Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thuộc trường hợp xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thuộc trường hợp xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS), trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan, người tiến hành tố tụng (NTHTT) phải triệu tập những người có liên quan đến vụ án để tham gia tố tụng với tư cách là người tham gia tố tụng (NTGTT). Việc xác định không đúng tư cách NTGTT có thể vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và sẽ dẫn đến những hậu quả nhất định. Vì vậy, việc xác định đúng tư cách của NTGTT là yêu cầu bức thiết cho xây dựng và áp dụng pháp luật TTHS.
1. Xác định tư cách người tham gia tố tụng của các cơ quan, người tiến hành tố tụng - nhìn từ thực tế địa phương
Từ khi BLTTHS có hiệu lực thi hành cho đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) địa phương đã tuân thủ đúng các quy định của BLTTHS về NTGTT nên đã xác định đúng tư cách của từng chủ thể, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể khi tham gia tố tụng và không có vụ án nào bị khiếu nại, tố cáo, kháng cáo sau khi bản án xét xử về tư cách tố tụng của họ và không có trường hợp CQTHTT sau trả hồ sơ cho CQTHTT trước điều tra bổ sung trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xác định sai tư cách NTGTT.
Bên cạnh những mặt đạt được, trên thực tế, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các đối tượng có liên quan của các CQTHTT hiện còn nhiều vấn đề cần sự nhận thức phù hợp với quy định của pháp luật TTHS.
1.1. Hình thức thể hiện việc xác định tư cách người tham gia tố tụng trong các văn bản tố tụng
1.1.1. Trong văn bản của các Cơ quan điều tra
Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, tư cách NTGTT được thể hiện trong các quyết định, biên bản liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra như: quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giữ, quyết định tạm giam, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, bản kết luận điều tra… Trong các hình thức thể hiện này, tư cách NTGTT được thể hiện trong các quyết định, biên bản trước khi kết thúc điều tra có thể thay đổi nhưng tư cách NTGTT được thể hiện trong bản kết luận điều tra là kết quả chính thức, không thay đổi. Bởi vì, bản kết luận điều tra thể hiện sự đánh giá toàn diện của cơ quan điều tra về các vấn đề liên quan đến vụ án, trong đó có tư cách NTGTT và là văn bản đánh dấu việc kết thúc quá trình điều tra để chuyển sang giai đoạn truy tố.
Trên thực tiễn, việc thể hiện tư cách NTGTT là người bị tạm giữ, bị can trong bản kết luận điều tra luôn đảm bảo sự rõ ràng, dễ xác định nhưng việc thể hiện tư cách những NTGTT khác lại rất chung chung. Bởi vì, trước khi trình bày lời khai của từng NTGTT (ngoại trừ bị can), bản kết luận điều tra ghi toàn bộ tư cách của những người trình bày như sau:
Trên thực tiễn, việc thể hiện tư cách NTGTT là người bị tạm giữ, bị can trong bản kết luận điều tra luôn đảm bảo sự rõ ràng, dễ xác định nhưng việc thể hiện tư cách những NTGTT khác lại rất chung chung. Bởi vì, trước khi trình bày lời khai của từng NTGTT (ngoại trừ bị can), bản kết luận điều tra ghi toàn bộ tư cách của những người trình bày như sau:
“Lời khai của người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Nguyễn Văn A, sinh năm, nơi cư trú,… Ông A cho rằng,…
Ông Nguyễn Văn B, sinh năm, nơi cư trú,… Ông B xác định,…”.
Cách thể hiện này rất khó để xác định ông A là người bị hại hay người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tương tự đối với tư cách của NTGTT khác.
Bên cạnh đó, trong một số vụ án, phần thể hiện tư cách NTGTT trong bản kết luận điều tra lại ghi đầy đủ những NTGTT mà một vụ án thường có như: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, lời khai của những người bên dưới chỉ có thể xác định họ là người bị hại hoặc người làm chứng mà không có căn cứ nào xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự… Điều đó gây khó khăn cho việc xác định tư cách NTGTT.
1.1.2. Trong văn bản của Viện kiểm sát
Khi vụ án được chuyển sang giai đoạn truy tố, hình thức thể hiện tư cách NTGTT được Viện kiểm sát xác định thông qua biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, các quyết định tố tụng có liên quan, cáo trạng hoặc quyết định truy tố và danh sách những người cần triệu tập tham gia phiên tòa. Trong số các hình thức trên thì cáo trạng hoặc quyết định truy tố là hình thức xác định cuối cùng tư cách NTGTT trước khi chuyển hồ sơ cho Tòa án để xét xử. Ngoài ra, tư cách NTGTT còn được xác định trong danh sách những người cần triệu tập ra trước phiên tòa.
Trên thực tiễn, hình thức thể hiện tư cách NTGTT trong cáo trạng hoặc quyết định truy tố của Viện kiểm sát cũng tương tự như Cơ quan điều tra thể hiện, tức là liệt kê tư cách NTGTT trước rồi mới ghi lời khai của từng người mà không xác định rõ tư cách của từng người kèm theo lời khai của họ.
Bên cạnh đó, việc thể hiện tư cách NTGTT trong các văn bản chính thức của Viện kiểm sát còn thể hiện sự thiếu nhất quán như: có trường hợp cáo trạng thể hiện tên, tư cách tham gia tố tụng của một người nhưng danh sách những người triệu tập ra tòa lại không có; và ngược lại, danh sách những người cần triệu tập ra tòa có tên tư cách NTGTT nhưng cáo trạng lại không thể hiện.
Về mặt thời gian, thông thường cáo trạng được lập trước rồi mới lập danh sách những người cần triệu tập ra tòa, nhưng nhiều khi chúng có cùng thời gian ban hành. Như vậy, không rõ việc xác định tư cách NTGTT theo cáo trạng đúng hay theo danh sách những người cần triệu tập khi có sự khác nhau giữa hai văn bản này. Thiết nghĩ, khi có sự thể hiện khác nhau giữa cáo trạng hoặc quyết định truy tố với danh sách những người cần triệu tập ra tòa thì để đánh giá Viện kiểm sát có xác định đúng tư cách NTGTT hay không cần căn cứ vào cáo trạng hoặc quyết định truy tố, vì đây là văn bản chính thức và đánh dấu sự kết thúc giai đoạn truy tố, chuyển sang giai đoạn xét xử khi Tòa án nhận hồ sơ và thụ lý theo quy định của pháp luật.
1.1.3. Trong văn bản của Tòa án
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, tư cách NTGTT được thể hiện chủ yếu trong các quyết định, lệnh có liên quan; trong đó, quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản án là hình thức thể hiện tư cách NTGTT đầy đủ nhất. Nếu như quyết định đưa vụ án ra xét xử thể hiện toàn bộ tư cách NTGTT thì bản án chỉ đề cập đến những người mà phần quyết định của bản án có tác động đến quyền và nghĩa vụ của họ, người mà họ đại diện hay bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nên người làm chứng không được xác định trong phần đầu của bản án. Mặc dù phần đầu của bản án không thể hiện người làm chứng trong vụ án nhưng trong phần xét thấy có đề cập đến tư cách của người làm chứng.
Trên thực tế, sự thể hiện tư cách NTGTT trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thông thường được xác định theo danh sách những người được triệu tập ra tòa của Viện Kiểm sát do hồ sơ chưa được nghiên cứu toàn diện, chặt chẽ và có thể thay đổi khi bản án được ban hành. Khi thảo án, nếu thấy rằng tư cách NTGTT theo quyết định đưa vụ án ra xét xử không chính xác thì Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa sẽ xác định lại và tại phiên tòa, nếu xác định đúng tư cách NTGTT đã được thể hiện như dự thảo bản án thì tư cách NTGTT sẽ được xác định như trong dự thảo bản án; còn nếu sai sẽ sửa lại cho phù hợp.
Tuy nhiên, việc xác định tư cách NTGTT trước khi mở phiên tòa không đúng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NTGTT. Chẳng hạn, khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu một người được xác định là người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì họ được nhận giấy triệu tập và quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng nếu xác định một trong số những người này là người làm chứng thì họ chỉ được nhận duy nhất giấy triệu tập. Thêm vào đó, nếu khi thảo án xác định không đúng tư cách NTGTT thì khi phổ biến quyền và nghĩa vụ cho NTGTT cũng sẽ không đúng với quy định của BLTTHS. Chẳng hạn, một người được xác định là người làm chứng trong khi đáng lẽ họ phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì họ sẽ bị hạn chế một số quyền, trong đó có quyền tranh luận tại phiên tòa theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 54 BLTTHS. Cho nên, mặc dù bản án là văn bản chính thức thể hiện việc xác định tư cách NTGTT của Tòa án nhưng nếu việc xác định tư cách NTGTT trước khi ban hành bản án không đúng cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT.
1.2 Xác định tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong một số trường hợp cụ thể
1.2.1. Nhầm lẫn giữa tư cách tham gia tố tụng của người bị hại, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan đến vụ án khi họ đều là cá nhân
Khi nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức thì tư cách của họ dễ dàng phân biệt với người bị hại, người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, khi họ là cá nhân thì việc xác định rõ tư cách của từng đối tượng không dễ. Chẳng hạn, trong vụ án Gây rối trật tự công cộng, người bị hành vi của người phạm tội gây thiệt hại về thể chất, tài sản nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội độc lập, họ tham gia tố tụng với tư cách gì? Có ý kiến cho rằng, những người này là người bị hại vì thiệt hại của họ do hành vi của người phạm tội gây ra, nếu không xác định họ là người bị hại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ý kiến khác lại cho rằng, những người này không phải là người bị hại vì thiệt hại của họ không phải là đối tượng tác động của tội phạm nên họ là nguyên đơn dân sự.
Chúng tôi cho rằng, để xác định người bị thiệt hại trong trường hợp này với tư cách nào cần phải làm rõ khách thể của Tội Gây rối trật tự công cộng. Khách thể của Tội Gây rối trật tự công cộng được hiểu là trật tự, an toàn công cộng mà trực tiếp là các quy tắc sống lành mạnh cũng như hoạt động bình thường của xã hội tại những khu vực công cộng1. Như vậy, quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về thân thể không phải là đối tượng tác động của tội này nên người bị thiệt hại không phải là người bị hại. Tuy nhiên, trong vụ án này, để xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng thì người phạm tội phải tác động đến quy tắc sống lành mạnh, hoạt động bình thường của xã hội, đó có thể là việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người cụ thể ở nơi công cộng. Thiệt hại của các chủ thể này cũng được xác định do tội phạm gây ra, nhưng họ không phải là người bị hại, vì họ không phải là đối tượng tác động của tội phạm. Họ cũng không phải là người có quyền lợi liên quan đến vụ án vì người có quyền lợi liên quan đến vụ án là người có lợi ích vật chất, tinh thần liên quan đến vụ án và không phải là người bị thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra. Vì vậy, việc xác định người bị thiệt hại trong vụ án này là nguyên đơn dân sự là phù hợp với lý luận và quy định của BLTTHS.
1.2.2. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng chưa rõ ràng
Trong vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên có gây thiệt hại cho người khác thì các CQTHTT thường xác định cha, mẹ bị cáo là người đại diện hợp pháp cho bị cáo và là bị đơn dân sự. Tuy nhiên, không phải bất kể người chưa thành niên nào phạm tội mà có gây thiệt hại thì cha, mẹ người đó đều là bị đơn dân sự.
Trong trường hợp bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì cha, mẹ bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do bị cáo gây ra khi thực hiện hành vi phạm tội. Trách nhiệm bồi thường của cha, mẹ bị cáo với tư cách bị đơn dân sự là trách nhiệm của chính mình, không phải là trách nhiệm nhân danh bị cáo.
Trong trường hợp bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì cha, mẹ bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu đối với thiệt hại do bị cáo gây ra và tham gia tố tụng với tư cách người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về bị cáo. Việc toà án quyết định bị cáo phải bồi thường cho ai, với mức và các khoản bồi thường như thế nào ảnh hưởng đến nghĩa vụ của cha, mẹ bị cáo trong trường hợp bị cáo không đủ tài sản để bồi thường.
Cần lưu ý, việc xác định tư cách cha, mẹ bị cáo là người chưa thành niên là bị đơn dân sự hoặc người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án không làm mất đi tư cách đại diện hợp pháp của cha, mẹ bị cáo, vì phạm vi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là người đại diện hợp pháp với nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan là khác nhau. Do sự khác nhau đó, người tham gia tố tụng này không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng khác. Với tư cách người đại diện hợp pháp, cha, mẹ bị cáo có quyền mời người bào chữa cho bị cáo; có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến bị cáo. Với tư cách bị đơn dân sự hoặc người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án, cha, mẹ bị cáo có quyền có người đại diện hợp pháp và mời người bảo vệ quyền lợi cho mình; quyền kháng cáo phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến việc bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ của họ2.
1.2.3. Nhầm lẫn trong việc xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người làm chứng
Trong các vụ án Chứa mại dâm, Mua bán trái phép chất ma túy và Đánh bạc thì có CQTHTT xác định người mua dâm, người mua ma túy sử dụng, người tham gia đánh bạc là người làm chứng; có cơ quan lại xác định những người này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khi hành vi của họ không bị khởi tố về tội độc lập.
Để xác định đúng tư cách của người mua dâm, người đánh bạc và người mua ma túy sử dụng cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về tư cách của từng chủ thể. Người có nghĩa vụ liên quan là người mà hành vi của họ có liên quan đến tội phạm do bị cáo thực hiện và theo pháp luật họ phải có trách nhiệm về hành vi của mình, trách nhiệm này chủ yếu là trách nhiệm vật chất. Trong khi đó, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến vụ án và được các CQTHTT triệu tập để cung cấp thông tin về những tình tiết có liên quan đến vụ án. Như vậy, cả người làm chứng và người có nghĩa vụ liên quan đều nắm được thông tin liên quan đến vụ án. Đối chiếu với các vụ án trên, người mua dâm, người đánh bạc và người mua ma túy đều có hành vi liên quan đến tội phạm do bị cáo thực hiện; nhưng họ cần phải có điều kiện là theo quy định của pháp luật thì họ phải có trách nhiệm về hành vi của mình. Do đó, nếu hành vi của họ không được pháp luật quy định trách nhiệm thì họ không được xác định là người có nghĩa vụ liên quan mà phải được xác định là người làm chứng.
1.2.4. Việc xác định tư cách người làm chứng, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan trong vụ án Chống người thi hành công vụ còn có sự nhầm lẫn
Việc xác định tư cách người thi hành công vụ bị gây thương tích nhưng không cấu thành tội độc lập trong vụ án Chống người thi hành công vụ cũng có sự nhầm lẫn. Có cơ quan xác định người thi hành công vụ là người bị hại vì họ đã bị gây thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; có cơ quan xác định họ là người làm chứng; cơ quan khác lại xác định họ là người có quyền lợi liên quan. Trong ba quan điểm này, quan điểm xác định người thi hành công vụ là nguyên đơn dân sự là phù hợp vì người thi hành công vụ có thiệt hại về sức khỏe; thiệt hại này do tội phạm gây ra và họ có đơn yêu cầu bồi thường. Nếu họ không có yêu cầu bồi thường thì quyết định của CQTHTT có liên quan đến quyền và lợi ích của người này nên họ là người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Nếu họ không bị thiệt hại về sức khỏe thì họ có thể tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng trong vụ án. Cần lưu ý, tại phiên tòa, trường hợp nếu không có căn cứ thể hiện ý chí của người thi hành công vụ bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường hay không có yêu cầu bồi thường từ khởi tố đến xét xử thì tư cách của người thi hành công vụ vẫn là nguyên đơn dân sự và họ có quyền khởi kiện tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
1.2.5. Trường hợp người đã bỏ tiền ra cứu chữa, mai táng cho người bị hại trong vụ án Cố ý gây thương tích, vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Chẳng hạn, trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người khác, mặc dù là người đã thành niên khi thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị cáo lại không có tài sản để khắc phục thiệt hại nên tác động người thân (gia đình, bạn bè) hoặc người thân của họ tự nguyện bỏ tiền ra bồi thường để khắc phục hậu quả, thì tư cách của những người này cần được xác định như thế nào để đảm bảo quyền lợi của họ trong việc yêu cầu bị cáo hoàn lại số tiền đã bỏ ra.
Thực tiễn có cơ quan xác định họ là nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi giải quyết vụ án, CQTHTT sẽ giải quyết cả phần chi phí cứu chữa, mai táng đã bỏ ra. Nếu có căn cứ sẽ công nhận số tiền mà chủ thể đã sử dụng vào việc cứu chữa, mai táng. Trong trường hợp này cần xác định người đã bỏ tiền cứu chữa, mai táng là người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Trong trường hợp người bị hại chết mà chi phí này do người đại diện hợp pháp của họ bỏ ra thì xác định họ có hai tư cách vừa là người đại diện hợp pháp cho người bị hại, vừa là người có quyền lợi liên quan đến vụ án.
1.2.6. Trường hợp người đã đưa tiền cho bị cáo khắc phục hậu quả
Đối với trường hợp này, thực tiễn có cơ quan xác định họ là người có quyền lợi liên quan; có cơ quan không đưa họ vào tham gia tố tụng vì cho rằng họ không liên quan đến vụ án. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả số tiền bồi thường lại của người khác. Khi giải quyết vụ án sẽ đề cập đến số tiền của người đã bỏ ra bồi thường. Vì vậy, phần quyết định giải quyết sẽ liên quan đến số tiền đã bỏ ra bồi thường. Do đó, cũng như người đã bỏ ra chi phí mai táng, cứu chữa cho người bị hại thì cần xác định chủ thể này là người có quyền lợi liên quan đến vụ án để đảm bảo quyền lợi của họ sau này, còn việc họ có yêu cầu bị cáo giao trả lại hay không phụ thuộc vào ý chí của họ.
2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hồ sơ có thể bị trả để điều tra bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 168 (trường hợp Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra), điểm c Khoản 1 Điều 179 (trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát). Đối với Tòa án sơ thẩm, bản án của cấp này có thể bị cấp phúc thẩm hủy để xét xử lại theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 250 hoặc bị cấp giám đốc thẩm hủy theo quy định tại Khoản 3 Điều 273 BLTTHS.
Trước khi Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của liên bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS (TTLT số 01) được ban hành, việc xác định trường hợp nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng chưa rõ ràng, trong đó việc xác định không đúng tư cách NTGTT của CQTHTT trước có được xem là vi phạm nghiệm trọng thủ tục tố tụng để CQTHTT sau trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án hay không, nên thông thường trong thực tiễn, khi CQTHTT trước xác định sai tư cách NTGTT thì CQTHTT sau sửa lại cho đúng mà không trả hồ sơ điều tra bổ sung hay hủy án. Tuy nhiên, từ khi TTLT số 01 ra đời, điểm c Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch này đã quy định việc “xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của NTGTT trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ” là một trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Khoản 3 Điều 168, điểm c Khoản 1 Điều 179 BLTTHS và có thể xem quy định này cũng được áp dụng cho quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 250, Khoản 3 Điều 273 BLTTHS.
Tuy nhiên, theo điểm a Khoản 3 Điều 4 của TTLT số 01, không phải cứ xác định không đúng tư cách NTGTT thì CQTHTT sau có thể trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án mà việc xác định không đúng này phải xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT.
Vấn đề đặt ra là quyền và lợi ích hợp của NTGTT bị xâm phạm là người bị xác định không đúng tư cách hay NTGTT khác hay tất cả NTGTT. Bởi vì, điểm c Khoản 2 Điều 4 của TTLT số 01 quy định xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xác định sai tư cách trong khi điểm a Khoản 3 Điều 4 của TTLT số 01 lại quy định phải xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT nói chung.
Thực tiễn cho thấy, việc xác định sai tư cách NTGTT có thể xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xác định sai tư cách, cũng có thể NTGTT khác hoặc có thể không. Trường hợp không xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT thì không đề cập đến. Đối với hai trường hợp còn lại, khi xác định không đúng tư cách NTGTT hoặc sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đó hoặc NTGTT khác. Chẳng hạn, người bị thiệt hại về sức khỏe nhưng chưa đến mức bị khởi tố về tội độc lập trong vụ án gây rối trật tự công cộng nếu xác định họ là người bị hại thì họ có quyền kháng cáo bản án tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, trong khi xác định đúng tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án thì họ không có quyền này và việc xác định sai tư cách sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Ngoài trường hợp xác định sai tư cách thì việc xác định không đúng tư cách còn bao gồm việc xác định một người không phải là NTGTT nhưng lại xác định họ là NTGTT và ngược lại. Chẳng hạn, người đứng tên trong giấy đăng ký mô tô, xe máy mà bị cáo đã sử dụng để cướp giật tài sản nhưng cơ quan điều tra không đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong khi bị cáo mua xe của họ nhưng chưa thanh toán đủ và chưa chuyển tên nên đã ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của họ.
Bên cạnh đó, hành vi xác định không đúng tư cách của NTGTT còn phải xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT thì mới thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thông tư liên tịch số 01 không giải thích thêm xâm hại nghiêm trọng là như thế nào. Theo Từ điển tiếng Việt, xâm phạm là “động chạm đến quyền lợi của người khác”; nghiêm trọng là “ở trong tình trạng xấu, gay go đến mức trầm trọng, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại”3. Từ đó, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT được hiểu là hành vi vi phạm làm mất hoặc hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của NTGTT mà đáng ra họ phải được hưởng trọn vẹn; đồng thời, trong một số trường hợp còn gây thiệt hại cho họ. Chẳng hạn, một người là người bị hại trong vụ án nhưng cơ quan điều tra không mời người này tham gia tố tụng, làm mất quyền của họ, hay một người bị trộm cắp 3.000.000 đồng và có đủ chứng cứ xác định là người bị hại nhưng cơ quan điều tra lại xác định họ chỉ bị chiếm đoạt 1.900.000 đồng nên người này chỉ có thể được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án và làm hạn chế quyền và lợi ích của họ. Việc xác định không đúng như hai trường hợp trên có thể gây thiệt hại cho NTGTT trong việc yêu cầu bồi thường. Như vậy, chỉ xem việc xác định không đúng tư cách NTGTT để trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án khi hành vi xác định không đúng đó xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong vụ án.
3. Hoàn thiện pháp luật và các giải pháp liên quan đến việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng
3.1. Hoàn thiện pháp luật về xác định tư cách người tham gia tố tụng
Từ phân tích trên, để hoàn thiện pháp luật về các vấn đề này, chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, pháp luật cần xác định rõ ràng chủ thể nào là NTGTT bởi vì không như NTHTT được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 33 BLTTHS, NTGTT không được quy định bao gồm những chủ thể nào mà chỉ quy định NTGTT là tiêu đề của Chương IV BLTTHS rồi liệt kê từng loại chủ thể. Trong khi đó, ngoài từng chủ thể được quy định là tiêu đề của mỗi điều luật, trong mỗi điều luật còn quy định người đại diện hợp pháp của họ cũng tham gia tố tụng. Như vậy, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự… có phải là NTGTT hay không cũng chưa được thể hiện rõ. Vì vậy, cần giới hạn phạm vi những chủ thể được xác định NTGTT là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại.
Thứ hai, bổ sung vào Điều 62 BLTTHS trách nhiệm xác định chính xác tư cách NTGTT của cơ quan, NTHTT để đảm bảo quyền của từng chủ thể khi tham gia vào vụ án hình sự.
Thứ ba, quy định rõ hơn hoặc có sự giải thích phù hợp đối với khái niệm của từng NTGTT như: khái niệm giữa người bị hại với nguyên đơn dân sự; người có nghĩa vụ liên quan với bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cần quy định loại trừ những chủ thể được xác định là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại thì không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trừ một người có thể tham gia hai tư cách bởi vì khái niệm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mang phạm vi rất rộng.
Thứ tư, bổ sung quy định về người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vào điều luật quy định về họ; đồng thời xác định đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại phải là đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp bị can, bị cáo ủy quyền cho người khác thuê người bào chữa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đại diện theo ủy quyền.
3.2. Giải pháp về thực tiễn
Thứ nhất, về hình thức xác định tư cách NTGTT trong các giai đoạn tố tụng. Để có cơ sở xác định đúng tư cách NTGTT trong từng giai đoạn tố tụng, các cơ quan, NTHTT cần phải xác định rõ tư cách của mỗi chủ thể (có thể kèm theo lời khai của họ) trong các văn bản kết thúc các giai đoạn khởi tố - điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm để cơ quan có thẩm quyền ở giai đoạn tố tụng sau biết được việc xác định tư cách của NTGTT ở giai đoạn tố tụng trước có đúng quy định pháp luật hay không. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cần tránh ghi gộp chung tất cả các tư cách cũng như ghi thừa tư cách NTGTT trong văn bản kết thúc giai đoạn tố tụng thuộc thẩm quyền của mình. Riêng Viện kiểm sát, tránh sự sai sót trong việc xác định tư cách NTGTT trong Cáo trạng hay quyết định truy tố với danh sách những người cần triệu tập đến tòa. Đối với Tòa án, trước khi ban hành quyết định xét xử, Thẩm phán, Thư ký tòa án cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để xác định đúng tư cách NTGTT.
Thứ hai, NTHTT phải nắm vững quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tư cách của từng NTGTT để dễ dàng áp dụng. Từng CQTHTT cần phải quán triệt quy định về NTGTT trong BLTTHS và văn bản hướng dẫn đến tất cả những NTHTT trong cơ quan để thống nhất áp dụng. Khi có sự hiểu khác nhau về tư cách NTGTT, các CQTHTT cần phải thống nhất khi họp phối hợp ba ngành hàng tháng hoặc có thể họp bất thường để tránh việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng như tránh bị sửa, hủy án sau khi xét xử.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!