Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phá sản

Gần mười năm thực hiện Luật Phá sản, còn có một số vấn đề vướng mắc, bất cập, trong quy định của Luật Phá sản làm cho công tác giải quyết phá sản gặp nhiều khó khăn, trở ngại, khi ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sau một thời gian thực hiện theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc đóng góp ngân sách cho tỉnh nhà. Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp không nắm bắt kịp vận hành của cơ chế thị trường, không biết tự chủ về tài chính, vẫn còn lúng túng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sự tính toán không chính xác trong phương án đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, trong sử dụng đồng vốn đã làm cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nợ đến hạn kéo dài phải đi đến phá sản. Khi đã lâm vào tình trạng phá sản thì dẫn đến công nhân mất việc làm, các cá nhân, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng liên quan đến việc góp vốn và cho vay vốn cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế. Theo số liệu báo cáo của toà kinh tế toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên -Huế, trong hai năm 2005 và 2006, Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý, giải quyết 34 vụ án phá sản đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong đó, năm 2006, Toà án hai cấp đã ra quyết định tuyên bố phá sản đối với 28 hợp tác xã ngành thuỷ sản, còn lại 5 vụ phá sản đối với doanh nghiệp Nhà nước như: Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Thái Hoà, Công ty Thuỷ Sản tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cơ điện, Công ty Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Thừa Thiên Huế, Công ty sản xuất giày da xuất khẩu và Hàng tiêu dùng Huế cho đến nay vẫn chưa ra quyết định tuyên bố phá sản được. 
Luật Phá sản được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004 và thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Đây là cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Toà án nhân dân giải quyết hậu quả pháp lý của các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên -Huế, sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 5 doanh nghiệp nhà nước nói trên, đã kiểm kê tài sản, xác định giá trị còn lại của tài sản, và tổ chức các hội nghị chủ nợ kịp thời đúng hạn luật định, ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản và hợp đồng với các Trung tâm thẩm định giá và bán đấu giá tài sản. Ngoài ra còn phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chức năng để giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng cán bộ công nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước bị phá sản được hưởng chế độ theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính  phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một cố gắng lớn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm bớt một phần khó khăn khi bị mất việc làm, với số tiền không lớn nhưng cũng tạo được nguồn vốn ban đầu cho người lao động đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới. Toàn bộ tài liệu hoạt động, hồ sơ sổ sách kế toán của các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được niêm phong và đưa vào lưu trữ.
Cho đến nay, Toà án nhân dân tỉnh vẫn chưa ra quyết định tuyên bố phá sản đối với 5 doanh nghiệp này được là do khi áp dụng Luật Phá sản vào thực tiễn tuy có nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập, trong quy định của Luật phá sản làm cho công tác giải quyết các việc phá sản gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp khi mở thủ tục phá sản như:
Việc thu hồi nợ đối với cá nhân, tổ chức còn mắc nợ doanh nghiệp bị phá sản. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp tạo ra nhiều mối quan hệ hợp tác làm ăn như trao đổi mua bán hàng hoá trên địa bàn cả nước. Do đó, các cá nhân hoặc doanh nghiệp, có thể là chủ nợ, có thể là con nợ của nhau, thực tế có thể vừa là chủ nợ vừa là con nợ của doanh nghiệp bị phá sản. Việc thu hồi nợ của doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, bởi trong thực tế một số đơn vị mắc nợ đã tự giải thể; một số cá nhân không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, một số con nợ là cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, họ phải tự đi tìm việc làm ở nhiều địa phương khác nhau và không có địa chỉ rõ ràng, cho nên công tác thu hồi nợ đối với cá nhân lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Một số đơn vị, cá nhân có địa chỉ nhưng khi xác minh thì không còn ở địa phương hoặc đã bỏ đi làm ăn nơi khác nên không ai biết địa chỉ mới. Đối với con nợ là tổ chức, doanh nghiệp mắc nợ thì họ chỉ công nhận nợ mà không có phương án trả nợ, có trường hợp nại ra lý do đơn vị gặp khó khăn về kinh tế nên xin được trả dần, nhưng vẫn cứ chây ì không trả nợ. Có đơn vị vừa là con nợ vừa là chủ nợ thì họ xin được đối trừ,...Tất cả những vướng mắc nêu trên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có chế tài để xử lý nên không thể thu hồi được nợ.
Vấn đề không nhỏ là việc ban hành pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất như: tại khản 3 Điều 8 Luật Phá sản quy định: “Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, tiến hành thủ tục phá sản. Trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Thẩm phán cung cấp tài liệu cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để xem xét việc khởi tố về hình sự và vẫn tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, chưa có quy định về thẩm quyền của Thẩm phán trong quá trình giải quyết khiếu nại, áp dụng biện pháp chế tài để thực hiện các quyết định của mình về thủ tục phá sản. Tại Điều 21 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản là quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các quyết định của Thẩm phán theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nhưng tại khoản 1 Điều 138 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Như vậy, Chấp hành viên làm Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ ngoài phạm vi pháp luật cho phép, cho nên không thể tổ chức thi hành quyết định của Thẩm phán trong vụ phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được. 
Về thanh lý bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp bị phá sản để thanh toán nợ cũng còn gặp khó khăn vướng mắc nhất là nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất. Trong thực tế, các doanh nghiệp khi vay tiền của các tổ chức tín dụng, đã thế chấp bất động sản là nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất. Nhưng quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp thuê của nhà nước có thời hạn, và khi bán đấu giá thì tổ quản lý thanh lý tài sản không thể cho đấu giá quyền sử dụng đất được. Trong thực tế có trường hợp UBND các cấp cho rằng doanh nghiệp đã bị phá sản nên yêu cầu thu hồi đất trước thời hạn. Như vậy, còn lại nhà xưởng nếu không gắn với quyền sử dụng đất thì không bán được. Nếu bán được thì cũng chỉ bán theo giá vật liệu xây dựng với giá rất thấp.
Đối với Tổ quản lý, thanh lý tài sản, tại Điều 9 Luật Phá sản và Điều 15 Nghị định 67/CP quy định, thành phần của Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có: một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm Tổ trưởng, một cán bộ của Toà án, một đại diện chủ nợ, một đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản và đại diện công đoàn đối với doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm phải có một đại diện của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Như vậy, thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản là những người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, nhưng công việc kiêm nhiệm không phải là nhiệm vụ chuyên môn chính của họ, họ cũng thường xuyên bị thay đổi, thậm chí bỏ đi làm ăn nơi khác,... Trong thực tế, có doanh nghiệp toàn bộ tài sản của doanh nghiệp có khắp nơi trên cả nước nên sự phối hợp tham gia của những thành viên này cũng gặp không ít khó khăn trở ngại trong việc quản lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản.
Theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật phá sản thì, khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý bán hết tài sản của doanh nghiệp, phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong thì Toà án mới ra được quyết định thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Nhưng trong thực tế, tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không thể bán hết được và cũng không thể thu hồi hết nợ như nêu ở trên, nên chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố phá sản được. Đây là vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật phá sản tại doanh nghiệp.
Về việc giải quyết bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những cán bộ như Giám đốc, Kế toán, Chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp bị phá sản đang tiếp tục tham gia trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản, nhưng do doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không có tiền để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm cho quyền lợi của họ cũng bị thiệt thòi, đến nay vẫn chưa hướng dẫn. Đây cũng là nỗi băn khoăn, lo lắng của Tổ quản lý thanh lý tài sản trong quá trình tiến hành phá sản doanh nghiệp.
Trong lúc chờ đợi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2004, trước mắt, để giải quyết những tồn tại trong thực tế đang diễn ra, đề nghị các ngành chức năng có thể ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất với Toà án là sau khi bán hết tài sản, mặc dù còn một số tiền nợ chưa thu được của những người mắc nợ doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản, Toà án vẫn ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong quyết định tuyên bố phá sản, Toà án sẽ ghi rõ số nợ phải thu còn lại mà toà án đã ra quyết định thu hồi nợ. Cơ quan Thi hành án tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.
Đối với người mắc nợ đã qua xác minh, thu thập chứng cứ, họ có tài sản có khả năng trả nợ cho doanh nghiệp thì Chính phủ cần có hướng dẫn nhằm thu hồi nợ cho doanh nghiệp. Ngược lại, đối với những người mắc nợ thực sự có khó khăn, không có khả năng thanh toán, không có địa chỉ rõ ràng thì cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết dứt điểm cho phù hợp, không nên để kéo dài việc giải quyết phá sản vì không thu hồi được nợ. Có như vậy mới khắc phục được sự chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự tạo điều kiện cho các ngành, tổ chức, cá nhân phối hợp giải quyết tốt việc phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự