13/2009/KDTM-GĐT, ngày 14-12-2009 tranh chấp hợp đồng thi công


 QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 13/2009/KDTM-GĐT, NGÀY 14-12-2009 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Ngày 14/12/2009 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm để xét xử vụ án kinh doanh thương mại "Tranh chấp về hợp đồng thi công" giữa các đương sự:
Nguyên đơnÔng Hồ Bá Truyền – Chủ hộ kinh doanh cá thể; địa chỉ: số 223/6 khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang;
 Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Chúc Phương (gọi tắt là Công ty Chúc Phương); có trụ sở: ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; do bà Trần Thị Chúc Phương – Giám đốc Công ty làm đại diện.
NHẬN THẤY:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 25/3/2005 và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn xuất trình, thì thấy:
Ngày 10/7/2004, ông Hồ Bá Truyền và Công ty Chúc Phương ký Hợp đồng kinh tế số 01/07/HĐKT với các nội dung chính (tóm tắt) như sau: Công ty Chúc Phương thuê ông Truyền san lấp (gồm: bơm cát, đắp đê bao, đóng cừ tràm, gia cố hai đầu kinh) mặt bằng công trình Khu dân cư chùa Bà Hai – thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp; khối lượng san lấp cát (khối lượng chặt) theo dự toán được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; đơn giá 10.800 đ/m3; thời gian thi công đắp bao 90 ngày; khối lượng dùng làm cơ sở thanh toán là khối lượng được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong hồ sơ dự toán (khối lượng trên mặt bằng công trình).
Theo chủ đầu tư xác nhận ngày 25/3/2005 thì khối lượng thi công thực tế là 86.886m3 cát (đã trừ khối lượng giảm do hạ cao độ (0,13m) là 7921m3,  khối lượng không thi công là 319m3). Ông Truyền yêu cầu Công ty Chúc Phương thanh toán theo khối lượng 86.886m3, với đơn giá 10.800 đ/ m3 và tính hệ số đầm nén (1,22) theo quy định; tiền lãi do chậm thanh toán; trừ 410.000.000 đồng đã nhận.
Đại diện bị đơn trình bày:
Công ty Chúc Phương nhận thầu lại hạng mục của nhà thầu thi công (Công ty xây dựng 621 – QK9). Ông Hồ Bá Truyền bơm cát đến ngày 15/12/2004 còn thiếu 11.779 m3 so với thiết kế. Khối lượng nghiệm thu 86.886m3 cát phải trừ lại 10.965m3 của Doanh nghiệp tư nhân Mai Thị Chanh do nhà thầu thuê (Hợp đồng không số ngày 30/12/2004) vì ông Truyền bơm cát không đủ khối lượng. Công ty Chúc Phương không chấp nhận hệ số đầm nén (1,22) vì đã có trong đơn giá; không đồng ý thanh toán tiền lãi chậm trả. Ngoài ra, Công ty Chúc Phương yêu cầu được khấu trừ 120.000.000 đồng chi phí đắp đê bao, đóng cừ tràm, gia cố hai đầu kinh do ông Truyền không làm; 20.000.000 đồng thuê xe san ủi mặt bằng; 66.700.000 đồng trả cho ông Phan Tấn Lợi; 54.197.500 đồng tiền vận chuyển  95 chuyến cát cho ông Truyền. 
Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2006/KDTM-ST ngày 07/3/2006, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:
“Công nhận Hợp đồng số 01/07/HĐKT ngày 10/7/2004 ký kết giữa Công ty TNHH Chúc Phương do bà Trần Thị Chúc Phương đại diện và ông Hồ Bá Truyền đại diện hộ đăng ký kinh doanh cá thể.
Công ty TNHH Chúc Phương do bà Trần Thị Chúc Phương đại diện trả cho  ông Hồ Bá Truyền 576.060.000 đ.
Không chấp nhận yêu cầu của ông Truyền đòi bà Phương thanh toán khối lượng thi công được nhân với hệ số 1,22 thành tiền 206.431.000 đồng.
Không chấp nhận yêu cầu của bà Phương đòi ông Truyền thanh toán khối lượng cát 10.965 m3 tính thành tiền 131.580.000 đồng …”
Ngày 17 và 20/3/2006, Công ty Chúc Phương, ông Hồ Bá Truyền có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 53/2006/KDTM-PT ngày 23/6/2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
“ Hủy bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2006/KDTM-ST ngày 07/3/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung …”
Ngày 25/8/2006, Công ty Chúc Phương có đơn khởi kiện tranh chấp Hợp đồng kinh tế số 01/07/HĐKT.
Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 17/2007/KDTM-ST ngày 18/4/2007, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:
“Công nhận Hợp đồng số 01/07/HĐKT ngày 10/7/2004 ký kết giữa Công ty TNHH Chúc Phương do bà Trần Thị Chúc Phương đại diện và ông Hồ Bá Truyền đại diện hộ đăng ký kinh doanh cá thể.
 - Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Trần Thị Chúc Phương sau khi trừ cấn các khoản đã nêu trên, bà Trần Thị Chúc Phương đại diện còn phải trả cho ông Hồ Bá Truyền 266.749.308 đ.”
Ngày 04 và 18/5/2007, ông Hồ Bá Truyền, Công ty Chúc Phương có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 78/2007/KDTM-PT ngày 13/8/2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
“- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hồ Bá Truyền.
- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Chúc Phương, sửa một phần bản án sơ thẩm, xử:
Công nhận Hợp đồng số 01/07/HĐKT ngày 10/7/2004 ký kết giữa Công ty
TNHH Chúc Phương do bà Trần Thị Chúc Phương đại diện và ông Hồ Bá Truyền
 đại diện hộ đăng ký kinh doanh cá thể.
- Chấp nhận một phần yêu cầu đòi bà Phương phải thanh toán tiền theo hợp đồng đã ký kết của ông Hồ Bá Truyền. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Trần Thị Chúc Phương. Buộc Công ty TNHH Chúc Phương do bà Trần Thị Chúc Phương đại diện phải trả cho ông Hồ Bá Truyền 159.170.800đ.”
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Hồ Bá Truyền có nhiều đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị số 10/2009/KDTM-KN-TKT ngày 20-4-2009,  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 78/2007/KDTM-PT ngày 13/8/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 17/2007/KDTM-ST ngày18/4/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang và bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY
1- Ông Hồ Bá Truyền khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Chúc Phương thanh toán các khoản tiền còn thiếu của Hợp đồng kinh tế số 01/07/HĐKT ngày 10/7/2004.
Tuy ông Truyền và Công ty Chúc Phương chưa nghiệm thu công trình, chưa thanh lý hợp đồng, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án cả ông Truyền và Công ty Chúc Phương (do bà Phương đại diện) đều đồng ý căn cứ vào khối lượng được thể hiện trong Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình ngày 29/3/2005 (kèm theo Biên bản về việc xác nhận khối lượng thi công thực tế ngày 25/3/2005) của Ban quản lý dự án huyện Lấp Vò với đơn vị thi công là Công ty xây dựng 621- Quân khu 9, để làm cơ sở thanh toán. Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận đề nghị trên của các đương sự là có căn cứ. Tổng khối lượng thực hiện là 86.886m3; trong đó: theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện có 10.965m3 do Doanh nghiệp Mai Thị Chanh thực hiện. Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm trừ khối lượng này, không thanh toán cho ông Truyền. Tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện Xí nghiệp thi công cơ giới 6 - Công ty xây dựng 621 đã thanh toán cho Công ty Chúc Phương 75.921m3 là 986.973.000 đồng. Nên ông Truyền chỉ được thanh toán theo khối lượng 75.921 m3 là đúng.
Tuy nhiên, có một số khoản tiền cần được xem xét lại cho ông Truyền, cụ thể:
 - Về khoản tiền 66.700.000 đồng: Theo bà Phương khai, thì ông Truyền đã viết giấy ủy quyền cho ông Phan Tấn Lợi đến nhận tiền và bà Phương đã trả khoản tiền này cho ông Lợi. Trong hồ sơ vụ án có 01 giấy Biên nhận mang tên ông Phan Tấn Lợi đề ngày 05/11/2005 (BL256) và ông Phan Tấn Lợi xác nhận vào Giấy xác nhận của bà Trần Thị Chúc Phương đề ngày 19/4/2006 (BL315). Nhưng Tòa án các cấp không lấy lời khai của ông Lợi, cũng không tiến hành đối chất giữa bà Phương, ông Truyền và ông Lợi về việc thanh toán khoản tiền này. Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện trong quá trình giải quyết vụ án, bà Phương có xuất trình bản sao giấy ủy quyền này để chứng minh nhưng trong hồ sơ vụ án không có bản sao giấy ủy quyền này. Ông Truyền không thừa nhận và cho rằng ông không ủy quyền cho ông Lợi nhận tiền và giấy ủy quyền mà bà Phương xuất trình là giấy ủy quyền giả, ông Truyền yêu cầu bà Phương xuất trình bản chính nhưng bà Phương không xuất trình được bản chính của giấy ủy quyền này; bà Phương yêu cầu giám định giấy ủy quyền (bản sao) do Bà xuất trình, nhưng Tòa án nhân dân tỉnh An Giang không yêu cầu bà Phương xuất trình bản chính để trưng cầu giám định mà chấp nhận đề nghị của bà Phương trừ khoản tiền này của ông Truyền là chưa đủ căn cứ vững chắc.
 - Về khoản tiền san ủi mặt bằng 20.000.000 đồng: Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Chúc Phương có ký hợp đồng thuê ông Trần Trung Hậu “tạo phẳng công trình”; ông Hậu đã nhận 10.080.000 đồng; trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm lần 1, bà Phương đã có yêu cầu về khoản tiền này. Vì vậy, Tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Phương trừ khoản tiền (10.000.000 đồng) này của ông Truyền là có căn cứ.
Riêng khoản tiền 10.000.000 đồng của Công ty xây dựng 621: Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm lần 1, bà Phương không có yêu cầu; tài liệu bà Phương xuất trình cho Tòa án về sau này (xác nhận của Công ty xây dựng 621) chưa đủ căn cứ vững chắc để chấp nhận.
 Ngoài ra, liên quan đến nội dung khiếu nại của ông Truyền cho rằng bà Phương cung cấp tài liệu giả cũng cần được xem xét làm rõ thêm một số vấn đề sau:
 + Ngày 16/9/2004, Ban quản lý dự án huyện Lấp Vò mới ký Hợp đồng kinh tế số 8/HĐKT/2004 giao cho Công ty xây dựng 621 “tổ chức thi công công trình: cụm dân cư chùa Bà Hai tại thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, hạng mục san lấp mặt bằng …; giá trị hợp đồng theo giá chỉ định thầu (theo Quyết định số 1637/QĐ-UB-HC ngày 15/4/2004 của UBND tỉnh Đồng Tháp):2.245.034.000 đồng; thời gian thi công nghiệm thu bàn giao: Khởi công 20/9/2004, hoàn thành 30/12/2004…”. Nhưng ngày 12/6/2004, Đội xe máy Công ty xây dựng 621 đã ký Hợp đồng không số “thuê Công ty TNHH Chúc Phương “san lấp cát tại mặt bằng công trình chùa Bà Hai thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” và ngày 10/7/2004, Công ty TNHH Chúc Phương ký Hợp đồng kinh tế số 01/07/HĐKT thuê ông Truyền san lấp mặt bằng công trình nói trên; theo ông Truyền khai và được chính quyền địa phương xác nhận, thì ông đã tiến hành bơm cát, san lấp mặt bằng từ ngày 12/6/2004. Tại sao có sự mâu thuẫn trên cần được làm rõ.  
            + Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì ngày 25/3/2005, đại diện Ban quản lý dự án huyện Lấp Vò (ông Nguyễn Việt Trị); tư vấn giám sát; Công ty xây dựng 621 và UBND thị trấn Lấp Vò đã lập Biên bản (v/v xác nhận khối lượng thi công thực tế số 06/BB và ngày 29/3/2005, đại diện các đơn vị trên đã ký Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình…, nhưng tại Công văn số 384/CV-DA ngày 23/6/2005 (do ông Nguyễn Việt Trị ký, gửi Tòa án nhân dân tỉnh An Giang) Ban quản lý dự án huyện Lấp Vò có nội dung: “Ban quản lý dự án huyện Lấp Vò chỉ ký Hợp đồng (số 08/HĐKT ngày 16/9/2004) với đơn vị thi công là Công ty xây dựng 621…; Đến nay công trình vẫn chưa được nghiệm thu nên Ban quản lý dự án chưa cung cấp được cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang”.
+ Các phiếu chi tiền của Xí nghiệp thi công cơ giới 6 cho bà Mai Thị Chanh đều không có số, ghi ngày tháng năm, cũng cần được xem xét để xác định tính hợp pháp của số tiền được thể hiện trên các phiếu chi tiền này.
2- Về thủ tục tố tụng:
-  Việc thi công san lấp mặt bằng công trình Khu dân cư chùa Bà Hai – thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được thực hiện thông qua nhiều hợp đồng giao, nhận thầu thi công (Ban quản lý dự án - Công ty xây dựng 621; Công ty xây dựng 621 - Công ty Chúc Phương; Công ty Chúc Phương - ông Hồ Bá Truyền) và quá trình thực hiện hợp đồng có nhiều người liên quan, nhưng Tòa án các cấp đã không đưa họ vào tham gia tố tụng dẫn đến sai lầm khi giải quyết vụ án.
- Tòa án cấp sơ thẩm mở phiên tòa vào ngày 18/4/2007; nghị án vào ngày 23/4/2007, nhưng trong Biên bản phiên tòa sơ thẩm không thể hiện ngày tuyên án và đương sự có mặt khi tuyên án hay không; bản án sơ thẩm được tuyên vào ngày 23/4/2007 nhưng lại đề ngày 18/4/2007. Đây là thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm cần được rút kinh nghiệm.
- Ngày 09/5/2007, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tống đạt bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 17/2007/KDTM-ST ngày 18/4/2007 cho ông Truyền, bà Phương. Vì vậy, ngày 18/5/2007, bà Phương có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm là trong hạn luật định. Khiếu nại của ông Truyền cho rằng bà Phương kháng cáo quá hạn là không có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm không có nhận định gì đối với kháng cáo của ông Truyền về vấn đề này là thiếu sót.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và các khoản 1 và 3 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
 1- Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 78/2007/KDTM-PT ngày 13/8/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 17/2007/KDTM-ST ngày18/4/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang;
 2- Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự