Các thiếu sót thường gặp của Tòa án cấp sơ thẩm khi chuyển hồ sơ có kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm

Trong quá trình nhận hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị do các Toà án cấp sơ thẩm chuyển lên Toà án cấp phúc thẩm, chúng tôi nhận thấy có nhiều trường hợp Toà án cấp sơ thẩm khi lập hồ sơ kháng cáo, kháng nghị đã không thực hiện đúng các quy định tố tụng, dẫn đến việc Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển trả lại hồ sơ, yêu cầu xác minh bổ sung hồ sơ,... Việc này gây tốn kém không cần thiết, làm khó khăn trong công tác, đồng thời làm chậm quá trình thụ lý giải quyết các loại án ở cấp phúc thẩm. Sau đây là một số thiếu sót mà Toà án cấp sơ thẩm hay mắc phải trong quá trình lập hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị:
- Chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã chuyển hồ sơ cho cấp phúc thẩm. Có Toà án khi nhận được kháng cáo của đương sự đã lập hồ sơ kháng cáo,  chuyển ngay hồ sơ cho cấp phúc thẩm mà không chờ hết thời gian kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên, nên khi Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị, Toà án cấp sơ thẩm lại phải thông báo bổ sung việc kháng nghị.

- Không thực hiện cấp, tống đạt, niêm yết bản án, quyết định cho các đương sự khi xét xử vắng mặt để họ thực hiện quyền kháng cáo hoặc để tính thời hạn kháng cáo; hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng, không đủ theo quy định của pháp luật tố tụng. Ví dụ: Giao văn bản tố tụng cho người chưa thành niên nhận thay khi tống đạt; chỉ niêm yết bản chính ở trụ sở UBND, không niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo khi thực hiện thủ tục niêm yết theo Điều 154 BLTTDS.
- Các bị cáo đang bị tạm giam nhưng đơn kháng cáo không có xác nhận của Ban giám thị Trại tạm giam. Theo Điều 234 BLTTHS quy định “Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám trị trại tạm giam nhận được đơn”. Nhiều trường hợp người nhà của bị cáo làm đơn kháng cáo và nộp cho Toà án, khi xác minh lại thì bị cáo không kháng cáo, không nhờ người nhà làm đơn kháng cáo.
- Người kháng cáo không có quyền kháng cáo theo quy định hoặc không được uỷ quyền kháng cáo: Ví dụ: người có quyền, nghĩa vụ liên quan kháng cáo xin giảm án cho bị cáo, nhưng theo quy định tại Điều 231 BLTTHS thì người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người đại diện hợp pháp của họ chỉ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; đại diện theo uỷ quyền của đương sự chỉ được uỷ quyền tham gia phiên toà, không được uỷ quyền kháng cáo.
- Đơn kháng cáo không làm đúng mẫu quy định, không có chữ ký hoặc điểm chỉ; đại diện của pháp nhân kháng cáo nhưng không đóng dấu pháp nhân,…nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn nhận đơn kháng cáo, không yêu cầu người kháng cáo sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo mà chuyển hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm.
- Có người tham gia tố tụng kháng cáo, nội dung kháng cáo chưa làm rõ nhưng vẫn chuyển hồ sơ. Ví dụ: Người bị hại kháng cáo với nội dung nếu bị cáo bồi thường thì xin giảm án; nếu bị cáo không bồi thường thì đề nghị tăng hình phạt. Như vậy, nội dung kháng cáo của người bị hại chưa rõ ràng. Toà án cấp sơ thẩm cần giải thích quyền kháng cáo và làm rõ nội dung kháng cáo của người bị hại để cấp phúc thẩm có căn cứ xác định nội dung kháng cáo, người có liên quan đến kháng cáo để triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm...
- Chuyển hồ sơ kháng cáo quá hạn, đơn kháng cáo quá hạn của đương sự không nêu rõ lý do kháng cáo quá hạn nhưng Toà án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ lý do kháng cáo quá hạn theo Điều 246 BLTTDS. Toà án cấp phúc thẩm phải đề nghị xác minh thêm, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Cá biệt có Toà án nhận đơn kháng cáo quá hạn, đã thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí trong khi chưa có quyết định xét kháng cáoquá hạn.
Quy định về tố tụng liên quan đến vấn đề kháng cáo, kháng nghị cũng như việc lập hồ sơ kháng cáo, kháng nghị đã được quy định đầy đủ và có hướng dẫn cụ thể tại các văn bản pháp luật tố tụng như Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hành sự, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 và Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Tuy nhiên, một số Toà án cấp sơ thẩm chưa tuân thủ triệt để các quy định hướng dẫn tại các Nghị quyết nên hồ sơ chuyển lên Toà án cấp phúc thẩm vẫn còn tồn tại các thiếu sót như đã nêu ở trên.
Trên đây là một số thiếu sót của một số Toà án cấp sơ thẩm mà trong quá trình thụ lý hồ sơ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, chúng tôi thường gặp. Xin nêu lên để các đồng nghiệp góp ý, trao đổi thêm để chúng ta cùng nhau góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự