Một số vấn đề về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Chương VIII của Bộ luật tố tụng dân sự trên thực tiễn


Hiện nay, về trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây viết tắt là BPKCTT) được quy định tại Chương VIII từ Điều 99 đến Điều 126 của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc áp dụng các quy định nêu trên vẫn chưa thống nhất, còn có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, cần có một quy chuẩn hoặc hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền.


Thứ nhất, Trong một số vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ (bị đơn). Tuy nhiên, các tài sản của bị đơn đang được thế chấp tại Ngân hàng như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu thiết bị máy móc, nhà xưởng...phía nguyên đơn cho rằng tổng giá trị các tài sản của bị đơn đang được thế chấp tại Ngân hàng cao hơn rất nhiều so với số tiền mà bị đơn đã vay Ngân hàng nên nguyên đơn yêu cầu Tòa án phong tỏa các tài sản này để bảo đảm cho việc thi hành án khoản tiền mà bị đơn đang còn nợ nguyên đơn. Căn cứ vào yêu cầu và chứng cứ nguyên đơn cung cấp, Tòa án đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” được quy định tại Điều 114 BLTTDS. Tuy nhiên, nội dung Quyết định ADBPKCTT này lại thể hiện Phong tỏa giá trị còn lại của các tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bị đơn. Như vậy, thực chất của việc ADBPKCTT trong trường hợp này là “Phong tỏa giá trị còn lại của tài sản của người có nghĩa vụ” chứ không phải là “Phong tỏa sản sản của người có nghĩa vụ”. Có quan điểm cho rằng, việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa giá trị còn lại của tài sản của người có nghĩa vụ” như nêu trên là trái pháp luật vì Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP không quy định có biện pháp khẩn cấp tạm thời này. Mặt khác, các tài sản bị phong tỏa đang được bị đơn thế chấp tại Ngân hàng nhưng trong Quyết định ADBPKCTT, Tòa án quyết định “Người bị phong tỏa không được tiếp tục dùng các tài sản bị phong tỏa trên để bảo đảm cho nghĩa vụ nào khác kể từ ngày ban hành quyết định này, không được quyền thỏa thuận với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (mà không có sự đồng ý của nguyên đơn) để chuyển dịch quyền về tài sản cho đến khi vụ án được giải quyết và thi hành án  xong. Phán quyết này trong quyết định ADBPKCTT không phù hợp với các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về cầm cố, thế chấp tài sản. Xâm hại đến quyền và lợi ích của Ngân hàng – là bên nhận thế chấp tài sản – được quy định tại Điều 351, 355 của Bộ luật dân sự năm 2005. Bởi lẽ, nội dung của QĐADBPKCTT nêu trên đã hạn chế quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng. Bên nhận thế chấp tài sản – Ngân hàng – và bên đã thế chấp tài sản sẽ không xử lý tài sản thế chấp theo phương thức do các bên đã thỏa thuận trước đó như quy định tại Điều 336, 355 của Bộ luật dân sự năm 2005 và các quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ. Như vậy, trong trường hợp này, quyền và lợi ích của phía Ngân hàng đã bị xâm hại bởi QĐADBPKCTT như đã nêu trên nhưng Ngân hàng lại không được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên không phải là đương sự trong vụ án. Do vậy, Ngân hàng không có quyền khiếu nại QĐ ADBPKCTT này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo như quy định tại Điều 124 BLTTDS. Bên cạnh đó, trong Quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án tuyên giữ nguyên Quyết định ADBPKCTT để bảo đảm thi hành án, nhưng như đã phân tích ở trên, Ngân hàng không phải là đương sự trong vụ án nên không có quyền kháng cáo bản án này mặc dù có đủ căn cứ để xác định bản án này đã xâm hại đến quyền lợi của Ngân hàng khi tuyên tiếp tục giữ nguyên QĐ ADBPKCTT.
Chúng tôi nhận thấy những trường hợp Tòa án ADBPKCTT với nội dung “Phong tỏa giá trị còn lại của các tài sản của người có nghĩa vụ” trong khi các tài sản này đang được cầm cố hoặc thế chấp cho bên thứ ba như đã nêu ở trên, đang được Tòa án áp dụng trên thực tiễn, gây nhiều bức xúc, khiếu nại cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vấn đề này. 
  Thứ hai, về việc xử lý Quyết định áp dụng BPKCTT sau khi đã được Tòa án áp dụng.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Toà án đã quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của nguyên đơn để bảo đảm thi hành án. Quyết định này được ban hành độc lập theo mẫu như hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán. Tuy nhiên, việc xử lý Quyết định này sau khi đã được Tòa án quyết định áp dụng trên thực tế đang có nhiều cách hiểu và cách áp dụng pháp luật khác nhau tuỳ vào nhận thức và áp dụng pháp luật của mỗi Thẩm phán. Có trường hợp khi ra bản án, Toà án tuyên tiếp tục giữ nguyên Quyết định áp dụng BPKCTT ngay trong bản án sơ thẩm nhưng lại quyết định trả lại số tiền bảo đảm cho đương sự; có trường hợp Toà án tuyên trong bản án sơ thẩm Quyết định áp dụng BPKCTT hết hiệu lực khi bản án có hiệu lực pháp luật đồng thời trả lại số tiền bảo đảm cho đương sự khi bản án có hiệu lực pháp luật; có trường hợp Toà án tuyên trong bản án sơ thẩm Quyết định áp dụng BPKCTT hết hiệu lực khi bên có nghĩa vụ thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên có quyền và quyết định trả lại tiền bảo đảm cho đương sự khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, các trường hợp Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng BPKCTT đã được quy định cụ thể tại Điều 122 BLTTDS và Quyết định này là một quyết định độc lập được ban hành theo mẫu quy định tại Nghị quyết số 02/2005/NQQ-HĐTP. Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2005/NQQ-HĐTP không có quy định nào về việc khi áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời Toà án được quyết định ngay trong bản án sơ thẩm. Do vậy, trong những trường hợp Toà án quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT trong bản án sơ thẩm như chúng tôi đã viện dẫn trên có được xem là vi phạm thủ tục tố tụng hay không? Trường hợp nếu chấp nhận được thì đương sự có quyền kháng cáo hay không?
Thực tiễn có nhiều bản án sơ thẩm tuyên giữ nguyên quyết định áp dụng BPKCTT trong phần Quyết định của bản án sơ thẩm.  Có nhiều quan điểm cho rằng nếu đã giữ nguyên thì không cần phải tuyên là tiếp tục giữ nguyên quyết định áp dụng BPKCTT trong bản án vì như vậy là thừa. Cũng có quan điểm cho rằng, khi đã tuyên tiếp tục giữ nguyên hoặc huỷ bỏ quyết định áp dụng BPKCTT trong phần quyết định của bản án sơ thẩm nếu đương sự kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm thì đương nhiên quyết định áp dụng hay huỷ bỏ BPKCTT bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm vì nó là một phần của bản án sơ thẩm nên Toà án cấp phúc thẩm sẽ xem xét giải quyết, mặc dù theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 BLTTDS quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT có hiệu lực thi hành ngay và đương sự chỉ có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị đối với quyết định này.
Chính vì sự không thống nhất trong áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT như đã nêu trên dẫn đến nhiều vụ án đương sự chỉ kháng cáo bản án với lý do không đồng ý với quyết định giữ nguyên hay huỷ bỏ quyết định áp dụng BPKCTT hoặc không đồng ý với việc Toà án tiếp tục giữ nguyên quyết định áp dụng BPKCTT nhưng lại ghi trong bản án trả lại cho đương sự tiền bảo đảm; gây nhiều khó khăn cho Toà án, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm trong việc giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm vì luật không quy định cho phép đương sự được kháng cáo hoặc Viện kiểm sát được kháng nghị đối với quyết định áp dụng ,thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT.
Thứ ba, theo quy định của pháp luật, Tòa án áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án tự mình áp dụng BPKCTT trong các trường hợp quy định tại Điều 119 BLTTDS. Trường hợp việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT có vi phạm, sai sót thì Tòa án cho rằng do đương sự yêu cầu nên đương sự sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật nếu có thiệt hại xảy ra. Thực tiễn cho thấy, có trường hợp nguyên đơn khởi kiện đã cung cấp các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không đủ hoặc không có căn cứ để yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Đồng thời với việc khởi kiện, nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 BLTTDS, ví dụ như Phong tỏa tài sản hoặc Phong tỏa tài khoản của bị đơn; nhằm mục đích không phải để bảo đảm cho việc thi hành án, mà nhằm mục đích khác như: gây khó khăn cho phía bị đơn trong hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác hoặc để làm giảm uy tín, gây dư luận xấu cho các hoạt động của phía bị đơn...v.v. Những trường hợp này, trên thực tế mặc dù nhiều Thẩm phán nhận thấy rõ yêu cầu áp dụng BPKCTT của đương sự là không có căn cứ hoặc có mục đích khác nhưng vẫn áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của đương sự vì cho rằng họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm và nếu có thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Từ đó, vô hình chung, đã tạo điều kiện cho một bên đương sự lợi dụng sự chưa cụ thể, chưa rõ ràng của pháp luật về áp dụng BPKCTT để xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự khác trái pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với những trường hợp này, qua công tác kiểm sát hoặc qua khiếu nại của đương sự, Viện kiểm sát xét thấy có vi phạm nhưng chỉ có quyền kiến nghị đối với Tòa án về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT, mà không có cơ chế và quyền năng đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn trước khi thiệt hại có thể xảy ra.
Thứ tư, về khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà Toà án ấn định người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp.
Điều 120 BLTTDS quy định khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Tại tiểu mục 8.1, mục 8 Nghị quyết số 02/2005/NQQ-HĐTP hướng dẫn“nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây ra. Tuy nhiên, mức thiệt hại trên thực tế có thể xảy ra lại không được Nghị quyết số 02/2005/NQQ-HĐTP hướng dẫn cách xác định. Thực tế, Toà án yêu cầu đương sự tự mình dự tính thiệt hại này nhưng đương sự cũng không có căn cứ và cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để dự tính thiệt hại này mà chỉ ước lượng một số tiền có tính chất tượng trưng rất nhỏ so với giá trị tài sản mà Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự, cần quy định cụ thể và rõ hơn về khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà người yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT phải nộp, tránh việc tuỳ tiện trong việc dự tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra khi áp dụng BPKCTT.
Thứ năm, trong nhiều trường hợp Toà án áp dụng BPKCTT phong toả tài sản vượt quá nhiều lần so với số tiền mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn hoặc phong toả toàn bộ tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo thi hành án trong vụ án chỉ mình người vợ hoặc người chồng phải có nghĩa vụ trả nợ riêng, dẫn đến gây thiệt hại cho một bên vợ hoặc chồng, nhưng BLTTDS chỉ quy định họ có quyền khiếu nại hoặc Viện kiểm sát chỉ có quyền kiến nghị đối với quyết định áp dụng BPKCTT nên trên thực tiễn việc kịp thời ngăn chặn thiệt hại do áp dụng BPKCTT không đúng, là rất khó khăn. Mặt khác, thời hạn khiếu nại hoặc kiến nghị quy định tại Điều 124 BLTTDS chỉ có 03 ngày, là rất ngắn. Nhiều trường hợp trong thời hạn 3 ngày này, đương sự chưa thể nhận thức hoặc nhận biết được thiệt hại xảy ra hoặc việc áp dụng BPKCTT là không đúng. Do vậy, họ không có điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì thời hạn khiếu nại đã hết.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù BLTTDS quy định các biện pháp bảo đảm tránh gây thiệt hại khi áp dụng BPKCTT và quy định cơ chế bồi thường thiệt hại nhưng trên thực tiễn việc thực hiện biện pháp bảo đảm chưa thực sự sát với thực tế thiệt hại có thể xảy ra. Việc quy định cơ chế khiếu nại của đương sự hoặc kiến nghị của Viện kiểm sát trong việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ BPKCTT chưa đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
Nên chăng, cần chú trọng bảo đảm quyền khiếu nại, kiến nghị không hạn chế về thời gian và mở rộng thêm đối tượng được khiếu nại (đương sự và bên thứ ba có liên quan như trong trường hợp nhận cầm cố, thế chấp, bảo lãnh...) để kịp thời ngăn chặn thiệt hại hơn là việc để thiệt hại xảy ra rồi, sau đó lại phải giải quyết hậu quả bằng biện pháp bồi thường thì càng làm cho sự việc phức tạp hơn, phát sinh nhiều hậu quả pháp lý bất lợi cho các bên đương sự hoặc bên thứ ba có liên quan.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự