Một vài trao đổi xung quanh bài viết “Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên có được phát biểu quan điểm giải quyết về nội dung vụ án hay không?”
Trong bài viết “Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên có được phát biểu quan điểm giải quyết về nội dung vụ án hay không?”, tác giả Vũ Thắng có nêu hai quan điểm về giới hạn nội dung phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm chỉ được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định tại Điều 273a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 thì kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm. Do không quy định rõ như ở giai đoạn sơ thẩm là kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nên tại phiên toà phúc thẩm, kiểm sát viên không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà còn phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ án, tức là phát biểu cả về phần nội dung vụ án.
Tại bài viết của mình, tác giả Vũ Thắng đồng tình với quan điểm thứ nhất, với lập luận: Mặc dù Điều 273a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 quy định kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, nhưng căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 thì “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”. Điều này được hiểu là Viện kiểm sát nhân dân chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự mà thôi.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, quan điểm thứ hai là có cơ sở. Nghĩa là, tại phiên toà phúc thẩm, kiểm sát viên không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà còn phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ án, tức là phát biểu cả về phần nội dung vụ án, với những lý do sau:
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong tố tụng dân sự, Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự của Toà án; tham gia phiên toà xét xử vụ án dân sự, phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự”. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 thì: “Trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc giải quyết vụ án” (Điều 234). Điều 264 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà phúc thẩm trong trường hợp Viện Kiểm sát kháng nghị hoặc đã tham gia phiên toà sơ thẩm”. Đồng thời, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự thì tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 234 BLTTDS. Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 thì tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, kiểm sát viên có quyền phát biểu ý kiến của mình về việc tuân theo pháp luật cả về mặt tố tụng và mặt nội dung vụ án.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 đã sửa đổi, bổ sung điều 234 như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”. Với quy định này, nội dung phát biểu của Kiếm sát viên tại phiên toà sơ thẩm được giới hạn, theo đó, kiểm sát viên chỉ được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội động xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Còn tại phiên toà phúc thẩm, Điều 273a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 quy định: “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm”.Như vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng năm 2011 đã phân biệt rõ giới hạn nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm và tại phiên toà phúc thẩm. Tại phiên toà sơ thẩm, lúc này Toà án chưa có quan điểm về việc giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên chỉ được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng. Điều này phản ảnh quan điểm của các nhà làm luật là Viện kiểm sát thực hiện đúng chức năng của mình là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng, không can thiệp vào việc ra phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và dành quyền quyết trong về mặt nội dung vụ án cho cơ quan xét xử. Còn tại phiên toà phúc thẩm, lúc này đã có bản án, quyết định của Toà án cấp sở thẩm. Nhiệm vụ của kiểm sát viên tham gia phiên toà phúc thẩm không thể chỉ dừng lại ở việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng hoặc những người tham gia tố tụng. Bởi lẽ, chức năng của phiên tòa cấp phúc thẩm là xem xét lại hoặc của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị; do vậy, những người tiến hành tố tụng, bao gồm cả kiểm sát viên phải có trách nhiệm xem xét giải quyết vụ án về mặt nội dung. Như vậy, phát biểu của kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm sẽ bao hàm cả việc phát biểu về nội dung vụ án. Có như vậy, việc giải quyết vụ án tại phiên toà phúc thẩm mới đảm bảo tính đúng pháp luật và vai trò của phiên toà phúc thẩm mới được đảm bảo. Chính bởi lẽ đó, tại Điều 273a Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 đã quy định:“Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luậttrong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm”.
Việc thực hiện quyền năng phát biểu ý kiến về nội dung vụ án tại phiên toà phúc thẩm còn nhằm tạo điều kiện cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật (quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự) được triệt để. Trong trường hợp, quyết định hoặc bản án do Toà án cấp phúc thẩm ban hành mà không đúng pháp luật hoặc trái với quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên toà, thì Viện kiểm sát sẽ thực hiện các quyền năng như kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân: “Tham gia các phiên toà và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân”.
Ngoài ra, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cũng quy định: Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự. Để thực hiện triệt để quy định trên về quyền hạn của Viện Kiểm sát, tại phiên toà phúc thẩm, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật tại phiên toà phúc thẩm bao gồm cả việc tuân theo pháp luật về mặt tố tụng và mặt nội dung vụ án. Nếu kiểm sát viên không có quyền phát biểu quan điểm về nội dung vụ án (tức về đường lối giải quyết vụ án) thì kiểm sát viên sẽ không phát huy hết vai trò kiểm sát của mình tại phiên toà phúc thẩm. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật hoặc ảnh hưởng đến quyền kiến nghị với Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án.
Trên đây là ý kiến của tác giả bài viết về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm. Tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của quý bạn đọc để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Nguồn: Chu Hiền - TAND tối cao
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!