Tổng hợp vướng mắc về Dân Sự, Hôn Nhân Và Gia Đình, Kinh Doanh, Thương Mại

Tổng hợp vướng mắc về Dân Sự, Hôn Nhân Và Gia Đình, Kinh Doanh, Thương Mại

Thông qua hoạt động tập huấn, trao đổi nghiệp vụ năm 2010, có nhiều vướng mắc được các Tòa án nhân dân địa phương đưa ra thảo luận. Có một số vấn đề, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến đồng thuận. Trường Cán bộ Tòa án xin lựa chọn và giới thiệu để các Tòa án nhân dân địa phương tham khảo cho việc áp dụng pháp luật.

Câu hỏi 1. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài, về Việt Nam ủy quyền cho người đang cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng tại Tòa án và văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực tại Việt Nam thì việc ủy quyền này có hợp pháp không? Có phải hợp pháp hóa lãnh sự không? Tại sao? Và ủy quyền như thế nào mới là hợp pháp?
Trả lời:
Trường hợp người đó đang ở Việt Nam mà ủy quyền cho người đang cư trú tại Việt Nam tham gia tố tụng tại Tòa án và văn bản ủy quyền được cơ quan công chứng, chứng thực Việt Nam thực hiện đúng quy định thì việc ủy quyền này là hợp pháp.
Điều 418 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “1. Giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được Tòa án Việt Nam công nhận nếu giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.”.
Theo quy định trên thì không đòi hỏi tất cả các văn bản của người ở nước ngoài nộp tại Tòa án Việt Nam đều phải hợp pháp hóa lãnh sự; chỉ những tài liệu làm ở nước ngoài hoặc cơ quan nước ngoài gửi đến Việt Nam thì mới phải hợp pháp hóa lãnh sự.
Hợp pháp hóa lãnh sự là gì?
Điều 26 Pháp lệnh Lãnh sự quy định: “1.Lãnh sự chứng thực chữ ký và con dấu trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước tiếp nhận lập và sự phù hợp của giấy tờ, tài liệu đó với pháp luật nước tiếp nhận” .
Như vậy, hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan ngoại giao Việt Nam xác nhận những giấy tờ, tài liệu đó có phù hợp pháp luật nước ngoài, xuất xứ từ tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài (nước xuất xứ của tài liệu, giấy tờ đó) hay không; những giấy tờ làm tại Việt Nam thì tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam nên đã công chứng, chứng thực hợp lệ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự nữa.

Cũng cần lưu ý là hợp pháp hóa lãnh sự khác với việc công chứng giấy tờ, tài liệu cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ví dụ: Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ chứng nhận di chúc hoặc một giấy tự khai, một bản sao… cho một người có quốc tịch Việt Nam đang sống ở Mỹ là việc công chứng; khác với việc công dân Mỹ (kể cả người gốc Việt không còn quốc tịch Việt Nam) làm di chúc đã có cơ quan có thẩm quyền của Mỹ chứng thực thì vẫn phải hợp pháp hóa lãnh sự mới có giá trị sử dụng ở Tòa án Việt Nam. Thẩm quyền công chứng của Lãnh sự được quy định tại Điều 24 và 25 của Pháp lệnh Lãnh sự và những giấy tờ đã được công chứng này có giả trị được sử dụng tại Tòa án Việt Nam vì nó không thuộc đối tượng phải Hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều 26 Pháp lệnh Lãnh sự và Điều 418 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Câu hỏi 2. Hợp đồng tặng cho nhà được xác lập trước ngày 01-7-1996 có hiệu lực tại thời điểm nào?
Trả lời:
Hợp đồng tặng cho nhà là một loại giao dịch về nhà. Thời điểm trước 01-71996 là thời điểm trước khi Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực. Tại Bộ luật Dân sự 1995 đã có quy định phân biệt nhà ở với nhà sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, quy định về mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được áp dụng các quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, chỉ trừ quyền ưu tiên mua nhà. Vì vậy, giải quyết các giao dịch về nhà nói chung trước thời điểm 01-7-1996 cũng có thể áp dụng các quy định của pháp luật về giao dịch nhà ở.
Giai đoạn trước 01-7-1996 phải phân biệt thành 2 giai đoạn: giai đoạn thi hành Pháp lệnh Nhà ở (từ 01-7-1991 đến 30-6-1996), giai đoạn trước khi Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực (từ 01-7-1991 trở về trước).
a. Đối với những giao dịch được xác lập trước ngày 1/7/1991 thì lại phải phân biệt loại giao dịch có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì áp dụng Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ 01-9-2006), còn các giao dịch không có người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia thì áp dụng Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20-8-1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (loại giao dịch do cá nhân, tổ chức nước ngoài mà không phải người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì vẫn chưa có quy định giải quyết). Do vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho nhà đối với các giao dịch tặng cho nhà xác lập trước 01-7-1996 được xác định cụ thể như sau:
* Tặng cho nhà ở không có Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia: Thực hiện theo Điều 7 Nghị quyết 58/1998UBTVQH10. Quy định tại Điều 7 chỉ xác định việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ mà không quy định trách nhiệm của bên vi pham hợp đồng trước đó cho thấy thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm quyết định của Tòa án có hiệu lực (nếu phải giải quyết tại Tòa án) hoặc thời điểm làm xong thủ tục chuyển quyền sở hữu (trường hợp không có tranh chấp ra Tòa án)
* Tặng cho nhà ở có Người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia: Thực hiện theo Nghị quyết số 1037/2006/NQQ-UBTVQH11. Những trường hợp được công nhận hợp pháp được quy định cụ thể tại các điều là: Điều 19 (bên tặng cho ở nước ngoài, bên được tặng ở Việt Nam), Điều 20 ( bên tặng cho ở Việt Nam, bên được tăng cho ở nước ngoài), Điều 21 (cả bên tặng cho và bên được tặng cho đều ở nước ngoài). Riêng về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì cũng tương tự như Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 nêu trên.
b. Hợp đồng tặng cho nhà ở xác lập từ ngày 01-7-1991 đến 30-6-1996: Pháp lệnh Nhà ở không có quy định cụ thể về tặng cho nhà ở nên cần áp dụng các quy định của Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự (có hiệu lực từ 01-7-1991 đến 30-6-1996). Theo Điều 14 Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự 1991 thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản là thời điểm các bên ký vào văn bản. Nếu hợp đồng phải có chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cơ quan công chứng Nhà nước chứng thực. Giai đoạn này không có quy định phải công chứng, chứng thực dối với hợp đồng tặng cho nhà nên Hợp đồng tặng cho nhà có hiệu lực ở thời điểm bên cuối cùng ký vào văn bản.

Câu hỏi 3. Công ty A có hợp đồng bảo hiểm với Công ty bảo hiểm B về bảo hiểm trách nhiêm dân sự chủ xe ô tô. Địa chỉ của A và B đều ở Hà Nội. Tai nạn giao thông xảy ra ở Đà Nẵng, Tòa án cấp sơ thẩm xử về hình sự tách phần trách nhiệm của bảo hiểm để giải quyết bằng vụ kiện dân sự. Vậy vụ kiện dân sự này do Tòa sơ thẩm đã xử vụ án hình sự tiếp tục giải quyết hay đương sự khởi kiện tại những nới khác cũng thụ lý được.
Trả lời:
Khi đã xác định tách vụ án để giải quyết bằng vụ kiện dân sự thì tố tụng là tố tụng dân sự. Vụ án dân sự không nhất thiết phải do Tòa án đã xử vụ án hình sự giải quyết nhưng cũng không phải dương sự có thể khởi kiện dân sự tại bất kỳ Tòa án nào mà phải thực hiện khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 và 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tùy từng trường hợp cụ thể, ai là nguyên đơn, ai là bị đơn mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ kiện được xác dịnh như sau:
1. Nếu Công ty A khởi kiện đòi bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm thì Công ty bảo hiểm B là bị đơn dân sự , Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi Công ty Bảo hiểm có trụ sở (tại Hà Nội - theo điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự); hoặc nếu Hà Nội chỉ là nơi Bảo hiểm B có chi nhánh còn Công ty Bảo hiểm có trụ sở chính ở nơi khác thì nguyên đơn có thể lựa chọn yêu cầu Tòa án tại nơi Công ty có trụ sở chính hoặc Tòa án nơi Bảo hiểm B có chi nhánh tại Hà Nội (theo Điểm b, Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
2. Nếu Công ty bảo hiểm không phải là bị đơn, mà chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là Công ty A (Bảo hiểm B là người có nghĩa vụ liên quan, Công ty A là bị đơn dân sự, còn nguyên đơn là bên thứ 3) thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi Công ty A có trụ sở (tại Hà Nội); hoặc nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi nơi xảy ra tai nạn (tại Đà Nẵng ) giải quyết; thậm chí là Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của nguyên đơn giải quyết (áp dụng điểm d khỏan 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
Chú ý:
Theo quy định tại Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao thì về nguyên tắc chung, phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu và nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự;
b. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu;
c. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của Toà án nói riêng;
d. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân dự vắng mặt tại phiên toà và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự.
Đến nay, việc giải quyết (tách) vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định thành một nguyên tắc tại Điều 28: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Câu hỏi 4. Đối với tranh chấp liên quan đến giao dịch về quyền sử dụng đất như: tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng cầm cố, hợp đồng chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất thì có tính thời hiệu khởi kiện hay không? Cách tính như thế nào?
Trả lời:
Hợp đồng mà đối tượng là quyền sử dụng đất cũng là một loại hợp đồng và hợp đồng về quyền sử dụng đất không được quy định riêng về thời hiệu khởi kiện nên cũng phải tuân theo quy định chung về thời hiệu khởi kiện của hợp đồng. Pháp luật quy định về thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng có hiệu lực khác với thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vô hiệu (thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu), và ở mỗi thời kỳ cũng có quy định khác nhau, cụ thể như sau:
* Nếu hợp đồng có hiệu lực thì thời hiệu khởi kiện như sau:
- Hợp đồng dược xác lập từ 01-7-1991 đến 30-6-1996 là thời gian thi hành Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự nên thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày vi phạm (Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự).
- Hợp đồng được xác lập từ khi Pháp lệnh hợp đồng dân sự hết hiệu lực (01-71996) đến trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực (31-12-2004) thì pháp luật không có quy định thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng có hiệu lực nên thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế.
- Hợp đồng được xác lập từ thời điểm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự (01-012005) thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng có hiệu lực cũng theo quy định về thời hiệu khởi kiện chung tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
- Đến thời điểm thi hành Bộ luật Dân sự (01-01-2006) thì đã có quy định về thời hiệu khởi kiện riêng về tranh chấp hợp đồng có hiệu lực (Điều 607 Bộ luật Dân sự) nhưng thời hạn vẫn là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ich hợp pháp bị xâm phạm (Điều 427 Bộ luật Dân sự)
* Đối với hợp đồng vô hiệu thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu tuyên bố vô hiệu như sau:
- Trước thời điểm thi hành Bộ luật Dân sự 1995 ( 1/7/1996) thì không có quy định thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu nên những hợp đồng vô hiệu xác lập trước 01-7-1996 không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Cần lưu ý là trước đây có hướng dẫn khác nhưng sau đó đã được Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn lại.
- Hợp đồng vô hiệu xác lập trong thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự 1995 (từ 017-1996 đến 31-12-2005) thì thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 145 là một số trường hợp xác định thời hiệu khởi kiện là 01 năm (ví dụ: giao dich vô hiệu vì lừa dối, nhầm lẫn, giao dịch với người chưa thành niên…); còn vô hiệu do vi phạm về hình thức, do giả tạo hoặc vi pham điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì không bị hạn chế về thời hiệu.
- Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì trường hợp vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, do giả tạo thì không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu; còn các loại vô hiệu khác (kể cả vô hiệu do vi phạm về hình thưc) đều có thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ thời điểm xác lập giao dịch (Điều 136 Bộ luật Dân sự).
Cần lưu ý là đã có quy định riêng (như Điều 145 Bộ luật Dân sự 1995, Điều 136 Bộ luật Dân sự) thì phải áp dụng quy định riêng chứ không áp dụng thời hiệu chung của Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Câu hỏi 5. Sau khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp đất đai , phát hiện cấp có thẩm quyền cấp nhầm hoặc cấp chồng chéo quyền sử dụng đất với phần đất đang tranh chấp. Theo tố tụng dân sự hiện hành thì tòa án không có quyền hủy quyết định cấp đất nhầm hoặc chồng chéo đó. Tòa án có thể hướng dẫn đương sự khởi kiện bằng một vụ án hành chính. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đã hết, trường hợp này giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai thì tranh chấp quyền sử đất mà đất dó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất là một trường hợp tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Do vậy, dù cấp giấy nhầm hay chồng chéo thì vẫn là trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo tố tụng dân sự. Tòa án có quyền quyết định ai là người có quyền sử dụng đất đó. Tòa án không có quyền hủy và cũng không cần thiết phải hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi bản án, quyết định xác định ai là người được quyền sử dụng đất đó thì người đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được bản án, quyết định của Tòa án xác định đươc quy định cụ thể tại Điều 49 Luật Đất đai; các điều 41, 42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Câu hỏi 6. Những vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai, khi nào xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp thừa kế, tranh chấp nhà ở… Thẩm quyền giải quyết và thời hiệu?
Trả lời:
Xác định đúng quan hệ pháp luật là để áp dụng đúng pháp luật. Quan hệ pháp luật khác nhau thì pháp luật áp dụng để giải quyết khác nhau, trong đó có vấn đề thời hiệu khởi kiện cũng khác nhau. Ví dụ: cùng là quan hệ được xác lập năm 1995, nếu chỉ là tranh chấp đất thì chỉ áp dụng Luật Đất đai năm 1993, nếu là tranh chấp nhà thì áp dụng Pháp lệnh Nhà ở, nếu là tranh chấp thừa kế thì áp dụng Pháp lệnh Thừa kế.
* Về xác định quan hệ pháp luật: Xác định quan hệ pháp luật là căn cứ vào yêu cầu của đương sự (khởi kiện của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có liên quan), cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Xác định đó chỉ là tranh chấp về quyền sử dụng đất nếu như trên đất đó không có tài sản nào khác, hoặc có tài sản nhưng các bên không có tranh chấp về tài sản đó.
- Thứ hai: Xác định là tranh chấp về nhà ở nếu gắn liền với đất đó là nhà ở và có tranh chấp về nhà ở.
- Thứ ba: Xác định đó là tranh chấp về thừa kế nếu như việc xác định quyền sử dụng đất đó trên cơ sở pháp luật về thừa kế.
- Thứ tư: Xác định là quan hệ hôn nhân và gia đình nếu đất tranh chấp có liên quan đên tài sản chung của vợ chồng .
-Thứ năm: Xác định là các quan hệ pháp luật khác khi quyền sử dụng đất gắn với các quan hệ đó, như là quan hệ góp vốn, đầu tư…
* Về thẩm quyền: Từ việc xác định đúng quan hệ tranh chấp mới có cơ sở xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Nếu chỉ là tranh chấp đất thì áp dụng quy định tại Điều 136 Luật đất đai 2003 để phân biệt thẩm quyền của Tòa án nhân dân với Ủy ban nhân dân; nếu là tranh chấp thừa kế, tranh chấp tài sản chung của vợ chồng thì thẩm quyền giải quyết là của Tòa án; nếu tranh chấp quan hệ góp vốn thì lại phải xét cụ thể quan hệ tranh chấp để phân biệt thẩm quyền của Tòa án Dân sự hay Tòa án Kinh tế.
* Thời hiệu khởi kiện: Cũng trên cơ sở xác định quan hệ pháp luật cụ thể mà xác định thời hiệu khởi kiện. Nguyên tắc là những quan hệ tranh chấp đã được quy định thời hiệu cụ thể thì áp dụng quy định cụ thể chứ không áp dụng quy định chung .
Ví dụ: quy định thời hiệu khởi kiện nói chung theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự là 2 năm kể từ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhưng là khởi kiện về thừa kế thì phải áp dụng quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự là 10 năm kể từ ngày mở thừa kế; cũng là thừa kế nhưng là thừa kế về nhà ở có thời điểm mở thừa kế trước 017-1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì phải áp dụng quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 là thời gian từ 01-7-1996 đến 01-92006 không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Câu hỏi 7. Xác định tài sản chung hay riêng của vợ chồng trong trường hợp tài sản có trước khi kết hôn nhưng trong thời gian hôn nhân đã đưa tài sản đó vào sử dụng chung nhiều năm?
Trả lời:
Không phải cứ là tài sản có trước khi kết hôn thì là tài sản riêng, cũng không phải cứ đưa vào sử dụng chung nhiều năm thì trở thành tài sản chung. Xác định tài sản là tài sản riêng hay tài sản chung còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật ở thời điểm tạo lập tài sản, thời điểm kết hôn, vào những sự kiện pháp lý làm thay đổi chế độ sở hữu tài sản.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật hôn nhân và gia đình và có nội dung quy định khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể là:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 (có hiệu lực thi hành từ 15-01-1060 đến 02-01-1987- ở miền Bắc, từ 25-3-1977 đến 02-01-1987- ở miền Nam) quy định vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng dụng ngang nhau đối với tài sản có trươc và sau khi cưới. Vì vậy, các quan hệ hôn nhân xác lập trong thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 nêu trên thì tài sản có trươc khi cưới trở thành tài sản chung của vợ chồng kể từ thời điểm kết hôn. Thực tiễn áp dụng pháp luật xác định những tài sản đã trở thành tài sản chung như trên sẽ vẫn là tài sản chung nếu vợ chồng không làm thủ tục phân chia thành tài sản riêng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 (có hiệu lực từ 03-01-1987 đến 31-122000) và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (có hiệu lực từ 01-01-2001) đều có quy định tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng. Việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung phải theo đúng thủ tục quy định của pháp luật Quy định về việc nhập taì sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung tại Khoản 1, Điều 13, Nghị định 70/2001/ NĐ-CP ngày 03-10-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình là: “Việc lập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 của luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng” (Khoản 2, Điều 32 quy định “Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”).
Thưc tiễn áp dụng pháp luật vẫn xác định nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng, sử dụng đất đó làm nhà của vọ chồng, nếu không có chứng cứ đã thỏa thuận chuyển thành tài sản chung như có văn bản hay đã sang tên chung thì khi chia tài sản khi ly hôn vẫn xác định nhà là của chung nhưng đất vẫn là tài sản riêng.

Câu hỏi 8. Thời hiệu để giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn được xác định như thế nào? Vợ chồng đã ly hôn, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng trong quá trình giải quyết việc ly hôn không yêu cầu giải quyết tài sản chung, sau khi ly hôn lại có tranh chấp về tài sản chung và có yêu cầu tòa án giải quyết bằng vụ án khác , thời hiệu được xác định như thế nào?
Trả lời:
Pháp luật không có quy định bắt buộc phải đồng thời giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng với việc giải quyết ly hôn. Thậm chí, việc tự thỏa thuận chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn còn được khuyến khích qua việc quy định đương sự chỉ phải chịu án phí chia tài sản đối với phần tài sản có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết. Thực tế là vợ chồng có nhiều loại tài sản chung và có những tài sản họ không muốn hoặc không thể yêu cầu giải quyết chia đồng thời với việc ly hôn.
Ví dụ: vợ chồng yêu cầu chia một ngôi nhà đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng chưa muốn chia một mảnh đất ở nơi khác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn cổ phần tại một công ty thì lại phải chờ đến thời điểm thích hợp theo điều lệ của công ty ấy mới phân chia được.
Như vậy, đương sự có quyền chỉ yêu cầu ly hôn mà chưa yêu cầu giải quyết về tài sản hoặc chỉ yêu cầu giải quyết về một phần của tài sản chung; việc chia tài sản chung có thể được giải quyết bằng nhiều vụ án khác. Đối với những tài sản chung chưa phân chia thì họ vẫn là đồng chủ sở hữu mặc dù họ không cỏn là vợ chồng. Khi có yêu cầu tiếp tục chia tài sản chung sau khi đã ly hôn thì vụ án chia tài sản vẫn là vụ án hôn nhân và gia đình vì vẫn phải chia theo các điều 95, 96, 97, 98, 99 Luật Hôn nhân và gia đình chứ không phải chỉ chia theo các quy định về sở hữu chung của Bộ luật Dân sự.
Về thời hiệu khởi kiện: Không có hạn chế về thời hiệu chia tài sản chung. Tuy nhiên, những tranh chấp khác liên quan đến tài sản chung vẫn có thời hiệu khởi kiện nếu pháp luật có quy định. Ví dụ: có người thứ ba xâm phạm tài sản chung thì các đồng chủ sở hữu có quyền khởi kiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày quyền sở hữu bị xâm phạm; một trong hai đồng chủ sở hữu tự ý giao dịch đối với tài sản chung thì chủ sở hữu kia có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu trong thời hạn cụ thể mà pháp luật quy định.
Cần lưu ý là chưa giải quyết về tài sản chung khác với việc đã tuyên bố không có tài sản chung. Nếu trong bản án, quyết định về ly hôn đã có phần quyết định là vợ chồng không có tài sản chung thì không thể thụ lý, giải quyết chia taì sản chung nếu phần quyết định không có tài sản chung chưa bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Câu hỏi 9. Trong vụ án ly hôn, đương sự có phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con không?
Trả lời:
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tại Khoản 1, Điều 50 là “Nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này” và tại Điều 54 là “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm và một lần… Các bên có thể thỏa thuận thay đổi…nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, việc cấp dưỡng nuôi con có thể là cấp dưỡng định kỳ, có thể được giải quyết trong vụ án riêng hoặc trong cùng vụ án ly hôn.
Tại Khoản 10, Điều 27 Pháp lệnh Án phí, Lệ phí Tòa án quy định: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”. Nếu không có quy định nào khác thì có thể hiểu quy định ở Khoản 10 là trong mọi trường hợp thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng đều phải nộp án phí. Tuy nhiên, tại Khoản 9 Điều 27 lại quy định “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”. Như vậy, đã có một quy định về các loại án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình và nó chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản (là quy định tại Khoản 9, Điều 27 nêu trên). Do đó, quy định tại Khoản 10, Điều 27 chỉ là quy định về mức án phí đối với việc cấp dưỡng định kỳ , và chỉ trong trường hợp có vụ án riêng về cấp dưỡng thì đương sự mới chịu án phí về cấp dưỡng.

Câu hỏi 10. Đối với vụ án dân sự không có giá ngạch có nhiều bị đơn mà các bị đơn thuộc trường hợp phải chịu án phí thì mức án phí không có giá ngạch (200.000đ) phải chia đều cho mỗi bị đơn hay mỗi bị đơn phải chịu 200.000đ?
Trả lời:
Án phí Tòa án được xác định trên mỗi quan hệ tranh chấp mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết nên câu hỏi trên phải chia thành 02 trường hợp:
- Trường hợp 1: Nếu các bị đơn phải thực hiện riêng rẽ một nghĩa vụ thì án phí cũng là một nghĩa vụ độc lập nên mỗi bị đơn sẽ phải chịu mức án phí không có giá ngạch là 200.000đ.
- Trường hợp 2: Nếu các bị đơn chỉ phải cùng chung thực hiện một quan hệ nghĩa vụ thì các bị đơn cũng chỉ phải thực hiện chung một nghĩa vụ án phí không có giá ngạch là 200.000đ (thực hiện nghĩa vụ liên đới).
Ví dụ: Đòi nhà cho ở nhờ là vụ án không có giá ngạch nhưng nếu các đồng bị đơn ở những diện tích biệt lập trong cùng ngôi nhà đó thì khi họ cùng bị quyết định trả lại nhà, họ đều phải chịu án phí không có giá ngạch là 200.000đ; nếu các đồng bị đơn là người trong cùng một hộ và sử dụng chung nhà thì họ chỉ cùng phải chịu chung một khoản án phí 200.000đ.
Tuy nghĩa vụ “nộp chung” không nêu rõ tại Điều 27 của pháp lệnh nhưng đã được nêu rõ tại Điều 25 về việc nộp tạm ứng án phí.

Câu hỏi 11. Tại vụ án ly hôn, vợ chồng đều khai có khoản nợ ngân hành, tổ chức ngân hàng đã tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ly hôn. Trong quá trình giải quyết, Tòa án hòa giải các đương sự rút đơn hoặc hòa giải thành về đoàn tụ. Nếu tổ chức ngân hàng vẫn yêu cầu giải quyết nợ thì việc giải quyết này thuộc loại án gì? Tòa án nào giải quyết?
Trả lời:
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, khi các đương sự rút đơn hoặc hòa giải thành về đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Cũng cần lưu ý là:
Trước đây Tòa án vẫn có hình thức ra “quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành” được hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 2312-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Điểm a nói trên quy định:
“Nếu hòa giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu xin ly hôn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án…ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành. Sau 15 ngày…không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành. Quyết định công nhận hòa giải đoàn tụ thành có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm”.
Tuy nhiên, hướng dẫn ở Điểm a, Mục 10 nêu trên là phần hướng dẫn về tố tụng nên đến thời điểm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự thì phần hướng dẫn trên khác với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự nên không còn giá trị thi hành.
Khi hòa giải đoàn tụ thì người có đơn xin ly hôn dù không có đơn rút đơn xin ly hôn thì cũng đã có lời khai rút lại yêu cầu ly hôn nên vẫn thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Trong trường hợp ngân hàng tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan từ yêu cầu của vợ hoặc chồng cần giải quyết về nợ cùng với việc ly hôn thì khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn bao gồm luôn cả việc không tiếp tục giải quyết việc đòi nợ chung. Đây là trường hợp Ngân hàng không có yêu cầu độc lập trong vụ án ly hôn nên nếu Ngân hàng vẫn muốn yêu cầu giải quyết trả nợ ngay thì Ngân hàng phải khởi kiện một vụ án độc lập về đòi nợ.
Trong trường hợp Ngân hàng đã tham gia tố tụng với tư cách Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ có quyền và nghĩa vụ tố tụng như một nguyên đơn nên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn không bao gồm cả quan hệ đòi nợ, Tòa án phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng và tiếp tục giải quyết vụ án đòi nợ (vụ án dân sự).
Ví dụ: Anh A xin ly hôn chị B. Anh A có một khoản vay riêng Ngân hàng X và cung không đề cập giải quyết khoản vay này trong vụ án ly hôn. Ngân hàng X thấy việc ly hôn của anh A có thể có việc chia tài sản chung của vợ chồng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ nên có đơn yêu cầu anh A trả nợ ngay và xác định một số tài sản bảo đảm trả nợ. Yêu cầu của Ngân hang X là yêu cầu độc lập và Ngân hàng đã phải làm đơn, nộp tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Nay quan hệ hôn nhân được đình chỉ việc giải quyết nhung Ngân hàng X không rút yêu cầu, vẫn yêu cầu tiếp tục giải quyết thì Tòa án cần phải ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng, xác định Ngân hàng X là nguyên đơn, anh A là bị đơn, chị B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tiếp tục giải quyết quan hệ đòi nợ. Vụ án đòi nợ có bản chất là vụ án dân sự nhưng nếu vẫn vẫn tiếp tục giữ nó là vụ án hôn nhân và gia đình đã bị đình chỉ một phần cũng không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và việc áp dụng pháp luật.

Câu hỏi 12. Ông A kết hôn với bà B có 4 con chung. Sau khi bà B chết được một thời gian thì ông A chung sống với bà C không đăng ký kết hôn . Ông A và bà C có sử dụng chung một khối tài sản gồm: nhà, đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất trồng rừng. Nay ông A chết, các con riêng của ông A cho rằng những tài sản trên là của ông A, nên đã chiếm nhà đất nêu trên. Bà C khởi kiện yêu cầu các con riêng của ông A phải trả lại cho bà toàn bộ tài sản . Trường hợp này nên xác định mối quan hệ pháp luật là loại tranh chấp gì?
Trả lời:
Vụ án có những quan hệ tranh chấp gì là từ yêu cầu của đương sự. Yêu cầu của đương sự bao gồm yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị dơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tất cả các yêu cầu đó tạo nên các quan hệ tranh chấp trong vụ án và cũng là phạm vi giải quyết của vụ án. Vụ án có thể chỉ có một quan hệ tranh chấp nhưng cũng có thể có nhiều quan hệ tranh chấp. Xác định đúng quan hệ tranh chấp là để xác định phạm vi xét xử, áp dụng đúng pháp luật, mà trước hết là xác định có những đương sự nào trong vụ án. Xác định đúng quan hệ tranh chấp là đặt tên đúng các yêu cầu của đương sự chứ không phải là tùy tiện mở rộng phạm vi hay thu hẹp phạm vi yêu cầu của đương sự.
Từ ví dụ trên có thể có những tình huống cụ thể như sau:
1. Bà C cho rằng bà là chủ duy nhất của khối tài sản mặc dù ông A đã từng sử dụng chung nên đòi những người đang chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của bà trả lại tài sản (và không có phản tố hay yêu cầu độc lập nào khác) thì vụ án chỉ có quan hệ tranh chấp là đòi lại tài sản, bị đơn chỉ là những người đang trực tiếp chiếm hữu tài sản (giả sử có 2 trong số 4 con của ông A chiếm giữ tài sản), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là những người đang cùng chiếm giữ (như vợ của hai người đang chiếm giữ). Nếu Tòa án xác định yêu cầu của bà C là đúng thì chấp nhận buộc 2 người con của ông A và vợ của 2 người con này trả lại tài sản cho bà C. Nếu Tòa án xác định yêu cầu của bà C không hoàn toàn đúng thì bác yêu cầu của bà C ( bác yêu cầu công nhận là chủ duy nhất).
2. Nếu bà C cho rằng khối tài sản đang bị chiếm là của chung giữa bà với ông A, yêu cầu được trả lại phần của bà thì vụ án đã trở nên có 2 quan hệ tranh chấp là quan hệ tranh chấp đòi lại tài sản và quan hệ tranh chấp chia tài sản chung. Trong trường hợp này các thừa kế của ông A phải tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chứ không phải chỉ có những người đang trực tiếp chiếm giữ tài sản).
3. Trong trường hợp bà C vừa yêu cầu đòi lại tài sản thuộc phần do bà làm chủ vừa yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A (hoặc bà C không yêu cầu chia thừa kế nhưng các con của ông A lại có phản tố chia thừa kế) thì vụ án đã trở nên có 3 quan hệ tranh chấp (thậm chí còn có thể có tranh chấp về việc bà C có quan hệ hôn nhân hợp pháp với ông A hay không ); đối tượng của vụ án có thể còn là những tài sản khác và có thể có thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Như vậy, việc xác định quan hệ tranh chấp không phải chỉ là việc đặt tên cho vụ án và không phải mỗi vụ án luôn luôn chỉ có một quan hệ tranh chấp.

Câu hỏi 13. Di sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng, một người chết trước đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế. Xác định phần di sản đã hết thời hiệu thừa kế như thế nào?
Trả lời:
Trong vụ án chia thừa kế thông thường (không có phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện) thì để chia thừa kế, bước đầu tiên vẫn phải là xác định di sản. Di sản thường không phải là toàn bộ khối tài sản có tranh chấp.
Ví du: Ông A và bà B có khối tài sản chung là nhà ở trên diện tích đất là 1200m2. Ông bà có 2 con chung là anh X và chị Y. Năm 2005, ông A chết, bà B vẫn ở nhà đất trên với anh X. Năm 2010, chị Y khởi kiện yêu cầu được chia thừa kế của ông A.
Như vậy, khối tài sản có tranh chấp là nhà ở trên diện tích 1200m2 đất. Thực tế, trong 1200m2 đất đang sử dụng có 200m2 thuộc quy hoạch mở đường, chỉ có 1000m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Do đó, chỉ có nhà trên diện tích 1000m2 được định giá là 3 tỷ đồng. Chia tài sản chung giữa ông A và bà B, xác định được di sản của ông A là 1,5 tỷ đồng. Những người được thừa kế của ông A là bà B, anh X, chị Y nên mỗi kỷ phần thừa kế là 500 triệu đồng. Sau khi đã xác định được giá trị của kỷ phần Tòa án mới chia hiện vật. Tòa án có thể chia cho chị Y một diện tích hợp lý trong phạm vi 1000m2 tương ứng với giá trị 500 triệu đồng.
Giả sử ông A đã chết từ năm 1995, bà B chết năm 2005 thì vụ án thuộc loại có phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp này, khác với vụ án thừa kế thông thường nêu trên, việc xác định di sản chính là xác định phần di sản còn thời hiệu khởi kiện. Xác định phần di sản còn thời hiệu khởi kiện cũng tương tự như việc xác định di sản là bóc tách ra những phần tài sản không thuộc diện chia thừa kế; và cũng chỉ là bóc tách về mặt giá trị, sau khi đã xác định được kỷ phần thừa kế mỗi người được chia thì mới chia hiên vật tương ứng với kỷ phần. Như vậy, phần di sản còn thời hiệu khởi kiện chỉ là phần di sản của bà B là 1,5 tỷ đồng (một nửa khối tài sản chung của bà B và ông A), có 2 thừa kế của bà B nên mỗi kỷ phần là 750 triệu đồng. Chị Y có quyền được chia hiện vật tương ứng với 750 triệu đồng.
Có một câu hỏi đã được đặt ra là phần di sản hết thời hiệu thuộc về ai? Tòa án có quyết định về phần di sản hết thời hiệu không? Đây là vấn đề pháp luật chưa có quy định cụ thể. Thông thường thì phần di sản hết thời hiệu vẫn tiếp tục do bị đơn quản lý. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đã là phần không còn thời hiệu khởi kiện thì Tòa án không được giải quyết nên không được quyết định về phần này.

Câu hỏi 14. Khi giải quyết vụ án ttranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án yêu cầu Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất cung cấp thông tin có liên quan đến vụ án. Vậy ý kiến trả lời của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất có giá trị pháp lý để giải quyết vụ án không? hay phải là ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh trong khi quy định tại Điều 67, Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất là cơ quan duy nhất được cung cấp thông tin?
Trả lời:
Điều 67, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai quy định về “Quản lý dịch vụ cung cấp thông tin đất đai”. Cụ thể là:
“1. Thông tin đất đai bao gồm thông tin về thửa đất, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tình trạng thực hiện các quyền của người sử dụng đất được cung cấp công khai cho người có yêu cầu.
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là cơ quan duy nhất được cung cấp thông tin có giá trị pháp lý về thửa đất và người sử dụng đất.”
Quy định Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất là cơ quan duy nhất được làm dịch vụ cung cấp thông tin không có nghĩa không thể thu thập chứng cứ từ các cơ quan khác. Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất có quyền cung cấp những thông tin mà mình quan lý. Những thông tin do Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất cung cấp là chứng cứ đáng tin cậy. Tuy nhiên, còn nhiều nguồn cung cấp chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án như các cán bộ làm công tác quản lý địa chính của địa phương, các bộ phận chức năng của Ủy ban nhân dân (như Phòng Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban nhân dân các cấp…
Thông tin do Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất không phải là quan điểm chính thức của Ủy ban nhân dân. Trong những trường hợp cần ý kiến đánh giá của Ủy ban nhân dân về việc ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp, việc cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất đã đúng chưa thì phải do Ủy ban nhân dân trả lời mới có giá trị pháp lý.
Đối với những vấn đề đòi hỏi quan điểm đánh giá của Ủy ban nhân dân thì các bộ phận chức năng không đương nhiên đại diện cho Ủy ban nhân dân mà ý kiến của các bộ phận này chỉ được coi là ý kiến của Ủy ban nhân dân khi có ủy quyền.

Câu hỏi 15. Đối với việc chia tài sản chung, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có buộc đương sự cung cấp biên bản giao ranh giới đất không? Bị đơn không có yêu cầu phản tố thì có phải có nghĩa vụ chứng minh không?
Trả lời:
Không phải trong mọi trường hợp khi giải quyết việc chia tài sản chung, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất đều buộc đương sự cung cấp biên bản giao ranh giới đất. Khi biên bản đó có ý nghĩa chứng minh để giải quyết vụ án thì nó mới là chứng cứ và cần thiết phải xuất trình. Ví dụ: đương sự cho rằng mình bị lấn đất thì biên bản giao ranh giới đất là chứng cứ của vụ án; nhưng trong vụ án khác, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà, nguyên đơn chỉ yêu cầu hủy hợp đồng do bị đơn đã vi phạm hợp đồng về thời gian trả tiền thì biên bản giao ranh giới đất không phải là chứng cứ của vụ án.
Không phải chỉ có nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh, cũng không phải chỉ có bị đơn có yêu cầu phản tố mới có nghĩa vụ chưng minh. Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì:
“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.”.
Như vậy, nguyên đơn hay bị đơn đều có nghĩa vụ chứng minh. Nói “yêu cầu” hay “phản đối yêu cầu” là nói chung, nói cụ thể là ai nêu ra tình tiết, sự kiện pháp lý thì người đó có nghĩa vụ chứng minh cho tình tiết, sự kiện mình đã nêu ra là có căn cứ. Cũng phải lưu ý đến quy định những tình tiết, sự kiên không phải chứng minh được quy định ở Điều 80 Bộ luật Tố tụng Dân sự như “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh” để xác định nghĩa vụ chứng minh một chách chính xác.
Ví dụ: Nguyên đơn A kiện đòi bị đơn B trả khoản nợ vay 100 triệu đồng. Bị đơn B khai nhận có vay nhưng đã trả rồi. Trong trường hợp này, bị đơn B có nghĩa vụ chứng minh sự kiện “đã trả rồi”, nguyên đơn A không phải chứng minh sự kiên “cho vay” vì bị đơn B đã thừa nhận; Tòa án không thể buộc nguyên dơn A phải xuất trình giấy vay tiền, sổ sách hay chứng cứ gì khác chứng minh việc cho vay nữa.

Câu hỏi 16. Trường hợp có đăng ký kết hôn , nguyên đơn xin ly hôn và khai rằng bị đơn là người mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì xử ly hôn hay hủy hôn nhân trái pháp luật.
Trả lời: Trước hết phải xác định có đúng là bị đơn bị mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự hay không. Thực tế, có những trường hợp đương sự nói xấu, vu cáo bên kia là điên, mắc bệnh tâm thần để Tòa án không tin lời trình bày của bên kia hoặc tước quyền tham gia tố tụng trực tiếp của họ.
Mặt khác, phải xác định nếu là mất năng lực hành vi dân sự thì mất trước hay sau khi kết hôn. Nếu là mất năng lực hành vi dân sự trước khi kết hôn thì là hôn nhân trái pháp luật, phải hủy hôn nhân trái pháp luật. Nếu việc mất năng lực hành vi dân sự là sau khi kết hôn và không có vi phạm nào khác thì hôn nhân vẫn hợp pháp, phải giải quyết theo trình tự ly hôn; tất nhiên là phải có người giám hộ đại diện theo đúng quy định của pháp luật.

Câu hỏi 17. Vợ chồng xin ly hôn và khai rằng có đăng ký kết hôn từ trước năm 2000 nhưng đã làm thất lạc giấy đăng ký kết hôn. Đến nay, do thay đổi địa giới hành chính không lưu giữ đủ sổ sách nên không thể xác nhận được việc đăng ký kết hôn. Có thể coi lời khai thống nhất của các đương sự về thời điểm đăng ký kết hôn là chứng cứ xác định có đăng ký kết hôn hay không?
Trả lời:
Trong vụ việc ly hôn, trường hợp vợ chồng đều thừa nhận là có đăng ký kết hôn và việc thay đổi địa giới hành chính nên không xác định được việc kết hôn là có thật thì có cơ sở xác định họ đã có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Hai bên đều thừa nhận có hôn nhân hợp pháp là thừa nhận họ có trách nhiệm với nhau theo quy định của pháp luật về quan hệ hôn nhân hợp pháp, trong đó có quan hệ về tài sản, và cũng chính là trường hợp “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà đương sự bên kia đưa ra” như quy định tại Khoản 2, Điều 80 Bộ luật Tố tụng Dân sự về trường hợp những tình tiết, sự kiên không phải chứng minh. Việc khai nhận là vợ chồng nếu không có dấu hiệu mạo nhận để chống lại, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ 3 thì không cần thiết phải xác minh thêm. Cũng phải nhấn mạnh lại là đó là trong vụ việc ly hôn và không phát hiện có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba.
Trong trường hợp có dấu hiệu mạo nhận là vợ chồng hợp pháp hoặc việc không xuất trình đăng ký kết hôn có dấu hiệu nhằm dấu diếm thời điểm kết hôn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba thì Tòa án phải xem xét, yêu cầu xuất trình chứng cứ khác để chứng minh.
Ví dụ: Anh A đã bán cho anh X một ngôi nhà. Sau này, anh A và chị B khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch mua bán nhà vô hiệu vì anh A tự ý định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Anh X khai rằng anh A và chị B không phải là vợ chồng , hoặc khai rằng thời điểm bán nhà thì anh A chưa kết hôn với chị B, họ dựng lên chuyện là vợ chồng nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này thì anh A và chị B lại phải có nghĩa vụ chứng minh họ là vợ chồng hợp pháp và thời kỳ hôn nhân cụ thể từ khi nào.

Câu hỏi 18. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật dân sự thì: “Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ, nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ”. Thực tế có nhiều trường hợp các người con khác đang tranh chấp với cha, mẹ, trong khi đó người con út đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha, mẹ thì có quyền là người giám hộ đương nhiên của cha, mẹ hay không?
Trả lời:
Người con út cũng có quyền trở thành người giám hộ đương nhiên của cha mẹ, bởi lẽ:
Mặc dù tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Dân sự quy định thứ tự trước sau bắt đầu từ người con cả là người giám hộ, nếu người con cả không đủ điều kiện giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ nhưng đó là khi tất cả các con cùng ở điều kiện bình thường. Trong từng trường hợp cụ thể, nếu điều kiện của các con là khác nhau phải căn cứ vào quy định tại Khoản 2, Điều 60 Bộ luật Dân sự để xem xét lựa chọn người giám hộ có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ.
Nếu người con cả và các người con tiếp theo đang có tranh chấp với cha mẹ thì những người con này không thể trở thành người giám hộ đương nhiên cho cha mẹ vì quyền lợi của họ đang xung đột, mâu thuẫn với cha mẹ. Họ được xem là không đủ điều kiện trở thành người giám hộ, do đó, họ không thể là người giám hộ đương nhiên của cha mẹ.

Câu hỏi 19. Tài sản là quyền sử dụng đất đã thế chấp ngân hàng để vay tiền Trong thời gian thế chấp thì đương sự cho một phần đất đã thế chấp cho người khác và người này đã làm nhà. Vậy có đưa người được cho đất vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đòi nợ không?
Trả lời:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một loại đương sự (theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Vì vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền tố tụng của đương sự như đưa ra yêu cầu, được biết yêu cầu, chứng cứ của các bên đương sự khác xuất trình, được tham gia phiên tòa, được yêu càu thay đổi người tham gia tố tụng, được kháng cáo, được hoãn phiên tòa khi vắng mặt lần đàu …Đó là những quyền mà nhân chứng không có vì nhân chứng cũng là một loại người tham gia tố tụng nhưng không phải là đương sự. Có thể nói nhân chứng cũng là người tham gia vào vụ án, liên quan đến vụ án (họ có thể đã trực tiếp chứng kiến một số sự kiện, ký một số giấy tờ với tư cách người làm chứng, họ có thể bị buộc phải đến Tòa án khai báo…) nhưng không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ về dân sự, tức là quyền lợi tài sản, nghĩa vụ tài sản chứ không phải quyền lợi, nghĩa vụ chung chung.
Xác định đúng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là rất quan trọng. Xác định thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiệt hại đến cả quyền dân sự và quyền tố tụng của họ nên là vi phạm nghiêm trọng và là một lý do phải hủy bản án, quyết định dân sự. Xác định thừa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng là một sai lầm nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tố tụng của các đương sự khác.
Xác định một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không là từ việc xác định những yêu cầu phải giải quyết của vụ án và dự kiến nếu chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu đó thì có làm phat sinh quyền dân sự hay nghĩa vụ dân sự cho họ không; nói cách khác là họ có thể phải thi hành án hoăc được thi hành án hay không.
Từ những nguyên tắc nêu trên thì thấy giải quyết vụ án đòi nợ sẽ bao gồm cả việc xử lý tài sản thế chấp. Và do vậy, việc tặng cho đất cũng sẽ phải được phán xét nên rõ ràng là người được cho đất phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Câu hỏi 20. Nguyên đơn khởi kiện đòi tiền cho vay đến hạn trả nợ từ năm 2006. Năm 2008, nguyên đơn đã gửi đơn yêu cầu Công an huyện giải quyết, sau đó Công an huyện có thông báo không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng đây là tranh chấp dân sự. Vậy thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn có được tính lại từ ngày Công an huyện thông báo không khởi tố vụ án hình sự hay không?
Trả lời:
Trong trường hợp có khởi tố vụ án hình sự thì quãng thời gian khởi tố đó mới là trở ngại khách quan để không thể khởi kiện vụ án dân sự. Còn trong trường hợp nêu trên thì không thể coi là cản trở không thể thực hiện khởi kiện. Không có quy định đòi hỏi phải yêu cầu xem xét về hình sự trước rồi mới được khởi kiện về dân sự. Nguyên đơn tự tạo ra tình huống phải lựa chọn, chờ đợi thì nguyên đơn phải tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn không được tính lại.
Tuy nhiên, nếu Tòa án cho rằng vụ việc có dấu hiệu phạm tội, trả lại đơn khởi kiện để yêu cầu giải quyết theo tố tụng hình sự thì từ khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện đến khi có thông báo không khởi tố vụ án hình sự phải coi là trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Trong trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự mới phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì cần tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo Khoản 4 Điều 189 BLTTHS (sự việc được pháp luật quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước) vì tố tụng hình sự được xem xét cả về trách nhiệm dân sự nhưng tố tụng dân sự thì không xem xét được trách nhiệm hình sự. Và cũng do vậy, khi có khởi tố về hình sự thì cần quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự.

Câu hỏi 21. Tại lễ hỏi của anh A và chị B, cha mẹ của anh A mang tặng cho chị B 02 chỉ vàng. Khi chưa đến ngày cưới thì anh A và chị B mâu thuẫn, hôn lễ không được tiến hành, cha mẹ anh A làm đơn khởi kiện yêu cầu chị B trả lại 02 chỉ vàng. Trường hợp này cha mẹ của anh A có được quyền khởi kiện không? Có thể chấp nhận yêu cầu của cha mẹ anh A hay không?
Trả lời:
Vấn đề trước tiên cần xác định là có quyền khởi kiện không phải là khái niệm đồng nhất với khái niệm có quyền lợi hợp pháp và có căn cứ, nói cách khác là quyền khởi kiện không đồng nghĩa với thắng kiện. Về nguyên tắc, vụ việc phải được giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật mới đi đến phán quyết chấp nhận hay bác yêu cầu của đương sư. Vậy thì trường hợp nào là trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 168 Bộ luật Tố tụng Dân sự do “người khởi kiện không có quyền khởi kiện”? Đó là trường hợp quyền dân sự mà họ yêu cầu không có căn cứ pháp luật, hay nói cách khác la theo hệ thống pháp luật hiện hành thì họ không có quyền đó. Ví dụ: Anh X khởi kiện yêu cầu được chia di sản của anh trai với lý do có công chăm sóc anh trai khi vợ, con của anh trai đang ở xa thì đây là trường hợp anh X không có quyền khởi kiện; nhưng nếu anh X khởi kiện yêu cầu được chia di sản của anh trai với lý do có di chúc của anh trai cho anh được thừa kế thì lại là trường hợp anh A có quyền khởi kiện.
Trong trường hợp của câu hỏi này thì cha mẹ của anh A được quyền khởi kiện về hợp đồng tặng cho vì họ là một bên trong hợp đồng tặng cho tài sản.
Việc chấp nhận yêu cầu của cha mẹ anh A hay không phải tùy trường hợp cụ thể. Có thể được hiểu là việc tặng cho người con dâu tương lai ấy với điều kiện người được cho trở thành con dâu của họ. Tức là việc tặng cho có điều kiện theo quy định tại điều 470 Bộ luật Dân sự . Tùy từng trường hợp lỗi của bên nào làm cho điều kiện không được thực hiện mà chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu đòi lại tài sản.

Câu hỏi 22. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Người kháng cáo rút kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nay phát hiện Bản án sơ thẩm sai thì Chánh án tòa án nhân dân tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với Bản án sơ thẩm không?
Trả lời:
Người kháng cáo đã rút kháng cáo, không còn có ai khác kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là đúng pháp luật. Quyết định phúc thẩm là đúng thì không thể bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Sự tồn tại của Quyết định phúc thẩm không cản trở việc kháng nghị Bản án sơ thẩm theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thậm chí, chính sự tồn tại của Quyết định phúc thẩm mới làm cho Bản án sơ thẩm trở thành bản án có hiệu lực pháp luật và trở thành đối tượng kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chứ không phải đối tượng của kháng nghị phúc thẩm.
Đối tượng kháng nghị là bản án sơ thẩm của cấp huyện nên Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có quyền kháng nghị đối với Bản án sơ thẩm của cấp huyện nhưng trong trường hợp đó vẫn do Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử giảm đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Câu hỏi 23. Tiêu chí nào để phân biệt giữa án kinh doanh thương mại và án dân sự đối với trường hợp Ngân hàng cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng?
Trả lời:
Tất cả các tranh chấp này đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nhưng để phân biệt trường hợp nào là vụ án dân sự (theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự), trường hợp nào là vụ án kinh doanh thương mại (theo Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự) cần dựa vào các tiêu chí sau đây:
- Đối với án Kinh doanh thương mại phải căn cứ vào mục đích lợi nhuận của việc vay tiền; không bắt buộc cá nhân, hộ gia đình phải có Đăng ký kinh doanh(NQ số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
- Chỉ cần xác định có mục đích lợi nhuận khi xác lập quan hệ vay mà không phụ thuộc vào kết quả có lợi nhuận hay không có lợi nhuận.
- Nếu chỉ vay tiêu dùng( hoặc vay thuộc diện xóa đói giảm nghèo) thì đó là tranh chấp dân sự.
Ví dụ 1: Ông A thế chấp quyền sử dụng đất vay của Ngân hfng X 100 triệu đồng để mua xe tải vận chuyển hàng hóa, nhằm thu lợi nhuận (ông A khi vay không có giấy phép Đăng ký kinh doanh). Nếu có tranh chấp xảy ra thì đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại được quy định tại Điểm m, Khoản 1, Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ví dụ 2: Ông B thế chấp quyền sử dụng đất cũng vay tại Ngân hàng Y số tiền 100 triệu đồng để sửa chửa nhà ở. Trường hợp này ông B không có mục đích lợi nhuận, mà phục vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt gia đình…Nếu có tranh chấp xảy ra thì đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự được quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện, trừ các trường hợp quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Cũng ví dụ 2 này, nếu ông B vay sửa chửa nhà thành khách sạn để kinh doanh thì với mục đích thu lợi nhuận thì phải xác định đó là án kinh doanh thương mại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Câu hỏi 24. Trong hợp đồng kinh tế, các bên thỏa thuận chọn một Tòa án cụ thể trước để giải vụ án khi có tranh chấp xảy ra. Việc lựa chọn có phù hợp với quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự không? Nếu không thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Trả lời:
Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều này cho phép các bên thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết vụ án khi có tranh chấp.
Như vậy, việc thỏa thuận trong hợp đồng chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phải là Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức (luôn luôn là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở).
- Việc lựa chọn đó không trái với quy định về thẩm quyền được quy định tại Điều 33 và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự tức là phải đúng qui định về cấp Tòa án có thẩm quyền.
Do đó, trường hợp lựa chọn trước Tòa án giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế mà không thoả mãn các điều kiện nêu trên thì không đúng với quy định tại Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Tòa án có quyền không chấp nhận sự chọn trước đó (trừ trường hợp trước khi khởi kiện, các bên có văn bản thỏa thuận lại phù hợp với các điều kiện trên).
Nếu việc thỏa thuận chọn trước một Tòa án cụ thể giải quyết mà không đúng thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trừ trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Ví dụ: Công ty A có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội ký hợp đồng bán hàng hóa cho công ty B có trụ sở tại Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận khi có tranh chấp thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết. Do công ty A vi phạm hợp đồng, nên công ty B căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu giải quyết vụ án. Đây là trường hợp chọn không đúng. Bởi lẽ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện, nên Tòa án nhân dân Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân quận Ba Đình thành phố Hà Nội mới là đối tượng được lựa chọn theo quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự