Vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự sơ thẩm?

Trong phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ tham gia ở mức độ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng.

Theo nhiều chuyên gia, BLTTDS sửa đổi có hai điều luật nội dung không rõ về vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự sơ thẩm: VKS phát biểu ý kiến cả về mặt nội dung lẫn tố tụng hay chỉ được nhận xét về tố tụng.
Cụ thể khoản 1 Điều 197 BLTTDS sửa đổi quy định: “Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn…; nghe kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKSvề việc giải quyết vụ án”. Còn khoản 1 Điều 234 quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX…”.
Chỉ phát biểu về tố tụng
Theo một số thẩm phán, hai điều luật trên đã gây ra cách hiểu không thống nhất khi tiến hành tố tụng. Bởi lẽ hiểu theo Điều 197 thì kiểm sát viên được phát biểu cả về mặt nội dung lẫn tố tụng của vụ án, còn hiểu theo Điều 234 thì kiểm sát viên chỉ phát biểu về mặt tố tụng. Có người còn cho rằng Điều 197 là điều luật nằm ở Mục “quy định chung về phiên tòa sơ thẩm” nên phải ưu tiên áp dụng hơn Điều 234 (Mục “tranh luận tại phiên tòa”).
Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) lại cho rằng hai điều luật trên hoàn toàn không có sự mâu thuẫn gì. Điều 197 là quy định chung có tính nguyên tắc. Còn Điều 234 là sự cụ thể hóa quy định tại Điều 197.
Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận định trong trường hợp này cơ quan tố tụng phải vận dụng điều luật cụ thể là Điều 234. Tức là trong phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ tham gia ở mức độ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng.

Có nên tham gia hỏi “tràn lan”?
Một vấn đề khác, theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), gần đây trong các phiên tòa dân sự sơ thẩm đã xuất hiện việc kiểm sát viên tham gia hỏi về nội dung khá tràn lan. Luật sư Trạch nhận xét cần phải xem lại chuyện này bởi luật đã quy định tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thì kiểm sát viên chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa, của người tham gia tố tụng mà thôi. Việc kiểm sát viên tham gia hỏi quá nhiều về phần nội dung là không cần thiết, gây ức chế tâm lý cho đương sự và có thể làm ảnh hưởng đến đường lối xét xử của tòa.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng nhìn nhận đúng là hiện nay đang có tình trạng kiểm sát viên hỏi quá tràn lan, hỏi quá sâu về nội dung gây mất thời gian ở các phiên tòa dân sự sơ thẩm trong khi họ không có chức năng kết luận về mặt nội dung là đúng hay sai. Theo luật sư Nghiêm, kiểm sát viên chỉ nên hỏi những phần tập trung vào tố tụng phục vụ cho việc phát biểu ý kiến của mình.
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) lại cho rằng không phải trường hợp nào kiểm sát viên hỏi về nội dung cũng không cần thiết. Bởi lẽ có những câu hỏi về chứng cứ không phải là can thiệp vào nội dung mà chính là hỏi để kiểm chứng lại xem các chứng cứ có được thu thập một cách hợp pháp, hợp lệ hay không…
Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn bổ sung: Nếu vụ án có những nội dung mâu thuẫn, không rõ mà tòa chưa hỏi thì VKS cũng có thể hỏi để tòa đánh giá một cách toàn diện. Luật không khống chế kiểm sát viên hỏi về phần nội dung vụ án. Đừng quá cứng nhắc rằng kiểm sát viên chỉ nên hỏi những vấn đề về mặt hình thức vì nội dung và hình thức luôn có mối quan hệ nhất định...
Hỏi để làm gì?
Tại nhiều phiên xử sơ thẩm, kiểm sát viên tham gia hỏi các đương sự khá nhiều về nội dung, chứng cứ… Tuy nhiên, khi đến phần kết luận, họ chỉ dừng lại ở phần tố tụng nên khiến nhiều đương sự không khỏi chưng hửng, thắc mắc: “Tại sao kiểm sát viên hỏi tôi nhiều thế mà đến khi kết luận ông ta lại chẳng thể nhận định được là tôi đúng hay sai?”.
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM
Cần thiết
Việc tham gia của VKS là cần thiết, giúp án dân sự được giải quyết một cách khách quan, kịp thời, đúng pháp luật. Việc này còn hạn chế được tình hình án bị tòa “ngâm” không đưa ra xử như quy định. Ngoài ra, thêm sự giám sát về mặt tố tụng, các bản án dân sự không còn bị hủy, sửa nhiều.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬUPhó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Nâng cao trách nhiệm của VKS
Nhìn ở góc độ tích cực, việc kiểm sát viên kết luận cả phần nội dung trong phiên xử sơ thẩm sẽ giúp tòa có thêm góc nhìn, tránh được tính chủ quan nhất định, cẩn trọng hơn khi phán quyết. Việc này cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của VKS. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng trung ương cần sớm có hướng dẫn thống nhất về việc phát biểu của kiểm sát viên vì hiện có hai điều luật quy định khác nhau.
Thẩm phán TRƯƠNG CÔNG HUẤNTAND quận 11, TP.HCM
Xem lại thời hạn kháng nghị
Điều 252 BLTTDS sửa đổi quy định thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Khoảng thời gian này quá ngắn. Ở giai đoạn sơ thẩm, VKS chỉ tham gia phần tố tụng nhưng kháng nghị thì không giới hạn ở tố tụng mà có cả phần nội dung. Thời hạn 15 ngày để VKS phát hiện ra sai phạm về mặt nội dung là quá ngắn.
Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊMViện Phúc thẩm III VKSND Tối cao
HOÀNG YẾN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự