Không thể kiện hành chính trong thi hành án
Trong một hội nghị rút kinh nghiệm xét xử mới đây, Tòa Hành chính TAND Tối cao nhìn nhận sau hơn một năm thi hành Luật Tố tụng hành chính đã phát sinh nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm cho các tòa án địa phương...
Thời gian qua nhiều tòa án địa phương thắc mắc: Hành vi, quyết định của chấp hành viên, cơ quan thi hành án (THA) dân sự có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không?
Đương sự không thể kiện hành chính trong các vụ việc thi hành án dân sự. Ảnh minh họa: HTD
Chỉ khiếu nại, không có quyền kiện
Về vấn đề này, Tòa Hành chính TAND Tối cao cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 140 và Điều 142 Luật THA dân sự thì đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hành vi, quyết định của chấp hành viên, cơ quan THA dân sự khi thi hành những bản án quyết định có hiệu lực của tòa thì chỉ có quyền khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan THA dân sự. Do vậy, hành vi, quyết định của chấp hành viên, cơ quan THA dân sự không phải là đối tượng khởi kiện và không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bằng vụ án hành chính.
Một vướng mắc khác cũng được nhiều tòa án địa phương xin ý kiến hướng dẫn là trường hợp người có hành vi khiếu nại, đơn khiếu nại quá thời hiệu khiếu nại được quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn nằm trong thời gian từ ngày 1-6-2002 đến ngày 1-7-2011 thì có được khởi kiện hành chính hay không. Theo tòa hành chính, về nội dung này, TAND Tối cao đã có các văn bản hướng dẫn sau: Công văn số 246 ngày 7-10-2012 của chánh án TAND Tối cao, Công văn số 163 ngày 10-8-2012 của TAND Tối cao gửi TAND tỉnh Long An. Các tòa địa phương có thể vận dụng các văn bản này để tham khảo trong quá trình giải quyết án.
Trả đơn sai, đình chỉ không đúng
Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, nhiều trường hợp các tòa địa phương trả lại đơn khởi kiện không đúng, giải quyết án vượt thẩm quyền, tuyên án vượt thẩm quyền, đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật…
Cụ thể, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hai trường hợp đã ra quyết định giữ nguyên thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án hành chính đều của bà NTML không đúng quy định. Chánh án TAND Tối cao sau khi xem xét đơn khiếu nại đã ra hai quyết định với nội dung chấp nhận đơn khiếu nại của bà L., yêu cầu TAND có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án. Tương tự, TAND tỉnh Bình Phước ra quyết định giữ nguyên thông báo trả lại đơn sai một trường hợp, TAND tỉnh Ninh Thuận cũng ra quyết định giữ nguyên thông báo trả lại đơn sai một trường hợp.
Chẳng hạn, vụ ông ĐVN khởi kiện Quyết định hành chính số 4508 của UBND huyện C. về việc cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất. Tại biên bản đối thoại, ông N. đưa ra yêu cầu như sau: Xem xét Quyết định số 4508 là đúng hay sai luật? Nếu đúng thì trường hợp của ông xử lý như thế nào? Ông N. cho biết không yêu cầu hủy Quyết định số 4508. Căn cứ vào biên bản đối thoại này, tòa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng yêu cầu của ông N. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo điểm e khoản 1 Điều 109 Luật Tố tụng hành chính. Cấp phúc thẩm sau đó cũng giữ nguyên quyết định trên. Theo Tòa Hành chính TAND Tối cao, việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng và không có căn cứ pháp luật.
Cạnh đó, việc một số tòa địa phương khi giải quyết án hành chính đã xác định người bị kiện là UBND tỉnh nhưng lại còn đưa thêm UBND huyện, UBND xã vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Bởi lẽ quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ quan này là đồng nhất và UBND tỉnh là cơ quan đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ đó.
Ngoài ra, nhiều tòa cấp tỉnh và cấp huyện, tại phần quyết định của bản án tuyên nội dung “giữ nguyên quyết định hành chính bị khiếu kiện”. Theo tòa hành chính, việc thêm nội dung này là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 163 Luật Tố tụng hành chính, vượt quá thẩm quyền của tòa án.
Rút kinh nghiệm hai vụ kiện ở TP.HCM
Đây là hai vụ kiện hành chính mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Liễu được thừa hưởng của cha mẹ một thửa đất nhưng chưa thực hiện việc đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất. Năm 1991, bà Liễu lập giấy tay chia đất cho hai con sinh đôi là Cao Hồng Trung và Cao Hồng Hậu (lúc này mới bảy tuổi) nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Năm 2002, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án làm đường Xuyên Á, trong đó có các phần diện tích đất của ông Trung và ông Hậu. Sau đó, UBND TP.HCM ra các quyết định phê duyệt bồi thường, đền bù thiệt hại cho họ. Sau đó, UBND quận lại ban hành các quyết định thu hồi các quyết định bồi thường, đền bù thiệt hại cho ông Trung và ông Hậu với lý do mẹ của họ mới là người được bồi thường.
Ông Trung và ông Hậu đã khởi kiện hai vụ án hành chính khác nhau, đều bị TAND quận 12 bác yêu cầu. Cả hai kháng cáo. Tháng 1-2011, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của ông Hậu. Tuy nhiên, với vụ của ông Trung, cũng chính tòa này xử phúc thẩm hồi tháng 7-2011 đã chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, hủy các quyết định của UBND quận 12.
Tòa hành chính cho rằng hai vụ án giống nhau về cả đối tượng khởi kiện, nội dung vụ việc lẫn thủ tục tố tụng thì không thể có hai kết quả xét xử khác nhau như vậy được. “Chắc chắn là khi xem xét giám đốc thẩm, sẽ có một vụ xét xử đúng và một vụ xét xử không đúng, cần thiết phải kháng nghị” - đại diện tòa hành chính khẳng định.
|
HỒNG TÚ
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!