Một vài ý kiến về hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án mà cụ thể là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải dựa vào các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình cũng như được Tòa án thu thập để làm căn cứ xác định chấp nhận hay phản bác ý kiến, yêu cầu của đương sự. Chính vì vậy, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (viết tắt là BLTTDS) đã quy định khá chi tiết, đầy đủ các hoạt động thu thập chứng cứ cũng như quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục tiến hành từng hoạt động. Một số quy định về thu thập chứng cứ của Tòa án được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 (sau đây viết tắt là Luật SĐBS). Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, ngoài việc sử dụng các chứng cứ được thu thập bằng các biện phạp được quy định tại Điều 85 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật SĐBS thì Thẩm phán còn sử dụng các chứng cứ được thu thập từ các hoạt động khác để giải quyết vụ án nhưng chưa được BLTTDS quy định rõ các hoạt động đó có phải là hoạt động thu thập chứng cứ hay không? Trong trường hợp một Thẩm phán thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi đã tiến hành một số hoặc toàn bộ hoạt động thu thập chứng cứ thì Thẩm phán thay thế có phải tiến hành lại các hoạt động thu thập chứng cứ hay không? Để làm rõ các vướng mắc này, trong phạm vi bài viết này, tác giải lần lượt làm rõ các nội dung sau:
1. Nghĩa vụ chứng minh và hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự
1.1. Quy định của BLTTDS về nghĩa vụ chứng minh
Trong tố tụng dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự trong vụ án, Tòa án chỉ tiến hành trong những trường hợp đương sự không tự thực hiện được và có yêu cầu hoặc trong những trường hợp rất hạn chế mà BLTTDS, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật SĐBS có quy định. Đây là một trong những nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 6 BLTTDS về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự: “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự”.
Nguyên tắc này còn được cụ thể hóa tại Điều 79 BLTTDS quy định về nghĩa vụ chứng minh:
“1. Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.
3. Cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó”.
1.2. Quy định của BLTTDS về hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án
Theo quy định tại Điều 81 BLTTDS, “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự”.
Từ khái niệm trên có thể khẳng định, chứng cứ trong tố tụng dân sự phải bảo đảm 03 thuộc tính là tính khách quan (là những gì có thật); tính liên quan (được dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự) và tính hợp pháp (được giao nộp hoặc thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định). Như vậy, những gì được xác định là chứng cứ thì chúng phải đảm bảo 03 thuộc tính của chứng cứ được nêu trên.
Về hoạt động thu thập chứng cứ, theo Từ điển tiếng Việt, thu thập là “góp nhặt và tập hợp lại”[1]. Cho nên, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm cho rằng, “thu thập chứng cứ là việc phát hiện, tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng giải quyết vụ việc dân sự”[2] và theo nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 6 thì “Toà án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.
Tuy nhiên, cụ thể hóa nguyên tắc này, các khoản 1, 2 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định những trường hợp Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ và các biện pháp mà Tòa án được tiến hành như sau:
“1. Trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
2. Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; b) Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; c) Trưng cầu giám định; d) Quyết định định giá tài sản, yêu cầu thẩm định giá tài sản; đ) Xem xét, thẩm định tại chỗ; e) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; g) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự”.
Nội dung bên trên đã nêu rõ điều kiện cũng như biện pháp thu thập chứng mà Tòa án được tiến hành nhưng lại không nêu rõ hoạt động thu thập chứng cứ này diễn ra trong giai đoạn tố tụng nào? Chẳng hạn, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án có được tiến hành ghi bổ sung lời khai của đương sự, định giá, xem xét thẩm định tại chỗ hay yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ cũng như các hoạt động khác? Cũng như không xác định rõ ngoài những biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS, những hoạt động khác mà Tòa án có sử dụng tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác để giải quyết vụ án như hoạt động hòa giải, hoạt động xét xử (cả sơ thẩm và phúc thẩm) có được xem là hoạt động thu thập chứng cứ? Do đó, cần phải làm rõ ngoài các chứng cứ thu được từ các hoạt động tại Điều 85 BLTTDS, Tòa án còn sử dụng chứng cứ trong các hoạt động khác để giải quyết vụ án hay không. Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu phạm vi các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án và giới hạn của hoạt động thu thập chứng cứ để làm rõ nội dung này.
1.2.1. Phạm vi các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sử dụng chứng cứ thu được từ nhiều hoạt động khác nhau phục vụ việc giải quyết vụ án. Bên cạnh các biện pháp được BLTTDS quy định là thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85, Tòa án còn sử dụng chứng cứ thu được qua hoạt động hòa giải, xét xử tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm để giải quyết vụ án cũng như hoạt động thu giữ chứng cứ do đương sự cung cấp. Cụ thể:
- Hoạt động đầu tiên của Tòa án là hoạt động tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn nộp kèm theo đơn khởi kiện (chưa thụ lý vụ án) theo quy định tại Điều 165 BLTTDS. Đó là việc “Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Khi người khởi kiện nộp đơn mà có nộp tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải tiến hành thu thập và lập biên bản giao nhận chứng cứ như quy định tại các khoản 2,3 Điều 84 BLTTDS.
- Hoạt động thứ hai diễn ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Sau khi vụ án đã được thụ lý và được Chánh án phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành lập hồ sơ vụ án có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 173 BLTTDS như sau: (1) Thông báo về việc thụ lý vụ án; (2) Yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Toà án; (3)Thực hiện một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS. Cho nên, các chứng cứ kế tiếp được dùng để giải quyết vụ án có được từ hoạt động (1) yêu cầu đương sự tự khai và chứng cứ thu được từ các biện pháp được quy định tại Điều 85 BLTTDS bao gồm: (2) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; (3) Trưng cầu giám định; (4) Quyết định định giá tài sản; (5) Xem xét, thẩm định tại chỗ; (6)Uỷ thác thu thập chứng cứ; (7) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
Trong giai đoạn này, chứng cứ dùng để giải quyết vụ án còn có được từ hoạt động hòa giải. Thực tiễn thể hiện, đối với những vụ án đơn giản hay vì lý do bận nhiều việc hoặc nhằm giảm bớt thời gian giải quyết vụ án, một số Thẩm phán đã bỏ qua một số hoạt động thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 BLTTDS (mà thông thường là ghi lời khai đương sự, đối chất), có nghĩa, sau khi ban hành Thông báo thụ lý vụ án, Thẩm phán ra Thông báo hòa giải và tiến hành ngay thủ tục hòa giải. Trong trường hợp này, biên bản hòa giải thể hiện lời khai của đương sự về các nội dung cần chứng minh của vụ án (kể cả đối chất khi có mâu thuẫn qua lời trình bày của đương sự trong biên bản hòa giải). Sau đó, khi xem xét biên bản hòa giải thể hiện đầy đủ nội dung cần giải quyết hoặc trong trường hợp các đương sự thống nhất nội dung chỉ không thống nhất về phương thức thanh toán, án phí, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa giải quyết vụ án. Trường hợp này, Tòa án chỉ dựa vào biên bản hòa giải và diễn biến tại phiên tòa để giải quyết vụ án. Thực tiễn còn có trường hợp, Tòa án tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ theo Điều 85 và Điều 173 BLTTDS nhưng tại phiên hòa giải phát sinh tình tiết mới ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành ghi nhận ý kiến của đương sự và tiến hành đối chất trong biên bản hòa giải. Sau đó, Tòa án dùng kết quả này giải quyết vụ án.
Xem xét các nội dung bắt buộc phải có trong biên ban bản hòa giải, thấy rằng, các điểm d, đ khoản 1 Điều 186 BLTTDS quy định: “d) Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự”; “đ) Những nội dung đã được các đương sự thoả thuận, không thoả thuận”. Như vậy, ý kiến của đương sự và thỏa thuận, không thỏa thuận không chỉ giới hạn trong các ý kiến đã trình bày ở bản tự khai, biên bản ghi lời khai. Trên cơ sở ý kiến và sự thỏa thuận của đương sự, Tòa án tiến hành ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự nếu thỏa thuận đó phù hợp quy định của pháp luật theo Điều 187 BLTTDS. Do đó, việc Thẩm phán sử dụng lời trình bày của đương sự tại biên bản hòa giải để giải quyết vụ án không trái quy định của BLTTDS.
- Hoạt động thứ ba là hoạt động xét xử tại phiên tòa sơ thẩm (đối với những vụ án phải mở phiên tòa để giải quyết), khoản 1 Điều 197 BLTTDS quy định, Toà án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách (1)hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; (2) xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; (3) nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Và bản án đươc tuyên phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, việc hỏi tại phiên toà và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà.
Quy định tại khoản 1 Điều 197 BLTTDS được cụ thể hóa tại các điều: Điều 217 (Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu); Điều 218 (Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu); Điều 220 (Công nhận sự thoả thuận của đương sự); Điều 221 (Nghe lời trình bày của đương sự); Điều 223 (Hỏi nguyên đơn); Điều 224 (Hỏi bị đơn); Điều 225 (Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan); Điều 226 (Hỏi người làm chứng); Điều 227 (Công bố các tài liệu của vụ án); Điều 228 (Nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình); Điều 229 (Xem xét vật chứng); Điều 230 (Hỏi người giám định); Điều 232 (Trình tự phát biểu khi tranh luận); Điều 233 (Phát biểu khi tranh luận và đối đáp); Điều 234 (Phát biểu của Kiểm sát viên). Trong đó, hoạt động tại các Điều 227, 228, 229 không chỉ giới hạn trong các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và lời khai của các đương sự, người tham gia tố tụng khác tại các Điều 217, 218, 221, 223, 224, 225, 226, 230, 232 không chỉ giới hạn trong các lời khai đã được trình bày ở giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Như vậy, phiên tòa không chỉ là quá trình xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, ý kiến mà đương sự, người tham gia tố tụng khác đã trình bày mà nó còn là quá trình xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ được cung cấp tại phiên tòa và những ý kiến mà đương sự, người tham gia tố tụng khác bổ sung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và làm rõ các tính tiết khách quan của vụ án. Chính vì vậy, bản án là kết quả kết thúc quá trình giải quyết vụ án phải dựa trên kết quả tranh tụng, xét hỏi tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ được xem xét tại phiên tòa. Do đó, chứng cứ được dùng để giải quyết vụ án còn có được từ hoạt động xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.
Cũng như ở giai đoạn hòa giải, đây là hoạt động đặc thù nên chúng được tách biệt ra, không thuộc phạm vi của hoạt động thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì lẽ đó, trong nhiều bản án, khi có sự trình bày khác nhau giữa các đương sự ở phiên tòa cũng như tài liệu, chứng bổ sung tại phiên tòa và lời khai của đương sự và tài liệu, chứng cứ thu thập được trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án phải có sự kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa (đã thu thập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa) để giải quyết tranh chấp giữa các đương sự.
- Đối với hoạt động xét xử tại phiên tòa phúc thẩm (chỉ tồn tại với những vụ án có kháng cáo, kháng nghị), Điều 242 BLTTDS quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm như sau: “Xét xử phúc thẩm là việc Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”. Cho nên, xét xử phúc thẩm chỉ diễn ra khi có kháng cáo, kháng nghị phù hợp với quy định tại các điều từ Điều 243 đến Điều 249 BLTTDS (đối với kháng cáo) và từ Điều 250 đến Điều 253 BLTTDS (đối với kháng nghị). Hoạt động xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm được quy định tại các Điều: Điều 268 (Việc hỏi tại phiên toà); Điều 271 (Nghe lời trình bày của đương sự tại phiên toà phúc thẩm); Điều 272 (Thủ tục hỏi và công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên toà phúc thẩm) Điều 273 (Tranh luận tại phiên toà phúc thẩm), Điều 273a (Phát biểu của Kiểm sát viên). Nhìn chung, thủ tục tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm cũng diễn ra như ở phiên tòa sơ thẩm ngoại trừ một vài khác biệt. Chẳng hạn, đối với phần hỏi, sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên toà phúc thẩm và một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị, Chủ toạ phiên toà hỏi về việc rút đơn khởi kiện, thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, sự thoả thuận của các đương sự. Trong khi đó, ở phiên tòa sơ thẩm, Chủ tọa phiên tòa phải bắt đầu tự việc hỏi thay đổi, bổ sung, rút một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện, có giữ nguyên ý kiến và các đương sự có tự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án hay không. Đối với thủ tục hỏi và công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như phiên tòa sơ thẩm nhưng có sự khác biệt là tại phiên tòa phúc thẩm chỉ giới hạn những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 263 BLTTDS (phần bị kháng cáo, kháng nghị và các phần có liên quan). Đối với phần tranh luận, được thực hiện như quy định tại phiên tòa sơ thẩm nhưng chỉ được tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm. Việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm cũng khác phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm (trường hợp có Kiểm sát viên tham gia). Theo đó, ở phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật (cả hình thức, nội dung) trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 273a). Trong khi, ở phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng.
Như vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án vẫn tiến hành các hoạt động: (1) Nghe lời trình bày của đương sự qua việc họ tự trình bày, khi họ được hỏi và trong việc tranh luận; (2) công bố tài liệu, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm (không chỉ giới hạn lời khai, tài liệu, chứng cứ có trong giai đoạn xét xử sơ thẩm). Cho nên, chứng cứ có được tại phiên tòa phúc thẩm vẫn được sử dụng để giải quyết vụ án như phiên tòa sơ thẩm, được dùng để làm cơ sở để Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền được quy định tại các Điều từ Điều 275 đến Điều 278 BLTTDS.
Ngoài ra, trong các căn cứ hủy án sơ thẩm được quy định tại Điều 277 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật SĐBS, khoản 1 Điều 277 quy định: “Việc chứng minh và thu thập chứng cứ không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được”. Cho nên trong trường hợp dù cấp sơ thẩm thực hiện hoạt động thu thập chứng c� không đúng quy định tại Chương VII BLTTDS hoặc thực hiện không đầy đủ thì cấp phúc thẩm có quyền tiến hành để bổ sung. Cho nên, một số hoạt động thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 85 BLTTDS không chỉ dành cho Tòa án cấp sơ thẩm mà còn áp dụng cho cả Tòa án cấp phúc thẩm.
Từ các phân tích trên có thể kết luận, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án (chủ yếu do Thẩm phán phụ trách giải quyết thực hiện) không chỉ bao gồm các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 85 và Điều 173 BLTTDS mà còn thông qua nhiều hoạt động khác như nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp; yêu cầu đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; hòa giải; xét xử tại phiên tòa sơ thẩm và xét xử tại phiên tòa phúc thẩm. Vì vậy, việc BLTTDS chỉ quy định Tòa án tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ tại Điều 85 và các khoản 2, 3 Điều 173 BLTTDS cũng như việc tách biện pháp thu thập chứng cứ “yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Toà án” ra khỏi các biện pháp khác như quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 85 và khoản 2, khoản 3 Điều 173 BLTTDS là chưa phù hợp và chưa đảm bảo tính logic về hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án.
1.2.2. Về giới hạn của hoạt động thu thập chứng cứ
Điều 85 BLTTDS không quy định hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án bắt đầu từ khi nào kết thúc từ khi nào. Tương tự, Điều 173 BLTTDS quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán khi lập hồ sơ giải quyết vụ án cũng chỉ liệt kê 03 hoạt động chính mà Thẩm phán được tiến hành mà không nêu rõ từ khi nào. Quy định tại Phần thứ III của BLTTDS về Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm cũng không quy định các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án cấp thẩm nhằm bổ sung sai sót trong việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm tiến hành trong khoản thời gian nào. Tuy nhiên, dựa vào nhiệm vụ giải quyết vụ án của Thẩm phán cùng các hoạt động tố tụng mà Tòa án được tiến hành có thể hiểu các hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án bắt đầu từ khi nguyên đơn nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp phải mở phiên tòa hay kết thúc phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị hợp pháp.
1.2.3. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án trong trường hơp Thẩm phán đã tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ nhưng thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi
Việc từ chối, thay đổi Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án xuất phát từ nguyên tắc “Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng dân sự” được quy định tại Điều 16 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật SĐBS. Theo đó, “Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên Hội đồng định giá không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
Nguyên tắc này được cụ thể hóa tại Điều 46 (Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng) và Điều 47 (Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân). Đối với Thẩm phán, khi thuộc một trong các trường hợp sau họ phải bị thay đổi: (1) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; (2) Đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; (3) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ; (4) Là người thân thích với thành viên Hội đồng xét xử khác; (5) Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh thì vẫn được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; (6) Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Kiểm sát viên, Thư ký Toà án.
Khi Thẩm phán rơi vào 01 trong 06 trường hợp trên, Thẩm phán phải từ chối hoặc bị thay đổi. Tuy nhiên, trong thực tiễn nảy sinh vướng mắc khi Thẩm phán đã tiến hành thu thập chứng cứ (một vài hoạt động hoặc toàn bộ các hoạt động cần thiết cho việc giải quyết vụ án) mới phát hiện Thẩm phán thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi thì các tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán đó đã thu thập có được sử dụng để giải quyết vụ án hay không?
Hiện nay, có hai quan điểm đối lập nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi có khiếu nại hoặc khi Tòa án phát hiện Thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết vụ án thuộc một trong các trường hợp phải từ chối, thay đổi mà họ đã tiến hành thu thập chứng cứ (một vài hoạt động hoặc toàn bộ các hoạt động cần thiết cho việc giải quyết vụ án) thì họ không được tiếp tục giải quyết vụ án tức không được tiếp tục thu thập chứng cứ. Trên cơ sở kết quả thu thập chứng cứ đó, Thẩm phán được phân công thay thế sẽ tiến hành các hoạt động tiếp theo phục vụ việc giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai không đồng ý với quan điểm thứ nhất vì cho rằng, nếu Thẩm phán được phân công thay thế sử dụng tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán từ chối, bị thay đổi để thu thập thêm chứng cứ, hoàn thành hồ sơ và dùng các tài liệu, chứng cứ được thu thập trước đó để giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo tính khách quan của việc giải quyết vụ án. Do đó, trong trường hợp này, Thẩm phán thay thế phải tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ lại từ ban đầu.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, do BLTTDS không quy định rõ trường hợp này nên có nhiều ý kiến trái chiều là khó tránh khỏi. Để đánh giá ý kiến nào phù hợp hơn cần xem xét trên các khía cạnh bản chất của việc từ chối, thay đổi Thẩm phán cũng như trình tự, thủ tục tiến hành từng hoạt động thu thập chứng cứ mà BLTTDS quy định.
Nghiên cứu các quy có liên quan của BLTTDS, thấy rằng, việc quy định các trường hợp từ chối, thay đổi Thẩm phán nhằm đảm bảo sự vô tư của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ án cũng như đảm bảo tính đúng đắn của kết quả giải quyết vụ án của Tòa án, chủ yếu là hoạt động thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, mỗi hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán đều được BLTTDS quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục tiến hành. Nếu những gì được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định thì chúng không được xác định là chứng cứ để giải quyết vụ án. Hơn nữa, BLTTDS còn dành cho đương sự quyền khiếu nại, tố cáo tại Chương XXXIII. Trong thực tiễn, chưa vụ án nào mà có Thẩm phán bị thay đổi phải tiến hành lại các thủ tục thu thập chứng cứ mà Thẩm phán bị thay đổi đã tiến hành khi các hoạt động đó được thực hiện đúng quy định của BLTTDS. Cho nên, việc thay đổi Thẩm phán không ảnh hưởng đến việc sử dụng tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán đó thu thập để giải quyết vụ việc nếu nó tuân thủ quy định của BLTTDS khi thu thập.
Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trong BLTTDS để có cách hiểu và áp dụng thống nhất đối với trường hợp này.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Từ các phân tích trên để quy định về hoạt động thu thập chứng cứ phù hợp với các quy định khác của BLTTDS cũng như thực tiễn giải quyết vụ án dân sự, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 85 và Điều 173 BLTTDS như sau:
Đối với Điều 85, ghép khoản 1, khoản 2 thành một khoản và bổ sung giới hạn thời gian thu thập chứng cứ vào đầu khoản 1; bổ sung vào cuối khoản 2 điểm h với nội dung “Các hoạt động khác mà Bộ luật này có quy định”; đồng thời, bổ sung quy định Thẩm phán thay thế Thẩm phán bị thay đổi, từ chối được sử dụng các kết quả từ hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán bị thay đổi, từ chối nếu các chứng cứ đó đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ. Cụ thể, Điều 85 mới như sau:
“Điều 85. Thu thập chứng cứ
1. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ như sau:
Trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
a) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
…
e) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
h) Các hoạt động khác mà Bộ luật này có quy định.
3. …
4. …
5. Trong trường hợp, chứng cứ được thu thập do Thẩm phán bị thay đổi, từ chối tiến hành tố tụng thực hiện thì Thẩm phán thay thế được sử dụng các kết quả từ hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán bị thay đổi, từ chối nếu các chứng cứ đó đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ tại Điều 81 Bộ luật này.”
Đối với Điều 173 BLTTDS, ghép khoản 2, khoản 3 thành một khoản và bổ sung vào đầu khoản giới hạn thời gian thu thập chứng cứ. Điều 173 sau khi sửa đổi, bổ sung có nội dung như sau:
“Điều 173. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán khi lập hồ sơ vụ án
1. Thông báo về việc thụ lý vụ án.
2. Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành hoạt động sau đây để lập hồ sơ vụ án:
Thực hiện một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Bộ luật này.”
Thu thập chứng cứ là hoạt động quan trọng nhất của Tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự. Cho nên việc nghiên cứu quy định liên quan đến hoạt động này để hoàn thiện là cần thiết. Tác giả mong rằng với những phân tích, đề xuất bên trên nhằm làm cho các quy định về thu thập chứng cứ của Tòa án phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính logic giữa quy định về hoạt động thu thập chứng cứ với các hoạt động khác trong BLTTDS.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!