Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không?
Kết hôn là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ theo quy định pháp luật. Theo Điều 39 Bộ luật Dân sự quy định quyền kết hôn của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ theo các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Công dân khi đăng ký kết hôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Cụ thể như sau:
Thẩm quyền đăng ký kết hôn: Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn.
Thủ tục đăng ký kết hôn: Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định khi đăng ký kết hôn hai bên phải nộp tờ khai đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy chứng minh nhân dân.
Nếu một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã phường thị trấn khác, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.
Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
Đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng vũ trang thì phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị.
- Thời hạn đăng ký kết hôn: Theo quy định tại Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân gia đình và chứng thực thì thời gian đăng ký kết hôn được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Trường hợp khi đăng ký kết hôn nếu hai bên nam, nữ không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn và vi phạm các quy định về đăng ký kết hôn thì người đi đăng ký kết hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tư pháp. Đối với những trường hợp đăng ký kết hôn vi phạm quy định về trình tự, thủ tục như trên thì tại điểm k, khoản 1, Điều 78 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, hủy bỏ những giấy tờ hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trái quy định.
Thực tiễn thi hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội có trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện phải ra quyết định thu hồi, huỷ bỏ giấy chứng nhận kết hôn do vi phạm về trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn, dẫn đến việc khiếu kiện của người liên quan và một số quan điểm khác nhau về hậu quả pháp lý của việc huỷ giấy chứng nhận kết hôn trái pháp luật, xin nêu ví dụ thực tiễn như sau:
Ông Lê Xuân T 69 tuổi, thường trú tại số 6 phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kết hôn cùng bà Nguyễn Thị D 31 tuổi, thường trú tại Đội 6, thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Sau khi kết hôn được 6 ngày thì ông T qua đời, để lại khối tài sản gồm: 2 ngôi nhà biệt thự tại trung tâm thành phố Hà Nội cùng nhiều tài sản có giá trị khác. Ngày 12/02/2009, bà Lê Thị Tú N (con gái ông Lê Xuân T) gửi đơn khiếu kiện đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn giữa ông Lê Xuân T và bà Nguyễn Thị D vì thiếu thủ tục khi đăng ký kết hôn do Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế đăng ký ngày 27/01/2007. Sau khi có đơn kiếu kiện Phòng Tư pháp huyện Mỹ Đức, Hà Nội tiến hành kiểm tra hồ sơ xin đăng ký kết hôn của ông T và bà D (giấy chứng nhận kết hôn số 09; quyển 01 đăng ký ngày 27/01/2007 tại Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thì thấy: Ông Lê Xuân T đã có vợ, nhưng đã chết. Trong hồ sơ xin đăng ký kết hôn không có tờ khai xin đăng ký kết của ông T và bà D; Ông T không có xác nhận tình trạng hôn nhân từ thời gian 29/12/2005 đến ngày 27/01/2007. Như vậy, tại thời điểm ông Lê Xuân T và bà Nguyễn Thị D đăng ký kết hôn là đủ điều kiện kết hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình nhưng lại vi phạm thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Ngày 22/4/2009, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức ban hành Quyết định số 595/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn số 09; quyển 01 đăng ký ngày 27/01/2007 tại Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1.k Điều 78 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Từ tình huống thực tiễn trên, tác giả bài viết xin nêu một số quan điểm giải quyết cũng như hậu quả pháp lý của việc Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn như sau:
Thứ nhất: Giấy chứng nhận kết hôn là một trong những giấy tờ hộ tịch. Tại thời điểm ông Lê Xuân T và bà Nguyễn Thị D đăng ký kết hôn là đủ điều kiện kết hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng lại vi phạm thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức ban hành Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 22/4/2005 về việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn số 09; quyển 01 đăng ký ngày 27/01/2007 tại Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 1.k Điều 78 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Thứ hai: Quan hệ hôn nhân giữa ông Lê Xuân T và bà Nguyễn Thị D được xác lập trên cơ sở đảm bảo đầy đủ về điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 9, đồng thời không vi phạm những trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế đã cấp giấy chứng nhận kết hôn cho ông T và bà D là đúng thẩm quyền. Sau khi ông T chết, do có khiếu nại, nên Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn mới phát hiện thiếu tờ khai đăng ký kết hôn và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nếu bình thường, chỉ cần bổ sung là hợp lệ nhưng trường hợp này người chồng lại chết. Lỗi này thuộc về trách nhiệm cán bộ tư pháp xã Phù Lưu tế đã không hướng dẫn cho người dân và không thể vì lỗi của chính quyền mà đẩy hậu quả sang cho người dân được. Căn cứ điểm k, khoản 1, Điều 78 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ những giấy chứng nhận kết hôn đã cấp cho ông T và bà D là máy móc, chỉ dựa theo tư duy pháp lý đơn thuần vì các giấy tờ còn thiếu trong hồ sơ kết hôn chỉ là thủ tục hành chính phản ánh về điều kiện kết hôn mà thôi.
Thứ ba: Hậu quả pháp lý của việc Ủy ban nhân dân cấp huyện huỷ giấy chứng nhận kết hôn của cơ quan hành chính xã như thế nào; có phát sinh quan hệ hôn nhân giữa ông T và bà D từ thời điểm đăng ký kết hôn đến ngày quyết định hành chính hủy quyết định đăng ký kết hôn có hiệu lực không? Lý giải vấn đề này có ý nghĩa trong tình huống thực tiễn trên là bà D có quyền thừa kế và yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông T, sau khi có quyết định hành chính huỷ giấy chứng nhận kết hôn hay không. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp thêm trong trường hợp sau đó bà D có con chung với ông T… thì quyền và lợi ích hợp pháp của bà D sẽ được giải quyết như thế nào.
Thứ tư: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định rõ về việc huỷ kết hôn trái pháp luật. Cụ thể tại Điều 15 quy định về người có quyền yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật; Điều 16 quy định thẩm quyền huỷ kết hôn trái pháp luật thuộc về Toà án; Điều 17 quy định về hậu quả pháp lý của việc huỷ kết hôn trái pháp luật; căn cứ để huỷ kết hôn trái pháp luật trong trường hợp kết hôn vi phạm Điều 9 (điều kiện kết hôn) và Điều 10 (những trường hợp cấm kết hôn) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Đối chiếu các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình với tình huống thực tiễn trên thì giả thiết có khởi kiện ra Toà án thì Toà án cũng không có căn cứ để huỷ hôn nhân trái pháp luật.
Tuy nhiên, tình huống thực tiễn trên cho thấy chỉ vì thiếu một số thủ tục hành chính chứng minh về điều kiện hôn nhân để ra một quyết định hành chính huỷ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đồng thời bỏ lửng hậu quả pháp lý liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cho thấy sự bất cập, không phù hợp quy định của pháp luật.
Quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ tư, đồng thời đưa ra kiến nghị cần quy định rõ về thẩm quyền huỷ các giấy tờ hộ tịch trái pháp luật trong dự thảo Luật Hộ tịch; đối với việc kết hôn nếu có dấu hiệu trái pháp luật, thì trong mọi trường hợp việc giải quyết thuộc thẩm quyền Toà án, không để quy định chung chung dẫn đến việc Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền huỷ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như tình huống thực tiễn trên
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!