Một số vấn đề về hoãn phiên tòa hành chính sơ thẩm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật tố tụng hành chính, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên toà phải ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử; Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; Đình chỉ việc giải quyết vụ án. Như vậy, phiên toà hành chính sơ thẩm được mở sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử áp dụng các biện pháp do luật nội dung và Luật tố tụng quy định để thẩm tra, đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, nhằm đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính,…Do đó, phiên toà hành chính sơ thẩm là một thủ tục bắt buộc trong trình tự tố tụng hành chính để giải quyết vụ án khi không có lý do đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến vấn đề: tại phiên toà, đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, thì Hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế nào? Có được hoãn phiên toà hay không? Căn cứ nào để hoãn phiên toà?
Các căn cứ để hoãn phiên toà đã được quy định cụ thể tại Điều 136 Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Luật chưa đề cập đến vấn đề hoãn do yêu cầu này của đương sự. Theo quy định tại khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính, thì đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Như vậy, nếu không hoãn phiên toà sẽ vi phạm quyền này của đương sự vì đương sự có quyền yêu cầu mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án. Thực tế hiện nay thì yêu cầu hoãn để nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là yêu cầu chính đáng, nhưng để Hội đồng xét xử chấp thuận hoãn thì yêu cầu này của đương sự phải được thể hiện ngay đầu tiên của phiên toà, tức ở phần thủ tục, sau khi nghe Chủ toạ phiên toà giải thích quyền và nghĩa vụ. Nếu yêu cầu tại phần thủ tục hỏi hoặc tranh luận hoặc sau phần nghị án thì sẽ không được Hội đồng xét xử chấp thuận hoãn, bởi lẽ, đương sự đã được giải thích pháp luật ngay từ đầu, yêu cầu lúc này là không chính đáng và gây khó dễ cho việc giải quyết vụ án. Nhưng nếu hoãn phiên toà thì căn cứ nào để hoãn? Hiện nay còn nhiều quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chủ toạ sau khi thảo luận với Hội thẩm nhân dân tuyên bố hoãn phiên toà, để đương sự thực hiện quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, với căn cứ hoãn là áp dụng khoản 1 Điều 131 và khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hoãn phiên toà căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 136, khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính, với lý do: Cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên toà.
Đối với quan điểm thứ nhất, biên bản phiên toà thể hiện yêu cầu hoãn của đương sự, căn cứ để hoãn phiên toà là khoản 1 Điều 131 Luật TTHC (vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên toà) chưa mang tính thuyết phục. Bởi lẽ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Toà án chấp nhận tham gia tố tụng theo khoản 1 Điều 55 Luật TTHC và người bảo vệ phải đủ các điều kiện quy định tại khoản 2; khoản 3 Điều 55 Luật TTHC. Tại phiên toà, đương sự xin hoãn để mời luật sư mà vận dụng lý do vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để hoãn phiên toà là không có căn cứ.
Đối với quan điểm thứ hai: Việc đương sự yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ được ghi vào biên bản phiên toà, do vậy áp dụng điểm d khoản 1 Điều 136 Luật TTHC với căn cứ hoãn là xác minh thu thập tài liệu chứng cứ bổ sung mà không thực hiện ngay tại phiên toà được. Điều này có mâu thuẫn giữa biên bản phiên toà với quyết định hoãn phiên toà của Hội đồng xét xử hay không?
Thực tế, Thẩm phán thường căn cứ vào điểm d, khoản 1 Điều 136 để hoãn phiên toà, bởi lẽ, việc áp dụng điều luật này đảm bảo an toàn. Việc thu thập, xác minh chứng cứ là thuộc Hội đồng xét xử, Do vậy, nếu áp dụng điều luật này thì đương sự sẽ không khiếu nại, luật sư sẽ không có ý kiến gì về thủ tục hoãn phiên toà.
Hiện nay, Luật tố tụng hành chính vừa mới ban hành và không quy định hoãn phiên toà trong trường hợp này. TAND tối cao cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn vướng mắc. Đề nghị quý bạn đọc quan tâm trao đổi về nội dung này và TAND tối cao có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất pháp luật.
Về bài viết “Một số vấn đề về hoãn phiên tòa hành chính sơ thẩm”?
Ngày 22/5/2012, trong Chuyên mục “Bài viết trao đổi nghiệp vụ” trên Cổng Thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao có đăng bài viết “Một số vấn đề về hoãn phiên toà hành chính sơ thẩm” của tác giả Trần Đức Long, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình. Trong bài viết của mình, tác giả Trần Đức Long đề cập tình huống: Tại phiên toà hành chính sơ thẩm, đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, thì Hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế nào? Hội đồng xét xử có được hoãn phiên toà hay không? Và nếu Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà thì căn cứ vào quy định nào của Luật tố tụng hành chính?
Trong bài viết của mình, tác giả Trần Đức Long cũng nêu hai quan điểm giải quyết, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Chủ toạ sau khi thảo luận với Hội thẩm nhân dân, tuyên bố hoãn phiên toà để đương sự thực hiện quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình với căn cứ hoãn phiên toà là áp dụng khoản 1 Điều 131 và khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính.
Quan điểm thứ hai: Hoãn phiên toà căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 136 và khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính. Lý do: Cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên toà.
Ngoài ra, tác giải Trần Đức Long còn phân tích một số vấn đề bất cập liên quan đến việc hoãn phiên toà theo các quan điểm trên, đồng thời cho rằng trên thực tế, thẩm phán thường căn cứ vào điểm d, khoản 1 Điều 136 để hoãn phiên toà, với lý do việc áp dụng điều luật này đảm bảo an toàn, bởi việc thu thập xác minh chứng cứ là thuộc Hội đồng xét xử, Do vậy, nếu áp dụng điều luật này thì đương sự sẽ không khiếu nại, luật sư sẽ không có ý kiến gì về thủ tục hoãn phiên toà.
Về tình huống này, chúng tôi có quan điểm như sau:
Luật Tố tụng hành chính quy định rất cụ thể, chi tiết các trường hợp hoãn phiên toà. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 136 Luật tố tụng hành chính thì có thể phân biệt các trường hợp hoãn phiên toà như sau:
- Các trường hợp Hội đồng xét xử bắt buộc phải hoãn phiên toà, bao gồm các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử;
+ Trường hợp Thư ký Toà án vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên toà mà không có người thay thế;
+ Trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công tham gia phiên toà mà vắng mặt tại phiên toà;
+ Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
+ Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế;
+ Thành viên của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;
+ Người giám định bị thay đổi;
+ Cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên toà.
Ngoài ra, trường hợp Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng thì Hội đồng xét xử cũng phải hoãn phiên toà (khoản 2 Điều 131 Luật tố tụng hành chính).
- Các trường hợp Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên toà (không bắt buộc) bao gồm các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 và khoản 2 Điều 134 Luật tố tụng hành chính (bao gồm trường hợp người làm chứng hoặc người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử).
Ngoài các trường hợp nêu trên, Luật tố tụng hành chính không còn quy định nào khác về trường hợp hoãn phiên toà hành chính sơ thẩm. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào của Toà án nhân dân tối cao về vấn đề hoãn phiên toà. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp tại phiên toà hành chính sơ thẩm, mà đương sự xin hoãn phiên toà để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thậm chí để uỷ quyền cho người khác thay họ tham gia tố tụng tại phiên toà hành chính sơ thẩm, thì Hội đồng xét xử không được hoãn phiên toà, bởi lẽ: lý do mà đương sự nêu ra không thuộc một trong các căn cứ hoãn phiên toà nêu tại Điều 136 Luật tố tụng hành chính đã nêu ở trên.
Nghiên cứu các quy định tương ứng của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, chúng ta thấy, tại tiểu mục 3.4 Mục 3 Phần III Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự” cũng hướng dẫn: “Hội đồng xét xử không được hoãn phiên toà vì lý do tại phiên toà đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc để uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình”.
Chúng tôi cho rằng, tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình là quyền, nghĩa vụ của đương sự được pháp luật tố tụng nói chung và pháp luật tố tụng hành chính nói riêng ghi nhận, Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ này của đương sự phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không làm cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự khác. Trước khi mở phiên toà, quyền của đương sự được mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoàn toàn không bị pháp luật giới hạn. Trong khoảng thời gian đó, đương sự có quyền quyết định tự mình bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ cho mình. Việc pháp luật tố tụng hành chính cũng như tố tụng dân sự không quy định Hội đồng xét xử được hoãn phiên toà khi tại phiên toà đương sự yêu cầu hoãn để mời luật sư là nhằm tránh việc đương sự nại ra các lý do không chính đáng để trì hoãn việc giải quyết vụ án.
Trong thực tiễn, nhiều Toà án đã quyết định hoãn phiên toà vào điểm d khoản 1 Điều 136 và khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính với lý do cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên toà (như tác giả Trần Đức Long đã nêu trong bài viết của mình). Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, căn cứ “cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên toà” cần phải được hiểu là căn cứ hoàn toàn khách quan. Trên cơ sở quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, hỏi và tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử thấy đúng là trong vụ án cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ bổ sung mới giải quyết được vụ án mà không thể thực hiện ngay được tại phiên toà, thì mới vận dụng căn cứ này. Đây không thể là lý do chủ quan do Hội đồng xét xử nêu ra. Như vậy, nếu đương sự xin hoãn phiên toà với lý do để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà trong hồ sơ đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết về mặt nội dung vụ án, thì Hội đồng xét xử không thể vận dụng căn cứ tại điểm d khoản 1 Điều 136 Luật tố tụng hành chính để hoãn phiên toà được.
Còn nếu Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 131 Luật tố tụng hành chính (vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên toà) để hoãn phiên toà thì cũng không đúng. Bởi lẽ, căn cứ “vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên toà” cần được hiểu là trước khi mở phiên toà, đương sự đã nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và được Toà án chấp nhận tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật TTHC và mặc dù đã được Toà án triệu tập hợp lệ nhưng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vẫn vắng mặt tại phiên toà. Do đó, tại phiên toà hành chính, đương sự mới xin hoãn hoãn phiên toà để mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, thì không thể coi là trường hợp vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo khoản 1 Điều 131 Luật tố tụng hành chính.
Vậy, nếu không được hoãn phiên toà, thì trong trường hợp này, Hội đồng xét xử sẽ xử lý như thế nào để đúng quy định pháp luật, đồng thời vẫn bảo đảm được quyền của đương sự về việc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình như quy định tại khoản 13 Điều 49 Luật tố tụng hành chính?
Theo chúng tôi, Hội đồng xét xử có thể vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật tố tụng hành chính để xử lý tình huống này. Cụ thể, khoản 2 Điều 126 quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, việc xét xử có thể tạm ngừng nhưng không quá 05 ngày làm việc. Hết thời hạn tạm ngừng, việc xét xử vụ án được tiếp tục”. Quy định về tạm ngừng phiên toà được hướng dẫn cụ thể tại Điều 16 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính, theo đó điểm c Điều 16 quy định: “Theo đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện hoặc người tham gia tố tụng khác về việc dừng phiên toà và Hội đồng xét xử chấp nhận tạm ngừng phiên toà mà không thuộc trường hợp phải hoãn phiên toà theo quy định tại Điều 136 của Luật TTHC…”.
Như vậy, trường hợp tại phiên toà hành chính sơ thẩm, nếu đương sự xin hoãn phiên toà để mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì Hội đồng xét xử hoàn toàn có thể coi đây là trường hợp đặc biệt để có thể tạm ngừng phiên toà, tạo điều kiện cho đương sự mời luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cần giải thích cho đương sự biết về thời gian tạm ngừng phiên toà (05 ngày) để đương sự khẩn trương tìm và làm các thủ tục mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về vấn đề xử lý của Hội đồng xét xử tại phiên toà hành chính sơ thẩm, khi đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.
Nguồn: Thạc sỹ: Trần Mạnh Hùng - TAND tối cao.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!