Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự – một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng dân sự
Trong luật tố tụng dân sự tồn tại hai hệ thống các nguyên tắc. Hệ thống thứ nhất bao gồm các nguyên tắc thể hiện vị trí tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng (gồm người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng) như nguyên tắc Toà án xét xử tập thể, xét xử công khai; nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật,… . Hệ thống thứ hai bao gồm những nguyên tắc thể hiện vị trí tố tụng của các chủ thể tham gia như nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự, nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự, nguyên tắc hòa giải,… . Các nguyên tắc có tụng quan hệ hữu cơ với nhau trong đó nguyên tắc về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự là nguyên tắc cơ bản nhất. Đương sự phải thực hiện hoạt động chứng minh thông qua việc cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thì mới là một trong những điều kiện để toà án tiến hành thụ lý đơn khởi kiện – thời điểm bắt đầu của hoạt động tố tụng dân sự. Không thể có một đơn khởi kiện nào được thụ lý mà không có chứng cứ để chứng minh, các nguyên tắc khác theo đó mới có thể phát sinh và áp dụng.
Nhận thức được vai trò quan trọng mang tính chất chỉ đạo, Bộ luật tố tụng dân sự đã dành Chương II với 21 Điều luật để liệt kê các nguyên tắc của hoạt động tố tụng dân sự. Các nguyên tắc này được xây dựng trên tính chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như tính chất của tố tụng dân sự cùng với quá trình đúc rút kinh nghiệm thực tế, xây dựng, áp dụng và hoàn thiện pháp luật tố tụng trong những năm qua. Một trong số đó là nguyên tắc về việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh như đương sự” (khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2004).
Nguyên tắc này được cụ thể hoá tại Điều 79 BLTTDS như sau:
“1. Đương sự có yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp
2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh
3. Cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước hoặc yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.”
Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu khởi kiện thuộc về đương sự. Toà án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ khi đương sự đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không tự thu thập được và có yêu cầu Toà án tiến hành thu thập. Quy định này một mặt gắn trách nhiệm cho đương sự, giảm áp lực công việc cho Toà án, mặt khác cũng là cơ chế bảo đảm tính khách quan, tránh tình trạngToà án lạm dụng trong việc thu thập chứng cứ có lợi để thiên vị cho một trong các bên.
Việc các đương sự phải cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là một trong những nguyên tắc xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự đối với việc khởi kiện của mình. Nguyên tắc này thể hiện tính đặc thù vì nếu như trong tố tụng hình sự, khi có tội phạm xảy ra, thì việc thu thập chứng cứ là thẩm quyền tố tụng của cơ quan điều tra hoặc các cơ quan, đơn vị khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, còn trong tố tụng dân sự, khi cần khởi kiện để giải quyết tranh chấp và khẳng định việc khởi kiện, phản tố việc kiện có căn cứ và đúng pháp luật, thì các đương sự phải tự mình thu thập, cung cấp và chuyển giao chứng cứ, tài liệu này cho Toà án. Việc cung cấp chứng cứ, chứng minh cho các yêu cầu của mình vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự. Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Ngược lại, nếu đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình cũng phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Như vậy, người đưa ra yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước; họ phải xuất trình các chứng cứ, đưa ra lý lẽ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đồng thời họ phải chỉ ra quy định của pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của họ (tính hợp pháp của yêu cầu). Khi bên đưa ra yêu cầu đã chứng minh được tính có căn cứ và tính hợp pháp cho yêu cầu của mình thì bên phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ. Điều đó cho thấy, theo quy định của BLTTDS thì nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra với bên khởi kiện mà đặt ra với cả bên bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn. Quy định này thể hiện sự bình đẳng, ngang bằng về nghĩa vụ chứng minh, không có loại đương sự nào được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh, dù đương sự đó khởi kiện bảo vệ lợi ích của mình hay lợi ích chung hoặc yêu cầuToà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng không được miễn trừ nghĩa vụ này. Do đó, nếu bên đương sự có nghĩa vụ đưa chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Hậu quả đó là, nếu họ là nguyên đơn sẽ bị bác yêu cầu, nếu là bị đơn sẽ bị xử thua kiện, sẽ phải chấp nhận các yêu cầu đã được chứng minh của nguyên đơn.
Pháp luật tố tụng dân sự đặt ra nghĩa vụ chứng minh cho đương sự là vì, quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư của các bên, do các bên tự quyết định, tự giải quyết là chủ yếu và chỉ khi các bên không tự giải quyết được thì họ cũng tự quyết định có yêu cầu nhà nước can thiệp, hỗ trợ hay không. Mặt khác, các bên đương sự là những người hiểu rõ vụ việc của mình nhất, biết rõ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của mình có những gì và đang ở đâu. Do đó, khi các bên đã đưa việc tranh chấp của họ ra Toà án thì Toà án chỉ là trọng tài, giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật, chứ không thể làm thay, chứng minh thay cho đương sự. Trong một số vụ án, có đương sự không hiểu đây là nghĩa vụ chứng minh của mình cho nên không những không cung cấp chứng cứ cho Toà án mà còn không hợp tác với Toà án khi Toà án thu thập chứng cứ, như không cho Toà án xem xét đối tượng tranh chấp, không cho định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ đối với nhà đất, triệu tập đến để lấy lời khai nhưng không đến,... . Vì vậy, có những trường hợp Toà án đã phải căn cứ vào các chứng cứ bên kia cung cấp và các tài liệu đã thu thập được để giải quyết vụ án.
Như vậy, nội dung nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh của đương sự được thể hiện ở hai mặt:
Thứ nhất, nghĩa vụ là việc phải làm: Đương sự có nghĩa vụ chứng minh có nghĩa là đương sự phải thực hiện hoạt động chứng minh. Điều này không có nghĩa là tất cả các đương sự đều phải thực hiện hoạt động chứng minh. Như khi cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân khác thì tư cách đương sự thuộc về người được khởi kiện nhưng họ không bắt buộc phải chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình là có căn cứ mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan, tổ chức đã khởi kiện, bị đơn cũng không bắt buộc phải chứng minh,…. Nghĩa vụ chứng minh nói một cách tổng quát nhất là thuộc về phía đương sự đã đưa ra yêu cầu. Thuật ngữ “yêu cầu” ở đây đã được sử dụng theo nghĩa rộng bao gồm cả yêu cầu về sự công nhận là đúng, là có lý và cả yêu cầu công nhận là không đúng, không có lý hay nói cách khác yêu cầu ở đây chính là đề ra đối tượng chứng minh. Khi nguyên đơn đưa ra yêu cầu bằng cách khởi kiện thì họ có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; còn bị đơn đưa ra yêu cầu bác bỏ ý kiến của nguyên đơn thì họ có nghĩa vụ chứng minh cho việc bác bỏ đó là có căn cứ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi đưa ra yêu cầu cũng phải chứng minh,… nguyên tắc này thống nhất với nguyên tắc về quyền tự định đoạt của đương sự, quyền và lợi ích của họ phải do chính họ quyết định.
Thứ hai, đồng thời với việc phải làm thì nghĩa vụ còn mang lại một hậu quả pháp lý: Hậu quả pháp lý này là việc được toà án công nhận các quyền và lợi ích hợp pháp khi đương sự thực hiện một cách đầy đủ và chính xác nghĩa vụ chứng minh. Ngược lại, khi đương sự không thực hiện hoặc thực hiện một cách không đầy đủ nghĩa vụ chứng minh thì yêu cầu đưa ra sẽ không được chấp nhận và sẽ phải chịu “hậu quả”.
Tóm lại: Nguyên tắc nghĩa vụ chứng minh của đương sự là một nguyên tắc cơ bản và có tính chỉ đạo xuyên suốt vì xuất phát từ bản chất của tố tụng dân sự là giải quyết các tranh chấp giữa các bên trên cơ sở pháp luật, mục đích là để bảo vệ các quyền và lợi ích của mọi chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó, không có sự can thiệp của quyền lực nhà nước, các bên hoàn toàn bình đẳng trong quan hệ tố tụng. Đương sự là trung tâm của hoạt động tố tụng, là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung đang tranh chấp. Quyền và lợi ích của họ sẽ do chính họ quyết định thông qua hoạt động của mình. Nhà nước không can thiệp mà chỉ công nhận các quyền lợi khi xét thấy có căn cứ và hợp pháp thông qua hoạt động chứng minh của đương sự.
Một trong những biện pháp để hoàn thiện vai trò chứng minh của đương sự là đảm bảo sự bình đẳng giữa các đương sự trong hoạt động chứng minh và sự triệt để tuân thủ pháp luật. Bình đẳng ở đây nghĩa là không có bất cứ sự phân biệt nào về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự. Không ai có bất cứ một đặc quyền, đặc lợi nào dù đó là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, hậu quả pháp lý bất lợi sẽ áp dụng cho tất cả các đương sự không thực hiện hay thực hiện một cách không đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của mình. Có làm được như vậy mới giúp đương sự hoàn thành tốt quyền và nghĩa vụ chứng minh. Bên cạnh đó, nhà nước pháp quyền đòi hỏi mọi hoạt động phải dựa trên quy định của pháp luật. Không chỉ đương sự phải triệt để tuân thủ pháp luật khi thực hiện hoạt động chứng minh mà đòi hỏi cả từ phía các cơ quan tổ chức có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ đương sự. Một mặt cần nâng cao ý thức trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức này mặt khác phải quy định các biện pháp chế tài cụ thể để áp dụng khi họ vi phạm, quy kết trách nhiệm về từng cá nhân cụ thể. Như vậy, hoạt động tố tụng mới diễn ra thuận lợi và suôn sẻ.
Trong đời sống pháp luật hiện nay, mỗi cá nhân trong chúng ta mỗi ngày tham gia hàng chục giao dịch dân sự với các tính chất khác nhau. Tuy các bên có quyền tự quyết định, tự định đoạt theo ý chí của mình, nhưng đối với các giao dịch dân sự quan trọng, cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật dân sự, lưu giữ tài liệu, văn bản hợp đồng, cũng như các chứng lí khác, có xác nhận, chứng thực, có người làm chứng, để phòng khi có tranh chấp phải sử dụng nó để làm chứng cứ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!