Yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Theo Điều 604 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 thì lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, đối với TNBTTH do nguồn nguy hiểm cao độ (NNHCĐ) gây ra, “lỗi” có phải là một trong các điều kiện bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm hay không đang là câu hỏi chưa có đáp án thống nhất trong khoa học pháp lý. Bài viết sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về yếu tố lỗi trong TNBTTH do NNHCĐ gây ra.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, NNHCĐ gây thiệt hại (GTH) chủ yếu do hai yếu tố: tự thân NNHCĐ và lỗi của chủ sở hữu (CSH), người được giao chiếm hữu sử dụng (NĐGCHSD) NNHCĐ. Khi có thiệt hại do phương tiện giao thông, thú dữ, do sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, điện...xảy ra, vì bất kỳ nguyên nhân gì, đều áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra[1].
Trái ngược với quan điểm trên, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng: TNBTTH do NNHCĐ gây ra phát sinh hoàn toàn không phải do hành vi trái pháp luật (HVTPL), có lỗi của con người mà hoàn toàn do sự tự thân hoạt động của NNHCĐ gây nên. Nếu thiệt hại xảy ra (THXR) do HVTPL có lỗi của con người (thiệt hại “liên quan” đến NNHCĐ) thì phải áp dụng TNBTTH ngoài hợp đồng nói chung do HVTPL gây ra. Chỉ khi nào thiệt hại hoàn toàn do tự thân NNHCĐ gây ra trong quá trình tồn tại và hoạt động thì mới áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra[2].
Dung hoà cả hai quan điểm trên, quan điểm thứ ba cho rằng, nếu THXR hoàn toàn do lỗi của con người trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành NNHCĐ thì áp dụng TNBTTH nói chung. Còn nếu THXR không có lỗi hoặc có một phần lỗi của người quản lý, trông giữ, bảo quản, vận hành NNHCĐ nhưng hành vi của người trông giữ, vận hành NNHCĐ không phải nguyên nhân có tính quyết định đến thiệt hại thì áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra[3].
Theo chúng tôi, cần phải hiểu TNBTTH do NNHCĐ gây ra phát sinh do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra, hoàn toàn không có lỗi của bất kỳ chủ thể nào. Điều này xuất phát từ những cơ sở sau:
Một là, về phương diện pháp lý: Điều 623 BLDS 2005 quy định “Bồi thường thiệt hại (BTTH) do NNHCĐ gây ra”. Điều đó có nghĩa, điều luật này quy định về TNBTTH do “tự thân” sự hoạt động của NNHCĐ gây ra chứ không phải bồi thường những thiệt hại chỉ “liên quan” đến NNHCĐ (thiệt hại do HVTPL có lỗi của con người gây ra). Những thiệt hại này sẽ được điều chỉnh bởi Điều 604 BLDS 2005.
Hai là, về mặt lý luận: Lỗi là trạng thái tâm lý bên trong của một chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi luôn gắn với một con người cụ thể. Một con người bị coi là có lỗi khi họ có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, bằng lý trí và ý chí của mình, họ nhận thức được hành vi mình đang thực hiện là vi phạm pháp luật nhưng họ vẫn thực hiện hành vi đó. Vì vậy, sẽ là không hợp lý khi xem xét một vật (NNHCĐ) GTH mà lại xem xét lỗi của vật đó. Nói cách khác, chỉ coi là TNBTTH do NNHCĐ gây ra nếu THXR hoàn toàn là do sự tác động, sự “tự thân” hoạt động của NNHCĐ - hoàn toàn không có yếu tố lỗi của con người. Nếu THXR là do HVTPL, có lỗi của con người thì đó là TNBTTH ngoài hợp đồng nói chung, không phải TNBTTH do NNHCĐ gây ra.

Ba là, xét trên thực tế:
- Đối với người bị thiệt hại: Việc không quy định lỗi là một điều kiện bắt buộc làm phát sinh TNBTTH do NNHCĐ gây ra nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị thiệt hại. Bởi lẽ, bản thân NNHCĐ luôn tiềm ẩn trong nó những nguy cơ GTH cho những người xung quanh mà con người rất khó kiểm soát, mặc dù CSH, NĐGCHSD NNHCĐ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết nhưng không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối khả năng GTH của NNHCĐ. Nếu trong mọi trường hợp khi THXR đều buộc người bị hại chứng minh lỗi của CSH, NĐGCHSD NNHCĐ thì không khác gì gián tiếp bác bỏ quyền đòi BTTH của người bị thiệt hại[4].
- Đối với CSH, NĐGCHSD NNHCĐ: Việc quy định TNBTTH do NNHCĐ gây ra phát sinh do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ không có lỗi của bất kỳ chủ thể nào sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của CSH, người được giao chiếm hữu trong việc quản lý, sử dụng NNHCĐ. Quan trọng hơn, điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý góp phần xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường (TNBT) trong từng trường hợp cụ thể. Đối với những thiệt hại do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra thì CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ có TNBT (Điều 623); còn đối với những thiệt hại do HVTPL, có lỗi, có liên quan đến NNHCĐ thì về nguyên tắc, chủ thể nào có lỗi, chủ thể đó có TNBT (Điều 604).
Tuy nhiên, trên thực tế do chưa có sự nhận thức thống nhất về bản chất của loại trách nhiệm này nên việc xác định chủ thể phải BTTH của Toà án trong nhiều trường hợp ở các cấp khác nhau là khác nhau.
Ví dụ, Khoảng 9 giờ ngày 15/10/2002, Nguyễn Văn Tấn Đạt điều khiển xe môtô (biển số 61F4-2362) chở Huỳnh Thanh Bình đi bán nắp chai bia. Khi Đạt vào quán bán nắp chai, Bình ngồi trên xe chờ. Do Đạt không rút chìa khoá xe nên khi thấy Đạt từ quán đi ra, Bình nổ máy và nói với Đạt là để Bình đèo về, Đạt đồng ý. Bình điều khiển xe lưu thông trên đường ĐT 743 với tốc độ khoảng 50km/h đến 60km/h. Bình phát hiện phía trước cùng chiều có một xe đạp do bà Võ Thị Bảy điều khiển nhưng Bình vẫn không giảm tốc độ. Khi còn cách xe đạp khoảng 5m đến 7m, thì Bình thấy bà Bảy điều khiển xe đạp ra khoảng giữa đường và chuyển hướng sang trái. Do không làm chủ được tốc độ và xử lý kém nên trục bánh trước bên phải xe môtô vướng vào phía bên trái xe đạp của bà Bảy làm hai xe ngã xuống đường. Hậu quả làm bà Bảy bị chết. Bình và Đạt bị thương nhẹ.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 318/HSST ngày 22/11/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạt liên đới bồi thường 29.910.000 đồng (trong đó Bình bồi thường 19.910.000 đồng và Đạt bồi thường 10.000.000 đồng).
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 674/HSPT ngày 25/4/2005, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại TP Hồ Chí Minh đã buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạtliên đới bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại là 34.910.000 đồng (trong đó Bình bồi thường 24.910.000 đồng và Đạt bồi thường 10.000.000 đồng).
Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 10/2007/HS-GĐT ngày 7/5/2007 của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TANDTC, Toà án nhận định: “Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm buộc Huỳnh Thanh Bình và Nguyễn Văn Tấn Đạt liên đới bồi thường là không đúng, bởi lẽ Nguyễn Văn Tấn Đạt đã giao xe cho Huỳnh Thanh Bình điều khiển nhưng Đạt vẫn ngồi sau xe, Bình điều khiển xe thế nào vẫn phải phụ thuộc vào ý chí của Đạt; do đó, Đạt vẫn đang là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe môtô này. Theo hướng dẫn tại điểm a mục 2 phần III Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của HĐTP TANDTC (nay là Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006) thì Đạt vẫn là người phải bồi thường toàn bộ thiệt hại”.
Như vậy, mặc dù thiệt hại trong trường hợp nói trên không phải do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra mà do hành vi có lỗi của người GTH có liên quan đến NNHCĐ nhưng HĐTP TANDTC vẫn áp dụng quy định về TNBTTH do NNHCĐ gây ra để buộc Đạt phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Điều này là bất hợp lý. Bởi lẽ, THXR trong trường hợp này trực tiếp là do hành vi có lỗi của Bình nhưng Bình lại hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng, đây là một hướng giải quyết “đáng khích lệ”[5] bởi nó “tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân”[6] do “khả năng Bình không có tài sản để bồi thường là cao còn nếu Đạt chịu TNBT thì hoàn cảnh của phía bị hại có thể cải thiện hơn: Đạt ít ra cũng có tài sản là chiếc xe (phương tiện trong vụ tai nạn) và thông thường Đạt có bảo hiểm trách nhiệm dân sự nên sẵn sàng bồi thường cho nạn nhân”[7].
Chúng tôi cho rằng, vai trò của pháp luật là bảo vệ và duy trì sự công bằng. Do đó, chủ thể nào có lỗi, gây ra thiệt hại thì chủ thể đó phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra. Riêng đối với TNBTTH do NNHCĐ gây ra, mặc dù CSH không có lỗi nhưng vẫn phải bồi thường bởi như đã phân tích ở trên, bản thân NNHCĐ luôn tiềm ẩn những nguy cơ GTH cho dù CSH đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết vẫn không thể loại trừ toàn bộ những nguy cơ đó. Do đó, khi những nguy cơ đó trở thành hiện thực (không do lỗi của bất kỳ ai) thì với tư cách là người có trách nhiệm quản lý, trông coi, giữ gìn tài sản; được hưởng lợi ích từ việc khai thác công dụng của tài sản nên đương nhiên CSH phải có TNBT. Điều này là công bằng đối với cả CSH và người bị thiệt hại. Còn trong những trường hợp khác, khi THXR do hành vi có lỗi của con người thì chúng ta không thể áp dụng trách nhiệm này mà cần phải tuân theo nguyên tắc: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà GTH thì phải bồi thường”[8]. Nhưng với cách giải quyết như trên của Toà án không chỉ là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật mà còn vi phạm những nguyên tắc cơ bản của BLDS như “nguyên tắc bình đẳng”[9] và “nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự”[10] làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Theo chúng tôi, để giải quyết tình huống nói trên, cần xác định Đạt có lỗi trong việc giao xe cho Bình hay không? Nếu Đạt có lỗi trong việc giao xe cho Bình (biết Bình không có bằng lái mà vẫn để Bình điều khiển xe) thì TNBTTH trong trường hợp này là trách nhiệm liên đới giữa Đạt và Bình (theo Điều 616 và Điều 604 BLDS 2005) còn nếu Đạt không có lỗi trong việc giao xe, thì người chịu TNBT phải là Bình chứ không phải Đạt (theo Điều 604 BLDS 2005). Cả hai trường hợp trên đều không áp dụng Điều 623 về TNBTTH do NNHCĐ gây ra.
Tóm lại, đã đến lúc chúng ta nên thống nhất cách cách hiểu về điều kiện làm phát sinh TNBTTH do NNHCĐ gây ra. Cụ thể, để làm phát sinh TNBTTH do NNHCĐ gây ra chỉ cần 3 điều kiện là: (i) có THXR; (ii) có việc GTH trái pháp luật; (iii)  có mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của NNHCĐ với thiệt hại mà không có điều kiện lỗi. Nói chính xác hơn, chỉ khi không có lỗi của bất kỳ chủ thể nào, hoàn toàn do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ GTH thì đó mới là TNBTTH do NNHCĐ gây ra.
Xuất phát từ nhận thức nói trên về bản chất của TNBTTH do NNHCĐ gây ra - một dạng của TNBT do tài sản GTH, hoàn toàn không có yếu tối lỗi của con người, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 như sau:
Thứ nhất, về cụm từ “cả khi không có lỗi”:
Khoản 3 Điều 623 quy định: “CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ phải BTTH cả khi không có lỗi”. Chính việc sử dụng cụm từ “cả khi không có lỗi này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế rằng: NNHCĐ có thể GTH theo nhiều cách khác nhau; có thể “tự thân” GTH; có thể do hành vi có lỗi thông qua NNHCĐ GTH; dù có lỗi hay “cả khi” không có lỗi, cũng đều làm phát sinh TNBTTH do NNHCĐ gây ra.
Để tạo cách hiểu chung thống nhất trong mọi trường hợp, nên sửa khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 theo hướng bỏ cụm từ “cả khi không có lỗi” thay vào đó là “do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra”. Cụ thể: “CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ phải BTTH do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra”.
Thứ hai, về các trường hợp được miễn TNBTTH:
- THXR hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại: Điểm a khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 quy định: CSH, NĐGCHSD NNHCĐ được miễn TNBT nếu “THXR hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại ”.
Điểm c mục 2 phần III Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP đưa ví dụ minh họa cho trường hợp này như sau: Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải BTTH do NNHCĐ (xe ô tô) gây ra.
Quy định này là không hợp lý bởi trong trường hợp này THXR không phải do “tự thân” sự hoạt động của NNHCĐ mà do hành vi cố ý của người bị thiệt hại. Do đó không thể áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra. Hơn nữa, với hướng dẫn này vô hình chung dẫn đến cách hiểu là: trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý lao vào xe để tự tử, còn lại trong mọi trường hợp khác đều áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra (kể cả khi thiệt hại là do HVTPL gây ra).
Chính sự không rõ ràng trong những quy định này đã dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tế xét xử giữa các Tòa án. Cùng một trường hợp THXR do lỗi của người bị thiệt hại, nhưng có Toà án thì do áp dụng quy định tại Điều 623 (về TNBTTH do NNHCĐ gây ra) nên đã không miễn (dù chỉ một phần) TNBTTH cho CSH, NĐGCHSD NNHCĐ với lập luận: “Trong tai nạn nêu trên, hành vi đi ngược chiều đường của ông Anh - mặc dù có thể do lỗi cố ý của đương sự - cũng không thuộc vào trường hợp “THXR hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại”. HĐTP TANDTC đã giải thích khái niệm “lỗi cố ý của người bị thiệt hại” là người bị thiệt hại đã lường trước được THXR và mong muốn sự thiệt hại đó xảy ra cho họ (Ví dụ: đương sự lao vào xe ô tô để tự tử và mong muốn cái chết xảy ra đối với họ). Vì vậy, trong tai nạn nêu trên, bên gây tai nạn không được miễn TNBTTH”[11].
 Ngược lại, cũng trong trường hợp này có Toà án do không áp dụng quy định về TNBTTH do NNHCĐ gây ra (Điều 623) mà áp dụng quy định về TNBTTH ngoài hợp đồng nói chung (do HVTPL gây ra) theo Điều 604 và 617 nên đã miễn toàn bộ TNBTTH cho CSH, NĐGCHSD NNHCĐ với lập luận: Theo biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông và Sơ đồ vụ tai nạn ngày 24/7/2008 của Công an huyện Núi Thành cho thấy, THXR hoàn toàn do lỗi của ông Nguyễn Đình Phương (đi không đúng phần đường của mình). Ông Ngô Thuận An hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn này. Vì vậy, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Đình Thao về “Tranh chấp BTTH do tính mạng bị xâm phạm” đối với bị đơn ông Ngô Thuận An và Công ty TNHH Toàn Thắng. Lý do là lỗi hoàn toàn do người bị hại; căn cứ Điều 604 BLDS 2005 nếu bên GTH có lỗi thì mới được bồi thường, trong trường hợp này bên GTH không có lỗi nên không phải bồi thường”[12].
 Trong một số Quyết định Giám đốc thẩm của TANDTC lại đi theo hướng: kết hợp cả Điều 623 và Điều 604, 617. Cụ thể, mặc dù thiệt hại là do HVTPL gây ra nhưng Toà án vẫn xác định đây là TNBTTH do NNHCĐ gây ra (Điều 623); đồng thời do người bị thiệt hại cũng có lỗi nên Toà án đã miễn một phần TNBT cho người GTH (Điều 617). Theo TANDTC: “Phong sử dụng xe máy gây ra tai nạn” nhưng “người bị hại là anh Côi dựng xe dưới lòng đường là vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên phải chịu một phần thiệt hại. Toà án cấp sơ thẩm buộc Phong phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh Côi mà không xem xét đến (...) mức độ lỗi của bị hại là trái với quy định tại (...) Điều 621 BLDS (năm 1995)”[13] (tức Điều 617 BLDS 2005).
Tương tự như vậy, trong một Quyết định khác: “Căn cứ vào Biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì xe môtô do anh Phú điều khiển đã đi lấn phần đường của xe Tế. Khi Tế phát hiện xe ngược chiều đi lấn phần đường của mình đã không kịp thời thực hiện các động tác để đảm bảo an toàn (không giảm tốc độ, nháy đèn, phát hiệu còi) và khi khoảng cách hai xe quá gần đã không xử lý kịp dẫn đến tai nạn. Như vậy, tai nạn xảy ra do một phần lỗi của anh Phú nhưng khi xem xét về TNBTTH, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã không tính đến lỗi của anh Phú”[14].
Theo chúng tôi, khi THXR “hoàn toàn” do lỗi (cố ý hoặc vô ý) của một bên hay do lỗi của cả hai bên thì cũng đều không thể áp dụng TNBTTH do NNHCĐ gây ra (Điều 623) mà phải áp dụng TNBTTH do HVTPL (Điều 604) để giải quyết. Còn nếu cả bên GTH và bị thiệt hại đều có lỗi thì phải áp dụng quy định tại Điều 617 (BTTH trong trường hợp NBTH có lỗi).
Khi bàn về quy định này, có kiến nghị nên bỏ cụm từ “cố ý”, theo đó CSH, NĐGCHSD sẽ được miễn trừ nếu “THXR hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại” không kể đó là lỗi cố ý hay vô ý [15]. Theo chúng tôi, nếu sửa đổi theo hướng nói trên, vô hình chung vẫn dẫn đến cách hiểu: trừ trường hợp THXR hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại còn trong mọi trường hợp khác người GTH có lỗi hay không có lỗi cũng đều bị áp dụng loại trách nhiệm này. Điều này rõ ràng không đúng với bản chất của TNBTTH do NNHCĐ gây ra - một loại trách nhiệm phát sinh khi tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra thiệt hại, không có lỗi của bất kỳ chủ thể nào.
Để đảm bảo cách hiểu thống nhất về bản chất của TNBTTH do NNHCĐ gây ra, đảm bảo sự khách quan đúng đắn khi áp dụng pháp luật nên bỏ hoàn toàn điểm a khoản 3 Điều 623 và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP về miễn TNBT trong trường hợp “THXR hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại” bởi lẽ khi THXR do lỗi của bất kỳ chủ thể nào (CSH, người chiếm hữu sử dụng NNHCĐ, người bị thiệt hại, bên thứ ba...) thì đó không còn là TNBTTH do NNHCĐ gây ra nữa mà đó đã là TNBTTH do HVTPL, có lỗi gây ra. Lúc này, căn cứ áp dụng để xác định TNBT là Điều 604 và Điều 617 chứ không phải Điều 623 BLDS. Theo đó, về nguyên tắc chủ thể nào có lỗi gây ra thiệt hại thì chủ thể đó chịu TNBT. Nếu chủ thể đó tự GTH cho chính mình (dù cố ý hay vô ý), không có lỗi của bất kỳ người nào khác thì đương nhiên chủ thể đó sẽ không được bồi thường. Còn nếu cả bên bị thiệt hại và bên GTH đều có lỗi thì “người GTH chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình” (Điều 617).
- THXR trong tình thế cấp thiết: Cùng với sự kiện bất khả kháng, điểm b khoản 3 Điều 623 quy định GTH trong “tình thế cấp thiết” là một trong các trường hợp được miễn TNBTTH.
BLDS không đưa ra khái niệm về tình thế cấp thiết, tuy nhiên theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự 1999 thì: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.
Phân tích quy định Điều 16 Bộ luật Hình sự ta thấy, một hành vi được coi là GTH trong tình thế cấp thiết khi thỏa mãn những điều kiện sau: (i) có một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nguy cơ đó phải thực tế, điều đó có nghĩa nếu người GTH không có những hành động ngăn chặn thì thiệt hại do nguy cơ đó gây ra sẽ là chắc chắn, hiển nhiên, không thể chống lại được. Những lợi ích mà nguy cơ đe dọa phải là những lợi ích hợp pháp, được pháp luật bảo vệ; (ii) để tránh nguy cơ đó xảy ra, người thực hiện hành vi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Khi GTH trong tình thế cấp thiết, bản thân người GTH đã phải tính toán, cân nhắc giữa một bên là thiệt hại có thể xảy ra với một bên là thiệt hại do mình sẽ gây ra. Sẽ chỉ coi là thiệt hại trong tình thế cấp thiết nếu THXR nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Như vậy, việc GTH trong tình thế cấp thiết chỉ có thể là do hành vi có chủ đích, là kết quả của sự lựa chọn có tính toán của con người. Chính vì vậy, bản thân NNHCĐ không thể GTH trong tình thế cấp thiết bởi lẽ NNHCĐ chỉ là những vật vô tri vô giác, không thể nhận biết được“một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác” để có thể tính toán lựa chọn cách “gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”. Do đó, đối với những thiệt hại trong tình thế cấp thiết, NNHCĐ chỉ đóng vai trò là vật trung gian mà con người sử dụng để GTH. Hơn nữa, bản thân việc GTH trong “tình thế cấp thiết” cũng đã được miễn TNBT theo khoản 1 Điều 614 BLDS: “Người GTH trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Do đó, không cần và cũng không nên nhắc lại trường hợp được miễn trừ này trong TNBTTH do NNHCĐ gây ra để tránh nhầm lẫn trong việc phân biệt TNBTTH do NNHCĐ gây ra với TNBTTH do hành vi của con người có liên quan đến NNHCĐ.
Vì vậy, nên sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP theo hướng bỏ “tình thế cấp thiết” là một trong các trường hợp được miễn TNBT.
Tóm lại, từ những phân tích nói trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 623 theo hướng gộp khoản 2 vào khoản 3: CSH, người được CSH giao chiếm hữu, sử dụng NNHCĐ phải BTTH do tự thân sự hoạt động của NNHCĐ gây ra trừ trường hợp THXR do sự kiện bất khả kháng”./.


[1] Đặng Văn Dùng,“BTTH do NNHCĐ gây ra theo Điều 627 BLDS”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, năm 1998.
[2] Nguyễn Xuân Quang, “Một số vấn đề pháp lý về TNBTTH do NNHCĐ gây ra”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2011, tr.35.
[3] Vũ Thị Hải Yến, “TNBTTH do NNHCĐ gây ra”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Trách nhiệm dân sự do tài sản GTH - Vấn đề lý luận và thực tiễn”, Đại học Luật Hà Nội, 2009 tr.126.
[4] Vũ Thị Hải Yến, “TNBTTH do NNHCĐ gây ra”, tlđd, tr.125.

[5] Đỗ Văn Đại, “Luật BTTH ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án”, Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr.576.
[6] Đỗ Văn Đại, “Luật BTTH ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án”, tlđd, tr.576.
[7] Đỗ Văn Đại, “Luật BTTH ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án”, tlđd, tr.577.
[8] Khoản 1 Điều 604 BLDS 2005.
[9] Điều 5 BLDS 2005.
[10] Điều 7 BLDS 2005.
[11] Bản án số 403/2008/DS-PT ngày 24/4/2008 của TAND TP Hồ Chí Minh.
[12] Bản án số 53/2009/DSST ngày 09/9/2009 của TAND huyện Núi Thành và Bản án số 01/2010/DSPT ngày 08/01/2010 TAND tỉnh Quảng Nam.
[13] Quyết định số 12/HS-GĐT ngày 22/4/2002 của Toà hình sự TANDTC.
[14] Quyết định số 12/2007/HS-GĐT ngày 8/5/2007 của HĐTP TANDTC.
[15] Nguyễn Xuân Quang, “Một số vấn đề pháp lý về TNBTTH do NNHCĐ gây ra”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3/2011, tr.37.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự