Nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xét xử
Nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác xét xử
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử của Thẩm phán TANDTC vừa qua, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận và thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến, những điểm cần rút kinh nghiệm cũng như chỉ ra vướng mắc, kiến nghị trong công tác xét xử. Báo Công Lý xin giới thiệu một số tham luận của một số đại biểu.
|
Ông Đặng Xuân Đào, Chánh tòa Tòa Kinh tế TANDTC: Sai sót phổ biến trong các vụ án kinh doanh thương mại là xác định sai tư cách người tham gia tố tụng. Trong vụ án kinh doanh thương mại có đương sự là doanh nghiệp tư nhân, xác định nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là “chủ doanh nghiệp tư nhân…” chứ không phải là “doanh nghiệp tư nhân” vì theo khoản 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp”. Một sai sót khác thường thấy là xác định chi nhánh của doanh nghiệp là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ án kinh doanh thương mại.
Ông Nguyễn Huy Du, Trưởng ban Thư ký TANDTC: Trong vụ án có bị cáo bị kết án tử hình, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì Tòa án không chuyển ngay hồ sơ vụ đến Ban Thư ký TANDTC để Chánh án TANDTC tổ chức nghiên cứu hồ sơ xem xét để có quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị theo quy định tại Điều 258 BLTTHS. Có trường hợp Tòa án không chuyển ngay hồ sơ mà còn đưa vào lưu trữ, chỉ đến khi TANDTC phát hiện ra hoặc Trại tạm giam có công văn gửi TANDTC báo cáo về việc người bị kết án tử hình ốm nặng và TANDTC có công văn yêu cầu thì mới chuyển hồ sơ vụ án đến TANDTC để giải quyết. Có một số vụ án, sau khi xét xử sơ thẩm không thấy việc kháng cáo nhưng Tòa án chưa xác minh làm rõ người bị kết án tử hình có kháng cáo hay không, bản án có bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hay không, mà đã chuyển hồ sơ vụ án về Ban Thư ký TANDTC. Có trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị của VKS cấp trên thì Tòa án đã chuyển hồ sơ đến Ban Thư ký để giải quyết.
Ông Trần Văn Cò, Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh: Khi Luật Tố tụng hành chính mới có hiệu lực pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ không tuyên hủy bản án sơ thẩm trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, như quy định tại điểm c khoản 2 Điều 64 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Thay vào đó nếu gặp trường hợp trên thì Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 189 Luật Tố tụng hành chính “… trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, VKS kháng nghị, người có quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới. Tòa án cấp phúc thẩm tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự tiến hành xác minh chứng cứ mới được bổ sung. Tòa án có thể ủy thác chứng minh chứng cứ theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật này…” để yêu cầu đương sự bổ sung chứng cứ giải quyết vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm khi có chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Chánh tòa Tòa Dân sự TANDTC: Theo quy định bị đơn phải đang còn sống tại thời điểm nguyên đơn kiện. Nếu bị đơn chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì Tòa án phải xem xét để đưa những người thừa kế của họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng. Trong thực tế có vụ án bị đơn chết, nhưng vẫn được Tòa án xác định là bị đơn là không đúng quy định của pháp luật.
Hay sai sót trong sửa chữa, bổ sung bản án. Theo khoản 1 Điều 240 BLTTDS: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…” và Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP cũng đã hướng dẫn. Tuy nhiên, có Tòa án sau khi ban hành bản án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại ban hành công văn thông báo việc sửa chữa, bổ sung bản án, nhưng thực tế lại quyết định thêm nội dung mới. Sửa chữa, bổ sung bản án nhưng lại đưa thêm nội dung mới vào là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND Tp. Hà Nội: Có trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy án vì lý do vi phạm nguyên tắc hòa giải tại Điều 180 BLTTDS khi không tiến hành hòa giải yêu cầu bổ sung của đương sự, tuy nhiên hồ sơ vụ án thể hiện cấp sơ thẩm đã tiến hành hòa giải nhiều lần, trong đó có cả yêu cầu bổ sung của đương sự. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ sơ suất khi đương sự nộp tiền dự phí yêu cầu bổ sung, Thẩm phán thông báo các bên đến hòa giải thì phía bị đơn vắng mặt. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã không tiến hành buổi hòa giải tiếp theo mà đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm hủy án là chưa thể hiện sự nghiên cứu toàn diện vụ án. Việc này cũng không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hoặc những vụ án ở cấp sơ thẩm mặc dù đã được giải thích nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không yêu cầu độc lập, đến cấp phúc thẩm họ mới có yêu cầu độc lập, trong trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm cũng không nên hủy án vì đây là do đương sự không chấp hành hướng dẫn của Tòa án.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!