Một số vấn đề về kỹ năng viết bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm
Một số vấn đề về kỹ năng viết bản án hình sự sơ thẩm
và bản án hình sự phúc thẩm
và bản án hình sự phúc thẩm
---------------------------------
Đinh Văn Quế
Nguyên Chánh toà Tòa Hình sự
Toà án nhân dân tối cao
Bản án là kết quả cuối cùng của cả một quá trình tố tụng, từ khi khởi tố vụ án đến khi Toà án tuyên án. Bản án là một văn bản pháp luật có giá trị bắt buộc đối với những người tham gia tố tụng. Là một văn bản pháp luật nên văn bản này trước phải được viết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự thì nội dung bản án sơ thẩm phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà, họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Toà án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, thành phần xã hội và tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ. Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giám nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giaỉ quyết việc khôi phục danh dự, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong bản án hình sự phúc thẩm cũng cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ. Trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án.
Sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực pháp luật, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành một số Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình, trong đó có Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự. Kèm theo Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán còn ban hành các mẫu và cách viết một số văn bản, trong đó có mẫu bản án sơ thẩm hình sự và mẫu bản án hình sự phúc thẩm1
Mặc dù đã có quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về cách viét bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm, nhưng thực tiễn xét xử còn nhiều trường hợp các Thẩm phán chủ toạ phiên toà viết bản án chưa đúng với mẫu đã ban hành. Việc tiếp tục nâng cao kỹ năng viết bản án cho đúng mẫu và đúng pháp luật là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong phạm vi chuyên đê này, chỉ giới thiệu cách viết bản án sao cho đúng mẫu và viết đúng pháp luật, còn bản án đó có đúng người, đúng tội, đúng hình phạt hay không lại là vấn đề khác, cần phải có những chuyên đề về nâng cao trình độ, năng lực của Thẩm phán về pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự. Ví dụ: Kỹ năng định tội; kỹ năng quyết định hình phạt…
I- Kỹ năng viết bản án hình sự sơ thẩm.
1. Viết đúng theo mẫu đã hướng dẫn
Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà.
Theo mẫu bản án hình sự sơ thẩm được ban hành theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì bố cục của bản án hình sự sơ thẩm gồm các phần: Phần mở đầu, phần nhận thấy, phần xét thấy và phần quyết định.
1.1. Phần mở đầu của bản án
Phần mở đầu của bản án là phần ghi những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Việc viết đúng theo mẫu không khó, chỉ cần điền vào chỗ trống sao cho phù hợp. Ví dụ: Vụ án được xét xử mà Hội đồng xét xử có 3 người, một Kiểm sát viên và một Thư ký Toà án thì viết:
Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông Phạm Đức T;Các Hội thẩm:
1. Ông: Trần Đăng Kh, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố H;
2. Ông: Ông Hà Văn N, là giáo viên đã nghỉ hưu tại thành phố H;
Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông Nguyễn Song H là cán bộ Tòa án;
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H tham gia phiên toà: Bà Lê Thị Y, Kiểm sát viên.
Nếu vụ án được xét xử mà Hội đồng xét xử có 5 người, hai Kiểm sát viên và hai Thư ký Toà án thì viết:
Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông Phạm Đức T;
Thẩm phán: Ông Ngô Hồng A.
Các Hội thẩm:
1. Ông: Trần Đăng Kh, Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố H;
2. Ông: Ông Hà Văn N, là giáo viên đã nghỉ hưu tại thành phố H;
3. Ông: Ông Phạm Trang Ng, Cán bộ đã hưu tại thành phố H.
Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông Nguyễn Song H và bà Vũ Thị C đều là cán bộ Tòa án;
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H tham gia phiên toà:
1. Bà Lê Thị Y, Kiểm sát viên;
2. Ông Trần Văn D, kiểm sát viên.
Sau phần viết những người tiến hành tố tụng theo mẫu bản án có đoạn:
Ngày… tháng… năm … tại trụ sở Toà án nhân dân… xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số…/ …/ HSST ngày … tháng… năm … đối với bị cáo:
Đoạn này chỉ cần điển vào chỗ trống cho phù hợp với thời gian, địa điểm mở phiên toà và vụ án được thụ lý vào ngày tháng năm nào, số thụ và ngày thụ lý vụ án là đúng.
Ví dụ: Ngày 22 tháng 6 năm 2009 tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố H xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 61/ 2007/ HSST ngày 25 tháng 4 năm 2007 đối với bị cáo:
Nếu vụ án phải xét xử nhiều ngày hoặc đối với nhiều bị cáo thì viết: Trong các ngày. Ví dụ: Trong các ngày 18, 19 và 20 tháng 2 năm 2010 tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố H xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 61/ 2007/ HSST ngày 25 tháng 4 năm 2007 đối với các bị cáo:
Phần lý lịch của bị cáo cũng chỉ cần điền vào chỗ trống sao cho phù hợp là đúng.Ví dụ: vụ án có 2 bị cáo thì viết đối với các bị cáo:
1. Vũ Đức V sinh ngày 15- 01- 1949 tại thị xã Đ, thành phố H; trú tại: Số 228 đường Lý Thánh Tông, thị xã Đ, thành phố H; khi phạm tội là bí thư Thị uỷ, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thị xã Đ; trình độ văn hoá: lớp 10/10; con ông Vũ Đức B (đã chết) và bà Hoàng Thị P; có vợ là Hoàng Thị K và 2 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt từ ngày 20-4-2006, có mặt tại phiên toà.
2. Hoàng Anh H sinh ngày 25-12-1958 tại Đ, thành phố H; trú tại: Số 154 Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Xuyên, thị xã Đ, thành phố H; khi phạm tội là Phó Bí thư Thị Uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Đ, thành phố H; trình độ văn hoá: lớp 10/10; con ông Hoàng Đình C và bà Lê Thị T (đã chết); có vợ là Phạm Thị H và 2 con; Tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.
Đối với những người tham gia tố tụng khác cũng như đối với bị cáo, chỉ cần điền vào chỗ trống cho phù hợp với thực tế của vụ án. Ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo; người bào chữa cho bị cáo; người đại diện hợp pháp của người bị hại; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. v.v…
Đối với những người tham gia tố tụng khác cũng như đối với bị cáo, chỉ cần điền vào chỗ trống cho phù hợp với thực tế của vụ án. Ví dụ: Người đại diện hợp pháp của bị cáo; người bào chữa cho bị cáo; người đại diện hợp pháp của người bị hại; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. v.v…
Mẫu bản án đã liệt kê đầy đủ những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng không phải vụ án nào cũng có tát cả những người tham gia tố tụng mà tuỳ từng vụ án cụ thể mà có thể có người này, không có người khác. Do đó, yêu cầu của việc đúng mẫu là nếu có người tham gia tố tụng nào thì viết đúng tư cách tham gia tố tụng đó, không viết thừa và cũng không viết thiếu.
Muốn viết đủ những người tham gia tố tụng thì trước hết, Thẩm phán chủ toạ và Hội đồng xét xử phải xác định đúng và đủ những người tham gia tố tụng trong vụ an. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự để viết vào bản án cho đúng tuy đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đòi hỏi Thẩm phán chủ toạ phiên toà và Hội đồng xét xử phải phân tích, đánh giá thì mới xác định đúng được. Ví dụ: vụ án có người bị hại không, họ là ai ? Có nguyên đơn dân sự hoặc bị đơn dân sự không ? Có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không, họ liên quan như thế nào ? v.v…
1.2. Phần nhận thấy của bản án
Phần nhận thấy chính là phần phản ảnh nội dung vụ án, mà trước đây các bản án ghi rõ là “Nội dung vụ án”. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán và Mẫu bản án thì phần nội dung vụ án được gọi là “Nhận thấy”. Việc dùng khái niệm “nhận thấy” thay cho “nội dung vụ án” cũng là một quá trình nhận thức. Trước khi Hội đồng Thẩm phán ban hành “mẫu” bản án thì các quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà hình sự, của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã dùng khái niệm “nhận thấy” thay cho khái niệm “nội dung vụ án” từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Theo mẫu bản án thì trước khi viết phần nhận thấy (nội dung vụ án) thì câu mở đầu của phần nhận thấy là: “Bị cáo (các bị cáo) bị Viện kiểm sát... truy tố về hành vi (các hành vi) phạm tội như sau:”. Mặc dù mẫu bản án đã ghi như vậy, nhưng hầu hết các bản án đều mở đầu phần này bằng câu: “Theo bản cáo trạng thì nội dung vụ án như sau:”. Viết như vậy là không đúng mẫu hướng dẫn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Bộ luật tố tụng hình sự thì nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng. Như vậy, bản cáo trạng không chỉ nếu hành vi phạm tội mà nêu cả phần đánh giá, nhận xét và kết luận tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị can, nếu vụ án có dồng phạm thì còn nêu cả vai trò của từng bị can v.v…Nếu phần nhận thấy của bản án mà chép nguyên văn bản cáo trạng thì sẽ không phản ảnh đúng nội dung vụ án và hành vi phạm tội của bị cáo hoặc các bị cáo. Do đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì trong phần này, chỉ ghi các hành vi phạm tội của bị cáo hoặc các bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố trong nội dung của cáo trạng, những hành vi khác tuy có được nêu trong cáo trạng, nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không ghi.
Như vậy, nội dung của bản cáo trạng có thể viết nhiều, trong đó viết cả những tình tiết không liên quan gì đến hành vi phạm tội, có người, có hành vi được viết trong bản cáo trạng nhưng người đó, hành vi đó không bị truy tố thì không thể viết vào phần nhận thấy của bản án. Mặc dù chỉ là phần nhận thấy, tức là phản ảnh khách quan, trung thực các hành vi của bị cáo mà bản cáo trạng truy tố, chưa có đánh giá, nhận xét gì của Hội đồng xét xử nhưng không vì thế mà cho rằng, cứ chép nguyên văn nội dung bản cáo trạng là đúng. Trong nhiều trường hợp, bản cáo trạng mô tả nhiều hành vi phạm tội nhưng trong phần của kết luận của bản cáo trạng lại chỉ kết luận một hoặc một số hành vi và quyết định truy tố các hành vi trong phần kết luận của bản cáo trạng đã mô tả, thậm chí không truy tố hết các hành vi phạm tội mà phần kết luận của bản cáo trạng đã mô tả. Do đó, phần nhận thấy của bản án chỉ viết việc phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo mà Viện kiểm sát truy tố, còn việc phạm tội khác, người phạm tội khác, hành vi phạm tội khác nếu có nêu trong bản cáo trạng nhưng Viện kiểm sát không truy tố thì không được viết vào phần nhận thấy của bản án.
Qua công tác kiểm tra, giám đốc các bản án sơ thẩm, đối chiếu với bản cáo trạng của Viện kiểm sát thì hầu hết các Thẩm phán chỉ làm một việc duy nhất là chép nguyên văn nội dung của bản cáo trạng, còn không cần biết hành vi nào Viện kiểm sát truy tố, hành vi nào Viện kiểm sát không truy tố, thậm chí có hành vi của bị cáo, trước khi mở phiên toà Viện kiểm sát đã rút truy tố nhưng vẫn được viết vào phần nhận thấy của bản án sơ thẩm. Ngoài ra, bản cáo trạng không chỉ nêu sự việc phạm tội và hành vi phạm tội mà nêu cả nhận xét đánh giá tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, người phạm tội; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; trách nhiệm bồi thường thiệt hại... nhưng cũng được Thẩm phán chép vào phần nhận thấy của bản án.
Cuối phần “nhận thấy” của “mẫu” bản án hình sự sơ thẩm có câu: “Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa (nếu có) và những người tham gia tố tụng khác”. Đây là mẫu câu để Thẩm phán chủ toạ phiên toà sử dụng khi viết phần “nhận thấy” trước khi chuyển sang phần “xét thấy”. Tuy nhiên, khi viết bản án, các Thẩm phán chủ toạ phiên toà thường chép nguyên mẫu câu trên kể cả từ “nếu có” trong ngoặc đơn. Lẽ ra, trước khi dùng mẫu câu này, cần phải nêu tóm tắt ý kiến của Viện kiểm sát (chủ yếu là nêu ý kiến về tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị), ý kiến của người bào chữa (nếu có) và ý kiến của những người tham gia tố tụng khác, rồi mới nêu mẫu câu.
Ví dụ: “Tại bản cáo trạng số.../VKS-P1 ngày 25 tháng 02 năm 2007 Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh P... đó truy tố: Lờ Văn M về tội tham ô tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 278 và tội nhận hối lộ theo điểm e khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự. Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P... trong phần tranh luận đó rút truy tố về hành vi nhận hối lộ đối với Lờ Văn M và giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo M về tội tham ô tài sản; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm d khoản 2 Điều 278; điểm b,p,s khoản 1 và khoản 2 Điều 46 xử phạt: Lờ Văn M từ 7 năm đến 8 năm tù về tội tham ô tài sản. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng Lờ Văn M không phạm tội tham ô tài sản, mà hành vi của bị cáo chỉ là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, nhưng hậu quả xảy ra chưa tới mức nghiêm trọng nên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội; bị cáo Lờ Văn M cũng đồng ý với lời bào chữa của Luật sư”. Sau đó, mới viết câu: “Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đó được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sỏt viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”.
1.3. Phần xét thấy của bản án
1.3. Phần xét thấy của bản án
Phần xét thấy là phần rất quan trọng, vì phần này thể hiện quan điểm của Hội đồng xét xử về toàn bộ vụ án; về bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố; về lời luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà; về lời bào chữa của người bào chữa cho bị cáo; về ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; về ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. v.v...
Tuy nhiên, hiện nay nhiều bản án viết không đúng với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, mà phần lớn phần xét thấy của bản án chỉ chép lại phần nội dung vụ án, không phân tích, đánh giá gì về các nội dung mà theo mẫu bản án đã quy định.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc viết bản án hình sự sơ thẩm thì trong phần này chỉ ghi sự phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử bao gồm:
1.3.1. Phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà.
Trong vụ án dù có người bào chữa hay không có người bào chữa thì giai đoạn tranh tụng tại phiên toà vẫn xảy ra, đó chính là ý kiến luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà, lời bào chữa của người bào chữa hoặc của bị cáo, các ý kiến đối đáp giữa người tham gia tố tụng với Kiểm sát viên tham gia phiên toà, giữa những người tham gia tố tụng với nhau.
Nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải phân tích và đánh giá những ý kiến đó, nội dung của việc đánh giá phải được ghi trong phần xét thấy của bản án. Nếu bản án nào không phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà là viết không đúng mẫu do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn, còn việc phân tích, đánh giá đó có đúng hay không lại vẫn đề thuộc về nhận thức của Hội đồng xét xử, nếu phân tích đánh giá sai sẽ dẫn đến việc xác định sai các tình tiết của vụ án, định tội sai, quyết định hình phạt không đúng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phần phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà không chính xác nhưng phần xác định các tình tiết của vụ án và phần quyết định lại đúng, thì bản án này cũng chưa được coi là bản án có sức thuyết phục (xét thấy một đằng, quyết định một nẻo), trong một số trường hợp nếu phân tích, đánh giá sai nghiêm trọng, và mặc dù phần quyết định không sai thì bản án đó vẫn có thể bị kháng nghị phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Ngược lại nếu phần xét thấy Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá đúng những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà nhưng lại xác định sai các tình tiết của vụ án dẫn đến quyết định không đúng pháp luật thì chắc chắn bản án đó là bản án vi phạm nghiêm trọng phải kháng nghị.
Nội dung của việc phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà bao gồm:
- Phân tích và đánh giá lời luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà.
Lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên toà là ý kiến chính thức của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà. Theo Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội. Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Nhiệm vụ của Thẩm phán chủ toạ phiên toà là phải phân tích, đánh giá lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà, rồi đưa ra nhận xét của mình chấp nhận hay không chấp nhận, chấp nhận một phần hay toàn bộ lời luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà phải được thể hiện trong bản án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì Kiểm sát viên tham gia phiên toà là người tiến hành tố tụng, nhưng tại phiên toà họ còn là một bên tham gia vào quá trình tranh luận, mà Hội đồng xét xử là “trọng tài” trong quá trình này. Do nhận thức chưa đầy đủ, cho nên hiện nay rất ít bản án thể hiện việc phân tích, đánh giá của Hội đồng xét xử đối với lời luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà.
- Phân tích và đánh giá lời bào chữa của người bào chữa và của bị cáo;
Cũng như đối với lời luận tội, Thẩm phán của toạ phiên toà phải phân tích, đánh giá lời bào chữa của người bào chữa và của bị cáo, chấp nhận hay không chấp nhận và nêu rõ lý do vì sao ? Việc phân tích, đánh giá lời bào chữa cần chú ý: tránh nhắc lại nội dung lời bào chữa mà chỉ tập trung phân tích đánh giá các nội dung có liên quan đến việc xác định tội danh và quyết định hình phạt, nhất là ý kiến tranh luận, đối đáp với Kiểm sát viên.
Hiện nay có tình trạng nhiều vụ án Luật sư tham gia với tư cách là người bào chữa thường trình bày lời bào chữa rất dài và có nhiều nội dung không liên quan gì đến những vấn đề cần bào chữa. Do đó, ngoài việc điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà trong quá trình tranh luận, thì trong bản án cần chủ ý chỉ phân tích đánh gía những nội dung có liên quan đến việc xác định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo, còn những nội dung không liên quan thì không cần phân tích đánh giá.
- Phân tích và đánh giá ý kiến của những người tham gia tố tụng khác đối với lời luận tội của Kiểm sát viên, của người bào chữa, của bị cáo…
Đối với những người tham gia tố tụng khác (người đại diện cho bị cáo; người bị hại hoặc người đại diện cho người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) nếu họ có ý kiến tranh tụng, đối đáp với lời luận tội của Kiểm sát viên, của người bào chữa, của bị cáo hoặc giữa họ với nhau thì mới phân tích, đánh giá. Khi phân tích đánh giá, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải đưa ra lý lẽ và kết luận có chấp nhận hay không chấp nhận những ý kiến của họ. Riêng đối với người làm chứng thì không phân tích, đánh giá trong phần này, mà phân tích đánh giá trong phần 1.3.2 (Phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội).
Hiện nay, hạn chế phổ biến của Thẩm phán chủ toạ phiên toà khi viết phần phân tích và đánh giá những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà là: hoặc là không phân tích gì cả, hoặc chỉ nêu nội dung lời luận tội, lời bào chữa, lời đối đáp, lời trình bày của những người tham gia tố tụng chứ không phân tích, đánh giá xem lời luận tội, lời bào chữa, lời đối đáp, lời trình bày đó đúng sai thế nào, có khách quan hay không, có đúng với các tình tiết của vụ án hay không, tức là mới “kể ra” chứ chưa có phân tích đánh giá đúng, sai thế nào.
1.3.2. Phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội.
Việc phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội là một yêu cầu của tranh tụng tại phiên toà, bảo đảm tính khách quan của Hội đồng xét xử; thông qua phần tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, người nghe, người đọc thấy được tính khách quan của Hội đồng xét xử, không thiên lệch về bên nào; cũng thông qua phần tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, người nghe, người đọc bản án đánh giá được trình độ, năng lực viết bản án của Thẩm phán chủ toạ phiên toà; Toà án có khách quan hay không, có tính thuyết phục hay không ?
Muốn phân tích chứng cứ xác định có tội hay vô tội, đồi hỏi Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải có kỹ năng phân tích, đánh giá các yếu tố cấu thành tội phạm quy định ở phần chung và phần tội phạm của Bộ luật hình sự, các hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc xác định hành vi phạm tội và xác định tội phạm.
Hầu hết các bản án của các Toà án hiện nay dù ít hay nhiều cũng đã phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội. Tuy nhiên, còn nhiều bản án việc phân tích các chứng cứ chưa đầy đủ, thường là đưa ra kết luận nhiều hơn là phân tích, đánh giá tính trung thực, khách quan của chứng cứ. Có bản án phần phân tích đánh giá chứng cứ viết lại nội dung vụ án rồi nêu một câu: “hành vi của bị cáo đã phạm vào tội…”, mà không phân tích vì sao lại phạm tội đó.
1.3.3. Đánh giá bị cáo có phạm tội không và nếu bị cáo có phạm tội, thì phạm tội gì, theo khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự.
Sau phần phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, cũng tức là xác định dược bị cáo có phạm tội không và nếu có phạm tội thì phạm tội gì, theo khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự rồi. Đây là yêu cầu bắt buộc mà Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải viết trong bản án.
Sau khi đã đánh giá hành vi của bị cáo là hành vi phạm tội và tội đó là tội gì thì đồng thời phải xác định hành vi phạm tội đó quy định tại điểm nào, khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự. Nói chung, các bản án hiện nay đã viết đúng phân này. Tuy nhiên, vẫn còn một số bản án chỉ mới viết đúng điều khoản hoặc mới đúng điều, còn điểm thì rất ít bản án viết, mà thường viết ở phần “đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo” (cá thể hoá hình phạt).
Hiện nay còn những bản án viết phần này không phù hợp với phần phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội như: khi phân tích những chứng cứ có tội, bản án nêu bị cáo đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người bị hại nhưng lại xác định bị cáo phạm tội lạm tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; bản án phân tích bị cáo có hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không chịu đưa tài sản nhưng lại xác định bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản.v.v…
1.3.4. Đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Phần này trước đây thường gọi là “cá thể hoá hình phạt hay còn gọi là đưa ra đường lối xử lý” nhưng không phải là đưa ra một hình phạt cụ thể mà mới đánh giá và định hướng việc áp dụng hình phạt. Khi đánh giá, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải căn cứ vào quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự (căn cứ quyết định hình phạt” để đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Theo điều 45 Bộ luật hình sự thì ngoài hai nội dung đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn khi viết bản án thì điều 45 Bộ luật hình sự còn nêu hai căn cứ khác, đó là “căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự và căn cứ vào nhân thân người phạm tội”. Nhưng không vì thế mà cho rằng, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không hướng dẫn thì khi viết bản án, Thẩm phán không phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự và cân nhắc đến nhân thân người phạm tội, mà cần phải nhận thức rằng, Hội đồng Thẩm phán chỉ hướng dẫn một số vấn đề mà thực tiễn xét xử thường mắc phải dễ dẫn đến sai lầm, còn khi quyết định hình phạt trong bản án Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải căn cứ vào Điều 45 Bộ luật hình sự.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã được nhà làm luật xác định để làm căn cứ phân loại tội phạm, xác định khung hình phạt cho từng tội phạm.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm, bởi vì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu hành vi đó tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm (khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự).
Tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất quan trọng của khách thể bị xâm phạm, vào hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, vào lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội, vào các tình tiết có liên quan đến nhân thân của người phạm tội. Tuy nhiên trong phạm vi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt chủ yếu cân nhắc các yêu tố thuộc về hành vi, hậu quả, lỗi, động cơ, mục đích, còn yếu tổ thuộc về khách thể đã được xác định để phân loại tội phạm thành các chương khác nhau.
Khi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt là cân nhắc đến cách thức thực hiện tội phạm của người phạm tội; tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt còn phụ thuộc vào thời gian, không gian nơi xảy ra tội phạm; phụ thuộc vào động cơ múc đính phạm tội của người phạm tội, nếu động cơ mục đích không phải là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt; phụ thuộc vào thiệt hại gây ra cho xã hội nều mức thiệt hại khác nhau đều được quy định trong một khung hình phạt.
Tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một khung hình phạt còn phụ thuộc vào tính chất và mức độ lỗi của hành vi phạm tội do người phạm tội thực hiện.
Hiện nay còn nhiều bản án, khi cá thể hoá hình phạt, trong bản án thường chỉ chú ý đến việc đánh giá nhân thân người phạm tội, đến các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ chứ ít thấy có bản án phân tích được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhiều bản án chỉ ghi một câu có tính chất chung chung "hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội" còn nguy hiểm như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao thì không nêu được.
1.3.5. Đánh giá thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, đối với các tội cấu thành vật chất, nhưng không phải hành vi phạm tội nào cũng gây ra thiệt hại.
Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, có thể đã được quy định ngay trong cấu thành tội phạm như: đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu, các tội phạm có tính chất chiếm đoạt… , nhưng cũng có thể đó chỉ là những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm hay dấu hiệu định khung hình phạt.
Dù là thiệt hại đã được quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hay không phải là các yếu tố đó thì việc xác định là rất quan trọng; muốn xác định đúng thiệt hại thì phải đánh giá. Việc đánh giá này không phải bao giờ cũng chính xác, có nhiều trường hợp do nhận thức khác nhau nên đánh giá khác nhau và nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến việc trách nhiệm bồi thường không đúng. Ví dụ: Trong vụ án giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì việc đánh giá thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất quan trọng.
Nếu viẹc đánh giá và xác định thiệt hại là quan trong bao nhiêu thì việc xác định ai là người phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại càng quan trọng bấy nhiệu. Hiện nay, nhiều bản án bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm không phải do sai lầm nghiêm trọng về hình sự mà lại do sai lầm nghiêm trọng về đánh giá và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Muốn đánh giá và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đúng thì Thẩm phán phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thừ Điều 604 đến Điều 629.
Các thiệt hại về vật chất là những thiệt hại có thể tính ra bằng tiền, nếu thiệt hại nào không thể tính ra bằng tiền được thì không phải là thiệt hại về vật chất mà có thể đó là thiệt hại về tinh thần như: danh dự, nhân phẩm, uy tín. Riêng đối với thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người không phải là những thiệt hại về vật chất, vì giết chết một người thì không thể làm cho người đó sống lại được hoặc chặt gẫy một cánh tay thì không thể làm cho cánh tay đó lành lại như cũ được, nhưng do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người nên dẫn đến những thiệt hại vật chất khác như; tiền mai táng, tiền chạy chữa vết thương, các khoản thu nhập do bị xâm phạm nên bị mất, các khoản chi phí cho việc mai táng, chạy chữa ...thì những khoản tiền này buộc người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại.
Trong trường hợp người phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Toà án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Việc Toà án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại thực tiễn xét xử khong có gì vướng mắc, nhưng việc bồi thường về vật chất đối với thiệt hại về tinh thần rất khó xác định. Ví dụ: Một người bị hiếp dâm thì bồi thường vật chất bao nhiêu là thoả đáng ? thiệt hại về tinh thần đối với người bị hiếp dâm có tuỳ thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh gia định của người bị hại hay không? Việc quy định buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất những thiệt hại về tinh thần là một quy định mới có từ khi ban hành Bộ luật dân sự.
1.3.6. Hướng giải quyết về xử lý vật chứng.
Cũng như đối với thiệt hại, không phải vụ án nào cũng có vật chứng, mà chỉ có một số vụ án mới có vật chứng.
Theo Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Do đó, trước khi đánh giá định ra hướng xử lý vật chứng thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải xác định cho đúng những thứ gì được gọi là vật chứng.
Theo Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng thì:
- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
- Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
- Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
Cùng với việc kết án và quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Toà án phải xử lý vật chứng, tài sản, tiền bạc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, kê biên. Tuy không phải là hình phạt, nhưng việc xử lý này rất quan trọng, nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng.
Khi tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, cần xác định chính xác những công cụ, phương tiện nào được dùng vào việc phạm tội thì mới tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đối với những vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền không phải do người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng tái phép thì mới tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, nếu người có tài sản có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì tuỳ trường hợp, Toà án có thể quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước tuỳ thuộc vào mức độ lỗi của người có tài sản và tính chất nguy hiểm của tội phạm do người phạm tội gây ra.
1. 4. Phần quyết định của bản án
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì trong phần này ghi các quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án như sau:
Phần quyết định cũng như phần mở đầu của bản án, chỉ cần điền vào chỗ trống các nội dung như hướng dẫn là đúng, nhưng rất tiếc có nhiều bản án vẫn viết sai; sai nhiều nhất vẫn là viết điều khoản của Bộ luật hình sự.
Trường hợp bị cáo có phạm tội: mẫu bản án viết: “Áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự” nhưng nhiều bản án lại viết “Áp dụng Điều... khoản.... điểm”; có bản án vẫn còn viết theo lối văn cũ như: điểm thì viết là “tiết”.
Đối với vụ án có một bị cáo thì việc viết sai mẫu nhưng đúng điều khoản của Bộ luật hình sự thì người đọc vẫn hiểu được là bị cáo đó bị áp dụng điểm, khoản, điều nào của Bộ luật hình sự.
Đối với vụ án có nhiều bị cáo những sai sót phổ biến là chỉ viết chung cho tất cả các bị cáo một điều khoản của của Bộ luật hình sự, trong khi đó mỗi bị cáo bị kết án ở các điểm, các khoản khác nhau của điều luật đó, dẫn đến việc xác định Toà án có áp dụng đúng điều khoản của Bộ luật hình sự hay không là rất khó. Ví dụ: Trong vụ án có bị cáo A và B đều bị kết án về tội cướp tài sản, nhưng bị cáo A phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm c,d và đ khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự, còn bị cáo B phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Bộ luật hình sự. Lẽ ra khi viết phần quyết định bản án phải viết riêng đối với từng bị cáo về việc áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự nhưng lại viết: “Áp dụng các điểm c,d và đ khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo A 10 năm tù, bị cáo B 7 năm tù”. Viết như vậy, thì ai cũng phải hiểu rằng cả 2 bị cáo đều phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự.
Riêng về hình phạt bổ sung, tuy mẫu bản án chưa hướng dẫn viết như thế nào ? Hình phạt bổ sung cũng là hình phạt, mà hình phạt thì chỉ áp dụng đối với từng bị cáo chứ không thể áp dụng chung cho các bị cáo (trong vụ án có nhiều bị cáo). Vì vậy, khi Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo hoặc đối với bị cáo nào (trong vụ án có nhiều bị cáo) thì khi viết điều khoản của Bộ luật hình sự đối với bị cáo thì viết luôn điều khoản về áp dụng hình phạt bổ sung và viết hình phạt bổ sung ngay sau hình phạt chính. Ví dụ: “Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 278; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hỡnh sự phạt: Lờ Văn M ba năm tù về tội nhận hối lộ, thời hạn tù tính từ ngày 26-5-2006; cấm Lê Văn M đảm nhiệm các chức vụ trong các cơ quan, tổ chức trong thời hạn bốn năm kể từ ngày chấp hành xong hỡnh phạt tự”.
Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng theo quy định tại điều 41 và điều 42 Bộ luật hình sự, có nhiều bản án không phân biệt trường hợp bồi thường thiệt hại với trường hợp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm hoặc không phân biệt tịch thu tài sản với ý nghĩa là hình phạt bổ sung với tịch thu tài sản theo quy định tại điều 41 Bộ luật hình sự; không phân biệt tài sản do phạm tội mà có với tài sản bị cáo hoặc người nhà bị cáo nộp để khắc phục hậu quả.
Theo hương dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “Việc bồi thường thiệt hại: Cần thiết phải ghi: Áp dụng khoản... Điều... (tương ứng) của Bộ luật dân sự buộc...” nhưng nhiều bản án không áp dụng Bộ luật dân sự mà chỉ áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự.
Đối với tài sản (bao gồm cả tiền) bị cáo hoặc người nhà bị cáo nộp để khắc phục hậu quả, do Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự không có quy định nào về việc tạm giữ tài sản do bị cáo hoặc người nhà bị cáo nộp để khắc phục hậu quả, nên Hội đồng xét xử chỉ có thể quyết định tạm giữ để bảo đảm việc thi hành án hoặc lấy tổng giá trị tài sản bị cáo phải bồi thường trừ đi giá trị tài sản mà bị cáo hoặc người nhà bị cáo nộp để khắc phục hậu quả, còn lại bao nhiều thì buộc bị cáo phải bồi thường tiếp; nếu giá trị tài sản bị cáo hoặc người nhà bị cáo nộp để khắc phục hậu quả nhiều hơn giá trị tài sản bị cáo phải bồi thường thì phần còn thừa phải tuyên trả lại cho bị cáo hoặc người nhà bị cáo. Các quyết định này không phải là các quyết định Toà án có thể áp dụng điều 41 hoặc 42 Bộ luật hình sự, cũng không thể căn cứ vào các Điều 144, 145, 146 và 76 Bộ luật tố tụng hình sự về thu gĩư, tạm giữ hay kê biên hoặc xử lý vật chứng trong quá trình tố tụng.
2. Viết đúng luật.
Viết bản án đúng mẫu theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là đã bảo đảm về cơ bản đúng luật. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cứ viết đúng mẫu là đã đúng luật vì có nhiều nội dung của bản án không thể đưa vào mẫu được. Vì vậy, yêu cầu của việc viết bản án đúng luật là rất cần thiết.
Viết đúng luật là viết đúng các quy định của pháp luật (Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự và văn bản pháp luật khác có liên quan đến bản án). Giới hạn của yêu cầu “viết đúng luật” là “cách viết”, không bao gồm việc phân tích và đánh giá đúng những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà; phân tích đúng những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; đánh giá đúng bị cáo có phạm tội không và nếu bị cáo có phạm tội, thì phạm tội gì, theo khoản nào, điều nào của Bộ luật hình sự; đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo; đánh giá đúng thiệt hại và xác định đúng trách nhiệm bồi thường thiệt hại; định hướng đúng việc giải quyết về xử lý vật chứng, vì các nội dung này thuộc về nhận thức của Hội đồng xét xử. Một bản án xác định sai tội danh, quyết định hình phạt không đúng là bản án không đúng pháp luật, nhưng bản án đó có thể vẫn là bản án viết đúng pháp luật. Ví dụ: Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội giết người theo khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự nhưng Hội đồng xét xử xác định bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự. Trong bản án được viết đúng mẫu do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn; viết đúng điều khoản của Bộ luật hình sự; viết đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì vấn được coi là viết đúng luật.
Tuy nhiên, có nhiều bản án viết vẫn không đúng luật. Ví dụ: Thẩm phán-Chủ toạ phiên toà: Ông Lê Văn M, nhưng lại viết: “Chủ toạ phiên toà: Ông Lê Văn M - Chánh toà hình sự Toà án nhân dân tỉnh...”; Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Bà Ngô Thanh H, thì lại viết: “Làm thư ký phiên toà có cô Ngô Thanh H”; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh... tham gia phiên toà: Ông Trần Văn D, Kiểm sát viên, thì lại viết: “Ngồi ghế công tố tại phiên toà hôm nay là ông Trần Văn D, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh...” hoặc “Duy trì công tố tại phiên toà hôm nay có ông Trần Văn D, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh...”. Người đại diện hợp pháp của bị cáo, thì viết “Người giám hộ cho bị cáo”; người bào chữa cho bị cáo, thì viết “Luật sư bào chữa cho bị cáo là...”; người đại diện hợp pháp của người bị hại, thì viết “người đại diện bị hại” hoặc chỉ viết “đại diện bị hại”; người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự, thì viết “đại diện bị đơn”; người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, thì viết “đại diện người liên quan” thậm chí có trường hợp còn viết “đại diện liên quan”; đối với người bảo vệ quyền lợi cho đương sự (người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì: nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có người bảo vệ quyền lợi cho họ, thì ghi họ và tên của họ; nếu người bảo vệ quyền lợi của đương sự là Luật sư thì ghi Luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào; nếu không phải là Luật sư thì ghi nghề nghiệp, nơi công tác của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, nhưng có nhiều bản án lại viết “có Luật sư... bảo vệ quyền lợi cho bị hại hoặc cho bị đơn, cho nguyên đơn...” (nếu người bảo vệ quyền lợi cho đương sự là Luật sư); nếu người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không phải là Luật sư thì lại viết “Có ông hoặc bà... đại diện cho bị hại, cho bị đơn, cho nguyên đơn...”.
3. Viết đúng ngữ pháp.
Viết đúng ngữ pháp còn gọi là viết đúng văn phạm.
Việc viết một bản án đúng ngữ pháp là một yêu cầu chuẩn hoá tiếng Việt trong tố tụng hình sự, vì tiếng Việt là tiếng chính thống được dùng trong các văn bản trong đó có bản án.
Viết bản án đúng ngữ pháp, trước hết là viết đúng các khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ mà nhà làm luật đã được thể hiện trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác; đồng thời phải viết đúng chính tả theo từ điển tiếng Việt; không dùng từ địa phương, không dùng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số (trừ danh từ riêng); không được viết tắt; không được dùng các ký hiệu toán học, vật lý, hoá học hoặc các ký hiệu khác thay cho một từ, một ngữ hoặc một câu.
Viết đúng ngữ pháp còn đòi hỏi người viết phải dùng các từ ngữ, thuật ngữ (văn phong) rõ ràng, dễ hiểu không có ai hiểu khác, tránh tình trạng mỗi người hiểu một khác hoặc dùng từ mà ai muốn hiểu thế nào cũng được.
Hiện nay, có nhiều bản án viết chưa đúng ngữ pháp, đây cũng là hạn chế phổ biến của Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Vì vậy, cách tốt nhất là luật viết thế nào thì trong bản án viết đúng nhế.
Ví dụ: Người phạm tội thì viết là kẻ phạm tội hoặc dùng các từ như: Y hoặc Y thị…; tội phạm ít nghiêm trọng thì viết là tội ít nghiêm trọng; Đồng phạm khác thì viết là đồng bọn; che giấu thì viết che dấu; miễn trách nhiệm hình sự thì viết miễn tố; chấp hành xong hình phạt tù thì viết mãn hạn tù; khi quyết định hình phạt thì viết khi lượng hình; thành khẩn khai báo thì viết thật thà khai báo; người chưa thành niên thì viết là vị thành niên; hình phạt bổ sung thì viết hình phạt phụ; giảm hình phạt thì viết giảm án; miễn chấp hành hình phạt thì viết giảm án tha tù; hoãn chấp hành hình phạt tù thì viết hoãn thi hành án; tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì viết tạm đình chỉ thi hành án; xoá án tích thì viết xoá án; trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì viết do bị kích động mạnh; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì viết gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ người khác; lạm dụng thì viết lợi dụng hoặc ngược lại.v.v…
Đối với các khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ được nhà làm luật dùng trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng phải viết đúng như đối với Bộ luật hình sự. Ví dụ: người bị hại, thì viết “bị hại”; nguyên đơn dân sự, thì viết “nguyên đơn”; người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, thì viết “đại diện nguyên đơn”; bị đơn dân sự, thì viết “bị đơn”; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, thì viết “người liên quan”; người làm chứng thì viết “nhân chứng”; Toà án cấp sơ thẩm thì viết “Toà sơ thẩm”; Toà án cấp phúc thẩm thì viết “Toà phúc thẩm”; Phó Viện trưởng thì viết “Viện phó”; Phó Chánh toà thì viết “Phó toà”; Vật chứng thì viết là “tang vật”.v.v…
4. Bản án gốc và bản án chính.
Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Toà án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật tố tụng hình sự”.
Việc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải hướng dẫn có bản án gốc và bản án chính là vì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về việc giao bản án đã được sửa đổi, bổ sung, khác với quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 về việc giao bản án.
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì chậm nhất là mười lăm ngày sau khi tuyên án, Tòa án phải giao bản sao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, gửi bản sao bản án cho những người bị xử vắng mặt và thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo thì trong thời hạn nói trên bản sao bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án. Nhưng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo thì trong thời hạn nêu trên bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.
Như vậy, so với Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có nhiều sửa đổi, bổ sung; nếu Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 chỉ quy định: Toà án gửi “bản sao bản án”, niêm yết “bản sao bản án” hoặc cấp “trích lục bản án hoặc bản sao bản án” thì Điều 229 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Toà án phải gửi “bản án”, niêm yết “bản án” chỉ cấp “trích lục bản án hoặc bản sao bản án” cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ nếu họ yêu cầu.
Việc nhà làm luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao bản án như Điều 299 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm bảo đảm tính pháp lý của bản án; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong điều kiện hội nhập hiện nay, bản án không chỉ có giá trị pháp lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước, mà còn phải có giá trị đối với các nước trên thế giới mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia các hiệp định tương trợ tư pháp. Thực tiễn cho thấy, đã có trường hợp đương sự trong vụ án được cấp bản sao bản án về việc Toà án xử cho ly hôn ra nước ngoài để làm căn cứ kết hôn (tái hôn) với người khác đã không được nước ngoài công nhận với lý do đó không phải là bản chính của bản án.
Trước đây, bản án chính là bản án có đầy đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử (trừ quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao); có đóng dấu của Toà án nơi ra bản án. Trên cơ sở bản án chính này, Toà án có thể sao thành nhiều bản để gửi, niêm yết hoặc cấp cho các đối tượng theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Bản sao bản án không nhất thiết phải do chủ toạ phiên toà hoặc thành viên của Hội đồng xét xử ký, mà có thể một Thẩm phán khác hoặc người có chức danh pháp lý trong Toà án nơi xét xử vụ án đó ký cũng được. Về hình thức của bản án chính, có nơi là bản án viết tay, có nơi đánh máy và từ khi công nghệ thông tin phát triển thì bản án chính được viết bằng máy vi tính, chữ đẹp, giấy trắng thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn bản án viết tay hoặc đánh máy trước đây. Như vậy, trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực thi hành, ngành Toà án đã từng bước hiện đại hoá việc viết bản án bằng máy vi tính; hầu như trong hồ sơ vụ án hiện này không còn xuất hiện những bản án viết tay nữa.
Nay Bộ luật tố tụng hình sự quy định Toà án phải gửi hoặc niêm yết bản án, chứ không được gửi bản sao bản án thì bản án mà Toà án gửi hoặc niêm yết phải là bản án chính. Về nguyên tắc, bản án chính phải là bản án có đầy đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử và có đóng dấu Toà án, nhưng nếu tất cả các bản án chính gửi hoặc niêm yết đều phải có đủ các chữ ký của Hội đồng xét xử thì không thể thực hiện được trong điều kiện thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Toà án nước ta hiện nay còn thiếu thốn. Thực tiễn xét xử cho thấy, trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà đã phải chuẩn bị dự thảo bản án (thường được viết bằng vi tính); căn cứ vào biên bản nghị án, chủ toạ phiên toà sửa chữa bản thảo của bản án (có thể sửa chữa bằng tay hoặc bằng vi tính), các thành viên của Hội đồng xét xử ký vào bản án đã được chỉnh sửa, rồi chủ toạ phiên toà căn cứ vào bản án đã được chỉnh sửa và đã có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử để tuyên án (đọc công khai tại phòng xử án). Nếu coi bản án này là bản án chính thì về hình thức không bảo đảm tính nghiêm túc, vì nó sẽ “lem nhem” do phải sửa chữa trong quá trình xét xử, nhất là việc sửa chữa đó được thực hiện bằng tay và với nhiều loại mực khác nhau, còn về nội dung, nếu gửi bản án đó cho những người được nhận theo quy định tại Điều 299 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ là các bản án photocopy chứ không thể có hàng chục bản được, mà bản photocopy thì giá trị của nó không bằng bản sao bản án. Mặt khác, sau khi kết thúc phiên toà, chỉ có Thẩm phán chủ toạ phiên toà là có mặt thường xuyên ở trụ sở Toà án, còn Hội thẩm nhân dân thì họ lại trở về cơ quan, tổ chức, nơi thường trú mà họ công tác, sinh hoạt, làm sao có thể thường xuyên gặp họ để lấy chữ ký. Từ thực tiễn xét xử như vậy, nên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định “bản án gốc” và “bản án chính”. Việc quy định bản án gốc và bản án chính không làm mất đi tính pháp lý của bản án mà còn phù hợp với thực tiễn xét xử.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì bản án gốc là bản án được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án, chứ không quy định bản án gốc phải là bản án viết tay. Giá trị pháp lý của bản án gốc không phải là bản án được viết bằng máy vi tính hay viết bằng tay, mà ở chỗ bản án đó có được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án hay không. Một bản án gốc được viết bằng máy vi tính, rõ ràng, sạch sẽ, nội dung phản ảnh đúng thực tế khách quan, đúng pháp luật theo đúng mẫu hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án thì điều đó thể hiện trình độ, năng lực của Thẩm phán; việc Thẩm phán viết bản án như thế nào là do kỹ năng của họ; thực tế đã có trường hợp Thẩm phán chủ toạ phiên toà thức suốt đêm để viết bản án kịp cho sáng hôm sau tuyên án; có trường hợp sau khi nghị án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà về phòng làm việc của mình tranh thủ mở máy vi tính để sửa bản án, sau đó trở lại phòng nghị án để các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký vào bản án, sau đó chủ toạ ra phòng xét xử tuyên án. v.v...Nếu ai đó còn nghi ngờ vào tính hợp pháp của bản án gốc thì yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, chứ không thể căn cứ vào việc Thẩm phán không sử dụng máy vi tính tại phiên toà mà có một bản án viết bằng máy vi tính tuyên đọc tại phòng xử án để quy chụp là “án bỏ túi” được.
ii- Kỹ năng viết bản án hình sự phúc thẩm.
Bản án hình sự phúc thẩm là bản án do Toà án cấp phúc thẩm ban hành, có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án.
Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong bản án hình sự phúc thẩm cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án; họ tên của Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ.
Trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án.
Yêu cầu của việc viết bản án hình sự phúc thẩm cũng phải viết đúng mẫu, đúng luật, đúng ngữ pháp như viết bản án hình sự sơ thẩm. Theo “Mẫu” bản án hình sự phúc thẩm do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) thì bản án hình sự phúc thẩm cũng có phần mở đầu, phần nhận thấy, phần xét thấy và phần quyết định.
Như vậy, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì cách viết bản án hình sự phúc thẩm, về bố cục cũng tương tự như cách viết đối với bản án hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên, do tính chất và đặc điểm của bản án hình sự phúc thẩm nên về hình thức và nội dung có những điểm khác với bản án hình sự sơ thẩm.
1. Phần mở đầu của bản án phúc thẩm
- Phần mở đầu của bản án phúc thẩm, nếu không có Hội thẩm thì ghi họ tên ba Thẩm phán trong đó có một Thẩm phán làm chủ toạ phiên toà; Nếu Hội đồng xét xử có thêm hai Hội thẩm thì ghi đầy đủ họ tên, nghề nghiệp và nơi công tác của họ.
- Phần lý lịch của bị cáo, chỉ viết những bị cáo kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị, còn các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị thì không viết vào bản án. Theo hướng dẫn của dấu hiệu Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì nếu vụ án có một hoặc hai bị cáo kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì ghi đầy đủ họ tên của bị cáo; nếu vụ án có từ ba bị cáo trở lên kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì ghi họ tên của bị cáo trong số các bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt mức án cao nhất và thêm các chữ “và các bị cáo khác”; đồng thời ghi địa vị pháp lý trong tố tụng của người kháng cáo (ví dụ: do có kháng cáo của bị cáo (các bị cáo), người bị hại và nguyên đơn dân sự).
Trường hợp tuy bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng trước khi mở phiên toà toàn bộ kháng cáo, kháng nghị liên quan đến họ đã được rút. Trường hợp có bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm có xem xét phần của bản án sơ thẩm đối với họ, thì ghi như bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị; nếu Toà án cấp phúc thẩm không xem xét phần của bản án sơ thẩm đối với họ thì chỉ cần ghi: “Ngoài ra còn có (số lượng) bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị”. Trong trường hợp chỉ có một bị cáo thì ghi: “Ngoài ra còn có bị cáo (họ tên) không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị”.
- Đối với những người tham gia tố tụng khác, trong bản án hình sự phúc thẩm thì chỉ cần ghi những người có kháng cáo, có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc bào chữa cho bị cáo. Cách ghi được thực hiện tương tự như cách viết bản án hình sự sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Phần nhận thấy
Phần nhận thấy của bản án hình sự phúc thẩm về cơ vản cũng viết như bản án hình sự sơ thẩm, Tuy nhiên, trong bản án hình sự phúc thẩm ghi nội dung vụ án theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát và bản án hình sự sơ thẩm. Do đó, chỉ ghi tóm tắt nội dung vụ án có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc không có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm có xem xét.
Sau phần nội dung vụ án, thì trong bản án hình sự phúc thẩm phải ghi đầy đủ, cụ thể các quyết định của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và các quyết định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm có xem xét.
Đối với các quyết định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, thì ghi: Ngoài ra Toà án cấp sơ thẩm còn xử phạt các bị cáo khác và các quyết định như buộc bồi thường thiệt hại; xử lý vật chứng; án phí; quyền kháng cáo.v.v…
Tiếp theo phần ghi các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm thì trong bản án phúc thẩm phải viết một phần rất quan trọng, mà nếu thiếu nó thì không còn là bản án hình sự phúc thẩm nữa, đó là: Ghi nội dung kháng cáo, kháng nghị (kể cả nội dung sửa đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị). Nếu tại phiên toà có người rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì tiếp đó ghi việc rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà.
3. Phần xét thấy
Phần này viết tương tự như phần xét thấy của bản án hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên, do tính chất của bản án hình sự phúc thẩm nên sau khi phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử về những vấn đề đã được tranh tụng tại phiên toà thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị hoặc tuy không bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm có xem xét; những chứng cứ chứng minh cho việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; hướng quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.
Khi phân tích đánh giá các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị hoặc tuy không bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng Toà án cấp phúc thẩm có xem xét cần chú ý:
Các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thể hiện trong phần quyết định của bản án sơ thẩm nhưng khi phân tích, đánh giá các quyết định đó thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải phân tích, đánh giá cả phần xét thấy của bản án sơ thẩm, tức là phải bình luận xem phần xét thấy của bản án sơ thẩm đúng sai thế nào, đã đúng pháp luật chưa ? Chỉ trên cơ sở phân tích, đánh giá phần xét thấy của bản án sơ thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm mới có thể đưa ra hướng giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị và cả những nội dung không có kháng cáo, kháng nghị.
Thực tiễn xét xử thì không phải bào giờ Toà án cấp phúc thẩm cũng phân tích, đánh giá, nhận xét đúng phần xét thấy của bản án sơ thẩm, nhưng dù có như vậy, thì trong bản án hình sự phúc thẩm cũng phải phân tích, đánh giá, nhận xét, còn việc đánh giá đúng sai thế nào lại là vấn đề nhận thức của Hội đồng xét xử phúc thẩm; có nhiều bản án phúc thẩm phần quyết định tăng, giảm hình phạt tù đối với bị cáo hoặc cho bị cáo hưởng án treo nhưng trong phần xét thấy không hề phân tích, đánh giá gì về quyết định của bản an sơ thẩm như vậy là viết không đúng với mẫu mà Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn.
Để viết phần xét thấy của bản án hình sự phúc thẩm đúng mẫu và có sức thuyết phục thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải phân tích, đánh giá quan điểm giải quyết của Toà án cấp sơ thẩm có đúng pháp luật hay không, kể cả trường hợp y án sơ thẩm thì cũng phải phân tích đánh giá các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm. Sau khi phân tích, đánh giá thì bản án phúc thẩm phải đưa ra hướng quyết định của Toà án cấp phúc thẩm (huỷ án, sửa bản án, y án).
Khi đã phân tích, đánh giá hết các nội dung kháng cáo, kháng nghị và cả nội dung không có kháng cáo, kháng nghị nhưng Toà án cấp phúc thẩm thấy cần phải xem xét và trước khi chuyển sang phần quyết định có mẫu câu:
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào điểm (các điểm)...khoản 2 Điều 248 và Điều (các điều)
của Bộ luật tố tụng hình sự.
của Bộ luật tố tụng hình sự.
Đây cũng là đặc điểm khác với mẫu bản án hình sự sơ thẩm, trước khi quyết định Hội đồng xét xử phúc thẩm phải căn cứ vào quy định nào của Bộ luật tố tụng hình sự để áp dụng Bộ luật hình sự trong phần quyết định.
4. Phần quyết định
Trong bản án hình sự phúc thẩm, tuỳ từng trường hợp cụ thể quy định tại khoản 2 điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự , mà phần quyết định được viết như sau:
a. Trường hợp thuộc điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Đây là trường hợp không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đã là giữ nguyên bản án sơ thẩm thì phần quyết định của bản án phúc thẩm phải viết lại nguyên văn phần quyết định của bản án sơ thẩm. Cách viết phần quyết định trong trường hợp này cũng như cách viết bản án hình sự sơ thẩm. Đối với phần quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm thì mặc nhiên có hiệu lực pháp luật ngay sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên án. Tuy nhiên, đối với các quyết định khác của bản án sơ thẩm về không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án hình sự phúc thẩm phải ghi: “đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm”.
b. Trường hợp thuộc điểm b khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Đây là trường hợp sửa một phần bản án sơ thẩm. Việc Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, khi viết phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm, Hội đồng xét xử phải viết lại sao cho phù hợp với quyết định mà Hội đồng xét xử phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm. Việc áp dụng điều khoản nào của Bộ luật hình sự là thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, khi sửa bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải chú ý đối với các trường hợp sửa bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng khác, thì phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Hiện nay, về thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm còn có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chưa có hướng dẫn chính thức của các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương. Ví dụ: Toà án cấp phúc thẩm có quyền chuyển án tù nhưng cho hưởng án treo thành án tù giam hay không ? Toà án cấp phúc thẩm có được áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng hoặc buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại mà Toà án cấp sơ thẩm chưa buộc hay không ? v.v…
Việc Hội đồng xét xử áp dụng điểm, khoản, Điều của Bộ luật hình sự hoặc của Bộ luật dân sự khi viết phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm về cách viết cũng tương tự như cách viết bản án hình sự sơ thẩm như:
- Áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự; nếu có nhiều bị cáo phạm các tội khác nhau, thì ghi áp dụng điểm... khoản... Điều... của Bộ luật hình sự đối với từng bị cáo;
- Xử phạt bị cáo; tiếp đó ghi thời điểm để tính thời hạn chấp hành hình phạt; nếu cho bị cáo được hưởng án treo thì cần giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Trong trường hợp cần tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành hình phạt tử hình thì ghi: “tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án”;
- Việc bồi thường thiệt hại, phải ghi: Áp dụng khoản... Điều... (tương ứng) của Bộ luật dân sự;
- Việc xử lý vật chứng phải theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự;
c. Trường hợp thuộc điểm c khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Đây là trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại.
Trường hợp Hội đồng xét xử huỷ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại thì phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm viết: “Huỷ bản án sơ thẩm số... ngày... tháng... năm... của Toà án... Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát... để điều tra lại theo thủ tục chung;
Trường hợp Hội đồng xét xử huỷ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại thì phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm viết: “Huỷ bản án sơ thẩm số... ngày... tháng... năm... của Toà án... Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án... để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Nếu vụ án có nhiều bị cáo mà Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ huỷ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại đối với một hoặc một số bị cáo thì phàn quyết định của bản án hình sự phúc thẩm phải viết: “Huỷ bản án sơ thẩm số... ngày... tháng... năm... của Toà án...đối với bị cáo… Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát... để điều tra lại theo thủ tục chung hoặc Toà án…để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung”.
d. Trường hợp thuộc điểm d khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự
Đây là trường hợp huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Khi huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, trong bản án hình sự phúc thẩm cần ghi cụ thể:
Nếu vụ án chỉ có một bị cáo thì bản án ghi: Ví dụ: “Huỷ bản án sơ thẩm số 24/2010/ HS-ST ngày 15 tháng 5 năm 2010 của Toà án nhân dân huyện K và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Văn A
đ. Trường hợp thuộc từ hai điểm trở lên quy định tại khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong trường hợp này ghi quyết định về từng trường hợp một theo hướng dẫn cách ghi từng trường hợp tương ứng được hướng dẫn tại các điểm a, b và c trên đây.
Phụ lục (nhấp để tải về)
Mẫu bản án hình sự sơ thẩm
Mẫu bản án hình sự phúc thẩm (số 2đ)
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!