Một số vấn đề về “tổng hợp hình phạt tù với án treo”
Án treo là một chế định pháp lý mà không phải quốc gia nào cũng có. Khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1985 để ban hành Bộ luật hình sự năm 1999, trong quá trình soạn thảo và thông qua, cũng có nhiều ý kiến đề nghị bỏ chế định “án treo”, vì đã có hình phạt cải tạo không giam giữ cũng “tương tự” như án treo. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, xem xét tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở nước ta nên cuối cùng, Quốc hội vẫn đồng ý giữ lại chế định “án treo” trong Bộ luật hình sự. Có lẽ trong các chế định về luật hình sự, “án treo” là vấn đề mà lãnh đạo TAND tối cao quan tâm nhiều hơn cả. Ngoài các thông tư, chỉ thị, công văn, kết luận của Chánh án TAND tối cao tại các Hội nghị tổng kết công tác hàng năm hướng dẫn việc áp dụng “án treo” thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành không dưới 4 Nghị quyết về “án treo”, trong đó, Nghị quyết đang có hiệu lực pháp luật là Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, trong đó tại tiểu mục 6.3 Mục 6 hướng dẫn Điều 60 (án treo). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp, Thẩm phán vẫn chưa hiểu hết bản chất của “án treo”; các quy định của Bộ luật hình sự về “án treo”; hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về án treo, nên xét xử vẫn sai lầm, thậm chí, có nhiều trường hợp sai lầm nghiêm trọng phải kháng nghị. TAND tối cao cũng đã tổ chức kiểm tra việc áp dụng “án treo” của toà án các cấp và kết quả là có không ít bản án cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật.
Về lý luận, ai cũng hiểu “án treo” không phải là hình phạt, mà nó chỉ là biện pháp “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”. Vì vậy, có thể nói hình phạt tù mà toà án án cho bị cáo được hưởng án treo là “tạm thời” chưa bắt bị cáo phải chấp hành mà “treo lên đó”, nếu trong thời gian thử thách mà bị cáo phạm tội mới thì mới bắt bị cáo chấp hành, nếu hết thời gian thử thách mà bị cáo không phạm tội mới nữa thì coi như không bị phạt tù. Thời gian thử thách dài hay ngắn, ngoài giới hạn của pháp luật (từ một năm đến năm năm), còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và đặc biệt là nhân thân của người phạm tội. Thời gian thử thách cũng không phải là thời gian mà người được hưởng án treo “thi hành” hay “chấp hành” hình phạt tù được hưởng án treo. Đây là vấn đề tồn tại nhất về nhận thức không chỉ đối với người dân mà ngay đối với Thẩm phán (kể cả Thẩm phán có học vị cao). Nhiều người cho rằng, một người bị phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 2 năm, họ đã thử thách được 1 năm, tức là họ đã chấp hành xong hình phạt tù của án treo. Vấn đề này, nhiều lần tại các hội nghị tập huấn cũng như tổng kết công tác xét xử, TS. Đặng Quang Phương- Phó Chánh án thường trực, phụ trách hình sự đã phải dùng hình ảnh “Cái cốc nước” để so sánh. Ông nói: Hình phạt tù cho hưởng án treo ví như một cốc nước, nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội không phạm tội mới thì cốc nước đó được đổ đi, nhưng nếu trong thời gian thử thách họ lại phạm tội mới thì bắt họ phải uống cả cốc nước đó, không được để lại giọt nào. Thế nhưng, đến bây giờ vẫn còn ý kiến cho rằng, buộc người phạm tội phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù được hưởng án treo nếu họ phạm tội mới trong thời gian thử thách là không công bằng, bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách được trừ đi thời gian mà họ đã chấp hành ?! Việc buộc bị cáo phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù mà toà án đã cho bị cáo được hưởng án treo nếu bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách là quy định của Bộ luật hình sự (khoản 5 Điều 60). Quy định này chẳng có gì bất lợi cho bị cáo cả, vì có quy định như vậy thì mới gọi là thử thách.
Bộ luật hình sự cũng như Bộ luật tố tụng hình sự không có điều khoản nào quy định về tổng hợp hình phạt tù với án treo. Về khoa học, không có cái gọi là tổng hợp hình phạt tù với án treo. Vì thế, trong khi nói cũng như viết, nhất là khi trao đổi về những vẫn đề mang tính khoa học pháp lý, không nên dùng từ “tổng hợp hình phạt tù với án treo”. Khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự chỉ quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”, chứ không quy định tổng hợp hình phạt tù với án treo. Điều 50, 51 Bộ luật hình sự cũng chỉ quy định tổng hợp hình phạt cùng loại hoặc khác loại, chứ không có quy định tổng hợp hình phạt tù với án treo. Trong các lớp tập huấn cũng như trả lời các toà án địa phương, TAND tối cao thường xuyên lưu ý các Thẩm phán khi xét xử vụ án hình sự mà bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách thì phần quyết định của bản án phải tuyên rạch ròi hai nội dung khác nhau. Trước hết, Toà án phải áp dụng khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước. Sau đó mới áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt. Ví dụ: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/2011/HS-ST ngày 10-01-2010 TAND huyện K phạt Trần Văn C một năm tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự, nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là hai năm kể từ ngày 10-01-2011. Ngày 5-01-2012 (trong thời gian thử thách), C lại phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự và bị truy tố, xét xử. Khi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự phạt C bốn (4) năm tù về tội trộm cắp tài sản xảy ra ngày 05-01-2012, thì trong phần quyết định của bản án phải tuyên như sau:
- Áp dụng khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự;... phạt Trần Văn C bốn (4) năm tù về tội trộm cắp tài sản;
- Áp dụng khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự buộc Trần Văn C phải chấp hành hình phạt một (1) năm tù của bản án số 01/2011/HS-ST ngày 10-01-2010 TAND huyện K;
- Áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt, buộc Trần Văn C phải chấp hành hình phạt chung là năm (5) năm tù thời hạn tù tính từ ngày...
Rất tiếc, hiện nay còn nhiều bản án không tuyên như vậy mà thường tuyên “tắt” như: Áp dụng khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự....xử phạt Trần Văn C bốn (4) năm tù về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp hình phạt với một (1) năm tù treo của bản án bản án số 01/2011/HS-ST ngày 10-01-2010 TAND huyện K; buộc Trần Văn C phải chấp hành hình phạt chung là năm (5) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày... Cách tuyên này làm cho nhiều người ngộ nhận rằng có việc “tổng hợp hình phạt tù với án treo”
Bộ luật hình sự không quy định, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng không có hướng dẫn, trong mọi trường hợp nếu phạm tội trong thời gian thử thách thì đều không được hưởng án treo một lần nữa, mà trong các hội nghị tập huấn cũng như tổng kết công tác xét xử TAND tối cao chỉ lưu ý các tòa án, nếu bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách thì “không nên” cho hưởng án treo một lần nữa. Ý nghĩa của lời khuyên này là ở chỗ: Một người đã được Tòa án cho hưởng án treo, chưa hết thời gian thử thách lại phạm tội mới (dù tội mới đó được thực hiện do cố ý hay vô ý) thì rõ ràng bị cáo không thực hiện đúng điều kiện thử thử thách, không tỏ ra ăn năn hối cải, không tự mình rèn luyện, sửa chữa sai lầm, nên không thể coi bị cáo là người có nhân thân tốt để tiếp tục cho hưởng án treo; nếu cho bị cáo hưởng án treo một lần nữa thì mục đính, ý nghĩa của án treo không còn tác dụng. Về pháp lý, nếu cho bị cáo hưởng án treo một lần nữa thì Tòa án vẫn phải buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án “treo” trước đó. Việc thi hành bản án “treo” sau sẽ chẳng có ý nghĩa gì, vì bị cáo phải vào trại giam để thi hành hình phạt tù của bản án “treo” trước đó, chưa kể phải trừ thời gian bị giam vào thời gian thử thách của bản án mới như thế nào, chỉ làm cho việc xét xử thêm khó khăn, phức tạp. Nhiều Tòa án đã chọn giải pháp vừa đơn giản và cũng không trái pháp luật là áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo về tội mới rồi tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo Điều 51 Bộ luật hình sự.
Trường hợp phạm tội sau xử trước, phạm tội trước xử sau thì việc cho bị cáo được hưởng án treo như thế nào cũng đang là vấn đề hiện nay nhiều Tòa án vướng mắc, và còn ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ luật hình sự, không phải không có cách giải quyết. Ví dụ: Ngày 15-12-2011, Bùi Văn B phạm tội đánh bạc, tại bản án hình sự sơ thẩm số 12/2012/HS-ST ngày 20-3-2012 TAND thành phố V phạt Bùi Văn B 6 tháng về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự, nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 1 năm. Sau khi bị kết án về tội đánh bạc, Cơ quan cảnh sát điều tra lại phát hiện trước đó, ngày 10-10-2011, Bùi Văn B còn phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự và bị truy tố ra Tòa án huyện M. Khi xét xử hành vi trộm cắp tài sản, mặc dù Tòa án huyện M biết Bùi Văn B đã bị TAND thành phố V phạt 6 tháng về tội đánh bạc nhưng cho hưởng án treo, nhưng không thể buộc B phải chấp hành hình phạt tù của bản án treo trước đó, vì B không phạm tội trong thời gian thử thách. Trong trường hợp này, cả hai bản án đối với Bùi Văn B đều được thi hành song song. Trường hợp, Tòa án huyện M cũng cho Bùi Văn B được hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản thì có “tổng hợp” hai bản án treo với nhau theo Điều 51 Bộ luật hình sự hay không lại là vấn đề cần trao đổi. Đúng là Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 08/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có hướng dẫn: “Nếu cho người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa, thì Tòa án tổng hợp hình phạt tù của hai bản án và ấn định thời gian thử thách chung cho cả 2 bản án. Trong trường hợp này cần chú ý là chỉ khi hình phạt chung của hai bản án không vượt quá 5 năm tù thì mới được cho hưởng án treo và thời gian thử thách chung cũng không dưới 1 năm, không được quá 5 năm và không được ít hơn mức hình phạt tù chung”. Nhưng đó là Nghị quyết hướng dẫn về việc áp dụng Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985 chứ không phải hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo quy định của Luật ban hành văn bản thì Bộ luật hình sự năm 1999 đã thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 (thay thế, chứ không phải sửa đổi, bổ sung), nên các văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự năm 1985 không còn hiệu lực. Sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự trong đó có hướng dẫn về án treo như Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007. Do đó, việc áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 phải căn cứ vào tiểu mục 6.3 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 chứ không thể căn cứ vào Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 08/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vì Nghị quyết này không còn hiệu lực.
Về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách. Do Điều 60 Bộ luật hình sự chỉ quy định, Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm, chứ không quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách từ ngày nào. Thực tiễn xét xử cho thấy mỗi Tòa án tính khác nhau, có Tòa tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, có Tòa tính từ ngày tuyên án phúc thẩm, có Tòa tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật,... dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất. Trước tình trạng như vậy, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo (tiểu mục 6.5 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007). Việc hướng dẫn thời gian thử thách của án treo tính từ ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo là hoàn toàn phù hợp, không có gì trái Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, tôi xin trao đổi về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, nếu cho rằng nội dung hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tại Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 là “vi hiến”, thì xin thưa, không chỉ có Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, mà có lẽ tất cả các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đều “vi hiến”. Bởi lẽ, trong nhiều điều luật của Bộ luật hình sự không quy định cụ thể. Ví dụ: điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự chỉ quy định “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, còn thế nào là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” thì không ai giải thích. Để áp dụng thống nhất tình tiết này khi xét xử, tại Mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn thế nào là “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Phải chăng nội dung hướng dẫn này của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng là “vi hiến” ?! Hiện nay, có một thực tế mà ai cũng biết, đó là: Theo quy định của Hiến pháp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới là cơ quan có quyền giải thích luật, nhưng do nhiều nguyên nhân nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thực hiện được nhiệm vụ giải thích luật. Mặc dù chỉ là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhưng trong đó có chứa đựng nội dung có tính chất “giải thích”. Tuy nhiên, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không chỉ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán đồng mà còn khen ngợi. Nếu “vi hiến” thì chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “tuýt còi”. Nước ta chưa có Tòa án Hiến pháp, nhưng không phải vì thế mà cho rằng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao muốn làm gì thì làm. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan giám sát cao nhất việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trước và sau khi ban hành đều gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có những nội dung trái Hiến pháp và pháp luật thì theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tự mình, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Thực tế thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết khi thực tiễn xét xử thấy chưa phù hợp.
Thứ hai, về lý luận cũng như thực tiễn đã có sự hiểu không đúng giữa các thuật ngữ pháp lý: Có tội, phạm tội và tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Còn nhớ năm 1998 tôi được mời “phản biện” một đề tài (luận văn tốt nghiệp) cho một sinh viên khoa Luật-Đại học quốc gia Hà Nội, tôi có yêu cầu sinh viên này trả lời câu hỏi: “Hãy phân biệt sự khác nhau giữa các khái niệm có tội, phạm tội và tội phạm?”. Hội đồng chấm luận văn ngạc nhiên và đề nghị tôi đặt câu hỏi khác, vì sợ sinh viên không trả lời được. Vậy mà sinh viên này trả lời rất chính xác và thuyết phục. Từ đó, mỗi khi có dịp, nhất là trong các lớp tập huấn cho Thẩm phán, tôi lại giải thích cho học viên sự khác nhau và ý nghĩa của việc vì sao nhà làm luật lại quy định ba thuột ngữ khác nhau này.
Điều 72 của Hiến pháp và Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Không bị coi là có tội, là sự đánh giá của Nhà nước và xã hội đối với một công dân. Nhưng trước khi họ bị Tòa án kết án và bản án có hiệu lực pháp luật, nếu họ là bị can, bị cáo thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi “phạm tội” mà họ đã thực hiện. Điều này lý giải vì sao, chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng họ vẫn bị bắt, bị tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân... Nếu cho rằng, bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì một người dù họ có “phạm tội” đặc biệt nghiêm trọng như “giết người, cướp tài sản”, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đều là “vi hiến” thì chẳng còn hoạt động tố tụng nào là không vi hiến cả. Chẳng lẽ khi xét xử sơ thẩm, Tòa án phải tuyên: bị cáo A sẽ phạm tội trộm cắp và sẽ bị phạt một năm tù “sau khi bản án có hiệu lực pháp luật” ! Vì vậy, cần hiểu rằng, quy định tại Điều 72 của Hiến pháp và Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng cả là hai vấn đề khác nhau. Hoạt động tố tụng hình sự phải tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự cũng chính là sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Dù bản án “treo” trước đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng Bộ luật hình sự đã quy định Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Đây chỉ là hoạt động tố tụng mà pháp luật quy định cho Tòa án phải thực hiện. Nếu bản án treo trước đó đã có hiệu lực pháp luật và bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì không có vấn đề gì phải trao đổi. Tuy nhiên, vấn đề mà tác giả Phạm Minh Chuyên cho rằng Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao “vi hiến” là trong khi bản án “treo” trước đó chưa có hiệu lực pháp luật mà bị cáo lại phạm tội mới thì tại sao Tòa án lại tổng hợp theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự ? Nếu cho rằng, chỉ tổng hợp hình phạt theo Điều 51 Bộ luật hình sự đối với trường hợp bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách của bản án treo “đã có hiệu lực pháp luật” thì cũng phải trả lời câu hỏi: thế còn trường hợp bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách của bản án treo “chưa có hiệu lực pháp luật” thì sao, chẳng lẽ không tổng hợp ?
Điều 60 Bộ luật hình sự là điều luật quy định về “án treo”, là quy định riêng biệt. Việc tổng hợp hình phạt tù “cho hưởng án treo” cũng là quy định riêng đối với chế định “án treo” nên không thể cho rằng quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự với quy định tại khoản 5 Điều 60 là mâu thuẫn. Bộ luật hình sự có nhiều chế định, mà căn cứ vào các quy định của chế định đó với những quy định riêng biệt rất khác nhau. Ví dụ: Điều 25 Bộ luật hình sự chỉ quy định có 3 trường hợp người phạm tội được “miễn trách nhiệm hình sự”, đó là: Nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và khi có quyết định đại xá. Tuy nhiên, tại Điều 19 Bộ luật hình sự quy định trường hợp người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự quy định người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự. v.v... Như vậy, khi nhà làm luật đã quy định các trường hợp riêng biệt nhưng lại cho phép áp dụng chế định chung thì khi áp dụng chỉ nên căn cứ vào quy định riêng biệt đó, nếu quy định riêng biệt phù hợp với quy định chung thì căn cứ vào cả quy định chung, nhưng nếu quy định riêng biệt đó không phù hợp với quy định chung thì chỉ căn cứ vào quy định riêng biệt. Trường hợp tổng hợp hình phạt quy định tại khoản 5 Điều 60 là quy định riêng biệt.
Quyết định của Tòa án “buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án trước” của Tòa án cấp sơ thẩm là một quyết định mà bị cáo và những người tham gia tố tụng có quyền kháng cáo, nên nó cũng chưa có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án. Khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự quy định Tòa án tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 là quy định dẫn chiếu, nên không thể cho rằng, tổng hợp hình phạt theo Điều 51 thì các bản án đều phải có hiệu lực pháp luật, vì khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm tổng hợp hình phạt theo Điều 50 hay Điều 51 Bộ luật hình sự thì quyết định tổng hợp này cũng chỉ là quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Nguồn: Thạc sĩ: Đinh Văn Quế
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cám ơn đã đọc bài viết!
- Từ ngày 14/08/2011 để tránh Spam do vậy Comment nặc danh xẽ bị khóa
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Các bạn có thể mã hóa Code TẠI ĐÂY
Thank You!