quyết định thi hành án của Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm sau khi bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (theo quy định tại Điều 240 BLTTHS);
Việc Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật đây là tính tất nhiên. Còn việc chấp hành, tổ chức thực hiện quyết định của Toà án là do các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện trong phạm vi, chức năng, quyền hạn của mình. Như vậy mới bảo đảm hiệu lực thực tế của bản án và quyết định của Tòa án phù hợp với quy định tại Điều 136 của Hiến pháp. Hơn nữa, quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự có thể xảy ra các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án... việc xử lý các trường hợp này pháp luật hiện hành đều giao cho Chánh án Tòa án quyết định mà không giao cho các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án.
Để bảo đảm sự thống nhất, tránh tình trạng xung đột về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, tránh tình trạng cùng là bản án, quyết định của Toà án, nhưng lại do hai cơ quan khác nhau ra quyết định thi hành, chúng tôi cho rằng người có thẩm quyền ra QĐTHAPT về hình sự phải là Chánh án Tòa án mà không giao cho Thủ trưởng Cơ quan THADS. Chỉ có như vậy mới bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án và tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xét xử với công tác thi hành án hình sự; đồng thời, cũng phù hợp với xu hướng lấy Tòa án làm trung tâm trong lộ trình cải cách tư pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!