Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản tại Toà án và kiến nghị
Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004, thay thế Luật phá sản năm 1993. Sau 7 năm thực hiện, nhiều vấn đề vướng mắc đã nảy sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản tại Toà án cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tế khách quan. Theo số liệu thống kê các yêu cầu phá sản doanh nghiệp từ năm 2008 đến năm 2011, ngành Toà án đã nhận được 636 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó trả lại đơn 13 vụ, ra quyết định mở thủ tục phá sản 518 vụ, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 9 vụ, ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản 18 vụ. Đặc biệt trong 636 đơn của 4 năm (2008-20111), Toà án chỉ ra được quyết định tuyên bố phá sản 45 vụ. Số liệu trên cho thấy mặc dù hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhưng thực tế để tuyên bố phá sản một doanh nghiệp thì còn quá nhiều vướng mắc, cụ thể:
1. Căn cứ để xác định Doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản chưa cụ thể
Điều 3 Luật phá sản quy định “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Quy định này chưa cụ thể dẫn đến việc đánh giá doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có phải mất khả năng thanh toán là do làm ăn thua lỗ không hay còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh các khoản nợ có phải được đưa vào sản xuất, kinh doanh sau đó bị thua lỗ hay không thuộc về doanh nghiệp. Vì vậy, có trường hợp nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở này vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân để kinh doanh rồi tự cho rằng bị thua lỗ, nộp đơn xin mở thủ tục phá sản, trong khi đó Toà án không đủ điều kiện để kiểm tra hoạt động tài chính lỗ lãi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật không quy định doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán 3 năm trước khi nộp đơn phá sản để chứng minh bị thua lỗ, làm căn cứ để Toà quyết định. Điều này dẫn tới tình trạng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nộp đơn, Toà yêu cầu kiểm toán nhưng họ lại không thực hiện nên Toà không thể thụ lý giải quyết được.
2. Vấn đề xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản
Đối với tài sản là quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, đa số doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất mở nhà xưởng, văn phòng làm việc nhưng khi doanh nghiệp tiến hành giải quyết phá sản thường bị Nhà nước ra quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật đất đai năm 2003. Vì vậy, khi tiến hành bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp thì chỉ được bán tài sản trên đất nên số tài sản này thường không bán được dẫn đến thiệt hại cho các chủ nợ. Hơn nữa, việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, dẫn đến tài sản để lâu không còn giá trị sử dụng, trong khi đó người cần mua để sử dụng thì không thể mua được.
Về việc thanh lý, thu hồi nợ của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản (doanh nghiệp phá sản là chủ nợ): Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc bên nợ phải trả nợ theo thông báo. Do đó, có nhiều trường hợp bên nợ gây khó khăn không chịu trả, kéo dài thời gian thu hồi nợ của doanh nghiệp.
3. Chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn về phí phá sản hoặc chi phí phá sản
Cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể các khoản phí phá sản hoặc chi phí phá sản theo Điều 21 Luật phá sản. Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án chỉ quy định về lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Vấn đề thù lao cho thành viên tổ quản lý, thanh lý tài sản, hướng dẫn Luật phá sản doanh nghiệp (cũ) có quy định nhưng hướng dẫn Luật phá sản hiện hành không đề cập. Cơ sở để xác định doanh nghiệp không còn tiền và tài sản khác để nộp tiền tạm ứng án phí phá sản để quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản trong trường hợp đặc biệt và trường hợp này vẫn phải có chi phí, như chi phí đăng báo nhưng không có nguồn để chi? (ví dụ phí đăng báo quyết định mở thủ tục phá sản; phí xác minh, thu hồi nợ; thù lao cho thành viên tổ quản lý, thanh lý tài sản,…)
Thực tế giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản trong thời gian qua cho thấy, số lượng doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản là không ít, nhưng đảm bảo đủ điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định thì rất ít trường hợp đáp ứng do nhiều trường hợp không thể xác định rõ “người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tiền tạm ứng phí phá sản không có tiền để nộp, nhưng có các tài sản khác” theo quy định tại điểm b Điều 21. Cụ thể, đối tượng nộp đơn nào thì phí phá sản do ngân sách nhà nước tạm ứng? và tài sản khác là tài sản như thế nào?
4. Việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản trong nhiều trường hợp bị kéo dài
Theo quy định tại Điều 85 và 86 của Luật phá sản thì, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản trong các trường hợp:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản.
- Phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn tài sản nhưng không bán được (không có người đăng ký mua) hoặc vẫn còn khoản nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được (vì nhiều lý do) trong khi phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong. Những trường hợp này chưa có hướng dẫn nên không biết khi nào Toà án mới có thể kết thúc thủ tục phá sản bằng việc ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản theo quy định nêu trên của Luật phá sản. Cụ thể, trong 623 đơn Toà án đã thụ lý, Toà án đã ra quyết định thanh lý tài sản 444 vụ, nhưng chỉ ra quyết định tuyên bố phá sản có 45 vụ.
Việc đối chiếu và thu hồi nợ cũng là một khó khăn lớn trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể, khi Tổ quản lý, thanh lý tài sản triệu tập những người mắc nợ đến để đối chiếu nợ nhưng những người mắc nợ không chịu đến để đối chiếu hoặc những người đã đối chiếu cũng không chịu trả nợ. Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã đến tận nơi cư trú gặp để đòi nợ nhưng họ vẫn không chịu trả nên Tổ quản lý, thanh lý tài sản không biết phải xử lý ra sao? Hiện nay, pháp luật phá sản không quy định rõ vấn đề này, còn với cơ quan thi hành án dân sự thì không thể cưỡng chế những người mắc nợ được vì chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc chưa có quyết định tuyên bố phá sản (Toà án chỉ ra quyết định tuyên bố phá sản khi giải quyết xong các công việc như thu hồi nợ, bán tài sản…)
5. Doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản không hợp tác với Toà án trong việc tiến hành thủ tục phá sản
Thực tế có trường hợp, sau khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ đối với doanh nghiệp và Toà án yêu cầu doanh nghiệp phải nộp các báo cáo, tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 và khoản 4 Điều 15 Luật phá sản nhưng doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình kéo dài, dây dưa, gây khó khăn cho việc quyết định mở thủ tục phá sản và việc tiến hành các bước tiếp theo.
6. Không quy định thủ tục phá sản vắng mặt đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã
Quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, thực tế có trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài) lâm vào tình trạng phá sản, chủ nợ hoặc người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này (nghiệpời nước ngoài) không có mặt ở Việt Nam và cũng không uỷ quyền cho người khác đại diện tham gia thủ tục phá sản. Vì vậy, Toà án không thể thành lập được Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 9 Luật phá sản do không có người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp để tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản. Điều này dẫn đến việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bị bế tắc.
Kiến nghị
Trên cơ sở các phân tích trên, chúng tôi kiến nghị như sau:
1. Về xử lý tài sản của doanh nghiệp khi phá sản
Thứ nhất, cần quy định thời gian trả nợ của con nợ đối với chủ nợ (là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản) và hậu quả pháp lý đối với việc trả nợ. Quá thời hạn quy định, nếu con nợ không trả nợ được thì cần tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Toà án nhân dân tối cao cần có ý kiến đề nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan thống nhất với Toà án là sau khi bán hết tài sản, mặc dù còn một số tiền nợ chưa thu được của những người mắc nợ Doanh nghiệp, Toà án vẫn ra Quyết định tuyên bố phá sản. Trong quyết định tuyên bố phá sản, Toà án sẽ ghi rõ số nợ phải thu còn lại mà Toà án đã ra quyết định thu hồi nợ. Cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại Quyết định phân chia tài sản ban đầu.
Thứ hai, Nhà nước nên có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có tài sản là vật kiến trúc trên đất khi lâm và phá sản nhằm tạo cơ sở pháp lý để Toà dễ áp dụng.
Nên sửa đổi bổ sung điểm a Điều 15 Luật phá sản theo hướng: “Báo cáo tình tình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và kèm theo bản kết luận kiểm toán tình hình tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 3 năm liền kề trước ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”. Khi có bản kết luận của đơn vị kiểm toán, Toà án dễ dàng thụ lý và có cơ sở trả lời khiếu nại những chủ nợ liên quan đến việc phá sản của doanh nghiệp.
2. Bổ sung thủ tục phá sản vắng mặt đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng quy định như sau
a. Niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp, hợp tác xã và uỷ ban nhân dân phường, xã thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong đó yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp các báo cáo, tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 23 và khoản 4 Điều 12 Luật phá sản trong thời hạn 30 ngày.
b. Nếu quá thời hạn niêm yết thông báo mà doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không có người đại diện hợp pháp (là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) đến Toà án làm việc và không đáp ứng được các yêu cầu về các báo cáo, tài liệu theo quy định nói trên thì tuỳ từng trường hợp mà xử lý như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn lưu giữ sổ sách, tài liệu kế toán thì Toà án yêu cầu người này lập và nộp các báo cáo, tài liệu theo quy định nói trên cho Toà án và chỉ định họ tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản với tư cách đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản và việc tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của Luật phá sản.
- Trường hợp kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của doanh nghiệp, hợp tác xã không còn làm việc và từ chối tham gia; doanh nghiệp, hợp tác xã không còn lưu sổ sách, tài liệu kế toán thì Toà án yêu cầu công đoàn, tập thể người lao động hoặc cơ quan chuyên môn cử đại diện tham gia tổ quản lý, thanh lý tài sản thay cho người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản và phối hợp với uỷ ban nhân dân phường, xã (hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất) tiến hành kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để có cơ sở lập bảng kê tài sản và có biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Các bước tiếp theo (lập danh sách chủ nợ, triệu tập hội nghị chủ nợ,…) được thực hiện trên cơ sở giấy đòi nợ của các chủ nợ gửi đến Toà án sau khi Toà án cho đăng quyết định mở thủ tục phá sản.
3. Bổ sung chế tài đối với chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không hợp tác với toà án trong việc tiến hành thủ tục phá sản và biện pháp tiến hành thủ tục phá sản trong trường hợp này
Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2009/NĐ-CP ngày 06/02/2009 quy định về xử phạt hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản theo hướng:
- Bổ sung hành vi vi phạm hành chính và mức phạt như trên đối với hành vi của chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã không tham gia hoặc không cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
-Cần bổ sung vào Bộ luật hình sự tội danh liên quan đến việc không chấp hành các quyết định của Toà án trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Trường hợp Toà án đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mà chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không thực hiện yêu cầu của Toà án (về việc xuất trình tài liệu và tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản) thì ngoài việc xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã như trên, Toà án tiến hành thủ tục phá sản như trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã như đã đề xuất ở trên.
Nguồn: Chu Hiền - TAND tối cao
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!