Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng
Một số vấn đề lý luận chung về các giai đoạn tố tụng hình sự
Phần 1. Khái niệm và bản chất pháp lý của giai đoạn tố tụng hình sự
1. Khái niệm giai đoạn tố tụng hình sự
Giai đoạn ở Tố tụng hình sự là vấn đề đầu tiên mà khoa học Luật tố tụng hình sự cần phải làm rõ trước khi bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề về các giai đoạn tố tụng hình sự. Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ trước đến nay (kể cả trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 cũng như trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 vừa được thông qua), nhà làm luật nước ta chưa bao giờ ghi nhận định nghĩa pháp lý của khái niệm này. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, dưới góc độ khoa học khái niệm giai đoạn tố tụng hình sự có thể được định nghĩa là: bước của quá trình tố tụng hình sự tương ứng với chức năng nhất định trong hoạt động tư pháp hình sự của từng loại chủ thể tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định, có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc để giải quyết vụ án hình sự một cách công minh và khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật, góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật, bảo vệ vững chắc các
2. Bản chất pháp lý của giai đoạn tố tụng hình sự.
Như vậy, khái niệm trên đây của một giai đoạn tố tụng hình sự cho phép khẳng định rằng, bản chất pháp lý của một giai đoạn tố tụng hình sự, với tính chất là bước của quả trình tiến hành tố tụng hình sự nhất thiết phải được thể hiện bằng ba đặc điểm chung cơ bản mà bất kỳ giai đoạn tố tụng hình sự nào cũng bắt buộc phải có:
- Giai đoạn tố tụng hình sự phải tương ứng với chức năng nhất định trong hoạt động tư pháp hình sự (như: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án).
- Chức năng nhất định đó là đặc trưng chỉ của từng loại chủ thể (cơ quan hoặc người) tiến hành tố tụng (chứ không phải là của tất cả) có thẩm quyền thực hiện. Ví dụ: Điều tra là một giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng chức năng nhất định là điều tra vụ án hình sự mà chức năng đó là đặc trưng chỉ của hai loại chủ thể tiến hành tố tụng thực hiện - Cơ quan điều tra (trong đại đã số những trường hợp) và Viện kiểm sát (trong một số ít trường hợp), chứ không thể là Tòa án.
- Giai đoạn tố tụng hình sự phải có nội dung là thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm giải quyết vụ án hình sự một cách công minh và khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật, góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật, bảo vệ các quyền hợp pháp của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
- Hiện nay trong khoa học Luật tố tụng hình sự vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về các giai đoạn tố tụng hình sự. Trong bài này chúng tôi chưa đề cập đến việc phân tích từng quan điểm đó mà trên cơ sở Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2003 mà chỉ đề cập đến việc nghiên cứu những vấn đề lý luận chung chủ yếu và cơ bản nhất về: 1) Khái niệm, 2) Bản chất pháp lý và 3) Vai trò (ý nghĩa) của năm giai đoạn tố tụng hình sự theo thứ tự sau. Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự; Giai đoạn điều tra; Giai đoạn truy tố; Giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án.
Riêng việc thi hành bản án (quyết định) của Tòa án, mặc dù trong giai đoạn hiện nay nhà làm luật Việt Nam vẫn coi là một giai đoạn tố tụng hình sự và chính thức ghi nhận nó trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, nhưng theo quan điểm của chúng tôi đó không thể và không phải là một giai đoạn tố tụng hình sự, mà là một chuyên ngành luật độc lập (Luật thi hành án hình sự) với các quan hệ pháp luật, đối tượng điều chỉnh khác với Luật tố tụng hình sự và do vậy, nó là một đối tượng nghiên cứu khoa học riêng biệt và cần phải được nghiên cứu bằng nhiều công trình chuyên khảo khác nhau nên trong bài viết vấn đề này của chúng tôi tạm chưa đề cập đến.
Phần 2. Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự
1. Khái niệm:
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
2. Bản chất pháp lý:
Xuất phát từ khái niệm khoa học đã được đưa ra trên đây của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, chúng ta có thể nhận thấy, bản chất pháp lý của giai đoạn này là ở chỗ: Với tính chất là một giai đoạn độc lập và đầu tiên của tố tụng hình sự, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để xác định các tiền đề pháp luật về nội dung (vật chất) và về pháp luật về hình thức (tố tụng) của việc điều tra vụ án hình sự; thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi nhận được những thông tin đầu tiên về việc thực hiện hành vi phạm tội và kết thúc bằng quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự có liên quan đến hành vi đó.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, khởi tố vụ án hình sự là sự phản ứng nhanh chóng từ phía Nhà nước đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm góp phần phát hiện, điều tra và xử lý một cách có căn cứ và đúng pháp luật hành vi phạm tội và người phạm tội, đồng thời không chỉ là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự mà còn là phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm;
- Mặt khác, khởi tố vụ án hình sự cũng góp phần loại trừ một thái cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố vụ án hình sự một cách thiếu cân nhắc kỹ, vội vàng và do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo trong việc truy cứu tố tụng hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự tiếp theo sau (như: Điều tra không có căn cứ đối với những hành vi không chứa đựng dấu hiệu của tội phạm hoặc nói chung những là không diễn ra trong thực tế khách quan, khám xét, bắt, giam giữ, buộc tội, xét xử một cách vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những người vô tội);
- Và cuối cùng, khởi tố vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trước khi khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của giai đoạn điều tra, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
Phần 3. Giai đoạn điều tra
1. Khái niệm:
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai mà trong đó cơ quan Điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là; Chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
2. Bản chất pháp lý:
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm; Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của Cơ quan Điều tra về việc đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, điều tra vụ án hình sự là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan (người) tiến hành có thẩm quyền đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được, đồng thời cũng là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm;
- Mặt khác, điều tra vụ án hình sự cũng góp phần loại trừ một thái cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác và do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo xảy ra trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự (như: Truy tố của Viện kiểm sát hoặc xét xử của Tòa án không khách quan, vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những người vô tội);
- Và cuối cùng, điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi khởi tố của Viện kiểm sát và xét xử của Tòa án, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
Phần 4. Giai đoạn truy tố
1. Khái niệm:
Quyết định việc truy tố là giai đoạn thứ ba của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó Viện kiểm sát căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách qua các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và quyết định đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và trên cơ sở đó Viện kiểm sát ra quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng); Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.
2. Bản chất pháp lý:
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của hoạt động tố tụng hình sự, giai đoạn truy tố về hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng để bảo đảm cho các quyết định của Viện kiểm sát được chính xác và khách quan góp phần truy cứu trách nhiệm hình sự đúng tội, đúng người và đúng pháp luật. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: 1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), 2) Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc là 3) Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
3. Vai trò (ý nghĩa) của giai đoạn này được thể hiện trên các bình diện chủ yếu như sau:
- Một mặt, truy tố là chức năng quan trọng của Viện kiểm sát nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các hành vi tố tụng mà cơ quan Điều tra có thẩm quyền đã áp dụng; để loại trừ những hậu quả tiêu cực của các sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong hai giai đoạn tố tụng hình sự trước đó;
- Mặt khác, quyết định truy tố của Viện kiểm sát thông qua bản cáo trạng thể hiện hoạt động chứng minh trên cơ sở các tài liệu của hồ sơ của vụ án (nhất là kết luận điều tra) tính chất lỗi của hành vi phạm tội, lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội phạm để góp phần có hiệu quả trong việc chuẩn bị cho giai đoạn xét xử của Tòa án, loại trừ những thiếu sót hoặc hậu quả tiêu cực tiếp theo có thể xảy ra do việc xét xử thiếu công minh, vô căn cứ và không đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan những người vô tội;
- Và cuối cùng, chính vì vậy, truy tố là một giai đoạn tố tụng hình sự quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi xét xử tại Tòa án.
Phần 5. Giai đoạn xét xử
1. Khái niệm:
Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và cuối cùng, trung tâm và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự, mà trong đó cấp Tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành: 1) áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử, 2) Đưa vụ án hình sự ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm để xem xét về thực chất vụ án, đồng thời trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của hai bên (buộc tội và bào chữa) phán xét về vấn đề tính chất tội phạm (hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo (hoặc xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm - nếu bản án hay quyết định sơ thẩm đã được tuyên và chưa có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo, kháng nghị hoặc kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm - nếu bản án hay quyết định đó bị kháng nghị) và cuối cùng, tuyên bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục.
Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án hình sự (với quyết định truy tố bị can trước Tòa án kèm theo bản cáo trạng) do Viện kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
2. Bản chất pháp lý
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của hoạt động tố tụng hình sự, giai đoạn xét xử có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do luật định để: 1) áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết để chuẩn bị cho việc xét xử vụ án tại phiên tòa, 2) Xét xử theo thủ tục sơ thẩm (hoặc xét xử theo thủ tục phúc thẩm - nếu bản án hay quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị, hoặc kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật - nếu bị kháng nghị) và cuối cùng, 3) tuyên bản án (quyết định) của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
3. Vai trò và ý nghĩa của giai đoạn này được thể hiện trên các bình diện chủ yếu như sau:
- Xét xử là chức năng quan trọng nhất của Tòa án nói riêng và của toàn bộ quá trình tố tụng hình sự nói chung nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để kiểm tra lại tính hợp pháp và có căn cứ của toàn bộ các quyết định mà cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát đã thông qua trước khi chuyển vụ án hình sự sang Tòa án, nhằm loại trừ các những hậu quả tiêu cực của các sơ xuất, sai lầm hoặc sự lạm dụng đã bị bỏ lọt trong ba giai đoạn tố tụng hình sự trước đó (khởi tố, điều tra và truy tố), chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, hoặc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ (hay tạm đình chỉ) vụ án;
- Bằng việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (nếu bản án hay quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị) thông qua quá trình điều tra trực tiếp tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai và dân chủ của các bên, Tòa án với tính chất là cơ quan trọng tài kiểm tra lại và đánh giá một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án hình sự để giải quyết về bản chất nó - phán xét về vấn đề tính chất tội phạm (hay không) của hành vi, có tội (hay không) của bị cáo hoặc bằng việc kiểm tra tính hợp pháp và của bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (nếu bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị), nhằm đạt mục đích trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng hình sự là tuyên một bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật một cách công minh và đúng pháp luật, có căn cứ và đảm bảo sức thuyết phục tránh bỏ lọt tội phạm và kết án oan người vô tội.
Xét xử là một giai đoạn tố tụng hình sự trung tâm và quan trọng để cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn xét xử của Tòa án nói riêng và toàn bộ hoạt động tư pháp hình sự của Nhà nước nói chung, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội./.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!