Một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng

Một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng
                -------------------------------------------------
                                                                                   Thạc sỹ Đinh Văn Quế
Trong qúa trình giải quyết một vụ án hình sự từ khi khởi tố vụ án cho đến khi Toà án tuyên án, có nhiều người tham gia vào quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự quy định những người này vào hai nhóm: người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định tương đối cụ thể về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, quyền và nghĩa vụ của họ khi tiến hành tố tụng và khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ và hiểu không thống nhất nên không ít trường hợp xác định không đúng, nhất là đối với người tham gia tố tụng dẫn đến việc giải quyết vụ án vi phạm thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nhiều bản án bị huỷ, bị sửa chỉ vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì người tiến hành tố tụng bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án.
Theo quy định tại Chương IV (từ Điều 48 đến Điều 61) Bộ luật tố tụng hình sự thì người tham gia tố tụng bao gồm: người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người giám đinh; người phiên dịch. Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể còn có những người như: người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, của bị can, của bị cáo; người đại diện hợp pháp của người bị hại, của nguyên đơn dân sự, của bị đơn dân sự, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Việc xác định đúng tư cách tham gia tố là rất quan trọng, vì nó liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án hình sự. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp do xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng nên dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, phải xét xử nhiều lần, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử những vướng mắc trong việc xác định người tham gia tố tụng chỉ xảy ra trong một số trường hợp do quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không rõ ràng và chưa có hướng dẫn chính thức của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương hoặc do nhận thức không thống nhất của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Vì vậy trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ thể chế cho Việt Nam do cộng đồng châu Âu tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán mà đặc biệt là Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà, chuyên đề này chỉ tập trung giới thiệu một số vấn đề vướng mắc trong việc xác định, cũng như thay đổi một số người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử mà thực tiễn đặt ra. 
I. Thay đổi người tiến hành tố tụng
1. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm (Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân)
Việc thay đổi Thẩm phán và Hội thẩm được quy định tại Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có một số trường hợp vướng mắc, khi cần xem xét việc thay đổi Thẩm phán và Hội thẩm như:
 a. Thẩm phán là Chánh án, Phó Chánh án được phân công xét xử vụ án hình sự thì cần phân biệt thẩm quyền tố tụng với thẩm quyền quản lý (hành vi tố tụng với tư cách nhân danh cơ quan tiến hành tố tụng với hành vi tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng) Ví dụ: Chánh án thực hiện nhiệm vụ theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người quản lý của cơ quan tiến hành tố tụng thì không thuộc trường hợp phải thay đổi. Nhưng nếu Chánh án trực tiếp tham gia xét xử vụ án mà thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà theo Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị thay đổi nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 46 Bộ luật tố tụng hình sự.
Khi Chánh án, Phó Chánh án Toà án tiến hành tố tụng với tư cách là Thẩm phán (là chủ toạ phiên toà hoặc thành viên Hội đồng xét xử) có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 39 của BLTTHS thì sẽ phải từ chối hoặc bị thay đổi theo quy định tại Điều 42 và Điều 46 của BLTTHS”. (Mục 8 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
Tình huống: Người thân thích của Chánh án là người bị hại trong vụ án giết
người. Sau khi thụ lý vụ án để chuẩn bị xét xử Thẩm phán dược phân công chủ toạ phiên toà đề nghị Chánh án ra lệnh tạm giam bị cáo với thời hạn là 4 tháng và Chánh án đã ký lệnh tạm giam bị cáo 4 tháng.
Câu hỏi: Việc Chánh án ký lệnh tạm giam 4 tháng đối với bị cáo trong trường hợp người bị hại là người thân thích của mình có vi phạm thủ tục tố tụng không ? 
Đáp án: Không vi phạm thủ tục tố tụng, vì Chánh án chỉ tham gia giải quyết vụ án hình sự chứ không tham gia xét xử nên không bị thay đổi. (Mục 8 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
b. Thẩm phán, Hội thẩm đã tham gia xét xử vụ án, nhưng chưa ra bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án thì vẫn được xét xử lại vụ án đó. Ví dụ: Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử không ra bản án mà quyết định trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, thì các thành viên của Hội đồng xét xử vẫn được tham gia xét xử lại vụ án này sau khi Viện kiểm sát đã điều tra bổ sung.    
Nếu Thẩm phán, Hội thẩm được phân công tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm nhưng chỉ tham gia ra các quyết định: trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, huỷ quyết định đình chỉ vụ án, hoãn phiên toà, thì vẫn được tiếp tục giải quyết vụ án.” (điểm b mục 6 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
c. Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án là người thân thích với người bào chữa.
Theo quy định tại các Điều 42, 46, 47 và 56 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án là người thân thích với người bào chữa thì một trong số những người tiến hành tố tụng phải bị thay đổi hoặc người bào chữa không được bào chữa cho bị cáo. Ví dụ: ông A là người bào chữa cho bị cáo B từ giai đoạn điểu tra, truy tố. Nhưng đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo vẫn nhờ ông A tiếp tục bào chữa cho mình, nhưng ông A lại là bố của anh C Thư ký phiên toà. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một trong hai người (ông A hoặc anh C) phải bị thay đổi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia tố tụng, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:Trường hợp trong các giai đoạn tố tụng trước đó, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ đã có nhờ người bào chữa và nay vẫn tiếp tục nhờ người đó bào chữa thì cần phải xem xét người đó có quan hệ thân thích với người nào (Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án) được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án hay không. Nếu có quan hệ thân thích với người nào đó được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án, thì cần phân công người khác không có quan hệ thân thích với người được nhờ bào chữa thay thế tiến hành tố tụng và cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho người được nhờ bào chữa đó.” (điểm b mục 1 phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
d. Trường hợp thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án vì không vô tư khi tham gia xét xử.
Mặc dù Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn thế nào là Thẩm phán, Hội thẩm Thư ký Toà án không vô tư khi thực hiện nhiệm vụ.
Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 42 của BLTTHS thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án không thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm là anh em kết nghĩa của bị can, bị cáo; Thẩm phán là con rể của bị cáo; người bị hại là Thủ trưởng cơ quan, nơi vợ của Thẩm phán làm việc... mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế... Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án là người thân thích với nhau.” (điểm c, mục 4 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các Toà án thường gặp khó khăn khi người tham gia tố tụng đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án với lý do là: “nếu để những người này tiến hành tố tụng thì sẽ không vô tư.
Trường hợp thứ nhất, người tham gia tố tụng yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Toà án và đưa ra đủ lý do để cho rằng đề nghị của mình là có căn cứ nhưng khi chủ toạ phiên toà đề nghị họ cung cấp bằng chứng thì họ không cung cấp được những bằng chứng cụ thể về sự không vô tư của Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Toà án. Ví dụ: bị cáo đề nghị thay đổi một vị Hội thẩm vì cho rằng vị này đã ngồi ăn nhậu với người bị hại, nhưng khi yêu cầu bị cáo xuất trình bằng chứng về việc vị Hội thẩm ngồi ăn nhậu với người bị hại thì bị cáo chỉ nói chung chung là nghe người ta nói chứ tôi không nhìn thấy.
 Trường hợp thứ hai, người tham gia tố tụng giấu những bằng chứng mà chỉ nêu một cách chung chung là người tiến hành tố tụng không vô tư. Đây là vấn đề nhậy cảm, đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án phải rất sáng suốt và thận trọng. Nếu đúng là Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Thư ký Toà án đã có biểu hiện về sự thiếu vô tư thì cần tự giác báo cáo với Hội đồng xét xử và tự mình từ chối tham gia xét xử. Thực tế đã có trường hợp khi đề nghị thay đổi Hội thẩm, người tham gia tố tụng không cung bằng chứng, vị Hội thẩm bị đề nghị thay đổi vì “sĩ diện” nên cương quyết không chịu nhận là mình có biểu hiện không vô tư khi xét xử. Sau khi xét xử người tham gia tố tụng kháng cáo và xuất trình bằng chứng về sự không vô tư của vị Hội thẩm này và bằng chứng mà người tham gia tố tụng cung cấp là có thật nên bản án mà Toà án đã tuyên bị huỷ vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
(Khi giới thiệu, cần nêu một số trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án  cần phải chú ý khi có yêu cầu thay đổi mình. Trường hợp nào thì cương quyết không chấp nhận, còn trường hợp nào thì nên chấp nhận, đồng thời giới thiệu nội dung hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về trường hợp “có căn cứ khác để cho rằng họ không vô tư” (điểm c, mục 4 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao).
2. Thay đổi Kiểm sát viên hoặc Kiểm sát viên không tham gia phiên toà 
Việc thay đổi Kiểm sát viên trong giai đoạn điều tra, truy tố là do Viện trưởng quyết định và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xét xử của Toà án, nhưng nếu Kiểm sát viên tham gia phiên toà bị thay đổi hoặc không có mặt thì phải hoãn phiên toà.
Trường hợp Kiểm sát viên phải từ chối hoặc bị thay đổi cũng tương tự như đối với trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án bị thay đổi hoặc phải từ chối tham gia tố tụng, nhưng lại không quy định cụ thể việc thay đổi như đối với Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án.
Theo hướng dẫn tại mục 5 phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “trong trường hợp tại phiên toà Kiểm sát viên từ chối tiến hành tố tụng hoặc có yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên, thì Hội đồng xét xử phải nghe Kiểm sát viên trình bày ý kiến của mình về các lý do từ chối tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên. Sau đó Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận. Nếu xét thấy việc từ chối tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên là có đầy đủ căn cứ (trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết), thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Việc thảo luận và quyết định hoãn phiên toà, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thay đổi Kiểm sát viên phải được lập thành văn bản và công bố tại phiên toà. Văn bản thông báo phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp quyết định việc cử Kiểm sát viên khác thay thế. Trong văn bản thông báo cần ghi rõ là trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Hội đồng xét xử, đề nghị Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên khác thay thế để Toà án mở lại phiên toà trong thời hạn luật định”.
Tuy nhiên, thực tiến xét xử còn có những trường hợp Kiểm sát viên tự ý không tham gia phiên toà, từ chối tham gia phiên toà hoặc vắng mặt tại phiên toà không rõ lý do hoặc lý do không chính đáng dẫn đến phải hoãn phiên toà, gây khó khăn cho việc xét xử của Toà án nhưng chưa được Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn gồm các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, Viện kiểm sát không cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà vì không đồng ý với quyết định của Toà án. Ví dụ: Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại theo hướng cho bị cáo được hưởng án treo, nhưng Viện kiểm sát không đồng ý với quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm nên không cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm.
Trường hợp thứ hai, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên toà nhưng tự ý không đến phiên toà mà không có lý do hoặc lý do không chính đáng.
Trường hợp thứ ba, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên toà nhưng không đến phiên toà mà nêu lý do là mình thuộc một trong các trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi.
Trường hợp thứ tư, tại phiên toà trong quá trình xét hỏi Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà hoặc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, nhưng Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của Kiểm sát viên không có căn cứ nên không hoãn phiên toà hoặc không quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung nên Kiểm sát viên tự ý rời khỏi phòng xử án, không tiếp tục tham gia phiên toà nữa.
Để khắc phục tình trạng trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cần dự kiến tình huống Kiểm sát viên có thể không tham gia phiên toà, đồng thời chủ động trao đổi với Viện kiểm sát hoặc đề nghị Chánh án mời lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp trao đổi về vụ án, trên tinh thần phối hợp giữa hai ngành nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo hai ngành về việc tham gia phiên toà của Kiểm sát viên. Nếu trong quá trình trao đổi còn những ý kiến khác nhau thì Toà án cần báo cáo với Toà án cấp trên trực tiếp hoặc báo cáo về Toà án nhân dân tối cao để Toà án cấp trên trao đổi với Viện kiểm sát cấp trên của Viện kiểm sát có trách nhiệm cử Kiểm sát viên tham gia phiên toà theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, tại phiên toà Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà hoặc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, nhưng Hội đồng xét xử không đồng ý với đề nghị của Kiểm sát viên, thì trước hết Hội đồng xét xử cần trao đổi với Kiểm sát viên tham gia phiên toà và nêu rõ lý do vì sao không thể hoãn phiên toà hoặc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, đồng thời báo cáo ngay với lãnh đạo Toà án, nếu lãnh đạo Toà án cũng đồng ý với quan điểm của Hội đồng xét xử thì lãnh đạo Toà án cần trao đổi ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp đồng ý với quan điểm của Toà án thì lãnh đạo Viện kiểm sát sẽ yêu cầu Kiểm sát viên phải tiếp tục tham gia phiên toà. Trường hợp lãnh đạo Viện kiểm sát không đồng ý với quan điểm của Toà án thì sau khi hội ý, Hội đồng xét xử trở lại phòng xử án tuyên bố công khai về quyết định không đồng ý hoãn phiên toà hoặc quyết định không trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung cho mọi người tham gia phiên toà biết và đề nghị Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên toà. Nếu Kiểm sát viên tự ý rời khỏi phòng xử án thì Thư ký phiên toà ghi vào biên bản phiên toà về việc Kiểm sát viên tự ý không tham gia phiên toà. Sau đó Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên toà vì Kiểm sát viên vắng mặt không có lý do. Sau khi hoãn phiên toà, Toà án phải báo cáo bằng văn bản về Toà án cấp trên trực tiếp và kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên về việc Kiểm sát viên không tiếp tục tham gia phiên toà là trái với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 của Bộ luật tố tụng hình sự.
(Khi giới thiệu, cần chú ý đây chỉ là mối quan hệ phối hợp, chứ không phải là quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay thông tư liên tịch giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Toà án nhân dân tối cao; về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chưa có chỉ thị hay thông báo gì về vấn đề này, nên nếu ở địa phương nào giữa Viện kiểm sát và Toà án phối hợp không tốt thì phải báo cáo kịp thời về Toà án nhân dân tối cao để Toà án nhân dân tối cao trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết, không nên gây căng thẳng nhất là tại phiên toà làm mất uy tín của Viện kiểm sát).
II. Xác định người tham gia tố tụng trong một số trường hợp
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì người tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử gồm: bị cáo; người bào chữa; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người làm chứng; người giám định; người phiên dịch. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử chỉ trong một số trường hợp nếu xác định không đúng sẽ dẫn đến việc giải quyết sai. Đó là người đại diện hợp pháp của bị cáo; người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
1. Xác định người đại diện hợp pháp của bị cáo 
Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.
Đối với người chưa thành niên, ngoài quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự thì tại khoản 3 Điều 303, Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định người đại diện hợp pháp của bị cáo. Ngoài người đại diện hợp pháp, bị cáo là người chưa thành niên còn có đại diện của gia đình; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác.
Bộ luật tố tụng hình sự không nêu khái niệm “người đại diện hợp pháp của bị cáo” như đối với một số người tham gia tố tụng khác. Vậy họ là ai, nhiệm vụ, quyền hạn của họ như thế nào ?
Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng chỉ nêu trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì có người đại diện hợp pháp, còn ai là người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì cũng chưa quy định cụ thể.
Việc xác định người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo thực tiễn xét xử cũng không thống nhất, có Toà án xác định bố, mẹ bị cáo là người đại diện hợp pháp của bị cáo hoặc người giám hộ của bị cáo; có Toà án xác định anh, chị, cô, dì, chú, bác… là người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của bị cáo; có Toà án chỉ xác định là người giám hộ của bị cáo mà không xác định họ là người đại diện hợp pháp của bị cáo; có Toà án xác định đại điện nhà trường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… là người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của bị cáo.v.v… Việc xác định người giám hộ của bị cáo như trên rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tư cách tham gia tố tụng. Khái niệm “người giám hộ” chỉ dùng trong quan hệ pháp luật dân sự còn Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chứ không có quy định nào về người giám hộ của bị can, bị cáo. Việc xác định không chính xác tư cách tham gia tố tụng cũng sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau khi cần phải xem xét tính đúng đắn của các bản án hoặc quyết định của Toà án đối với quyền và nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp của bị cáo.  
Trước hết cần khẳng định là, người đại diện hợp pháp của bị cáo chỉ có khi bị cáo là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của bị cáo là đại diện đương nhiên chứ không phải là đại diện theo uỷ quyền. Không ai có thể uỷ quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng với tư cách là bị cáo được; ngay trong trường hợp đã có người đại diện hợp pháp nhưng bị cáo vẫn phải tham gia tố tụng, người đại diện hợp pháp chỉ là người giúp đỡ bị cáo thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
 Người đại diện hợp pháp của bị cáo có thể đồng thời là người bào chữa cho bị cáo nếu bị cáo và người đại diện hợp pháp không mời người bào chữa hoặc không chấp nhận người bào chữa mà Văn phòng Luật sư cử. Khi người đại diện hợp pháp của bị cáo là người bào chữa thì họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định của pháp luật, đồng thời họ vẫn có quyền và nghĩa vụ với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo.
 Người đại diện hợp pháp của bị cáo có thể đồng thời là người đại diện gia đình bị cáo. Nếu là người đại diện gia đình của bị cáo thì ngoài quyền và nghĩa vụ đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo họ còn có quyền và nghĩa vụ của đại diện gia đình bị cáo theo quy định của pháp luật.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo mà lại là bố mẹ bị cáo thì còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy, với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo, họ có thể tham gia tố tụng với nhiều tư cách khác nhau nhưng đều với một mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo là người chưa thành niên và cũng chỉ có bị cáo là người chưa thành niên mới được như vậy.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo có thể là cha, mẹ hoặc những người thân thích khác của bị cáo nhưng phải là người đã thành niên và không thuộc trường hợp bị cấm làm đại diện; nếu bị cáo không còn người thân thích thì đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức khác tham gia phiên toà với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo.
 Người đại diện hợp pháp của bị cáo với đại diện của gia đình; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác tuy khác nhau về tư cách tham gia tố tụng nhưng đều nhằm mục đích là bảo vệ cho bị cáo là người chưa thành niên.  Bởi lẽ, Bộ luật tố tụng hình sự khi quy định người đại diện hợp pháp của bị cáo cùng với việc quy định đại diện của gia đình; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác là nhằm bảo đảm cho bị cáo là người chưa thành niên có người đại diện tham gia phiên toà. Mặt khác, nếu đại diện của gia đình; thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác tham gia phiên toà thì trong bản án cũng chỉ ghi là người đại diện hợp pháp của bị cáo, còn cụ thể họ là ai (bố, mẹ, anh, chị, thầy giáo, cô giáo, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức khác) thì ghi trong bản án đúng theo hướng dẫn cách sử dụng mẫu bản án sơ thẩm (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao). Ví dụ: Đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn A có ông Nguyễn Văn H là bố bị cáo; Đại diện hợp pháp của bị cáo Nguyễn Văn B có ông Đinh Văn T là giáo viên chủ nhiệm của bị cáo.v.v...
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp của bị cáo trong giai đoạn xét xử được quy định tại khoản 2 Điều 57; khoản 3 Điều 303; Điều 304 và Điều 306 Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể là: lựa chọn người bào chữa cho bị cáo; có quyền tham gia tố tụng theo quyết định của Toà án; có mặt khi Toà án lấy lời khai của bị cáo; hỏi bị cáo nếu được Hội đồng xét xử đồng ý; được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; tham gia tranh luân; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra và phải có mặt tại phiên toà.
Vấn đề đặt ra là: Ngoài bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì có trường hợp nào bị can, bị cáo có người đại diện hợp pháp nữa không ?
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng đối với bị can, bị cáo là người đã thành niêncó nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sẽ không có người đại diện hợp pháp vì Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định nào về người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người đã thành niên mà có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, mà chỉ có quy định: bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nếu họ không mời người bào chữa thì Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ (khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự). Việc nhà làm luật không quy định đối với bị can, bị cáo là người đã thành niêncó nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất phải có người đại diện hợp pháp thì cũng không vì thế mà cho rằng quyền và lơị ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nếu họ không mời người bào chữa thì Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào và bao giờ người bào chữa cũng giúp được bị cáo là có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà chỉ có bố mẹ, người thân của họ mới có thể giúp họ thực hiện đầy đủ quyền và nhiệm vụ của mình. Ví dụ: Bị cáo A vừa bị điếc, vừa bị câm bị truy tố về tội giết người, Toà án đã yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho bị cáo và mời cô giáo M là giáo viên Trường câm điếc làm người phiên dịch cho bị cáo, nhưng vì bị cáo A không đi học tại trường câm điếc nên việc phiên dịch “ký hiệu” của cô giáo M không đảm bảo đúng “ký hiệu” của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, mà chỉ có bố mẹ hoặc người thân của bị cáo mới hiểu được các “ký hiệu” đó. Nhưng lại không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo, nên Toà án không thể tiếp tục tiến hành xét xử mà phải hoãn phiên toà để người phiên dịch có thời gian tiếp xúc với bị cáo đến khi nào người phiên dịch (cô giáo) biết được “ký hiệu” của bị cáo thì phiên toà mới được tiếp tục. Thời gian hoãn phiên toà có khi kéo dài hàng năm, không chỉ vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn hoãn phiên toà, thời hạn tạm giam.. mà còn ảnh hưởng nhiều mặt đến công tác bảo vệ, canh giữ bị cáo (nếu bị cáo bị tạm giam).v.v… Trong khi đó Bộ luật tố tụng hình sự có quy định đối với người bị hại là người có có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì lại có người đại diện hợp pháp.
Từ thực tế trên, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn “Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì họ và người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền được lựa chọn người bào chữa” (điểm a, mục 2, phần II Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02-10-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng hình sự 2003). Như vậy, thì ngoài bị cáo là người chưa thành niên thì bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng cần có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng để giúp bị cáo thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình. Hướng dẫn trên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xét xử và không trái pháp luật.
2. Đối với người bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại
2.1. Đối với người bị hại
Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra (khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự).
Việc xác định người bị hại định trong vụ án hình sự căn cứ vào các tiêu chí sau:
- Trước hết, họ phải là con người cụ thể chứ không phải là cơ quan, tổ chức;
- Họ phải là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản;
- Các thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản phải là thiệt hại do tội phạm gây ra. Nếu đó là những thiệt hại xảy ra nhưng không phải do tội phạm gây ra thì người bị thiệt hại cũng không phải là người bị hại trong vụ án hình sự.
Đây là tiêu chí rất quan trọng để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Có ý kiến cho rằng, tội phạm ở đây là hành vi của người phạm tội trong vụ án hình sự đã gây ra những thiệt hại thể chất, tinh thần hoặc tài sản và ai là người bị thiệt hại đều là người bị hại trong vụ án hình sự. Ví dụ: Trong vụ án gây rối trật tự công cộng có hành vi phá phách làm hư hỏng một số tài sản, nhưng hành vi này chưa đến mức cấu thành tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng người bị hư hỏng tài sản vẫn là người bị hại, vì họ là người bị thiệt hại về tài sản do hành vi của người phạm tội gây ra.
Cách hiểu trên là không đúng, đã đồng nhất khái niệm tội phạm với hành vi vi phạm của người phạm tội là một, vì trong quá trình thực hiện tội phạm, người phạm tội không chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi cấu thành một tội phạm mà trong số những hành vi đó, có hành vi cấu thành tội phạm (hành vi phạm tội), có hành vi chưa cấu thành tội phạm (hành vi vi phạm). Những hành vi cấu thành tội phạm và hành vi đó đã gây ra những thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản thì người bị thiệt hại mới là người bị hại trong vụ án hình sự.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải căn cứ vào đối tượng trực tiếp bị xâm phạm để xác định người bị hại trong vụ án hình sự. Ví dụ: người phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người thì người bị xâm phạm trong các vụ án này là người bị hại; người phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác thì người bị gây thiệt hại cũng là người bị hại trong vụ án hình sự.
Thực tiễn xét xử việc xác định không đúng người bị hại trong vụ án hình sự thường xảy ra trong các trường hợp sau:
- Xác định người có quyền lợi liên quan trong vụ án là người bị hại.
Ví dụ 1: A dùng xe máy cướp giật túi xách của chị H rồi bỏ chạy, trên đường bỏ chạy A đã đâm xe vào tủ kính đựng hàng mỹ phẩm của bà M trong cửa hàng gây thiệt hại 900.000 đồng. Trong vụ án này chỉ có chị H là người bị hại trong vụ án, còn bà M chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ví dụ 2:  A trộm cắp tài sản của B có giá trị 200.000 đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của C có giá trị 2.000.000 đồng thì chỉ có C là người bị hại trong vụ án hình sự, vì hành vi của A đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn B không phải là người bị hại vì hành vi trộm cắp 200.000 đồng của A chưa cấu thành tội phạm.
-  Xác định người mà theo quy định của Bộ luật hình sự thì tội phạm đó không có người bị hại.
Ví dụ 1 : A, B, C đang ngồi uống bia tại quán bia của chị M thì xảy ra xô xát với D và một số thanh niên trong quán bia dẫn đến đánh nhau. Trong lúc đánh nhau các bị cáo đã dùng chai bia, cốc bia, bàn ghế ném nhau gây thiệt hại cho chị M tổng gía trị là 2.800.000 đồng. A, B, C, D đều bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2 Điều 245 Bộ luật hình sự. Khi xét xử Toà án đã xác định chị M là người bị hại trong vụ án vì cho rằng các bị cáo đã gây thiệt hại cho chị M do hành vi gây rối trật tự công cộng của các bị cáo. Trong vụ án này, chị M không phải là người bị hại vì theo quy định của Bộ luật hình sự thì tội gây rối trật tự công cộng không có người bị hại. Chị M chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ví dụ 2:  Trong vụ án các bị cáo bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ không phải là người bị hại trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, nếu người thi hành công vụ bị gây thương tích có tỷ lệ thương tật thì lại là người bị hại trong vụ án nhưng là người bị hại đối với bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích chứ không phải người bị hại đối với bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ.
Ví dụ 3:  Trong vụ án mà bị cáo bị truy tố về tội mua dâm người chưa thành niên thì người chưa thành niên không phải là người bị hại trong vụ án hình sự.
Ví dụ 4:  Trong vụ án mà bị cáo bị truy tố về tội mua bán phụ nữ thì chỉ người bị mua bán mới là người bị hại còn cha mẹ của người phụ nữ bị mua bán đó không phải là người bị hại. Nhưng nếu bị cáo bị truy tố về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì cha, mẹ đứa trẻ lại là người bị hại, trừ trường hợp đứa trẻ bị mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự thì đứa trẻ là người bị hại đối với hành vi xâm phạm đó, còn cha mẹ đứa trẻ là người bị hại đối với hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, đồng thời là người đại diện hợp pháp của người bị hại (đứa trẻ) đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của đứa trẻ.
Ví dụ 5: Trong vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người bị bắt cóc và người bị chiếm đoạt tài sản đều là người bị hại, vì tội phạm này cùng một lúc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và xâm phạm quyền sở hữu về tài sản.   
- Xác định người không có liên quan đến vụ án hình sự là người bị hại.
Ví dụ : A bị truy bắt vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của B 300 triệu đồng. Sau khi A bị bắt, C có đơn yêu cầu Cơ quan điều tra buộc A phải trả cho C 100 triệu đồng là khoản tiền mà A còn nợ của C trong một hợp đồng mua bán hàng hoá. Khi xét xử, ngoài việc xác định B là người bị hại, Toà án còn xác định C cũng là người bị hại trong vụ án và buộc A phải bồi thường cho C 100 triệu đồng.
2.2.  Đối với người đại diện hợp pháp của người bị hại
Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người mà theo quy định của pháp luật hoặc theo uỷ quyền họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại hoặc của chính bản thân họ.
Người đại diện hợp pháp của người bị hại phải là một con người cụ thể chứ không thể là cơ quan, tổ chức. Họ phải là người đã thành niên và đủ năng lực hành vi để tham gia tố tụng và không thuộc trường hợp pháp luật cấm. Ví dụ: một người đã bị pháp luật tước quyền làm cha đối với người con thì không thể là người đại diện hợp pháp cho người con này nếu người con là người bị hại. Một người bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không thể là người đại diện hợp pháp của người bị hại.
Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Toà án xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại không đúng nên bản án đã bị Toà án cấp phúc thẩm hoặc Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ để xét xử lại như: xác định một mới 9 tuổi là người đại diện hợp pháp của người bị hại đã chết; xác định anh, chị, em ruột của người bị hại là người đại diện hợp pháp, trong khi người bị hại đã chết nhưng còn có vợ hoặc chồng, bố, mẹ hoặc con đã thành niên; xác định không đầy đủ người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp có nhiều cùng là người đại diện hợp pháp và những người này không uỷ quyền cho bất cứ người nào làm đại diện như: chỉ xác định một người là người đại diện hợp pháp của người bị hại, trong khi còn có những người khác cũng là người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại.v.v…  
Người đại diện hợp pháp của người bị hại bao gồm: Người đại diện đương nhiên và người đại diện do được uỷ quyền.
2.2.1. Người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại
Người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại là người mà theo pháp luật họ đương nhiên được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại hoặc của chính bản thân họ.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong các trường hợp người bị hại chết, người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì phải có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại hoặc của chính bản thân người đại diện.
Đối với người bị hại bị chết, thì người thân thích của họ là người đại diện hợp pháp, nhưng không phải tất cả những người thân thích của người bị hại bị chết đều đương nhiên là người đại diện hợp pháp của người bị hại mà trước hết những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại là người đại diện hợp pháp; nếu không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai của người bị hại là người đại diện hợp pháp; nếu không có người thuộc hàng thừa kế thứ hai thì những người thuộc hàng thừa kế thứ ba của người bị hại là người đại diện hợp pháp.
Khi xác định người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại cần chú ý trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa xác định hoặc xác định còn thiếu, thì Toà án hướng dẫn họ cử một người thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại (nếu quyền và lợi ích của họ không mâu thuẫn với nhau); nếu họ không cử được người thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại hoặc quyền và lợi ích của họ mâu thuẫn với nhau thì phải xác định tất cả những người là người đại diện hợp pháp của người bị hại. (khi giới thiệu, cần nêu hướng dẫn tại tiểu mục 1.4, mục 1 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại.) trên cơ sở đó để giới thiệu việc xác định trường hợp nhiều người cùng là người đại diện hợp pháp của người bị hại và về quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại.
2.2.2. Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của người bị hại
Người đại diện hợp pháp của người bị hại theo uỷ quyền là người được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại uỷ quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại hoặc của chính mình.
Khác với người đại diện hợp pháp dương nhiên của người bị hại, người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền khi tham gia tố tụng chỉ được thực hiện những quyền và nghĩa vụ trong phạm vị được uỷ quyền. Người bị hại hoặc Người đại diện hợp pháp đương nhiên có thể uỷ quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình cho người đại diện hợp pháp được uỷ quyền, nhưng cũng có thể chỉ uỷ quyền một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Đây là vấn đề thực tiễn xét xử các Toà án thường mắc sai lầm, cứ cho rằng người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp dương nhiên đã uỷ quyền cho người khác thì người được uỷ quyền có tất cả các quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền nên khi giải quyết vụ án đã không chú ý đến phạm vi được uỷ quyền. Ví dụ: bà A là người bị hại chỉ uỷ quyền cho ông B liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu buộc bị cáo phải bồi thường cho bà A số tiền mà bị cáo đã trộm cắp của bà là 50 triệu đồng. Tại phiên toà, ông B đã đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo, nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận, nên sau khi xét xử sơ thẩm ông B đã kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cũng chấp nhận đơn kháng cáo của ông B cho bị cáo được hưởng án treo. Sau khi xét xử phúc thẩm bà A không đồng ý với bản án phúc thẩm và có đơn yêu cầu kháng nghị bản án phúc thẩm với lý do, bà A chỉ uỷ quyền cho ông B liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng để yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền mà bị cáo trộm cắp của bà chứ không uỷ quyền toàn bộ quyền của người bị hại cho ông B tham gia tố tụng thay bà A. Trong trường hợp này, việc ông B đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo và kháng cáo bản án sơ thẩm là vượt quá quyền hạn đã được người bị hại uỷ quyền, Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông B là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp có nhiều người bị hại hoặc nhiều người đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại, trong đó có người uỷ quyền cho người khác có người tự mình tham gia tố tụng thì người được uỷ quyền chỉ được thực hiện phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền cho mình, chứ không được thực hiện quyền và nghĩa vụ của tất cả những người đại diện đương nhiên của người bị hại. Ví dụ:  ông A là người bị hại trong vụ án giết người, ông A chết còn có vợ, bố, mẹ đẻ. Những người này đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng chỉ có vợ ông A uỷ quyền cho ông B là em ông A tham gia tố tụng thì ông B chỉ được thực hiện quyền và nghĩa vụ mà vợ ông A uỷ quyền, chứ không được thực hiện quyền và nghĩa vụ của bố và mẹ ông A, vì ông B không được bố và mẹ ông A uỷ quyền.
Để bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện hợp pháp được uỷ quyền của người bị hại thì việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật về uỷ quyền. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền lại cho người khác (người thứ ba) tham gia tố tụng, nếu người bị hại đồng ý để người thứ ba (người được uỷ quyền lại) tham gia tố tụng thì người bị hại hoặc đại diện hợp pháp đương nhiên của người bị hại phải làm lại văn bản uỷ quyền cho người thứ ba.
3. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng không nếu khái niệm thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Tuy nhiên, tham khảo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có thể hiểu là: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc xét xử vụ án hình sự của Toà án và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự” .
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có thể liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo nhưng cũng có thể chỉ liên quan đến vật chứng, đến tài sản, đến trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự trong thực tiễn xét xử nói chung không có vướng mắc đối với các trường hợp người đó liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo, đến vật chứng, đến tài sản…Tuy nhiên, đối với trường hợp người có liên quan đến trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thì các Toà án xác định không thống nhất: có Toà án xác định họ là nguyên đơn dân sự, có Toà án xác định họ là bị đơn dân sự.
Ví dụ 1: A là chủ sở hữu chiếc xe máy, nhưng A giao xe cho B có bằng lái xe điều khiển chở A đi chơi. Trên đường đi do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nên B gây tai nạn làm chết người và bị truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Đối với A có Toà án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vì cho rằng, A có quyền đối với  chiếc xe mà mình cho B mượn, vì A là chủ sở hữu; đồng thời có nghĩa vụ về việc cho B mượn xe, nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định định của Bộ luật dân sự; có Toà án lại xác định A là bị đơn dân sự, vì theo quy định của Bộ luật dân sự A là người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự: chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).
Ví dụ 2: A, B, C cùng cố ý gây thương tích cho D với tỷ lệ thương tật là 25%, nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, nhưng D chỉ yêu cầu khởi tố B và C mà không yêu cầu khởi tố A. Trong trường hợp này, đối với A có Toà án xác định A là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, có Toà án xác định A là bị đơn dân sự.
Ví dụ 3: Do H bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã kê biên ngôi nhà của vợ chồng H để bảo đảm việc bồi thường cho những người bị hại,
4. Đối với nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự
4.1. Nguyên đơn dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự thì Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nếu căn cứ vào quy định trên thì nguyên đơn dân sự, nếu là cá nhân cũng giống như người bị hại, vì người bị hại cũng là người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra. Vậy tiêu chí nào để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự là cá nhân ? Thực tiễn xét xử rất ít trường hợp cá nhân bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra mà Toà án lại xác định là nguyên đơn dân sự, vì hầu hết họ đã là người bị hại. Nếu nguyên đơn dân sự đồng thời là người bị hại thì Toà án chỉ xác định họ là người bị hại mà không cần phải xác định họ là nguyên đơn dân sự nữa vì quyền của người bị hại đã bao gồm cả quyền của nguyên đơn dân sự. Ví dụ: Nguyễn Văn K bị Hoàng Văn B cố ý gây thương tích có tỷ lệ thương tật là 62%, tuy K tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại, nhưng K vẫn có quyền yêu cầu B hoặc người đại diện hợp pháp của B ( nếu có) bồi thường những thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có cá nhân là nguyên đơn dân sự. Ví dụ: A có chiếc xe máy Dream cho B mượn, nhưng B lại bị C dùng vũ lực cướp chiếc xe này trong khi B đang đi trên đường và đem bán lấy 10 triệu đồng ăn tiêu hết. Khi vụ án bị phát hiện, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định chiếc xe bị chiếm đoạt là của A, nên đã đưa A vào tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự, còn B là người bị hại.
Người bị hại dù có đơn yêu cầu hay không thì họ cũng được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người bị hại, nhưng nguyên đơn dân sự mà không có đơn yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng không được xác định họ là nguyên đơn dân sự. Đây là tiêu chí để phân biệt cá nhân là nguyên đơn dân sự với người bị hại, nhưng cũng là tiêu chí để cơ quan tiến hành tố tụng xác định nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức. Thực tiễn xét xử có trường hợp cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, theo quy định của pháp luật thì họ đúng là nguyên đơn dân sự nhưng họ không có đơn yêu cầu, thậm chí họ cho rằng họ không phải là nguyên đơn dân sự nên từ chối tham gia tố tụng.
Tình huống 1: Ngân hàng Y cho Công ty X do Nguyễn Văn A phó giám đốc đại diện vay 900 triệu. Đến hạn không thấy Công ty X trả mới biết sau khi vay được tiền Nguyễn Văn A đã chiếm đoạt toàn bộ 900 triệu đồng và bỏ trốn. Sau khi bắt được A, Cơ quan điều tra mời Đại diện ngân hàng Y tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự nhưng đại diện của ngân hàng Y cho rằng ngân hàng cho Công ty X vay thì Công ty X phải có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng chứ không yêu cầu A phải bồi thường. Khi xét xử Toà án vẫn xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự và quyết định buộc Nguyên Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu đồng. 
Câu hỏi: Việc Toà án xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự và quyết định buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng 900 triệu đồng có đúng không ?
Đáp: Việc Toà án xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự là chính xác, vì tuy ngân hàng không yêu cầu Nguyễn Văn A bồi thường nhưng đã có yêu cầu Công ty X bồi thường. Trong trường hợp này Toà án xác định người phải có trách nhiệm bồi thường là Nguyễn Văn A chứ không phải là Công ty X. Việc Toà án quyết định trong bản án buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng 900 triệu đồng là chính xác.
Tình huống 2: Giả thiết trong ví dụ trên, ngân hàng Y không làm đơn yêu cầu Nguyễn Văn A bồi thường mà khởi kiện Công ty X ra Toà  kinh tế và yêu cầu Công ty X phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu. Khi xét xử vụ án hình sự Toà án không xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự và không buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y.
Câu hỏi: Việc Toà án không xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự và không quyết định buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng 900 triệu đồng có đúng không ?
Đáp: Việc Toà án không xác định ngân hàng Y là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự và không buộc Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng là đúng. Tuy nhiên, trong bản án của Toà án phải nhận định (xét thấy) rằng, trong vụ án này nguyên đơn dân sự là ngân hàng Y và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án này là Nguyễn Văn A phải bồi thường cho ngân hàng Y 900 triệu, nhưng vì ngân hàng Y không có đơn yêu cầu bồi thường mà khởi kiện Công ty X ra Toà kinh tế nên Toà án không xét. Tất nhiên, khi xét xử vụ án kinh tế, Toà án kinh tế sẽ bác yêu cầu của ngân hàng Y. Ngân hàng Y chỉ có thể khởi kiện Nguyễn Văn A ra Toà dân sự để yêu cầu A bồi thường cho mình.
Thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra bao gồm những thiệt hại do người phạm tội trực tiếp gây ra và những thiệt hại do người phạm tội gián tiếp gây ra. Ví dụ: A tham ô số tiền là 500.000.000 đồng và do hành vi tham ô này của A nên đã gây thiệt hại cho Công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất, nợ ngân hàng quá hạn không trả phải chịu lãi suất cao tính ra thiệt hại do việc A tham ô lên tới 200.000.000 đồng, Công ty có đơn yêu cầu Toà án buộc A phải bồi thường 500.000.000 đồng A tham ô và 200.000.000 đồng là thiệt hại gián tiếp do hành vi tham ô của A gây ra.
Đối với trường hợp thiệt hại do người có hành vi phạm tội trực tiếp gây ra nhưng thiệt hại về vật chất đó không phải là hậu quả của tội phạm do người có hành vi phạm tội thực hiện mà đó chỉ là thiệt hại do hành vi thực hiện một tội phạm khác gây ra, thì theo chúng tôi người bị thiệt hại cũng được coi là nguyên đơn dân sự. Ví dụ: Một số người gây gổ đánh nhau trong rạp hát, trong lúc đánh nhau đã dùng gạch đá ném làm một số người bị thương nhẹ phải nằm bệnh viện điều trị và không xác định được ai đã gây ra thương tích cho những người này. Các người gây gổ đánh nhau bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, còn đối với những người bị thương nhẹ đều có đơn yêu cầu phải bồi thường thiệt hại do hành vi gây rối trật tự công cộng gây ra, những người này cũng là nguyên đơn dân sự.
4.2. Bị đơn dân sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Nếu nguyên đơn dân sự là người bị thiệt hại do tội pham gây ra thì bị đơn dân sự lại là người phải bồi thường những thiệt hại đó và những thiệt mà tội phạm gây ra cho người bị hại và cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác. Bị đơn dân sự trong vụ án hình sự trước hết không phải là người gây ra thiệt hại cho nguyên đơn dân sự hoặc người bị hại mà thiệt hại đó do người phạm tội gây ra, nhưng theo quy định của pháp luật thì họ lại phải bồi thường thay cho bị cáo. Ví dụ: Cha mẹ bị cáo là người chưa thành niên phải bồi thường những thiệt hại do bị cáo gây ra, pháp nhân hoặc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội phải bồi thường thiệt hại do nhân viên hoặc cán bộ của mình gây ra trong trương hợp thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân giao.
Trong trường hợp người trực tiếp gây thiệt hại về vật chất cho nguyên đơn dân sự hoặc ngươì bị hại như: bị can, bị cáo (trong trường hợp bị can, bị cáo đã thành niên)  thì Toà án không cần phải xác định họ là bị đơn dân sự nữa vì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Bộ luật dân sự thì họ phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của họ gây ra. (họ vừa là bị cáo vừa là bị đơn dân sự ).
Trong trường hợp người có hành vi phạm tội hoặc hành vi gây thiệt hại vật chất nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miến trách nhiệm hình sự mà vụ án hình sự vẫn đưa ra xét xử đối với bị cáo khác thì họ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự. Ví dụ: A và B cùng trộm cắp chiếc xe đạp của C trị giá 450.000 đồng, nhưng chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp vì A đã bị xử phạt hành chính về tội trộm cắp, còn B vì chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt cũng chưa đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và hành vi cùng A trộm cắp chiếc xe đạp cũng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên B không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi xét xử đối với bị cáo A, Toà án xác định B là bị đơn dân sự.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự