NGHIỆP VỤ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

CHUYÊN ĐỀ:
NGHIỆP VỤ GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng theo Luật thương mại năm 2005  I/ Khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp lao động:
Hình thức, nội dung khởi kiện được quy định tại Điều 164 BLTTDS.
Những lưu ý riêng cho đơn khởi kiện vụ án lao động:

* Đơn khởi kiện phải đưa ra nội dung chính của việc khiếu kiện. VD: Trong đơn khởi kiện của người lao động yêu cầu Toà án huỷ bỏ quyết định kỷ luật sa thải trái pháp luật, buộc người sử dụng lao động trở lại làm việc và bồi thường 3.000.000 đồng tiền lương tương ứng tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc. Như vậy, nội dung đơn khởi kiện phải thể hiện được các dữ liệu sau: thời gian người lao động làm việc với người sử dụng lao động, có ký HĐLĐ hay không? Công việc làm, mức lương? Quá trình thương lượng hoà giải, quyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh (nếu có) và trình bày lý do khởi kiện.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào các chủ thể khởi kiện cũng có thể viết đơn khởi kiện đúng quy định của pháp luật, nên đơn khởi kiện có thể không đúng theo yêu cầu. VD như đơn khởi kiện không nêu lên các yêu cầu cụ thể mà chỉ yêu cầu giải quyết các chế độ theo quy định của pháp luật hoặc nội dung đơn không thể hiện được các thời điểm quyền và lợi ích của người khởi kiện bị vi phạm; thời điểm hoà giải của Hội đồng hoà giải lao đồng (hoà giải viên lao động)… nhưng vấn đề này rất quan trọng trong công việc thụ lý, nhằm để xác định thời hiệu khởi kiện còn hay hết.

Khi gặp những trường hợp đơn khởi kiện viết không đúng yêu cầu thì Thẩm phán không nên trả lại đơn kiện ngay mà nên hướng dẫn họ viết lại cho đúng yêu cầu. Chỉ khi đã hướng dẫn mà đương sự không chịu viết lại đơn thì Toà án mới trả lại đơn kiện.

* Các giấy tờ nộp kèm đơn như hợp đồng lao động, quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quyết định kỷ luật sa thải, biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải cơ sở hoặc của Hoà giải viên lao động (nếu có) đối với người lao động khởi kiện, còn đối với người khởi kiện là người sử dụng lao động (pháp nhân) thì phải có thêm giấy phép thành lập, hồ sơ lao động… Tuy nhiên, không phải lúc nào Thẩm phán cũng có thể bắt họ xuất trình được tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình. Chẳng hạn như trong vụ án đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NLĐ không xuất trình được bản HĐLĐ (do chủ sử dụng lao động không ký HĐLĐ bằng văn bản với họ hoặc không giao hợp đồng lao động cho người lao động) thì cũng không phải vì vậy mà Thẩm phán không tiến hành thụ lý vụ án. Nếu thấy đúng là họ có quan hệ lao động (dù có thể là quan hệ lao động thực tế) quyền lợi của họ bị xâm phạm thì nên tiến hành thụ lý vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án sẽ thu thập chứng cứ sau.

II/ Điều kiện thụ lý:
a/ Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện:
Lưu ý thêm về xác định năng lực hành vi tố tụng dân sự trong lao động.
Người có thẩm quyền khởi kiện vụ án lao động là người lao động, tập thể người lao động và người sử dụng lao động.

Theo Điều 161 BLTTDS: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự  mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, trong trường hợp cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động thì Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở cũng có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động được quy định tại khoản 2 Điều 162 BLTTDS: Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện một vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động do pháp luật quy định.

Trường hợp người khởi kiện là người lao động thì họ phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự mà pháp luật dành cho họ. Theo quy định tại khoản 6 Điều 57 BLTTDS thì người từ  đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động thì được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Bộ luật lao động có quy định (Điều 120): Đối với một số ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề, thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tại Tòa án  do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện ký đơn khởi kiện. Nhưng phải xác định người lao động là nguyên đơn và người đại diện theo pháp luật là ngưới đại diện của nguyên đơn. (Khoản 5 Điều 57 BLTTDS).

* Đại diện theo pháp luật theo Công văn số 38/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao ngày 29/3/2007 hướng dẫn về pháp nhân khởi kiện và ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Trong trường hợp người lao động đã chết thì người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng sẽ khởi kiện và tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 62 BLTTDS).
Đối với người sử dụng lao động, việc khởi kiện cũng được tiến hành tùy theo từng trường hợp theo quy định tại khoản 7 Điều 57 và khoản 2, 3 Điều 62 BLTTDS.

Trường hợp chủ thể khởi kiện là tập thể người lao động thì người thực hiện việc khởi kiện là Đại diện Ban chấp hành Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở. Nhưng vẫn xác định tập thể người lao động là nguyên đơn và công đoàn cấp trên  là người đại diện khởi kiên (Khoản 2 Điều 162 BLTTDS).
* Cần lưu ý, để có thể khởi kiện, các chủ thể nêu trên phải có quyền và lợi ích bị xâm phạm (trừ trường hợp ủy quyền) và tại thời điểm khởi kiện, các quyền và lợi ích này đang bị xâm phạm. Trong trường hợp quyền và lợi ích của người khởi kiện chưa bị xâm phạm mà chỉ có nguy cơ bị xâm phạm.(VD như người sử dụng lao động mới chỉ thông báo sẽ chấm dứt HĐLĐ sau 45 ngày, nhưng người lao động lại đi khởi kiện khi chưa hết 45 ngày báo trước, thì chưa đủ điều kiện để khởi kiện) Tòa án  không tiến hành thụ lý. (điểm b khoản 1 Điều 168 BLTTDS).

b/ Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thông Tòa án nói chung và Tòa án địa phương mình nói riêng:

* Thẩm quyền theo vụ việc:
Khi xem xét thẩm quyền chung của Tòa án, Thẩm phán không nên chỉ căn cứ vào Điều 31 BLTTDS (Những tranh chấp lao động), Điều 32 BLTTDS (Những yêu cầu về lao động) mà còn phải căn cứ vào Điều 157, Điều 166, và Điều 168 của BLLĐ đã được sửa đổi, bổ sung – đây là điểm mới so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động. Có như vậy mới xác định được đầy đủ và chính xác thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp lao động, đặc biệt là đối với tranh chấp lao động cá nhân.
 - Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động vi phạm.
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp về việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động (Điều kiện lao động mới là việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và phúc lợi khác trong doanh nghiệp), nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

Theo quy định tại Điều 168 Luật sửa đổi, bổ sung BLLĐ năm 2006 thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm:
+ Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Gọi chung là Chủ tịch UBND cấp huyện);
+ Tòa án nhân dân.

Theo quy định tại Điều 170b Luật sửa đổi, bổ sung BLLĐ năm 2006 thì Tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo Điều 169 Luật sửa đổi, bổ sung BLLĐ năm 2006 thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm:
+ Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động;
+ Hội đồng trọng tài lao động
Mặc dù luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng trên thực tiễn xét xử rất nhiều trường hợp các Thẩm phán đã xác định sai thẩm quyền chung của Tòa án, đặc biệt liên quan đến quan hệ lao động mà các bên thỏa thuận không bằng văn bản.
Thẩm quyền theo cấp xét xử

- Theo Điều 33 BLTTDS, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là TAND cấp Huyện) như sau:

+ TAND cấp Huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 BLTTDS (Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, Hòa giải viên lao động hòa giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở…)

+ Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện (Khoản 4.1 và 4.2 của NQ 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “ Những quy định chung” của BLTTDS 2004).
Cần chú ý:
- Theo Nghị quyết 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của QH quy định về áp dụng BLTTDS: “Kể từ ngày BLTTDS có hiệu lực, những Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có đủ điều kiện thực hiện thì được giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự quy định tại điều 33 BLTTDS; những Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chưa đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm quy định tại khoản 1 Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động…” Có nghĩa theo PLTTGQCTCLĐ thì trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xem là có yếu tố nước ngoài, nên nếu Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chưa được giao thẩm quyền thì chưa được giải quyết khi có vụ án tranh chấp lao động liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.- Theo Điều 34 BLTTDS, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là TAND cấp tỉnh) như sau:

+ Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm: về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác; về việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn; các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.

+ Các tranh chấp, yêu cầu được quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS

+ Những yêu cầu về lao động được quy định tại Điều 32 BLTTDS

+ Những vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết. (Hiện nay, không có quy định nào xác định rõ những trường hợp nào Tòa án nhân dân cấp tỉnh được lấy lên để giải quyết. Song thực tiễn xét xử cho thấy thông thường những tranh chấp có liên quan đến yếu tố tôn giáo, chính trị, vụ án có nhiều đương sự ở nhiều địa phương khác nhau… thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Điều 35 (Phân tích chung cho cả 4 loại án)
Về nguyên tắc, việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ được xác định tại Điều 35 BLTTDS. Đó là:

              - Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp theo Điều 31 BLTTDS.

              - Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp theo quy định tại Điều 31 BLTTDS.

              - Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc nếu người phải thi hành bản án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài.

              - Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

              - Tòa án nơi người phải thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài.

              * Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn: Điều 36 BLTTDS

iểm 5.1 mục I NQ 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của HĐTPTANDTC  hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2004)

Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, khi địa chỉ của bị đơn chưa rõ ràng hoặc nếu lựa chọn Tòa án nơi bị đơn có trụ sở chính thì gây khó khăn cho việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án, luật xác định cho nguyên đơn được quyền lựa chọn Tòa án để giải quyết. Những trường hợp này được xác định tại các điểm a, b, đ, e, g khoản 1 Điều 36 BLTTDS.

Trên thực tế đã có trường hợp nguyên đơn áp dụng điểm đ, g khoản 1 Điều 36 BLTTDS để lựa chọn Tòa án giải quyết.

c. Đơn kiện nộp trong thời hiệu khởi kiện:

Các lưu ý về tính thời hiệu đối với một số tranh chấp lao động:

Tùy từng loại tranh chấp mà pháp luật có quy định về thời hiệu khác nhau.

Tại khoản 3 Điều 159 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định như sau:…”.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đã được BLLĐ quy định; do đó Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định tại Điều 166 , Điều 167 BLLĐ và khoản 2 mục IV NQ01/2005/NQ – HĐTP ngày 31/3/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS 2004 để xác định thời hiệu.
         
          Theo quy định tại điều 167 BLLĐ thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động là 03 năm, 01 năm và 06 tháng.

          Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 166 và khoản 1 Điều 167 BLLĐ thì thời hiệu 03 năm hoặc 01 năm được tính kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm và áp dụng đối với các loại việc tranh chấp không bắt buộc phải qua Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hay Hòa giải viên lao động hòa giải. Còn đối với với các loại tranh chấp lao động khác, bắt buộc phải qua hòa giải cơ sở thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp là 6 tháng. (Lưu ý thêm về T/c HĐLĐ)

          Đối với các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo đúng quy định của BLLĐ. Có nghĩa là trong thời hạn 01 năm (đối với các tranh chấp lao động quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 166 BLLĐ) hoặc 03 năm kể từ ngày một bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, phải khởi kiện. Nếu quá thời hạn đó thì hết quyền khởi kiện (đối với tranh chấp lao động quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 166 BLLĐ).

          Đối với các tranh chấp lao động khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 167 BLLĐ cần được hiểu là trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm, bên có quyền yêu cầu phải có đơn yêu cầu Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động hòa giải. Nếu hòa giải không thành hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động không hòa giải trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, trong trường hợp này thời hiệu 06 tháng bao gồm cả thời hiệu yêu cầu hòa giải lao động  cơ sở và thời hiệu khởi kiện. Tức là trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích bị xâm phạm, các bên phải yêu cầu hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì các bên cũng chỉ được khởi kiện ra tòa trong thời hạn đó.

* Lưu ý: Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng (điểm a.6 mục 2.2 chương IV NQ 01). VD: đòi tiền lương chênh lệch từ năm 2005 đến ngày khởi kiện …

          d. Chưa có điều kiện khởi kiện:
Sự việc chưa được giải quyết tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hoặc hòa giải viên lao động) hoặc Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh nhưng không thành hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động không giải quyết trong thời hạn luật định trừ một số vụ việc không bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở.

Không giống như những tranh chấp dân sự và kinh doanh thương mại, đối với các tranh chấp lao động, Tòa án sẽ chỉ tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ việc đó đã được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết nhưng không thành theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa, khi có tranh chấp xảy ra, các bên không thể khởi kiện ngay ra Tòa án mà trước đó lại chưa giải quyết ở một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trừ một số vụ việc nhất định.

Đối với tranh chấp lao động cá nhân, nhìn chung trước khi đưa ra Tòa án giải quyết thì vụ việc đó phải được giải quyết tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động trừ một số vụ việc các bên có thể khởi kiện luôn ra Tòa án. Song cũng cần lưu ý rằng, nếu vụ việc đã được hòa giải tại cơ quan, tổ chức nói trên mà không thành thì các bên mới được quyền khởi kiện ra Tòa án và Tòa án mới tiến hành thụ lý. Còn trường hợp đã hòa giải thành mà sau đó các bên không thực hiện và khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án cũng không thụ lý giải quyết. Về vấn đề này, khi thụ lý các Thẩm phán cũng cần lưu ý hòa giải ở đây là hòa giải của Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động theo quy định của pháp luật. Còn đối với trường hợp hòa giải của các cơ quan, tổ chức khác như cơ quan thanh tra, công đoàn cấp trên, phòng văn hóa – xã hội thì dù có thành cũng không ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của các bên. Trong những trường hợp đó, nếu có đủ các điều kiện Tòa án sẽ vẫn tiến hành thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên, có một số loại tranh chấp lao động Tòa án được quyền thụ lý giải quyết luôn mà không phải qua hòa giải cơ sở. Đó là các tranh chấp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khỏan 1 điều 31 BLTTDS.

Song, cũng cần lưu ý đối với các tranh chấp lao động này các bên vẫn có quyền hòa giải. Nếu đã qua hòa giải, Tòa án sẽ chỉ thụ lý trong trường hợp hòa giải không thành. Nếu các bên đã hòa giải thành tại cơ sở thì các bên không có quyền khởi kiện ra Tòa án và Tòa án cũng sẽ không thụ lý trong những trường hợp này.

Đối với những trường hợp bắt buộc phải qua hòa giải tại cơ sở mà các bên yêu cầu Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động nhưng Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động không giải quyết theo thời hạn quy định (03 ngày – khoản 1 Điều 165a Luật sửa đổi, bổ sung BLLĐ năm 2006) thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án. Trong những trường hợp đó mặc dù không có biên bản hòa giải cơ sở không thành nhưng Tòa án sẽ vẫn tiến hành thụ lý giải quyết vụ án với điều kiện phải chứng minh được ngày HĐHG lao động cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động nhận đơn yêu cầu hòa giải.

Riêng đối với tranh chấp lao động tập thể trước khi khởi kiện ra Tòa án đều phải giải quyết tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (hoặc hòa giải viên) và Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền (thời gian hòa giải không quá 05 ngày làm việc). Tòa án cũng chỉ thụ lý vụ án trong trường hợp vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết nhưng không thành hoặc hết thời hạn giải quyết (5 ngày làm việc) mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân không giải quyết.

Khi giải quyết vụ kiện, nếu trong đơn kiện có nhiều yêu cầu, vừa có yêu cầu không phải qua hòa giải, vừa có yêu cầu phải qua hòa giải thì Thẩm phán phải yêu cầu đương sự trở về hòa giải (với điều kiện còn thời hiệu để yêu cầu hòa giải) và sau khi có biên bản hòa giải không thanh hoặc Hòa giải lao động không tiến hành hòa giải (đối với tranh chấp lao động cá nhân) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết nhưng không thành hoặc hết thời hạn giải quyết (5 ngày làm việc) mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân không giải quyết./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự