Hoàn thiện quy định về đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Quy định về đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), thuật ngữ đương sự được nêu trong nhiều điều luật nhưng lại không được giải thích rõ và giới hạn nó gồm những chủ thể (người tham gia tố tụng) nào. Điều này đã gây khó khăn cho việc áp dụng Bộ luật trong thực tiễn.
Những bất cập và hướng sửa đổi các quy định pháp luật về công chứng1.1. Chẳng hạn, thuật ngữ đương sự được nêu tại Khoản 3 Điều 209 (Hỏi bị cáo): “Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo. Người bào chữa hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hỏi về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự…”; Khoản 2 Điều 211 (Hỏi người làm chứng): “Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án…”; Khoản 1 Điều 234 BLTTHS (Thời hạn kháng cáo, kháng nghị): “… Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo…” và Khoản 2 Điều 245 BLTTHS (Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm): “Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt…”.

Theo các quy định trên, thuật ngữ đương sự đã có sự tách bạch với thuật ngữ bị cáo.
1.2. Bên cạnh đó, thuật ngữ đương sự còn được nêu tại Điều 18 (nguyên tắc Xét xử công khai): “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước,… hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì…”; Khoản 1 Điều 142 BLTTHS (Khám người): “Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám”; Khoản 2 Điều 143 BLTTHS (Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm): “Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ,…; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt…”; Khoản 3 Điều 146 BLTTHS (Kê biên tài sản): “Khi tiến hành kê biên tài sản, phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình,…Biên bản phải… đọc cho đương sự và những người có mặt nghe và cùng ký tên. Những khiếu nại của đương sự được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
Biên bản kê biên được lập thành ba bản: một bản được giao ngay cho đương sự sau khi kê biên xong;…”.
Qua các quy định trên thấy rằng, các điều luật không nêu rõ thuật ngữ đương sự bao gồm những chủ thể nào. Tuy nhiên, theo nội dung các điều luật này thì đương sự hoặc có thể là người bị đưa ra xét xử mà việc xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến bí mật của họ; hoặc là người bị tình nghi (người thực hiện hành vi phạm tội) trong vụ án hình sự; hoặc là người mà có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của họ có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hay chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm bị khám xét của người đó có người đang bị truy nã lẩn trốn; người đang bảo quản tài sản của bị can, bị cáo, người bị tình nghi. Như vậy, thuật ngữ đương sự được nêu trong các điều luật này là rất rộng, có thể bao gồm các chủ thể: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, thậm chí cả người làm chứng.
Ngoài ra, thuật ngữ đương sự còn được nhắc tại các điểm b, d Khoản 3 và điểm b Khoản 4 Điều 59. Theo đó, đương sự là những chủ thể được người bảo vệ quyền lợi của đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ được quy định tại Điều 59 BLTTHS.
1.3. Không những thế, nghiên cứu các quy định về chủ thể tham gia tố tụng trong BLTTHS cho thấy, bên cạnh thuật ngữ đương sự, BLTTTHS còn ghi nhận thuật ngữ “người bảo vệ quyền lợi của đương sự” tại nhiều điều luật. Trong đó, tiêu đề và Khoản 1 Điều 59 quy định rõ về tư cách người bảo vệ quyền lợi của đương sự như sau:
“Điều 59. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự
1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Từ quy định trên có thể suy luận thuật ngữ đương sự bao gồm các chủ thể: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Ngoài ra, đoạn 1 điểm d Khoản 3 Điều 59 BLTTHS còn quy định: “Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền…”. Điều này có nghĩa, khi phạm vi chủ thể chỉ bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thì không được dùng thuật ngữ người bảo vệ quyền lợi của đương sự vì phạm vi các chủ thể được quy định tại đoạn này không bao hàm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Nhìn chung, thuật ngữ đương sự được quy định trong BLTTHS có thể chỉ bao gồm người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, có sự tách biệt đương sự với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; hoặc có thể bao gồm cả người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

2. Đương sự trong các loại hình tố tụng khác
Trong tố tụng dân sự (TTDS), khái niệm đương sự được quy định cụ thể tại Điều 56 Bộ luật TTDS. Theo đó, đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, nguyên đơn là người khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm, hay người khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Bộ luật TTDS. Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong tố tụng hành chính (TTHC), khái niệm đương sự được nêu tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 3 Luật TTHC năm 2010. Theo đó, đương sự bao gồm: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri. Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, lập danh sách cử tri bị khởi kiện. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận hoặc được Toà án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, trong TTDS và TTHC thì đương sự chỉ bao gồm những người tham gia tố tụng mà có quyền lợi và nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp liên quan đến vụ án dân sự hay vụ án hành chính đang được giải quyết.

3. Khái niệm đương sự và hoàn thiện quy định về đương sự trong Bộ luật tố tụng hình sự
Theo Từ điển tiếng Việt, đương sự là “Người là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết”1. Như vậy, đương sự chỉ bao gồm những chủ thể  tham gia vào vụ việc được giải quyết mà vụ việc đó có ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Khái niệm đương sự được quy định trong Bộ luật TTDS và Luật TTHC tương đồng với khái niệm này. Riêng thuật ngữ đương sự trong TTHS lại được hiểu ở những phạm vi khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng cũng như chưa đảm bảo tính lôgic trong các quy định của BLTTHS về việc sử dụng thuật ngữ.
Để xác định chính xác phạm vi chủ thể thuộc thuật ngữ đương sự trong TTHS, chúng ta cần nghiên cứu kỹ quy định về người tham gia tố tụng từ Điều 48 đến Điều 62 BLTTHS. Theo đó, người tham gia tố tụng bao gồm các chủ thể sau: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người giám định, người phiên dịch và người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Như vậy, chúng ta có thể chia các chủ thể này thành 3 nhóm sau:
Nhóm 1: những chủ thể có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhưng là người bị tình nghi đã thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Mặc dù người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là ba đối tượng tham gia tố tụng nhưng thực chất chỉ là một chủ thể: người bị tình nghi, vì tùy từng giai đoạn tố tụng mà tư cách của người bị tình nghi thay đổi cho phù hợp.
Nhóm 2: những chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhưng không phải là người bị tình nghi đã thực hiện hành vi phạm tội mà việc họ tham gia tố tụng để tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và có nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra, bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Chủ thể trong mỗi nhóm này có quyền lợi, nghĩa vụ riêng biệt.
Nhóm 3: chủ thể là người giúp đỡ những người thuộc nhóm 1, nhóm 2 bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ hay là người tham gia vụ án nhằm giúp làm sáng tỏ tình tiết nào đó trong vụ án, bao gồm: người làm chứng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người giám định, người phiên dịch và người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Trong các nhóm trên, nhóm 3 bao gồm những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra; việc giải quyết vụ án không nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, họ không phải là đối tượng được pháp luật TTHS hướng đến, bảo vệ. Nhóm 1 có  đặc thù là người bị tình nghi và là đối tượng được pháp luật TTHS hướng đến nhằm ngăn ngừa, phòng, chống tội phạm; những người thuộc nhóm này có khả năng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình, họ là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những người thuộc nhóm 2 là những người không chịu trách nhiệm hình sự mà việc họ tham gia vào vụ án nhằm tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phải gánh chịu nghĩa vụ theo quy định của pháp luật TTHS; quan hệ mà họ tham gia bao gồm các quan hệ về dân sự có thể giữa các chủ thể thuộc nhóm này với nhau hoặc với người phạm tội.
TTHS khác với các loại hình tố tụng khác về trình tự, thủ tục tiến hành cũng như những chủ thể được xác định là người tham gia tố tụng. Cho nên, chúng ta không thể đồng nhất khái niệm đương sự trong TTHS với khái niệm đương sự trong TTHC và TTDS. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa thuật ngữ này được hiểu khác đi mà cần có cách hiểu theo một quy luật chung mà ở đó, thuật ngữ đương sự được hiểu thống nhất.
Chúng ta thấy rằng, trong TTHC, TTDS thì thuật ngữ đương sự được sử dụng song song với thuật ngữ người tham gia tố tụng. Việc quy định đương sự trong khi đã có người tham gia tố tụng không ngoài mục đích nào khác là nhằm nhóm các chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sự việc đang được giải quyết lại với nhau để có sự tách bạch với những người tham gia tố tụng khác mà không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc được xem xét, đó là, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch… Điều này tạo ra sự thuận lợi trong việc áp dụng, góp phần nhóm các quy định có liên quan với nhau, tạo ra sự logic của pháp luật.
Tương tự, thuật ngữ đương sự trong TTHS cũng nên được quy định song song với thuật ngữ người tham gia tố tụng. Như đã phân tích, trong ba nhóm được phân chia thì nhóm 2 là nhóm mà các chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra khác với nhóm 1 và quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ thể thuộc nhóm này chỉ bao hàm trong các vấn đề về dân sự, hoặc liên quan đến hình sự nhưng ở khía cạnh đối với người phạm tội (như trường hợp người bị hại khởi tố theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 và Điều 105 BLTTHS) chứ không phải trong quan hệ hình sự đối với Nhà nước. Do đó, để thống nhất với cách hiểu đương sự trong TTDS và TTHC, đương sự trong TTHS bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, là phù hợp hơn cả.
Từ các phân tích trên, chúng tôi đề nghị:
Thứ nhất, bổ sung vào BLTTHS khái niệm về đương sự như sau:
Điều 51a. Đương sự trong tố tụng hình sự
Đương sự trong TTHS là những người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tội phạm xảy ra, tham gia vào vụ án hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình hoặc chịu nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, nhưng không phải là người thực hiện hành vi phạm tội.
Đương sự trong TTHS bao gồm: người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.
Thứ hai, bên cạnh việc sử dụng thuật ngữ “đương sự” có phạm vi bao hàm “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, BLTTHS còn sử dụng thuật ngữ “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” trong nhiều điều luật mà không dùng thuật ngữ “đương sự” để thay thế. Để thống nhất cách hiểu, cũng như giúp quy định của BLTTHS được logic, đề nghị thay cụm từ “người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” được quy định trong Bộ luật bằng thuật ngữ “đương sự”.
Thứ ba, thay thuật ngữ “đương sự” bằng cụm từ khác và bổ sung thêm chủ thể bên cạnh đương sự tại một số điều luật cho phù hợp.
Như phân tích tại tiểu mục 1.2 trên đây, thuật ngữ đương sự được quy định tại Điều 18; Khoản 1 Điều 142; Khoản 2 Điều 143; Khoản 3 Điều 146 BLTTHS là chưa nêu lên được những chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều luật tương ứng. Chẳng hạn, đối với quy định tại Điều 18, việc xét xử công khai nếu ảnh hưởng đến bí mật của bị cáo, người làm chứng thì những chủ thể này vẫn có quyền yêu cầu Tòa án xét xử kín chứ không chỉ riêng người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự mới được yêu cầu.
Đối với quy định tại Khoản 1 Điều 142, Khoản 2 Điều 143 và Khoản 3 Điều 146 BLTTHS, thuật ngữ đương sự được quy định trong các điều luật này hoặc là: người bị áp dụng thủ tục khám người; người bị áp dụng thủ tục khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm; người bị áp dụng kê biên tài sản. Bởi vì, Khoản 1 Điều 140 BLTTHS quy định về căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm như sau: “Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã”. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 146 BLTTHS quy định về căn cứ kê biên tài sản: “Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, người bị áp dụng thủ tục khám người; khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm hoặc kê biên tài sản có thể bao gồm cả bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Cho nên, kiến nghị thay thuật ngữ “đương sự” tại Khoản 1 Điều 142 thành “người bị khám xét”; tại Khoản 2 Điều 143 thành “người bị khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm”; tại Khoản 3 Điều 146 thành “người bị kê biên tài sản”; đồng thời bổ sung vào đoạn 2 Điều 18 nội dung: “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của bị cáo, đương sự, người làm chứng theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.
Việc hoàn thiện quy định về đương sự trong BLTTHS sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể và giúp cơ quan, người tiến hành tố tụng dễ dàng áp dụng trong thực tiễn; đồng thời, làm cho các quy định của BLTTHS được tương thích với nhau, bảo đảm tính logic trong toàn bộ quy định của Bộ luật.
(1) Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng, 2005, tr. 357.
ThS. Thái Chí Bình - Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, An Giang.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự