Kỹ năng đặc thù trong việc thụ lý vụ án lao động
Kỹ năng đặc thù trong việc thụ lý vụ án lao động
Trong phần này, chúng tôi chỉ trình bày những kỹ năng đặc thù mà Thẩm phán cần lưu ý khi tiến hành thụ lý một vụ án lao động. Những vấn đề đã được đề cập trong phần kỹ năng chung cũng được áp dụng cho việc thụ lý vụ án lao động, do không có những điểm khác cơ bản nên không được trình bày lại ở đây.
1. Kiểm tra đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện
Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện vụ án lao động và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn đến Tòa án thì công việc đầu tiên của Tòa án là kiểm tra đơn khởi kiện. Về nguyên tắc, đơn khởi kiện vụ án lao động cũng phải có đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 164 BLTTDS. Kỹ năng của Thẩm phán trong việc kiểm tra đơn khởi kiện đã được trình bày trong phần chung nên phần này xin phép không đề cập lại.
Sau khi kiểm tra đơn khởi kiện, nếu thấy đơn có đầy đủ nội dung được quy định tại Điều 164 BLTTDS thì công việc tiếp theo của Tòa án là kiểm tra các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện. Tùy theo yêu cầu của người khởi kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp mà Tòa án kiểm tra tài liệu liên quan nộp kèm theo đơn khởi kiện. Do đặc thù trong việc giải quyết các tranh chấp lao động là hầu hết các tranh chấp lao động trước khi khởi kiện đến Tòa án đều phải qua hòa giải tại cơ sở, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi việc hòa giải tại cơ sở không thành (trừ một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở) nên khi kiểm tra tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện, Tòa án cần lưu ý:
- Đối với các tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở ( tranh chấp về tiền lương, về bảo hiểm xã hội giữa NLĐ đang làm việc với người sử dụng lao động, tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng lao động….) thì kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp cho Tòa án những loại giấy tờ, tài liệu sau:
+ Những giấy tờ, tài liệu chứng minh cho quan hệ lao động giữa các bên tranh chấp: hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng….
+ Những giấy tờ, tài liệu chứng minh cho sự kiện tranh chấp
+ Biên bản hòa giải không thành của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên lao động) hoặc tài liệu chứng minh các bên trong tranh chấp đã yêu cầu hòa giải nhưng Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (Hòa giải viên lao động) không tiến hành hòa giải trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải. Đây là tài liệu không thể thiếu được đối với những tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở
- Đối với tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở(được quy định tại khoản 2 Điều 166 BLLĐ) thông thường người khởi kiện cũng phải nộp cho Tòa án những loại giấy tờ, tài liệu chứng minh cho quan hệ lao động; những giấy tờ, tài liệu chứng minh cho sự kiện tranh chấp giữa các bên như: Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (đối với tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật); Quyết định kỷ luật sa thải, biên bản họp kỷ luật (đối với tranh chấp về kỷ luật sa thải); Bản cam kết giữa hai bên về thời gian làm việc bắt buộc cho doanh nghiệp sau khi học; bảng tổng hợp chi phí đào tạo (đối với tranh chấp về bồi thường phí đào tạo).
Ngoài những loại giấy tờ này ra, Tòa án cần lưu ý: mặc dù đây là những tranh chấp không bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở, nhưng các bên có thể yêu cầu Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên) tiến hành hòa giải. Do đó, khi nhận đơn kiện, cán bộ thụ lý cần đọc kỹ đơn xem tranh chấp giữa các bên đã qua hòa giải cơ sở chưa. Nếu các bên trình bày tranh chấp của họ đã qua hòa giải cơ sở thì cán bộ thụ lý cần yêu cầu người khởi kiện nộp cho Tòa án giấy tờ tài liệu chứng minh việc hòa giải tại cơ sở không thành (Biên bản hòa giải không thành).
Việc kiểm tra đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn chỉ mang tính chất sơ bộ, nhằm kiểm tra xem việc khởi kiện có cơ sở để Tòa án thụ lý giải quyết không.
Sau khi kiểm tra đơn khởi kiện vụ án lao động và tài liệu chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện Tòa án cần rút ra được những kết luận sau:
Thứ nhất: Người khởi kiện có quyền khởi kiện không?
Trong vụ án lao động thì những chủ thể sau có quyền khởi kiện:
- Các bên trong tranh chấp lao động, bao gồm: người lao động; tập thể lao động; người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức không phải là người sử dụng lao động nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quan hệ lao động (như doanh nghiệp xuất khẩu lao động)
- Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động (khoản 2 Điều 162 BLTTDS)
Khi kiểm tra tư cách khởi kiện của người khởi kiện trong vụ án lao động, Tòa án cần lưu ý từng đối tượng cụ thể:
- Người khởi kiện là người lao động: Do đặc thù của quan hệ lao động, người từ 15 tuổi trở lên có thể tự mình tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng lao động. Cho nên, khi quyền lợi của họ trong quan hệ lao động bị xâm phạm thì pháp luật cho phép người lao động từ 15 tuổi trở lên có quyền tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện việc khởi kiện. Nếu người lao động dưới 15 tuổi (trong trường hợp họ được pháp luật cho phép tham gia vào một số quan hệ lao động nhất định) hoặc người lao động có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì không thể tự mình khởi kiện mà việc khởi kiện được tiến hành thông qua người đại diện hợp pháp.
- Người khởi kiện là tập thể lao động: Trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm và họ muốn khởi kiện thì chủ thể thực hiện việc khởi kiện là Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Ban chấp hành công đoàn cơ sở sẽ là tổ chức đại diện cho tập thể người lao động tại một đơn vị khởi kiện vụ tranh chấp lao động tập thể tại Tòa án.
- Người khởi kiện là người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân khởi kiện thì họ phải từ 18 tuổi trở lên và phải tự mình thực hiện việc khởi kiện hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác khởi kiện. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì quyền khởi kiện được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp - là người đại diện theo pháp luật (giám đốc, tổng giám đốc) hoặc đại diện theo ủy quyền bằng văn bản.
Thứ hai: Tranh chấp lao động đã được giải quyết tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên của cơ quan lao động cấp huyện hoặc Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh chưa?
Khác với các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, đối với các tranh chấp lao động, Tòa án sẽ chỉ thụ lý giải quyết nếu vụ việc đó đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết nhưng không thành theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trực tiếp ngay ra Tòa án mà chưa qua một quá trình giải quyết trước đó, trừ một số tranh chấp lao động cá nhân nhất định.
Khi kiểm tra điều kiện này, Tòa án cần lưu ý :
- Đối với tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở: Tòa án chỉ thụ lý giải quyết nếu tranh chấp đó đã được Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên) tiến hành hòa giải nhưng không thành (thể hiện ở Biên bản hòa giải không thành) hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên) không giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải.
Đối với tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở (được quy định tại khoản 2 Điều 166 Bộ luật lao động, bao gồm: Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; tranh chấp về bảo hiểm xã hội giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội; tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động): Tòa án có quyền thụ lý giải quyết khi nhận được đơn khởi kiện nếu các điều kiện khởi kiện khác đáp ứng.
Tuy nhiên, vì pháp luật không hạn chế việc các bên đưa việc tranh chấp ra hòa giải cơ sở, do đó trong trường hợp các bên đã đưa việc tranh chấp ra hòa giải thì Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án trong trường hợp hòa giải không thành (phải có biên bản hòa giải không thành nộp kèm theo đơn kiện). Nếu tranh chấp đã hòa giải thành thì Tòa án không thụ lý giải quyết
Đối với tranh chấp lao động tập thể: theo quy định của pháp luật thì Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi tranh chấp đó đã được hòa giải tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên) nhưng không thành và Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh đã ra quyết định giải quyết nhưng các bên không đồng ý với quyết định đó. Do đó, khi tiến hành thụ lý một tranh chấp lao động tập thể Tòa án cần kiểm tra xem tranh chấp đó đã được Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết chưa.
Liên quan đến việc kiểm tra điều kiện hòa giải tại cơ sở, Tòa án cũng cần lưu ý: việc hòa giải tại cơ sở phải do chính Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật. Việc hòa giải của các cơ quan, tổ chức khác như Ban chấp hành công đoàn, Thanh tra lao động… đều không có giá trị pháp lý.
Thứ ba: Thời hiệu khởi kiện vụ án còn không?
Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp lao động không được quy định trong BLTTDS mà được quy định tại Điều 167 Bộ luật lao động. Điều 167 Bộ luật lao động quy định như sau:
“1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm được quy định như sau:
a) Một năm đối với các tranh chấp lao động quy định tại các điểm a, b,c khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;
b) Một năm đối với các tranh chấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 166
c) Ba năm, đối với tranh chấp quy định tại điểm đ khoản Điều 166
d) Sáu tháng, đối với các loại tranh chấp lao động khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể là một năm, kể từ ngày mỗi bên cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.”
Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp lao động là khác nhau tùy thuộc vào từng tranh chấp cụ thể. Đối với tất cả tranh chấp lao động tập thể thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm. Đối với tranh chấp lao động cá nhân thì thời hiệu khởi kiện chia thành nhiều mức khác nhau tùy thuộc tranh chấp lao động cá nhân đó có bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở không?
- Đối với các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm (trừ tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì thời hiệu khởi kiện là 3 năm)
- Đối với tranh chấp lao động cá nhân khác (là tranh chấp bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở) thì thời hiệu khởi kiện là 6 tháng.
Một vấn đề quan trọng mà Tòa án cần lưu ý khi xem xét thời hiệu khởi kiện trong vụ án lao động là cách xác định thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu khởi kiện. Nếu như BLTTDS quy định thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu khởi kiện “kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm” (khoản 3 Điều 159 BLTTDS) thì thời điểm bắt đầu để tính thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp lao động lại là ngày “mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm”. Vậy ngày nào là ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm? Về vấn đề này pháp luật lao động không quy định cụ thể nhưng có một điều rõ ràng rằng: Tòa án không thể căn cứ vào ý chí chủ quan của các chủ thể khởi kiện để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Trong thực tiễn thụ lý vụ án lao động, các Tòa án thường tính từ ngày xảy ra sự kiện pháp lý, bên có quyền và lợi ích bị vi phạm biết được sự kiện đó. Ví dụ: Ngày 1/2/2005, người sử dụng lao động ra quyết định kỷ luật sa thải anh A. Ngày 3/2/2005, anh A nhận được quyết định đó. Nếu anh A khởi kiện vụ tranh chấp tại Tòa án thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 3/2/2005.
Khi xem xét thời hiệu khởi kiện trong vụ án lao động, Tòa án cũng cần lưu ý: Theo quy định tại Điều 167 Bộ luật lao động thì thời hạn 3 năm, 1 năm, 6 tháng được áp dụng cho cả việc giải quyết tại cơ sở, vừa áp dụng cho việc khởi kiện tại Tòa án. Điều đó có nghĩa là: trong thời hạn 6 tháng (đối với các tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở), các bên trong tranh chấp vừa phải yêu cầu Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên) hòa giải, vừa phải khởi kiện đến Tòa án nếu việc hòa giải tại cơ sở không thành. Tương tự, đối với các tranh chấp lao động tập thể, các bên trong tranh chấp vừa phải yêu cầu Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hòa giải viên lao động) và Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh giải quyết (nếu hòa giải tại cơ sở không thành), vừa phải khởi kiện tại Tòa án trong thời hạn 1 năm (nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh).
Tóm lại, khi kiểm tra đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đơn kiện để quyết định có thụ lý hay không thụ lý một vụ án lao động, ngoài những điều kiện khác đã được đề cập ở phần chung (sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác…), Tòa án cần phải kiểm tra 3 điều kiện trên. Đây là 3 điều kiện tương đối đặc thù so với loại án khác.
2. Tính tạm ứng án phí
Sau khi kiểm tra đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn, nếu thấy đủ điều kiện thụ lý, Tòa án phải tiến hành thụ lý vụ án lao động theo đúng quy định của BLTTDS.
Nhìn chung, thủ tục thụ lý vụ án lao động cũng giống như thủ tục thụ lý vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, do đặc thù của tranh chấp lao động do đó khi tiến hành thủ tục thụ lý vụ án lao động Tòa án cần chú ý một vấn đề liên quan đến việc thông báo cho đương sự nộp tạm ứng án phí.
Vào thời điểm hiện nay ủy ban thường vụ Quốc hội chưa ban hành văn bản mới về án phí, lệ phí Tòa án. Theo quy định của Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hiện nay các Tòa án vẫn áp dụng các quy định của Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án. Khi tiến hành thủ tục thụ lý vụ án lao động, Tòa án cần căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật lao động và Điều 26 Nghị định 70/CP để xác định chính xác đối tượng nào phải nộp tạm ứng án phí, đối tượng nào được miễn án phí.
Theo quy định của những văn bản pháp luật trên thì có 2 chủ thể được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Đó là tổ chức công đoàn và người lao động. Trong mọi trường hợp công đoàn cơ sở, công đoàn cấp tỉnh, công đoàn ngành khởi kiện vụ án lao động thì họ đều được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Đối với người lao động khởi kiện thì họ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí trong trường hợp khởi kiện để đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Do đó, khi tiến hành thụ lý vụ án lao động, Tòa án cần kiểm tra chính xác xem người khởi kiện có thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí không. Nếu là người lao động khởi kiện thì yêu cầu khởi kiện cụ thể của họ là gì.
Trong trường hợp người khởi kiện là tổ chức công đoàn hoặc trường hợp người lao động khởi kiện để đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì họ được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí và Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án ngay (nếu các điều kiện khởi kiện thỏa mãn) theo quy định tại khoản 4 Điều 171 BLTTDS.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!