Về thời điểm có hiệu lực trong chuyển quyền sở hữu nhà đất
Về thời điểm có hiệu lực trong chuyển quyền sở hữu nhà đất
Luật “đá” nhau, gây khó khăn trong áp dụng
Theo BLDS 2005, đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu (như nhà đất) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu được tính kể từ khi bên mua hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tuy nhiên, theo Luật Nhà ở 2005 thì không phải như vậy.
Khi các quy định pháp luật “đá” nhau
Khoản 2 Điều 439 BLDS 2005 quy định: “Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.
Cùng quan điểm trên, Luật Đất đai 2003 và nghị định hướng dẫn cũng cho rằng: thời điểm chuyển quyền sử dụng đất là từ khi người nhận chuyển nhượng hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (thường gọi là đăng bộ nhà đất). Khoản 2 Điều 127 Luật Đất đai 2003 quy định: “Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Trong thời gian không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ”.
Trong khi đó, Luật Nhà ở 2005 quy định: thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà kể từ khi hợp đồng mua bán được công chứng, chứng thực (Điều 93, Điều 98). Khoản 1, Điều 63 Nghị định 90 ngày 6-9-2006 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) quy định: “Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực”. Tức là sớm hơn nhiều so với quy định của BLDS.
Thực tế, muốn đi đăng bộ được thì người mua, người bán phải hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập và lệ phí trước bạ. Thông thường, thời gian kể từ khi hợp đồng mua bán được công chứng đến lúc hoàn tất thủ tục sang tên thì nhanh nhất cũng trên 10 ngày. Như vậy, thời gian từ lúc ký hợp đồng công chứng đến lúc đăng ký quyền sở hữu đã có “khoảng trống pháp luật” do các quy định pháp luật xung đột nhau.
Áp dụng theo luật nào?
Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản, nhất là nhà đất, có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với cơ quan thi hành án, trong việc kê biên tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, việc xác định chủ sở hữu nhà đất ở thời điểm kê biên là ai là rất cần thiết.
Theo cơ quan thi hành án, khi xác minh người phải thi hành án đứng tên nhà, đất thì cơ quan thi hành án ra quyết định kê biên để thi hành. Tuy nhiên, khi kê biên lại phát hiện trước đó họ đã ký hợp đồng bán nhà cho người khác. Nếu căn cứ vào BLDS, Luật Đất đai thì nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án được quyền kê biên, phát mãi căn nhà để thi hành án.
Thế nhưng, theo quy định Luật Nhà ở thì nhà trên đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người mua, cơ quan thi hành án không có quyền kê biên. Do đó, cơ quan thi hành án bị đặt vào thế khó: kê biên nhà thì người mua khiếu nại; không kê biên nhà thì người được thi hành án khiếu nại, cho rằng cơ quan thi hành án để người có tài sản tẩu tán, không thi hành bản án.
Khi các quy định pháp luật xung đột nhau thì chúng ta phải tìm đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong trường hợp các văn bản pháp luật có mâu thuẫn sẽ áp dụng văn bản có giá trị cao hơn; trường hợp các văn bản có giá trị ngang nhau thì áp dụng văn bản được ban hành sau.
Như vậy, nếu theo thời gian thì Luật Nhà ở được ban hành sau (được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8, từ ngày 18-10 đến 29-11-2005 thông qua). Tuy nhiên, về giá trị văn bản luật thì BLDS là có giá trị cao nhất. Vì vậy, phải áp dụng quy định pháp luật tại BLDS.
Ở đây, có một nguyên tắc mà các nhà làm luật phải hết sức chú ý: đó là tính thống nhất, dễ hiểu của pháp luật. Văn bản luật ra sau cần rà soát các quy định của văn bản trước đó để không mâu thuẫn.
Điều đáng tiếc là Luật Nhà ở được thông qua tại Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thì trước đó không lâu - Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 (ngày 14-6-2005) đã thông qua BLDS 2005; thế nhưng, Luật Nhà ở đã có quy định không thống nhất với BLDS.
Thiết nghĩ, luật có rõ ràng, thống nhất thì việc áp dụng mới minh bạch, mới không có chuyện “được” lựa chọn văn bản luật để áp dụng theo hướng mình muốn hay chuyện tranh cãi triền miên giữa các cơ quan chức năng.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!