Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án có phù hợp quy định của pháp luật?

Ông N.V.T. và bà L.T.C đang xây nhà tại số 10, đường Nguyễn Hữu Cảnh, khóm A, phường L, thị xã T, tỉnh B (theo Giấy phép xây dựng số 322/2012/GPXD ngày 30/7/2012 do Ủy ban nhân dân thị xã T cấp) nhưng bị phần mái hiên, máng xối, rèm cửa của nhà ông T.H.A tại số 12, đường Nguyễn Hữu Cảnh (cạnh nhà ông T., bà C.) lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng của ông T., bà C. nên ảnh hưởng đến việc xây nhà của ông T., bà C. Mặc dù, đã được ông T., bà C. yêu cầu khắc phục nhiều lần nhưng ông A. không thực hiện. Phần đất mà ông T., bà C. được cấp phép xây dựng đã được Ủy ban nhân dân thị xã T. cấp quyền sử dụng cho ông T., bà C. vào năm 2006. Do đó, vào ngày 10/11/2012, ông T., bà C. khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã T buộc ông A phải cắt bớt phần máng xối, mái hiên, rèm cửa lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng của ông T., bà C.
Ông A. không chấp nhận yêu cầu của ông T., bà C. vì cho rằng giữa nhà của ông T., bà C. với nhà ông A có 01 con hẻm sử dụng chung với chiều ngang 0,6m, chiều dài chạy dọc theo phần đất thuộc quyền sử dụng của 02 nhà (mỗi nhà sử dụng chiều ngang 0,3m). Khi ông T., bà C. làm thủ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2012 đã xin cấp quyền sử dụng đối với phần con hẻm chung này. Nhà của ông A đã cất trước thời điểm ông T., bà C. được cấp quyền sử dụng và khi ông T., bà C. làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất ông A. không biết, không ký tứ cận cho ông T., bà C. cho nên ông A. không chấp nhận yêu cầu kiện của ông T., bà C.
Trong quá trình giải quyết vụ án, do ông A. yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân thị xã T cấp cho ông T., bà C. vào năm 2006 nên Tòa án đã ra Thông báo yêu cầu Ủy ban nhân dân thị xã T tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong thời gian Tòa án thụ lý giải quyết, do đã thuê nhân công và không thể chờ Tòa án giải quyết nên ông T., bà C. đã xây dựng hoàn thành căn nhà của mình. Sau khi xây dựng nhà xong, ông T., bà C. đến Tòa án rút lại đơn khởi kiện vì ông A. không còn cản trở việc ông T., bà C. xây dựng nhà.
Do ông A không có yêu cầu phản tố nên Tòa án đã áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192, khoản 3 Điều 193, Điều 194 và khoản 2 Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà không đề cập gì đến yêu cầu của ông A. đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho ông T., bà C.
Xung quanh việc Tòa án nhân dân thị xã T ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, còn có nhiều quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất: Tòa án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết vụ án là đúng pháp luật, vì không có yêu cầu phản tố của bị đơn, không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đối với yêu cầu của ông A về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T., bà C., sau khi Quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực, ông A có quyền khiếu nại đến Ủy ban nhân dân thị xã T hoặc khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T., bà C.
- Quan điểm thứ hai: việc Tòa án ban hành quyết định là không đúng quy định pháp luật vì trong vụ án này ngoài yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn còn có yêu cầu của ông A đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông T., bà C.. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận”. Vì Tòa án đang xem xét yêu cầu của ông A đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ông T., bà C., nên trong trường hợp này, Tòa án không chấp nhận việc ông T., bà C. rút đơn khởi kiện mà phải thực hiện các công việc cần thiết để mở phiên tòa. Tại phiên tòa, nếu ông T., bà C. vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn thì Tòa án đình chỉ yêu cầu của T., bà C. và xem xét việc có hủy hay không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho ông T., bà C. Các nội dung này phải được giải quyết bằng bản án.
- Quan điểm thứ ba: khi nhận được đơn rút đơn khởi kiện của ông T., bà C., Tòa án cần giải thích để ông A. rút yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T., bà C. Nếu ông A. chấp nhận thì Tòa án ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp ông A. không chấp nhận thì Tòa án chỉ đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông T., bà C. mà không đình chỉ giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu của ông A. đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T., bà C, cần áp dụng tương tự pháp luật, tiến hành việc thay địa vị tố tụng và xem xét giải quyết phần hành chính trong vụ án dân sự. Khi đó, ông A sẽ là người khởi kiện, Ủy ban nhân dân thị xã T sẽ là người bị kiện, ông T., bà C. sẽ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Bởi vì, trong trường hợp, ông T., bà C. không rút yêu cầu kiện thì Tòa án phải xem xét, giải quyết yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A, tức là Tòa án đã xem xét giải quyết phần hành chính trong vụ án dân sự.
Chúng tôi thống nhất với ý kiến thứ nhất bởi các lý do sau:
Thứ nhất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho ông T., bà C. của ông A không phải là yêu cầu phản tố. Theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự, “Cùng với việc phải nộp cho Toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.” Như vậy, yêu cầu phản tố chỉ áp dụng đối với nguyên đơn, người có quyền lợinghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A. lại đối với Ủy ban nhân dân thị xã T trong khi Ủy ban nhân dân thị xã T không có yêu cầu gì trong vụ án. Hơn nữa, chính từ yêu cầu này của ông A, Tòa án mới đưa Ủy ban nhân dân thị xã T vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Thứ hai, các khoản 1, 2 Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự quy định thẩm quyền của Toà án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Toà án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Toà án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Toà án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính.”
Quy định của khoản 1, khoản 2 Điều 32a BLTTDS được hiểu, cùng với việc giải quyết yêu cầu của đương sự (có thể là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) mà có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức trái pháp luật và quyết định cá biệt đó ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự thì Tòa án mới phải đưa cơ quan, tổ chức ban hành quyết định đó vào tham gia tố tụng và xem xét việc có hủy hay không hủy quyết định cá biệt đó. Trường hợp không có yêu cầu của đương sự (không có yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không có yêu cầu phản tố bị đơn và không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) thì việc xem xét giá trị pháp lý của quyết định của cơ quan, tổ chức ban hành không còn ý nghĩa.
Trong trường hợp này, yêu cầu của ông A. đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho ông T., bà C. không còn giá trị vì yêu cầu kiện liên quan đến nó không còn. Nếu cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T., bà C. gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì ông A hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T., bà C. hoặc khiếu nại đến Ủy ban nhân dân thị xã T yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T., bà C. Vì vậy, quyền lợi của ông A không bị ảnh hưởng.
Thứ ba, về việc thay đổi địa vụ tố tụng, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS và mục 10 Phần II Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS (Nghị quyết số 01/2006) thì khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, nếu vụ án có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập hoặc có cả 02 thì Tòa án mới đình chỉ yêu cầu khởi kiện và thay đổi địa vị tố tụng theo Điều 219 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 7 Phần III Nghị quyết số 01/2006. Trường hợp trong vụ án không có yêu cầu phản tố, không có yêu cầu độc lập thì Toà án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Từ căn cứ thứ nhất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A. không phải là yêu cầu phản tố nên không nhất thiết phải thay đổi địa vị tố tụng hay phải mở phiên tòa như ý kiến thứ hai và thứ ba.
Trên đây là ý kiến vướng mắc trong quá trình áp dụng Điều 32a BLTTDS. Mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự