Một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức
Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức khác, trước khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 ra đời, tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định: “Khi xét xử vụ án dân sự, Toà án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết”. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã bãi bỏ quy định này. Sau 7 năm thực hiện Bộ Luật tố tụng dân sự, thực tế việc giải quyết vụ việc dân sự tại các Tòa án cho thấy nhiều trường hợp khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án xét thấy có các quyết định cá biệt của các cơ quan, tổ chức rõ ràng là trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án và đương sự có yêu cầu hủy bỏ quyết định đó; nhưng vì Bộ luật tố tụng dân sự không quy định thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự nên Tòa án không thể hủy các quyết định cá biệt này. Đương sự muốn Tòa án hủy quyết định cá biệt đó lại phải tiến hành các thủ tục để khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như gây tốn kém về thời gian và tiền của cũng như công sức đối với các đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, để khắc phục hạn chế này, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, nhà làm luật đã bổ sung Điều 32a quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính”.
Đồng thời, khoản 3 Điều 32a cũng giao trách nhiệm cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Điều này. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đang tiên hành xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch nhằm hướng dẫn quy định này. Theo dự thảo Thông tư liên tịch thì Quyết định cá biệt có thể bị Tòa án tuyên hủy vì rõ ràng trái pháp luật được xác định là các quyết định thuộc đối tượng có thể bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính quy định tại Điều 28 Luật tố tụng hành chính và được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính. Đồng thời, quyết định cá biệt bị hủy phải là quyết định rõ ràng trái pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành hoặc nội dung, đồng thời việc hủy quyết định này liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án dân sự.
Trong bài viết này, tác giả xin nêu một vài vấn đề còn có các ý kiến khác nhau liên quan đến thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự đối với quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức.
1. Về yêu cầu của đương sự có phải là căn cứ bắt buộc phải có để Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hay không?
Xác định “khi đương sự có yêu cầu” có phải là căn cứ bắt buộc phải có để Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hay không, là vấn đề hết sức quan trọng, không những liên quan đến vấn đề xác định các căn cứ hủy quyết định cá biệt mà còn liên quan đến nhiều vấn đề tố tụng khác.
Ví dụ: Trong vụ án dân sự về tranh chấp đất đai giữa ông A và ông B. Ông A khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ông B phải trả lại ông A thửa đất X. Qúa trình giải quyết vụ án, ông B xuất trình Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất X cho ông B. Tuy nhiên, với những chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, Tòa án có đủ cơ sở pháp lý khẳng định Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông B là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của ông A và Tòa án xét thấy yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ pháp luật.
Vấn đề đặt ra ở đây là Tòa án sẽ phán quyết thế nào nếu như trong vụ án dân sự trên, ông A không yêu cầu Tòa án hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B. Hay nói cách khác, trong trường hợp này, Tòa án có quyền hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B hay không?
Nếu như cho rằng Tòa án chỉ có quyền hủy quyết định cá biệt khi đương sự có yêu cầu thì trong vụ án dân sự nêu trên, Tòa án sẽ không có quyền hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B. Việc Tòa án hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B là vi phạm tố tụng vì vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Ngược lại, nếu như cho rằng việc hủy quyết định cá biệt vừa là quyền vừa là nghĩa vụ tố tụng của Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự thì chỉ cần Tòa án phát hiện ra quyết định cá biệt đó rõ ràng trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án là Tòa án sẽ phải hủy quyết định cá biệt đó, mà không nhất thiết phải có yêu cầu của đương sự. Nếu theo quan điểm này thì trong vụ án dân sự trên, mặc dù ông A không có yêu cầu, nhưng Tòa án vẫn có quyền và nghĩa vụ hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông B. Việc Tòa án không hủy Quyết định cấp giấy chứng nhận đã cấp cho ông B là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng: khoản 2 Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định: “Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự…”. Do vậy, cần hiểu Tòa án chỉ có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định cá biệt trong cùng vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu; nếu như trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phát hiện ra quyết định cá biệt trái pháp luật, mặc dù có ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của đương sự nhưng nếu như đương sự không có yêu cầu, thì Tòa án cũng không có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Do đó, theo chúng tôi, dự thảo Thông tư liên tịch cần hướng dẫn theo hướng quy định“Đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật” là một trong những căn cứ bắt buộc để hủy quyết định cá biệt. Theo đó, trong vụ án dân sự, trường hợp đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt, mà trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án xét thấy quyết định cá biệt đó rõ ràng trái pháp luật và xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án phải hủy quyết định cá biệt đó. Còn nếu mặc dù xét thấy quyết định cá biệt đó rõ ràng trái pháp luật và xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nhưng đương sự không có yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì Tòa án không có quyền hủy quyết định cá biệt này. Trường hợp này, khi bản án dân sự có hiệu lực pháp luật thì cơ quan hành chính Nhà nước sẽ căn cứ vào quyết định của bản án để ra quyết định hủy hoặc sửa quyết định cá biệt đó cho phù hợp pháp luật, hoặc đương sự sẽ khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cá biệt đó theo thủ tục tố tụng hành chính tùy theo ý chí của họ.
2. Về vấn đề trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ráng trái pháp luật có đặt ra hay không?
Yêu cầu hủy quyết định cá biệt có phải là yêu cầu độc lập của đương sự trong vụ án dân sự hay không? Nếu xác định yêu cầu này là yêu cầu độc lập của đương sự thì có cần xem xét và xử lý vấn đề tiền tạm ứng án phí với yêu cầu này như thế nào?
Chúng tôi cho rằng, yêu cầu hủy quyết định cá biệt về thực chất là việc khởi kiện quyết định hành chính, nên cần coi đây là yêu cầu độc lập, vì vậy cần xác định trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí và tiền án phí của đương sự giống như quy định trong Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, hiện nay Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 đang có hiệu lực pháp luật không quy định vấn đề tiền án phí, tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ án dân sự. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định tiền án phí, tạm ứng án phí khi đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ án dân sự khi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
3. Về vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính được quy định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính và ngắn hơn thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Do vậy, nếu như quy định việc yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ án dân sự phải tuân thủ quy định của Luật tố tụng hành chính về thời hiệu khởi kiện, thì trong nhiều trường hợp đương sự sẽ không có quyền yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật trong vụ án dân sự. Khi đó, quy định tại Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự về quyền yêu cầu của đương sự hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật và Thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt khi đương sự có yêu cầu sẽ không còn ý nghĩa. Do vậy, chúng tôi nhất trí với quan điểm là khi xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, Tòa án không căn cứ vào thời hiệu khởi kiện quy định pháp luật tố tụng hành chính.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Tòa án khi giải quyết vụ án dân sự đối với quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, được quy định tại Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!