Quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm có được ghi nhận vào trong bản án hay không?

Tại khoản 2 Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 quy định: Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên toà sơ thẩm đối với những vụ án do Toà án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người  có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát mà cụ thể là của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm được thể hiện tại bài phát biểu sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong. Nội dung bài phát biểu của Kiểm sát viên phải tập trung vào việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án (Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự).
Như vậy, pháp luật đã xác định rất rõ ràng nội dung phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm. Nếu như Kiểm sát viên tham gia phiên toà cho rằng Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử vi phạm tố tụng, chẳng hạn còn thiếu người tham gia tố tụng, cần xác minh thu thập thêm chứng cứ,v.v…thì có quyền đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà để khắc phục những thiếu sót đó. Ví dụ: Ngày 01 tháng 01 năm 2008, ông A cho ông B vay số tiền là 100.000.000đ với lãi suất là 1%/tháng để kinh doanh với thời hạn vay là một năm. Đến thời hạn trả nợ, ông B vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên vào năm 2010, ông A khởi kiện ông B đòi số tiền nợ gốc và lãi trên. Sau khi hoà giải không thành, Toà án đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên toà cho rằng Hội đồng xét xử cần phải đưa vợ của ông B là bà C vào tham gia tố tụng mới đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự và đúng quy định pháp luật. Do đó, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên toà để khắc phục thiếu sót này.
Vấn đề đặt ra là ý kiến phát biểu trên của Kiểm sát viên có được ghi nhận vào trong bản án hay không? Đối với vấn đề này trên hiện nay có hai luồng ý kiến khác nhau và có cách làm chưa thống nhất.
Quan điểm thư nhất cho rằng do hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao mà cụ thể là Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhận ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên trong bản án, do vậy trong bản án không phải ghi ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên.
Quan điểm thứ hai cho rằng trong bản án phải ghi ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên toà trong phần xét thấy thì mới phù hợp và đúng với quy định của pháp luật. Quan điểm này cho rằng, nếu không ghi ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên thì sẽ không xác định được Thẩm phán, Hội đồng xét xử, cũng hay những người tham gia tố tụng có tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng hay không? Và quan điểm nào của Kiểm sát viên được chấp nhận, quan điểm nào không được chấp nhận?
Trong hai quan điểm trên thì quan điểm thứ hai có lẽ phù hợp và có cơ sở hơn. Bởi lẽ, khi Kiểm sát viên tham gia phiên toà mà ý kiến phát biểu không được ghi vào trong bản án thì sẽ được thể hiện ở đâu? Mặt khác, nếu trong bản án không thể hiện Hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thì quyết định trong bản án chưa đảm bảo được tính khách quan. Chẳng hạn từ ví dụ nêu trên, nếu tại phiên tòa mà Kiểm sát viên đề nghị quan phiên toà để đưa bà C vào tham gia tố tụng, nhưng Hội đồng xét xử không hoãn phiên toà mà tiếp tục xét xử và tuyên án nhưng trong bản án lại không ghi ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên. Vậy cơ sở nào thể hiện Kiểm sát viên đã thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án? Đặt giả thuyết nếu cấp phúc thẩm huỷ án sơ thẩm với vi phạm mà Kiểm sát viên đã đề nghị Toà cấp sơ thẩm khắc phục nhưng không được đồng ý, thì lỗi này thuộc về ai?
Ngoài ra, nếu trong bản án không thể hiện ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên sẽ là một thiếu sót của bản án, bởi lẽ theo quy định thì trong phần xét thấy của bản án  Hội đồng xét xử phải xem xét toàn diện, đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, chẳng hạn các đương sự trong vụ kiện và kể cả ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, vấn đề đặt ra tại sao ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên toà lại không được đưa vào trong bản án?
Hơn nữa, theo quan điểm thứ nhất cho rằng hiện nay do chưa có hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên không đưa ý kiến của Kiểm sát viên vào trong bản án. Việc lý giải này thật sự chưa ổn và chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Tại Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã xác định rõ nội dung phát biểu của Kiểm sát viên và giai đoạn phát biểu là sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong. Như vậy, không thể cho rằng pháp luật chưa quy định nên không thể đưa các ý kiến phát biểu của kiểm sát viên vào trong bản án như nhận định của quan điểm thứ  nhất.
Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên toà sơ thẩm phải được đưa vào trong bản án và Hội đồng xét xử phải nhận định cụ thể ý kiến nào của Kiểm sát viên được chấp nhận, ý kiến nào không được chấp nhận thì mới phù hợp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự