Bàn về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong Bộ luật hình sự

Trong Bộ luật Hình sự, tình tiết có tính chất côn đồ được quy định là tình tiết định khung tăng nặng ở một số điều luật như, điểm n khoản 1 Điều 93; điểm i khoản 1 Điều 104. Tình tiết có tính chất côn đồ còn là tình tiết tăng nặng, được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.
Để áp dụng thống nhất tình tiết này trong xét xử, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tại công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 1995, Toà án nhân dân tối cao đã giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…(trang 141,142 tập các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng năm 1996).
Tuy nhiên việc áp dụng tình tiết này trong thực tiễn xét xử còn có những quan điểm khác nhau. Sau đây là một ví dụ cần được trao đổi với bạn đọc. Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Khoảng 22 giờ ngày 16/01/2010,Trần Th cùng nhóm bạn đi dự đám cưới ở thôn Tân đức,Triệu thành về thì xảy ra xâu ẩu với nhóm thanh niên ở địa phương khác.Nhóm bạn của Th đuổi theo nhóm thanh niên kia theo hướng xã Triệu đông. Th chạy bộ lên hướng thị xã Quảng trị về nhà .Th chạy được một đoạn thì thấy Lê Văn và Nguyễn Điền đang dừng xe ở bên đường, Văn gọi và đưa tay kéo Th lại nhưng Th vẫn tiếp tục chạy. Lúc nãy, Điền chở Văn chạy theo sau Th khoảng 3 - 4 mét. Nghĩ rằng hai người đuổi theo để đánh nên Th nhặt một viên gạch rồi quay lại ném trúng vào trán của Điền, gây thương tích cho Điền. Nguyễn Điền được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh đến ngày 3/02/2010 ra viện. Bản giám định pháp y thương tích của Trung tâm giám định pháp y kết luận: Nguyễn Điền bị vết thương sọ não hở, gãy xương thái dương và xương đá phải; tụ máu dưới màng cứng ,dập não thái dương phải do vật cứng tác động đã điều trị, di chứng suy nhược thần kinh sọ não, tỷ lệ thương tật tạm thời 23%.
Toà án nhân dân cấp sơ thẩm nhận định: Hành vi của bị cáo Th phạm tội “Cố ý gây thương tích” với hai tình tiết định khung tăng nặng “Dùng hung khí nguy hiểm “ và “Có tính chất côn đồ” vì bị cáo dùng viên gạch bên đường vô cớ gây thương tích cho anh Nguyễn Điền. Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Trần Th 18 tháng tù.
Việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” nêu trên, hiện có hai quan điểm.
Quan điểm thứ nhất: Mặc dù bị cáo dùng viên gạch ném người bị hại nhưng trong bối cảnh bị cáo bỏ chạy từ việc xâu ẩu, đánh nhau trong đám cưới, thời gian ban đêm không rõ mặt người, khi bị kéo tay Th tiếp tục bỏ chạy biểu hiện sự hoảng sợ. Do đó việc Th dùng gạch ném vào đối tượng là nhằm chống trả sự đe doạ tấn công. Không phải là vô cớ ném bị hại.
Quan điểm thứ hai cho rằng:Việc áp dụng tình tiết “ có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Th của Toà án cấp sơ thẩm là đúng pháp luật.
Tác giả bài viết này hoàn toàn đồng tình với việc áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ của Toà án cấp sơ thẩm. Bởi các lẽ sau: nhóm của bị cáo Th xâu ẩu với nhóm thanh niên Triệu Đông tại đám cưới gồm có Hiền, Cường, Dũng, Nhật, Sơn; còn anh Nguyễn Điền chở anh Lê Văn đi từ đám cưới ngang qua chỗ có hai nhóm thanh niên đang xâu ẩu với nhau.Anh Điền và anh Văn không gây xích mích gì với bị cáo. Như vậy giữa bị cáo và bị hại không quen biết, không có mâu thuẫn hay xích mích gì, nhưng khi nghe người đi xe máy phía sau gọi và chỉ nghi ngờ những người này đuổi đánh mình nên bị cáo đã vô cớ dùng gạch ném gây thương tích cho người bị hại.Trong trường hợp giả thiết rằng bị cáo Trần Th cho rằng Điền và Văn là những người đánh Th, nhưng trên thực tế không phải thế .Thì đây là trường hợp “sai lầm về sự việc”. Do đó Th phải chịu trách nhiệm hình sự một cách bình thường. Do đó,việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với bị cáo Th là đúng với tinh thần và nội dung theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao.
Việc nhận thức và áp dụng pháp luật cho đúng đắn là một quá trình. Vì vậy, chúng tôi nêu lên để đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm cùng thảo luận.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

100 CÂU HỎI VỀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ HỒNG KÔNG

Vấn đề có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự